Hiệu ứng người ngoài cuộc (By-stander effect) là gì?
Bạn nhìn thấy một người gặp nạn trên đường, và xung quanh cũng có rất nhiều người nhìn thấy tình huống này. Trong đầu bạn sẽ nghĩ, trong đám đông chắc chắn sẽ có người giúp đỡ người bị thương. Và thế là bạn đứng im quan sát, hoặc bỏ đi để tiếp tục công việc đang làm. Đáng buồn thay, tất cả mọi người đều nghĩ giống như vậy và không ai giúp đỡ người bị nạn. Đây là một thiên kiến nhận thức tên là hiệu ứng người ngoài cuộc.
Hiệu ứng người ngoài cuộc là gì?
Hiệu ứng người ngoài cuộc (By-stander effect) là một lý thuyết tâm lý xã hội, thể hiện sự thờ ơ của con người dành cho người bị nạn trong một tình huống khẩn cấp, khi xung quanh có nhiều người chứng kiến. Trong tình huống này, tất cả mọi người đều cho rằng những người xung quanh sẽ đứng ra can thiệp, không cần bản thân phải bận tâm. Nhưng thực tế, hầu như tất cả mọi người đếu có chung một suy nghĩ, và không ai chịu đứng ra giúp đỡ nạn nhân.
Số người chứng kiến càng nhiều thì khả năng có một người trong số họ giúp đỡ người gặp nạn càng ít. Chính yếu tố này khiến các nhà tâm lý học đưa ra một kết luận rằng: việc chúng ta có can thiệp vào sự kiện hay không phụ thuộc vào số lượng người chứng kiến sự kiện đó. Thông thường, khi chỉ có một người phát hiện người bị thương, nhìn thấy tai nạn, hay những sự kiện kinh hoàng, họ thường chọn cách giúp đỡ người bị nạn và báo cảnh sát.
Đương nhiên, cũng có những trường hợp nhân chứng duy nhất lựa chọn không can thiệp, quay lưng bỏ đi vì sợ liên lụy, dính vào những rắc rối không đáng. Tuy nhiên theo khảo sát về hiệu ứng người ngoài cuộc, có đến 70% đối tượng được nghiên cứu cho biết họ sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn, nếu chỉ có bản thân chứng kiến sự kiện. Con số này giảm gần gấp đôi, chỉ còn 40%, trong trường hợp xung quanh có thêm nhiều nhân chứng.
Thực tế thì nếu có sự kiện bất ngờ xảy ra, mà chúng ta là người chứng kiến duy nhất, thì tinh thần trách nhiệm và đạo đức sẽ thôi thúc chúng ta giúp đỡ người bị nạn. Tuy nhiên khi càng có nhiều người chứng kiến, nhận thức về trách nhiệm và đạo đức sẽ suy giảm, chia đều cho tất cả nhân chứng tại hiện trường. Ai cũng cho rằng nếu không có mình thì sẽ có người khác giúp đỡ, và tất cả đều chọn trở thành “người ngoài cuộc”.
Ví dụ thực tế về hiệu ứng tâm lý người ngoài cuộc
Ví dụ kinh điển, và được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất khi nói về hiệu ứng người ngoài cuộc là vụ sát hại Catherine “Kitty” Genovese vào năm 1964. Theo tờ New York Times, Genovese bị tấn công vào lúc 3:20 sáng khi sắp về đến nhà. Hung thủ đã đâm nhiêu nhát, tấn công tình dục, và cướp hết tiền bạc của Genovese. Phải đến gần 3:50 sáng mới có người liên hệ cảnh sát, Genovese được đưa đi cấp cứu và cô mất khi đang trên đường đến bệnh viện.
Tờ New York Times nói rằng, có 38 nhân chứng đã theo dõi vụ việc, và không ai liên hệ cảnh sát, bất chấp lời kêu cứu thảm thiết của Genovese, nên mới dẫn đến cái chết thương tâm của cô gái trẻ. Chính điều này khiến nhiều nhà tâm lý học bắt đầu đặt ra câu hỏi: Vì sao không ai hỗ trợ dù rất nhiều người nhìn thấy sự việc? Từ đó hiệu ứng người ngoài cuộc bắt đầu được phát hiện và nghiên cứu nhiều hơn.
