Gelotophobia (Sợ bị cười nhạo): Cách nhận biệt và vượt qua nỗi sợ
Tất cả chúng ta chắc chắn không ai thích bị cười nhạo hay trở thành đề tài bàn tán của người khác, tuy nhiên thường chỉ dừng ở mức không vui hay khó chịu mà thôi. Tuy nhiên với những người mắc chứng sợ bị cười nhạo Gelotophobia có thể cảm thấy vô cùng hoảng loạn, khó thở, toát mồ hôi khi cảm thấy rằng những người kia đang nói về mình, cho dù thực tế không phải vậy, tất cả chỉ do họ tự suy diễn mà thôi.
Hội chứng sợ bị cười nhạo Gelotophobia là gì?
Không phải ai trong chúng ta cũng thích làm trung tâm của sự chú ý, thích được mọi người bàn tán, tung hê hay nói sai lưng. Trừ những người nổi tiếng hay vốn đã quen với sự bàn tán, hầu hết chúng ta thường luôn cảm thấy khó chịu, căng thẳng, lo lắng khi biết ai đó đang nói về mình. Đây là một trạng thái tâm lý rất hiển nhiên nhưng chúng thường chỉ dừng ở mức độ không vui vẻ hay bực tức, khó chịu một chút mà thôi.
Trong khi đó những người mắc hội chứng sợ bị cười nhạo Gelotophobia họ sẽ có những phản ứng cực kỳ mạnh mẽ khi biết rằng ai đó hay một nhóm người nào đó đang chỉ trỏ, nói về mình. Các phản ứng căng thẳng của họ được bộc lộ một cách rõ rệt thông qua việc họ run rẩy, toát mồ hôi, thậm chí xuất hiện cả ảo thanh, ảo thị về việc bản thân đang bị cười nhạo.
Gelotophobia là thuật ngữ được lấy từ ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại, trong đó “gélōs” – có nghĩa là cười và “phobia” nghĩ là nỗi sợ hãi được nhà tâm lý học Michael Titze đưa ra vào năm 1995. Thuật ngữ này trước đây được dùng để chỉ những người luôn thấy bản thân lố bịch và cho rằng những người khác đang chế nhạo, hạ thấp danh dự của bản thân.
Hội chứng sợ cười nhạo được coi là một vấn đề tâm lý thuộc nhóm rối loạn lo âu bởi những người mắc chứng này luôn có những nghi hoặc vô căn cứ về việc người khác đang cười nhạo hay chỉ trỏ về mình. Nỗi căng thẳng của họ xuất hiện ngay cả khi họ thấy một ai đó chỉ vô tình lướt qua nhìn họ và cười.
Biểu hiện chứng sợ bị cười nhạo
‘Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” tuy nhiên với người mắc chứng gelotophia, nụ cười lại là một liều “thuốc độc” hay chính xác hơn là một mồi lửa kích hoạt những quả bom trong tâm trí họ. Các triệu chứng của hội chứng sợ cười nhạo có thể xuất hiện trong bất cứ tình huống, bất cứ địa điểm nào, chỉ cần họ thấy những người khác cười là những cảm xúc căng thẳng của họ bắt đầu xuất hiện.
Một số triệu chứng điển hình của hội chứng sợ bị cười nhạo như
- Khi thấy có người nhìn hay cười với mình sẽ luôn cảm thấy họ đang cười nhạo, chỉ trỏ, cho rằng trên mặt mình có dính vết gì đó, mình ăn mặc có vấn đề, quần áo bị làm sao.. Họ sẽ vội vàng đi kiểm tra lại xem mình có vấn đề gì bất thường không, nếu không có sẽ cảm thấy cực kỳ lo lắng, bối rối không biết vì sao những người đó lại cười nhạo mình.
- Nếu bắt gặp một ai đó hay một nhóm người đang có biểu hiện chỉ trỏ hay cười mình sẽ cảm thấy căng thẳng, toàn thân run rẩy, thở dốc, toát mồ hôi, khô miệng, căng cứng cơ, nhịp thở gấp và có xu hướng muốn chạy trốn. Một số khác có thể cảm thấy bị kích động, muốn đánh nhau hay tấn công đối phương, tuy nhiên đa phần họ đều nhút nhát và cảm thấy muốn trốn chạy
- Người mắc chứng sợ bị cười nhạo luôn có xu hướng tách biệt, cô lập bản thân, tránh tham gia các hoạt động xã hội vì luôn cảm thấy bản thân đang bị cười nhạo, bị người khác chỉ trỏ nên dần dần giảm các tương tác xã
- Không hiểu người khác cười vì lý do gì nhưng luôn cảm thấy rằng người đó đang nói về mình, luôn nghi ngờ mọi thứ xung quanh, có những nhận thức sai lệch, chủ quan, vô căn
- Không thể dành quá nhiều cảm xúc trong một mối quan hệ, thậm chí dễ dàng rời bỏ đối phương nếu họ cảm thấy người luôn cười nhạo hay trêu chọc mình
- Trở nên nhạy cảm thái quá và phi lý trước nhiều tình huống nên dễ xa rời các hội nhóm, dễ xuất hiện các xung đột, mâu thuẫn, đặc biệt trong các trạng thái kích thích khi cảm thấy người khác đang nói về mình (dù chắc chắn sự thật không phải như thế)
- Có xu hướng quan sát và cảnh giác với xung quanh để phòng ngừa những tình huống mà họ cho rằng đối phương đang cười nhạo
- Luôn có những suy nghĩ tiêu cực, bi quan, lo lắng về mọi thứ, không cảm nhận được sự vui vẻ hay hạnh phúc
- Luôn có cảm như mọi người xa lánh mình, không thực sự thân thiện với mình
- Rối loạn giấc ngủ hoặc gặp ác mộng vì những suy nghĩ cho rằng mọi người xung quanh bàn tán cười nhạo mình
Nguyên nhân hội chứng sợ bị cười nhạo
Các nghiên cứu hiện nay vẫn chưa thể xác định chính xác cơ chế của chứng sợ bị cười nhạo, tuy nhiên tạm thời xác định một vài yếu tố có liên quan, đặc biệt là những ám ảnh từ quá khứ. Michael Titze – người đã phát hiện ra những bất thường ở một số bệnh nhân tâm lý khi họ luôn cảnh giác xung quanh, cho rằng mọi người đang cười nhạo chế giễu mình còn gọi đây là “hội chứng Pinocchio”.
Thực tế theo các chuyên gia, nguyên nhân gây Gelotophobia cũng phụ thuộc vào rất nhiều tình huống, trường hợp khác nhau. Cụ thể, một số yếu tố được cho là có liên quan đến hội chứng sợ bị cười nhạo như
- Ám ảnh từ quá khứ: những người từng có tuổi thơ bị bắt nạt, cười cợt hay trêu chọc một cách quá mức trong quá khứ sẽ dần hình thành tâm lý cho rằng những người xung quanh tiếp tục lặp lại điều này. Tình huống này thường gặp ở những người có hoàn cảnh gia đình kém hoàn hảo, có khiếm khuyết về ngoại hình, hoặc bất cứ một yếu tố nào đó khiến họ trở nên khác biệt với xung quanh. Không chỉ ở trẻ nhỏ mà ngay cả người trưởng thành cũng có thế bị ám ảnh bởi những lời nhạo báng, chẳng hạn nạn bắt nạt nơi công sở hay phân biệt vùng miền vẫn đang cực kỳ phổ biến hiện nay.
- Thiếu sự quan tâm từ gia đình: gia đình có tác động rất lớn để quá trình trưởng thành, nhân cách và nhận thức của mỗi người. Trong thời kỳ thơ ấu, nếu gia đình có sự quan tâm không đúng đắn dễ khiến trẻ có những tư tưởng, nhận thức sai lệch, chẳng hạn sự thờ ơ hay lạnh nhạt, thậm chí là cười cợt khi thấy trẻ khoe về một thành tựu cá nhân nào đó.
Nói chung, chứng sợ bị cười nhạo thường được hình thành từ việc lặp đi lặp lại những chấn thương tâm lý trong thời gian dài, bản thân những người bệnh cũng có tâm lý yếu nên không thể chống đỡ được những tổn thương này. Hội chứng này có thể xuất hiện ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành nhưng thường có tỉ lệ gặp cao hơn ở trẻ em và phụ nữ vì tâm lý những đối tượng này thường nhạy cảm hơn.
Hệ lụy từ hội chứng sợ bị cười nhạo
Việc bắt gặp các tình huống có ai đó cười với mình, kể cả những người xa lạ là rất bình thường hay việc nhìn thấy các nhóm cười tụ tập và cười nói càng là điều bình thường hơn nữa. Không thể tránh khỏi các trường hợp như vậy trong đời sống hằng ngày, vì vậy người mắc chứng sợ bị cười nhạo Gelotophobia sẽ ngày càng có xu hướng cô lập bản thân hơn, ít ra ngoài hòa nhập với xã hội để phòng tránh việc tiếp xúc với các tình huống tương tự.
Do các hành vi né tránh này nên người bệnh dần giảm các hành vi, kỹ năng tương tác xã hội, sống cô độc do cảm thấy không thể gắn bó, kết nối với ai, luôn nghi ngờ xung quanh đang cười nhạo mình. Một số khác hầu như không thể làm việc hay đi đến những môi trường đông người vì luôn cảm thấy căng thẳng, nghi ngờ rằng những người xung quanh đang bàn tán, chế nhạo mình.
Chứng sợ bị cười nhạo nếu không sớm có hướng kiểm soát kịp thời, nhanh chóng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống, tinh thần của mỗi người. Nỗi sợ này dần sẽ phát triển thành lo âu nghiêm trọng hơn và dẫn tới trầm cảm. Sự nhìn nhận sai lệch có thể khiến những người này ngày càng trở nên cáu kỉnh và dễ kích động hơn, thậm chí có các hành vi tấn công người khác hay tự làm đau bản thân vì cho rằng những người xung quanh đang bàn tán, cười nhạo mình.
Nói chung, bất cứ bất thường nào về tâm lý đều ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp tinh thần và chất lượng cuộc sống của mỗi người nên tuyệt đối không được chủ quan. Cuộc sống của những người này dần mất đi sự vui vẻ, hài hước mà luôn chìm đắm trong lo lắng và căng thẳng nên chắc chắn không thể thoải mái hay hạnh phúc.
Hướng điều trị chứng Gelotophobia
Giống như các vấn đề tâm lý khác thuộc nhóm rối loạn lo âu, việc điều trị chứng sợ bị cười nhạo Gelotophobia cần có nhiều thời gian để lấy lại nhận thức đúng đắn hơn cho người bệnh. Việc điều trị cần có sự hỗ trợ từ các chuyên gia để đảm bảo chẩn đoán chính xác nhất tình trạng của từng người. Các chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần đều đó vai trò quan trọng trong chẩn đoán và đưa ra lộ trình điều trị thích hợp cho từng người.
Gelotophobia có thể được đưa ra chẩn đoán thông qua việc trò chuyện trực tiếp và làm một số bài test tâm lý liên quan. Nếu các triệu chứng đã kéo dài trên 6 tháng và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người bệnh sẽ được chẩn đoán là bệnh và lên phương án điều trị thích hợp cho từng người.
Trị liệu tâm lý
Chăm sóc tâm lý là phương án chính được hướng tới cho những người mắc chứng sợ bị cười nhạo nhằm hướng người bệnh đến những nhận thức đúng đắn và tích cực hơn. Nhà trị liệu sẽ thông qua việc trò chuyện hoặc thôi miên để đi sâu vào nhận thức, tìm ra gốc rễ vấn đề khiến người đó cảm thấy tinh thần tiêu cực, sợ hãi vô lý với tiếng cười như thế, từ đó bắt đầu tìm cách tháo gỡ các khúc mắc này.
Liệu pháp nhận thức hành vi và phơi nhiễm được cho là có mang đến kết quả tốt nhất cho những người đang có những nỗi lo âu sợ hãi vô lý nhằm kiểm soát dần được tâm lý này. Nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh nhìn nhận rõ bản thân đang có những nỗi căng thẳng vô lý, không có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời học cách kiểm soát cảm xúc đúng cách cho bản thân.
Nhà trị liệu cũng có thể tạo cho những người mắc chứng sợ bị cười nhạo một môi trường phù hợp để đối diện trực tiếp với nỗi sợ hãi của bản thân, từ đó dần tăng mức độ thích nghi với nỗi sợ. Các liệu pháp đối diện với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc nhằm hạn chế các hành vi kích thích trong các tình huống tiếp xúc với nỗi sợ hãi cũng được chỉ định để hỗ trợ người bệnh.
Nói chung, người bệnh nếu đáp ứng tốt với các liệu pháp trị liệu có thể mang đến kết quả rất khả quan cho tinh thần, cuộc sống. Người bệnh dần nhận thức được rằng việc người khác cười hoàn toàn không liên quan đến bản thân, hoặc có thể hòa nhập cả vào các tình huống gây cười cùng những người xung quanh. Các kỹ năng xã hội cũng dần được cải thiện, người bệnh có thể tham gia sinh hoạt động đồng như bình thường.
Các kỹ thuật thư giãn nhẹ nhàng cũng được nhà trị liệu hướng dẫn cho bệnh nhân mắc chứng sợ bị cười nhạo để nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi ngày cho bệnh nhân. Khi tinh thần người bệnh đã thực sự được khai mở, thoải mái sẽ tự nhìn nhận vấn đề tích cực hơn, chất lượng cuộc sống cũng cần được cải thiện đáng kể.
Dùng thuốc
Thuốc không thể loại bỏ nỗi lo âu của bất cứ ai, tuy nhiên nó có thể xoa dịu tinh thần tạm thời trong trạng thái bị kích thích tinh thần quá mức cho người bệnh. Thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm lo âu và thuốc an thần có thể được chỉ định cho một vài bệnh nhân trong một số trường hợp, tuy nhiên cần có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Bên cạnh đó các nhóm thuốc này cũng thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ nên người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng hay tự ý tăng/ giảm hay nhưng thuốc đột ngột. Các nhóm thuốc cũng được giảm dần tùy theo mức độ cải thiện của sợ bị cười nhạo nên người bệnh cũng cần theo dõi và ghi chép các triệu chứng, thông báo lại với bác sĩ để có hướng kiểm soát tốt nhất.
Thay đổi một cuộc sống lành mạnh, tích cực, tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, ăn uống khoa học cũng mang đến vô vàn tác dụng cho những người mắc chứng sợ bị cười nhạo. Hãy để mỗi nụ cười đều lan tỏa đến những năng lượng tích cực, tươi mới trong cuộc sống, chứ không phải là nỗi sợ hãi. Bản thân mỗi chúng ta cũng cần sử dụng đúng mục đích của nụ cười, đừng khiến nó trở thành “công cụ” để đả kích những người xung quanh.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ già (Gerascophobia): nỗi ám ảnh về sự lão hóa
- Hội chứng mệt mỏi kinh niên thường xuất hiện ở người nào?
- Thanatophobia: Nỗi sợ về cái chết vượt qua bằng cách nào?
- Thao túng tâm lý nơi công sở: Cách nhận diện và đối phó
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!