Sang chấn tâm lý ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu và hướng điều trị

Sang chấn tâm lý ở trẻ em là một trong các chứng rối loạn lo âu rất phổ biến. Nó xảy ra khi trẻ phải đối diện hoặc trải qua các tình huống, sự kiện gây tổn thương mạnh mẽ trong quá khứ và kéo dài dai dẳng đến hiện tại. 

Sang chấn tâm lý ở trẻ
Sang chấn tâm lý ở trẻ xảy ra khi trẻ phải đối diện hoặc trải qua các tình huống gây tổn thương mạnh mẽ

Nguyên nhân gây sang chấn tâm lý ở trẻ em

Những hoạt động làm tổn thương như bạo hành, lạm dụng tình dục, tai nạn xe hoặc các sự kiện gây ám ảnh về thể chất lẫn tinh thần chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng sang chấn tâm lý ở trẻ em. Sự sang chấn này có thể khởi phát và tồn tại trong khoảng vài tuần, thậm chí là vài năm sau khi trẻ đã chứng kiến hoặc trải qua các cú sốc đó.

Sang chấn sẽ khiến cho trẻ nhỏ trải nghiệm các sự đau đớn, tổn thương về mặt tâm lý dưới hình thức liên tưởng lại những kí ức, các ý nghĩ khủng hoảng, các cơn ác mộng. Nhất là khi trẻ phải chứng kiến hoặc tiếp xúc với các sự kiện, đồ vật gợi nhớ lại những tổn thương trước đây.

Một số tình huống cụ thể có thể gây nên tình trạng sang chấn tâm lý ở trẻ như:

  • Thiên tai như lũ lụt, sạ lỡ, động đất, sóng thần,…
  • Chiến tranh
  • Hỏa hoạn, lửa,…
  • Tai nạn xe
  • Bị lạm dụng tình dục, thể chất
  • Từng bị đánh đập, hành hạ, bạo lực, hiếp dâm.
  • Chứng kiến người thân hoặc những người xung quanh trải qua các tổn thương kinh hoàng.
  • Những hành vi đe dọa, bạo hành như khủng bố, bắt cóc, bị uy hiếp, tấn công bất ngờ,….
  • Được chẩn đoán mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo.

Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị sang chấn tâm lý do phải thường xuyên tiếp xúc với các sự kiện gây tổn thương tâm lý và thể xác. Hoặc cũng có trường hợp cả gia đình gặp tai nạn, hỏa hoạn nhưng chỉ có duy nhất trẻ là người sống sót cũng khiến cho tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng, dễ hình thành các chứng rối loạn căng thẳng, trẻ sẽ cảm thấy tội lỗi và bất an sau khi trải qua chúng.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Nguy cơ phát triển sang chấn tâm lý ở trẻ em

Thực tế, không phải tất cả các trẻ em khi trải qua các sự kiện gây sang chấn đều sẽ bị ảnh hưởng hoặc tổn thương tâm lý. Tình trạng sang chấn sẽ xảy ra tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như nhân cách, sự hỗ trợ của xã hội, tiền sử các vấn đề về sức khỏe tâm thần, lịch sử bệnh lý của gia đình, mức độ căng thẳng hiện tại của sự việc, các kinh nghiệm của thời thơ ấu, bản chất của các sự kiện gây chấn thương,….

Theo kết quả của các cuộc nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, hầu hết các trẻ bị sang chấn tâm lý đều có những mức hormone chủ chốt không điển hình có sự liên quan đến các phản ứng stress, căng thẳng. Ví dụ như, trẻ sẽ có nồng độ cortisol thấp hơn so với mức bình thường, còn nồng độ epinephrine và norepinephrine sẽ gia tăng cao hơn.

Những loại hormone này đều đóng một vai trò cực kì quan trọng đối với phản ứng “fight or flight” (đối đầu hay bỏ chạy) của cơ thể khi phải bất ngờ đối diện với những sự kiện, hoạt động gây căng thẳng. Tức là lúc này trẻ chỉ có 2 sự lựa chọn duy nhất, một là đối diện và cố gắng vượt qua được sự lo lắng, căng thẳng, hai là tìm cách tránh né, chạy trốn khỏi chúng bằng mọi cách.

