Hội chứng người tốt: Biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục

5/5 - (1 bình chọn)

Hội chứng người tốt là thuật ngữ được sử dụng để nói đến những người luôn cố gắng để làm hài lòng người khác, dù đó là những việc mà bản thân họ không hề mong muốn hoặc thậm chí là cảm thấy khó chịu, bực bội vì điều đó. Bề ngoài, những “người tốt” luôn phóng khoáng, hiền lành và biết giúp đỡ người khác nhưng bên trong họ lại là sự tự ti và luôn muốn nhận lại những lợi ích.

Hội chứng người tốt:
“Người tốt” là những người luôn cố gắng làm giúp đỡ người khác trong mọi hoàn cảnh.

Thế nào là hội chứng người tốt?

Hội chứng người tốt được nhắc đến đầu tiên trong quyển No More Mr. Nice Guy của Robert Glover. Tại đây ông đã có đề cập đến những người đàn ông luôn cố gắng để trở nên hoàn hảo và làm hài lòng phái đẹp. Họ sẽ thể hiện mình là một người tử tế, lịch sự, nho nhã và luôn biết cách chiều lòng các quý cô. Những người đàn ông mắc phải hội chứng này sẽ trở nên hoàn mỹ về tất cả mọi mặt, từ tính cách cho đến vẻ bề ngoài nhằm lấy được sự thiện cảm của các cô gái. Robert Glover gọi những trường hợp này là Nice Guy Syndrome.

Bên cạnh đó, cũng có một số người sử dụng thuật ngữ People Pleaser ( Người làm hài lòng mọi người ) cũng nhằm nhắc đến vấn đề này nhưng nói chung cho tất cả các đối tượng, kể cả nam giới lẫn nữ giới. Hiểu một cách đơn giản thì hội chứng người tốt ý muốn nói đến những người luôn cố gắng để làm hài lòng người khác mặc dù bản thân cảm thấy vô cùng hậm hực và bực tức.

Những người mắc phải hội chứng này sẽ chú trọng nhiều đến vẻ bề ngoài, họ luôn nỗ lực để hoàn thành tốt tất cả mọi thứ theo ý những người xung quanh. Bởi vì luôn lo sợ làm sai, sợ bị người khác ghét bỏ nên họ sẽ cố để làm vừa ý tất cả mọi người chỉ để người khác yêu quý mình hoặc đơn giản là không bị họ ghét.

Nếu bạn luôn làm mọi việc dựa trên mong muốn của mọi người xung quanh, bạn chấp nhận làm thay công việc của người khác khi họ nhờ vả hoặc thậm chí là luôn đứng ra giải quyết các bất động dù không ai nhờ đến thì có nhiều khả năng bạn đang mắc phải hội chứng người tốt. Mọi người xung quanh thường luôn đánh giá bạn là người nhiệt tình, khoan dung, tốt bụng, hiền lành và vị tha. Tuy nhiên, bản thân bạn đôi lúc sẽ cảm thấy vô cùng ấm ức, khó chịu và mệt mỏi vì những điều mình đang làm.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện của hội chứng người tốt

Các biểu hiện của “người tốt” thường khó nhận biết bởi nếu chỉ thoạt nhìn ban đầu bạn sẽ nghĩ đây là những người tử tế, lịch sự và luôn khoan dung, nhiệt tình với mọi người xung quanh. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác và ít khi làm mích lòng ai. Tuy nhiên, phía sau những hành động “tốt” chính là nhu cầu được mọi người yêu thương, muốn thu nhận tất cả các tình cảm của những người xung quanh. Đặc biệt, những người mắc phải hội chứng người tốt sẽ luôn cảm thấy tự ti về bản thân mình, họ lo sợ bị người khác cười chê, sợ mọi người ghét bỏ.

Đồng thời, “người tốt” cũng luôn có một niềm tin mãnh liệt về việc cho đi và nhận lại, gieo nhân nào gặp quả đó. Họ mong muốn nhận được những điều may mắn, thành công và suôn sẻ trong cuộc sống. Thế nhưng, không phải người tốt nào cũng đạt được những kết quả tốt. Đôi khi những sự giúp đỡ quá mức và không cần thiết của họ lại chính là lý do khiến họ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và khó chịu.

Để có thể nhận diện được những người mắc hội chứng người tốt, bạn có thể dựa vào các yếu tố sau đây:

1. Luôn “Say Yes” với tất cả mọi người

Một trong các dấu hiệu thường thấy và dễ nhận dạng nhất của “người tốt” đó chính là họ sẽ không bao giờ từ chối những lời nhờ vả của người khác. Những người này sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn khi từ chối một ai đó, chính vì thế mà họ luôn đồng ý với mọi yêu cầu mà người khác đưa ra, kể cả khi điều đó làm họ cảm thấy vô cùng khó chịu và bực tức.

Hội chứng người tốt
“Người tốt” luôn Say yes với tất cả những lời nhờ vả của mọi người xung quanh dù họ không muốn thực hiện nó.

Trong cuộc sống, chúng ta rất cần những sự trợ giúp khi cần thiết và sự giúp đỡ cũng được xem là một điều tốt cần được phát huy nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với những người mắc phải hội chứng người tốt, họ sẽ đồng ý giúp đỡ người khác ngay cả khi bản thân họ bận rộn. Họ chấp nhận trì hoãn công việc riêng của mình để có thể hỗ trợ hoặc thậm chí là làm thay công việc của những người xung quanh.

2. Ngại nhờ sự giúp đỡ của người khác

“Người tốt” là những người luôn sẵn sàng đứng ra để giúp đỡ người khác nhưng lại vô cùng ngại ngùng về việc nhờ ai đó giúp đỡ mình. Họ luôn cố gắng tự hoàn thành tất cả các công việc của bản thân dù điều đó khiến họ trở nên kiệt sức. Cũng bởi, những người này luôn tồn tại suy nghĩ sẽ làm phiền người khác, sợ sẽ khiến cho mối quan hệ bị rạn nứt, sợ những người xung quanh nghĩ không tốt về mình.

Việc có thể tự làm những công việc của riêng mình là một điều tốt, bởi không ai có thể giúp đỡ bạn mãi được. Tuy nhiên, nếu bạn luôn phải gánh vác tất cả một mình thì nó có thể trở thành gánh nặng, khiến bạn trở nên mệt mỏi và suy kiệt về sức lực. Đồng thời, khi mãi cố gắng chỉ một mình, bạn sẽ dần cảm thấy cô đơn và có sự tiêu cực trong suy nghĩ.

Những “người tốt” có thể tự đấu tranh với chính bản thân mình. Họ cho rằng cuộc sống không công bằng, bởi họ luôn cố gắng giúp đỡ và hỗ trợ những người xung quanh, tuy nhiên bản thân họ lại không nhận được điều đó. Những sự trái ngược trong suy nghĩ và hành động khiến họ trở nên mệt mỏi, kiệt quệ và chán chường nhiều hơn.

3. Không quan tâm đến nhu cầu và cảm xúc của bản thân

Hội chứng người tốt khiến nhiều người luôn đặt lợi ích và nhu cầu của người khác cao hơn những cảm xúc và mong muốn của chính bản thân mình. Họ có thể bỏ mặc những nhu cầu của mình hoặc thậm chí có nhiều người không biết bản thân đang mong muốn những gì và họ cứ liên tục chạy theo những yêu cầu của người khác. Họ luôn thuận theo số đông, không bao giờ có ý kiến hoặc có cũng rất dễ bị thay đổi bởi những lời phản bác của những người xung quanh.

Như đã chia sẻ, “người tốt” dù cảm thấy không thoải mái với những lời đề nghị của mọi người xung quanh nhưng họ vẫn chấp nhận và thực hiện nó. Điều này khiến họ bị dồn nén cảm xúc dữ dội nhưng họ luôn gạt bỏ những sự tồi tệ đó và chỉ quan tâm đến những điều mà mọi người mong muốn. Họ coi trọng sự vui vẻ, hạnh phúc và thoải mái của người khác và luôn lấy đó làm mục tiêu sống của chính mình.

Chẳng hạn như trong một cuộc họp, họ thường sẽ chiều theo ý kiến của những người xung quanh và tự cho rằng những đóng góp của mình là thừa thãi. Nếu ý kiến của họ được chấp nhận thì họ xem đó là một điều vô cùng may mắn. Hoặc nếu ngược lại thì họ vẫn có thể cố gắng giả vờ vui vẻ và chấp nhận những ý kiến khác. “Người tốt” sẽ không bao giờ bộc lộ cảm xúc thất vọng, không hài lòng của mình trước mặt đối phương.

4. Chấp nhận mọi sai lầm và khuyết điểm của người khác

Bạn sẽ dễ thấy sự khoan dung, rộng lượng và tha thứ của người mắc hội chứng người tốt trong hầu hết các trường hợp. Họ luôn thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu và bỏ qua mọi sai lầm của những người xung quanh. Cho dù người khác khiến họ cảm thấy khó chịu và bực bội đến nhường nào thì họ vẫn tỏ thái độ vui vẻ, xóa bỏ đi những khuyết điểm của đối phương.

Hội chứng người tốt
Người mắc hội chứng này sẽ dễ dàng chấp nhận và tha thứ cho lỗi lầm của người khác.

Bao dung, biết tha thứ là một trong các đức tính tốt của con người. Cũng bởi, không ai là hoàn hảo và chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những lúc phạm phải sai lầm. Nhưng có những lỗi lầm to lớn không thể nào tha thứ một cách dễ dàng và đôi lúc nó cần được trừng trị thích đáng. Còn đối với các trường hợp mắc phải hội chứng người tốt sẽ luôn dễ dàng tha thứ cho hầu hết mọi việc sai lầm mà không cần phải đắn đo suy nghĩ.

5. Xem thường giá trị của bản thân

Tự hạ thấp và xem thường giá trị của bản thân cũng là một trong các dấu hiệu thường gặp của hội chứng người tốt. Họ sẽ luôn lo sợ bị người khác giận hờn, bị nói xấu, bị phán xét, chê cười. Những người có tính cách này sẽ mất rất nhiều thời gian để tự suy xét về bản thân mình, họ luôn quan tâm đến việc người khác có thực sự quý mến mình hay không.

Họ có xu hướng đánh giá về giá trị của bản thân thông qua những lời nhận xét và thái độ của người khác dành cho mình. Do đó, họ luôn cố gắng làm hài lòng người khác để có thể nhận được những sự công nhận và yêu quý từ những người xung quanh. Họ luôn cẩn trọng trong mọi hành động và lời nói của mình để không phải làm phiền lòng bất kì ai.

Đặc biệt là đối với xã hội hiện nay, sự phát triển vượt bậc của công nghệ, các trang mạng xã hội ngày càng đẩy những người mắc hội chứng này vào bước đường cùng. Bởi “9 người 10 ý”, không chỉ những người thường xuyên tiếp xúc bên ngoài mà ngay cả những ai vô tình lướt qua các trang mạng xã hội của bạn cũng có thể để lại những lời nhận xét, đánh giá theo nhiều góc độ khác nhau. Điều này gây nên áp lực lớn đối với những “người tốt” và có nhiều người luôn tránh xa mạng xã hội để lẩn trốn khỏi những sự công kích tiêu cực.

6. Cố gắng để tránh né xung đột

Hội chứng người tốt khiến nhiều người luôn sợ việc xảy ra xung đột và mâu thuẫn với những người xung quanh. Vì thế, họ luôn cố gắng né tránh hầu hết các sự bất hòa, cãi vã với những người bên cạnh. Trong tất cả các trường hợp họ luôn là người nhún nhường và chấp nhận lùi bước để đối phương có thể cảm thấy vui lòng.

Hoặc thậm chí ngay cả khi họ nhìn thấy những xung đột xảy ra bên ngoài cũng có nhiều xu hướng giúp đỡ ngay cả khi không cần thiết. Họ luôn bị ám ảnh với những mâu thuẫn nên sẽ luôn tránh né tất cả những nguy cơ gây tranh cãi, cố gắng làm lành các mối quan hệ xung quanh.

7. Tồn tại cảm xúc tiêu cực

Phía sau những hành động vô cùng tử tế, lịch thiệp của “người tốt” là hàng loạt sự dồn nén về mặt cảm xúc. Bởi họ luôn cố gắng làm hài lòng người khác ngay cả khi bản thân thực sự không mong muốn điều đó hoặc thậm chí là cảm thấy hậm hực, bức bối. Những cảm xúc tiêu cực cứ dồn nén và không được giải tỏa đúng cách sẽ khiến cho họ tự suy nghĩ sai lệch về chính mình. Có không ít người cho rằng bản thân là kẻ vô dụng, tồi tệ, bất tài và nhu nhược.

Sự đối lập về mặt cảm xúc và hành động khiến cho nhiều người trở nên mệt mỏi, thậm chí là cảm thấy bế tắt, tuyệt vọng. Họ luôn phải đấu tranh dữ dội với những suy nghĩ trái ngược nhau làm cho tinh thần và thể chất dần bị suy kiệt. Cũng có một vài trường hợp sẽ bùng nổ cảm xúc sau khi đối mặt với những tình huống vượt quá mức chịu đựng. Tuy nhiên, sau đó họ lại cảm thấy vô cùng hối hận và tiếp tục dằn vặt bản thân.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng người tốt

Bạn cần phân biệt cụ thể giữa những người có lòng tốt và người mắc hội chứng người tốt. Có thể giúp đỡ nhiều người xung quanh là một việc làm mà nhiều người mong muốn. Khi bạn cho đi những điều ý nghĩa, chắc hẳn sẽ nhận lại những thứ tốt đẹp. Thông thường, những người có lòng tốt thực sự sẽ luôn giúp đỡ người khác một cách vui vẻ, họ cảm nhận được rõ sự hạnh phúc trong khi có thể hỗ trợ được những người xung quanh và làm việc đó một cách tận tâm, hết mình, không đòi hỏi phải được đền đáp.

Còn đối với những người mắc hội chứng người tốt, “lòng tốt” của họ được thực hiện chỉ với mong muốn được mọi người yêu thương, lo sợ về sự đánh giá và phán xét của những người xung quanh. Người mắc phải hội chứng này luôn cố gắng ép buộc bản thân trở nên hoàn mỹ và toàn diện trong mắt người khác. Họ hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của chính mình, cuộc sống của họ dường như được gắn liền với những mong muốn của hầu hết mọi người bên cạnh.

Hội chứng người tốt
Sự giáo dục không đúng đắn và sai lệch của gia đình cũng có thể là lý do làm khởi phát hội chứng người tốt.

Theo chia sẻ của các chuyên gia thì hội chứng người tốt thường sẽ bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều yếu tố tương tác lẫn nhau, cụ thể một vài lý do thường được nhắc đến như:

  • Do các trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ: Nếu một người từng trải qua cảm giác bị ghẻ lạnh, cô lập hoặc đối diện với những lời phán xét, chê cười dữ tợn của người khác bởi họ đã từ chối hoặc làm phiền lòng ai đó thì nhiều khả năng có thể phát triển hội chứng người tốt. Họ luôn bị ám ảnh bởi sự cô đơn, xa lánh và ánh mắt tiêu cực của mọi người. Chính vì thế họ có xu hướng làm hài lòng người khác để có thể nhận lại những tình cảm yêu thương, quý mến.
  • Do ảnh hưởng từ gia đình: Nếu người thân như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột trong gia đình mắc phải hội chứng này thì nhiều khả năng các thành viên còn lại cũng sẽ gặp phải các triệu chứng tương tự. Khi bạn nhìn thấy người thân luôn đối xử tốt với những người bên cạnh thì bạn cũng có xu hướng làm theo những điều ấy.
  • Do cách giáo dục: Cha mẹ luôn dạy dỗ và mong muốn con cái trở thành một người tốt, biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, nếu mong muốn này không được giáo dục một cách đúng đắn cũng có thể gây ra những suy nghĩ sai lệch về lòng tốt.
  • Do tính cách: Những người có tính cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự tin tưởng vào bản thân hoặc hay lo lắng cũng có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng của hội chứng người tốt.

Hội chứng người tốt – Lợi hay hại?

Giúp đỡ và trở thành một người tốt là một điều vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, hội chứng người tốt chưa hẳn là tốt và những người luôn thể hiện bản thân là “người tốt” lại không hoàn toàn mang đến những lợi ích thiết thực. Bởi những người mắc hội chứng này có thể chấp nhận mọi yêu cầu của người khác nhưng nó không xuất phát từ sự giúp đỡ từ tận đáy lòng, đôi khi là sự gượng ép và khiến bản thân họ cảm thấy mệt mỏi, chán chường.

Những cảm xúc này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe và đời sống của con người. Nó khiến họ không thể sống thật với chính bản thân mình, luôn phải dựa dẫm vào những cảm xúc và mong muốn của những người xung quanh. Bên cạnh đó, hội chứng người tốt còn tồn tại những mặt tiêu cực như:

  • Khiến bản thân mất tự tin và chính mình: Do tâm lý sợ sệt bị phán xét, đánh giá nên những người mắc hội chứng này sẽ có xu hướng thu mình lại, không dám làm bất cứ điều gì. Lâu dần họ sẽ trở nên tự ti, làm việc gì cũng cảm thấy lo sợ và không dám thử sức ở bất kì lĩnh vực nào. Họ luôn có cảm giác bị người khác dòm ngó, để ý và luôn mặc cảm, xấu hổ về bản thân, cho rằng mình là kẻ vô dụng, không đủ tốt.
  • Nguy cơ stress và trầm cảm cao: Người mắc hội chứng người tốt sẽ có nhiều khả năng rơi vào trạng thái stress kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn là khởi phát chứng trầm cảm. Cũng vì họ luôn cố gắng tỏ ra mình là người hoàn hảo, luôn kìm nén cảm xúc để thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của người khác nên dễ trở nên căng thẳng và tồi tệ. Đặc biệt là những lúc họ giúp đỡ những người xung quanh một cách gượng ép thì các cảm xúc tiêu cực càng gia tăng đáng kể, lâu ngày không được giải tỏa tốt sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, phổ biến nhất là trầm cảm.
  • Mất lập trường: Khi liên tục sống vì người khác, bạn sẽ dần không còn lập trường hay ý kiến riêng của bản thân. Hầu hết các vấn đề xoay quanh cuộc sống dù là tập thể hay cá nhân bạn cũng có xu hướng quyết định dựa trên cảm nhận và mong muốn của người khác. Lâu dần bạn sẽ trở nên yếu đuối, không còn tin tưởng vào bản thân, không có ý kiến riêng của chính mình, thiếu đi sự quyết đoán.
  • Không còn sự tin tưởng từ những người xung quanh: Đối đãi tốt với những người bên cạnh là một việc làm ý nghĩa và đó cũng chính là cách để bạn tạo dựng một mối quan hệ lâu dài. Tuy nhiên, nếu tốt quá mức lại có thể trở thành con dao hai lưỡi khiến cho người khác không còn tôn trọng và tin tưởng vào bạn. Chỉ cần một lần từ chối hoặc một sự sai sót nhỏ của bạn cũng đủ khiến mọi người cảm thấy bạn trở nên xấu xa hơn rất nhiều. Bởi rằng họ đã mặc định rằng bạn sẽ “Say yes” trong tất cả mọi vấn đề, chính vì thế họ cũng sẽ dễ cảm thấy thất vọng nếu bị bạn từ chối. Thậm chí có nhiều người cho rằng bạn là đứa đạo đức giả, mọi điều tốt đẹp mà bạn xây dựng đều là giả tạo.
  • Khó duy trì một mối quan hệ lành mạnh: Bạn nghĩ rằng ai cũng mong muốn có được một mối quan hệ với người hoàn hảo. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy, ngược lại việc kết bạn với một người quá tốt đôi khi cũng là một nỗi sợ. Bởi chúng ta biết rằng không ai là hoàn hảo, mọi thứ đều sẽ có những mặt trái của nó. Vì thế, nếu tiếp xúc với một người quá “tốt”, họ cũng có thể nghĩ bạn đang lợi dụng họ và dần né tránh sự thân thiết với bạn. Hoặc cũng có nhiều người cảm thấy áp lực vì điều đó, họ không thực sự cảm thấy thoải mái trong mối quan hệ này.
  • Khó đạt được thành công trong cuộc sống: Hội chứng người tốt khiến cho nhiều người trở nên thụ động, họ không dám làm bất cứ điều gì, không dám thể hiện bản thân vì sợ người khác đánh giá, chê cười. Chính vì thế, những người này rất khó đạt được thành công trong cuộc sống, họ luôn núp sau bóng dáng của những người xung quanh.
  • Dễ bị lợi dụng: Người mắc phải hội chứng này có nhiều khả năng bị lợi dụng từ những người xung quanh. Do sự thể hiện lòng tốt quá mức có thể làm cho mọi người xem đó là điều hiển nhiên mà họ có thể nhận được hoặc họ luôn lợi dụng điều đó để bạn có thể thay họ làm những điều mà họ mong muốn.

Hội chứng người tốt có thể gây nên nhiều tác hại nghiêm trọng đối với đời sống và sức khỏe của con người. Tuy nhiên, “người tốt” không phải là kiểu người giả tạo. Họ cố gắng giúp đỡ những người xung quanh vì tâm lý sợ bị ghét bỏ, vì muốn nhận được sự yêu thương từ mọi người. Họ không giả vờ tốt với bất kì ai, đơn giản chỉ vì họ gặp khó khăn trong việc từ chối và có một niềm tin mãnh liệt về việc “Ở hiền gặp lành”.

Cách khắc phục và thoát khỏi hội chứng người tốt

Như đã đề cập, hội chứng người tốt không thực tốt và nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của con người. Chúng ta là những cá thể riêng biệt, có những tính cách, sở thích, mong muốn, cảm xúc và nhu cầu riêng. Chính vì thế, trước khi trở nên tốt với một ai đó, bạn hãy tập cách tốt hơn với chính bản thân mình. Những người bên cạnh đôi lúc sẽ cần đến sự giúp đỡ của bạn, tuy nhiên nó chỉ là đôi lúc và bạn cần phải sống vì bản thân hơn, trân trọng cuộc sống và cảm xúc của chính mình.

Để có thể mau chóng thoát khỏi hội chứng này, Tạp Chí Tâm Lý Học sẽ gợi ý cho bạn các biện pháp hữu hiệu:

1. Học cách từ chối

Học cách nói “Không” với những sự nhờ vả vô lý hoặc khiến bạn cảm thấy khó chịu là một trong những cách đầu tiên cần thực hiện khi bạn muốn khắc phục được hội chứng người tốt. Tuy nhiên, đối với những người có tính cách này, việc từ chối đối với họ là một điều vô cùng khó khăn, thậm chí họ phải liên tục đấu tranh tư tưởng hoặc cảm thấy vô cùng có lỗi, tự dằn vặt chính mình sau khi không thể giúp đỡ một ai đó.

Hội chứng người tốt
Học cách từ chối là biện pháp tốt nhất để không phải trở thành “người tốt” bất đắc dĩ.

Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, lòng tốt chỉ thực sự có ích khi nó được đặt đúng chỗ và điều đó giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ. Vì thế, ngay từ bây giờ, hãy bắt đầu học cách từ chối với những lời đề nghị phi lý, những việc ngoài khả năng của bản thân. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải biết kỹ năng từ chối thật khéo léo để không làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ thân thiết.

Ví dụ như khi một ai đó liên tục nhờ bạn làm thay công việc cho họ, hãy từ chối lịch sự bằng cách nói rằng bạn vẫn chưa xong việc hay bạn đang bận làm một việc gì khác. Hoặc nếu một người muốn bạn làm một việc gì đó ngoài khả năng thì bạn có thể từ chối nhẹ nhàng bằng cách nói rằng bạn không giỏi về lĩnh vực này.

2. Yêu bản thân nhiều hơn

Nếu ngay cả bạn cũng không biết cách yêu bản thân mình thì đừng hy vọng người khác yêu bạn. Hãy học cách yêu chiều bản thân nhiều hơn, nâng niu cảm xúc của chính mình và làm những điều mà bạn cảm thấy thoải mái, hài lòng nhất. Không ai có thể sống thay bạn, vì thế trước khi giúp đỡ và xem trọng một ai đó, bạn cần trân quý bản thân mình, tôn trọng những cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu và mong muốn của chính mình.

Hãy bắt đầu quan tâm hơn đến vẻ bề ngoài, chăm sóc một chút cho nhan sắc để luôn tự tin tỏa sáng. Chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng, lo lắng. Đồng thời, nếu cảm thấy quá ngột ngạt, tiêu cực, bạn cũng có thể tự tâm sự với chính mình bằng cách viết nhật ký. Hãy viết ra những suy nghĩ trong lòng, những điều bản thân đang mong muốn để có thể tìm cách giải quyết tốt nhất, tránh được những cảm xúc tồi tệ. Khi bạn có thể yêu bản thân mình nhiều hơn, bạn cũng sẽ dần biết cách đối đãi tốt với cảm xúc của chính mình và không còn trở thành “người tốt” một cách vô nghĩa.

3. Giữ lập trường vững chắc

“Người tốt” thường không có chính kiến, không có lập trường riêng và luôn phải phụ thuộc, nhún nhường theo những quan điểm, lựa chọn của người khác. Tuy nhiên, chúng ta luôn là một cá thể riêng biệt, có những suy nghĩ và quan điểm riêng của mình. Trong cùng một tình huống, một sự việc diễn ra, mỗi người sẽ có những cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau theo nhiều khía cạnh. Vì thế, không có quan điểm nào là dư thừa hay sai lầm và không ai có thể bắt ép bạn phải có chung ý kiến, suy nghĩ với người khác.

Trong nhiều vấn đề khác nhau, có thể suy nghĩ và quan điểm của bạn không giống với người khác, nhưng điều đó không thể khẳng định bạn đang sai. Và bạn cũng không cần phải cố ép bản thân phải thay đổi quan điểm của mình để phù hợp với bất kì ai. Để có thể hạn chế được việc bị lung lay tinh thần, học cách giữ vững lập trường của bản thân thì trước tiên bạn cần phải chắc chắn với suy nghĩ của chính mình. Hãy suy nghĩ thật thấu đáo và kỹ lưỡng trước khi đưa ra những quyết định hay quan điểm cá nhân. Khi bạn hiểu rõ về những gì mình nghĩ và mong muốn thì bạn có thể hoàn toàn tự tin vào nó.

Hội chứng người tốt
Học cách giữ vững lập trường, kiên định với quan điểm và ý kiến của bản thân.

Tuy nhiên, giữ vững lập trường không đồng nghĩa với việc bác bỏ những ý kiến của mọi người xung quanh. Việc tham khảo và lắng nghe quan điểm của người khác cũng là một điều quan trọng và cần thiết để giúp bạn có thêm nhiều cái nhìn mới bao quát và sâu rộng hơn, nhờ đó bạn cũng sẽ dễ dàng hình thành nên lập trường đúng đắn cho chính mình. Bởi không ai có thể hiểu và biết rõ về mong muốn, sở thích, những thứ phù hợp với bạn bằng chính bản thân bạn.

4. Đặt ra giới hạn của bản thân

Để tránh việc giúp đỡ người khác quá mức khiến cho bản thân cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng thì cách tốt nhất bạn nên đặt ra ranh giới cụ thể cho chính mình. Hãy liệt kê cụ thể và rõ ràng về những việc mà bạn có thể sẵn sàng đảm nhận và chắc chắn rằng điều đó không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt và cuộc sống của bạn. Cách này sẽ giúp bạn hạn chế được việc liên tục giúp đỡ ai đó một cách quá mức bởi bạn hiểu rằng đâu là mức giới hạn cho phép và bạn không thể vượt qua nó.

Ví dụ như hãy đặt thời gian quy định mà bạn có thể nhận cuộc gọi hoặc xử lý công việc trong ngày. Điều này sẽ giúp bạn biết được đâu là thời gian để có thể hoàn thành tốt công việc của mình hoặc giúp đỡ một ai đó. Khi bước vào giới hạn của bản thân, bạn sẽ dễ dàng từ chối những cuộc gọi hoặc những lời nhờ vả để tránh gây phiền hà cho chính mình.

5. Trị liệu tâm lý

Nếu đã áp dụng hầu hết các cách trên nhưng những triệu chứng của hội chứng người tốt vẫn không thể thuyên giảm thì bạn cũng nên cân nhắc tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Việc được trò chuyện và trao đổi cùng với nhà trị liệu sẽ giúp bạn dễ dàng nhìn nhận rõ về những suy nghĩ và niềm tin sai lệch của mình, từ đó điều chỉnh theo hướng tích cực và đúng đắn hơn.

Tuy nhiên, quá trình trị liệu cần phải kiên trì trong một khoảng thời gian dài mới có thể thay đổi nhận thức và cách nhìn nhận của mỗi người. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và sự đáp ứng của từng trường hợp mà chuyên gia sẽ cân nhắc áp dụng các liệu pháp trị liệu khác nhau, ví dụ như liệu pháp nhận thức và hành vi, liệu pháp cá nhân, liệu pháp nhóm, liệu pháp thôi miên,…

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Trên đây là những thông tin hữu ích về hội chứng người tốt cùng một số biện pháp khắc phục hiệu quả, an toàn. Mong rằng bạn đọc sẽ sớm thoát khỏi tình trạng này để có thể cân bằng lại cuộc sống, ổn định tâm lý và sống đúng với những cảm xúc, nhu cầu của bản thân.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *