Các rối loạn tâm lý tuổi dậy thì thường gặp và cách xử lý
Các rối loạn tâm lý thường xảy ra ở tuổi dậy thì do sự thay đổi đột ngột của tâm sinh lý. Các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất mà còn khiến trẻ học tập kém, xa rời gia đình và phát triển nhân cách lệch lạc. Do đó, bố mẹ cần trang bị kiến thức về các rối loạn tâm lý ở trẻ vị thành niên để hiểu hơn về con cái.
Vì sao tuổi dậy thì dễ gặp phải các rối loạn tâm lý?
Dậy thì là cột mốc quan trọng đối với sự phát triển về tâm lý sinh của trẻ. Thông thường, bé gái dậy thì từ 9 – 11 tuổi và kết thúc dậy thì vào khoảng 15 – 17 tuổi, trong khi bé trai dậy thì muộn hơn khoảng từ 11 – 12 tuổi và kết thúc vào 16 – 17 tuổi. Trong quá trình dậy thì, các tuyến nội tiết trong cơ thể sẽ tăng sản xuất hormone bao gồm estrogen (nữ giới), testosterone (nam giới) cùng với các hormone tăng trưởng.
Sự gia tăng của các tuyến nội tiết giúp cơ quan sinh dục phát triển hoàn chỉnh và tạo ra sự khác biệt rõ rệt về hình thể giữa nam và nữ. Ngoài những tác động đối với thể chất, đáp ứng với các nội tiết cũng gây ra những thay đổi về mặt tâm lý của trẻ.
Thực tế cho thấy, trẻ trong độ tuổi dậy thì rất dễ gặp phải khủng hoảng tâm lý. Lúc này, trẻ thường có các hành vi nổi loạn nhằm khẳng định bản thân và phản ứng gay gắt với lời nói của bố mẹ, thầy cô. Tâm lý chung của trẻ trong giai đoạn dậy thì là chứng tỏ mình đã trưởng thành, bản thân hoàn toàn có khả năng tự lập và chủ động trong cuộc sống.
Sự thay đổi của các hormone cũng khiến cho tâm trạng của trẻ trở nên nhạy cảm và bất ổn. Chính vì vậy, bất cứ tác động nào trong giai đoạn này cũng đều ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Nếu không có biện pháp chăm sóc và giáo dục hợp lý, trẻ trong độ tuổi dậy thì có thể phải đối mặt với các rối loạn tâm lý.
Các rối loạn tâm lý thường gặp ở tuổi dậy thì
Rối loạn tâm lý rất phổ biến ở trẻ trong độ tuổi dậy thì và đầu giai đoạn trưởng thành. Tuy nhiên, sự hiểu biết về sức khỏe tâm thần của người Việt tương đối hạn chế. Đa phần các bậc phụ huynh đều giáo dục con cái theo phương pháp truyền thống, cứng nhắc và cho rằng những biểu hiện, thái độ bất ổn của con là tính xấu học tập từ bạn bè.
Trên thực tế, rất ít bố mẹ quan tâm đến sức khỏe tinh thần của trẻ bên cạnh việc phát triển về thể chất. Đây cũng là lý do khiến trẻ không được quan tâm đúng mực và dễ gặp phải các vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Các vướng mắc về tâm lý ở giai đoạn tuổi dậy thì chính là nguồn cơn của rối loạn nhân cách và nhiều rối loạn tâm thần ở giai đoạn trưởng thành.
Các rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ trong độ tuổi dậy thì:
1. Stress – Vấn đề tâm lý thường gặp ở trẻ trong độ tuổi dậy thì
Stress là trạng thái căng thẳng thần kinh xảy ra khi cơ thể buộc phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh hoặc phải trải qua những vấn đề, biến cố lớn. Đây là một phần tất yếu của cuộc sống và có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Trong độ tuổi dậy thì, sự thay đổi về tâm sinh lý khiến trẻ bắt đầu chú ý đến ngoại hình và đặc biệt quan tâm đến lời nói, ánh mắt của những người xung quanh.
Trẻ trong độ tuổi dậy thì rất dễ bị căng thẳng do cảm thấy bản thân có ngoại hình xấu, kết quả học tập không tốt, bị bạn bè nói xấu, tẩy chay, gia đình không thấu hiểu,… Ngoài ra, áp lực từ việc học và sự khiển trách của thầy cô giáo cũng khiến cho trẻ bị stress.
So với người trưởng thành, trẻ trong độ dậy thì thường thiếu kỹ năng và kinh nghiệm sống. Chính vì thế, phần lớn trẻ không biết cách điều chỉnh tâm trạng và giải tỏa căng thẳng. Nếu không được gia đình thấu hiểu và chia sẻ, tình trạng căng thẳng ở trẻ có thể kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy nặng nề.
2. Các rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một trong các rối loạn tâm lý thường gặp ở tuổi dậy thì. Bệnh lý này đặc trưng bởi trạng thái lo âu thái quá và kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Sự lo lắng của người mắc chứng bệnh này thường không tương xứng với nguồn gốc của nỗi lo. Thậm chí một số người luôn có cảm giác lo âu, phiền muộn nhưng mơ hồ không rõ lo sợ về điều gì.
Trong các rối loạn lo âu, rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là loại thường gặp nhất. Các chuyên gia cho rằng, stress kéo dài ở trẻ em chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng bệnh này. Gia đình có thể nhận biết rối loạn lo âu lan tỏa thông qua một số biểu hiện như trẻ luôn lo lắng, buồn phiền, nhìn nhận mọi thứ theo chiều hướng bi quan, chần chừ khi đưa ra các quyết định không quá quan trọng, dễ cáu gắt, bực bội,…
Về lâu dài, sự lo âu quá mức có thể khiến trẻ bị suy nhược, mệt mỏi, cơ thể nặng nề và giảm khả năng tập trung. Trẻ có thể bị mất ngủ, khó ngủ và kết quả học tập giảm rõ rệt. Vì các biểu hiện của rối loạn lo âu không quá rõ rệt và đôi khi trẻ cố gắng che giấu nên nếu không quan tâm, bố mẹ gần như không thể phát hiện các biểu hiện bất thường ở con cái.
3. Trầm cảm – Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì cần chú ý
Trầm cảm ở tuổi dậy thì ở rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ vị thành niên. Trầm cảm là một dạng rối loạn cảm xúc, đặc trưng bởi khí sắc buồn rầu, bi quan, giảm năng lượng và mất hứng thú với tất cả mọi thứ xung quanh (ngay cả những hoạt động trước đây trẻ rất yêu thích). Trẻ mắc chứng bệnh này luôn cảm thấy bản thân yếu kém, thiếu tự tin, đôi khi có cảm giác tội lỗi và vô dụng.
Trầm cảm là vấn đề tâm lý có biểu hiện rõ rệt và thường tiến triển nặng hơn theo thời gian nếu không được chữa trị. Bên cạnh những ảnh hưởng đối với tâm lý và cảm xúc, chứng bệnh này còn tác động đến thể chất, khả năng học tập và các mối quan hệ trong cuộc sống của trẻ.
Nếu không được điều trị, trầm cảm ở tuổi dậy thì có thể gia tăng nguy cơ sử dụng rượu bia, lạm dụng chất gây nghiện,… Trẻ cũng có thể hình thành ý nghĩ, hành vi tự hại và tự sát để giải thoát bản thân. Trầm cảm ở giai đoạn dậy thì cần được điều trị tích cực để tránh những ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của trẻ. Một số trẻ không được quan tâm và chăm sóc có thể trở thành gánh nặng của gia đình trong tương lai do không thể học tập và làm việc bình thường.
4. Rối loạn hành vi
Rối loạn hành vi đặc trưng bởi sự lặp đi lặp lại và thường xuyên của các hành vi xâm phạm đến các nguyên tắc và quyền lợi của người khác. Phần lớn các trường hợp bị rối loạn hành vi đều khởi phát triệu chứng trước 12 tuổi nhưng cũng có những trường hợp xuất hiện muộn hơn. Ở tuổi dậy thì, tác động của hormone làm gia tăng sự nhạy cảm trong cảm xúc và hành vi của trẻ, từ đó thúc đẩy khởi phát các biểu hiện của bệnh lý này.
Trẻ bị rối loạn hành vi thường có các hành vi hung hăng, thiếu lương tâm như bắt nạt bạn bè, gây hấn, lừa gạt, trấn lột và ăn cắp. Trẻ mắc bệnh lý này hoàn toàn không có cảm giác tội lỗi và không thấu hiểu được nỗi đau của người khác. Thậm chí trẻ có thể thực hiện những hành vi gây tổn thương người khác và chính bản thân mà không cảm giác sợ hãi.
Rối loạn hành vi là vấn đề tâm lý rất nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề. Ở giai đoạn dậy thì, sự thay đổi hormone chính là yếu tố gia tăng mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Nếu không được điều chỉnh, các hành vi này có thể phát triển qua tuổi trưởng thành dẫn đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
5. Hội chứng tự ngược đãi bản thân
Hội chứng tự ngược đãi bản thân (Self Harm) là một trong những rối loạn tâm lý thường gặp ở tuổi dậy thì. Hội chứng này đặc trưng bởi các hành vi tự gây tổn thương về mặt thể chất và tinh thần như tự cào cấu, rạch tay, nhịn ăn, nhổ tóc, tự đánh đập bản thân, lao đầu vào tường, tưởng tượng bản thân bị ruồng bỏ,…
Theo các chuyên gia, những hành vi tự hại ở người bị hội chứng này là phản ứng đối kháng lại với sang chấn tâm lý và căng thẳng thần kinh. Trẻ ở độ tuổi dậy thì có nguy cơ cao mắc hội chứng này do cách giáo dục cứng nhắc của nhà trường, thường xuyên bị ức chế tâm lý, gia đình thiếu sự quan tâm, hay la mắng, đánh đập,…
Khác với bình thường, những hành vi tự gây tổn thương ở người mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân mang lại cảm giác thoải mái cho người bệnh, có thể giải tỏa uất ức, bực dọc và căng thẳng. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, cảm giác đau khổ và thất vọng sẽ lại xuất hiện. Điều này thôi thúc trẻ tiếp tục thực hiện các hành vi tự hại để giải tỏa cảm xúc.
Trên thực tế, các hành vi tự hại trong hội chứng tự ngược đãi bản thân không được thực hiện với mục đích tự sát. Nhưng đôi khi các hành vi này gây tổn thương thể chất nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được thăm khám – điều trị kịp thời. Hội chứng này cũng gia tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách ranh giới,… khi bước vào giai đoạn trưởng thành.
Trên thực tế, ngoài những rối loạn tâm lý này, trẻ ở độ tuổi dậy thì cũng có thể gặp phải một số vấn đề tâm lý khác. Dậy thì là giai đoạn chuyển giao giữa trẻ em và người lớn nên bản thân trẻ sẽ có những thay đổi đột ngột dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát trong cảm xúc, hành vi và dễ mắc phải các rối loạn tâm lý. Do đó trong giai đoạn này, gia đình cần phải có sự quan tâm đúng mực, tinh tế và giáo dục trẻ đúng cách.
Phòng ngừa các rối loạn tâm lý ở tuổi dậy thì
Các rối loạn tâm lý ở tuổi dậy thì có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng luôn có sự tác động từ gia đình, bạn bè và cách giáo dục, kỷ luật từ nhà trường. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng bố mẹ cũng có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý ở con trẻ.
Các biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý ở tuổi dậy thì:
- Gia đình cần thống nhất cách giáo dục trẻ, đảm bảo sự nhất quán giữa bố và mẹ. Trẻ ở độ tuổi này bắt đầu nhận thức được cái tôi nên rất nhạy cảm với những lời phê bình, chỉ trích. Thay vì la mắng hay đánh trẻ, nên trò chuyện nhẹ nhàng để hiểu hơn về suy nghĩ của con cái và đưa ra lời khuyên nghiêm khắc để trẻ hiểu những điều nên và không nên làm.
- Trong độ tuổi dậy thì, suy nghĩ và nhận thức của trẻ bị ảnh hưởng đáng kể bởi bạn bè. Chính vì vậy, bố mẹ cần quan tâm đến bạn bè của trẻ và đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng để trẻ biết chọn lọc bạn để kết giao.
- Các hình thức kỷ luật ở một số nhà trường có thể gây ức chế tâm lý trong một thời gian dài. Do đó, gia đình cũng cần quan tâm để trẻ có thể sẵn sàng chia sẻ những khúc mắc, bức xúc với bố mẹ. Nếu cần thiết, nên chuyển trường để đảm bảo trẻ được học tập trong môi trường lành mạnh.
- Trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ ở độ tuổi dậy thì gặp phải các rối loạn tâm lý tăng lên đáng kể do áp lực thành tích. Vì vậy, bố mẹ không nên ép buộc con cái phải học quá nhiều. Thay vào đó, nên trẻ để học đúng năng lực và phát triển thêm một số kỹ năng mềm, năng khiếu.
- Chế độ ăn uống cũng góp phần nâng đỡ tinh thần của trẻ trong giai đoạn dậy thì. Mẹ nên cho trẻ bổ sung thực phẩm lành mạnh chứa nhiều axit béo, vitamin, khoáng chất, đạm,… Các nghiên cứu cho thấy, đường và chất béo bão hòa gia tăng mức độ lo âu, căng thẳng thần kinh. Vì vậy, cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, đường trong chế độ ăn của trẻ.
- Khuyến khích trẻ tập thể dục 3 buổi/ tuần để phát triển chiều cao và thể chất. Ngoài ra, hoạt động thể chất thường xuyên còn giải tỏa căng thẳng và giúp trẻ kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
- Có thể cho trẻ tham vấn tâm lý nếu gặp phải những khúc mắc và vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Các rối loạn tâm lý tuổi dậy thì ảnh hưởng nhiều đến thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, gia đình cần có sự quan tâm đến trẻ trong giai đoạn này. Nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị sớm nhằm phòng ngừa những tình huống đáng tiếc.
Tham khảo thêm:
- Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh quan trọng như thế nào?
- Các rối loạn liên quan đến Stress bạn cần cảnh giác
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!