Dấu hiệu nhận biết sang chấn tâm lý ở trẻ em

Lo lắng, căng thẳng, trầm cảm chính là các dấu hiệu nhận biết điển hình của tình trạng sang chấn tâm lý ở trẻ em. Cụ thể như sau:

Sang chấn tâm lý ở trẻ
Trẻ bị sang chấn tâm lý sẽ có xu hướng muốn tránh né các sự kiện gợi nhớ quá khứ

Luôn muốn tránh né có tình huống, sự kiện gợi nhớ đến quá khứ

  • Trẻ luôn cố gắng tránh né, từ chối tham gia các hoạt động hoặc đến các địa điểm, gặp gỡ những người thân có liên quan đến sự kiện gây sang chấn.
  • Trẻ sẽ lãng tránh các cuộc nói chuyện hoặc suy nghĩ về những vấn đề chấn thương trước đó.
  • Không thể nhớ được những phần chủ chốt, quan trọng của các sự việc đã từng xảy ra.

Trong tâm trí của trẻ luôn tràn đầy các kí ức về sự kiện hoặc những suy nghĩ tiêu cực

  • Cảm thấy khó chịu, bất an về những giấc mơ hoặc cơn ác mộng
  • Các kỉ niệm không mong muốn có liên quan đến sự kiện cứ liên tiếp quay lại.
  • Cảm thấy đau lòng, buồn bã, sợ hãi, lo lắng khi có người nhắc về những sự kiện trong quá khứ.
  • Hồi tưởng lại quá khứ và có những hành động, cử chỉ, cảm giác tựa như các sự kiện lặp lại thêm một lần nữa.
  • Có thể tái hiện lại những điều đã xảy ra qua bản vẽ, câu chuyện, vở kịch.
  • Khi có điều gì đó gây gợi nhớ hoặc tương tự những những kỷ niệm trong quá khứ trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, bực bội, lo lắng, hoang mang.

Xuất hiện sự rối loạn cơ thể kém thích nghi hoặc luôn cảm thấy căng thẳng

  • Nhạy cảm, cáu kỉnh, dễ tức giận, bực tức.
  • Bị rối loạn giấc ngủ, thường sẽ khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay mơ gặp ác mộng, thức giấc nhiều lần trong đêm.
  • Gặp phải một số vấn đề về khả năng chú ý, tập trung.
  • Rất hay giật mình
  • Luôn luôn trong tâm thế tìm kiếm và đề phòng về các sự việc, dấu hiệu, cảnh báo nguy hiểm.

Luôn có tâm trạng không tốt và suy nghĩ tiêu cực từ khi xảy ra sự kiện sang chấn

  • Có xu hướng muốn đổ lỗi cho các sự kiện gây tổn thương, sang chấn.
  • Luôn có cảm giác lo lắng, bất an và có suy nghĩ, niềm tin rằng toàn thế giới và tất cả mọi người đều nguy hiểm.
  • Không tích cực và hứng thú tham gia vào các hoạt động xã hội.
  • Cảm thấy bản thân bị tách dần khỏi xã hội hoặc có cảm giác xa lạ, không thể gần gũi với những người xung quanh.
  • Có cảm giác sợ hãi, tội lỗi, tức giận, xấu hổ đối với những sự kiện đã từng xảy ra và kéo dài liên tục.
  • Không cảm nhận được những sự tích cực, hầu như không cảm thấy hạnh phúc, không cảm nhận được tình yêu thương và sự thỏa mãn.

Thông thường, sau khoảng 1 tháng xảy ra các sự kiện gây tổn thương thì trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng của tình trạng sang chấn tâm lý. Tuy nhiên cũng có vài trường hợp không xuất hiện sau 1 tháng hoặc vài năm sau sang chấn mà chúng sẽ ngấm ngầm kéo dài sau nhiều năm liên tiếp sau đó. Các sự kiện sang chấn này sẽ thường tái hiện lại trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Khi trẻ tiếp xúc, chứng kiến một sự kiện, đồ vật nào đó gợi ý về những kỉ niệm trong quá khứ thì các cảm xúc tiêu cực sẽ ồ ạt kéo đến.

Bên cạnh đó, tình trạng sang chấn tâm lý ở trẻ em cũng có thể khởi phát như một phản ứng bất ngờ và đột ngột hay còn gọi là rối loạn căng thẳng cấp tính. Nó diễn ra trong một sự kiện cụ thể nào đó, kéo dài khoảng vài ngày hoặc vài tháng.

Hướng điều trị sang chấn tâm lý ở trẻ em

Nếu nhận thấy các dấu hiệu nhận biết của sang chấn tâm lý ở trẻ liên tục xảy ra trong một tháng thì các bậc phụ huynh, người thân đến chủ động đưa trẻ đến thăm khám và điều trị với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Sau khi biết rõ được tình trạng sức khỏe của trẻ thì các chuyên gia sẽ cân nhắc để áp dụng các liệu pháp can thiệp phù hợp.

Nhờ vào quá trình trị liệu cùng với chuyên gia tâm lý mà các suy nghĩ tiêu cực, xâm lấn lấy tâm trí của trẻ cũng dần được giải quyết. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ kiểm soát tốt cảm xúc của mình, tình trạng chán nản, bế tắc trong cuộc sống cũng dần được thuyên giảm tốt.

Ngoài ra, quá trình trị liệu cho trẻ cũng cần có sự tham gia của các thành viên trong gia đình. Cha mẹ hoặc những người thân thiết có thể cùng trẻ điều chỉnh và cân bằng được những điều đã xảy ra trong quá khứ. Đồng thời cùng nhau đặt ra mục tiêu tích cực để tái hòa nhập lại với cuộc sống một cách tốt nhất.

Thông thường, đối với hình thức can thiệp tâm lý trị liệu thì liệu pháp nhận thức hành vi sẽ được ưu tiên áp dụng các cho các trường hợp sang chấn tâm lý ở trẻ em. Cũng bởi nó giúp mang lại hiệu quả rất tốt cho trẻ và đảm bảo được sự an toàn trong suốt quá trình trị liệu.

Sang chấn tâm lý ở trẻ
Tư vấn tâm lý là cách tốt nhất để giúp trẻ mau chóng vượt qua tình trạng sang chấn tâm lý

Hình thức trị liệu này sẽ giúp cho trẻ dần thay đổi được suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của bản thân và thay đổi chúng thành những tư duy lành mạnh, tích cực hơn. Về hành vi thì liệu pháp này sẽ giúp can thiệp một cách sâu rộng, các chiến lược sẽ được áp dụng với mức chịu đựng phù hợp đối với từng trẻ. Sau quá trình trị liệu trẻ sẽ được trải nghiệm lại các sự kiện, hoạt động gây tổn thương trong quá khứ, điều này sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi trẻ có thể đối mặt và không còn cảm thấy sợ hãi nữa.

Ngoài ra, cũng có thể áp dụng liệu pháp trị liệu nhóm hoặc cung cấp cho trẻ bầu không khí thân mật, an toàn. Điều này sẽ giúp cho trẻ thoải mái chia sẻ về cảm xúc, suy nghĩ và những khó khăn của chính mình. Trẻ cũng sẽ hiểu rằng bản thân không hề cô đơn và mình sẽ được giúp đỡ, hỗ trợ tốt để thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng này.

Một số chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể trực tiếp trị liệu tâm lý cho trẻ bị sang chấn như:

  • Bác sĩ tâm thần Nhi khoa
  • Chuyên viên tâm lý trẻ em
  • Nhân viên tư vấn chuyên nghiệp đã được cấp phép
  • Nhân viên xã hội lâm sàng đã được cấp phép
  • Chuyên gia can thiệp tổn thương tâm lý đã được cấp phép.

Trong một số trường hợp cần thiết, trẻ có những triệu chứng nghiêm trọng và nguy hiểm thì bác sĩ tâm thần Nhi khoa có thể cân nhắc để kê thêm đơn thuốc nhằm kiểm soát tốt các cảm xúc, hành vi bất thường. Việc dùng thuốc sẽ giúp cho các em ứng phó tốt với những hoạt động bên ngoài xã hội, tại trường học trong suốt thời gian tiến hành điều trị.

Tuy nhiên, quá trình dùng thuốc của trẻ cũng cần phải được theo dõi kỹ lưỡng. Các bậc phụ huynh nên chú ý nghe theo hướng dẫn của bác sĩ và cho trẻ uống thuốc đúng theo chỉ định. Nếu trong quá trình sử dụng có xuất hiện các dấu hiệu bất thường cũng cần liên hệ thông báo ngay với chuyên gia để được hướng dẫn cách xử lý kịp thời.

Vai trò của cha mẹ đối với quá trình điều trị sang chấn tâm lý ở trẻ em

Cha mẹ, người trong gia đình là những người gần gũi với trẻ nhất, do đó sự hỗ trợ đầu tiên phải đến từ họ. Để giúp cho trẻ mau chóng thoát khỏi những sự ám ảnh về quá khứ, cải thiện tốt tình trạng sang chấn tâm lý thì các bậc phụ huynh hay người chăm sóc cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

Sang chấn tâm lý ở trẻ
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để tâm sự, chia sẻ và động viên trẻ nhiều hơn
  • Quá trình cải thiện sức khỏe tâm lý của trẻ nhỏ cần phải duy trì và kiên nhẫn trong một khoảng thời gian nhất định để giảm bớt các sự kiện gây căng thẳng. Vì thế, trong thời gian dài cha mẹ cần phải chuẩn bị đầy đủ các kiến thức cần thiết về triệu chứng, các giải pháp điều trị để có được lựa chọn phù hợp nhất cho con.
  • Hãy tạo những cơ hội phù hợp để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ về những sự kiện đã từng gây tổn thương cho bản thân. Cha mẹ nên tôn trọng ý kiến của trẻ, dành những lời động viên, khen ngợi khi trẻ có thể mạnh mẽ nói ra được những vấn đề vướng mắc. Tuyệt đối không nên ép buộc hay cưỡng ép trẻ nếu trẻ thực sự chưa sẵn sàng muốn nói về suy nghĩ của mình.
  • Một số trường hợp trẻ sẽ thích vẽ tranh, ghi chép lại những suy nghĩ, trải nghiệm của mình. Vì thế cha mẹ nên tạo điều kiện và tận dụng các công cụ này để khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc, dành nhiều lời khen để trẻ cảm thấy an toàn hơn khi thể hiện.
  • Nên duy trì và giúp trẻ thực hiện tốt thời gian học tập, sinh hoạt, vui chơi giống như trước khi xảy ra tình trạng sang chấn tâm lý.
  • Luôn dành những lời động viên, trấn an trẻ về những cảm xúc tiêu cực, đau khổ. Hãy cho trẻ biết rằng những trải nghiệm đau buồn trong quá khứ là những điều hết sức bình thường và và các cảm xúc của con không phải là khác lạ hay dị tật gì cả. Bằng những lời giải thích chân thành và nhẹ nhàng của phụ huynh sẽ giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
  • Nếu trẻ bắt đầu có những ý nghĩ, hành động tự gây tổn thương đến bản thân thì nên nhanh chóng tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia có kinh nghiệm. Những suy nghĩ tự sát, tự hủy hoại chính mình là vô cùng nghiêm trọng và nguy hiểm đối với lứa tuổi này và cần phải được can thiệp, điều trị ngay.
  • Nếu cần thiết hãy tìm đến sự trợ giúp từ các chuyên gia tham vấn học đường, bác sĩ tâm thần nhi khoa hoặc sự giúp đỡ của cộng đồng về những chia sẻ, trải nghiệm tương tự.
  • Hãy cho trẻ biết rằng, những sự kiện đã từng gây chấn thương hoàn toàn không phải do lỗi của trẻ. Hãy khuyến khích trẻ nói ra về cảm giác tội lỗi, hối hận của bản thân nhưng không nên trách mắng trẻ, đồng thời không để trẻ tự dầy vò bản thân.
  • Không nên chỉ trích, cười nhạo về những hành vi ” thoái lui” đối với mức độ phát triển của trẻ trước đó. Ví dụ như một số trường hợp trẻ đã lớn nhưng vẫn có dấu hiệu khóc lóc, ăn vạ, đòi bồng bế, thích ôm gấu bông lúc nhỏ khi đi ngủ dù đã không còn chơi đồ vật đó từ rất lâu,…Nếu phụ huynh không biết cách giải quyết vấn đề này thì nên liên hệ tham khảo ý kiến chuyên môn để hỗ trợ tốt cho con tại nhà.
  • Luôn giữ tốt mối liên hệ đối với người trực tiếp chăm sóc trẻ, giáo viên hướng dẫn, những người thường xuyên tiếp xúc và trò chuyện với trẻ để tạo nên một mạng lưới hỗ trợ thực tốt, nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Cố gắng xây dựng cho con sự tự tin bằng cách động viên trẻ tự đưa ra những lựa chọn, quyết định thường ngày. Các tổn thương xảy ra trong quá khứ đôi khi khiến trẻ trở nên mất niềm tin, bất lực. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ biết rằng bản thân hoàn toàn có thể kiểm soát tốt các khía cạnh trong cuộc sống. Tùy vào độ tuổi của mỗi trẻ mà cha mẹ có thể lên kế hoạch và sắp xếp các hoạt động vào cuối tuần để trẻ thoải mái thực hiện những mong muốn cá nhân, dần lấy lại sự tự tin và hòa nhập tốt với cuộc sống.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Sang chấn tâm lý ở trẻ em nếu không kịp thời phát hiện và can thiệp đúng cách sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai của trẻ. Quá trình điều trị tình trạng này cần phải được xây dựng và áp dụng trong thời gian dài. Kèm theo đó là sự hỗ trợ từ phía gia đình, cha mẹ để hướng đến mục đích giúp trẻ mau chóng phục hồi tinh thần, có được cuộc sống hạnh phúc và tích cực hơn.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *