Tự kỷ ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Tự kỷ ở trẻ em là một trong những rối loạn phát triển phổ biến nhất hiện nay, xuất hiện từ khi bé còn rất nhỏ, ảnh hưởng đến khả năng học tập và hình thành kỹ năng xã hội. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh sẽ giúp gia đình cùng cộng đồng có biện pháp hỗ trợ phù hợp nhằm mang lại môi trường sống tích cực cho trẻ.
Dấu hiệu nhận biết tự kỷ ở trẻ em
Tự kỷ ở trẻ em là một rối loạn phát triển lan tỏa, khởi phát từ khi trẻ trước 3 tuổi và kéo dài suốt đời. Tình trạng này được cho là liên quan đến sự phát triển của não, dẫn đến các khiếm khuyết trong giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi.
- Thiếu tương tác xã hội:
Trẻ em bị tự kỷ thường ít tương tác với mọi người, ít giao tiếp bằng mắt, không biết chỉ tay, không biết làm theo hướng dẫn. Các bé thích chơi một mình, không chia sẻ cảm xúc và không quan tâm đến thái độ của người khác. Cùng với đó, một số trẻ không nhận ra người lạ hay sự thay đổi môi trường, trong khi số khác rất sợ người lạ và địa điểm không quen thuộc.
- Bất thường về ngôn ngữ:
Trẻ tự kỷ thường chậm nói, phát âm vô nghĩa, lặp lại lời người khác mà không hiểu nghĩa. Một số bé gần như không nói được, trong khi các em khác có thể nói nhưng giọng nói không rõ ràng, thiếu diễn cảm, thường lặp lại câu hỏi mà không hiểu. Trẻ cũng khó sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp và diễn tả nhu cầu cá nhân của mình.
- Hành vi định hình và lặp lại:
Trẻ tự kỷ thường có các hành vi định hình như đi kiễng gót, xoay tròn người, nhảy lên nhảy xuống. Bé thường lặp lại những thói quen cụ thể như đi theo một đường nhất định, ngồi đúng một chỗ, luôn mặc một bộ quần áo. Những thói quen này không phù hợp với lứa tuổi và thường khiến trẻ khó thích ứng với môi trường mới.
- Ít có sở thích:
Trẻ tự kỷ thường bị thu hút bởi những hoạt động đơn điệu như xem tivi, quay bánh xe, cầm một đồ vật cụ thể trong thời gian dài. Con có thể dành hàng giờ chơi với một món đồ chơi duy nhất và phản ứng dữ dội khi không được vừa ý. Trẻ cũng có thể dễ bị tăng động, chạy nhảy không ngừng nghỉ mà không cảm thấy mệt mỏi.
- Rối loạn cảm giác:
Trẻ tự kỷ có thể rất nhạy cảm hay ngược lại thiếu nhạy cảm với các kích thích từ môi trường. Một số trẻ sợ âm thanh lớn, ánh sáng chói, sợ một số mùi vị cụ thể, trong khi những bé khác không phản ứng trước những âm thanh lớn. Đồng thời, trẻ cũng thấy không ổn định, khó chịu khi thay đổi môi trường hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày như cắt tóc, gội đầu.
- Có khả năng đặc biệt và hạn chế:
Một số trẻ tự kỷ có khả năng đặc biệt như nhớ số điện thoại, đọc số chữ rất sớm, làm toán cộng nhẩm nhanh. Tuy nhiên, những khả năng này thường đi kèm với các khiếm khuyết trong ngôn ngữ, hành vi và tương tác xã hội khi mà bé không biết cách sử dụng chúng một cách hợp lý trong cuộc sống hàng ngày.
Nguyên nhân hình thành tự kỷ ở trẻ em
Mặc dù nguyên nhân gây ra tự kỷ chưa được xác định rõ ràng, các nhà khoa học đã tìm ra một số yếu tố có thể góp phần hình thành rối loạn này.
- Di truyền: Di truyền là nguyên nhân chính gây tự kỷ với nhiều nghiên cứu cho thấy sự tổn thương gen có thể dẫn đến rối loạn này. Cụ thể, một số gen bị lỗi có thể làm cho trẻ dễ mắc bệnh hơn khi có thêm yếu tố tác động khác như mất cân bằng hóa học, thiếu oxy khi sinh.
- Tổn thương não: Các tổn thương não trong thời kỳ mang thai, lúc sinh nở có thể góp phần gây tự kỷ. Hơn hết trẻ bị Rubella bẩm sinh cùng các bệnh lý khác có thể gặp phải bất thường trong cấu trúc não bộ (thùy trán, thùy thái dương, tiểu não, vỏ não) dẫn đến tự kỷ.
- Yếu tố môi trường: Môi trường không tốt khi phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí và kim loại nặng trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ tự kỷ. Mặt khác người mẹ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, ma túy, tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm khác trong thai kỳ cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não trẻ.
- Ảnh hưởng của quá trình mang thai: Một số bệnh lý của mẹ trong thai kỳ như nhiễm virus Rubella, bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường, béo phì, sử dụng thuốc chống co giật cũng có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ ở trẻ em.
Điều trị tự kỷ ở trẻ em như thế nào là hiệu quả?
Điều trị tự kỷ ở trẻ em còn nhiều thách thức, nhưng can thiệp sớm có thể mang lại tiên lượng tốt hơn. Để điều trị hiệu quả, cần sự phối hợp giữa bác sĩ tâm thần, thần kinh, điều dưỡng, giáo viên đặc biệt, chuyên viên tâm lý và chuyên viên âm ngữ cùng các phương pháp sau đây:
1. Phương pháp y – sinh học
Mặc dù còn một số hạn chế, các phương pháp y – sinh học đã và đang giúp ích đáng kể trong việc kiểm soát bệnh tự kỷ ở trẻ em:
- Vật lý trị liệu: Các bé bị tự kỷ thường gặp khó khăn khi vận động. Vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện khả năng hoạt động của chân, tay, vận động tri giác và thị giác. Qua đó, phương pháp này giúp trẻ thay đổi các hành vi rập khuôn và hình thành những hành vi tích cực hơn cùng vớii mục tiêu xa hơn là giúp trẻ tự lập sinh hoạt hàng ngày.
- Liệu pháp hóa dược: Mặc dù không có thuốc điều trị dứt điểm bệnh tự kỷ, một số loại thuốc có thể giúp giảm rối loạn cảm xúc, lo âu, mất ngủ, tăng động và các triệu chứng thể chất của trẻ. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc giảm tăng động, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật và thuốc tăng cường tuần hoàn não.
- Trị liệu tế bào gốc: Phương pháp trị liệu tế bào gốc đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong điều trị tự kỷ. Tế bào gốc được sử dụng để sửa chữa tổn thương ở hệ thần kinh não bộ, giúp giảm các khiếm khuyết ở trẻ tự kỷ với hiệu quả lâm sàng lên đến 70%.
- Giải độc hệ thống: Phương pháp giải độc hệ thống thường chỉ được cân nhắc cho trẻ tự kỷ liên quan đến nhiễm độc thủy ngân. Nó chủ yếu được thực hiện ở Mỹ và một số quốc gia có nền y học tiên tiến.
- Liệu pháp oxy cao áp (HBO): HBO là phương pháp sử dụng oxy thuần khiết với áp lực lớn để tăng lượng oxy trong máu lên 22 – 30 lần so với bình thường. Lượng oxy này tăng giúp cải thiện tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, cân bằng chất dẫn truyền thần kinh và giảm nhẹ triệu chứng của tự kỷ như tăng động, kích động và tính tình hung hăng.
- Phương pháp phản hồi thần kinh (NFB): NFB là một trong những phương pháp triển vọng hiện nay, được sử dụng để “huấn luyện” thần kinh não bộ bằng cách cho bệnh nhân cảm nhận sóng não của chính mình. Phương pháp này đã được chứng minh mang lại hiệu quả trong việc điều trị tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý.
2. Phương pháp tâm lý – giáo dục
Đối với trẻ tự kỷ, việc giáo dục đặc biệt và chăm sóc tâm lý có thể giúp bé phát triển và hòa nhập. Các bé cần được hỗ trợ để học cách bộc lộ và kiểm soát cảm xúc, đồng thời nâng cao kỹ năng tương tác xã hội. Can thiệp sớm và sự phối hợp giữa gia đình, chuyên gia và cộng đồng là chìa khóa để đạt được hiệu quả tốt để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
- Trị liệu cảm giác: Trị liệu cảm giác giúp trẻ tự kỷ điều chỉnh phản ứng của mình với các kích thích cảm giác như âm thanh và ánh sáng mạnh. Qua đó cải thiện khả năng của trẻ trong việc xử lý cảm giác và giảm các phản ứng quá mức, không phù hợp.
- Trị liệu ngôn ngữ: Trẻ tự kỷ khó giao tiếp nên trị liệu ngôn ngữ tập trung cải thiện khả năng phát âm, vốn từ vựng và cách sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp hiệu quả. Chuyên gia âm ngữ sẽ làm việc trực tiếp với trẻ và gia đình có thể hỗ trợ thêm tại nhà để tăng cường sự tiến bộ.
- Trị liệu tâm vận động: Phương pháp này sử dụng các trò chơi và hoạt động thể chất để kích thích hệ thần kinh và cải thiện sự phát triển tâm lý của trẻ. Trị liệu tâm vận động con làm tăng khả năng thích nghi và phát triển kỹ năng vận động, nhận thức.
- Các phương pháp giáo dục đặc biệt: Trẻ tự kỷ cần các phương pháp giáo dục được cá nhân hóa để phù hợp với khả năng tiếp thu của từng bé. Các phương pháp này sẽ giúp nâng cao nhận thức, trí tuệ và khả năng hòa nhập xã hội, điều chỉnh phương pháp học tập thật tốt.
- Hoạt động trị liệu: Hoạt động trị liệu tập trung cải thiện thể trạng của trẻ, tăng khả năng tập trung và giảm hành vi tiêu cực. Phương pháp này khuyến khích sự tương tác xã hội và giúp các bé tham gia vào hoạt động hàng ngày tích cực hơn.
- Trị liệu phân tâm: Trị liệu phân tâm giúp trẻ giải tỏa cảm xúc dồn nén và giảm bớt căng thẳng thông qua trò chuyện. Đây cũng là cách để chuyên gia hiểu rõ hơn về nhân cách của trẻ và hỗ trợ gia đình có thái độ tích cực hơn nhằm chăm sóc trẻ tự kỷ.
- Các phương pháp khác: Ngoài các phương pháp chính, còn có những phương pháp khác như thủy trị liệu, trị liệu bằng nghệ thuật, trò chơi trị liệu, phân tích ứng dụng hành vi (ABA) và phương pháp Floortime. Những phương pháp này cần được bổ sung thêm vào kế hoạch điều trị để hỗ trợ toàn diện hơn cho trẻ.
Để đạt hiệu quả, các phương pháp tâm lý – giáo dục cần được áp dụng sớm và liên tục. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, chuyên gia và xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ tự kỷ phát triển và hòa nhập tốt hơn.
3. Chế độ quan tâm, chăm sóc đặc biệt
Để hỗ trợ trẻ tự kỷ hiệu quả, ngoài các phương pháp điều trị chuyên sâu, gia đình cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà để cải thiện tình trạng bệnh, làm tăng khả năng giao tiếp và giảm hành vi tiêu cực:
- Tạo thói quen giao tiếp: Dành ít nhất 3 giờ/ngày để chơi đùa, trò chuyện với trẻ. Trong quá trình đó nên sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, chậm rãi và đơn giản. Hãy gọi tên trẻ thường xuyên để làm tăng thêm sự chú ý và giao tiếp.
- Dạy kỹ năng giao tiếp cơ bản: Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ sử dụng cử chỉ như vẫy tay, khoanh tay khi chào hỏi và làm hành động cơ bản như bắt tay, vỗ tay. Đồng thời dạy bé cách dùng ngón trỏ để chỉ và sử dụng ánh mắt trong giao tiếp.Khuyến khích hành vi tích cực: Nên giao việc để con thực hiện và khen ngợi khi trẻ làm tốt. Những lời động viên khi làm chưa tốt và việc lờ đi các hành vi tiêu cực như ăn vạ, la hét sẽ giúp trẻ thôi phụ thuốc và nóng giận.
- Giới hạn thời gian dùng thiết bị điện tử: Tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với bạn bè và tham gia hoạt động ngoài trời. Hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử và khuyến khích tương tác trực tiếp thay vì mạng xã hội.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Dùng chủ yếu thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt gia cầm, cá, trái cây, rau củ và thực phẩm giàu omega – 3. Tránh các thực phẩm chứa chất phụ gia nhân tạo như màu sắc, đường hóa học.
- Sử dụng kỹ thuật thư giãn: Áp dụng các kỹ thuật thư giãn như massage áp lực sâu, dùng chăn trọng lượng để làm dịu sự lo âu và kích động của trẻ.
Tự kỷ ở trẻ em là một thử thách lớn, nhưng với sự hỗ trợ đúng cách từ gia đình và xã hội, trẻ có thể phát triển tốt hơn. Việc nhận biết sớm và can thiệp kịp thời giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của các bé. Vì vậy, hãy luôn lắng nghe và đồng hành cùng trẻ trong hành trình vượt qua khó khăn này.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ tự kỷ hay la hét – Cách xử lý nhanh cha mẹ cần biết
- Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc: Điều cha mẹ cần biết
- Trẻ tự làm đau mình: Cảnh báo rất nhiều vấn đề nghiêm trọng
- Top 5 trung tâm dạy trẻ tự kỷ tại Hà Nội uy tín
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!