Hiệu ứng cửa sổ vỡ: Hãy thận trọng với những điều nhỏ nhặt

Những lỗi lầm nhỏ sẽ dẫn đến những tội lỗi lớn nếu không được ngăn chặn ngay từ đầu. Việc dung túng và tạo điều kiện cho cái ác xuất hiện sẽ dẫn đến nhiều hành vi tội ác hơn. Đó chính là lý thuyết của hiệu ứng cửa sổ vỡ. Những điều nhỏ nhặt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát, vì thế hãy thận trọng.  

Thí nghiệm về hiệu ứng cửa sổ vỡ

Người đầu tiên thử nghiệm và tìm ra hiệu ứng xã hội này là nhà tâm lý học Philip Zimbardo của Đại học Stanford. Năm 1969, ông đã thực hiện một cuộc thí nghiệm bằng cách để hai chiếc xe hỏng, không có biển số tại hai khu vực hoàn toàn trái ngược nhau. Một khu tập hợp toàn người giàu có, và một khu ổ chuột nghèo và đầy tội phạm.

hiệu ứng cửa sổ vỡ
Nếu một cửa sổ của căn nhà hoang bị đập vỡ, những cửa sổ khác cũng sẽ bị phá hoại nhanh chóng theo dây chuyền.

Chiếc xe đặt ở khu ổ chuột nhanh chóng bị tấn công và hư hại. Nhiều người bắt đầu đập vỡ cửa kính, tháo chiếc xe để đánh cắp phụ tùng và những thứ có giá trị. Sau khi chiếc xe bị “luộc” sạch sẽ, những người khác bắt đầu có hành động phá hoại, xé toạc lớp da bọc ghế, xịt sơn và vẽ bậy lên xe,… và biến xe thành nơi chơi đùa của những đứa trẻ trong khu ổ chuột.

Chiếc xe đặt ở khu nhà giàu thì hoàn toàn không bị ai đụng đến, không sứt mẻ bất cứ điều gì trong suốt một tuần dài. Tuy nhiên, khi Zimbardo dùng búa đập vỡ cửa kính xe và bỏ đi, chiếc xe bắt đầu rơi vào tình trạng như chiếc xe đầu tiên. Nó trở thành đối tượng bị phá hoại và bị “luộc” hết những thứ có giá trị.

Từ thí nghiệm này, Zimbardo rút ra kết luận rằng, những dấu hiệu phá hoại, rối loạn, mất kiểm soát có thể nhìn thấy được, nếu không được quan tâm và loại bỏ sẽ thu hút hành vi phạm tội. Nếu những dấu hiệu này xuất hiện ở những khu vực bất ổn, không được kiểm soát thì thời gian và tỷ lệ xảy ra hiệu ứng này sẽ tăng cao hơn.

Nói một cách dễ hiểu, chiếc xe đặt ở khu ổ chuột trong mắt những người dân là một thứ bị bỏ đi, vì thế họ không ngần ngại phá hủy hoặc tìm kiếm lợi ích từ “phế phẩm” này. Những món đồ không có giá trị thì không ai quan tâm đến việc bảo quản hay sửa chữa chúng.

Chiếc xe ở khu giàu có thì lại không như vậy, vì mọi người từ đầu đã cho rằng đây không phải là rác thải, vì thế không ai quan tâm. Nhưng khi nhà tâm lý học đập vỡ cửa kính, chiếc xe đã trở nên hư hại, và từ đó nhiều hành vi phá hoại hơn xảy ra. Có thể thấy, hành vi phá bỏ cửa kính tuy nhỏ, nhưng lại làm thay đổi cách đánh giá và hành vi của những người xung quanh.

Thí nghiệm này được hai nhà khoa học xã hội là James Wilson và George Kelling đề cập một lần nữa vào năm 1982, trong một nghiên cứu của họ, và từ đó cụm từ “hiệu ứng cửa sổ vỡ” ra đời. Hai người nhận ra rằng, khi một ổ cửa sổ tại một tòa nhà bị hư hại mà không sửa chữa, những ô cửa sổ còn lại cũng nhanh chóng bị vỡ theo.

hiệu ứng cửa sổ vỡ là gì
Môi trường nuội dưỡng và thúc đẩy hành động, vì thế nếu để môi trường lộn xộn, mất kiểm soát trong thời gian dài sẽ thúc đẩy những hành vi sai trái.

Cửa sổ vỡ không được sửa chữa là dấu hiệu cho việc chúng không có giá trị, và không được quan tâm. Vì thế việc phá hoại thêm cũng không gây ảnh hưởng gì đến tòa nhà, từ đó mời gọi những hành vi phá hoại và tội phạm. Nhưng nếu ổ cửa sổ nhanh chóng bị thay thế và sửa chữa, tình huống này sẽ không xảy ra.

Những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu ứng

Trong tội phạm học, hiệu ứng cửa sổ vỡ cho thấy, những dấu hiệu bất ổn, phá hoại và những hành vi chống đối xã hội có thể nhìn thấy được, nếu không được quan tâm và trấn áp có thể khuyến khích những hành vi phạm tội. Việc ngó lơ những biểu hiện rất nhỏ có thể tạo thành môi trường nuôi dưỡng những điều xấu xa.

Căn nhà có một cửa sổ vỡ nếu không được sửa chữa, một thời gian sau những cửa sổ khác cũng sẽ bị phá hoại. Trên lề đường xuất hiện một bọc rác nếu không được quét dọn, những bọc rác sẽ xuất hiện. Khi một hành vi được dung túng và không có dấu hiệu quản chế, những người khác cũng sẽ không cảm thấy xấu hổ khi thực hiện hành động.

Trong tâm lý học, hiệu ứng cửa sổ vỡ cho thấy một sự thật rằng, một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến những thói quen và hành vi tai hại về sau. Hãy thận trọng với những điều nhỏ nhặt, vì chúng có thể thúc đẩy và nuôi dưỡng môi trường xấu. Hiệu ứng cửa sỗ vỡ chịu ảnh từ những yếu tố như: chuẩn mực xã hội, sự can thiệp và giám sát, cùng với môi trường thúc đẩy phạm tội.

Mỗi xã hội sẽ có những chuẩn mực riêng dùng để quản thúc hành vi của con người. Chúng ta được dạy rằng những điều gì có thể làm, những điều gì không thể làm, và rất chú ý đến việc người khác đánh giá bản thân thông qua hành vi. Chính vì thế trong điều kiện bình thường, chuẩn mực xã hội sẽ ngăn cản những hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, nếu môi trường không an toàn, không trật tự và không được giám sát, xử phạt chặt chẽ, điều này sẽ gửi một thông điệp đến mọi người rằng “nơi này không bị ai nhìn thấy, không ai phán xét hay ngăn cản bạn”. Chính suy nghĩ này khiến nhiều người sẵn sàng bỏ qua chuẩn mực xã hội, dẫn đến những hành vi sai trái.

hiệu ứng cửa sổ vỡ
Tình trạng mất kỷ luật, hình thành thói quen xấu, hoặc tỷ lệ phạm tội tăng lên là do sự giám sát và an toàn của một khu vực, một môi trường không được chú trọng.

Môi trường an ninh, sạch sẽ, được giám sát kỹ lưỡng sẽ không dung thứ cho những sai lầm và hành động phạm tội. Ngược lại, những môi trường mất trật tự, lộn xộn và dễ dãi là môi trường không được giám sát, khiến những hành vi sai trái có cơ hội xuất hiện và phát triển.

Áp dụng hiệu ứng cửa sổ vỡ trong cuộc sống

Bên cạnh những ứng dụng trong xã hội để giữ gìn trật tự trị an, ngăn cản những hành vi vi phạm pháp luật, hiệu ứng này còn có thể áp dụng vào thực tế trong nhiều tình huống như giáo dục hay quản lý nhân sự. Việc loại bỏ những yếu tố có hại, không tạo điều kiện cho hành vi xấu phát triển sẽ giúp tăng cảm giác an toàn, có hiệu quả quản thúc hành vi của những người trong cộng đồng.

Hiểu được ảnh hưởng của hiệu ứng cửa sổ vỡ, chúng ta có thể tránh được một số tính huống không mong muốn. Bởi vì “sửa sổ vỡ” là sự khởi đầu cho những hành vi xấu về sau, nên chúng ta không được tạo điều kiện để tình huống này phát triển. Những lỗi lầm dù nhỏ đến mấy cũng cần được quan tâm, điều chỉnh để trả lại môi trường kỷ luật và tốt đẹp.

  • Trong trật tự trị an: Việc dung túng những hành vi như xả rác bừa bãi, vẽ bậy lên tường, đua xe, vượt đèn đỏ, trộm cắp đồ đạc, giết người, kinh doanh chặt chém khách hàng, lừa đảo,… sẽ tạo thành tiền lệ, khiến những kẻ vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức có những hành vi ngày càng ngông cuồng hơn. Cảnh sát và các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp xử phat và trấn áp những hành vi phạm tội, không biến những hành vi này thành “cửa sổ vỡ”, không để những “cửa sổ” khác cũng vỡ theo và trở thanh tệ nạn xã hội.
  • Trong giáo dục: Môi trường giáo dục cần nói không với thành tích, với tình trạng gian lận. Bệnh thành tich và gian lận trong thi cử nếu không được can thiệp và giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các em học sinh, bóp nát sự sáng tạo và tài năng, cổ vũ hành vi gian dối, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích. Suy nghĩ gian lận để đạt được điểm cao, cùng với thái độ vô trách nhiệm khi chạy theo bệnh thành tích sẽ hủy hoại tính cách, tư duy của cả một thế hệ.

Hiệu ứng cửa sổ vỡ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống nếu không có biện pháp phòng ngừa và giải quyết. Những hành vi sai trái dù nhỏ đến mấy cũng cần can thiệp và ngăn chặn để không gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, đừng tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho những hành vi xấu xuất hiện và phát triển.

Có lẽ bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *