Hiệu ứng Dunning-Kruger là gì? Khi tự tin vượt xa thực tế
Hiệu ứng Dunning-Kruger được biết đến là một dạng thiên kiến nhận thức với đặc trưng là sự đánh giá quá mức vượt qua khả năng thực sự của một cá nhân. Tình trạng này thường xảy ra do sự thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về một lĩnh vực nào đó nên khiến nhiều người có xu hướng đưa ra nhận định sai về năng lực của chính mình.
Hiệu ứng Dunning-Kruger là gì?
Hiệu ứng Dunning-Kruger hay còn được gọi với tên tiếng anh là Dunning-Kruger effect là một dạng thiên kiến nhận thức mà trong đó con người có sự đánh giá, nhận định quá cao về năng lực của bản thân trong một lĩnh vực nào đó dù thực tế không đúng như vậy.
Hiểu theo một cách đơn giản hơn thì hiệu ứng này muốn nói đến những người có kỹ năng, hiểu biết nhưng lại có sự ảo tưởng quá mức về tài năng thực sự của bản thân, họ thường tự đánh giá mình ở mức trung bình hoặc thậm chí là vượt xa so với thực tế.
Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa những người có sự tự tin và người mắc phải hiệu ứng Dunning-Kruger. Khác hẳn với sự tự tin thì Dunning-Kruger khiến cho nhiều người có sự lầm tưởng về năng lực của bản thân nhưng họ hoàn toàn không nhận thức được điều đó.
Tư duy này khiến cho nhiều bạn trẻ dễ cảm thấy choáng ngợp sau khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học. Khi bước vào môi trường làm việc thực tế dễ khiến cho họ bị chênh vênh, mất định hướng và khó đạt được những kỳ vọng như đã mong đợi.
Lịch sử và nguồn gốc của hiệu ứng Dunning-Kruger
Khái niệm về hiệu ứng Dunning-Kruger được đưa ra bởi 2 nhà tâm lý học là Tiến sĩ David Dunning và Tiến sĩ Justin Kruger (Đại học Cornell) vào năm 1999. Tên của hiệu ứng cũng được ghép từ tên của hai nhà tâm lý học này.
Để quan sát hiện tượng, Tiến sĩ Dunning và Tiến sĩ Kruger đã cho học sinh thực hiện các bài kiểm tra ngữ pháp, khiếu hài hước và lý luận logic. Kết quả cho thấy, có 25% học sinh đạt điểm thấp nhất có xu hướng đánh giá quá cao về khả năng của mình. Hầu hết đều dự đoán rằng điểm của họ sẽ cao hơn 60.
Trong khi đó, có 25% học sinh top đầu đánh giá sai kết quả của họ. Những học sinh này cho rằng điểm của họ chỉ từ 70 – 75. Tuy nhiên, thực tế hầu hết họ đều đạt điểm trên 87.
Ngoài ra, Dunning và Kruger cũng đã thực hiện một loạt các nghiên cứu về khả năng tự đánh giá trong nhiều lĩnh vực. Kết quả cho thấy, những người có năng lượng kém thường thiếu kỹ năng đánh giá, không nhận ra điểm yếu của bản thân.
Được biết, một phần cảm hứng của nghiên cứu này đến từ sự kiện một người đàn ông tên McArthur Wheeler cướp ngân hàng vào năm 1995. Đáng chú ý là người đàn ông này tin rằng, bôi nước chanh lên mặt có thể giúp anh ta trở nên vô hình trước camera giám sát.
Năm 2023, hai nhà tâm lý học này đã nhận được giải thưởng Tâm lý học Grawemeyer. Hiệu ứng Dunning Kruger được đánh giá là một phát hiện quan trọng, sẽ có tác động lớn trong thời kỳ thông tin được phổ cập rộng rãi nhưng có quá nhiều thông tin sai lệch, khó phân biệt.
Dấu hiệu nhận biết hiệu ứng Dunning-Kruger
Trong thực tế thì hiệu ứng Dunning-Kruger có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, kể cả những bạn trẻ hoặc những người đã từng có kinh nghiệm. Biểu hiện dễ nhận biết nhất của những người mắc phải hiệu ứng tâm lý này đó chính là sự đánh giá cao về năng lực của bản thân trong một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó, nó có thể ở mức trung bình hoặc vượt xa so với thực tế.
Những người thường xuyên có những nhận định “cao to búa lớn” lại là những người thiếu kinh nghiệm hoặc thậm chí hoàn toàn không có sự hiểu biết chuyên môn nào về lĩnh vực họ đang nhắc đến. Cụ thể một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết hiệu ứng Dunning-Kruger như:
- Đưa ra những nhận định, đánh giá cao về năng lực, kỹ năng của bản thân dù thực tế không đúng như thế.
- Không thể nhận ra được những sự thiếu sót, yếu kém của bản thân.
- Khó có thể nhận ra và đánh giá chính xác về năng lực thực sự của bản thân và cả những người xung quanh.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng, hiệu ứng Dunning-Kruger chỉ là một hiện tượng tâm lý với tư duy lệch lạc, không phù hợp. Do đó, nếu được hướng dẫn, chia sẻ đúng đắn thì họ vẫn có thể điều chỉnh tốt nhận thức của bản thân, thậm chí là có cơ hội được nâng cao năng lực, kỹ năng của chính mình.
Bạn có thể bắt gặp hiệu ứng này rất nhiều trong đời sống, công việc, thậm chí bản thân bạn đôi khi cũng có thể rơi vào trạng thái tư duy này ở một mức độ nào đó. Ví dụ, một người có thể nghe hoặc vừa mới biết được một số thông tin cơ bản về chứng khoán nhưng đã sẵn sàng đầu tư, rót số tiền lớn vào đó. Điều này mang đến nhiều rủi ro bởi sự thiếu hiểu biết và đánh giá quá cao về năng lực của chính mình.
Ngoài ra, hiệu ứng Dunning-Kruger cũng có nhiều xu hướng xuất hiện trong học tập và công việc. Cụ thể, trong môi trường làm việc, một người nào đó hoặc thậm chí là sếp của bạn chưa chắc đã có kinh nghiệm và kiến thức bằng bạn về một lĩnh vực chuyên môn nào đó nhưng họ lại có nhiều xu hướng tự tâng bốc bản thân, thậm chí là tìm cách hạ bệ, chì chiết năng lực của bạn.
Các giai đoạn hoạt động của hiệu ứng Dunning-Kruger
Để giúp cho chúng ta có thể dễ dàng hình dung và hiểu rõ hơn về hoạt động của hiệu ứng Dunning-Kruger, hai nhà khoa học cũng đã tạo nên đồ thị cho thấy sự biến đổi về mức độ tự tự quá mức của một cá nhân. Cụ thể, hiệu ứng này sẽ trải qua các giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn 1 – Giai đoạn không biết gì (Know-nothing)
Đây là giai đoạn đầu tiên mà phần lớn con người sẽ phải trải qua bởi lúc này họ vẫn chưa có thể nhận thức rõ về sự yếu kém, thiếu kinh nghiệm của bản thân trong một lĩnh vực nào đó mà mình chưa hiểu rõ, chưa từng có sự trải nghiệm. Cũng chính lý do này khiến cho nhiều người bị thôi thúc hành vi muốn khám phá, tìm hiểu và học hỏi thêm về những thông tin, kiến thức trong lĩnh vực đó để nâng cao sự tự tin cho bản thân.
Lấy một ví dụ cụ thể về việc học tập một ngôn ngữ mới, điển hình như tiếng Anh. Thì khi chưa tiếp xúc và biết về nó bạn sẽ luôn cảm thấy ngưỡng mộ về những người có thể nói và giao tiếp tiếng Anh thuần thục. Và chính điều này đã giúp cho bạn có thêm động lực để tìm hiểu về ngôn ngữ này, bạn có thể dành thời gian để nghiên cứu, đăng ký tham gia các lớp dạy tiếng Anh để có thể phát triển tốt về ngôn ngữ này.