Mặc dù sau này, thông tin có 38 người chứng kiến và thờ ơ với tai nạn mà New York Times thuật lại, đã được đính chính là sai sự thật. Trên thực tế không có nhiều người nhận ra vụ giết người. Một số người gần đó không chú ý đến tiếng hét, một số khác chỉ nghĩ rằng có một vụ cãi vã đang xảy ra. Có người đã la hét ngăn cản tên giết người, và có người đã nhanh chóng báo cảnh sát. Tuy nhiên, điều này cũng không thể ngăn cản sự thật là hiệu ứng người ngoài cuộc có tồn tại.
Rất nhiều những trường hợp được ghi nhận trên thế giới cho thấy, những người xung quanh tỏ ra thờ ơ với các sự kiện nghiêm trọng xảy ra trước mắt, nếu xung quanh có nhiều người cùng chứng kiến, và chúng không ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như: vụ nữ sinh Jane Doe của trường trung học Richmond, vụ hành khách Jane Doe trên chuyến tàu SEPTA ở Philadelphia, hay vụ ám sát Piang Ngaih Don Ở Singapore.
Mặc dù các sự kiện này vẫn còn gây nhiều tranh cãi rằng, những người quan sát có thật sự bàng quan trước những điều xảy ra mà không can thiệp hay không, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn thấy tình huống tương tự trong cuộc sống. Nguyên nhân con người có hành động như vậy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả văn hóa, nhận thức, và những trải nghiệm không tốt trong quá khứ.
Vì sao lại có hiệu ứng người ngoài cuộc?
Hai nhà khoa học Bibb Latane và Judith Rodin đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm về hiệu ứng tâm lý này. Họ chia thí nghiệm làm hai trường hợp. Trường hợp 1 là trong phòng chỉ có một người phụ nữ, và một người tham gia thí nghiệm. Trường hợp 2 là trong phòng có một người phụ nữ, và nhiều người tham gia thí nghiệm. Người phụ nữ sẽ giả vờ đau đớn và ngã ra đất để thử phản ứng của người chứng kiến.
Kết quả cho thấy, trong trường hợp 1 có đến 70% số người giúp đỡ và gọi cấp cứu. Tuy nhiên, chỉ có 40% người trong trường hợp 2 có hành động tương tự, khi xung quanh họ là nhiều người khác. Có thể thấy khi trong phòng có càng nhiều người, thì tỷ lệ chúng ta chủ động giúp đỡ người khác sẽ giảm xuống đáng kể. Điều này cũng có thể giải thích bằng hiện tượng tâm lý khi có càng nhiều người cùng thực hiện một hành động, chúng ta cũng có xu hướng làm theo vì không muốn bản thân khác biệt.
Khi nghiên cứu hiệu ứng người ngoài cuộc, có một mô hình gọi là “Mô hình quyết định giúp đỡ” (Decision Model of Helping) dùng để mô tả quá trình đưa ra sự giúp đỡ của con người trong một tình huống nhất định. Mô hình này bao gồm 5 bước, thể hiện cách một người xa lạ nhận thức, đánh giá vấn đề và đi đến quyết định cuối cùng trong các tình huống khẩn cấp. 5 bước này được miêu tả một cách ngắn gọn là:
- Nhận thức: Nhận thức rằng có sự kiện đang xảy ra trước mắt.
- Xác định: Xác định rằng đây là sự kiện thật sự khẩn cấp.
- Đánh giá: Đánh giá xem bản thân có trách nhiệm, và có nên can dự vào hay không.
- Quyết định: Quyết định bản thân nên làm gì trong tình huống là tốt nhất.
- Hành động: Hành động theo quyết định để ngăn cản sự việc, hoặc giúp đỡ người bị nạn.
Hấu hết mọi người đều sẽ trải qua 5 bước xử lý này trước khi có hành động cụ thể, tuy nhiên không phải ai cũng phản ứng giống nhau trong một tình huống. Cả 5 yếu tố nhận thức, xác định, đánh giá, quyết định và hành động đều ảnh hưởng đến hành vi cuối cùng của một người. Sự khác biệt này hình thành từ yếu tố tâm lý, những sự kiện trong quá khứ, góc nhìn, và nhiều yếu tố khác. Cụ thể thì:
- Tinh thần trách nhiệm: Khi chỉ có một người thực hiện hành động, họ sẽ cảm thấy bản thân có trách nhiệm với sự việc xảy ra, thế nên đa phần chọn cách giúp đỡ. Tuy nhiên nếu có nhiều người, trách nhiệm được chia đều cho mỗi cá nhân, vì ai cũng nhìn thấy sự việc, thế nên tinh thần trách nhiệm bị phân tán. Hiệu ứng người ngoài cuộc khiến họ luôn cho rắng nếu không phải mình thì sẽ có người khác hành động.
- Hành vi đám đông: Có thể thấy rằng, con người thường hành động theo đám đông, vì chúng ta không muốn khác biệt với những người xung quanh. Cho dù bản thân cảm thấy sai trái hay vô lý, rất ít người thật sự dám đứng lên phản bác số đông và bảo vệ sự thật. Vì thế không phải lúc nào ý kiến và hành động của số đông đều là đúng. Hiệu ứng người ngoài cuộc cũng tương tự, khi không có ai đứng ra có hành động, mọi người cũng sẽ có hành động tương tự.
- Mối quan hệ giữa các đối tượng: Ví dụ nếu hai ngươi không quen biết có hành vi bạo lực, tỷ lệ người ngoài can ngăn sẽ cao hơn nhiều so với trường hợp hai người kia quen biết, hoặc có mối quan hệ như vợ chồng hoặc người yêu. Những người đàn ông thường can ngăn một người đàn ông khác xô xát với phụ nữ xa lạ, nhưng số lượng này sẽ ít hơn nếu cả hai đối tượng có mối quan hệ tinh cảm. Người ngoài sẽ cho rằng đây là “chuyện gia đình”, và họ không có quyền can dự.
- Đặc điểm văn hóa: Có một sự thật là trong một số nền văn hóa, việc tự tiện giúp đỡ, can ngăn, xen vào chuyện người khác là một hành động bất lịch sự. Vì thế, có thể người qua đường nhìn thấy một người vấp ngã, hoặc có tranh cãi nổ ra giữa hai đối tượng, nhưng họ sẽ không quan tâm và lướt qua, vì điều này không nằm trong thẩm quyền của bản thân. Thậm chí họ còn có thể gặp rắc rối nếu đứng ra can ngăn. Do đó, hiệu ứng người ngoài cuộc biểu hiện rất rõ trong tình huống này.
- Tâm ý sợ bị lừa: Ngày nay, việc ngụy tạo những tai nạn bất ngờ để ăn vạ, lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của người qua đường không phải là hiếm. Những kẻ xấu lợi dụng lòng tốt của người qua đường để ăn vạ, đòi tiền, thậm chí lừa gạt, bắt cóc nạn nhân. Chính vì những trường hợp này xảy ra quá nhiều, nên người qua đường dần dần cảnh giác, không dám giúp đỡ người bị nạn vì sợ bị lừa, chứ không phải họ không muốn giúp đỡ.
- Hậu quả khó lường: Trong một số trường hợp, việc giúp đỡ không đúng cách sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn. Ví dụ khi gặp người bị nạn, nếu bạn khiêng hoặc ôm họ không đúng cách, vết thương trên cơ thể sẽ trầm trọng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngoài ra, việc chủ động báo cảnh sát cũng gây ra nhiều rắc rối như phải tiếp nhận điều tra, làm nhân chứng trước tòa, lo sợ bị trả thù,… khiến nhiều người chọn làm “người ngoài cuộc”.
Hiệu ứng người ngoài cuộc bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, làm thay đổi cách nhìn nhận và hành động của chúng ta khi nhìn nhận vấn đề. Hiệu ứng này có thể tốt, có thể xấu tùy vào từng trường hợp nhất định. Nếu đối tượng là một kẻ lừa gạt, việc thờ ơ và bỏ đi sẽ giúp bạn tránh được nhiều rắc rối không đáng. Tuy nhiên nếu thật sự nạn nhân cần giúp đỡ, sự thờ ơ của mọi người sẽ giết chết một sinh mạng.
Ảnh hưởng của hiệu ứng người ngoài cuộc
Trong đa phần các trường hợp, hiệu ứng người ngoài cuộc mang đến ảnh hưởng xấu, và khiến xã hội trở nên “vô cảm” trước nỗi đau và khó khăn của đồng loại. Nhiều trường hợp nạn nhân có thể sống sót, hoặc không bị tổn thương nếu những người xung quanh có trách nhiệm hơn, dám đứng ra chống lại cái xấu, hoặc giúp đỡ người bị nạn. Thế nhưng tất cả đều có chung suy nghĩ “một người khác sẽ đứng ra, không cần là mình”
Đặc biệt, phụ nữ thường là người chịu thiệt nhất khi không được giúp đỡ. Hầu hết những vụ án nổi tiếng liên quan đến hiệu ứng người ngoài cuộc nạn nhân là phụ nữ. Đặc biệt, nhiều người còn cho rằng lỗi nằm ở phái nữ, hoặc vì không muốn dính dến “chuyện gia đình người khác” nên họ bỏ mặc sự sống chết của nạn nhân. Tình trạng thường thấy nhất là bạo lực gia đình, khi hàng xóm và các cơ quan có thẩm quyền không có biện pháp can ngăn và giải quyết.
Để khắc phục hiệu ứng người ngoài cuộc, bạn cần nhận thức được hiệu ứng tâm lý này để tránh việc bị ảnh hưởng, tìm cách can thiệp và khắc phục cho phù hợp, tránh để bản thân dần trở thành một người ích kỷ, bàng quan. Tuy nhiên, cũng không cần đưa bản thân vào vòng nguy hiểm, trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo. Hãy cổ vũ, hô hào nhiều người cùng giúp đỡ để bạn không trở thành mục tiêu bị nhắm đến.
Còn nếu bạn là người gặp tai nạn mà còn tỉnh táo thì hãy ra hiệu với một người bất kỳ. Khả năng cao bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ của họ. Việc gán cho một người yêu cầu và trách nhiệm sẽ khiến họ cảm thấy khó từ chối, cảm thấy bản thân được tin tưởng, từ đó khiến tinh thần trách nhiệm dâng cao. Điều này có thể giúp hạn chế hiệu ứng người ngoài cuộc ảnh hưởng đến đối tượng.
Cách hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng người ngoài cuộc
Một số lời khuyên dành cho bạn nếu muốn giảm thiểu ảnh hưởng của hiệu ứng người ngoài cuộc:
- Nhận biết và đánh giá đúng sự việc: Một số người không nhận thức được sự nguy hiểm và nghiêm trọng của sự việc đang diễn ra, vì thế họ không biết phải phản ứng ra sao cho đúng đắn. Chính điều này khiến mọi người trở nên bàng quan, thờ ơ, thiếu chú ý đến những sự kiện xung quanh, hoặc có những nhận thức sai lệch về sự việc. Vì thế khi gặp bất cứ sự kiện gì, chúng ta nên tìm cách phân tích rõ ràng tình huống để có thể đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
- Có tinh thần trách nhiệm: Có một điều cầu nhắc lại, có tinh thần trách nhiệm không đồng nghĩa với việc đưa bản thân vào nguy hiểm, hoặc chấp nhận rủi ro khó lường. Hiệu ứng người người ngoài cuộc khiến tinh thần trách nhiệm bị phân tán. Không ai muốn bản thân là “chim đầu đàn”, là người phải chịu trách nhiệm, và không muốn trở nên khác người, nên không ai chịu hành động. Hãy là người có tinh thần trách nhiệm, và cổ vũ những người xung quanh cùng hành động để giải quyết vấn đề.
- Giúp đỡ hợp lý: Việc giúp đỡ không đúng cách không chỉ không giúp được người gặp nạn, thậm chí còn khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Cho nên cách tốt nhất là tìm kiếm người có chuyên môn trong đám đông, gọi cảnh sát hỗ trợ, hoặc xin giúp đỡ từ những người mạnh khỏe để tạm thời không khiến tình hình xấu đi. Đừng mù quáng ôm hết trách nhiệm vào người mà nên yêu cầu người bên cạnh giúp đỡ. Khi đã có người thứ nhất đứng ra, những người khác sẽ tự giác hành động hơn.
Hiệu ứng người ngoài cuộc (By-stander effect) là một hiệu ứng thường gặp trong đời sống, và có thể trở thành mội thói quen xấu của xã hội nếu để tình trạng này ngày càng trầm trọng. Dẫu biết có nhiều vụ lừa gạt, ăn vạ người tốt do giúp đỡ người bị nạn, nhưng trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người thật sự cần giúp đỡ từ người qua đường trong những tình huống khẩn cấp. Do đó, hãy thật sáng suốt đánh giá tình hình, giúp đỡ người khác, nhưng vẫn cần bảo vệ bản thân mình.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Hiệu ứng đà điểu: Tâm lý lẩn trốn khỏi những sự thật đau lòng
- Hiệu ứng Mandela: Tình trạng ký ức giả khiến số đông bị rối trí
- Hiệu ứng khan hiếm: Tâm lý đề cao giá trị những thứ quý hiếm
- Hiệu ứng Rashomon: Mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!