Bệnh hoang tưởng tự cao: Dấu hiệu nhận biết và khắc phục
Người bệnh rối loạn hoang tưởng tự cao thường có một niềm tin bất thường, sai lệch về cái tôi của bản thân. Căn bệnh này cũng có nhiều khả năng xuất hiện song song với các loại ảo tưởng khác như niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo hoặc lo lắng quá mức về việc bản thân bị đàn áp.
Bệnh hoang tưởng tự cao là gì?
Hoang tưởng tự cao là một dạng rối loạn tâm thần với đặc trưng bởi những niềm tin bất thường, kì lạ về cái tôi của bản thân. Người bệnh thường luôn cho rằng bản thân là một người vĩ đại, nổi tiếng, hoàn mỹ và luôn đề cao vai trò của bản thân trong các mối quan hệ xã hội, thậm chí họ còn cho rằng mình đang sở hữu một phép thần thông nào đó.
Bệnh nhân thường nghĩ rằng bản thân có khả năng hơn người, họ có những tài năng vượt bậc mà không ai sánh bằng và họ có thể làm được nhiều thứ mà những người bình thường không thể nào làm được. Các nhà nghiên cứu còn cho biết thêm, một số trường hợp người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng ảo giác khác. Họ có một niềm tin bất diệt vào tôn giáo hoặc luôn cảm thấy lo sợ, bất an về việc người khác đàn áp mình.
Không dừng lại ở đó, chứng hoang tưởng tự cao không chỉ bao gồm lòng tự trọng và cái tôi quá lớn mà nó còn được xem là đại diện cho hiện tượng mất dần sự kết nối giữa bệnh nhân và thế giới thực tại xung quanh. Khi mắc phải chứng rối loạn tâm thần này, người bệnh sẽ luôn có niềm tin vào các ảo tưởng bất thường, họ bất chấp những bằng chứng mâu thuẫn và cố tìm cách biện minh, lý giải cho những điều mình nói hoặc thậm chí là có hành vi chống đối, cố chấp dữ dội.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, những đối tượng mắc bệnh hoang tưởng tự cao thường sẽ có nhiều nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Chẳng hạn như tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hội chứng sa sút trí tuệ,…Dựa vào số liệu đã thống kê được thì có đến hơn 1/2 những người bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực có triệu chứng của hoang tưởng tự cao.
Nếu các triệu chứng của bệnh không sớm được phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày, công việc và các mối quan hệ của người bệnh. Việc có thể sớm phát hiện và áp dụng tốt các biện pháp can thiệp phù hợp sẽ giúp người bệnh dần ổn định được trạng thái tâm lý, nhìn nhận thực tại và hạn chế tối đa các hệ lụy nguy hiểm có thể gây ra.
Những dạng ảo tưởng tự đại phổ biến
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì hoang tưởng tự cao (tự đại) về bản thân có thể tồn tại với rất nhiều các hình thức khác nhau, các biểu hiện cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Cụ thể các loại hình thường gặp nhất của chứng rối loạn này như sau:
- Ảo tưởng về sự nổi tiếng của bản thân, cho rằng mình là người được công chúng quan tâm và có địa vị cao trong xã hội.
- Có một niềm tin to lớn và mãnh liệt về tầm quan trọng của chính mình, ví dụ như bản thân có khả năng chấm dứt mọi cuộc xung đột, chấm dứt chiến tranh.
- Tự tin thái quá về năng lực của chính mình, cho rằng mình có khả năng để lãnh đạo, đứng đầu một tôn giáo.
- Cảm thấy mình là một người tài giỏi, thông minh và trí tuệ nhất trên thế giới.
- Luôn tin tưởng vào sự bất tử của bản thân, cho rằng mình không bị ảnh hưởng hay tác động của bất kì chấn thương, bệnh tật hoặc các yếu tố nào khác.
- Nghĩ rằng bản thân có phép thuật, sở hữu một ma thuật thần kì nào đó mà người thường không có được. Ví dụ như có thể đọc được suy nghĩ của người khác, có khả năng nói chuyện với động vật hoặc có năng lực điều khiển thời tiết,…
Những hoang tưởng, niềm tin bất thường được hình thành trong nhận thức, suy nghĩ của người bệnh đôi lúc cũng sẽ bị tác động từ các yếu tố văn hóa. Nói một cách dễ hiểu đó chính là môi trường sống, văn hóa được tiếp thu sẽ góp phần hình thành nên nhận thức, cập nhật kiến thức của mỗi con người.
Từ đó họ dễ xuất hiện các tư duy sai lệch, dẫn đến hoang tưởng tự cao và tác động đến thế giới quan của họ. Có thể nhận thấy mỗi người bệnh sẽ có các rối loạn tâm lý khác nhau, họ biểu hiện ở rất nhiều phương diện dựa trên các trải nghiệm thực tế. Chính vì thế mà việc điều trị và quá trình cải thiện bệnh của mỗi người cũng sẽ khác nhau.
Dấu hiệu nhận biết bệnh hoang tưởng tự cao
Trong thực tế, các triệu chứng của bệnh hoang tưởng tự cao sẽ dễ nhận biết hơn các chứng rối loạn hoang tưởng khác. Người bệnh thường sẽ tồn tại các dấu hiệu nhận biết như sau:
- Có một niềm tin mãnh liệt và dai dẳng về một hoặc nhiều vấn đề nào đó. Họ duy trì niềm tin này dù nó hoàn toàn phản khoa học, không có tính logic hay trái với các chuẩn mực đạo đức của xã hội.
- Cũng bởi vì những ảo tưởng quá lớn về năng lực và các giá trị của bản thân mà người bệnh hoang tưởng tự cao sẽ gặp nhiều cản trở trong việc hòa nhập và kết nối với cộng đồng. Dường như họ trở nên tách biệt và xa cách với hiện thực, từ đó dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình học tập và làm việc.
- Họ sẽ dễ kích động, giận dữ, cáu gắt hoặc thậm chí là các hành động chống đối nếu ai đó cố tình phản bác lại những suy nghĩ, niềm tin của họ. Hoặc họ cũng có thể thờ ơ, phớt lờ và không quan tâm bởi họ cho rằng những người đó đang ganh tỵ hoặc không cùng đẳng cấp với mình.
- Người bệnh luôn cố gắng tìm kiếm các bằng chứng, lập luận để thuyết phục, chứng minh về những điều mình đang suy nghĩ. Họ có xu hướng muốn mọi người xung quanh tin tưởng vào những gì họ đã chia sẻ và công nhận những điều đó là đúng.
- Mặc dù những gì mà họ đang suy nghĩ là điều hoang tưởng, phi thực tế nhưng họ luôn cho rằng đó là thực và thực hiện như một điều hiển nhiên.
- Khi các ảo tưởng càng duy trì liên tục và tiếp nối nhau thì càng ngày các biểu hiện của bệnh sẽ gia tăng mức độ và trở nên nghiêm trọng hơn.
Thường thì các biểu hiện của bệnh rối loạn hoang tưởng tự cao có thể xuất hiện ở một thời điểm nào đó và kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài dai dẳng và kèm theo một số biểu hiện các những chứng bệnh tâm lý khác.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết rằng, hầu hết những người bệnh hoang tưởng tự cao đều sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, hình thành các tư duy lệch lạc và làm biến đổi đời sống hàng ngày. Cũng bởi, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều có xuất hiện các triệu chứng của rối loạn tâm thần khác.
Một vài các triệu chứng bệnh thường đi kèm với chứng hoang tưởng tự cao như:
- Gia tăng khí sắc, cảm thấy hưng phấn, vui sướng, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.
- Nói nhanh, nói nhiều, nói liên tục mất kiểm soát.
- Bệnh nhân có thể biểu hiện sự vui sướng, phấn khích một cách thái quá, họ liên tục ca hát, nhảy múa, diễn dịch, đọc thơ cả ngày.
- Nhu cầu ngủ bị giảm đáng kể, người bệnh có thể ngủ muộn, thức sớm hơn so với bình thường nhưng hoàn toàn không cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi. Ngược lại cơ thể lại tràn đầy sức sống, thậm chí còn có trường hợp bệnh nhân thức liên tục trong vài ngày và hoạt động không cần nghỉ ngơi.
- Suy nghĩ rất nhanh, trong đầu liên tục có những ý nghĩ chồng chéo và đan xen với nhau.
- Mất tập trung, giảm sự chú ý và gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các quyết định, lựa chọn.
Các triệu chứng của hoang tưởng tự cao có thể biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tùy vào tính cách, các trải nghiệm cuộc sống của mỗi người mà các dấu hiệu nhận biết sẽ có phần riêng biệt. Nếu nghi ngờ bản thân đang mắc phải chứng bệnh này thì bạn cũng nên chủ động tìm kiếm bác sĩ, chuyên gia để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh hoang tưởng tự cao
Hiện nay, chứng rối loạn hoang tưởng tự cao vẫn chưa thể tìm ra được cụ thể nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã tìm hiểu và nhận thấy được một số vấn đề, yếu tố có khả năng làm gia tăng nguy cơ hoặc tác động đến mức độ của bệnh. Cụ thể như:
- Tình trạng bệnh tâm thần phân liệt
- Các triệu chứng rối loạn tâm thần phân liệt có tồn tại ở một số bệnh về sức khỏe tinh thần.
- Một vài chứng bệnh tâm thần có xuất hiện các triệu chứng của ảo giác.
Có rất nhiều cuộc khảo sát lớn được thực hiện bởi những Tổ chức y tế trên toàn thế giới cho biết rằng, có đến hơn 50% các trường hợp người bệnh rối loạn tâm thần phân liệt có xuất hiện và tồn tại song song những biểu hiện của bệnh hoang tưởng tự cao. Những người mắc phải đồng thời hai chứng bệnh rối loạn tâm thần thường sẽ có những biểu hiện vô cùng phức tạp, dễ bị chi phối cảm xúc, thay đổi tâm trạng một cách đột ngột và dần mất đi khả năng tự kiểm soát hành vi, nhận thức của mình.
Theo số liệu đã thống kê được thì trong thực tế đã có rất nhiều các trường hợp người bệnh hoang tưởng tự cao có tồn tại các ảo giác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Người bệnh dường như trở nên tách biệt với thực tại, họ mất dần các kết nối với thế giới hiện thực và cứ mãi lẩn quẩn trong không gian riêng của bản thân.
Các chuyên gia cho biết rằng những người bệnh hoang tưởng tự cao thường không có nhiều khả năng giao tiếp, họ dễ gặp khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng và dần trở nên xa cách với hiện thực. Tình trạng này nếu không được kịp thời giải quyết và kiểm soát tốt thì cũng sẽ trở thành yếu tố khiến cho tình trạng hoang tưởng càng trở nên nghiêm trọng, những niềm tin sai lệch càng gia tăng.
Một tổ chức y tế lớn trên thế giới cũng đã từng thực hiện một cuộc nghiên cứu vào năm 2006 nói về chứng rối loạn hoang tưởng tự cao. Các chuyên gia nhận thấy rằng một số yếu tố sức khỏe tinh thần có thể tác động đến tình trạng bệnh, nó có thể làm gia hoặc thăng mức độ bệnh của mỗi người.
Lấy ví dụ cụ thể như một người đang mắc chứng rối loạn trầm cảm ở mức độ nhẹ nhưng có lòng tự trọng cao sẽ có nhiều nguy cơ mắc phải chứng hoang tưởng tự cao hơn so với những người có lòng tự trọng thấp. Ngoài ra, dựa vào số liệu thống kê nhận thấy chứng hoang tưởng này thường xuất hiện nhiều ở những người có địa vị xã hội cao, những người thành đạt hoặc những doanh nhân giàu có,…mắc phải một vấn đề sức khỏe tâm thần.
Bệnh hoang tưởng tự cao thường là một sự cản trở lớn đối với gia đình và ngay cả bản thân người bệnh. Nhất là những người nắm giữ một chức vụ cao và quan trọng trong nhà nước, xí nghiệp, cơ quan nào đó. Bởi họ dễ đưa ra những ý tưởng, quyết định điên rồ làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người, thậm chí còn có khả năng làm cho công ty bị thiệt hại nghiêm trọng.
Bên cạnh các yếu tố có liên quan đến việc làm khởi phát chứng hoang tưởng tự cao đã kể trên thì các chuyên gia còn nhận thấy một số chứng rối loạn tâm thần sau đây cũng có khả năng gây ra bệnh. Cụ thể như sau:
1. Rối loạn nhân cách ái kỷ
Theo chia sẻ đến từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần thì dù là bất kì bệnh lý nào, dù nó khởi phát cùng một lý do và tồn tại các đặc trưng bệnh lý tương tự nhau thì mỗi cá nhân sẽ có biểu hiện và mức độ hoàn toàn khác. Nói về tình trạng bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ thì người bệnh sẽ phải gánh chịu các ảnh hưởng tiêu cực đối với tính cách nhân cách của họ.
Trong thực tế, những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ có các biểu hiện vô cùng đa dạng. Một trong số các triệu chứng nổi bật của bệnh đó chính là sự đề cao bản thân quá mức. Người bệnh sẽ có nhiều xu hướng tự đánh giá quá cao về giá trị của bản thân, họ không có sự đồng cảm và cũng không biết chia sẻ, cảm thông với những người xung quanh.
Bên cạnh đó, người bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ còn muốn thể hiện và nâng cao các quyền lợi của bản thân. Họ luôn muốn tận hưởng và giành những điều tốt đẹp nhất về phía mình. Vì thế họ sẽ có nhiều xu hướng thực hiện các hành vi bất thường với mục đích khẳng định đặc quyền và gây sự chú ý đối với những người xung quanh.
2. Rối loạn lưỡng cực
Có thể nói rối loạn lưỡng cực là một trong các chứng rối loạn tâm thần thường gặp và có thể khởi phát ở nhiều đối tượng khác nhau. Người mắc phải chứng bệnh này thường sẽ có sự thay đổi liên tục về trạng thái tâm lý. Có thể họ đang cảm thấy buồn bã, chán nản, tuyệt vọng nhưng lại dễ dàng trở nên phấn khích, vui sướng và hoạt động quá mức.
Được biết, khi người bệnh rơi vào trạng thái hưng cảm cũng chính là lúc họ bắt đầu đề cao bản thân, xuất hiện các niềm tin, ảo tưởng quá lớn về khả năng và giá trị của chính mình. Các biểu hiện này có phần tương tự với chứng hoang tưởng tự cao. Theo số liệu thống kê nhận thấy có đến hơn một nửa các bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực tồn tại song song các triệu chứng của bệnh hoang tưởng tự cao.
Đặc biệt hơn, những người bệnh khi chuyển từ giai đoạn trầm cảm sang hưng cảm còn có thể thể hiện sự quá khích bằng một số hành động mất kiểm soát. Cụ thể như tiêu tiền phung phí, ngủ ít hoặc thậm chí không ngủ liên tục trong nhiều ngày, thực hiện các hành vi bạo lực, cư xử hung hăng, hiếu động,….
3. Sa sút trí tuệ
Theo nhận định từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần thì các chứng bệnh sa sút trí tuệ hoặc Alzheimer không chỉ làm ảnh hưởng đến trí nhớ mà còn có nhiều khả năng tác động tiêu cực đến tư duy, nhận thức của người bệnh. Tình trạng này có thể làm thay đổi tư duy, nhận thức của người bệnh đối với mọi thứ xung quanh. Hơn thế, nó còn chi phối khả năng giao tiếp, suy nghĩ của bệnh nhân.
Đặc biệt hơn, một số trường hợp người bệnh bị sa sút trí tuệ có xuất hiện các ảo giác, hoang tưởng tự cao. Nếu bệnh nhân gặp phải đồng thời những triệu chứng này sẽ nhiều khả năng sẽ bị biến đổi về tính cách, nhận thức, thường xuyên gặp ảo tưởng về năng lực và giá trị của bản thân.
4. Rối loạn hoang tưởng
Cũng tương tự như các chứng rối loạn tâm thần nêu trên, rối loạn hoang tưởng cũng được xem là một trong các bệnh lý có sự ảnh hưởng lớn đến chứng hoang tưởng tự cao và làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các triệu chứng tự đại. Tuy vậy, những đối tượng bị rối loạn hoang tưởng lại không tồn tại các biểu hiện của những chứng tâm thần phân liệt khác.
5. Chấn thương sọ não
Trong một số ít các trường hợp bị chấn thương sọ não có thể khiến cho người bệnh bị tác động tiêu cực và biến đổi về mặt tư duy, nhận thức và suy nghĩ. Bệnh nhân sẽ dễ xuất hiện các quan điểm sai lầm, hình thành những tư duy lệch lạc về giá trị và khả năng của bản thân.
Ngoài ra, khi bị chấn thương sọ não, người bệnh còn phải đối diện với nhiều hệ lụy nguy hiểm như bị ảo giác, biến đổi tính cách, trí nhớ dần suy giảm, gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp, đọc hiểu,…
Làm sao để khắc phục bệnh hoang tưởng tự cao?
Cũng tương tự như các chứng rối loạn tâm thần khác, bệnh hoang tưởng tự cao thường sẽ được ưu tiên áp dụng các biện pháp điều trị như sử dụng thuốc, tâm lý trị liệu và kết hợp với các biện pháp hỗ trợ tại nhà. Tuy nhiên, dạng bệnh này lại được giới chuyên môn đánh giá là một trong các chứng rối loạn khó điều trị.
Để có thể phục hồi tốt tình trạng sức khỏe thì cần phải kiên trì áp dụng các liệu pháp điều trị trong thời gian dài, thậm chí là phải duy trì cả đời. Cũng chính vì thế mà người bệnh cần phải có ý thức và thật mạnh mẽ để chống chọi lại chứng bệnh quái ác này.
Gia đình, người thân cũng là một trong các yếu tố quan trọng và góp phần rất lớn đối với sự thành công của quá trình cải thiện sức khỏe cho người bệnh hoang tưởng tự cao. Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc lựa chọn biện pháp cải thiện phù hợp.
Dưới đây là một số cách phổ biến như:
1. Điều trị bằng thuốc
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh hoang tưởng tự cao cần phải được kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng bằng thuốc. Theo nghiên cứu thì các loại thuốc được sử dụng có hiệu quả rất tốt trong thời gian đầu, nhất là những trường hợp được yêu cầu điều trị nội trú.
Người bệnh sẽ được thăm khám và chỉ định sử dụng đơn thuốc với liều lượng riêng biệt. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn dùng thuốc mỗi ngày để kiểm soát tốt các triệu chứng bất thường mà bệnh gây ra. Tuy nhiên, một điều vô cùng khó khăn đó chính là phần lớn người bệnh hoang tưởng tự cao đều không chấp nhận các chẩn đoán bệnh và không hợp tác tốt trong quá trình điều trị.
Họ sẽ không thừa nhận bản thân đang mắc phải bất cứ vấn đề sức khỏe tâm thần nào. Vì thế họ từ chối việc sử dụng thuốc, đôi lúc thực hiện các hành vi chống đối, quá khích. Điều này chính là sự cản trở rất lớn, việc có thể thuyết phục và giúp người bệnh sử dụng thuốc thực sự là một điều khó khăn và gian nan.
Thông thường, nếu người bệnh không chấp nhận việc dùng thuốc thì các bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc sử dụng thuốc qua đường tiêm khi thực sự cần thiết. Còn đối với những người bệnh hợp tác tốt thì sẽ được ưu tiên sử dụng thuốc uống.
Một số loại thuốc thường được chỉ định như:
- Thuốc benzodiazepin như bromazepam, clonazepam,…
- Thuốc an thần không biệt định như quetiapin, olanzapin, risperidon, ziprasidon, aripiprazol, clozapin,…
- Thuốc chống co giật như valproat, carbamazepin,….
Sau khi các triệu chứng bệnh đã được kiểm soát tốt, người bệnh dần trở nên ổn định hơn thì các bác sĩ có thể cân nhắc đề nghị xuất viện và tiếp tục theo dõi, điều trị tại nhà. Lúc này bệnh nhân vẫn sẽ được kê đơn thuốc để sử dụng. Việc dùng thuốc của người bệnh hoang tưởng tự cao nên được theo dõi và giám sát chặt chẽ để ngăn chặn được các tình huống ngoài ý muốn có thể xảy ra.
2. Tâm lý trị liệu
Nếu chỉ sử dụng thuốc một cách đơn lẻ thì các triệu chứng của bệnh hoang tưởng tự cao chỉ mới được khống chế tạm thời, nhiều nguy cơ tái phát. Do đó, các chuyên gia thường kết hợp đồng thời cả hai phương pháp dùng thuốc và tâm lý trị liệu để nâng cao hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian phục hồi sức khỏe và hạn chế tối đa tình trạng tái phát bệnh về sau.
Tâm lý trị liệu chính là liệu pháp trị liệu bằng việc sử dụng ngôn ngữ để trò chuyện, chia sẻ trực tiếp với người bệnh. Thông qua các buổi trị liệu, bệnh nhân sẽ dần ổn định hơn về mặt tâm lý, họ bắt đầu nhận thức ra được các hành vi, suy nghĩ sai lệch của bản thân để điều chỉnh theo chiều hướng tích cực hơn.
Hoặc người bệnh cũng có thể được giới thiệu đến các trung tâm phục hồi tâm lý để được hỗ trợ tốt hơn. Tại đây người bệnh sẽ vui chơi, làm việc, thư giãn theo các liệu trình chữa lành tâm bệnh. Nếu có thể kiên trì trong một khoảng thời gian nhất định thì người bệnh sẽ dần thuyên giảm tốt các triệu chứng hoang tưởng, họ bắt đầu nhận thức đúng đắn hơn về bản thân và hòa nhập tốt với hiện thực.
Những thông tin trong bài viết trên đây đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức bổ ích về căn bệnh hoang tưởng tự cao. Việc phát hiện và kịp thời can thiệp đúng cách sẽ góp phần rất lớn trong quá trình điều trị cũng như phục hồi sức khỏe của người bệnh.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!