Chứng sợ lửa (Pyrophobia) điều trị bằng cách nào?

Chứng sợ lửa hay còn được gọi là Pyrophobia là tình trạng mà một người cảm thấy sợ hãi dữ dội đối với tất cả những gì liên quan đến lửa. Nỗi sợ này khiến con người luôn có xu hướng tránh né việc tiếp xúc với lửa và gây nên nhiều cản trở đối với đời sống, sinh hoạt hàng ngày. 

Pyrophobia
Pyrophobia là thuật ngữ được sử dụng chỉ những người mắc chứng sợ lửa

Thế nào là chứng sợ lửa (Pyrophobia)?

Chứng sợ lửa là một trong các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi hay còn gọi là chứng ám ảnh sợ cụ thể với đặc trưng là nỗi sợ dữ dội và kéo dài dai dẳng đối với những thứ liên quan đến lửa. Những người mắc phải hội chứng này sẽ liên tục cảm thấy hoảng sợ, lo lắng, bất an khi nhìn thấy hoặc đối diện với các tình huống có lửa, ví dụ như ngọn nến, bếp lửa, bật lửa, ngọn đuốc hoặc thậm chí là những hình ảnh của lửa, hỏa hoạn,…

Ở một mức độ nào đó thì việc sợ hãi và muốn tránh xa lửa là phản ứng bình thường của con người. Cũng bởi lửa có thể gây hại về sức khỏe và cả tài sản của chúng ta, vì thế não bộ có thể phát tín hiệu để cơ thể thoát khỏi và chạy trốn khỏi nó. Tuy nhiên, đối với những người mắc chứng sợ lửa lại có nỗi sợ mãnh liệt hơn rất nhiều so với phản ứng “bỏ chạy hoặc chiến đấu” bình thường.

Những người mắc chứng Pyrophobia không chỉ có nỗi sợ với những ngọn lửa mang tính chất nguy hiểm mà họ cảm thấy hoảng sợ dưới mọi hình thức liên quan đến lửa, kể cả khi lửa không mang tính chất nguy hiểm hoặc có mối đe dọa thực sự. Theo thống kê nhận thấy, có một số người luôn tồn tại cảm giác lo sợ về việc cháy rừng hay còn gọi là hội chứng cháy rừng – một dạng cụ thể của Pyrophobia.

Cho đến hiện nay, vẫn chưa có số liệu cụ thể về hội chứng này. Tuy nhiên, theo nghiên cứu thì có khoảng 19% thanh thiếu niên và 12% người trưởng thành tại Mỹ đã từng trải qua nỗi sợ phi lý này tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì hội chứng này sẽ phổ biến nhiều hơn đối với nữ giới, tỉ lệ chiếm gấp 2 lần.

Mỗi người sẽ có những mức biểu hiện về nỗi sợ lửa khác nhau, ở những trường hợp nghiêm trọng, nỗi sợ có thể gây ảnh hưởng đối với đời sống, cản trở các sinh hoạt của con người. Tình trạng này cần được can thiệp và khắc phục nhanh chóng để hạn chế các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, giúp cho đời sống của con người được ổn định hơn.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Dấu hiệu nhận biết chứng sợ lửa

Nhìn chung, triệu chứng đặc trưng và dễ nhận dạng nhất của chứng sợ lửa đó chính là nỗi sợ quá mức, phi lý và kéo dài dai dẳng về lửa. Người mắc chứng Pyrophobia có thể hiểu được sự không hợp lý trong nỗi sợ của mình những họ gặp phải nhiều khó khăn và dường như không thể tự kiểm soát được biểu hiện của mình.

Thông thường thì người mắc chứng sợ lửa sẽ tồn tại nhiều triệu chứng và phản ứng khác nhau, có cả tâm lý và thể chất.

1. Triệu chứng tâm lý

Cũng giống với các chứng sợ hãi cụ thể khác, chứng sợ lửa thường sẽ có các biểu hiện như sau:

  • Luôn cảm lo lắng, sợ hãi về việc bản thân có thể tiếp xúc với lửa.
  • Hay có những dự cảm tiêu cực về các rủi ro nghiêm trọng có thể xảy ra đối với lửa.
  • Cảm thấy sợ hãi quá mức, không thể kiểm soát nỗi sợ khi nói hoặc nghĩ về những gì liên quan đến lửa.
  • Cho dù biết rằng nỗi sợ không phù hợp với hoàn cảnh nhưng không có khả năng để kiểm soát nó.
  • Có xu hướng né tránh và lẩn trốn khỏi những thứ liên quan đến lửa.
  • Nỗi sợ quá lớn và luôn bao lấy tâm trí của con người khiến họ gặp nhiều khó khăn, cản trở trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Pyrophobia
Người mắc chứng Pyrophobia luôn cảm thấy sợ hãi tột độ khi nhìn thấy lửa.

2. Triệu chứng thể chất

Khi phải đối diện với những tình huống gây sợ hãi, cụ thể là lửa thì người mắc chứng Pyrophobia cũng sẽ liên tục xuất hiện các triệu chứng về thể chất. Chẳng hạn như:

  • Khó thở, thở gấp
  • Tim đập nhanh
  • Toát mồ hôi, tay chân run rẩy
  • Khô miệng
  • Tức ngực, đánh trống ngực
  • Chóng mặt, choáng váng, đau đầu
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Liên tục muốn đi vệ sinh
  • Bỏ chạy hoặc ngất xỉu

3. Triệu chứng ở trẻ em

Không chỉ người lớn và ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể hình thành nỗi sợ vô lý về lửa. Nó có thể xuất phát từ nhiều lý do và các biểu hiện thường thấy như:

  • La hét
  • Khóc lóc
  • Bám víu cha mẹ, người thân hoặc những người ở cạnh
  • Đứng hình, đóng băng
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Từ chối hoặc trở nên hoảng loạn khi ai đó nói về lửa hoặc nhìn thấy, đến gần lửa.

Mức độ biểu hiện của mỗi trường hợp sẽ khác nhau tùy vào độ nặng nhẹ của mỗi người bệnh. Tuy nhiên, nỗi sợ lửa liên tục kéo dài và ám ảnh sẽ gây nên không ít các ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống hoặc thậm chí là làm gia tăng khả năng khởi phát các chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm hơn. Do đó, tình trạng này cần được can thiệp và điều trị càng sớm càng tốt.

Chứng sợ lửa xuất phát từ đâu?

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa thể xác định chính xác về nguyên nhân gây ra chứng sợ lửa. Tuy nhiên, dựa vào thực tế nhận thấy rằng, phần lớn sự sợ hãi vô lý này đều xuất phát từ các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ hoặc những tác động từ xã hội, môi trường, đôi lúc cũng có yếu tố di truyền, gia đình. Các yếu tố nguy cơ thường được nhắc đến như:

Pyrophobia
Chứng sợ lửa có thể hình thành do những ám ảnh, trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ.
  • Ám ảnh từ trong quá khứ: Nỗi sợ hãi thường là sự đúc kết từ những kinh nghiệm, trải nghiệm tồi tệ có trong quá khứ. Ví dụ như một người từng chứng kiến cảnh hỏa hoạn thảm khốc hoặc cái chết đột ngột của người thân có liên quan đến lửa thì họ cũng sẽ có nhiều nguy cơ hình thành nỗi ám ảnh về nó. Theo nghiên cứu thì khi con người trải qua những điều tồi tệ, hạch hạnh nhân ở não bộ sẽ có chức năng ghi nhớ và phát lại khi họ đối diện với những yếu tố gây sợ hãi đó.
  • Do di truyền: Tuy rằng chưa có bất kì nghiên cứu nào chứng minh cụ thể về tính di truyền của chứng sợ lửa nhưng gia đình cũng là yếu tố góp phần hình thành nỗi sợ này. Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, các thành viên trong cùng một gia đình hoặc thường xuyên sinh hoạt cùng nhau sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, nhận thức, suy nghĩ, hành vi. Đặc biệt là trẻ nhỏ rất dễ bắt chước theo những điều mà người lớn làm, vì thế nếu gia đình có người thân mắc phải hội chứng này hoặc các hội chứng ám ảnh sợ liên quan thì nhiều khả năng trẻ cũng sẽ phát triển nỗi sợ phi lý vào một thời điểm nào đó trong đời.
  • Ảnh hưởng từ môi trường sống: Những người thường xuyên sống gần với các địa điểm có nguy cơ cháy nổ cao như trạm xăng, cửa hàng bán gas,…cũng sẽ dễ xuất hiện nỗi sợ này. Nếu nơi sống của họ liên tục xảy ra nhiều cuộc hỏa hoạn hoặc những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến lửa thì nỗi sợ này sẽ càng tăng cao.
  • Tin tức từ báo đài, truyền thông: Việc xem quá nhiều các thông tin liên quan đến những hậu quả nghiêm trọng đến từ lửa như các vụ cháy nổ, tai nạn vì nghịch lửa,… sẽ khiến con người hình thành nỗi ám ảnh và sợ hãi tột độ, đặc biệt là những người nhạy cảm.

Như đã nói, nguyên nhân gây ra chứng sợ lửa vẫn chưa được tìm hiểu cụ thể nên trên đây chỉ là các yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng khả năng khởi phát triệu chứng bệnh. Có những trường hợp xuất hiện nỗi sợ chỉ sau một yếu tố tác động nhưng cũng có nhiều người mắc chứng sợ lửa do nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau.

Chứng sợ lửa có nguy hiểm không?

Theo đánh giá của các chuyên gia thì chứng sợ lửa không gây ảnh hưởng hay đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con người nhưng nó lại làm cản trở đối với đời sống, hạn chế những trải nghiệm thú vị. Mặc dù ngày nay xã hội đã dần phát triển và việc sử dụng trực tiếp lửa cho sinh hoạt hàng ngày cũng dần được thay thế bằng các nhiên liệu khác nhưng lửa vẫn là thứ quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Khi mắc phải hội chứng này, người bệnh sẽ không thể trải nghiệm những hoạt động hấp dẫn như cấm trại, nấu nướng bằng bếp gas, bếp củi, thổi nến sinh nhật,…

Bên cạnh đó, người mắc chứng sợ lửa sẽ luôn ở trong trạng thái căng thẳng, lo lắng và sợ hãi về việc phải đối diện và nhìn thấy lửa. Điều này nếu không được can thiệp và điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Căng thẳng kéo dài sẽ khiến người bệnh mất tập trung, suy giảm trí nhớ, mệt mỏi, mất ngủ, tuyệt vọng, buồn bã, chán chường và dường như không muốn thực hiện bất cứ điều gì. Nhiều trường hợp Pyrophobia nặng và kéo dài lâu ngày có thể làm phát triển các chứng rối loạn tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn lo âu.

Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh có thể hiểu rõ về những sự phi lý trong nỗi sợ của mình về lửa nhưng bất lực, không có khả năng để đối phó với nó. Người bệnh sẽ dễ dàng bộc phát các triệu chứng bất thường, thực hiện các hành vi mất kiểm soát nơi công cộng khi nhìn thấy lửa. Điều này khiến cho họ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, tự ti nếu những người xung quanh không thể thấu hiểu và đồng cảm. Không ít các trường hợp tìm đến rượu bia, các chất kích thích gây nghiện để giải tỏa nỗi buồn.

Cách điều trị chứng sợ lửa bạn nên biết

Tuy rằng chứng sợ lửa chưa được công nhận như một rối loạn tâm thần trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản Thứ năm (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition, DSM-5) nhưng nó vẫn có thể điều trị được bằng nhiều phương pháp khác nhau. Quá trình điều trị cần kiên trì trong một khoảng thời gian nhất định để có thể giúp người bệnh dần kiểm soát và vượt qua nỗi sợ, đồng thời ổn định lại cuộc sống.

Đối với chứng sợ lửa và hầu hết các hội chứng ám ảnh sợ cụ thể khác đều sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý cùng với việc kết hợp sử dụng thuốc. Tùy vào mỗi trường hợp và mức độ sợ hãi khác nhau mà bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để lựa chọn biện pháp khắc phục phù hợp nhất. Cụ thể các phương pháp thường được sử dụng như:

1. Liệu pháp phơi nhiễm

Liệu pháp phơi nhiễm hay còn gọi là liệu pháp tiếp xúc là một trong các kỹ thuật thường xuyên được áp dụng đối với các trường hợp bị rối loạn lo âu, rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, trong đó có chứng sợ lửa. Liệu pháp này sẽ được tiến hành dựa trên nguyên tắc tạo cho bệnh nhân một môi trường với điều kiện thuận lợi và an toàn để họ có thể trực tiếp tiếp xúc với nỗi sợ của mình.

Pyrophobia
Liệu pháp phơi nhiễm được thực hiện nhằm mục đích giúp bệnh nhân đối diện và vượt qua chính nỗi sợ của mình.

Người bệnh sẽ được tiếp xúc với yếu tố gây sợ hãi, cụ thể ở đây là lửa theo từng cấp độ khác nhau. Khi mới bắt đầu họ có thể được nghe kể hoặc tự suy nghĩ về hình ảnh của lửa, sau đó dần tăng mức độ lên như xem những video hỏa hoạn, trực tiếp đối mặt với ngọn lửa. Trong suốt quá trình này, chuyên gia tâm lý sẽ giúp người bệnh ổn định tâm trí, kiểm soát nỗi sợ bằng các biện pháp thư giãn phù hợp.

2. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

Liệu pháp nhận thức hành vi là một trong các kỹ thuật cải thiện hiệu quả và an toàn đối với rất nhiều các bệnh tâm lý hoặc những trường hợp có nhận thức, suy nghĩ, hành vi sai lệch. Đây là một liệu pháp được áp dụng ngắn hạn nhằm giúp cho người bệnh hiểu rõ về những suy nghĩ lệch lạc của mình và dần điều chỉnh nó theo hướng phù hợp, tích cực hơn.

Trong quá trình thực hiện liệu pháp nhận thức và hành vi cho người mắc chứng sợ lửa, nhà trị liệu tâm lý đóng vai trò như một người dẫn đường giúp bệnh nhân có thể thay thế và né tránh những suy nghĩ, cảm xúc và hanh vi sai lệch, dần điều chỉnh tư duy, nhận thức theo hướng đúng đắn hơn. Người bệnh cần phải kiên trì thực hiện theo đúng chiến lược đưa ra ban đầu và luôn áp dụng tốt các biện pháp của nhận thức hành vi để có thể kiểm soát và điều chỉnh tốt cảm xúc tiêu cực khi đối diện với lửa.

3. Liệu pháp thôi miên

Liệu pháp thôi miên có thể được áp dụng kết hợp cùng các liệu pháp phơi nhiễm và liệu pháp nhận thức hành vi để gia tăng mức độ hiệu quả của quá trình trị liệu. Nhà trị liệu sẽ dùng các biện pháp chuyên môn để đưa bệnh nhân vào trạng thái biến đổi về nhận thức và dần đi sâu vào tiềm thức của họ. Lúc này bạn vẫn có thể ý thức được những thứ xung quanh nhưng ở một trạng thái tự nhiên và thoải mái hơn bình thường rất nhiều.

Trong quá trình thôi miên, người bệnh sẽ được đặt ra những câu hỏi có liên quan đến nỗi sợ của mình, nhờ đó mà chuyên gia cũng sẽ khai thác được cụ thể hơn về nguyên nhân gốc rễ gây ra chứng sợ lửa. Đồng thời, trong lúc này, nhà trị liệu cũng sẽ giúp cho người bệnh được thư giãn, dễ dàng đối diện với nỗi sợ của mình và có cách kiểm soát, khắc phục nó hiệu quả hơn.

4. Dùng thuốc

Chứng sợ lửa thông thường sẽ không cần sử dụng đến thuốc và trong thực tế cũng không có loại thuốc nào có tác dụng để điều trị tận gốc nỗi sợ phi lý này. Tuy nhiên, khi nỗi sợ biểu hiện quá mức và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của con người sẽ được cân nhắc để kê một vài đơn thuốc giúp kiểm soát tốt, hạn chế các ảnh hưởng và nguy cơ tiến triển thành bệnh tâm lý nguy hiểm.

Pyrophobia
Thuốc không giúp điều trị tận gốc những có thể hỗ trợ kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng do sợ hãi gây ra.

Các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc an thần, thuốc chẹn beta,…có tác dụng kiểm soát tốt các triệu chứng của nỗi sợ, giảm bớt sự ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe. Việc dùng thuốc chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn để có thể giúp bệnh nhân dần ổn định hơn về mặt tinh thần và cải thiện tốt đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Một điều đáng lưu ý là các loại thuốc được áp dụng trong trường hợp này cũng có nhiều nguy cơ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như khô miệng, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu,…Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường xảy ra, bệnh nhân nên chủ động liên hệ với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

5. Biện pháp cải thiện tại nhà

Để chứng sợ lửa được cải thiện nhanh chóng và giúp cho cuộc sống được ổn định tốt hơn thì người bệnh cũng cần tự xây dựng cho mình những thói quen sinh hoạt lành mạnh và tích cực. Bạn cần nhanh chóng loại bỏ ngay các thói quen tiêu cực và thực hiện những biện pháp sau đây:

  • Chú ý nhiều hơn đến chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và rèn luyện thói quen ngủ sớm trước 23 giờ. Đối với người mắc chứng sợ lửa thường sẽ hay lo lắng, căng thẳng khiến giấc ngủ không được đảm bảo. Để ngủ ngon hơn, bạn có thể áp dụng các biện pháp thư giãn trước khi ngủ như ngâm chân với nước ấm, thiền định, nghe nhạc, sử dụng tinh dầu thơm, uống trà thảo mộc, massage cơ thể,….
  • Thiết lập chế độ ăn uống với đầy đủ chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa của quả và những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất. Đồng thời cần hạn chế các món ăn cay nóng, đồ ăn chế biến sẵn, đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng, cải thiện tinh thần. Theo nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, khi vận động lành mạnh, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone giúp hạnh phúc, giảm căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi.
  • Tích cực tham gia vào các hoạt động bên ngoài xã hội, cộng đồng. Điều này không chỉ giúp bạn cảm thấy thư giãn, khám phá được nhiều điều thú vị mà còn gia tăng các mối quan hệ, gặp gỡ được nhiều bạn bè. Hoặc bạn có thể đăng kí tham gia các hội nhóm rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi trên các cộng động mạng để được chia sẻ nhiều hơn.
  • Chủ động chia sẽ cảm xúc, suy nghĩ với những người xung quanh để họ có thể thấu hiểu và đồng cảm hơn với bạn. Hoặc nếu không thể bày tỏ ra ngoài, bạn cũng có thể chọn cách viết nhật kí, ghi lại những cảm nhận, hành vi của bản thân để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trên đây là một số thông tin về chứng sợ lửa (Pyrophobia) và gợi ý một số biện pháp điều trị hiệu quả. Tuy rằng, tình trạng này không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng có thể cản trở rất lớn đối với đời sống hàng ngày vì thế cần được can thiệp càng sớm càng tốt.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *