Hậu quả của sang chấn tâm lý đối với sự phát triển của trẻ
Tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý – tâm thần, chậm phát triển tư duy, thể chất, giảm khả năng ngôn ngữ,… là những hậu quả của sang chấn tâm lý đối với trẻ nhỏ. Nếu không có biện pháp can thiệp, tình trạng này có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.
Hậu quả của sang chấn tâm lý với trẻ nhỏ
Sang chấn tâm lý là tình trạng tổn thương tâm lý nghiêm trọng do phải trải qua hoặc chứng kiến một/ nhiều sự việc có tính chất khủng khiếp. Trên thực tế, mức độ tổn thương của các sự kiện này có sự khác biệt tùy vào độ tuổi, giới tính, nhân cách và kinh nghiệm sống của từng người. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do nhân cách yếu, chưa hoàn thiện và thiếu kinh nghiệm, kỹ năng sống.
Khi đối mặt với stress (căng thẳng), não bộ sẽ truyền tín hiệu đến các tuyến nội tiết trong cơ thể nhằm tăng sản xuất một số hormone. Các hormone này làm thay đổi cách thức hoạt động của các cơ quan để cơ thể có thể thích nghi và vượt qua những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên với sang chấn tâm lý, tác động thường nặng nề và ảnh hưởng nhiều hơn so với stress.
Các sang chấn tâm lý ở trẻ nhỏ cần phải được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và nhân cách. Nếu để kéo dài, tình trạng này có thể gây ra những hậu quả sau:
1. Gây ra các rối loạn tâm lý, tâm thần
Khi trải qua sang chấn tâm lý, phần lớn trẻ đều phải đối mặt với các rối loạn tâm lý – tâm thần. Các sang chấn này gây ra tổn thương tâm lý mạnh, từ đó kích thích cơ thể tạo ra hàng loạt hormone nhằm thay đổi cách thức hoạt động của não bộ và các cơ quan trong cơ thể.
Giai đoạn đầu, cơ thể sẽ tăng sản xuất adrenalin, noradrenalin, catecholamine,… Sau đó, các hormone chuyển hóa glucocorticoid (cortisone, cortisol), hormone corticotropin (ACTH),… sẽ có hiện tượng tăng tiết. Sau 2 giai đoạn này, cơ thể phải đối mặt với giai đoạn kiệt quệ với những bất thường về nhận thức, tri giác, hành vi và cảm xúc.
Do đó khi phải đối mặt với sang chấn tâm lý, trẻ nhỏ có thể hình thành các rối loạn tâm lý như:
- Rối loạn stress cấp tính (ASD): Rối loạn stress cấp tính (ASD) thường xảy ra sau vài ngày trải qua sự kiện gây tổn thương tâm lý. Rối loạn này đặc trưng bởi các triệu chứng phân ly, né tránh các đối tượng, không gian gợi nhắc đến sự kiện, cảm xúc tiêu cực và dễ bị kích động. Nếu được chăm sóc tốt, các biểu hiện ASD sẽ thuyên giảm chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phát triển dai dẳng các triệu chứng qua 1 tháng dẫn đến sự hình thành của các vấn đề tâm lý khác.
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD): PTSD có biểu hiện tương tự rối loạn stress cấp tính nhưng triệu chứng thường có mức độ nặng, khởi phát muộn và thời gian tiến triển lâu hơn (ít nhất 1 tháng). So với ASD, trẻ bị rối loạn stress sau sang chấn phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả về thể chất và tinh thần.
Ngoài những rối loạn trên, trẻ cũng có thể gặp phải một số vấn đề tâm lý do stress. So với người trưởng thành, ngưỡng chịu đựng sang chấn tâm lý của trẻ thường thấp hơn. Do đó sau khi phải trải qua những sự kiện có tính chất nghiêm trọng, gia đình cần quan tâm đến tâm lý và cho trẻ tham gia trị liệu để chữa lành tổn thương trong thời gian sớm nhất.
2. Ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ
Phần lớn các cơ quan đều bị ảnh hưởng đáng kể khi phải đối mặt với các sang chấn tâm lý. Các nghiên cứu cho thấy, tổn thương tâm lý khiến cho não bộ sản xuất nhiều hơn các tế bào myelin (chất giàu lipid bao xung quanh sợi trục của tế bào thần kinh). Việc gia tăng các tế bào này khiến cho trẻ chậm phát triển nhận thức, kỹ năng giao tiếp và khó kiểm soát cảm xúc hơn.
Ngoài ra, hormone cortisol sản sinh quá nhiều khi bị sang chấn cũng ảnh hưởng đáng kể đến trí nhớ. Các chuyên gia cho rằng, hormone này gây viêm mãn tính ở các tế bào não dẫn đến tình trạng trí nhớ kém và khó tập trung. Nghiên cứu được thực hiện trên 2018 người bị stress dài hạn cũng cho thấy, kích thước não giảm đi đáng kể (chỉ chiếm khoảng 88.5% trong khi người bình thường có khối lượng não chiếm 88.7% khối lượng hộp sọ).
Đối với trẻ nhỏ, ảnh hưởng này có thể nghiêm trọng hơn so với người trưởng thành. Trẻ đối mặt với sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu sẽ gặp phải nhiều vấn đề về tư duy, trí nhớ, khả năng học tập kém,… do những bất thường bên trong não bộ.
3. Giảm các kỹ năng xã hội
Kỹ năng xã hội là yếu tố rất cần thiết giúp trẻ hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa và tạo lập với mối quan hệ với những người xung quanh. Nếu gặp phải các sự kiện gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng từ khi còn nhỏ, trẻ có thể mất đi các kỹ năng xã hội vốn có và không thể phát triển thêm những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho cuộc sống.
Nguyên nhân được các chuyên gia xác định là do sự ức chế hệ thần kinh trung ương và sự thay đổi hoạt động của các cơ quan bên trong não bộ. Ngoài ra, sự giảm thấp của tâm trạng cũng khiến cho trẻ mất hứng thú trong việc kết giao và vui chơi với bạn bè.
Hầu hết trẻ đều có xu hướng tự cô lập và cách ly với những người xung quanh sau khi trải qua những sự kiện gây sang chấn. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, trẻ có thể bị thiếu hụt các kỹ năng xã hội và gặp nhiều trở ngại khi học tập, làm việc.
4. Giảm khả năng ngôn ngữ – Hậu quả của sang chấn tâm lý đối với trẻ
Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ nên sang chấn tâm lý cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ. Thùy trán của bán cầu não trái (vùng Broca) là cơ quan kiểm soát khả năng biểu đạt từ ngữ và giao tiếp. Khi chịu tổn thương tâm lý nặng nề, trẻ có thể giảm khả năng ngôn ngữ và gặp khó khăn trong việc bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.
Ngoài ra, xu hướng tự tách biệt và cô lập sau khi trải qua sang chấn tâm lý cũng ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của trẻ. Tổn thương tâm lý khiến cho trẻ trở nên ít nói, không cảm thấy hứng thú khi trò chuyện và không muốn giao tiếp với người khác. Về lâu dài, tình trạng này tác động đến vốn từ, khả năng biểu đạt và sử dụng ngôn ngữ của trẻ.
5. Gia tăng tỷ lệ hút thuốc, sử dụng rượu bia
Ở trẻ vị thành niên, sang chấn tâm lý không chỉ tác động đến tâm lý và tư duy của trẻ mà còn gia tăng lối sống thiếu lành mạnh. Trẻ ở độ tuổi này chưa hoàn thiện về nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống còn yếu kém nên không biết cách vượt qua nỗi đau hay kiểm soát căng thẳng. Thay vì lựa chọn các biện pháp lành mạnh, trẻ có thể sử dụng rượu bia và hút thuốc như một cách đối phó với nỗi đau mà bản thân đang phải đối mặt.
Nếu không được can thiệp kịp thời, trẻ có thể tham gia vào các tệ nạn xã hội. Thực tế cho thấy, những trẻ gặp phải sang chấn tâm lý trong giai đoạn nhạy cảm như dậy thì có thể phát triển nhân cách lệch lạc, tỷ lệ tù tội cao và dễ vi phạm các quy chuẩn đạo đức, xã hội và thậm chí là luật pháp.
6. Chậm phát triển thể chất
Ngoài những ảnh hưởng đối với sự phát triển của não bộ, tư duy và tâm lý, sang chấn tâm lý cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Khi đối mặt với tổn thương tinh thần, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến các cơ quan trong cơ thể dẫn đến sự gia tăng đột ngột của một số hormone. Nếu không được điều chỉnh kịp thời, các hormone này có thể gia tăng trong thời gian dài gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Tình trạng tăng hormone cortisol, adrenalin, catecholamin,…có thể làm tăng cholesterol trong máu, rối loạn chuyển hóa lipid, thiếu oxy ở thành mạch máu, cơ tim, loạn dưỡng một số tế bào trong cơ thể. Ngoài ra, sự gia tăng của các hormone này cũng khiến cho trẻ thường xuyên mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mất ngủ, bùng phát các bệnh dị ứng, gia tăng mắc các bệnh lý truyền nhiễm,…
Nếu không có biện pháp khắc phục sớm, trẻ bị sang chấn tâm lý phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe và chậm phát triển thể chất. Với trẻ đang trong giai đoạn phát triển, gia đình sẽ nhận thấy trẻ ốm yếu, suy nhược, xanh xao và chậm phát triển rõ rệt so với bạn bè đồng trang lứa. Sự sụt giảm thể chất khiến cho tinh thần của trẻ bị suy sụp và ảnh hưởng nặng nề hơn. Do đó bên cạnh việc chăm sóc đời sống tinh thần, gia đình cũng cần đảm bảo trẻ được ăn uống và sinh hoạt điều độ.
7. Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
Sự gia tăng của các hormone khi bị stress, sang chấn có thể dẫn đến nhiều bệnh lý mãn tính. Ở trẻ em, tổn thương tâm lý kéo dài có thể gây bùng phát các bệnh lý cơ địa như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc,… Về lâu dài, sự căng thẳng, lo âu và buồn bã quá mức cũng khiến trẻ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, đau vai gáy, đau nửa đầu, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng co thắt và nhiều bệnh lý khác.
Có thể thấy, hậu quả của sang chấn tâm lý đối với trẻ em là vô cùng nghiêm trọng. Do đó khi trẻ phải trải qua những sự kiện có tính chất khủng khiếp, người thân trong gia đình cần quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Trong một số trường hợp, trẻ có thể cố gắng che giấu cảm xúc và suy nghĩ thật. Vì vậy, gia đình nên cho trẻ tiếp nhận tham vấn và trị liệu tâm lý ngay sau khi phải đối mặt với tổn thương tâm lý.
Tham khảo thêm:
- Các rối loạn tâm lý tuổi dậy thì thường gặp ở trẻ vị thành niên
- Các rối loạn liên quan đến Stress bạn cần cảnh giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!