Hội chứng Asperger (Tự kỷ chức năng cao): Điều cần biết
Hội chứng Asperger (Tự kỷ chức năng cao) là một dạng rối loạn phát triển. Những người mắc hội chứng này thường được hiểu nhầm là một đứa trẻ thông minh vì có khả năng tư duy cao và tài năng đặc biệt về một lĩnh vực nào đó.
Hội chứng Asperger (Tự kỷ chức năng cao) là gì?
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển khởi phát sớm từ những năm đầu đời. Do rối loạn trong quá trình phát triển thần kinh nên dẫn đến việc trẻ bị khiếm khuyết về ngôn ngữ, tư duy, cảm xúc bất thường và khó hòa nhập.
Hội chứng tự kỷ được chia làm 3 loại: Nhóm trẻ tự kỷ bị khiếm khuyết về mặt trí tuệ, nhóm trẻ tự kỷ ở mức độ trung bình, nhóm tự kỷ chức năng cao hay còn được gọi là tự kỷ chức năng cao.
- Tự kỷ chức năng cao là một dạng rối loạn phát triển ở trẻ.
Trong đó, hội chứng Asperger (Tự kỷ chức năng cao) là một căn bệnh vô cùng đặc biệt. Theo các nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ mắc hội chứng Asperger thường có khả năng tư duy cao và có vốn từ vựng vô cùng phong phú.
Tuy nhiên, khả năng giao tiếp ở những trẻ này vẫn còn nhiều hạn chế do cách diễn đạt ngôn từ khá lan man, không hiểu ý của người đối diện và chỉ quan tâm đến lĩnh vực mình yêu thích. Đồng thời, khả năng tự lập cũng tương đối kém.
Trẻ mắc hội chứng này thường được mọi người xung quanh nhầm lẫn là những đứa trẻ thông minh vì bên cạnh những khiếm khuyết, chúng thường có một năng khiếu vượt bậc trong một lĩnh vực nào đó. Chính vì vậy, trong những giai đoạn đầu, phụ huynh thường rất khó để phát hiện ra bé có đang bị mắc hội chứng Tự kỷ chức năng cao hay không. Hầu hết chỉ được phát hiện và chẩn đoán khi bé đến tuổi đi học.
Theo các chuyên gia, những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ chức năng cao đều có IQ cao vượt khỏi mức trung bình. Một số giả thuyết khác được đưa ra là bán cầu trái của chúng có xu hướng nhỏ lại và bán cầu não phải phát triển vượt trội.
Giả thuyết này có phần khá logic vì não phải thường đảm nhận việc kiểm soát các chức năng nhận thức tư duy như cảm thụ âm nhạc, phát triển trí tưởng tượng, tăng sức sáng tạo…
Nguyên nhân của hội chứng asperger ở trẻ
Dù chưa có công bố cụ thể nào nhưng theo một số nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu của tự kỷ chức năng cao hội chứng asperger bắt nguồn từ các yếu tố di truyền và môi trường, tạo ra những sự thay đổi trong sự phát triển của não.
- Di truyền: Thực tế cho thấy, phần lớn những trẻ em mắc chứng tự kỷ chức năng cao thường xuất phát từ những gia đình có người mắc hội chứng này. Nếu trong gia đình có ba mẹ, người thân mắc bệnh, đứa trẻ sinh ra có khả năng mang gen di truyền là rất cao.
- Môi trường: Trong quá trình mang thai, người mẹ làm việc hoặc sống trong môi trường phải tiếp xúc nhiều với các chất độc hại, lâu dần độc tố tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của thai nhi, tạo ra những khiếm khuyết di truyền.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng Asperger
Như đã nói, những đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ chức năng cao thường rất khó được nhận biết trong những giai đoạn đầu. So với những bạn bè đồng trang lứa, những đứa trẻ này thường có IQ cao, hiểu biết sâu về một lĩnh vực cụ thể nào đó, vì vậy chúng được mọi người nhận định là những đứa trẻ thông minh hơn là mắc bệnh.
Thông thường, những chẩn đoán về tự kỷ chức năng cao chỉ được phát hiện sau khi bé đến tuổi đi học. Phụ huynh hãy theo dõi con em thường xuyên, nếu xuất hiện một số biểu hiện dưới đây, có thể trẻ đã bị mắc chứng Asperger:
- Trẻ vẫn có khả năng giao tiếp bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình nói chuyện sẽ kèm theo nhiều từ ngữ và điệu bộ kỳ lạ, cách nói rườm rà, lan man, khó hiểu, nói cao giọng hoặc thấp giọng không đúng ngữ cảnh.
- Bé thường chỉ thích nói về chủ đề mà mình yêu thích và dành nhiều thời gian để nói về nó. Không thể lắng nghe hoặc tiếp nhận những câu chuyện vượt ngoài vấn đề mà bé quan tâm.
- Có khả năng thiên phú về một lĩnh vực mà bản thân chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc như toán học, âm nhạc, y khoa, ngoại ngữ, vũ trụ, chính trị…
- Khả năng tập trung cao, cách nói chuyện máy móc, đôi khi dùng những từ ngữ trịnh trọng và khá chuyên ngành, thường xuyên lặp đi lặp lại những vấn đề mà bản thân và người khác từng nói qua, nói hay bị vấp và phát âm không rõ ràng.
- Hành động và tác phong có phần vụng về.
- Bé không biết cách giao tiếp bằng mắt, hay nhìn chằm chằm vào ai đó một cách thiếu tự nhiên, khó khăn trong việc sử dụng cử chỉ, nét mặt…
- Có tính trung thực cao, bé hiểu tiếp thu mọi thứ theo hướng một chiều, không phân biệt được đâu là thật, đâu là đùa, cũng không hiểu được biểu cảm của người đối diện như buồn, vui, tức giận, cau mày, liếc mắt… là thể hiện hay ám chỉ điều gì.
- Nhạy cảm với môi trường xung quanh như ánh sáng, mùi hương, tiếng ồn…
- Không có khả năng tự lập, không thể tự thực hiện được các hành động chăm sóc bản thân đơn giản như đánh răng, rửa mặt, tắm, vệ sinh…
- Khả năng vận động kém, thường kém trong các môn thể thao, những trò chơi dùng nhiều sức.
- Kỹ năng tương tác kém: Chậm chạp trong việc xử lý tình huống, tự cô lập bản thân với những người xung quanh.
Biểu hiện và mức độ triệu chứng Asperger có sự khác nhau ở từng trường hợp. Có bé sẽ có khả năng giao tiếp tốt hơn, cũng có bé sẽ có khả năng vận động tốt hơn, có bé sẽ giỏi trong lĩnh vực này và kém trong lĩnh vực khác.
- Trẻ mắc chứng tự kỷ chức năng cao thường có khả năng tư duy cao và tài năng đặc biệt về một lĩnh vực nào đó.
Và tất nhiên, không phải trường hợp tự kỷ chức năng cao nào cũng tách biệt hoàn toàn với cộng đồng. Một số ít trường hợp vẫn có thể đi học, đi chơi, có thể vận dụng những kiến thức của mình để phát triển và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình hiểu biết, thậm chí là kết hôn khi đã trưởng thành.
Trên thế giới đã từng xuất hiện rất nhiều những người mắc hội chứng tự kỷ chức năng cao nhưng lại trở thành những thiên tài trong nhiều lĩnh vực và được cả thế giới ngưỡng mộ. Trong đó có thể kể đến như: Nhà vật lý Albert Einstein (Mỹ), nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven (Đức), nhà vật lý Isaac Newton (Anh), nhà văn George Orwell (Anh),…
Phân biệt thiên tài và hội chứng Asperger
Người ta rất dễ nhầm lẫn giữa thiên tài và hội chứng Asperger bởi thực tế chúng có rất nhiều điểm tương đồng. Nếu chỉ quan sát sơ sài, rất dễ nhầm tưởng, dẫn đến không có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho trẻ.
- Thiên tài là một người có khả năng tư duy, sáng tạo vượt trội so với người bình thường trong một hoặc nhiều lĩnh vực. Họ có thể là nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà văn, nhà phát minh, v.v.
- Hội chứng Asperger là một rối loạn phát triển thần kinh thuộc phổ tự kỷ. Người mắc hội chứng này thường có khó khăn trong giao tiếp xã hội, tương tác với người khác và có những sở thích đặc biệt, lặp đi lặp lại.
Điểm giống nhau giữa thiên tài và hội chứng Asperger
- Trí thông minh: Cả hai nhóm người này đều có thể có chỉ số IQ cao và khả năng tư duy logic tốt.
- Sở thích đặc biệt: Cả hai đều có thể có những sở thích rất sâu sắc và tập trung vào đó.
- Khó khăn trong giao tiếp xã hội: Một số thiên tài có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp xã hội, tương tự như người mắc hội chứng Asperger.
Điểm khác nhau giữa thiên tài và hội chứng Asperger
Đặc điểm | Thiên tài | Hội chứng Asperger |
Giao tiếp xã hội | Có thể linh hoạt trong giao tiếp, nhưng có thể chọn cách cô lập mình. | Khó khăn trong giao tiếp, khó hiểu ngôn ngữ phi ngôn ngữ. |
Sở thích | Sở thích đa dạng, có thể thay đổi theo thời gian. | Sở thích rất cụ thể, lặp đi lặp lại. |
Cảm xúc | Có khả năng hiểu và điều khiển cảm xúc của mình. | Khó hiểu cảm xúc của bản thân và người khác. |
Hành vi | Hành vi linh hoạt, thích ứng với môi trường. | Hành vi có thể lặp đi lặp lại, khó thay đổi. |
Dựa vào những điều trên, nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng của hội chứng Asperger hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Sau đó đưa trẻ đi thăm khắm để được chẩn đoán và điều trị.
Điều trị hội chứng Asperger (Tự kỷ chức năng cao) ở trẻ
Ngày nay, vẫn chưa có biện pháp nào có thể điều trị tận gốc căn bệnh này vì nó xuất phát từ yếu tố di truyền. Chính vì vậy, các trở ngại như trên sẽ theo chân những người mắc bệnh cả đời và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ. Thậm chí họ có thể mất đi tài năng thiên bẩm nếu không được chăm sóc đúng cách và không có môi trường phát triển phù hợp.
Tuy nhiên, cũng có một số biện pháp hiệu quả để cải thiện phần nào những khó khăn, giúp bé có một cuộc sống dễ dàng hơn.
Tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ
Nếu nghi ngờ con có những dấu hiệu bất thường của hội chứng Asperger, cần nhanh chóng đưa trẻ tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ. Vì hội chứng này thường bị nhầm lẫn với các chứng rối loạn hành vi khác, nên quá trình chẩn đoán có thể mất nhiều thời gian và kéo dài nhiều tháng liền.
Trong thời gian đó, bác sĩ sẽ theo dõi những biểu hiện, trạng thái và tính cách của trẻ để đưa ra những chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị thích hợp. Tuy nhiên, việc này chỉ giúp cải thiện phần nào các triệu chứng của bệnh, không thể trị dứt điểm hoàn toàn. Các biện pháp thường được sử dụng trong việc điều trị trẻ tự kỷ như:
- Sử dụng thuốc: Thuốc tuy không có khả năng chữa trị cho trẻ tự kỷ nhưng cũng có thể giảm bớt phần nào những biểu hiện khó khăn mà trẻ gặp phải.
- Ngôn ngữ trị liệu: Phương pháp này giúp trẻ tăng khả năng diễn đạt thông qua cử chỉ, lời nói, nâng cao khả năng giao tiếp với những người xung quanh.
- Đào tạo kỹ năng xã hội: Nhà trị liệu sẽ để trẻ tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh và tương tác với nhiều người khác nhau, từ đó sẽ đưa ra những hướng giải quyết đúng đắn với từng tình huống, giúp bé tiếp thu được nhiều kỹ năng mới trong cuộc sống.
- Hướng dẫn cho phụ huynh cách chăm sóc trẻ: Rèn luyện cho cha mẹ cách sống chung với trẻ mắc chứng tự kỷ thông qua các hoạt động hàng ngày.
Chăm sóc trẻ một cách đúng đắn
Đối với những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ thì vai trò của phụ huynh là vô cùng quan trọng. Mặc dù tư duy của bé khá cao, nhưng khả năng tự lập lại cực kỳ thấp.
Rất ít trong số những trẻ mắc chứng tự kỷ chức năng cao có thể tự lo liệu bản thân và hòa nhập cộng đồng một cách dễ dàng. Chính vì vậy, phụ huynh có thể sẽ là những người phải chăm sóc và lo lắng cho họ suốt cuộc đời. Hãy tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để có hướng chăm sóc trẻ phù hợp và khoa học.
- Nâng cao nhận thức, ngôn ngữ, hành vi cho trẻ là một biện pháp hữu hiệu giúp trẻ cải thiện những khó khăn.
Nâng cao nhận thức cho trẻ
Bên cạnh dùng thuốc thì việc nâng cao nhận thức, ngôn ngữ, hành vi cho bé là điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng phải làm thường xuyên.
Hãy tạo ra một môi trường phù hợp cho bé phát triển, dạy bé những kỹ năng cơ bản hàng ngày để tăng cường chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, hãy tạo điều kiện để bé có cơ hội tiếp xúc nhiều với những lĩnh vực mà mình yêu thích để bộc lộ thiên phú, tránh lãng phí tài năng cũng như bù đắp các khiếm khuyết khác.
Học tập tại các cơ sở dành cho người tự kỷ
Nhiều phụ huynh của các trẻ tự kỷ thường không muốn cho con đến trường vì sợ rằng bé sẽ bị bắt nạt và cô lập. Vì vậy, những cơ sở chuyên biệt để dạy dỗ trẻ tự kỷ là lựa chọn đúng đắn nhất.
Cha mẹ là những người đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, tuy nhiên nếu không có đủ các kỹ năng và kiến thức cũng sẽ rất khó dạy con. Ở những cơ sở này, họ thường có những phương pháp và liệu trình hồi phục cụ thể cho trẻ mắc chứng tự kỷ, từ đó giúp trẻ có môi trường phát triển toàn diện và bộc lộ được hết những khả năng vượt trội của bản thân.
Cho bé tiếp xúc với nhiều người hơn
Vì một vài lý do nào đó như xấu hổ vì trẻ mắc bệnh, bị cười nhạo, sợ con bị bạn bè tẩy chay, cô lập… mà một số phụ huynh thường không muốn dắt trẻ ra ngoài gặp người khác. Điều đó hoàn toàn là một suy nghĩ sai lầm.
Cho bé ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người hơn, nhìn thấy được nhiều điều mới lạ hơn là một cách vô cùng hiệu quả để phát triển nhận thức của trẻ.
- Cho trẻ tự kỷ tiếp xúc nhiều hơn với mọi người để cải thiện giao tiếp
Có thể nói, quá trình chăm sóc và điều trị cho một đứa trẻ mắc chứng Asperger (Tự kỷ chức năng cao) thực sự rất khó khăn và tốn nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn từ những người thân trong gia đình. Nếu có sự chăm sóc đúng đắn, trẻ có thể giảm bớt phần nào những khó khăn cản trở cuộc sống, có thể tự chăm lo bản thân và thậm chí kiếm được thu nhập từ chính tài năng vốn có của mình.
Tham khảo thêm:
- Tự kỷ ám thị là gì? Có phải bệnh không? Dấu hiệu nhận biết
- Trẻ chậm nói có phải tự kỷ? Làm sao phân biệt?
- Trẻ tự kỷ có hay cười không? Làm thế nào để xác định?
- Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc: Điều cha mẹ cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!