Tâm lý đám đông trên mạng xã hội gây ảnh hưởng gì?
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội là một nhân tố tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của mỗi người. Việc tìm hiểu, nhận biết nó sẽ giúp chúng ta tỉnh táo và có cái nhìn tổng quan hơn về không gian trực tuyến.
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội là gì?
Ngày nay, mạng xã hội (social network) đang đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự tiến bộ của con người, mở ra thế giới công nghệ tiện ích mới mẻ cho người dùng. Chỉ với một chiếc điện thoại kết nối internet con người đã có thể khám phá mọi ngóc ngách trên thế giới thông qua các nền tảng xã hội.
Tâm lý đám đông hay hiệu ứng đám đông trên mạng xã hội được hiểu là một hiện tượng tâm lý xã hội. Trong đó, những suy nghĩ, cảm xúc của một người bị tác động bởi một nhóm người trên mạng (đám đông) có cùng quan điểm. Hiện tượng này có thể mang ý tốt hoặc xấu.
Trên thực tế, tâm lý đám đông trên mạng xã hội chính là hành vi phán xét, bàn tán, bắt nguồn từ chính sự tò mò, hiếu kỳ của chúng ta về một vấn đề nào đó. Hành vi này khiến cho một số cá nhân bộc lộ những cảm xúc mà trước đó bản thân chưa bao giờ thể thiện khi ở một mình.
Đây là kết quả của sự lan truyền thông tin, ảnh hưởng từ tư duy đám đông, hiệu ứng bầy đàn trên mạng xã hội về những vấn đề được nhiều người quan tâm. Khi vấn đề nổ ra, các nhóm ý kiến thường có quan điểm khác nhau, điều này làm nảy sinh các cuộc tranh cãi và thu hút sự chú ý của nhiều người hơn.
Đặc tính của tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Nhà tâm lý khoa học người pháp Gustave Le Bon đã nghiên cứu và chỉ ra các đặc tính của đám đông thường có những điểm sau đây:
- Tính thái quá: Cảm xúc của con người sau khi đọc các bình luận hay xem video ngắn trên mạng xã hội thường được thể hiện mạnh mẽ và thái quá. Chúng có thể lan truyền mạnh mẽ và nhanh chóng.
- Tính bốc đồng: Trên mạng xã hội, mọi người không tự chủ quyết định của mình, thay vào đó họ bị kích động theo xu hướng chung của đám đông.
- Tính độc đoán, bảo thủ: Nó thể hiện rõ nhất khi người tham gia mạng xã hội không chấp nhận ý kiến hoặc quan điểm khác biệt, họ có xu hướng kiên định với lập trường và không quan tâm đến đúng sai.
Nguyên nhân hình thành tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Mạng xã hội không chỉ là nơi để con người chia sẻ, kết nối mà nó cũng khiến con người ta sợ hãi, lo lắng khi bị đánh giá tiêu cực. Để giải quyết những cảm xúc trên, đa số mọi người thường chọn cách an toàn cho bản thân đó là hòa mình vào đám đông và tìm kiếm sự hỗ trợ.
Một số nguyên nhân dẫn đến tâm lý đám đông trên mạng xã hội có thể nhắc tới như:
- Thiếu chính kiến: Khi người dùng thiếu đi khả năng tự chủ và đánh giá, họ dễ dàng hòa mình vào đám đông mà không có ý kiến riêng. Những người thiếu chính kiến thường rất “ba phải”, họ sẵn sàng đổi lập trường theo bên đông hơn, có lợi hơn mà không cần quan tâm đến đúng sai. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý đám đông trên mạng xã hội.
- Mong muốn hoà nhập xã hội: Mong muốn hoà nhập cộng đồng khiến chúng ta chấp nhận bỏ qua cái tôi và ý kiến cá nhân để có được sự đồng thuận của mọi người. Ngoài ra, chúng ta thường cảm thấy an toàn hơn khi được “hòa nhập” với mọi người.
- Sức mạnh của đám đông: Sức ảnh hưởng của một ý kiến riêng lẻ sẽ được tăng lên đáng kể khi nhận được sự đồng lòng của nhiều người cùng lúc. Đây là điều mà nhiều tổ chức “lợi dụng “ để thành công trong việc thu hút sự chú ý và ủng hộ từ đám đông.
Tác động của tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội có tác động rất lớn đến cá nhân và cộng đồng, đồng thời nó mang đến cả mặt tích cực và tiêu cực cụ thể như sau:
1. Ảnh hưởng tích cực
Hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng xã hội khi được sử dụng đúng cách có thể đem lại nhiều lợi ích cho những người đang kinh doanh và những cá nhân muốn xây dựng sự nổi tiếng trên mạng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức,… đã ứng dụng thành công tâm lý đám đông trên mạng xã hội trong việc quảng bá sản phẩm, các chiến dịch quảng cáo.
Nếu bạn thường xuyên truy cập, theo dõi, quan tâm các trang mạng xã hội Tiktok, Facebook, Instagram,…. chắc chắn sẽ không xa lạ gì với từ “seeding”. Đây là chiến dịch thu hút, lôi kéo, tạo lòng tin và sự quan tâm của nhiều người đến một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó. Có thể nói “seeding” là một ảnh hưởng tích cực mang của tâm lý đám đông trên mạng xã hội trong lĩnh vực marketing.
Chẳng hạn, gần đây trên Tiktok các hãng mỹ phẩm nội địa trung đang được các KOL, KOC review rất nhiều. Chỉ cần được lên xu hướng thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ nhận được vô vàn sự quan tâm từ mọi người. Nếu chất lượng sản phẩm tốt thì việc tạo được tiếng vang và doanh thu lớn là điều không hề khó.
Một ví dụ khác cho việc ứng dụng thành công tâm lý đám đông trên mạng xã hội trong việc nâng cao tinh thần tương thân, tương ái trong trận lũ lụt miền Trung năm 2020. Trong trận lũ, các trang mạng Facebook, Instagram,… xuất hiện nhiều hội nhóm tình nguyện cung cấp lương thực, tiền mặt cho người dân miền Trung.
Người người, nhà nhà hưởng ứng, mỗi người góp sức, hỗ trợ, động viên lẫn nhau. Chiến dịch lan tỏa tinh thần lá lành đùm lá rách giúp gắn kết tinh thần dân tộc, nhờ thế mà sau trận lũ miền Trung giảm được thiệt hại về người một cách đáng kể.
Khi có chuyện bất bình, một người lên tiếng sẽ không đáng kể nhưng nhiều cá nhân đồng lòng thì kết quả lại khác. Đây chính là lợi ích khác của tâm lý đám đông trên mạng xã hội đem lại trong việc đòi lại công bằng.
Nếu sử dụng tâm lý đám đông trên mạng xã hội đúng cách có thể mang lại nhiều giá trị tích cực trong các hoạt động nhân văn và các chiến dịch quảng cáo văn minh. Điều này đã giúp rất nhiều doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản và nhiều cá nhân có cuộc sống mới mẻ nhờ vào sự lan tỏa của mạng xã hội.
2. Ảnh hưởng tiêu cực
Tâm lý đám đông trên mạng xã hội là con dao hai lưỡi nếu đã có mặt tích cực thì phải có mặt tiêu cực. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng sức ảnh hưởng của mạng xã hội để điều hướng dư luận thực hiện các hành vi hạ bệ, bôi nhọ đối thủ đem lại lợi ích cho bản thân.
Hiện nay, không hiếm gặp khi cứ tầm một vài tháng sẽ xuất hiện một video livestream hoặc vài ba bài viết hạ bệ doanh nghiệp này hay bóc phốt một ai đó. Một số người nghe, biết vấn đề là không đúng nhưng vẫn hùa theo và tấn công các nạn nhân.
Chúng ta chỉ nhìn một mặt của vấn đề nhưng lại đánh giá sự việc theo tâm lý đám đông. Đã có không ít doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi phương thức truyền thông “bẩn”. Họ bị bạo lực mạng xã hội, khốn đốn chỉ vì dư luận chỉ trích, hiểu sai hướng đẩy những doanh nghiệp hay cá nhân vào con đường cùng.
Các nạn nhân bị mất đi cuộc sống yên bình, liên tục bị những người “xa lạ” soi mói, đàm tiếu. Chính vì vậy các nạn nhân của bạo lực mạng đã rơi vào các vấn đề tâm lý như: rối loạn lo âu, hội chứng sợ đám đông, trầm cảm hoặc thậm chí nặng hơn là tự tử chỉ vì lời bịa đặt không đúng về bản thân.
Cách hạn chế tác động xấu từ tâm lý đám đông trên mạng xã hội
Trong thời đại internet hiện nay, ai cũng có thể tiếp cận mạng xã hội một cách dễ dàng, việc tiếp xúc với nguồn thông tin không tốt là không tránh khỏi. Làm cách nào để hạn chế tác động xấu từ tâm lý đám đông đang là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Một số phương pháp có thể nói đến như:
- Chắt lọc thông tin cẩn thận: Chắt lọc và kiểm soát các nguồn thông tin trên trang xã hội của bản thân, nên theo dõi các trang thông tin chính thống để có cái nhìn đa chiều hơn.
- Xây dựng ý thức cá nhân: Mỗi người cần có trách nhiệm về những lời mình nói ra, thông tin mà bản thân chia sẻ. Tránh lan truyền các thông tin không rõ ràng và thiếu tính chân thực.
- Giáo dục con trẻ: Gia đình, trường học cần theo dõi, giám sát, giáo dục con cách sử dụng mạng xã hội an toàn ,văn minh.
Suy cho cùng, khả năng bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông trên mạng xã hội phụ thuộc vào bản chất của mỗi người. Nếu bản thân luôn hướng thiện thì tâm lý đám đông sẽ không thể ảnh hưởng tới chính kiến của ta và ngược lại. Tuy nhiên, bạn vẫn cần học cách chắt lọc thông tin tích cực, nhân văn và lạc quan để tránh làm ảnh hưởng đến người khác.
Bạn có thể quan tâm
- Hội Chứng Sợ Bị Bỏ Lỡ, Đánh Mất Cơ Hội (FOMO) Và Cách Khắc Phục
- Hội chứng sợ qua đường (Agyrophobia) và Cách vượt qua
- Trầm cảm ẩn (trầm cảm che giấu): Cách nhận biết và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!