Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý và hướng điều trị

4.8/5 - (82 bình chọn)

Thường mơ thấy ác mộng, dễ hoảng loạn, dễ kích động, tâm lý tiêu cực là những dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý rất dễ nhận thấy. Con thường bị ám ảnh bởi những sự kiện trong quá khứ, sống trong nỗi mơ hồ và không chịu tiến về tương lai.  Cha mẹ và người thân lúc này cần đóng vai trò là người đồng hành, luôn bên cạnh quan tâm, trò chuyện với con hằng ngày để giải tỏa tâm lý, giúp con sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý

Có rất nhiều nguyên nhân gây sang chấn tâm lý ở trẻ chẳng hạn như bị bỏ rơi đột ngột, chứng kiến người thân, đặc biệt là cha mẹ mất, bị lạm dụng tình dục, bị bạo lực nghiêm trọng hay chứng kiến các thiên tai, thảm họa nghiêm trọng.. Những yếu tố này hoàn toàn có thể tác động vào tâm lý non nớt của những đứa trẻ khiến chúng luôn bị ám ảnh, lo âu, sống trong lo lắng rằng các sự kiện đó sẽ lại tái diễn.

dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý
Các dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý cần sớm được nhận biết để có hướng điều trị kịp thời

Tâm lý của trẻ em và người trưởng thành hoàn toàn khác nhau, có thể có những sự kiện không hề gây ra ảnh hưởng nào với người lớn nhưng lại khiến trẻ bị ám ảnh, không nguôi nghĩ về nó. Nhiều phụ huynh thường chủ quan cho rằng có thể chỉ là con làm quá lên, nhìn nhận vấn đề theo một chiều hướng của bản thân và làm cho tình trạng của con ngày càng nghiêm trọng hơn.

Vậy đâu là dấu hiệu để nhận biết con đang bị sang chấn tâm lý?

Những ám ảnh có liên quan đến quá khứ

Có những đứa trẻ có thể nhớ hoàn toàn các chi tiết xảy ra trong ngày hôm đó nhưng cũng có những đứa trẻ chỉ có thể nhớ mơ hồ, không nhớ trọn vẹn liệu rằng đã xảy ra điều gì vào ngày hôm đó. Tuy nhiên những mảnh ghép từ quá khứ có thể rời rạc nhưng vẫn luôn tồn tại trong tâm trí của con và sẽ bị kích hoạt dần dần khi xung quanh con xuất hiện các hình ảnh, tình huống tương tự như sự kiện gây sang chấn.

Những dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý rõ ràng nhất chính là cảm xúc, hành vi của con trước các sự kiện, tình huống có thể liên quan đến quá khứ, bao gồm

  • Tránh né đến những địa điểm, hình ảnh hay cả việc gặp gỡ những người có thể liên quan đến sự kiện gây sang chấn
  • La hét, hoảng loạn, chân tay run rẩy, khóc lóc, kích động nếu nhớ ra những điều có liên quan đến sự kiện gây sang chấn
  • Khó thở, đau tức ngực, hoảng loạn thậm chí một số trẻ có thể ngất xỉu vì cảm thấy quá hoảng loạn khi phải trải nghiệm lại sự kiện từ quá khứ
  • Đau lòng, buồn khổ khi phải nhắc về các sự kiện này nên thường tìm cách tránh né
  • Thường mơ thấy ác mộng có liên quan đến các sự kiện này, một số trẻ có thể bị mất ngủ trong thời gian dài vì sợ khi ngủ phải nhìn thấy các hình ảnh đau lòng ấy
  • Các chi tiết quan trọng nhất có liên quan đến sự kiện này có thể con không nhớ được, tất cả thật mơ hồ nhưng nếu có ai đó nhắc đến các sự kiện tương tự thì bất giác nước mắt con có thể chảy ra

Dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý thông qua tính cách, suy nghĩ

Sau sang chấn, tinh thần hoảng loạn, sợ hãi đã khiến con có sự thay đổi rất nhiều về tính cách và suy nghĩ, thường là phát triển theo một chiều hướng xấu. Nếu gia đình lúc này không có sự quan tâm phù hợp đến con thì mức độ phát triển tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn.

dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý
Trẻ sau sang chấn tâm lý thường có xu hướng sống nội tâm, xa cách với mọi người, luôn lo lắng những sự kiện ấy sẽ quay trở lại

Cụ thể một số dấu hiệu về mặt tính cách, suy nghĩ để nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý như

  • Trẻ sau sang chấn thường có xu hướng thay đổi tính cách, chẳng hạn từ một đứa trẻ hoạt bát sẽ trở nên thu mình, ít nói hơn. Những trẻ vốn đã ít nói thường sẽ càng sống nội tâm, ít giao tiếp với mọi người xung quanh hơn nữa
  • Dễ trở nên kích động, cáu gắt, khó chịu với nhiều thứ xung quanh là một trong những dấu hiệu nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý
  • Luôn trong trạng thái lo lắng, hoảng sợ, suy nghĩ và tính cách ngày càng phát triển theo chiều hướng tiêu cực hơn
  • Giảm sút về ngôn ngữ, tư duy logic, khó khăn trong việc đưa ra quyết định dù đó là việc rất đơn giản
  • Có xu hướng tách biệt với mọi người nhưng thường sẽ bám bố mẹ hơn, tuy nhiên cũng tùy theo độ tuổi. Một số trẻ trong độ tuổi thành niên có xu hướng biệt lập hoàn toàn, ngay cả với cha mẹ
  • Luôn nghi ngờ với những thứ xung quanh, luôn cho rằng có những mối nguy hiểm rình rập tiềm ẩn quanh bản thân
  • Mất dần khả năng tập trung, xao lãng với mọi thứ
  • Luôn có cảm giác xấu hổ, tội lỗi, tự trách bản thân trong suốt thời gian dài
  • Có xu hướng già dặn, chín chắn hơn trong tính cách và suy nghĩ hằng ngày

Tinh thần tiêu cực là dấu hiệu cho thấy trẻ bị sang chấn tâm lý

Vốn dĩ tinh thần của trẻ nhỏ còn rất yếu nên những sự kiện sang chấn có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm trí của con, tác động tiêu cực đến nhận thức lâu dài sau này của con.

  • Luôn nhìn nhận mọi thứ theo con mắt tiêu cực, chẳng hạn luôn đổ lỗi cho bản thân rằng xảy ra việc đó là lỗi của mình. Dù vậy một số trẻ cũng có có xu hướng đổ lỗi cho các sự kiện đó hay những người liên quan để chống chế mỗi khi bản thân mắc lỗi
  • Đề phòng những người xung quanh, luôn cho rằng mọi người có ý định lợi dụng hay làm hại mình ( tùy tính chất nguyên nhân gây sang chấn)
  • Dường như không cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc hoặc chỉ cảm nhận được hạnh phúc trong thời gian ngắn ngủi. Những cảm xúc tiêu cực hầu như luôn choán lấy toàn bộ tâm trí của con
  • Tinh thần tiêu cực có thể ảnh hưởng đến cả sự phát triển bình thường của con, một số trẻ có thể học hành sa sút, thậm chí không muốn đi học
  • Dễ bị căng thẳng stress hơn, kể cả với các sự kiện không đáng có

Nói chung những dấu hiệu nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý khá dễ nhận biết bởi nó thể hiện khá rõ ràng. Tuy nhiên một số trẻ có thể chỉ biểu hiện rõ ràng khi đứng trước các tình huống, sự kiện giống với hoàn cảnh gây sang chấn hoặc bị ác mộng về đêm, còn với các tình huống giao tiếp hằng ngày vẫn vui vẻ như bình thường nên đôi khi gia đình cũng không nhận ra.

Hướng điều trị sang chấn tâm lý ở trẻ

Việc điều trị sang chấn tâm lý ở trẻ nên cần thực hiện từ sớm để tránh các hệ lụy liên quan trực tiếp đến sự hình thành nhân cách cũng như tương lai của trẻ. Gia đình cần có sự quan tâm phù hợp đến trẻ hoặc đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tâm lý từ sớm để tháo gỡ các khúc mắc trong tâm trí, giúp con sớm hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường.

Cùng con gặp gỡ chuyên gia tâm lý

Sang chấn tâm lý rất khó để tự khỏi bởi những ám ảnh từ quá khứ cứ âm ỉ trong tâm trí của con và chỉ đợi thời điểm thích hợp để bùng phát. Chính vì vậy thay vì nghĩ rằng “thời gian sẽ chữa lành tất cả” thì phụ huynh nên sớm nhận biết các dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý và tìm cách xoa dịu những tổn thương tâm lý cho con bằng cách đưa con đến gặp các chuyên gia tâm lý.

dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý
Gặp gỡ các chuyên gia tâm lý là biện pháp tốt nhất cho những trẻ bị sang chấn tâm lý

Cần hiểu rằng việc dùng thuốc hầu như đem đến rất ít tác dụng cho người bị sang chấn tâm lý hoặc chỉ giúp tinh thần ổn định hơn, hỗ trợ giấc ngủ ổn định, tránh gặp ác mộng chứ không thể loại bỏ được những “bóng đen” trong tâm trí con. Trong khi đó trị liệu tâm lý lại mang đến hiệu quả trong cả việc thư giãn tinh thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ và loại bỏ được những ám ảnh trong tâm trí của con.

Tùy tình trạng của trẻ, chuyên gia tâm lý có thể áp dụng các phương pháp như trị liệu nhận thức hành vi hay liệu pháp phơi nhiễm. Mục đích chính của các phương pháp này là giúp con hiểu rằng đó không phải là lỗi của mình, giải tỏa tâm lý tiêu cực, hướng con đến những suy nghĩ đúng đắn và dám đối mặt với những tình huống gây căng thẳng.

Kết thúc trị liệu, con đã gỡ bỏ được những vướng mắc trong tâm trí, trở lại cuộc sống, tinh thần đúng với lứa tuổi. Trẻ được học cách kiểm soát cảm xúc, tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực hơn. Mặt khác trẻ cũng mở lòng chia sẻ hơn với mọi người, không còn quá khép mình hay xa cách với mọi người như trước. Khi tinh thần đã được giải tỏa thì quá trình phát triển và hình thành nhân cách của con sẽ đi theo hướng đúng đắn nhất.

Gia đình và người thân cũng nên tham gia trị liệu tâm lý cùng con khi nhận thấy con có dấu hiệu bị sang chấn. Trò chuyện cùng các chuyên gia tâm lý sẽ giúp gia đình hiểu rõ hơn về tình trạng của con, từ đó có hướng chăm sóc con phù hợp hơn. Người thân cũng có vai trò quan trọng không kém trong quá trình chăm sóc đời sống tinh thần và hướng con đến lối sống tích cực hơn.

Chăm sóc tại nhà cho trẻ sau sang chấn tâm lý

Ngay sau khi phát hiện thấy các dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý, gia đình cần dành thời gian quan tâm con nhiều hơn mỗi ngày. Hướng con đến lối sống lành mạnh tích cực, trò chuyện hằng ngày, thay đổi môi trường sống và giúp con hiểu rằng đó không phải là lỗi của mình chính là những cách tốt nhất để xoa dịu trái tim mang đầy tổn thương của con lúc này.

dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý
Phụ huynh nên kéo con ra khỏi quá khứ bằng các hoạt động lành mạnh, vui vẻ ở thực tại

Trẻ nhỏ cực kỳ cần sự quan tâm và hỗ trợ từ gia đình, người thân bởi tâm lý của con còn rất yếu nên rất cần một chỗ dựa vững chắc. Và gia đình vẫn luôn là nơi trú ngụ an toàn nhất, tuyệt vời nhất không nơi đâu sánh bằng. Một số phương pháp có thể giúp ích cho con lúc này mà phụ huynh có thể tham khảo như

  • Tránh nói về các sự kiện gây sang chấn trước mặt con
  • Dạy con cách hít thở sâu để giữ bình tĩnh. Chẳng hạn khi đứng trước các tình huống giống với sự kiện gây sang chấn, hãy giữ tay con và nói con hãy cố gắng hít thở sâu và lấy lại bình tĩnh thay vì vội vàng đưa con qua những nơi này. Không phải lúc nào trốn chạy cũng là cách hay, thay vào đó hãy cùng con đối diện với những tình huống đó vì không biết lúc nào nó có thể quay trở lại
  • Dành thời gian chia sẻ và nói chuyện với con hằng ngày,  hỏi con về cảm xúc ngày hôm nay. Phụ huynh có thể chia sẻ cảm xúc của mình về ngày hôm nay trước để khơi gợi con tự chia sẻ thay vì bắt ép con phải nói ra cảm xúc của mình
  • Cố gắng duy trì giấc ngủ ổn định hằng ngày cho con, đảm bảo con đi ngủ sớm. Nếu thấy con gặp ác mộng và la hét hãy đến ngay bên cạnh và cầm tay con để con an tâm hơn khi tỉnh và có thể ngủ ngon hơn. Thời gian đầu sau sang chấn phụ huynh cũng nên ngủ cạnh con để con có cảm giác an toàn hơn
  • Hướng con đến những hoạt động lành mạnh hằng ngày, kéo con ra khỏi phòng để hòa nhập hơn với mọi người. Chẳng hạn phụ huynh có thể nhờ bé phụ giúp nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, cùng đi mua sắm hay cả nhà cùng chơi thể thao, đi du lịch hay làm bất cứ điều gì mà con thích
  • Nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng đôi khi cũng cần cứng rắn hơn với con. Chẳng hạn một số trẻ sau sang chấn thường quá kích động, vịn vào lý do mình bị ám ảnh tâm lý để khiến phụ huynh luôn chiều chuộng, làm theo mong muốn của mình, tuy nhiên dần dầu điều này có thể hình thành tâm lý ích kỷ, dựa dẫm quá mức vào gia đình của con. Phụ huynh đôi khi cũng cần cứng rắn với những cảm xúc thái quá, những đòi hỏi vô lý của con nhằm hỗ trợ quá trình trưởng thành theo hướng tốt nhất của trẻ. Hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia tâm lý để có thể kiểm soát con trong các trường hợp này.
  • Nếu trẻ cần dùng thuốc nên kiểm soát việc dùng thuốc hằng ngày, tránh tình trạng con bỏ thuốc hoặc dùng quá liều
  • Cùng con tham gia một số hoạt động giúp thư giãn tinh thần, chẳng hạn như thiền, yoga hay các bài tập hít thở. Việc có gia đình cùng tham gia sẽ giúp con an tâm hơn là phải luyện tập một mình
  • Thay đổi môi trường sống, môi trường học tập cho con tùy theo từng nguyên nhân. Chẳng hạn nếu con bị bạo lực, bị bạo hành tình dục thì việc chuyển nơi ở để con quên đi những ám ảnh từ quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới là rất cần thiết
  • Khuyến khích, động viên con tham gia các hoạt động yêu thích để gia tăng sự tự tin và hứng thú với các hoạt động thường ngày trong cuộc sống
  • Giữ liên lạc với trường lớp hay những hoạt động con tham gia để hỗ trợ ngay khi cần thiết
  • Bổ sung dinh dưỡng thường ngày, tăng cường các chất tốt cho trí não của trẻ chẳng hạn như nhóm các loại hạt, rau có màu xanh, sữa, các nhóm hải sản hay thịt nạc. Tránh xa các thực phẩm như đồ ăn nhanh, đồ ăn có chứa nhiều độc tố, đồ ăn cay nóng…
  • Đưa con đi tái khám và chăm sóc tâm lý thường xuyên để hiểu rõ về tình trạng của con hơn

Các dấu hiệu trẻ bị sang chấn tâm lý có thể dễ dàng nhận biết, tuy nhiên nếu gia đình không dành sự quan tâm và hỗ trợ con kịp thời có thể tác động trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách và phát triển của bé. Thay đổi môi trường sống lành mạnh, tích cực, chia sẻ với con nhiều hơn chính là cách giúp con sớm thoát ra khỏi giai đoạn khó khăn này, nhanh chóng lấy lại tuổi thơ hồn nhiên, vô tư và hạnh phúc nhất.

Có thể bạn quan tâm:

4.8/5 - (82 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *