Khủng hoảng tiền hôn nhân là gì? Làm sao để vượt qua?
Khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng tâm lý bất ổn gặp ở các cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hủy hôn và là “mầm mống” đe dọa đến cuộc sống hôn nhân sau này. Chính vì vậy, các cặp đôi cần phải vượt qua khủng hoảng để bước vào đời sống hôn nhân với tâm thế vững vàng nhất.
Khủng hoảng tiền hôn nhân là gì?
Khủng hoảng tiền hôn nhân đề cập đến giai đoạn bất ổn về tâm lý, cảm xúc trước khi kết hôn. Tình trạng này có thể gặp ở nam giới lẫn nữ giới nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến phái nữ. Bởi nữ giới có tính cách nhạy cảm, hay lo lắng và dễ bị ảnh hưởng bởi ánh mắt, lời nói của những người xung quanh.
Khủng hoảng tiền hôn nhân gây ra sự bồn chồn, lo âu, căng thẳng, mệt mỏi và khó chịu kéo dài. Tâm trạng bất ổn khiến cho các cặp đôi dễ bất hòa, thường xuyên mâu thuẫn và xung đột. Thực tế cho thấy, rất nhiều các cặp đôi hủy hôn trước thời điểm diễn ra đám cưới không lâu. Trong đó, hơn 80% trường hợp có liên quan đến khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn tiền hôn nhân.
Nhiều cặp đôi cố gắng kìm nén cảm xúc bất an, bồn chồn để lễ cưới diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên theo các chuyên gia, khủng hoảng trong giai đoạn trước hôn nhân không được khắc phục triệt để sẽ là “mầm mống” hủy hoại mối quan hệ giữa các cặp vợ chồng. Sau khi chung sống, mầm mống này sẽ lớn dần lên khi xảy ra các xích mích về lối sống, tài chính, cách chi tiêu và kết quả có thể là ly thân, ly hôn hay tệ hơn là bạo lực gia đình.
Nguyên nhân gây khủng hoảng tiền hôn nhân
Kết hôn là quyết định quan trọng và chỉ được diễn ra khi cả hai đã có sự thấu hiểu nhất định. Trong thực tế, nhiều cặp đôi đã sống chung trong thời gian khá lâu nhưng vẫn gặp không ít vấn đề trong giai đoạn tiền hôn nhân.
Khi đi đến quyết định kết hôn, cả hai đều mơ ước về cuộc sống hạnh phúc, mang trong mình khát khao được yêu thương, chăm sóc và có người đồng hành vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Cũng chính vì ý nghĩ thiêng liêng này mà không ít cặp đôi cảm thấy áp lực, lo lắng trước khi bước vào đời sống hôn nhân.
Dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tiền hôn nhân được các chuyên gia chỉ ra:
1. Áp lực về việc tổ chức lễ cưới
So với các quốc gia phương Tây, lễ cưới truyền thống của nước ta tương đối phức tạp và đòi hỏi phải có sự cho phép của bố mẹ, người thân trong gia đình. Lễ cưới cần được lên kế hoạch tỉ mỉ với nhiều vấn đề cần chuẩn bị, giải quyết.
Đối mặt với áp lực về việc tổ chức lễ cưới, không ít cặp đôi rơi vào trạng thái căng thẳng và lo âu quá độ. Nếu không có sự thấu hiểu lẫn nhau, các cặp đôi dễ nảy sinh mâu thuẫn và xung đột – nhất là khi hai bên gia đình không thật sự hài lòng về cuộc hôn nhân này.
2. Vấn đề tài chính
Chi phí cho đám hỏi, đám cưới thật sự là thách thức lớn đối với các cặp đôi. Trên thực tế, chi phí thực bao giờ cũng vượt qua chi phí đã dự trù. Điều này cũng gây ra không ít tranh cãi và mâu thuẫn giữa các cặp đôi.
Khi phải đối mặt với vấn đề tài chính, cả hai đều trở nên nhạy cảm, dễ căng thẳng và suy nghĩ sai lệch về đối phương. Đặc biệt, nữ giới sẽ rất dễ phát sinh những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống hôn nhân sau này khi phải liên tục đối mặt với vấn đề tài chính. Nếu không có sự nhường nhịn và thấu hiểu, không ít cặp đôi quyết định hoãn đám cưới để có thể hiểu nhau hơn trước khi bước vào đời sống hôn nhân.
3. Do cuộc sống sau hôn nhân không như dự tính
Ngoài những vấn đề trên, khủng hoảng tâm lý cũng có thể xảy ra do cuộc sống sau hôn nhân không như cả hai dự tính. Vấn đề thường gặp nhất là phải sống chung với gia đình thay vì được ở riêng, phải sinh con theo kế hoạch của bố mẹ,… Đối với những người tự lập và luôn muốn làm chủ cuộc sống của bản thân, những vấn đề này gây ra khá nhiều bất ổn về tâm lý.
4. Do đặc điểm tính cách
Đặc điểm tính cách cũng là yếu tố góp phần gây ra tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân. Người có tính cách nhạy cảm, hay lo âu, tự ti và thiếu kinh nghiệm sống thường dễ gặp phải tình trạng này hơn. Trong khi đó, những cặp đôi đã chững chạc, có kinh nghiệm dày dạn, chủ động và quản lý tốt tài chính sẽ ít gặp phải những vấn đề tâm lý trước khi kết hôn.
5. Do có sẵn các vấn đề tâm lý
Những sự kiện xảy ra trước khi kết hôn rất dễ gây ra sự bất ổn nếu một trong hai có sẵn các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu và căng thẳng thần kinh. Do đó, các chuyên gia thường đưa ra lời khuyên, các cặp đôi chỉ nên tiến đến hôn nhân khi có tài chính, sức khỏe thể chất và tâm lý ổn định. Sự chuẩn bị vững vàng sẽ giúp giảm thiểu những vấn đề phát sinh và giúp cả hai có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc hơn.
6. Do tổn thương tâm lý liên quan đến hôn nhân
Những người từng bị tổn thương tâm lý liên quan đến hôn nhân như từng ly hôn, bị bạo hành gia đình, bố mẹ ly thân, ly hôn, chứng kiến cảnh xung đột, bạo lực thường xuyên,… sẽ có nguy cơ bị khủng hoảng tâm lý cao hơn. Với những người đã từng trải qua những sự kiện này, tâm lý thường trở nên bất ổn, dễ lo âu về cuộc sống hôn nhân,… Khi nỗi sợ lấn át không ít người quyết định từ bỏ kết hôn vì không có đủ can đảm để bước vào cuộc sống mới.
Dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tiền hôn nhân
Khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng khá phổ biến ở những cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Tùy vào đặc điểm tính cách, kinh nghiệm sống và những vấn đề phát sinh, biểu hiện của tình trạng này thường có sự khác biệt ở từng trường hợp.
Các dấu hiệu nhận biết khủng hoảng tiền hôn nhân:
- Luôn cảm thấy mệt mỏi và uể oải, đặc biệt khi chuẩn bị cho lễ cưới. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài tuần đến vài tháng. Thậm chí, một số người còn cảm thấy mệt mỏi khi làm việc, học tập và giảm hứng thú với những hoạt động yêu thích trước đây.
- Căng thẳng và lo âu về các vấn đề cho lễ cưới, tài chính, cuộc sống sau khi kết hôn.
- Tâm trạng bất ổn xen lẫn buồn vui. Sau đó, các cảm xúc tiêu cực sẽ lấn át hết niềm vui và hạnh phúc trong giai đoạn đầu. Trạng thái thường thấy nhất là buồn bã, lo âu, bi quan, hay cáu gắt, tức giận và đôi khi nổi nóng vô cớ.
- Rất khó bình tĩnh khi tranh cãi về việc tổ chức đám cưới, đám hỏi, cuộc sống sau khi kết hôn,… Nếu cả hai đều gặp phải khủng hoảng tâm lý sẽ rất dễ dẫn đến xung đột, cãi vã.
- Mất ngủ, khó ngủ, cơ thể sụt cân và suy nhược.
- Khủng hoảng tiền hôn nhân khiến các cặp đôi khó có thể duy trì sự tập trung trong công việc.
- Những trạng thái tiêu cực này khiến không ít người nảy sinh ý định chia tay hoặc trì hoãn đám cưới để có thời gian thấu hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, đề xuất này thường dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn của một mối quan hệ.
Cách vượt qua khủng hoảng tiền hôn nhân
Khủng hoảng tiền hôn nhân là thách thức đầu tiên mà các cặp đôi phải đối mặt trước khi chính thức trở thành vợ chồng. Thực tế, tình trạng bất ổn về tâm lý trong giai đoạn này có thể do nhiều yếu tố và nguyên nhân. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là sự thấu hiểu và sẻ chia giữa các cặp đôi.
Như đã đề cập, khủng hoảng tiền hôn nhân sẽ là mầm mống của cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Vì vậy, các cặp đôi cần nỗ lực vượt qua trước khi đám cưới diễn ra. Tâm lý bất ổn trước hôn nhân là phản ứng chung của tất cả mọi người. Để vượt qua khủng hoảng tâm lý, các cặp đôi có thể thực hiện những biện pháp sau đây:
1. Thẳng thắn chia sẻ với đối phương
Cách đơn giản và cũng là quan trọng nhất khi gặp phải khủng hoảng tiền hôn nhân là phải thẳng thắn chia sẻ với đối phương. Hầu hết nữ giới đều dễ dàng nhận thấy sự bất ổn về tâm lý và cảm xúc của bạn đời tương lai. Tuy nhiên, nam giới có thể thiếu tinh tế và không phát hiện được sự buồn bực, căng thẳng ở đối phương.
Giai đoạn tiền hôn nhân có khá nhiều vấn đề phải giải quyết và sắp xếp nên đôi khi đối phương có thể không chú ý đến lời nói và cảm xúc của bạn. Thay vì im lặng và suy nghĩ tiêu cực, cho rằng đối phương vô tâm, bạn nên thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, nên giữ tâm lý thoải mái và ổn định trước khi trao đổi bởi lúc này, cả hai đều phải đối mặt với nhiều áp lực nên rất dễ nảy sinh mâu thuẫn và bất đồng.
Chủ động chia sẻ với đối phương sẽ giúp cả hai hiểu nhau hơn và nỗ lực vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này. Sự chia sẻ, thấu hiểu của cũng chính là liều thuốc xoa dịu những cảm xúc tiêu cực và giúp tâm lý trở về trạng thái tốt nhất. Thậm chí, tình cảm giữa các cặp đôi còn trở nên thắm thiết hơn khi cùng nhau vượt qua khủng hoảng tâm lý.
2. Nhờ sự hỗ trợ của người thân, bạn bè
Việc chuẩn bị cho đám cưới thật sự không đơn giản và rất dễ xảy ra sai sót. Vì vậy, thay vì tự mình lên kế hoạch và sắp xếp, các cặp đôi nên nhờ sự hỗ trợ của gia đình. Trong trường hợp gia đình ở xa, có thể liên hệ với bạn bè để được cho lời khuyên hữu ích.
Ngoài ra, các cặp đôi cũng có thể lên kế hoạch và tham khảo thêm ý kiến của một số người bạn thân thiết để tìm ra giải pháp cho những vấn đề nan giải. Tuy nhiên cần nhớ rằng, đám cưới này dành riêng cho bạn nên chỉ lắng nghe ý kiến mọi người với mục đích tham khảo.
Sự hỗ trợ từ những người xung quanh phần nào có thể hạn chế căng thẳng và giúp bạn có thời gian chăm sóc bản thân để lộng lẫy nhất vào ngày trọng đại. Nếu không có nhiều thời gian để lên kế hoạch cho đám cưới, các cặp đôi nên sử dụng dịch vụ trọn gói để có thể tận hưởng ngày vui một cách trọn vẹn nhất.
3. Thực hiện các liệu pháp thư giãn
Trong thời gian trước đám cưới, rất ít cặp đôi có thời gian để thư giãn và chăm sóc bản thân. Điều này khiến cho sự căng thẳng cùng với những cảm xúc tiêu cực có xu hướng gia tăng. Vì vậy bên cạnh thời gian làm việc và lên kế hoạch cho đám cưới, bạn cũng nên dành chút ít thời gian để thực hiện các liệu pháp thư giãn và giải tỏa căng thẳng như:
- Ngồi thiền: Ngồi thiền là biện pháp thư giãn và giải tỏa căng thẳng hữu hiệu có thể thực hiện ngay tại nhà. Phương pháp này giúp xoa dịu những cảm xúc tiêu cực, mang lại sự tỉnh táo, minh mẫn và cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả. Dành 15 – 30 phút ngồi thiền mỗi ngày có thể giúp các cặp đôi cải thiện khủng hoảng tâm lý trong giai đoạn tiền hôn nhân.
- Dùng trà thảo mộc: Suy nghĩ quá nhiều về đám cưới có thể khiến bạn dễ bị mất ngủ, đau đầu và giảm khả năng tập trung. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể sử dụng một số loại trà thảo mộc có tác dụng an dịu thần kinh như trà cam quế, trà hoa oải hương, trà hoa cúc, hoa nhài,…
- Liệu pháp mùi hương: Liệu pháp mùi hương sử dụng hương thơm từ các loại tinh dầu để kích thích khứu giác, từ đó tác động đến hệ thần kinh trung ương. Liệu pháp này có tác dụng giải tỏa căng thẳng, phiền muộn và mang đến giấc ngủ ngon, sâu giấc. Bạn có thể ngửi trực tiếp tinh dầu, cho vào máy khuếch tán hoặc thêm vào nước tắm để thư giãn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nghe nhạc, vẽ tranh, chơi đùa với thú cưng,… để giải tỏa căng thẳng và phiền muộn. Cùng nhau trải nghiệm những hoạt động này cũng sẽ giúp các cặp đôi có khoảng thời gian đáng nhớ trước khi chính thức trở thành vợ chồng.
4. Giữ gìn sức khỏe
Thực tế, không ít cặp đôi bị kiệt sức, suy nhược do phải chuẩn bị quá nhiều thứ cho ngày trọng đại – đặc biệt là với nữ giới. Cơ thể suy nhược khiến cho cô dâu, chú rể trở nên thiếu rạng rỡ và không thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui vào ngày trọng đại.
Ngoài ra, thể chất suy giảm cũng ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý. Chính vì thế, khi gặp phải tình trạng khủng hoảng tiền hôn nhân, bạn nên chú ý giữ gìn sức khỏe để có trạng thái tốt nhất vào ngày vui của bản thân.
Thời gian này, các cặp đôi sẽ mất khá nhiều thời gian để lên kế hoạch cho đám cưới. Do đó, nên sắp xếp công việc sớm và xin nghỉ phép để có thể lo chu toàn mọi thứ. Bên cạnh đó, cần đảm bảo ngủ đủ 6 – 7 tiếng mỗi ngày, ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên. Việc giữ gìn sức khỏe thể chất có thể nâng đỡ tinh thần và giúp các cặp đôi dễ dàng vượt qua khủng hoảng trong giai đoạn trước hôn nhân.
5. Tham gia lớp học tiền hôn nhân
Ngoài việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi cũng nên cân nhắc tham gia khóa học tiền hôn nhân để cuộc sống vợ chồng được hòa hợp và hạnh phúc hơn. Trên thực tế, tình yêu chưa bao giờ là đủ cho một cuộc hôn nhân. Để nhường nhịn và đồng hành cùng nhau qua những khó khăn trong cuộc sống, cả hai cần có sự sẻ chia, nhường nhịn và đồng cảm.
Tham gia các lớp học tiền hôn nhân sẽ giúp cả hai hiểu hơn về cuộc sống sau khi kết hôn từ đời sống vợ chồng, cách sinh hoạt, quản lý tài chính, sinh con, chăm sóc con cái và đặc biệt là cách hóa giải xung đột, mâu thuẫn phát sinh. Qua lớp học này, cả hai sẽ thấu hiểu hơn về vai trò và trách nhiệm của đối phương. Từ đó sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ và đồng hành cùng nhau trên chặng đường dài phía trước.
Chính vì ý nghĩa này, việc tham gia vào các khóa học tiền hôn nhân cũng góp phần cải thiện và xoa dịu khủng hoảng tâm lý tiền hôn nhân. Khóa học sẽ giúp các cặp đôi tìm được tiếng nói chung và dễ dàng hóa giải những mâu thuẫn phát sinh trong thời gian chuẩn bị cho đám cưới. Đồng thời xoa dịu tâm trạng lo lắng ở những người từng bị sang chấn tâm lý do bạo hành gia đình, ly dị, sống trong gia đình không hạnh phúc,…
Khủng hoảng tiền hôn nhân là tình trạng khá phổ biến ở các cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Hy vọng qua những thông tin hữu ích trong bài viết, các bạn có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn này để bắt đầu cuộc sống mới một cách vững vàng và thoải mái nhất.
Tham khảo thêm:
- 17 Cách giảm stress, căng thẳng nhanh chóng hiệu quả
- Căng thẳng mệt mỏi kéo dài có nguy hiểm không? Khắc phục thế nào?
- Rối loạn tâm lý là gì? Các dạng rối loạn tâm lý thường gặp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!