Hiệu ứng khan hiếm: Tâm lý đề cao giá trị những thứ quý hiếm
Hiệu ứng khan hiếm xuất hiện khi một sự vật nào đó có số lượng quá ít so với nhu cầu của người sử dụng. Hoặc nói cho dễ hiểu, khan hiếm là tình trạng một người có nhu cầu sở hữu một sản phẩm, nhưng họ gần như không thể có được thứ mình muốn vì nhiều lý do. Hiệu ứng tâm lý này được ứng dụng rất nhiều trong kinh doanh để kích thích nhu cầu khách hàng.
Hiệu ứng khan hiếm là gì?
Khan hiếm là khái niệm dùng để chỉ vấn đề cung không đủ cầu. Hiệu ứng khan hiếm xuất hiện khi nhu cầu thị trường dành cho một thứ hàng hóa là quá cao, trong khi nguồn lực hay tài nguyên để tạo ra sản phẩm là hữu hạn. Trong trường hợp này, sự khan hiếm được định nghĩa là khan hiếm tuyệt đối.
Ngoài ra, hiệu ứng khan hiếm còn có thể xuất phát từ mục đích của con người, khi hạn chế số lượng hàng hóa ở một mức cố định. Những người làm kinh doanh hiểu được tâm lý “cái gì quý giá thì hiếm có” của số đông người tiêu dùng, do đó họ khống chế số lượng để nâng cao giá trị hàng hóa trên thị trường. Đây là tình trạng khan hiếm tương đối.
Đối lập với khan hiếm là dư thừa. Thực tế chứng mình những hàng hóa có số lượng lớn, dư dả về số lượng luôn có giá trị thấp hơn nhiều so với hàng hóa khan hiếm. Sự khan hiếm là thứ đẩy giá trị của một món hàng lên đỉnh cao, dù đôi khi chất lượng của chúng rất bình thường, thậm chí là thấp hơn những sản phẩm khác.
Những chiếc túi xách hay giày dép phiên bản giới hạn, đồ cổ, tiền giấy bị lỗi, những tấm thẻ bài phiên bản đặc biệt, những chiếc tem cũ, hay những phần quà chỉ có thể nhận duy nhất trong một dịp kỉ niệm nào đó, tất cả những món hàng khan hiếm này đều có số lượng cực ít. Vì thế chúng luôn là mục tiêu sở hữu của những người có nguồn lực tài chính dư dả.
Việc sở hữu những món đồ khan hiếm không chỉ thể hiện niềm yêu thích đặc biệt của một người dành cho món hàng đó, mà còn khiến họ trở nên đặc biệt trong mắt những người xung quanh. Việc sở hữu những món hàng quý giá, khan hiếm và có giá trị cao có thể nâng tầm bản thân bạn.
Hiệu ứng khan hiếm ảnh hưởng đến giá trị hàng hóa và cả hành vi tiêu dùng của khách hàng. Có những món hàng trở nên khan hiếm vì chúng ban đầu có số lượng ít, chuyên để phục vụ một số lượng người tiêu dùng nhất định, nhưng rồi bỗng nhiên nổi tiếng và được nhiều người săn đón.
Nhu cầu tăng nhanh khiến số lượng hàng hóa sản xuất không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, trong khi ai cũng muốn sở hữu chúng. Kết quả là hàng hóa trở nên khan hiếm vì cung không đủ cầu. Kéo theo đó là giá cả của mặt hàng đó trên thị trường, và cả thị trường chợ đen, tăng nhanh một cách chóng mặt.
Khách hàng khi nhìn thấy một loai hàng hóa liên tục hết hàng trên thị trường, cũng như các sàn thương mai điện tử, sẽ kích thích tâm lý muốn sở hữu chúng. Họ cho rằng chất lượng và già trị của những món hàng phải rất tốt thì mới “cháy hàng” đến thế, tâm lý này khiến việc hiệu ứng khan hiếm ngày càng được đẩy mạnh.
Hiệu ứng khan hiếm ảnh hưởng đến con người ra sao?
Hiệu ứng khan hiếm ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Đầu tiên, trên cương vị là nhà sản xuất, hiệu ứng khan hiếm góp phần làm tăng độ nổi tiếng và nhận diện thương hiệu cho nhãn hàng. Khi nhắc đến sản phẩm đang cháy hàng gần đây, người tiêu dùng cũng sẽ nhớ ngay đến thương hiệu.
Sản phẩm dù nổi tiếng trong khoảng thời gian dài hay ngắn, nhãn hàng cũng đã nhận được độ phủ sóng rộng khắp thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Tâm lý đám đông là thích lan truyền những tin tức nóng hổi, do đó sự nổi tiếng có thể đến nhanh chóng chỉ sau một đêm.
Lợi dụng điểm này, những người làm kinh doanh có thể duy trì và khuếch đại hơn về thương hiệu của bản thân, hoặc cho ra những sản phẩm mới để thu hút nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn trên danh tiếng sẵn có. Sự “viral” này nếu được nắm bắt và tận dụng tốt sẽ là bước đà phát triển cực mạnh.
Với những thương hiệu lớn và nổi tiếng, hiệu ứng khan hiếm lại cho thấy đẳng cấp và sức hút của nhãn hàng. Các thương hiệu thời trang lớn, hay các mặt hàng xa xỉ thường có những bộ sưu tập giới hạn với những điểm đặc biệt chỉ có trong một thời gian nhất định với số lượng rất nhỏ. Những mặt hàng này chỉ sản xuất một lần và sẽ không bao giờ quay lại.
Tuy nhiên, hiệu ứng khan hiếm cũng có thể hay ra tác dụng ngược khi bị sử dụng sai cách. Nếu khách hàng phát hiện sự khan hiếm chỉ là một hình thức lừa đảo, và hàng hóa không hề giới hạn như quảng cáo, người tiêu dùng sẽ mất lòng tin và bắt đầu tẩy chay nhãn hàng. Do đó, cần sáng suốt trong việc áp dụng hiệu ứng tâm lý này.
Điều kiện để có được hàng rất đa dạng như: đặt mua trong thời gian giới hạn, đặt mua khi có tài khoản hội viên/tài khoản VIP đạt yêu cầu, quay số may rủi,… tùy theo suy tính của nhãn hàng. Đây có thể là hình thức tri ân những khách hàng thân thiết, hoặc thu hút những khách hàng mới.
Những mặt hàng “limited” hay “special” luộn có sức hút cực lớn. Bởi vì nhu cầu sở hữu là rất lớn, nhưng chỉ có một số ít người có thể sở hữu, do đó chúng có sức hút đặc biệu với người tiêu dùng. Những người đam mê sưu tầm, hoặc là khách hàng thân tiết chắc chắn không bỏ qua cơ hội sở hữu những món hàng độc nhất vô nhị này.
Đây là biểu tượng cho đẳng cấp, sự giàu sang, và thể hiện cả mối quan hệ rộng của người sở hữu. Việc cạnh tranh giữa những người có nguồn tài lực tương tự nhau cũng giúp nâng cao giá trị và vị thế món hàng. Người mua chấp nhận bỏ ra mọi giá chỉ đế sỡ hữu món đồ bản thân yêu thích.
Hiệu ứng khan hiếm mang đến lợi ích cho thương hiệu, nhưng thường ảnh hưởng nặng đến người tiêu dùng. Điều dễ thấy nhất là những mặt hàng khan hiếm luôn có giá cao hơn bình thường, bất chấp chất lượng của chúng. Có những mặt hàng chất lượng cao, có những mặt hàng chất lượng thấp, nhưng về cơ bản giá bán ra luôn cao hơn nhiều giá thành sản xuất.
Những mặt hàng hiếm và giới hạn cũng là mỏ vàng của những kẻ làm hàng giả và đầu cơ trên thị trường. Tình trạng sản phẩm giới hạn bị làm giả và đôn giá, cùng với việc những kẻ đầu cơ mua hàng vào với số lượng lớn để tạo hiệu ứng khan hiếm rồi bán ra với giá cắt cổ không còn là điều xa lạ trên thị trường.
Có thể thấy, hiệu ứng khan hiếm ảnh hưởng rất lớn đến cả hai phía, mang đến cả lợi ích và tổn thất cho cả hai bên nếu chúng ta không lý trí và tỉnh táo torng việc bán và mua hàng. Nhà sản xuất phải đối diện với vấn đề danh tiếng và lợi nhuận, trong khi người tiêu dùng phải cân đối giữa nhu cầu chi tiêu và đam mê một cách hợp lý.
Nguyên nhân xuất hiện hiệu ứng khan hiếm
Như đã nói ở trên, nguyên nhân gây ra hiệu ứng khan hiếm là do hàng hóa cung cấp không đủ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Sự khan hiếm này có thể là do nguồn lực sản xuất và tài nguyên không đủ, hoặc do nhà sản xuất chủ động hạn chế số lượng hàng hóa để đạt được mục đích kinh doanh.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiệu ứng khan hiếm, và đa phần chúng xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng. Các nhãn hàng biết rất rõ tâm lý, thói quen và hành vi mua hàng này nên mới có thể áp dụng hiệu ứng tâm lý này một cách hiệu quả. Cùng tìm hiểu một dố lý do gây ra hiệu ứng tâm lý này dưới đây.
1. Nhu cầu tăng cao đột ngột
Có những mặt hàng đột ngột trở nên khan hiếm do nhu cầu tăng cao trong thời gian ngắn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ một sự kiện chấn động, hoặc từ một người nổi tiếng có đông đảo người hâm mộ. Ví dụ khẩu trang trở nên khan hiếm trong giai đoạn Covid-19, hoặc một loại thức ăn, nước uống vô tình được người nổi tiếng lăng xê.
Nhu cầu quá lớn, trong khi nguồn lực sản xuất và nguyên liệu có giới hạn đã khiến mặt hàng khan hiếm và đẩy giá sản phẩm lên cao. Nhà sản xuất lúc này rơi vào thế bị động do không chuẩn bị cho tình huống mặt hàng đột nhiên “hot” hơn mong đợi. hàng càng khan hiếm thì mong muốn sở hữu chúng càng lớn.
Đây là nguyên nhân nhiều người sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn mua lại hàng đã qua sử dụng, hoặc hàng được đầu cơ với giá cao. Một số mặt hàng có nguyên liệu sản xuất khan hiếm do chỉ xuất hiện theo mùa, hoặc trong một giai đoạn đặc biệt nào đó, cũng khiến nhu cầu gia tăng một cách nhanh chóng.
2. Tâm lý sợ bỏ lỡ
Tâm lý sợ bỏ lỡ thường xuất hiện khi món hàng đặt trước có giới hạn thời gian, hoặc không bao giờ quay lại vì chỉ xuất hiện trong một đợt duy nhất. Nếu hiện giờ chúng ta không đưa ra quyết định mua sắm, thì có thể không còn cơ hội sở hữu trong tương lai. Suy nghĩ này kích thích những người mua hàng nhanh chóng đặt hàng mà không suy nghĩ.
Khi đứng trước một lựa chọn có thời gian giới hạn, con ngươi thường rất khó giữ lại lý trí và sự bình tĩnh. Tâm lý sợ bỏ lỡ, sợ sẽ hối tiếc sẽ kích thích ham muốn sở hữu và nhu cầu mua sắm. Các nhãn hàng lợi dụng điều này nên thường có những đợt bán hàng giới hạn với thời gian rất ngắn.
Tâm lý sợ bỏ lỡ cũng xuất hiện ở những mặt hàng hợp tác, hay còn gọi là collab, giữa các thương hiệu nỗi tiếng. Những đợt collab thường có hàng hóa hạn chế, nhiều ưu đãi cao, có quà tặng đặc biệt, và nhất là diễn ra chỉ trong giai đoạn ngắn. Nhu cầu mua hàng trong những giai đoạn này luôn tăng cao hơn bình thường, dễ gây ra hiệu ứng khan hiếm.
3. Nâng cao vị thế xã hội
Trên thực tế, những món đồ khan hiếm và giá trị cao chỉ có thể xuất hiện trong tay những người giàu có, hoặc có địa vị cao trong xã hội. Vì thế, việc sở hữu những món đồ hiếm có cũng là một cách thể hiên địa vị của bản thân. Chỉ những người có điều kiện tài chính dư dả, hoặc có quyền lực nhất định, mới cơ hội chạm đến một số loại hàng hóa giới hạn.
Những món hàng giới hạn và khan hiếm không chí giúp nâng cao vị thế xã hội cho người sở hữu, mà ngay cả người sản xuất ra chúng cũng được hưởng lợi. Đặc biệt là với những đồ vật thủ công hay tác phẩm nghệ thuật như tranh vẽ, điêu khắc, thư pháp,… Những thứ không thể sản xuất với số lượng lớn thì giá trị của chúng còn nằm ở việc ai là người làm ra.
Tìm hiểu thêm: Tâm lý đám đông trên mạng xã hội: Hiểu rõ hơn về các tác động
4. Ưa thích sự hiếm có
Những món đồ giới hạn, hoặc bị khiếm khuyết do lỗi trong quá trình sản xuất đều là những món đồ hiếm có. Những món hàng bị lỗi có thể khác nhau ở nhiều chi tiết, không món nào giống món nào. Chính điều này tạo nên sự đặc biệt hiếm có và giá trị của chúng. Với những người yêu thích sự hiếm có, những món hàng khan hiếm này có giá trị sưu tầm rất cao.
Việc sở hữu những món đồ này không chỉ nói lên sự yêu thích và đam mê, mà còn mang đến giá trị cao hơn trong cộng đồng những người có chung sở thích. Mọi người sẽ muốn sở hữu một món hàng tương tự, từ đó làm tăng giá trị hàng hóa trên thị trường, kích thích người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm.
Làm sao để hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng khan hiếm?
Hiệu ứng khan hiếm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Cả hai bên đều có thể đạt được lợi ích, hoặc chịu ảnh hưởng xấu nếu không biết cách lợi dụng hiệu ứng tâm lý này một cách hợp lý. Vậy, làm sao để hạn chế những ảnh hưởng xấu của hiệu ứng khan hiếm đến bản thân?
- Về phía doanh nghiệp: Để tránh tình trạng khan hiếm tuyệt đối, nhà sản xuất cần có những phương án dự phòng trong trường hợp nhu cầu của thị trường dành cho sản phẩm đột ngột tăng cao. Phương án dự phòng có tác dụng nhanh chóng ổn định tình hình, trấn an khách hàng, ngăn cản những kẻ đầu cơ thu lợi bất chính, và đặc biệt là tạo dựng danh tiếng và thể hiện phong thái làm việc chuyên nghiệp của nhãn hàng. Còn với tình trạng khan hiếm tương đối, thương hiệu cần quản lý số hàng đưa ra thị trường một cách chặt chẽ, đảm bảo hàng hóa đến được tay những người xứng đáng. Điều này giúp thể hiện đẵng cấp và sự chuyên nghiệp của một thương hiệu lớn.
- Về phía người tiêu dùng: Không phải lúc nào những mặt hàng khan hiếm đều tốt hay có giá trị sưu tầm cao, vì thế ở cương vị người tiêu dùng, chúng ta cần hết sức tỉnh táo khi mua hàng để tránh rơi vào bẫy “limited” hay bẫy khan hiếm của các nhãn hàng. Nếu bạn dư dả tài chính thì hoàn toàn có thể mua mọi thứ mình thích, nhưng nếu điều kiện kinh tế không cho phép và còn nhiều thứ phải chi tiêu, người tiêu dùng nên cân nhắc thật kỹ xem có nên bỏ tiền ra cho những vật phẩm này hay không. Ngoài ra, cũng chú ý rằng không phải mặt hàng khan hiếm nào nào cũng có chất lượng tốt, ngon miệng, phù hợp và tốt cho sức khỏe, thế nên đừng bị số đông ảnh hưởng.
Hiệu ứng khan hiếm là một hiệu ứng tâm lý thường gặp hàng ngày. Chúng ta rất khó tránh việc bị chúng ảnh hưởng, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hạn chế bằng cách suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định mua sắm. Các nhãn hàng cũng cần tận dụng hiệu ứng này hợp lý để không gây ra tình trạng phản tác dụng.
Có lẽ bạn quan tâm:
- Hội chứng Rett: Nhận biết, nguyên nhân và hướng điều trị
- Hội chứng người tốt: Biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục
- Hội chứng sợ nhện (Arachnophobia) có thể khắc phục không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!