Trẻ tự kỷ hay la hét – Cách xử lý nhanh cha mẹ cần biết

5/5 - (1 bình chọn)

Tình trạng hay la hét, quấy khóc ở trẻ tự kỷ khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Trong nội dung sau, Tạp Chí Tâm Lý Học sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ nguyên nhân và biết cách xử lý hiệu quả tình trạng trẻ tự kỷ hay la hét.

trẻ tự kỷ hay la hét
Trẻ tự kỷ thường có thói quen hay la hét, cáu kỉnh khiến các bậc phụ huynh không biết xử trí như thế nào cho hợp lý

Vì sao trẻ tự kỷ hay la hét?

Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ (rối loạn phổ tự kỷ) tăng lên đáng kể và bệnh trạng cũng phức tạp, đa dạng hơn trước. Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh với căn nguyên chưa rõ ràng nhưng phần lớn có liên quan đến yếu tố di truyền.

Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là bé trai và các triệu chứng khởi phát rất sớm (thường dưới 36 tháng tuổi). Trẻ mắc chứng bệnh này sẽ gặp phải các khiếm khuyết về tư duy, khả năng lập luận, chậm phát triển ngôn ngữ và thiếu tương tác xã hội. Trẻ có hành vi, sở thích mang tính rập khuôn và kỳ lạ. Hội chứng này sẽ kéo dài suốt đời nên gia đình cần có những hiểu biết về bệnh để có thể chăm sóc trẻ đúng cách.

Một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ tự kỷ là hay la hét, quấy khóc,… Theo các chuyên gia, trẻ tự kỷ hay la hét thường liên quan đến những nguyên nhân sau:

1. Do trẻ không thể giao tiếp

Trẻ bị tự kỷ thường không thể giao tiếp và không có nhu cầu giao tiếp với những người xung quanh. Trẻ có thể bị câm hoặc chỉ phát ra những âm thanh vô nghĩa, lặp đi lặp lại không có chủ đích. Một số trẻ có thể biết nói nhưng khả năng phát triển ngôn ngữ rất chậm, không hiểu hết ý nghĩa của câu nói và thường không biết cách giao tiếp bằng cử chỉ.

Ngôn ngữ là phương tiện bày tỏ cảm xúc và biểu đạt suy nghĩ, mong muốn. Vì gặp phải khiếm khuyết về ngôn ngữ nên trẻ tự kỷ không biết cách chia sẻ mong muốn của mình với người khác. Do đó, những người xung quanh có thể làm những việc trái với mong muốn của bé. Kết quả là trẻ có hành vi la hét, cáu kỉnh và tức giận để giải tỏa sự uất ức và khó chịu.

2. Do không biết cách bộc lộ cảm xúc

Bên cạnh khiếm khuyết về ngôn ngữ và tư duy, trẻ bị tự kỷ thường có cảm xúc không ổn định và không biết cách bộc lộ tâm trạng phù hợp. Tất cả những yếu tố từ môi trường đều có thể khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Thay vì thể hiện sự buồn bực bằng biểu cảm, trẻ sẽ bộc lộc cảm xúc bằng cách đập phá đồ đạc, la hét và ăn vạ.

trẻ tự kỷ hay la hét
Một trong những lý do khiến trẻ tự kỷ hay la hét là không biết cách bộc lộc cảm xúc phù hợp

Trẻ bị tự kỷ thường yêu thích việc ở một mình và không muốn có bất cứ mối liên hệ nào với những người xung quanh. Do đó, những tác động bên ngoài đều quá sức chịu đựng đối với trẻ. Vì không biết cách bộc lộ cảm xúc, trẻ sẽ chọn cách la hét, quấy khóc để thể hiện sự khó chịu của bản thân.

3. Do rối loạn giác quan

Rối loạn giác quan là một trong những khiếm khuyết thường gặp ở trẻ bị tự kỷ. Trẻ mắc chứng bệnh này thường rất nhạy cảm với mùi vị, màu sắc, kết cấu của thức ăn và âm thanh. Vì vậy, trẻ thường rất nhạy cảm khi nghe thấy âm thanh lớn hoặc dùng các món ăn lạ. Rối loạn giác quan cũng khiến trẻ cảm thấy căng thẳng và khó chịu hơn so với bình thường. Đây cũng là lý do khiến trẻ có hành vi la hét để giải tỏa cảm xúc của chính mình.

Nhìn chung, hành vi tự la hét ở trẻ tự kỷ là do những khiếm khuyết về ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, rối loạn giác quan và cảm xúc bất ổn. Ngoài hành vi la hét, trẻ mắc chứng bệnh này cũng có những hành vi bất thường khác như hay cáu gắt, bịt tai, nói nhảm, ăn vạ, quấy khóc, cười một mình,… Tất cả đều bắt nguồn từ bất thường trong quá trình phát triển hệ thần kinh trung ương.

Trẻ tự kỷ hay la hét có đáng lo ngại không?

Như đã đề cập, hay la hét là hành vi thường thấy ở trẻ tự kỷ. Hành vi này xuất hiện rõ rệt ở giai đoạn từ 5 – 7 tuổi. La hét là cách để trẻ tự kỷ gây sự chú ý đối với những người xung quanh và bộc lộ cảm xúc khó chịu, căng thẳng của bản thân. Do đó, về cơ bản hành vi này là không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, gia đình cần phải khắc phục hành vi la hét để giúp trẻ hòa nhập và dễ dàng hơn trong cuộc sống. La hét, đập phá đồ đạc thường xuyên sẽ tạo cho trẻ thói quen xấu. Điều này sẽ khiến trẻ khó có thể hòa nhập với mọi người, khó kết bạn và duy trì các mối quan hệ.

Hơn nữa, việc la hét diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến trẻ dễ bị kích động và không biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân. Hậu quả là trẻ có thể có những hành vi nguy hiểm gây tổn thương chính mình và những người xung quanh.

Tự kỷ là một trong những rối loạn phát triển thần kinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các triệu chứng của bệnh sẽ kéo dài suốt đời khiến cho trẻ khó có thể học tập, làm việc và xây dựng các mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu nỗ lực và kiên trì, tình trạng vẫn có thể được cải thiện. Trong đó, thay đổi hành vi la hét ở trẻ tự kỷ là bước đầu để giúp trẻ hòa nhập với gia đình và xã hội.

Cách xử lý nhanh khi trẻ tự kỷ hay la hét

Trẻ tự kỷ hay la hét khi có những kích thích từ môi trường. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy bất lực khi con trẻ la hét, đập phá và cáu kỉnh thường xuyên. Không giống với trẻ khỏe mạnh, trẻ tự kỷ thường sẽ nhạy cảm hơn nên tất cả những tác động từ môi trường đến khiến trẻ bị căng thẳng. Vì lý do này, bố mẹ cần phải các biện pháp đặc biệt để giúp trẻ bình tĩnh và ngưng hành vi la hét.

Dưới đây là cách xử lý nhanh khi trẻ tự kỷ la hét, cáu kỉnh:

1. Giúp trẻ bình tĩnh hơn

Bước đầu tiên bố mẹ cần thực hiện là giúp con bình tĩnh hơn. Bản thân trẻ bị tự kỷ chỉ muốn ở trong thế giới riêng của mình. Trẻ không có nhu cầu giao tiếp hay tương tác với bất kỳ ai. Mọi thay đổi trong cuộc sống (kiểu tóc, không gian phòng, thực đơn ăn uống,…) đều khiến trẻ không thể thích nghi, kết quả là gây ra cảm giác căng thẳng và khó chịu cực độ.

trẻ tự kỷ hay la hét
Trước tiên, phụ huynh cần giúp trẻ bình tĩnh hơn để tránh các hành vi kích động

Khi con la hét, bố mẹ nên giúp trẻ bình tĩnh bằng ánh mắt và lời nói quan tâm. Nên cho trẻ thấy rằng luôn có bố mẹ ở bên cạnh và trẻ luôn ở trong không gian an toàn. Bố mẹ nên dùng lời nói nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc để trẻ biết rằng không nên la hét mà cần bày tỏ mong muốn của mình theo những cách đúng đắn hơn (dùng lời nói, hành động,…). Không nên nuông chiều và vỗ về quá mức vì điều này sẽ khiến trẻ có thói quen ăn vạ để gây chú ý.

2. Quan sát kỹ để biết trẻ muốn gì

Trẻ bị tự kỷ gặp hạn chế về ngôn ngữ và giao tiếp nên không thể nói với bố mẹ mong muốn, nhu cầu của bản thân. Sau khi trẻ đã bình tĩnh, bố mẹ cần quan sát kỹ để biết trẻ muốn gì.

Bản thân trẻ tự kỷ có giác quan vô cùng nhạy cảm nên bất cứ tác động nào từ môi trường cũng khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Do đó, bố mẹ cần quan sát kỹ để biết được trẻ la hét để thể hiện điều gì, từ đó mới có thể đưa ra hướng xử lý phù hợp.

3. Tiến hành xử lý giúp trẻ ngừng la hét

Sau khi đã xác định được nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ hay la hét, bố mẹ cần tiến hành các bước xử lý để giúp trẻ ngưng hành vi này và xây dựng những thói quen lành mạnh hơn.

trẻ tự kỷ hay la hét
Có thể đánh lạc hướng sự chú ý bằng các món đồ chơi mà trẻ thích
  • Trong trường hợp con la hét để ăn vạ, bố mẹ nên nói rõ cho con hành vi này là không đúng bằng ngữ điệu vừa phải, không quát nạt và la hét trẻ. Sau đó, có thể giả vờ không quan tâm để trẻ biết hành vi này không có hiệu quả trong việc ăn vạ và thu hút sự chú ý của bố mẹ. Sau khi con bình tĩnh và dừng hành vi la hét, bố mẹ nên bày tỏ sự quan tâm và giải thích để trẻ hiểu rằng đây là hành vi xấu, không nên thực hiện.
  • Nếu trẻ bất lực vì không bày tỏ được mong muốn và suy nghĩ của mình, hãy vỗ về và an ủi để trẻ không cảm thấy tủi thân. Sau đó, hãy giúp trẻ bày tỏ mong muốn của mình bằng cử chỉ hoặc những từ ngữ đơn giản.
  • Khi trẻ đã bình tĩnh, bố mẹ có thể diễn tả lại hành vi la hét để trẻ biết rằng hành động này là xấu và không nên thực hiện. Đồng thời bố mẹ nên chủ động thực hiện những hành vi tốt để trẻ học theo.
  • Nếu trẻ không dừng hành vi la hét, bố mẹ có thể chơi các món đồ chơi mà trẻ thích và rủ trẻ chơi cùng. Cách này sẽ giúp đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ, trẻ sẽ bị thu hút bởi món đồ chơi và quên mất rằng bản thân đang khó chịu. Sau khi trẻ bình tĩnh, bố mẹ nên giải thích để trẻ hiểu rằng hành vi la hét là không tốt và không nên lặp lại.
  • Khi trẻ nghe lời và bày tỏ thiện chí thay đổi, nên khen ngợi để hình thành cho trẻ những thói quen tốt.

Trên đây là những hướng xử lý nhanh gia đình nên trang bị để có thể thay đổi hành vi hay la hét ở trẻ bị tự kỷ.

Giải pháp lâu dài giúp cải thiện tình trạng la hét ở trẻ tự kỷ

Gốc rễ của hành vi la hét ở trẻ tự kỷ là do những khiếm khuyết và bất thường trong quá trình phát triển thần kinh. Do đó, bên cạnh hướng xử lý tạm thời, gia đình cần có giải pháp lâu dài để giúp trẻ thay đổi hành vi theo chiều tích cực hơn.

Để thay đổi hành vi hay la hét ở trẻ tự kỷ, gia đình có thể cân nhắc một số giải pháp sau:

1. Hiểu về bệnh tự kỷ

Trẻ tự kỷ có hành vi, cảm xúc khác hoàn toàn so với trẻ khỏe mạnh. Để có thể chăm sóc trẻ tốt nhất, gia đình nên tìm hiểu về bệnh lý này. Hiểu về bệnh tự kỷ sẽ giúp bố mẹ hiểu được những hành vi, thói quen và cảm xúc của con. Từ đó có những biện pháp can thiệp hiệu quả giúp trẻ điều chỉnh hành vi theo chiều hướng tích cực và học được cách hòa nhập với mọi người xung quanh.

Hiện nay, những hiểu biết về tự kỷ vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu nhưng căn nguyên, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Do đó, chưa có bất cứ phương pháp nào có thể điều trị bệnh lý này. Dù vậy, một số phương pháp hỗ trợ phần nào có thể cải thiện bệnh và giúp trẻ bình thường hóa cuộc sống.

Khi con bị chẩn đoán bị tự kỷ, bố mẹ nên tìm hiểu thông tin và đọc thêm sách báo để có hình dung cụ thể về bệnh lý này. Những hiểu biết hữu ích sẽ giúp gia đình dễ dàng trong việc chăm sóc trẻ, đồng thời có thể điều chỉnh những hành vi không phù hợp như hay la hét, quấy khóc, lẩm bẩm một mình, đập phá đồ đạc,…

2. Cho trẻ cảm giác an toàn

Trẻ tự kỷ thường sống trong thế giới của riêng mình. Bất cứ những thay đổi nào trong không gian sống, thói quen hàng ngày,… đều có thể khiến trẻ cảm thấy bất an, căng thẳng và khó chịu. Để giúp trẻ thích nghi tốt hơn, bố mẹ nên chăm sóc trẻ bằng thái độ ân cần và nhẹ nhàng.

Bên cạnh đó, nên cho trẻ cảm giác an toàn để trẻ biết rằng luôn có ba mẹ ở đằng sau hỗ trợ. Để xây dựng cảm giác an toàn cho trẻ tự kỷ quả thật không hề đơn giản. Bởi trẻ không biết cách tương tác và cũng không có nhu cầu tương tác với bất cứ ai. Nếu cần thiết, gia đình nên nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia.

3. Cải thiện khả năng giao tiếp cho bé

Lý do lớn nhất khiến trẻ tự kỷ hay la hét là không biết cách giao tiếp. Vì không thể bày tỏ suy nghĩ và mong muốn của mình nên trẻ có xu hướng cáu kỉnh, la hét, đập phá đồ đạc để giải tỏa cảm giác căng thẳng. Để thay đổi hành vi này của trẻ, gia đình nên cho trẻ can thiệp ngôn ngữ trị liệu.

trẻ tự kỷ hay la hét
Để thay đổi hành vi la hét, gia đình nên cho trẻ tự kỷ can thiệp các liệu pháp ngôn ngữ

Cải thiện khả năng giao tiếp sẽ giúp trẻ biết cách bày tỏ mong muốn và nhu cầu của bản thân. Từ đó giảm bớt sự căng thẳng và hạn chế những hành vi bất thường như la hét, quấy khóc, đập phá đồ đạc,… Đối với những trẻ không thể nói được, có thể áp dụng phương pháp PECS (dạy trẻ tự kỷ bằng hình ảnh). Với phương pháp này, trẻ có thể dùng hình ảnh để bày tỏ suy nghĩ, mong muốn và cảm xúc của mình.

Khi biết cách giao tiếp, trẻ tự kỷ có thể chủ động hơn trong cuộc sống và bắt đầu học được cách tương tác với những người xung quanh. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc thay đổi những hành vi bất thường, giảm tăng động, bình ổn cảm xúc và cải thiện khả năng tương tác xã hội cho trẻ tự kỷ.

4. Khuyến khích trẻ vui chơi ngoài trời

Giống như những trẻ khác, trẻ tự kỷ cần được vui chơi ngoài trời để linh hoạt và khỏe mạnh hơn. Thay vì nhốt trẻ ở trong nhà, gia đình nên chọn khu vui chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ. Các hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ hoạt bát hơn, giải tỏa căng thẳng, ức chế và dần dần có hứng thú trong việc giao tiếp.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vui chơi ngoài trời giúp giảm sự bất ổn về tâm trạng và các hành vi bất thường ở trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, hoạt động vui chơi cũng giúp trẻ cải thiện thể trạng, kiểm soát tốt rối loạn giấc ngủ và các vấn đề tiêu hóa có liên quan.

5. Cho trẻ trị liệu tâm lý

Như đã đề cập, rối loạn cảm xúc là một trong những lý do khiến trẻ tự kỷ thường xuyên la hét và quấy khóc. Những khiếm khuyết trong quá trình phát triển thần kinh khiến cho trẻ khó có thể bộc lộ cảm xúc. Thay vì thể hiện tâm trạng một cách bình thường, trẻ sẽ dùng những hành vi bất thường để bày tỏ. Chính điều này làm cho mọi người không hiểu được cảm xúc của bé và khiến cho trẻ cô lập, cách ly với những người xung quanh.

trẻ tự kỷ hay la hét
Trị liệu tâm lý sẽ giúp trẻ tự kỷ học được cách kiểm soát cảm xúc, từ đó hạn chế hành vi quấy khóc, cáu kỉnh và la hét

Can thiệp tâm lý trị liệu sẽ giúp trẻ biết cách kiểm soát, điều tiết và bộc lộ cảm xúc đúng cách. Khi nắm được kỹ năng này, những hành vi bất thường ở trẻ tự kỷ như đập phá đồ đạc, la hét, quấy khóc,… sẽ thuyên giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, trang bị kỹ năng kiểm soát cảm xúc cũng giúp trẻ hòa nhập tốt hơn và có thể duy trì các mối quan hệ lâu dài.

Những số điều bố mẹ cần tránh khi trẻ tự kỷ la hét

Hành vi la hét, cáu kỉnh, đập phá đồ đạc ở trẻ tự kỷ là khó tránh khỏi. Nếu nỗ lực và can thiệp đúng cách, gia đình có thể giúp trẻ thay đổi những hành vi tiêu cực. Bên cạnh những điều nên làm, bố mẹ cũng cần tránh những vấn đề sau đây nếu không muốn bệnh trạng nghiêm trọng hơn thời gian:

trẻ tự kỷ hay la hét
Khi trẻ tự kỷ la hét, bố mẹ tuyệt đối không nên la mắng và dùng bạo lực
  • Tuyệt đối không quát mắng và la hét trẻ. Trẻ tự kỷ hoàn toàn không sợ hãi trước những tình huống này. Ngược lại, việc quát nạt sẽ khiến cho trẻ cảm thấy hành vi la hét của bản thân là bình thường và sẽ thực hiện hành vi này thường xuyên hơn.
  • Không dùng bạo lực khi chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ. Bạo lực khiến cho trẻ cảm thấy không an toàn, đồng thời làm nghiêm trọng các hành vi tăng động như đập phá, ném đồ đạc, la hét, quấy khóc, ăn vạ,…
  • Thần kinh của trẻ tự kỷ rất nhạy cảm và dễ bị kích thích. Để cải thiện bệnh trạng, gia đình nên hạn chế cho trẻ xem ti vi, điện thoại,…
  • Không trách phạt trẻ bằng những hình phạt quá nghiêm khắc và nặng nề. Đối với trẻ tự kỷ, gia đình nên giải thích nhẹ nhàng để trẻ hiểu được hành vi của bản thân là chưa đúng và có thái độ tích cực sửa đổi.
  • Không để trẻ lấn lướt bố mẹ và không nên chiều chuộng quá mức. Điều này khiến cho trẻ hình thành thói quen la hét để đạt được mục đích của mình thay vì giao tiếp một cách bình thường.

Trẻ tự kỷ nhạy cảm hơn bình thường nên không tránh khỏi những hành vi bất thường như la hét, cáu kỉnh, quấy khóc,… Khi nhận thấy trẻ có hành vi này, bố mẹ nên bình tĩnh để tìm phương án xử lý phù hợp. Nếu cần thiết, gia đình có thể tìm đến chuyên gia/ bác sĩ để được hỗ trợ.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *