Hiệu ứng Mandela: Tình trạng ký ức giả khiến số đông bị rối trí

Bạn có bao giờ trải qua trường hợp bản thân chia sẻ cùng một ký ức sai lầm với nhiều người chưa? Đó là tình trạng mà nhà huyền bí học Fiona Broome và hàng ngàn người khác cùng trải qua vào năm 2009. Tất cả đều cho rằng Nelson Mandela đã chết vào năm 1980, và họ có ấn tượng về đám tang của ông, nhưng sự thật là Nelson sống đến tận năm 2013. Hiện tượng thú vị này được gọi là hiệu ứng Mandela.

Sự ra đời của hiệu ứng Mandela

Vào năm 2009, Fiona Broome tham dự một cuộc hội thảo, và bàn luận với những người xung quanh về cái chết của cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Trong trí nhớ của bà, tổng thống Nelson đã chết trong một nhà tù ở Nam Phi vào những năm 80 của thế kỷ trước. Bà còn nhớ rõ mình đã thấy báo chí và truyền thông đưa tin về tang lễ, và vợ của Nelson còn đứng lên phát biểu trong lễ tang.

hiệu ứng Mandela là gì
Hiện tượng có một nhóm người không liên quan, không quen biết nhau cùng chia sẻ một ký ức giả về một sự việc không có thật được gọi là hiệu ứng Mandela.

Khi chia sẻ những thông tin này, Fiona Broome nhận ra rất nhiều người cũng có ký ức giống hệt như bà về sự kiện, trong khi những người khác thì không. Trên thực tế, Nelson Mandela ra tù vào năm 1990 và làm tổng thống Nam Phi nhiệm kỳ 1994-1999. Ông mất vào năm 2013, hưởng thọ 95 tuổi. Như vậy, ký ức về việc Nelson chết trong tù vào những năm 1980 là hoàn toàn không có thật.

Vậy, nguyên nhân nào khiến Fiona Broome và những người xung quanh cùng chia sẻ một ký ức sai lầm nhưng chi tiết như thế? Để tìm hiểu xem có bao nhiêu người có cùng ký ức với bản thân, bà đã lập nên một trang web và chia sẻ sự kiện về cái chết của tổng thống Nelson. Hàng chục ngàn phản hồi từ khắp nơi đã được gửi đến cho thấy rằng, một phần lớn dân số cũng có kí ức về sự kiện này.

Từ đó về sau, Fiona Broome gọi đây là hiệu ứng Mandela, và bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng này. Hiệu ứng Mandela là hiện tượng một phần lớn dân số cùng có ký ức về một sự kiện không có thật, hoặc cùng nhớ nhầm về một chi tiết nào đó xuất hiện trên một sự vật, sự việc mang tính đại chúng. Những cuộc thử nghiệm về sau chứng minh rằng, hiệu ứng Mandela xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống, và chính bạn cũng là người bị ảnh hưởng.

Xét theo một khía cạnh nào đó, hiệu ứng Mandela khá giống hiệu ứng Déjà vu. Bởi vì cả hai đều khiến con người có cảm giác một sự vật, hay một sự kiện đã từng xảy ra. Chúng ta có ký ức về sự kiện đó, nhưng chúng thật sự chưa hề tồn tại. Điểm khác biệt là Déjà vu chỉ xảy ra đơn lẻ ở từng người, trong khi với hiệu ứng Mandela, những con người ờ khắp nơi, không hề quen biết nhau lại cùng chia sẻ một ký ức sai lệch.

Ví dụ của hiệu ứng Mandela

Hiệu ứng Mandela trong đời sống là vô cùng phổ biến, và có lẽ đã tồn tại rất lâu trước khi chúng ta nhận ra. Trong hầu hết trường hợp được ghi nhận, những ký ức sai lệch này thường rất nhỏ và vụn vặt, không đủ sức ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử hay những sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, hiệu ứng tâm lý này gây hoang mang cho những người đang tìm kiếm chân tướng. Ký ức sai lệch có thể biến một sự việc không có thật thành sự thật.

Một số ví dụ về hiệu ứng Mandela trong cuộc sống:

  • New Zealand nằm ở phía Đông Nam của nước Úc khi nhìn trên bản đồ, nhưng nhiều người lại nhớ rằng nó nằm ở phía Đông Bắc.
  • Trong bộ phim hoạt hình “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” (1937) của Walt Disney, mọi người thường nhớ rằng hoàng hậu đã nói với chiếc giương thần rằng “Mirror, mirror on the wall”, nhưng trên thực tế câu thoại chính xác sẽ là “Magic mirror on the wall”. “Mirror, mirror on the wall” là câu thoại được dùng trong phiên bản cổ tích, nhưng khi lên phim thì đã bị thay đổi. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn tin rằng bản thân đã nghe câu nói “Mirror, mirror on the wall”
ví dụ hiệu ứng mandela
Câu thoại chính xác phải là “Magic mirror” chứ không phải là “Mirror, mirror”, dường như chúng ta luôn nhớ về câu thoại trong cổ tích, chứ không chú ý đến câu thoại trong bản hoạt hình.
  • Hiệu ứng Mandela cũng thường khiến ta nhờ sai chính tả của một số từ. Ví dụ, thương hiệu xúc xích nổi tiếng Oscar Mayer weiners vẫn bị nhiều người nhớ nhầm thành Oscar Meyer weiners, truyện thiếu nhi Berenstain Bears cũng bị nhớ thành Berenstein Bears. Có thể thấy trong hai trường hợp kể trên, ký tự “a” luôn được thay thế bằng ký tự “e” trong ký ức của nhiều người.
  • Pikachu là một nhân vật hoạt hình nổi tiếng đến từ Nhật Bản, với chiếc đuôi có thể phóng điện. Nhiều người nhớ như in rằng, phía cuối chiếc đuôi của Pikachu là màu đen. Nhưng trên thực tế, Pikachu có một chiếc đuôi vàng đặc trưng, và không có vệt đen nào cả.
  • Chuột Mickey là một nhân vật nổi tiếng và quá quen thuộc với khán giả đại chúng, tuy nhiên nhiều người vẫn nhớ nhầm về hình tượng của chú chuột này. Mickey chỉ mặc một chiếc quần đỏ, không có dây đeo hai bên, nhưng nhiều người vẫn nhớ rằng cậu có dây đeo quần.

Những trường hợp tương tự như thế này được ghi nhận rất nhiều trên thế giới. Hiệu ứng Mandela không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hay những sự kiện xung quanh. Tuy nhiên với sự phát triển của internet và công nghệ thông tin như hiện nay, những thông tin sai lệch có thể được lan truyền một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, gây nên những thuyết âm mưu và sự hiểu lầm tai hại về một sự kiện hay sự vật nào đó.

Vì sao hiệu ứng Mandela lại xuất hiện?

Tại sao hiệu ứng Mandela lại xuất hiện? Có phải trí nhớ của con người đã bị sửa đổi? Có phải những hiện thực song song đang tồn tại cùng với thế giới của chúng ta? Các nhà khoa học hiện nay chỉ có thể đưa ra những giả thuyết đáng tin cậy, chứ không thể xác định chính xác nguyên nhân của hiện tượng này. Sau đây là một số giải thích được nhiều người đồng tình, cũng như là phương hướng nghiên cứu mà các nhà khoa học đang theo đuổi.

1. Hiện tượng ký ức giả

Trên thực tế, ký ức của chúng ta rất dễ bị sai lệch và bóp méo, đặc biệt là ở những chi tiết vụn vặt. Khả năng ghi nhớ của con người không giống như một chiếc máy thu hình. Chúng ta không thể thu giữ và lưu trữ chính xác những thông tin tiếp nhận. Chính vì thế, tình trạng ký ức giả rất dễ xảy ra khi ta hồi tưởng về một sự kiện nào đó. Ký ức được gợi lại không phản ánh bản chất của sự kiện, mà đã bị bóp méo vì tác động của nhiều yếu tố.

Thông thường, nếu ký ức không tạo một ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ lên trí nhớ của con người, chúng ta thường không thể ghi nhớ chúng một cách chính xác. Thời gian càng lâu thì ký ức đó càng mơ hồ và bị nhiễu loạn. Chính vì thế trong nhiều trường hợp, trí nhớ của một hay nhiều người về cùng một sự kiện không đủ độ tin cậy để đưa ra kết luận cuối cùng. Ký ức giả là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng kết án sai trong xét xử.

nguyên nhân của hiệu ứng Mandela
Không có gì trên đời là tuyệt đối, kể cả trí nhớ của chúng ta, hiện tượng Mandela có thể xuất hiện do hiện tượng ký ức giả.

Hiện tượng ký ức giả có thể là yếu tố tác động, góp phần tạo nên hiệu ứng Mandela và khiến chúng trở nên phổ biến. Những yếu tố bên ngoài tác động khiến trí nhớ của chúng ta bị ảnh hưởng, từ đó sinh ra ký ức sai lệch không có thật. Có lẽ một người đã từng nghe ai đó nói rằng tổng thống Nelson đã mất, từ đó trí nhớ của chúng ta ghi lại sự việc này, và tin rằng đó là sự thật dù chưa hề kiểm chứng.

Ngoài ra, có những trường hợp não của chúng ta tự ghép nối những ký ức về một đối tượng nào đó, cùng với những sự vật sự việc có tính tương đồng trong nhiều mốc thời gian, để tổng hợp thành một ký ức giả. Ví dụ chúng ta nhìn thấy một diễn viên mặc một bộ quần áo đặc biệt, mà bộ quần áo này lại rất phù hợp với chủ đề một bộ phim anh ta từng đóng. Hai dữ kiện này được não bộ tổng hợp, và hình thành ký ức rằng, diễn viên đã mặc bộ quần áo này trong bộ phim đó.

2. Thông tin bị nhiễu loạn

Những thông tin chúng ta tiếp nhận sau một sự kiện có thể thay đổi trí nhớ của chúng ta về sự kiện đó. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều thử nghiệm để chứng mình rằng, gợi ý (hay tiền giả định) có thể thay đổi trí nhớ của chúng ta về một điều gì đó. Ví dụ sau khi cho chúng ta quan sát một bức tranh, người đặt câu hỏi sẽ bịa ra một chi tiết nhỏ, và hỏi rằng chúng ta có nhớ đến chi tiết đó không. Rất nhiều người tin rằng họ thật sự nhìn thấy chi tiết bịa đặt đó và mô tả chúng.

Đặc biệt, nếu người đưa ra gợi ý nhận được sự tin tưởng của người bị bóp méo ký ức, thì khả năng thành công càng lớn. Người ta gọi đây là “mồi”. Thí nghiệm này cho thấy trí nhớ của chúng ta không tốt và trung thực như ta vẫn nghĩ. Ngoài ra trong một số trường hớp, chúng ta vô thức bịa đặt ra những ký ức không có thật, để bù đắp cho khoảng trống trong trí nhớ, hoặc để khiến ký ức trở nên logic hơn.

Một số người có thể không nhớ về những sự kiện xoay quanh Nelson Mandela. Và để lắp đầy khoảng trống trí nhớ, khiến ký ức trở nên logic hơn, trí nhớ ngụy tạo sự kiện ông đã chết. Khi đọc câu chuyện về cái chết của Nelson trên web, ký ức tự bịa này càng được củng cố hơn. Những người bị nhiễu loạn thông tin thật sự tin vào ký ức ngụy tạo, và tin rằng bản thân đã từng trải qua sự kiện.

3. Thuyết thế giới song song

Vật lý lượng tử đã mở ra khái niệm về thế giới song song, dòng thời gian song song, và sự giao thoa giữa các dòng thời gian khác nhau trong vũ trụ. Thuyết thế giới song song có thể trở thành cơ sở giải thích hợp lý cho hiện tượng Mandela. Người ta tin rằng có rất nhiều dòng thời gian song song cùng tồn tại, và bất cứ sự kiện nào cũng có thể rẽ nhánh thành những dòng thời gian mới, tạo nên những sự kiện khác biệt với dòng thời gian ban đầu.

Có thể trong một dòng thời gian khác, Nelson Mandela đã mất trong tù vào năm 1980. Ký ức của Fiona Broome và những người khác là thuộc về dòng thời gian đó. Ngay lúc sự kiện xảy ra, dòng thời gian song song giao thoa với dòng thời gian của chúng ta, dẫn đến việc chỉ những người bị kéo vào dòng thời gian này mới có cùng một ký ức, trong khi những người khác thì không. Lý thuyết này thu hút nhiều sự quan tâm vì sự hợp lý của nó.

hiệu ứng mandela
Những nghiên cứu về thế giới song song và dòng thời gian vẫn đang được thực hiện để tìm hiểu xem, hiệu ứng Mandela có thật sự liên quan đến thuyết này hay không.

Trong lịch sử đã có nhiều những sự kiện kỳ bí chứng minh rằng, dòng thời gian song song có thể tồn tại, và giao thoa với thế giới của chúng ta trong một thời điểm nào đó. Hiện nay các nhà khoa học chưa thể chứng minh lý thuyết này là chính xác, nhưng cũng không đủ bằng chứng để bác bỏ hoàn toàn tính khả thi của hiện tượng này. Có thể vẫn tồn tại những vũ trụ hay dòng thời gian khác song song với thế giới của chúng ta.

4. Tác động của Internet

Tác động của Internet có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và trí nhớ của đám đông. Khi luồng thông tin trên internet là quá đa dạng và khổng lồ, con người chúng ta có xu hướng tin tưởng những điều bản thân nhìn thấy, mà không hề kiểm chứng đúng sai. Kết quả là nhưng thông tin sai lệch biến thành “sự thật”, thành “kí ức” về một sự kiện từng xảy ra. Những kẻ xấu có thể lợi dụng điều này để điều hướng và khống chế dư luận.

Những ảnh hưởng của hiệu ứng Mandela có thể được nhìn thấy rõ hơn trong thời đại hiện nay, khi mạng internet lên ngôi. Những thông tin giả được tạo ra trên cái diễn đàn, mạng xã hội và lan truyền nhanh chóng trong đám đông. Những thông tin này được lặp đi lặp lại trong thời gian dài, truyền từ người này sang người khác. Điều này khiến cả cộng đồng tin vào một điều giả dối, cùng có một ký ức giả về một sự việc không có thật.

Ban đầu có lẽ bạn không tin vào điều được nghe. Nhưng khi bắt gặp điều đó ở mọi nơi, và mọi người đều đồng ý rằng nó có thật thì niềm tin của bạn sẽ lung lay. Theo thời gian, bạn sẽ tin đó là sự thật. Đó là cách những trò lừa và những tin đồn thất thiệt thường in đậm trong tâm trí mọi người hơn so với sự thật. Tình trạng con người có ký ức về những điều giả dối, và quên lãng sự thật diễn ra hàng ngày. Chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tin tưởng và truy tìm sự thật.

Làm sao để hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng Mandela?

Hiệu ứng Mandela gây ra những thông tin sai lệch, khiến người ta ghi nhớ và tin tưởng vào những thông tin giả hơn là sự thật. Chính vì thế nếu không có biện pháp khắc phục, những thông tin thật sẽ dần bị lãng quên. Tình trạng này có thể gây sai lệch nhận thức, và tạo ra những hậu quả nghiêm trọng khó đoán trước. Vậy làm sao để hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng Mandela đến con người?

Đầu tiên, chúng ta cần tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, nhằm tăng độ chính xác của thông tin trước khi quyết định chia sẻ. Tra cứu nhiều nguồn, hỏi thăm những người có chuyên môn, tìm đến trên những website và sách báo uy tín sẽ giúp bạn hạn chế những thông tin sai lệch. Khi nói chuyệ, hãy gợi ý khéo léo cho người đối diện vể chủ đề bạn muốn nói và muốn xác thực để không làm ảnh hưởng đến trí nhớ của họ.

Việc bạn “mớm” thông tin cho người đối diện có thể khiến họ hùa theo thông tin nghe được, chứ không phải xuất phát từ ký ức họ đang có. Ngoài ra, hãy cẩn thận với những thông tin lan truyền trên internet, vì bạn khó có thể tìm kiếm nguồn và xác thực chúng. Đa số trường hợp sai lệch thông tin cũng diễn ra trên không gian mạng, vì thế ta cần cẩn thận hơn.

Hãy dành thời gian tra cứu thông tin để thấy được những ý kiến trái chiều, và tìm kiếm nguồn thông tin đáng tin cậy nhất. Đừng để bị dẫn dắt theo dòng suy nghĩ của người khác, mà chính bạn cần chắt lọc những thông tin chính xác và đáng tin cậy. Điều này có thể giảm thiểu ảnh hưởng của hiệu ứng Mandela lên suy nghĩ và nhận thức của bạn.

Hiệu ứng Mandela vẫn là một điều huyền bí và thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng, nhất là trên không gian mạng. Những thuyết hấp dẫn về thế giới song song, về hiện tượng ký ức giả, hay những vấn đề liên quan đến tâm linh, đến những sự kiện ma quái vẫn được bàn tán sôi nổi. Đặc hiệt, hiệu ứng Mandela trở thành nguồn cảm hứng cho các câu chuyện creepypasta trên mạng vẫn thu hút sự quan tâm và bàn luận của nhiều người.

Có lẽ bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *