Decidophobia: chứng sợ hãi tột độ mỗi khi đưa ra quyết định

Chứng sợ hãi tột độ mỗi khi đưa ra quyết định Decidophobia khiến người bệnh không có khả năng kiểm soát cuộc đời mình vì không thể tự lựa chọn được. Với một vấn đề rất nhỏ nhưng với sự lo âu của mình, họ có thể phân tích hết mọi khía cạnh của vấn đề nhưng chốt lại vẫn không thể đưa ra hướng giải quyết cuộc cùng mà vẫn cần phải phụ thuộc vào một ai đó.

Chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định Decidophobia là gì?

Chúng ta thường cảm thấy lo lắng và khó khăn khi cần đưa ra một quyết định nào đó mà không thể nắm bắt được kết quả ở tương lai. Chẳng hạn như khi đứng trước một ngã ba đường bạn sẽ không thể biết đường nào sẽ đưa bạn tới đích, đi đường này liệu có đúng không, đường kia có lạc không. Tuy nhiên cuối cùng bắt buộc chúng ta vẫn phải đưa ra quyết định chứ không thể cứ mãi dậm chân tại chỗ.

Chứng sợ hãi tột độ mỗi khi đưa ra quyết định
Chứng sợ hãi tột độ mỗi khi đưa ra quyết định được đặc trưng bằng việc người đó bị căng thẳng quá mức khi tự đưa ra lựa chọn trong bất cứ vấn đề nào

Tuy nhiên với người mắc chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định, việc họ phải đưa ra một quyết định nào đó thật sự là một nỗi ám ảnh kinh hoàng mà họ không muốn xảy ra. Trạng thái căng thẳng, hoang mang của họ được thể hiện một cách cực kỳ mạnh mẽ khi đứng trước sự lựa chọn, cho dù là các tình huống đơn giản nhất, chẳng hạn chọn xem hôm nay ăn món gì.

Chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định có tên quốc tế là Decidophobia, được xếp vào nhóm rối loạn lo âu với đặc trưng là nỗi lo âu, căng thẳng được biểu hiện một cách vô lý và quá mức. Những người này thậm chí có thể ngất xỉu nếu họ bắt buộc phải tự đưa ra quyết định trong một vấn đề nào đó dù vốn dĩ nó cực kỳ đơn giản và dễ giải quyết.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Trong cuộc sống hằng ngày có vô vàn các vấn đề cần chúng ta đưa ra quyết định, chẳng hạn nghĩ xem hôm nay nên ăn gì, nên mặc trang phục gì, có nên ký kết các hợp đồng này hay không. Do đó cuộc sống của những người mắc chứng sợ hãi khi đưa ra quyết định cực kỳ bất ổn, họ dường như phải sống trong căng thẳng và lo lắng mỗi ngày.

Biểu hiện chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định

Như đã nói, ngay trong cuộc sống hằng ngày cũng ta cũng có vô vàn các vấn đề cần lựa chọn. Điều này đồng nghĩa với việc các triệu chứng của chứng sợ hãi khi đưa ra quyết định dường như xuất hiện mỗi ngày khiến những người này luôn phải sống trong căng thẳng, sợ hãi, mệt mỏi. Ngay cả việc ở nhà đôi khi cũng có thể khiến họ căng thẳng vì lo lắng.

Chứng sợ hãi tột độ mỗi khi đưa ra quyết định
Việc phải đưa ra quyết định luôn khiến những người này sợ hãi, hoảng loạn tột độ

Cụ thể, một số dấu hiệu điển hình của chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định Decidophobia như

  • Các triệu chứng lo âu được biểu hiện một cách rõ rệt và quá mức khi người đó buộc phải đứng trước sự lựa chọn như run rẩy, khô miệng, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, choáng váng, buồn nôn, toát mồ hôi hột.. Thậm chí những người này có thể ngất xỉu khi buộc phải đứng trước các tình huống quá căng thẳng và nhiều sức ép.
  • Có xu hướng bỏ chạy, tìm các trốn tránh khi đứng trước các tình huống buộc họ phải đưa ra quyết định
  • Thường làm quá vấn đề, suy nghĩ và phân tích sâu xa khiến vấn đề đó trở nên rối rắm hơn và không thể đưa ra một quyết định cuối cùng cho dù vốn dĩ đó là một tình huống rất đơn giản. Chẳng hạn khi phải quyết định xem nên đăng ký thi đại học trường nào, họ sẽ lo lắng rằng liệu thi trường A có ổn không, môi trường có tốt không, trường B thì có dễ xin được việc khi ra trường không, nếu học trường C có đủ học phí không? Hàng trăm câu hỏi và những vấn đề cứ xuất hiện trong tâm trí khiến họ không thể quyết định được nên đăng ký trường nào tốt nhất.
  • Người mắc chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi vì không biết mình làm như thế là đúng hay sai, sợ bị những người khác chỉ trích nên mới không biết nên đưa ra lựa chọn nào là đúng
  • Có xu hướng phụ thuộc vào người khác trong việc đưa ra quyết định hoặc cần tìm kiếm sự ủng hộ cũng là một đặc điểm của người mắc chứng Decidophobia
  • Có thể gặp một số vấn đề trong giao tiếp xã hội do những người này luôn chần chừ, thiếu quyết đoán, không thể tự giải quyết bất cứ vấn đề nào.

Nguyên nhân chứng chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định

Thực tế vẫn chưa thể xác định chính xác cơ chế gây chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định, tuy nhiên tạm thời các chuyên gia có thể chỉ ra một vài yếu tố có thể liên quan. Trong đó những ám ảnh từ các sự kiện trong quá khứ hoặc ảnh hưởng bởi các đặc tính từ các thành viên trong gia đình được cho là có tác động chủ yếu đến Decidophobia .

Chứng sợ hãi tột độ mỗi khi đưa ra quyết định
Những quyết định thất bại trong quá khứ chính là yếu tố khiến nhiều người rơi vào căng thẳng khi phải quyết định

Cụ thể, các yếu tố tác động liên quan như sau

  • Một số người đã từng đưa ra những sự lựa chọn sai lầm trong quá khứ và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng khiến bản thân những người này dần mất tự tin khi cần đưa ra một quyết định nào đó. Chẳng hạn việc họ ký kết nhận một hợp đồng làm việc nhưng kết quả lại thất bại dẫn tới thua lỗ nặng, điều này khiến họ luôn tự trách cứ sai lầm của bản thân, ám ảnh với điều này nên mới không dám đưa ra quyết định trong những vấn đề khác vì sợ sai lầm sẽ lặp lại.
  • Từng bị người khác chê cười, trêu chọc có liên quan đến những quyết định của bản thân cũng là nguyên nhân hình thành chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định. Chẳng hạn sau khi cắt tóc hay thay đổi phong cách, một người bỗng trở thành tâm điểm chú ý, trở thành chủ đề bàn tán bị mọi người trêu chọc nên họ cũng dễ trở nên căng thẳng, lo lắng hơn bình thường, cảm thấy sự lựa chọn của mình luôn là sai lầm. Hay việc họ đặt món ăn này nhưng kết quả lại không ngon nên bị người khác chê trách nên lúc nào họ cũng sợ rằng mình sẽ lại bị chê bai lần nữa.
  • Ảnh hưởng từ các yếu tố gia đình cũng được cho là có liên quan đến Decidophobia. Chẳng hạn nếu trong gia đình có những người luôn lo lắng quá mức, luôn thiếu quyết đoán hoặc kiểm soát những người này quá mức cũng có thể khiến họ dần mất tự tin và không dám tự đưa ra quyết định một mình. Chẳng hạn một người luôn được cha mẹ bảo bọc, quyết định mọi vấn đề từ ăn uống, ăn mặc, tóc tai, học trường gì, mỗi khi họ có ý kiến cũng đều bị bác bỏ cũng sẽ hình thành xu hướng phụ thuộc vào người khác và căng thẳng khi tự quyết vì không biết mình có làm tốt không, cha mẹ cho phép không.

Decidophobia gây ra ảnh hưởng như thế nào?

Nếu làm bạn với một người mắc chứng Decidophobia chắc chắn bạn sẽ thường nghe được những câu trả lời như “sao cũng được”, “mọi người sao thì mình vậy”, ” không biết có nên làm như thế này không, nếu thất bại thì phải làm sao”, “không biết nữa, đừng bắt mình phải quyết định”… Những nỗi lo âu khiến người này không thể đưa ra quyết định ngay trong chính những việc nhỏ nhất như hôm nay ăn gì.

Chứng sợ hãi tột độ mỗi khi đưa ra quyết định
Những quyết định thất bại trong quá khứ chính là yếu tố khiến nhiều người rơi vào căng thẳng khi phải quyết định

Chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và cả các mối quan hệ của mỗi người. Vì không thể đưa ra quyết định nên những người này luôn bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển của bản thân, đặc biệt trong việc nắm bắt cơ hội công việc. Vì quá lo lắng nên họ luôn phân vân không biết nếu nhận việc đó có thực sự tốt hay không, có nên thay đổi hướng phát triển hay không và kết quả luôn là bỏ lỡ thời điểm vàng để thay đổi chính mình, mãi cứ dậm chân một chỗ vì sự hèn nhát của chính mình.

Bên cạnh đó, chứng Decidophobia cũng có thể làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ do những người này không thể tự quyết định và cũng có xu hướng phụ thuộc vào người khác trong khi lựa chọn đó liên quan đến cuộc đời mình. Một số cảm thấy họ quá phiền phức trong khi một số khác có thể nắm bắt điểm yếu này để lợi dụng bạn.

Đặc biệt, do sự căng thẳng và lo âu diễn ra thường xuyên nên những người này cũng có thể gặp các vấn đề liên quan đến tim mạch, huyết áp, tiêu hóa. Ngay cả việc ở trong nhà cũng không thể loại bỏ sự căng thẳng quá mức trong tâm trí của họ bởi mỗi ngày có hàng loạt các vấn đề cần chúng ta phải đưa ra quyết định.

Chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định – làm thế nào để vượt qua?

Thực tế thì bản thân mỗi chúng ta cũng thường cảm thấy lo lắng, khó khăn khi phải đưa ra một quyết định nào đó, đặc biệt là các vấn đề quan trọng có thể thay đổi vận mệnh của bản thân hay một ai đó. Tuy nhiên cuộc sống của chúng ta phải do chính chúng ta làm chủ, dù đúng đắn hay sai lầm thì cũng do chính bản thân chịu trách nhiệm nên không thể tránh khỏi việc đưa ra một quyết định nào đó.

Nỗi sợ hãi thường xuất phát từ sâu trong tâm trí và được hình thành từ rất nhiều yếu tố nên không thể nói việc loại bỏ là loại bỏ được, đó thực sự là một quá trình dài. Sự kiên trì và quyết tâm của chính bạn chính là chìa khóa quan trọng để vượt qua được nỗi căng thẳng này.

Học cách kiểm soát sự sợ hãi

Chúng ta thường bỏ trốn và gục ngã trước nỗi sợ hãi, vì thế để vượt qua được chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định đầu tiên hãy học cách làm chủ cảm xúc của bản thân, bình tĩnh trước mọi tình huống. Sự sợ hãi choán ngợp lấy toàn bộ tâm trí khiến mọi suy nghĩ của chúng ta trở thành một mớ bùng nhùng, nhưng khi bình tĩnh lại thì tự khắc các vấn đề được diễn giải một cách thông suốt và rõ nét hơn.

Chứng sợ hãi tột độ mỗi khi đưa ra quyết định
Kiểm soát nỗi sợ hãi chính là yếu tố quyết định để vượt qua chứng Decidophobia

Một số biện pháp có thể giúp bạn giảm sự lo âu chính là học cách hít thở sâu để cân bằng lại nhịp thở, nhịp tim và huyết áp. Hít một hơi thật sâu để bụng hoàn toàn căng ra trong 5s và thở ra từ từ bạn sẽ cảm thấy trạng thái run rẩy, choáng váng khi đứng trước các tình huống căng thẳng được giảm đáng kể. Bên cạnh đó, học thiền hay yoga cũng giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc kiểm soát cảm xúc, lấy lại trạng thái cân bằng cho tâm trí.

Người Nhật còn có một biện pháp giảm căng thẳng lo lắng rất hay có tên là Jin Shin Jyutsu – phương pháp giữ ngón tay. Trong đó ngón tay cái tương ứng với sự lo lắng, ngón trỏ là sợ hãi, ngón giữa là tức giận, ngón áp út là buồn và ngón út là căng thẳng. Việc xoa bóp hay giữ các ngón tay này bằng bàn tay còn lại sẽ giúp bạn giảm các cảm xúc này.

Chấp nhận sai lầm và tin tưởng vào bản thân

Chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định được hình thành từ chính việc mất niềm tin vào bản thân, vì vậy điều bạn cần làm chính là cho bản thân thêm cơ hội và đặt niềm tin vào chính mình. Cuộc sống của mỗi người do chính họ tự chịu trách nhiệm, dù đúng đắn hay sai lầm thì họ cũng cần chấp nhận. “Thất bại là mẹ thành công” bởi thất bại không có gì đáng sợ nếu bạn biết học hỏi, biết rút ra cho mình những bài học để không lặp lại sai lầm.

Học cách đặt niềm tin vào chính mình thay vì cứ mãi phụ thuộc vào một ai khác chính là điều quan trọng giúp những người mắc chứng Decidophobia chiến thắng nỗi sợ hãi này. Để làm được điều này, bạn cần khám phá được chính mình, tìm kiếm thế mạnh của bản thân và tập trung phát triển các kỹ năng khác để hoàn thiện hơn. Học hỏi là không bao giờ muộn và chỉ khi hiểu được nội tại của chính mình thì bạn sẽ chẳng còn cảm thấy sợ hãi.

Bên cạnh đó, trò chuyện với một người đáng tin cậy, không phải để hỏi họ về quyết định của mình mà để hiểu hơn về bản thân. Đôi khi chính chúng ta không thể nhìn nhận được mình đang thiếu sót về điều gì, mình có thế mạnh về mặt nào cho đến khi có một người nào đó “khai sáng”. Hơn hết việc nói chuyện với một người tích cực và đáng tin cậy giống như đang truyền đến cho bạn một nguồn năng lượng to lớn để hoàn thiện bản thân tốt hơn.

Sắp xếp và đánh giá các vấn đề đang vướng mắc

Một lỗi thường gặp khiến không chỉ những người mắc chứng chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định gặp phải, mà ngay chính cũng ta cũng dễ vướng phải chính là không giải quyết gọn gàng mọi vấn đề. Tức là chúng ta thường chỉ giải quyết nửa chừng 1 vấn đề, sau đó lại nghĩ sang vấn đề khác, để vấn đề đó dang dở rồi lại tiếp tục nghĩ nửa chừng vấn đề khác tiếp tục. Bởi vậy trong tâm trí chúng ta mới là một mớ bòng bong không được giải quyết.

Chứng sợ hãi tột độ mỗi khi đưa ra quyết định
Sắp xếp các vấn đề theo thứ tự ưu tiên và luôn chủ động trong sắp xếp mọi chuyện sẽ giúp bạn tự tin hơn với quyết định của bản thân

Như vậy, để vượt qua chứng Decidophobia bạn cũng cần học cách phân tích và sắp xếp các vấn đề. Chẳng hạn trong việc quyết định chọn trường, bạn hãy thử sắp xếp các lựa chọn theo những trường mà bạn cảm thấy hứng thú nhất trở xuống. Sau đó từng trường bạn nêu ra các ưu nhược điểm cụ thể, bao gồm cả rủi ro có thể gặp phải và liệu có hướng giải quyết nếu có sự cố đó? Khi đó, rõ ràng vấn đề sẽ hiện ra rõ nét hơn để bạn quyết định.

Tất nhiên cách thức này có thể làm bạn tốn thời gian nhưng chắc chắn nó sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin hơn với quyết định của bản thân, đặc biệt cần thiết với người mắc chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định. Mặt khác như đã nói, đôi lúc cho dù có sai lầm hay thất bại một chút cũng không phải vấn đề gì quá to tát, quan trọng là chúng ta bình tĩnh và tiếp tục giải quyết các phát sinh.

Chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định – Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia

Decidophobia được các chuyên gia xếp vào nhóm rối loạn lo âu, vì thế việc tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia hay những người có chuyên môn cũng là việc cần thiết. Người bệnh cần trò chuyện trực tiếp với bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý, làm một số bài test để xác định các triệu chứng, nếu đã kéo dài trên 6 tháng sẽ được chẩn đoán là chứng sợ hãi khi đưa ra quyết định và đưa ra lộ trình riêng cho từng người.

Chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định là một vấn đề tâm lý và chẳng có loại thuốc đặc trị nào có thể loại bỏ được nỗi sợ hãi của con người. Trong một vài trường hợp, bác sĩ tâm thần cũng có thể chỉ định các nhóm thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần hay các nhóm thuốc giảm lo âu để xoa dịu những trạng thái căng thẳng quá mức. Tuy nhiên các nhóm thuốc này cũng kèm theo nhiều tác dụng phụ nên cần hạn chế, tuyệt đối không nên lạm dụng.

Bên cạnh đó, các liệu pháp tâm lý mới chính là biện pháp chính được hướng tới để giúp người bệnh giảm các nỗi lo âu ám ảnh vô lý của bản thân. Các biện pháp giúp kiểm soát cảm xúc căng thẳng quá mức sẽ được nhà trị liệu hướng dẫn để hạn chế các trạng thái cảm xúc kích thích quá mức khi phải đứng trước các tình huống mà ho buộc phải đưa ra lựa chọn.

Nhà trị liệu cũng tạo ra các tình huống phù hợp và yêu cầu người bệnh đưa ra quyết định, từ đó dần tạo ra cơ chế thích nghi khi họ có thể lựa chọn mà không thấy nó quá đáng sợ. Liệu pháp nhận thức hành vi CBT giúp người bệnh nhìn nhận rõ nét về nỗi sợ của mình và nhận thức được nỗi sợ đó đã tác động đến bản thân như thế nào, từ đó dần có những nhận thức tích cực hơn.

Tùy từng trường hợp về mức độ chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định mà các liệu pháp được đưa ra khác nhau. Quan trọng là bản thân người bệnh cần thật sự kiên trì và quyết tâm. Thay đổi một chế độ sống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh xa căng thẳng, tránh xa các chất kích thích cũng mang đến cho người bệnh rất nhiều cải thiện tích cực trong đời sống.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Chứng sợ hãi tột độ khi đưa ra quyết định Decidophobia thực tế có rất nhiều người gặp phải, tuy nhiên có thể mức độ không quá nghiêm trọng nên nhiều người thường bỏ qua và chấp nhận chịu đựng. Dù là thế nào, mỗi người cũng cần học cách tin tưởng bản thân, chấp nhận những sai lầm, suy nghĩ đơn giản hơn sẽ thấy mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *