Hội chứng sợ già (Gerascophobia): Nỗi ám ảnh về sự lão hóa
Hội chứng sợ già (Gerascophobia) thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ và có thể khiến họ trở nên hoang mang tột độ nếu phát hiện trên làn da có những nếp nhăn, đốm nâu hay khi thấy đau lưng, đau đầu.. Những người này cũng có xu hướng lạm dụng làm đẹp hay chăm sóc sức khỏe một cách thái quá để tránh khỏi mọi dấu hiệu quả tuổi tác.
Hội chứng sợ già (Gerascophobia) là gì?
Tất nhiên chúng ta không ai là không sợ già, tuy nhiên hầu như chúng ta đều phải chấp nhận điều này bởi đây là một quá trình diễn ra hoàn toàn tự nhiên, là quy luật của tạo hóa nên không thể tránh khỏi. Tuy nhiên có những người trở nên hoảng loạn cực độ, căng thẳng, mất ăn mất ngủ nếu thấy bản thân có bất cứ dấu hiệu nào của lão hóa. Đấy chính là do những người này đã mắc hội chứng sợ già.
Hội chứng sợ già có tên khoa học là Gerascophobia, là một nỗi ám ảnh lo âu vô lý của con người. Gerascophobia được kết hợp từ những tiếng Hy Lạp cổ, trong đó “geraso” (γέρωγέρω) có nghĩa là “Tôi đang già đi” và “phobia” có nghĩa là nỗi sợ, nỗi ám ảnh. Đặc trưng của nỗi sợ này chính là sự vô lý, được biểu hiện một cách thái quá, phi lý so với những cảm xúc bình thường.
Bản thân người bệnh hoàn toàn có thể ý thức rằng họ đang có một nỗi sợ phi lý nhưng không thể nào kiểm soát được cảm xúc và nỗi lo âu của mình, họ cũng luôn có các hành vi thái quá để bản thân mình không già đi. Các cảm xúc căng thẳng, tiêu cực của họ sẽ xuất hiện nếu họ phát hiện bản thân đang có bất cứ dấu hiệu nào của tuổi tác như có nếp nhăn, có tóc bạc hay thấy đau lưng..
Các dấu hiệu của hội chứng sợ già làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, tinh thần và cả sức khỏe của những người bệnh do họ có một số hành vi quá mức để chống lại nỗi sợ hãi của mình. Bên cạnh đó, bệnh cũng có mối liên hệ chặt chẽ với chứng gerontophobia – hội chứng sợ người cao tuổi hay Chronophobia – chứng sợ thời gian trôi.
Biểu hiện hội chứng sợ già
Tuổi già và lão hóa chính là một quy luật tự nhiên mà con người không thể nào chối bỏ được bởi khi trái đất vẫn quay thì thời gian vẫn cứ trôi qua đều đều. Do đó hầu như người mắc chứng Gerascophobia luôn sống trong nỗi lo âu, sợ hãi, căng thẳng thì lo sợ mình sẽ già nua, có sức khỏe yếu.. Đặc biệt mức độ hoảng loạn của người bệnh sẽ tăng mạnh khi phát hiện trên cơ thể có những dấu hiệu của tuổi tác.
Cụ thể một số biểu hiện đặc trưng của hội chứng sợ già như
- Cảm xúc lo lắng, căng thẳng quá mức được bộc lộ khi tiếp xúc với những người lớn tuổi hay cảm thấy dấu hiệu lão hóa trên cơ thể với các triệu chứng như run rẩy, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, thở gấp, nhịp thở ngắn, căng cơ, buồn nôn và nôn. Một số còn căng thẳng đến mức không thể nói hay không thể đi lại bình thường, đứng im hay ngồi sụp xuống tại chỗ.
- Nhức đầu, khô miệng, huyết áp tăng, đánh trống ngực, mệt mỏi, thiếu năng lượng là trạng thái thường gặp ở những người mắc hội chứng sợ già
- Có thể có những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như mình già đi và sẽ chết, điều này cứ quanh quẩn trong đầu và khiến họ hoảng loạn vì cho rằng nếu có nếp nhăn, nếu có tóc bạc, nếu thấy đau lưng thì mình sẽ chết
- Cảm giác lo âu xuất hiện cả khi họ mới chỉ nghĩ đến tuổi già hay lão hóa
- Mất nhận thức ở thực tại, có xu hướng ở trong nhà nhiều do cảm thấy lo lắng về sức khỏe nếu bắt buộc phải đi ra ngoài
- Hội chứng sợ tuổi già khiến họ dành thời gian cả ngày để suy nghĩ về những vấn đề mà bản thân mất đi khi tuổi già ập đến, chẳng hạn sức khỏe, công việc, người thân, hay không thể thực hiện được các thói quen mà mình yêu thích..
- Dành nhiều thời gian để chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp để không phải nhìn thấy các dấu hiệu của tuổi tác. Chẳng hạn như luôn trang điểm, luôn nhuộm tóc để khiến mình không có nếp nhăn, không có bất cứ sợi tóc bạc nào
- Xu hướng làm mọi cách để trốn tránh tuổi tác, thời gian của họ có thể khiến nhiều người cho rằng đó là các hành vi tốt, tuy nhiên họ có thể thực hiện nó một cách quá mức, không phù hợp chỉ để đáp ứng được nỗi sợ của bản thân.
Các triệu chứng này nếu đã xuất hiện trên 6 tháng với mức độ ngày càng tăng thì sẽ được chẩn đoán thuộc nhóm rối loạn ám ảnh sợ. Tuy hội chứng sợ già chưa chính thức được đưa vào Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần DSM nhưng theo các chuyên gia, đây là vấn đề tâm lý có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nên cũng cần sớm được thăm khám và điều trị.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ già
Như đã nói, hầu hết chúng ta đều mang cảm giác sợ già. Khi già đi tức là da dẻ cũng nhăn nheo hơn, cơ thể cũng đau nhức nhiều hơn, đầu óc cũng kém minh mẫn hơn.Tuy nhiên đã là quy luật của tạo hóa, của vũ trụ thì chúng ta không có cách nào để chống lại được. Chỉ có thể chấp nhận đón nhận tuổi già có thể đến với bản thân hay cả những người xung quanh.
Theo thống kê, hội chứng sợ già thường gặp chủ yếu ở những người trong độ tuổi 30, lúc này các dấu hiệu của tuổi tác đã bắt đầu xuất hiện, đặc biệt ở phụ nữ. Điều này có thể khiến họ lo lắng, đặc biệt với những người có mối quan tâm quá mức về sức khỏe, sắc đẹp.
Thực tế chưa thể tìm ra chính xác cơ chế gây ra các nỗi sợ quá mức này, tuy nhiên có thể tạm xác định bệnh có thể liên quan đến các vấn đề sau
- Chứng kiến người thân hoặc ai đó gặp những khó khăn khi tuổi già đến, chẳng hạn như nhan sắc giảm, cơ thể đau nhức không thể di chuyển được
- Nghe những câu chuyện liên quan đến tuổi già, chẳng hạn như bị con cháu coi thường, bị đưa vào viện dưỡng lão, không còn ai quan tâm.
- Sợ hãi cái chết bởi tuổi già thường sẽ tiến đến cách cửa lên “thiên đàng” ngày càng gần hơn
- Ám ảnh quá mức về các vấn đề sức khỏe hay nhan sắc. Chẳng hạn một người đam mê làm đẹp, yêu cái đẹp, luôn chú ý đến nhan sắc của bản thân sẽ cực kỳ căng thẳng nếu xuất hiện có bất cứ nếp nhăn nào. Một số khác thì lo rằng khi già bản thân sẽ phải sống đơn độc, không ai chăm sóc…
- Hội chứng sợ già cũng có thể hình thành từ cảm giác bất lực bởi nếu tuổi già đến, sức khỏe yếu đi thì sẽ mất rất nhiều thứ, chẳng hạn không thể thấy được sự trưởng thành của con cái, không thể đi dạo, đi hò hẹn cùng bè bạn hay thậm chí không thể lo cho cái chết của chú chó cưng
- Ảnh hưởng mạnh mẽ từ truyền thông, đặc biệt trong thời đại cả vấn đề sức khỏe và làm đẹp đều cực kỳ được quan tâm. Rất nhiều kênh bán hàng, bán các sản phẩm thường đưa ra các thông tin quá mức về tuổi già, chẳng hạn hình ảnh về làn da nhăn nheo, hệ lụy từ quá trình lóa hóa của tuổi tác… Điều này khiến những người đọc thông tin bị tác động tâm lý rất nhiều, cảm thấy tuổi già thật là đáng sợ nên làm mọi cách để chạy trốn.
Chính vì những điều này mà hội chứng sợ già có xu hướng gặp chủ yếu ở phụ nữ, người ngoài 30 hay cả những người trung niên. Ở người già thường rất hay nghĩ về cái chết, đồng thời một số vấn đề sức khỏe mà họ đang gặp phải cũng khiến họ bị căng thẳng, ám ảnh hơn về vấn đề tuổi tác của bản thân.
Những hệ lụy từ hội chứng sợ già
Hội chứng sợ già gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống, tinh thần của mỗi người bệnh. Một số người hầu như chỉ ở trong nhà vì cảm giác nếu mình ra ngoài có thể không tốt cho sức khỏe hay làn da. Cảm xúc tiêu cực khiến họ luôn trong trạng thái căng thẳng, rối bời, không biết làm gì và không phải ai cũng có thể hiểu được nỗi sợ hãi mà họ đang gặp phải nên không biết chia sẻ cùng ai.
Tác động tiêu cực từ Gerascophobia khiến rất nhiều người có nguy cơ mắc đồng thời trầm cảm. Mặt khác một số nhóm khác có thể lạm dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng quá mức để bảo vệ sức khỏe, không cho cơ thể già đi hay suy yếu. Hay một số khác lựa chọn việc phẫu thuật thẩm mỹ quá mức chỉ để duy trì được vẻ đẹp thanh xuân, không muốn thấy có nếp nhăn nào trên mặt. Thậm chí có những người lạm dụng phẫu thuật đến mức mặt bị biến dạng.
Dù là bất cứ hành vi nào thì hội chứng sợ già cũng gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, tinh thần, sức khỏe của mỗi người bệnh nên cần sớm được phát hiện và điều trị.
Làm thế nào để vượt qua chứng sợ già?
Như đã nói, tuổi già vốn là vấn đề khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên nếu chăm sóc sức khỏe đúng cách từ giai đoạn sớm, đón nhận thời gian một cách hòa bình thì bạn sẽ chẳng thấy nó quá đáng sợ như vốn đã tưởng. Nhà trị liệu tâm lý và các bác sĩ tâm thần chính là người sẽ giúp bệnh nhân hiểu rõ được vấn đề này.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu chính là biện pháp chủ yếu được chỉ định cho những người mắc hội chứng sợ già. Nhà trị liệu sẽ thông qua việc trao đổi, chia sẻ trực tiếp để hiểu rõ những vướng mắc mà người bệnh đang gặp phải. Chỉ khi người bệnh chia sẻ trung thực những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân với nỗi sợ thì nhà trị liệu mới có thể tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
Thôi miên, liệu pháp nhận thức hành vi và giải mẫn cảm hoặc lập trình ngôn ngữ thần kinh (NLP) được đánh giá là có thể mang đến hiệu quả tốt nhất để người bệnh có thể sớm vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ đánh giá được nỗi sợ hãi của mình, hiểu rõ ảnh hưởng từ nỗi lo của bản thân là vô lý và gây ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại như thế nào.
Nhà trị liệu sẽ tạo ra một môi trường, không gian tư vấn phù hợp để thân chủ có thể đối diện với nỗi sợ hãi, lo lắng của bản thân, từ đó dần thích nghi với các cảm xúc này. Khi họ đã nhận thức được rõ việc tuổi già vốn dĩ là một lẽ thường của tự nhiên, không phải là điều gì đáng sợ thì họ sẽ tự khắc đón nhận nó một cách thoải mái, tâm lý tích cực hơn.
Song song đó, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ hội chứng sợ già, nhà trị liệu cũng hướng dẫn thân chủ các biện pháp đối diện với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc tiêu cực để tinh thần lạc quan hơn, đặc biệt cần thiết với những người có dấu hiệu mắc trầm cảm.
Dùng thuốc
Các nhóm thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần và thuốc chẹn beta có thể được chỉ định cho một số bệnh nhân để xoa dịu cảm xúc, hạn chế các kích thích thần kinh trong trạng thái căng thẳng. Tuy nhiên việc dùng các nhóm thuốc này chỉ mang tính chất hỗ trợ tạm thời, không thể loại bỏ bệnh hoàn toàn.
Mặt khác các nhóm thuốc này cũng thường kèm theo nhiều tác dụng phụ không mong muốn hoặc có thể gây phụ thuộc nếu lạm dụng quá mức. Do đó người bệnh chỉ nên sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ, chuyên gia, chuyên về tâm lý – tâm thần. Đảm bảo sử dụng đúng liều lượng, cách dùng để đem đến kết quả tốt nhất theo mong muốn của bác sĩ.
Chăm sóc và điều trị trị tại nhà
Thực tế tuổi già có thể cản trở bạn nhiều thứ, nhưng nếu biết cách tận hưởng nó bạn sẽ cảm thấy đây vốn chẳng phải điều gì quá đáng sợ. Tuổi trẻ có thú vui của tuổi trẻ, tuổi già cũng có thú vui của tuổi già, quan trọng là bạn đón nhận nó như thế nào. Mặt khác thì việc bạn thường lo âu, căng thẳng, suy nghĩ nhiều, ăn thiếu chất hay mất ngủ vì suy nghĩ lại càng khiến cơ thể bạn tiến tới quá trình lão hóa nhanh hơn mà thôi.
Do đó để cải thiện các triệu chứng của hội chứng sợ già và cũng để bảo vệ bản thân, làm chậm tiến trình lão hóa của cơ thể, bạn nên tham khảo các biện pháp lành mạnh sau đây
- Duy trì thói quen tập thể dục thể thao mỗi ngày để giữ gìn vóc dáng khỏe đẹp, tăng cường sự linh hoạt và dẻo dai cho xương khớp, gia tăng thêm hormone tích cực
- Duy trì thói quen ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, đặc biệt là nên đi ngủ sớm trước 23h
- Thay đổi chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tránh xa các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, đồ ăn chiên xào nhiều lần, bia rượu và các chất kích thích khác. Thay vào đó hãy tăng cường các loại trái cây rau củ, uống nhiều nước, hạn chế nêm nếm các loại gia vị sẽ cực kỳ tốt cho cả thể chất lẫn làn da.
- Chăm sóc làn da đúng cách, skincare mỗi ngày để da luôn sạch, sáng mịn, xóa mờ nếp nhăn để giữ được nét đẹp thanh xuân
- Giữ tinh thần tích cực, lạc quan, vui vẻ. Khi bạn vui vẻ thì cơ thể cũng mang đến phong thái tươi trẻ hơn, sẵn sàng đối diện khi thấy cơ thể có xuất hiện những dấu hiệu của tuổi tác
- Chăm sóc cho bản thân bằng cách sử dụng các viên uống bổ sung, tuy nhiên cần đảm bảo phù hợp với cơ thể, độ tuổi, không nên lạm dụng vô độ
- Dành thời gian khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/ 1 lần để hiểu rõ hơn về cơ thể, từ đó có hướng chăm sóc phù hợp, cải thiện ngay các vấn đề bệnh lý nếu có.
Hội chứng sợ già khiến người bệnh có những nhìn nhận quá mức về tuổi già, về quá trình lão hóa và luôn tìm cách chạy trốn nó. Tuy nhiên chẳng có ai có thể khiến trái đất ngừng quay, thời gian dừng lại nên việc già đi cũng là điều không thể tránh khỏi. Có kế hoạch chăm sóc cơ thể lành mạnh, luôn giữ tinh thần lạc quan sẽ giúp bạn phòng tránh nguy cơ mắc vấn đề tâm lý này tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ gà (Alektorophobia): căn bệnh hiếm ở người
- Chứng sợ nấu ăn (Mageirocophobia): là bệnh hay làm biếng
- Chứng sợ có bầu và sanh con có phải là sự ích kỷ ở phụ nữ?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!