2. Giai đoạn 2 – Giai đoạn đỉnh cao sự ngu ngốc (Peak of Mount Stupid)
Khi trải qua giai đoạn đầu tiên, chắc chắn họ sẽ bắt đầu tìm hiểu và khai thác về lĩnh vực mà mình đang có hứng thú. Lúc này sự tự tin sẽ dần được gia tăng cùng với lượng kiến thức cơ bản mà họ đang sở hữu được. Khi càng có nhiều kiến thức hơn thì họ càng có sự tự tin, đánh giá cao về năng lượng và tiềm năng phát triển của chính mình.
Chẳng hạn như sau một khóa học tiếng Anh, bạn đã bắt đầu có được vốn từ vựng cơ bản, nghe hiểu các cuộc đối thoại đơn giản. Và khi ấy, bạn có thể trở nên bắt đầu đưa ra những lời phê phán, nhận định về một ai đó khi nghe họ giao tiếp tiếng Anh trên đường. Đây được xem là đỉnh cao của sự ngu ngốc trong hoạt động của hiệu ứng Dunning-Kruger.
3. Giai đoạn 3: Giai đoạn thung lũng tuyệt vọng (Valley of Despairs)
Đây là giai đoạn mà bạn có thể nhận ra được khả năng của mình thực sự chưa đạt được đỉnh cao và nó hoàn toàn không tương xứng với những sự tự tin mà bạn đã từng có được. Sau khi nhận ra được khả năng thực sự của chính mình, bạn sẽ dần rơi vào trạng thái buồn bã, chán nản, mệt mỏi và cảm thấy thất vọng, tồi tệ về bản thân.
4. Giai đoạn 4: Giai đoạn sườn dốc giác ngộ (Slope of Enlightenment)
Đối với những trường hợp không nản lòng, vẫn cố gắng dành thời gian để trau dồi thêm kiến thức, tiếp thu và học hỏi tốt về lĩnh vực đó thì sự tự tin của họ sẽ dần quay trở lại và tăng cao. Tuy nhiên, giai đoạn này họ đã biết được điểm dừng của bản thân và không còn dương dương tự đắc như trước, thay vào đó họ sẽ tập trung vào việc phát triển bản thân, thực hiện các khao khát, mục tiêu của chính mình.
5. Giai đoạn 5: Giai đoạn cao nguyên bền vững (Plateau of Sustainability)
Đây là giai đoạn mà một người đã hoàn toàn thấu hiểu và có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó mà họ đã dành thời gian trau dồi, phát triển. Lúc này họ đã thấu hiểu về sự cốt lõi của vấn đề, dễ dàng chia sẻ và tự tin về những hiểu biết của bản thân.
Tại sao hiệu ứng Dunning-Kruger xảy ra?
Hiệu ứng Dunning-Kruger xảy ra khi một người không có hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nhất định, không có kiến thức hoặc kỹ năng để phát hiện lỗ hổng kiến thức hay lỗi sai của chính mình. Điểm mù này khiến họ không biết mình sai ở đâu và cho rằng mình đã làm rất tốt.
Hiệu ứng Dunning-Kruger có thể được giải thích bằng nhiều cách khác nhau như:
- Thiếu kiến thức, kỹ năng: Sự thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng chuyên môn khiến một người kém trong lĩnh vực nào đó. Điều này làm họ không nhận ra sai lầm của bản thân và tin rằng mình làm đúng hoặc giỏi trong lĩnh vực ấy.
- Thiếu khả năng nhận thức: Khả năng nhìn lại, xem xét, đánh giá lại hành vi của bản thân ở một số người có thể rất hạn hẹp, phiến diện, chủ quan theo góc nhìn của họ. Trong suy nghĩ của họ, họ là người tài giỏi, hiểu biết và vượt trội hơn người khác.
- Tự tin thái quá: Một chút kiến thức nhỏ về một vấn đề nào đó có thể khiến một người lầm tưởng rằng họ biết tất cả mọi thức trong lĩnh vực đó. Điều này khiến họ tin rằng mình là chuyên gia, không hề nhận biết những lỗ hổng kiến thức của chính mình.
Ngược lại, ở những người giỏi, chuyên sâu trong những lĩnh vực nhất định, họ có thể không nhận ra kỹ năng, năng lực thực sự của mình. Công việc đến với họ một cách tự nhiên, họ làm được mọi thứ một cách dễ dàng, nên không nhận ra rằng những công việc đó đối với người khác là khó khăn. Điều này khiến họ đánh giá quá cao khả năng của mọi người, cho rằng mọi người điều giống mình.
Ví dụ thực tế về hiệu ứng Dunning-Kruger
Hiệu ứng Dunning-Kruger rất phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Một ví dụ dễ thấy nhất về hiệu ứng Dunning-Kruger là thực trạng sinh viên mới ra trường hiện nay.
Ví dụ 1: Một người sau khi đọc về các kiến thức y tế trên internet, họ có thể nhận biết được một số bệnh đơn giản, kết quả dự đoán của họ trùng khớp với chẩn đoán của bác sĩ. Điều này khiến họ tin rằng mình là chuyên gia trong lĩnh vực này, bắt đầu chia sẻ các thông tin về cách trị bệnh trên các nền tảng mạng xã hội.
Ví dụ 2: Đây là một câu chuyện được chia sẻ gần đây. Một sinh viên y đưa người thân của mình đi khám, bạn này vào gặp bác sĩ chuyên khoa và yêu cầu bác sĩ phải kê các loại thuốc theo yêu cầu của mình. Vì cho rằng mình giỏi, nhiều kiến thức, tuy nhiên, sau khi được bác sĩ chỉ ra những lỗi sai cơ bản, sinh viên này mới phát hiện bản thân không hề giỏi như mình nghĩ.
Ví dụ 3: Một ví dụ điển hình là trong lĩnh vực đầu tư tài chính, theo thống kê, chỉ có khoảng 5% nhà giao dịch có lợi nhuận dài hạn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tiếp tục giao dịch, đầu tư vì cho rằng mình nằm trong nhóm 5%. Mặc dù họ chỉ biết một chút kiến thức nhưng họ cho rằng mình là chuyên gia, thế nhưng thực tế thì, việc đầu tư của họ không hề sinh lời mà ngày càng lỗ nặng.
Ví dụ 4: Một số người đọc được một số tài liệu về vắc-xin, sau đó cho rằng mình có hiểu biết sâu sắc về vắc-xin. Do đó, họ từ chối tiêm vắc-xin, kể cả các loại vắc-xin phổ biến nhất như viêm gan B, lao, phế cầu, thủy đậu, 6 trong 1… Thậm chí, họ còn ngăn cản, không cho con cháu trong gia đình tiêm các loại vắc-xin này.
Mối quan hệ giữa hiệu ứng Dunning-Kruger và sự tự nhận thức
Có mối liên hệ mật thiết giữa hiệu ứng Dunning-Kruger và sự tự nhận thức. Người mắc hiệu ứng Dunning-Kruger có khả năng tự nhận thức kém. Họ chỉ có một số kiến thức nhất định nhưng lại có xu hướng đánh giá quá cao chính mình. Họ không có kiến thức để nhận ra lỗi sai của bản thân, có những điểm mù mà chính họ không biết và không nhận thấy được.
Sự thiếu nhận thức khiến một người đánh giá sai năng lực của bản thân. Khiến họ trở nên tự tin một cách thái quá và dễ mắc sai lầm. Ngược lại, những người nhận thức tốt về năng lực của bản thân là những người có trình độ và kỹ năng cao. Họ biết rõ thế mạnh và giới hạn của chính mình, biết cách phát huy năng lực của bản thân một cách hiệu quả.
Không chỉ đánh giá cao chỉ mình, người mắc hiệu ứng Dunning-Kruger còn có những nhận thức sai lầm, cho rằng bản thân không cần thiết phải cải thiện, cố gắng. Điều này dẫn đến tình trạng tự mãn, đã yếu kém lại càng yếu kém hơn, không chấp nhận các kết quả xấu, có xu hướng đổ lỗi cho người khác.
Phân biệt hiệu ứng Dunning-Kruger với các hiện tượng tâm lý khác
Hiệu ứng Dunning-Kruger cần được phân biệt với các hiện tượng tâm lý khác như hiệu ứng kẻ mạo danh, hiệu ứng tự tin thái quá, hiệu ứng ảo tưởng về sự vượt trội… Các hiệu ứng này có nhiều điểm tương đồng nhưng không phải là cùng một vấn đề.
Một số hiệu ứng dễ bị nhầm lẫn với Dunning-Kruger:
- Hiệu ứng tự tin thái quá (Overconfidence Effect): Là hiện tượng một người tin rằng bản thân có thể thực hiện tốt một vấn đề nào đó hơn so với thực tế. Hiệu ứng Dunning-Kruger thường xảy ra ở người nhận thức kém, đánh giá sai năng lực do thiếu hiểu biết. Trong khi đó, hiệu ứng tự tin thái quá có thể xảy ra ở người có kỹ năng cao lẫn người kỹ năng kém.
- Ảo tưởng về sự vượt trội (Illusory Superiority): Đề cập đến việc cá nhân có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của bản thân, liên quan đến việc so sánh giữa bản thân và người khác.
- Hiệu ứng kẻ mạo danh (Impostor Syndrome): Là hiện tượng những người có kỹ năng cao cảm thấy không xứng đáng với thành công của mình, không tin rằng bản thân đủ năng lực, lo sợ bị phát hiện bản thân là “kẻ mạo danh”. Đây là hiệu ứng đối lập, trái ngược với hiệu ứng Dunning-Kruger.
- Thiên kiến tự phục vụ (Self-serving Bias): Mô tả xu hướng một người đánh giá thành công của mình là do năng lực cá nhân và thường đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài khi thất bại.
- Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias): Mô tả xu hướng tìm kiếm, diễn giải các thông tin một cách có chọn lọc để củng cố niềm tin, đồng thời hạ thấp các thông tin ngược lại. Điển hình như tình trạng anti vắc-xin.
Những hệ quả của hiệu ứng Dunning-Kruger trong cuộc sống
Hiệu ứng Dunning-Kruger không đồng nghĩa với kém thông minh hay chỉ số IQ thấp. Hiệu ứng này có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.
Một số hệ quả của hiệu ứng Dunning-Kruger trong cuộc sống như sau:
1. Ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân
Dunning-Kruger ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của một cá nhân. Khi một người cho rằng mình giỏi và tài năng, cảm thấy không cần thiết phải nỗ lực cố gắng. Họ sẽ không học hỏi, dẫn đến việc trì trệ, ngày càng trở nên kém cỏi và lạc hậu.
2. Tăng sự tự mãn và chủ quan
Do không nhận thức được những hạn chế của bản thân, người mắc hội chứng Dunning-Kruger thường có xu hướng tự mãn và chủ quan. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, dễ vấp ngã, thất bại và bỏ lỡ những cơ hội phát triển.
3. Gây ra mâu thuẫn trong các mối quan hệ
Những người đánh giá cao khả năng, không nhìn nhận sự yếu kém bản thân thường không chấp nhận quan điểm của người khác. Điều này dễ gây ra mâu thuẫn, xung đột. Hoặc khiến người khác có ấn tượng xấu, cảm thấy không đủ tin tưởng vào năng lực của họ.
4. Tác động tiêu cực đến công việc
Hiệu ứng Dunning-Kruger có thể khiến những người kém kinh nghiệm đưa ra quyết định sai lầm vì họ cho rằng bản thân hiểu rõ vấn đề. Đặc biệt là trong những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao như tài chính, y tế, kỹ thuật.
Đối với người làm lãnh đạo, hiệu ứng này có thể khiến họ đưa ra những chính sách, chiến lực sai lầm. Dễ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tác động tiêu cực đến kết quả của công ty.
5. Ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội
Hiệu ứng Dunning-Kruger xảy ra rất phổ biến trong xã hội hiện nay. Một số người chỉ có một số kiến thức nhất định nhưng lại tự tin và nhận mình là một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó.
Họ lan truyền những thông tin sai lệch, không chính xác trên mạng xã họ. Điều này khiến nhiều người có kiến thức sai lầm, làm theo và nhận lấy những hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như vụ một tài khoản tiktok viết tắt là “B.S.T” lan truyền thông tin về việc uống nước muối chữa bệnh.
6. Ngăn cản sự tiến bộ xã hội
Những người không đủ năng lực, khả năng tự nhận thức kém nhưng lại quá tự tin vào kiến thức của mình. Họ đi ngược với khoa học, chống lại sự đối mới, cho rằng những kiến thức họ biết là đúng, là tốt nhất. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tiến bộ xã hội.
Cách tận dụng lợi ích từ hiệu ứng Dunning-Kruger
Hiệu ứng Dunning-Kruger có thể tồn tại ở bất cứ đâu trong cuộc sống và ngay bản thân bạn đôi khi cũng sẽ rơi vào tình trạng này mà chính bạn cũng khó có thể tự nhận biết. Theo chia sẻ của các chuyên gì thì phần lớn chúng ta đều đã từng trải qua Dunning-Kruger, thậm chí nó xuất hiện với tần suất đều đặn ở nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống.
Sự ảo tưởng về năng lực và hiểu biết của bản thân về một lĩnh vực nào đó tất nhiên sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng đối với cuộc sống, năng suất làm việc và cả các mối quan hệ lành mạnh bên ngoài xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ ràng về hiệu ứng Dunning-Kruger và sự yếu kém về chỉ số IQ, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và không có sự ảnh hưởng lẫn nhau.
Theo đó, nếu có thể hiểu rõ về bản chất và quá trình hoạt động của hiệu ứng Dunning-Kruger thì bạn hoàn toàn có thể biến nó trở thành động lực để mang đến nhiều lợi ích cho bản thân. Cụ thể một số mặt lợi ích như:
- Giúp chúng ta ý thức được rằng, thất bại là điều khó tránh khỏi và không nhất thiết bạn sẽ đạt được thành công ngay sau khi trau dồi kiến thức, chuyên môn về một lĩnh vực nào đó.
- Khi bắt đầu tìm hiểu và trải nghiệm về một lĩnh vực mới mẻ nào đó thì bạn đang đi qua giai đoạn “Đỉnh cao của sự ngu ngốc”. Chính vì thế, đừng vội khoe khoang, hống hách về tài năng và sự hiểu biết của bản thân. Thay vào đó hãy chăm chỉ học tập, gom nhặt kiến thức để có được sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực đó.
- Nhờ có sự hiểu biết về hiệu ứng Dunning-Kruger nên bạn cũng sẽ tránh được việc tin tưởng quá mức vào lời nói của một người nào đó, đặc biệt là những người có vẻ ăn to nói lớn, thích thể hiện bản thân.
- Dunning-Kruger nhắc nhở bạn về việc phải thật khiêm tốn, không nên chỉ vì một sự am hiểu nhỏ bé mà trở nên tự tin, kiêu ngạo quá mức.
Làm thế nào để khắc phục hiệu ứng Dunning-Kruger?
Tâm lý chung của mỗi con người đó chính là sự tự hào về bản thân, nhất là khi đã tiếp thu, hiểu biết thêm về một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, nếu không biết cách kiểm soát và kiềm hãm sự tự tin thái quá của bản thân thì bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái “muối mặt” do thói khoe khoang, tự cao tự đại của mình.
Để có thể vượt qua được sự ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger, bạn cần phải hiểu rõ về quá trình hoạt động của nó và tìm cách tập trung vào sự phát triển của bản thân bằng những cách sau đây:
1. Học cách lắng nghe những đóng góp của người khác
Bạn nên hiểu rằng, không ai là hoàn hảo và mỗi chúng ta sẽ có những ưu và nhược điểm về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Do đó, việc học hỏi, trau dồi kiến thức là hết sức cần thiết để hỗ trợ tốt cho cuộc sống và sự phát triển của mỗi cá nhân.
Khi bắt đầu học hỏi về một lĩnh vực mới mẻ nào đó, chắc chắn rằng bạn sẽ không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, sai sót. Lúc này, đừng ngại chia sẻ về những điều còn đang thắc mắc hoặc những thứ bạn chưa thực sự hiểu rõ về nó. Hãy tìm kiếm những người đã có kinh nghiệm vững chắc, sự am hiểu chuyên sâu trong lĩnh vực đó để học tập, lắng nghe những chia sẻ, hướng dẫn cụ thể từ họ.
Sự lắng nghe, tiếp nhận đóng góp sẽ luôn mang đến cho bạn những lợi ích tuyệt vời. Nó chính là cơ sở để bạn có thể tiến bộ vượt trội hơn so với hiện tại và cũng chính là cơ hội để bạn có thể gia tăng sự hiểu biết, thể hiện tinh thần học hỏi một cách tích cực, lành mạnh.
2. Gia tăng sự học hỏi
Để có được sự hiểu biết sâu rộng về một lĩnh vực nào đó bạn cần phải thật siêng năng và kiên trì với mục tiêu của chính mình. Học tập là một quá trình dài và không chỉ là những kiến thức trên trang giấy mà bạn cần phải ứng dụng, thực hành trong thực tiễn đời sống để có cái nhìn khái quát hơn về vấn đề.
Thay vì kiêu ngạo về những điều bạn biết thì hãy tập trung hơn vào việc khai thác, tìm hiểu sâu hơn về nó để trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực đó. Kiến thức là vô tận và bạn sẽ cần phải học hỏi liên tục, cập nhật những sự mới mẻ, cải tiến để trở nên hoàn thiện, phát triển hơn.
3. Rèn luyện và nâng cao tư duy phản biện
Sau quá trình học hỏi, lắng nghe những ý kiến, chia sẻ hữu ích từ những người xung quanh và gom nhặt được lượng kiến thức vững chắc cho bản thân thì bạn cũng cần rèn luyện tốt về tư duy phản biện. Có thể bạn đã có sự hiểu biết sâu về lĩnh vực đó nhưng đôi khi cũng khó tránh khỏi những “cái bẫy” tâm lý khiến bạn trở nên khó ứng xử.
Do đó, bạn cần phải rèn luyện khả năng quan sát, biết cách nhận định vấn đề và phân tích nhanh về các tình huống bất ngờ xảy ra để có sự nhạy bén hơn. Đồng thời, bạn cũng nên thường xuyên đặt ra những câu hỏi tự chấn vấn bản thân, rèn luyện tốt về tư duy, suy nghĩ và niềm tin của chính mình.
Theo chia sẻ của các nhà khoa học, họ đã thực hiện một quy trình BLKT: Biết – Làm – Kết- Tạo để hỗ trợ khắc phục tốt các đánh giá chủ quan, chưa đúng đắn về năng lực của bản thân. Cụ thể như sau:
- Biết: Biết về một lĩnh vực, vấn đề nào đó chưa thực sự sâu sắc.
- Làm: Trải nghiệm thực tế để có thể hiểu rõ hơn về lý thuyết và có thêm nhận thức về nhận thức của bản thân.
- Kết: Đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế, chân thực.
- Tạo: Xây dựng nên lý thuyết đơn giản, ngắn gọn, trọng tâm.
Hiệu ứng Dunning-Kruger không bỏ qua bất kỳ ai, ngay cả trong học tập, công việc và đời sống hàng ngày. Hy vọng qua thông tin chia sẻ của bài viết này, bạn đọc có thể hiểu hơn về hiệu ứng và biết cách tận dụng, vượt qua Dunning-Kruger hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
- Hiệu ứng hào quang là gì mà tác động được tâm lý con người?
- Hội chứng Todd (Alice ở xứ sở thần tiên) là gì? Cách vượt qua
- Hội chứng xác sống biết đi (Cotard) là gì? Nghiêm trọng không?
- Hội chứng Fregoli là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa
Nguồn tham khảo:
- https://www.verywellmind.com/an-overview-of-the-dunning-kruger-effect-4160740
- https://thedecisionlab.com/biases/dunning-kruger-effect
- https://www.webmd.com/mental-health/dunning-kruger-effect-what-to-know
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!