Chứng ăn cắp vặt là một dạng bệnh lý hay chỉ là thói quen?

5/5 - (1 bình chọn)

Ăn cắp vặt đôi khi có thể chính là biểu hiện của bệnh lý, liên quan đến những vấn đề tâm lý – tâm thần khiến người đó không thể nào kiểm soát được hành vi của bản thân. Chứng ăn cắp vặt nếu không được kiểm tra, chẩn đoán rất dễ bị nhầm lẫn là thói quen xấu xa ở những đối tượng trộm cắp. Đặc biệt hơn, vấn đề tâm lý này rất thường xảy ra ở những người có gia cảnh đầy đủ, bình thường khiến rất nhiều người khó hiểu.

Chứng ăn cắp vặt
Chứng ăn cắp vặt được đặc trưng bằng việc người bệnh hoàn toàn không thể kiểm soát được hành vi ăn cắp của bản thân cho dù họ có thể nhận thức được rằng đó là hành vi sai trái

Chứng ăn cắp vặt (Kleptomania) là gì?

Ăn cắp vốn là một trong những tính cách cực kỳ xấu khiến tất cả những người xung quanh đều có xu hướng ghét bỏ, khó chịu với những người có tính này. Thậm chí có những người có gia cảnh khá giả, có bề ngoài cực kỳ sang chảnh nhưng lại trộm cắp những que kẹo chỉ đáng giá một vài nghìn trong cửa hàng khiến những người xung quanh không thể lý giải được. Thực tế rất có thể những người này đã mắc chứng ăn cắp vặt Kleptomania.

Kleptomania  là thuật ngữ được bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ, trong đó “Klepto” có nghĩa là ăn cắp và “mania” là mất trí. Theo thuật ngữ chuyên môn, chứng ăn cắp vặt được gọi là chứng xung đột ăn cắp. Đây là một bệnh tâm lý khá hiếm gặp những những có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tinh thần của người bệnh.

Đặc trưng của Kleptomania chính là bản thân những người này không thể nào kiểm soát được các hành vi ăn cắp vặt của mình, điều này có thể khiến cho họ cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc tức thì dù sau đó là cảm xúc tội lỗi giằng xé. Đáng nói hơn, hầu hết họ không sử dụng các đồ vật mà họ ăn cắp, họ có thể tích trữ, đem cho đi hoặc vứt đi chứ không sử dụng vào mục đích kiếm tiền như những người trộm cắp bình thường.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Chứng ăn cắp vặt được xếp vào nhóm Disruptive, Impulse-Control, and Conduct Disorders (Rối loạn kiểm soát ham muốn, rối loạn cư xử, gây rối) với triệu chứng điển hình bằng việc những người này không thể kiểm soát được các hành vi của bản thân, mặc dù có thể ý thức được đó là điều sai trái. Bản thân họ không thể nào chống lại được những ham muốn sai trái này, chỉ sau khi thực hiện họ mới có thể hồi phục lại tinh thần.

Chứng ăn cắp vặt là một dạng bệnh lý hay chỉ là thói quen?

Cần chú rằng, hầu hết mọi người thường nhầm lẫn chứng ăn cắp vặt Kleptomania với thói quen ăn cắp bình thường hoặc ngay cả khi đã biết người đó bị bệnh thì mọi người vẫn có xu hướng đánh đồng chung hai tình huống này. Tuy nhiên bản chất của Kleptomania và thói quen ăn cắp sẽ là hoàn toàn khác nhau, cho dù các hành vi cũng có thể khá tương đồng như nhau.

Chứng ăn cắp vặt
Bản chất giữa Kleptomania và việc ăn cắp theo thói quen xấu là hoàn toàn khác nhau

Cụ thể, một số yếu tố giúp bạn có thể phân biệt chính xác hơn về chứng ăn cắp vặt bệnh lý và thói quen xấu như

  • Chứng Kleptomania  khiến người đó ăn cắp vì sự thôi thúc của bản thân từ trong tâm trí, việc ăn cắp có thể xoa dịu tinh thần căng thẳng của họ, không vì mục đích vụ lợi cá nhân. Trong khi đó, thói quen ăn cắp bản tính thường xuất phát vì mục đích cá nhân, phục vụ cho các lợi ích liên quan đến kinh tế trong đời sống.
  • Người có thói quen ăn cắp thường chỉ nhắm đến các món đồ có giá trị, họ có thể sử dụng được hoặc bán lấy tiền được, nói chung là mang tính kinh tế, trong khi người mắc chứng ăn cắp vặt hầu như không quá coi trọng giá trị thứ mà họ ăn cắp.
  • Người mắc chứng ăn cắp vặt hầu như không sử dụng các đồ mà họ lấy được mà thường dấu diếm, tích trữ, cho người khác hoặc vứt đi, trong khi với người có thói quen ăn cắp sẽ sử dụng các đồ này cho bản thân hoặc đem bán lấy tiền làm các công việc khác, chẳng hạn mua đồ cho bản thân.
  • Hành vi ăn cắp thường thực hiện một cách bộc phát, không có chủ đích ở người Kleptomania, trong khi đó khi người có thói quen ăn cắp thường sẽ lên kế hoạch rõ ràng, thực hiện ở những nơi không có ai, không có camera hoặc tìm cách trốn tránh nếu bị bắt, thậm chí là có sự trợ giúp và hỗ trợ từ nhiều người để thực hiện trót lọt. Tất nhiên những người có bản chất xấu nếu gặp tình huống thích hợp, tuy nhiên đa phần họ đều lên cho mình một kế hoạch thật chuyên nghiệp để tránh bị phát hiện.
  • Cảm xúc căng thẳng, vui vẻ hay tội lỗi có thể xuất hiện ở cả hai nhóm đối tượng, đặc biệt là người mắc chứng ăn cắp vặt. Với những người ăn cắp để phục vụ cho nhu cầu cá nhân, những lần đầu họ có thể tội lỗi nhưng càng về sau, điều này có thể giúp cuộc sống của họ khá giả và sung túc hơn nên họ càng cảm thấy thú vị, hào hứng, kích thích hơn, thậm chí không hề thấy có lỗi. Trong khi đó, cảm giác thỏa mãn ở người Kleptomania chỉ xuất hiện khi họ lấy cắp đồ còn sau đó sẽ luôn mang trong mình mặc cảm tội lỗi, giằng xé bản thân.

Tất nhiên bản chất của việc ăn cắp dù do bệnh lý hay thói quen thì đó vẫn là một hành vi cực kỳ sai trái, tuy nhiên với người Kleptomania thì có thể đáng được thông cảm hơn bởi họ không thể nào kiểm soát được hành vi của chính mình.

Biểu hiện của chứng ăn cắp vặt

Như đã nói, bản thân người mắc chứng Kleptomania hoàn toàn ý thức được rằng hành vi của mình là sai trái nhưng không thể nào chống lại được các ám ảnh của bản thân, điều này thôi thúc bàn tay của họ thực hiện. Mặc dù bị phát hiện hay thậm chí là đã bị báo cảnh sát hay đánh đập vì tật xấu này nhưng người này vẫn không thể nào dừng lại được các hành vi của mình, thậm chí tìm những “thủ thuật” để thực hiện thành công “ham muốn” của bản thân.

Chứng ăn cắp vặt
Người mắc Kleptomania luôn bị thôi thúc việc ăn cắp, điều này có thể khiến họ hài lòng, thỏa mãn dù sau đó luôn là cảm xúc đau khổ, tội lỗi

Cụ thể, một số biểu hiện điển hình của chứng ăn cắp vặt như

  • Luôn cảm thấy bị thôi thúc việc ăn cắp một thứ gì đó, có thể thực hiện hành vi ở bất cứ đâu, từ cửa hàng, nhà người khác, nơi làm việc hay cả trường học, nhưng thường là những nơi công cộng
  • Không quan trọng về giá trị của món đồ đó, dù là cái kẹo, cái bánh hay chiếc điện thoại cũng có thể khiến họ cảm giác  hài lòng, hạnh phúc sau khi ăn cắp thành công
  • Chứng ăn cắp vặt thường là các hành vi tự phát, không có bất cứ sự chuẩn bị trước nào về kế hoạch và cũng không có sự trợ giúp của bất cứ ai khác. Chẳng hạn khi bước vào phòng của một người bạn nào đó, đột nhiên khao khát ăn cắp vặt của họ trỗi dậy và họ sẽ tìm cơ hội để thực hiện, không hề có bất cứ một chủ đích nào trước đó
  • Rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng cực độ, đấu tranh tâm lý dữ dội trước khi thực hiện các hành vi ăn cắp, tuy nhiên họ không thể nào khống chế được chính mình nên cuối cùng luôn thực hiện hành vi này
  • Trong lúc thực hiện ăn cắp, cảm xúc của họ thường cực kỳ hài lòng, vui vẻ, hạnh phúc, thỏa mãn
  • Sau khi thực hiện ăn cắp xong, người mắc chứng Kleptomania sẽ xuất hiện những cảm giác xấu hổ, tội lỗi, căng thẳng, tự trách bản thân trầm trọng, thậm chí tự đánh chính mình, ghê sợ bản thân mãnh liệt. Tuy nhiên sau đó tình trạng vẫn tiếp tục lặp lại, những cảm xúc căng thẳng – thỏa mãn – xấu hổ cứ lặp đi lặp lại như chu kỳ
  • Các đồ vật được lấy cắp hầu như không được sử dụng, họ có thể vứt đi đâu đó, tích trữ lại hay thậm chí là cho ai đó.
  • Các hành vi trộm cắp của họ cũng có thể trở nên chuyên nghiệp hơn mỗi ngày vì đã lặp đi lặp lại nhiều lần trước đó.
  • Kể cả cho dù đã bị phát hiện, bị bắt giam hay bị đánh đập thì người mắc chứng ăn cắp vặt cũng không thể nào kiểm soát được các hành vi sai trái của bản thân, cho dù họ có cố gắng như thế nào.

Nguyên nhân chứng ăn cắp vặt

Thực tế chính các nhà khoa học cũng chưa thể tìm ra chính xác đâu là nguyên nhân của hội chứng này. Căn nguyên vấn đề được cho là có liên quan đến sự thay đổi trong não bộ, những trải nghiệm tiêu cực từ quá khứ hay ảnh hưởng từ môi trường sống. Hiểu rõ được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp việc điều trị Kleptomania mang đến nhiều tiên lượng tốt hơn.

Chứng ăn cắp vặt
Mất cân bằng serotonin và một số chất dẫn truyền được cho là có liên quan chủ yếu đến chứng ăn cắp vặt

Cụ thể, một số yếu tố được cho là có liên quan đến chứng ăn cắp vặt như

  • Thiếu hụt serotonin: nồng độ serotonin thấp được cho là có liên quan rất nhiều đến Kleptomania bởi hormone này đóng vai trò giúp con người kiểm soát các hành vi bốc đồng của bản thân nên khi thiếu chất này chúng ta dễ trở nên kích động hơn, không thể kìm nén và làm chủ được các hành vi sai trái của mình.
  • Rối loạn hành vi nghiện: yếu tố này có thể liên quan đến dopamine, trạng thái kích thích khi ăn cắp có thể giúp tiết ra chất này nhiều hơn khiến cho nhiều người trở nên “nghiện”, muốn được trải nghiệm cảm giác này.
  • Mất cân bằng opioid: Opioid cũng liên quan đến việc thúc đẩy ham muốn nên việc mất cân bằng hormone này cũng khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc kiểm soát các hành vi, ham muốn của bản thân.
  • Chấn thương tâm lý: theo các chuyên gia, ở những người bị khủng hoảng tinh thần, căng thẳng stress trong thời gian dài, sang chấn tinh thần có thể bộc phát chứng ăn cắp vặt. Bởi trạng thái kích thích khi ăn cắp có thể giúp họ giải tỏa những căng thẳng về mặt tinh thần nên họ dần không thể kiểm soát được các hành vi của chính mình.
  • Chấn thương não: ở một số bệnh nhân cũng có thể mắc chứng Kleptomania sau khi gặp các chấn thương nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến não bộ.
  • Ảnh hưởng từ môi trường sống: một số nghiên cứu cũng cho rằng việc trong gia đình hay sống trong môi trường có nhiều người trộm cắp từ nhỏ cũng có thể tác động đến tâm lý người bệnh.
  • Một số yếu tố khác: Kleptomania cũng được cho là có liên quan đến một số vấn đề tâm lý khác như rối loạn đa nhân cách, rối loạn lo âu, rối loạn sử dụng chất kích thích

Chứng ăn cắp vặt gây ra ảnh hưởng như thế nào?

Mặc dù tỉ lệ số người mắc chứng ăn cắp vặt Kleptomania không quá cao, chỉ khoảng 0,3 – 0,6% dân số nhưng có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của mỗi người. Bản thân những người này có thể ý thức được rằng mình có vấn đề bất thường, luôn cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng nên thường tìm cách dấu diếm bệnh, không để cho ai biết. Chỉ khi các hành vi của họ bị phát hiện hay bị bắt giữ thì mọi người xung quanh mới biết.

Chứng ăn cắp vặt
Kleptomania dễ bị nhầm lẫn với thói quen ăn cắp xấu xa nên khi bị phát hiện dễ bị mọi người xa lánh, cô lập

Như đã nói, khi bị phát hiện, hầu hết mọi người đều luôn đánh đồng, mặc định hành vi ăn cắp là xấu xí, thậm chí không chấp nhận và không chịu hiểu rằng Kleptomania là bệnh lý. Những người này khi bị bắt vì tội ăn cắp có thể bị bạo lực, hành hung, thậm chí là rơi vào vòng lao lý nếu không được thăm khám hay chẩn đoán họ mắc bệnh.

Một điều thú vị là có rất nhiều bệnh nhân Kleptomania lại là người giàu có, thậm chí có địa vị trong công ty hay xã hội, bởi thế nhiều người xung quanh thường không biết xử lý thế nào. Đồng thời khi đã bị phát hiện những người mắc chứng ăn cắp vặt cũng thường bị mọi người xa lánh, tẩy chay, coi là xấu xa, thậm chí bắt nạt và cô lập họ.

Rất nhiều trường hợp gia đình dù phát hiện con mắc bệnh, đã phải đi bồi thường quá nhiều lần nhưng họ chọn cách nhốt con cái trong nhà chứ không đưa con đi thăm khám và điều trị vì tâm lý xấu hổ. Mức độ căng thẳng có thể gia tăng khi người đó không được thực hiện các hành vi ăn cắp cùng cảm giác tội lỗi vì việc làm sai trái của bản thân, sự tự dằn vặt khiến rất nhiều người có nguy cơ mắc đồng thời cả trầm cảm.

Ngoài ra, chứng ăn cắp vặt cũng có thể là mối liên kết dẫn đến nhiều căn bệnh khác như nghiện mua sắm, rối loạn ăn uống, rối loạn đa nhân cách, rối loạn lưỡng cực. Một số người có ý thức cao về các hành vi lệch lạc của bản thân thậm chí còn có ý định tự sát, tự làm đau bản thân như một cách để trừng phạt và ngưng các hành vi trộm cắp lại nhưng không thành công.

Nói chung, chứng ăn cắp vặt có thể gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến đời sống và tinh thần của người bệnh. Càng cố dấu diếm, mức độ căng thẳng càng gia tăng và nhu cầu muốn ăn cắp vặt của họ càng tăng cao. Do đó những người bệnh hay người trong gia đình phát hiện thấy các triệu chứng bất thường này nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Hướng điều trị chứng ăn cắp vặt

Chứng ăn cắp vặt Kleptomania đã được phân loại trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5) nên việc chẩn đoán có phần dễ dàng và chính xác hơn. Bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý sẽ dựa trên các tiêu chí chẩn đoán, các bài test tâm lý hay đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu về nguồn gốc của sự thôi thúc trong các hành vi này, từ đó mới kết luận và đưa ra lộ trình điều trị phù hợp.

Tâm lý trị liệu

Bản thân người bệnh hay các thành viên trong gia đình nếu không có chuyên môn sẽ hầu như không thể nào kiểm soát được người mắc chứng nghiện ăn cắp vặt nếu chỉ thông qua các câu từ như đừng làm vậy, làm vậy là không tốt hay thậm chí là quát mắng hay giam cầm người bệnh cũng chẳng có ích gì. Do đó việc áp dụng các liệu pháp tâm lý trị liệu, cải thiện cảm xúc sẽ thực sự cần thiết cho những đối tượng này.

Chứng ăn cắp vặt
Tâm lý trị liệu thay đổi nhận thức và hành vi được cho là mang đến cho người bệnh nhiều cải thiện tích cực hơn

Chính người mắc chứng ăn cắp vặt cũng nhận thức được rằng họ đang có những hành vi sai trái, chỉ là không biết làm thế nào để kiểm soát được bản thân. Nhà trị liệu sẽ là người giúp người bệnh nhìn nhận rõ được vấn đề bản thân đang gặp phải, định hướng người bệnh đến những nhìn nhận tích cực hơn, đồng thời hướng dẫn biện pháp để kiểm soát sự lo lắng, căng thẳng khi đứng trước các tình huống kích thích muốn lấy cắp.

Mặt khác thông qua việc trò chuyện hay đặt câu hỏi và trao đổi chi tiết, chuyên gia tâm lý cũng có thể nắm bắt chính xác nguyên nhân hay các yếu tố làm hình thành hội chứng Kleptomania  ở người bệnh và tìm cách giải quyết triệt để. Các liệu pháp lập trình ngôn ngữ thần kinh sẽ giúp người bệnh thay đổi các hành vi lệch lạc của bản thân, loại bỏ bớt cảm xúc tiêu cực, tội lỗi và hướng đến những nhận thức tích cực, tươi sáng hơn.

Ngoài ra liệu pháp chuyển đổi, trong đó người bệnh sẽ được tạo ra một không gian, trong đó họ sẽ phải tưởng tượng về việc mình đi ăn cắp và đối diện với các tình huống tiêu cực bị bắt để nhìn nhận rõ về hậu quả của các hành vi của mình. Liệu pháp nhận thức hành vi cũng được đánh giá mang đến nhiều kết quả tích cực rõ ràng cho những bệnh nhân mắc chứng ăn cắp vặt.

Việc điều trị chứng Kleptomania sẽ không hề dễ dàng nếu người bệnh không thực sự trung thực, chấp hành tốt các liệu pháp được nhà trị liệu yêu cầu. Tuy nhiên nếu đáp ứng tốt, tinh thần người bệnh sẽ dần thoải mái tích cực hơn, kiểm soát được các hành vi lệch lạc, giảm các cảm xúc tiêu cực để có một chất lượng đời sống tuyệt vời hơn.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Dùng thuốc

Theo các chuyên gia, chưa có bất cứ loại thuốc nào có thể điều trị được chứng ăn cắp vặt. Thuốc không thể loại bỏ bệnh hoàn toàn mà chỉ giúp ổn định cảm xúc tạm thời, người bệnh được khuyến khích kết hợp cùng các liệu pháp tâm lý nhằm mang đến những kết quả tốt nhất. Mặt khác lạm dụng thuốc không đúng cách còn làm tinh thần căng thẳng và mệt mỏi hơn nên cực kỳ chú ý.

Một số nhóm thuốc phổ biến có thể được chỉ định cho người mắc chứng ăn cắp vặt như

  • Thuốc chống trầm cảm: Paroxetin (Paxil), Fluoxetine (Prozac), Fluvoxamine
  • Thuốc chống co giật: axit valproic, topiramate (Topamax);
  • Chất ổn định tâm trạng: Lithium, Depakote, Lamotrigine, Carbamazepine.

Chăm sóc và điều trị tại nhà

Chuyên gia trị liệu thường sẽ hướng dẫn đồng thời gia đình một số biện pháp để kiểm soát cảm xúc của người bệnh, tránh các hành vi trộm cắp không đúng đắn trong suốt quá trình điều trị. Người bệnh được khuyến khích nên chung sống cùng gia đình và dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế đến những nơi công cộng cho đến khi tinh thần thực sự ổn định để tránh các hành vi lệch lạc không mong muốn.

Chứng ăn cắp vặt
Sự hỗ trợ từ gia đình sẽ giúp người bệnh kiểm soát được các hành vi không mong muốn của bản thân

Một số hoạt động có thể giúp ích cho những người mắc chứng ăn cắp vặt trong thời gian điều trị tại nhà như

  • Học cách thiền, yoga, kiểm soát hơi thở để giữ bình tĩnh mỗi khi trạng thái muốn ăn cắp vặt một thứ gì đó xuất hiện. Khi giữ được bình tĩnh, trạng thái tinh thần ổn định thì bạn có thể kiểm soát được các hành vi của chính mình.
  • Nên đi ra ngoài cùng những người trong gia đình để nhờ sự trợ giúp ngay khi cảm thấy căng thẳng vì muốn lấy cắp đồ
  • Người mắc chứng ăn cắp vặt cần tuyệt đối tránh xa bia rượu và các chất kích thích khác để tránh việc bản thân mất kiểm soát, tinh thần mơ hồ, thiếu tỉnh táo
  • Nhắc nhở bản thân quyết tâm, suy nghĩ đến hậu quả để gia tăng quyết tâm trong việc ngăn chặn đôi bàn tay lại táy máy.
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc kết hợp với tập thể dục mỗi ngày để tinh thần khỏe mạnh, tỉnh táo, tiết ra nhiều hormone tích cực hơn
  • Yêu thương bản thân hơn, bạn ăn cắp vặt là do bệnh lý, do tinh thần não bộ điều khiển, không phải lỗi ở bạn, bản chất bạn vẫn là một người tốt nên không cần quá tự trách bản thân. Nếu vẫn còn thấy tội lỗi bạn hoàn toàn có thể tìm cách trả lại, xin lỗi chủ nhân của những món đồ mà bạn đã lấy một cách âm thần và không để ai biết.

Điều trị chứng ăn cắp vặt thực sự là một quá trình dài, trong đó quyết tâm của chính người bệnh đóng vai trò chủ lực. Gia đình cần luôn đồng hành, động viên, an ủi và hỗ trợ bất cứ khi nào người bệnh cần. Khi tinh thần đã trở về trạng thái cân bằng, kiểm soát được các hành vi lệch lạc của bản thân, nhìn nhận các vấn đề tích cực hơn thì sẽ dần trở lại hòa nhập với cuộc sống, thật sự cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm:

ArrayArray
5/5 - (1 bình chọn)
Array

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *