Technophobia (Chứng sợ công nghệ) gây ra ảnh hưởng gì?
Với thời đại 4.0 hiện nay, dường như con người không thể sống thiếu các thiết bị điện tử, các đồ dùng công nghệ như điện thoại, máy tính với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, đâu đó lại có những trường hợp mắc phải chứng sợ công nghệ (Technophobia) khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi các thiết bị công nghệ hiện đại.
Technophobia là gì?
Technophobia hay còn gọi là hội chứng sợ công nghệ, đây là một thuật ngữ được dùng để chỉ về nỗi sợ vô lý, quá mức của con người đối với công nghệ, các thiết bị điện tử hiện đại, tiên tiến, các thiết bị hoạt động phức tạp như điện thoại thông minh, máy tính, tivi,…Nghe có vẻ khả vô lý những hội chứng này rất phổ biến và gặp ở rất nhiều đối tượng khác nhau. Tuy con số vẫn chưa được xác định cụ thể nhưng theo ước tính thì có đến 1/3 dân số trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng bởi hội chứng này ở các mức độ khác nhau.
Hội chứng Technophobia chỉ mới được phát hiện sau sự tăng tốc vượt bậc của công nghệ, cụ thể là từ sau năm 1960, khi các sản phẩm thời đại thông tin lần lượt ra đời. Tuy nhiên, từ thời kỳ Cách mạng Công nghiệp thì cũng đã có một vài báo cáo sơ lược về hội chứng này nhưng tỉ lệ không đáng kể.
Theo đó, các chuyên gia chia sẻ rằng, mỗi người trong chúng ta đều đã ít nhất một lần trải qua sự lo lắng, căng thẳng khi phải đối diện với những sự phức tạp của công nghệ mới. Họ có thể cảm thấy ngột ngạt, lạc lõng đối với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, khó khăn trong việc cập nhật và tiếp cận với các thiết bị tiên tiến.
Hội chứng này bao gồm tất cả những nỗi sợ về các thiết bị, công nghệ mới. Mỗi người có thể tồn tại một hoặc nhiều các ám ảnh cụ thể khác nhau, phổ biến nhất là sợ máy tính và sợ điện thoại.
1. Sợ máy tính
Máy tính là một trong các thiết bị hay hệ thống quen thuộc và không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay của chúng ta. Tuy nhiên, nó cũng là một trong các nỗi ám ảnh của nhiều người. Trong thực tế, có những người thường xuyên cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi phải sử dụng máy tính, đặc biệt là những loại máy tính có chứa nhiều chức năng, phức tạp, khó điều khiển.
Những người mắc phải chứng sợ hãi công nghệ, cụ thể là sợ máy tính sẽ luôn căng thẳng, lo sợ, bất an hoặc thậm chí là hoảng loạn khi tiếp xúc với bất kì thứ gì có liên quan đến máy tính. Nhiều trường hợp nghiêm trọng chỉ cần nhìn thấy hình ảnh hoặc suy nghĩ về máy tính cũng đủ khiến họ cảm thấy sợ hãi. Người mắc phải hội chứng Technophobia sẽ có một niềm tin về việc máy tính có thể gây hại và xâm chiếm thế giới, nó tiềm ẩn rất nhiều các tác hại nguy hiểm.
2. Sợ điện thoại
Hiểu một cách chính xác hơn thì họ không sợ điện thoại nhưng sẽ cảm thấy lo lắng, bất an khi phải giao tiếp, liên lạc bằng công cụ này. Đối với trường hợp mắc chứng Technophobia ở mức độ nặng thì chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại họ cũng cảm thấy hoảng loạn, sợ hãi, run sợ một cách quá mức. Mặc dù họ biết rằng nỗi sợ của mình là phi lý nhưng vẫn không thể khống chế và kiểm soát nó.
Làm sao để nhận biết được người mắc chứng sợ công nghệ
Tùy vào mỗi tình trạng và thiết bị công nghệ gây sợ hãi khác nhau mà người bệnh sẽ có những biểu hiện riêng biệt với sự thay đổi liên tục của cường độ. Tuy nhiên, cũng tương tự như các chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể khác, Technophobia cũng được đặc trưng bởi nỗi lo sợ, bất an quá mức về các thiết bị công nghệ và luôn có xu hướng né tránh việc sử dụng nó.
Một số dấu hiệu thường gặp để bạn có thể nhận dạng được hội chứng sợ công nghệ như:
- Luôn tồn tại cảm giác lo lắng, bất an, căng thẳng, sợ hãi về việc phải sử dụng hoặc tiếp xúc với các thiết bị công nghệ. Nỗi sợ sẽ tăng cao khi rơi vào các tình huống có nguy cơ phải dùng đến máy tính, điện thoại.
- Có xu hướng luôn tìm cách né tránh, hạn chế các tình huống, môi trường có liên quan đến công nghệ.
- Một số trường hợp nghiêm trọng chỉ cần nghe âm thanh, nhìn thấy hình ảnh, suy nghĩ về thiết bị công nghệ cũng cảm thấy lo sợ.
- Tự tách biệt bản thân với công nghệ, cô lập chính mình và bị hạn chế nhiều trong công việc, các mối quan hệ.
Đặc biệt khi người mắc chứng Technophobia tiếp xúc với các thiết bị công nghệ sẽ xuất hiện ngay các triệu chứng thể chất như:
- Đánh trống ngực
- Ra nhiều mồ hôi
- Tay chân run rẩy
- Choáng váng, chóng mặt, đau đầu
- Buồn nôn
- Khó thở, thở gấp
- Nhịp tim tăng nhanh
- Mất tập trung
- Khó chịu, đầy hơi
- Ngất xỉu
Một số trường hợp khi bắt buộc phải sử dụng công nghệ có thể khiến cho người Technophobia trở nên mất kiểm soát, họ có thể thực hiện các hành vi chống đối, kích động. Đối với trẻ em có thể la hét, khóc lóc, giãy giụa, bỏ chạy hoặc ngất xỉu.
Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ công nghệ
Technophobia vẫn chưa được xác định cụ thể về nguyên nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết rằng, hội chứng này thường sẽ không xuất phát từ một lý do cụ thể mà do sự tác động của nhiều yếu tố kết hợp với nhau. Thông thường là do những trải nghiệm tiêu cực về công nghệ cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các thiết bị tiên tiến khiến cho nhiều người cảm thấy lo ngại, sợ hãi.
Một vài yếu tố có thể được xem là nguyên nhân làm khởi phát chứng sợ công nghệ như:
- Trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ: Thông thường thì Technophobia sẽ không xuất hiện ngay từ khi còn nhỏ mà nó chỉ hình thành từ những kinh nghiệm. Nếu trong quá khứ bạn đã từng mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng máy tính hoặc các sự kiện tồi tệ nào đó có liên quan đến điện thoại thì nhiều khả năng bạn sẽ bị ám ảnh về nó và rơi vào tình trạng Technophobia.
- Do sự bất lực: Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện nay thì giới trẻ chính là đối tượng đầu tiên và nhanh chóng tiếp cận với các sản phẩm tiên tiến, hiện đại. Ngược lại, những người trưởng thành, cao tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm quen với các thiết bị như máy tính, điện thoại. Theo đó, các chuyên gia cho biết rằng, Technophobia đôi khi không hình thành do sự sợ hãi công nghệ mà là do chính sự bất lực trong việc sử dụng nó.
- Kịch bản về ngày tận thế: Hiện nay có không ít các thông tin trên các báo đài nói về báo động của công nghệ. Các thiết bị công nghệ tiên tiến, những phát minh vĩ đại có thể thâu tóm và hủy diệt con người. Các bộ phim viễn tưởng cũng thường xuyên làm về nội dung này khiến nhiều người càng thêm lo lắng về sự xâm chiếm của công nghệ hiện đại. Theo khảo sát của Chapman nhận thấy có đến hơn 35% số người tham gia mắc hội chứng Technophobia và họ chia sẻ rằng mình rất sợ trí tuệ nhân tạo, sợ người máy cướp đi công việc của mình.
Technophobia gây ảnh hưởng như thế nào?
Với thời đại công nghệ đi đầu hiện nay thì việc mắc phải hội chứng Technophobia – sợ công nghệ sẽ khiến nhiều người gặp phải khó khăn trong việc tham gia vào các hoạt động đời sống, bị hạn chế về công việc, các sinh hoạt, dịch vụ tiện ích. Đồng thời, chứng sợ công nghệ cũng gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ, làm gián đoạn giao tiếp xã hội và gây cản trở đối với sự phát triển, sự nghiệp của mỗi người.
Những người mắc phải hội chứng này thường sẽ không thể sử dụng tốt và thành thạo các thiết bị như máy tính, điện thoại hoặc cả các máy móc trong xí nghiệp. Điều này khiến họ bị hạn chế rất nhiều trong việc tìm kiếm việc làm bởi dường như hiện nay bất kì lĩnh vực nào cũng ứng dụng các thiết bị, sản phẩm thông minh, tiện lợi.
Bên cạnh đó, người Technophobia sẽ vô cùng lo lắng khi phải sử dụng điện thoại để liên lạc, trao đổi, trò chuyện bằng điện thoại. Tuy nhiên, đây lại chính là công cụ liên lạc phổ biến và cần thiết trong thời đại hiện nay. Thiếu đi thiết bị này sẽ khiến bạn không thể hòa nhập tốt với cộng đồng, không cập nhật được những thông tin hữu ích, mới mẽ và đặc biệt là không thể duy trì tốt các mối quan hệ lành mạnh.
Trong kết quả của một cuộc nghiên cứu nhận thấy rằng, Technophobia có thể gây bất lợi đến đời sống và cả sức khỏe của những người cao tuổi. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, hàng loạt các thiết bị, sản phẩm tiên tiến được ra đời nhằm phục vụ tốt nhu cầu của con người. Tuy nhiên, đối với những người cao tuổi, việc tiếp cận và làm quen với các công nghệ hiện đại là một điều vô cùng khó khăn. Điều này có thể khiến họ dần bị tách rời khỏi xã hội, thậm chí là bị cô lập.
Ngoài ra, khi nỗi sợ hãi kéo dài dai dẳng không được khắc phục tốt sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe, khiến nhiều người phải đối mặt với nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu. Nhiều trường hợp do bất lực trước nỗi sợ của mình nên liên tục tìm đến rượu bia, thuốc lá hoặc các chất kích thích gây hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần.
Cách khắc phục chứng sợ công nghệ
Technophobia có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống và sức khỏe của mỗi người nên dù bạn có đang đối mặt với nỗi sợ công nghệ hay chỉ là cảm thấy lạc lõng giữa sự phát triển của thời đại 4.0 thì cũng cần chú ý quan tâm để cải thiện tốt hơn. Nếu nghi ngờ bản thân mắc hội chứng sợ công nghệ thì bạn nên tìm đến các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán cụ thể.
Bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp đối với từng trường hợp bệnh khác nhau. Thông thường, đối với hội chứng Technophobia sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý, một vài trường hợp sẽ được kê đơn thuốc để kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ tốt trong việc gia tăng hiệu quả điều trị. Cụ thể như sau:
1. Tâm lý trị liệu
Đối với người bệnh ám ảnh sợ hãi cụ thể nói chung và hội chứng Technophobia nói riêng đều sẽ được ưu tiên áp dụng liệu pháp tâm lý để giúp người bệnh cải thiện và điều chỉnh tốt cảm xúc, suy nghĩ, hành vi sai lệch của bản thân. Đây là phương pháp được đánh giá rất cao về hiệu quả và độ an toàn. Tâm lý trị liệu hoàn toàn không sử dụng thuốc mà chỉ tác động vào tâm thức của người bệnh thông qua ngôn ngữ.
Tùy vào từng tình trạng bệnh khác nhau mà các chuyên gia sẽ cân nhắc để áp dụng những liệu pháp phù hợp nhất. Đối với hội chứng sợ công nghệ, chuyên gia tâm lý sẽ ưu tiên trị liệu bằng liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp nhận thức hành vi.
- Liệu pháp tiếp xúc: Bệnh nhân Technophobia sẽ được tiếp cận với công nghệ trong môi trường an toàn để dần thích nghi và đáp ứng tốt với nỗi sợ. Chuyên gia tâm lý sẽ hỗ trợ các biện pháp kiểm soát cảm xúc để người bệnh có thể đối mặt và vượt qua được chính nỗi sợ hãi của chính mình. Thông thường, bệnh nhân sẽ được xem hình ảnh và quan sát các thiết bị công nghệ, sau đó có thể nghe những âm thanh mà thiết bị tạo ra, tiếp cận gần hơn với việc sử dụng, thực hiện các thao tác đơn giản trên máy tính, điện thoại.
- Liệu pháp nhận thức và hành vi: Đây là một trong các biện pháp hỗ trợ cải thiện rất tốt cho các trường hợp mắc chứng Technophobia. Chuyên gia tâm lý sẽ gặp gỡ và trao đổi trực tiếp cùng với bệnh nhân để giúp họ nhìn nhận được những suy nghĩ, cảm xúc chưa phù hợp của mình, từ đó đưa ra những cách khắc phục hiệu quả để thay đổi tốt nhận thức, hành động theo hướng tích cực hơn.
2. Dùng thuốc
Một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu có thể được cân nhắc sử dụng trong các trường hợp mắc chứng Technophobia nặng hoặc người bệnh có kèm theo các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,….Các loại thuốc này tuy không có tác dụng điều trị dứt điểm hội chứng sợ công nghệ nhưng nó có khả năng kiểm soát và làm giảm các triệu chứng nguy hiểm, giúp thuyên giảm nỗi sợ hãi quá mức.
Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc đều có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn nên cần phải thực sự cẩn trọng trong việc sử dụng. Bệnh nhân nên tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn và yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng sử dụng thuốc đột ngột. Nếu quá trình uống thuốc có xuất hiện thêm những triệu chứng lạ thì cần báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
3. Cải thiện tại nhà
Song song với các biện pháp điều trị nêu trên thì để cải thiện tốt tình trạng Technophobia thì người bệnh cần phải chú ý nhiều đến chế độ sinh hoạt hàng ngày, xây dựng lối sống lành mạnh hơn. Để nỗi sợ công nghệ nhanh chóng được khắc phục, bạn cần thực hiện các điều sau đây:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, các loại thực phẩm tươi sống chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Đồng thời, hạn chế dùng đồ ăn chế biến sẵn, những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo,…
- Tuyệt đối không được lạm dụng rượu bia, các chất kích thích, chất gây nghiện.
- Một chế độ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cũng chính là cách tốt nhất để bạn nâng cao và bảo vệ tốt sức khỏe tổng thể.
- Đảm bảo giấc ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
- Chia sẻ và tâm sự nhiều hơn với những người xung quanh, nói với họ về nỗi sợ của bạn để họ có thể đồng cảm và thấu hiểu hơn cho bạn.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn đọc hiểu hơn về hội chứng sợ công nghệ – Technophobia. Đây là một hội chứng khá phổ biến, gặp rất nhiều ở người trưởng thành và gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sinh hoạt đời sống. Do đó, nếu bạn đang có sự lo ngại về công nghệ hoặc nghi ngờ bản thân mắc phải hội chứng này thì nên nhanh chóng thăm khám để có biện pháp khắc phục hiệu quả nhất.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia) gây phản ứng gì?
- Chứng sợ con số (Arithmophobia) gây ra ảnh hưởng gì?
- Chứng bất lực ngôn ngữ (Aphasia): Cản trở gì khi giao tiếp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!