Trẻ chậm nói có phải tự kỷ? Làm sao phân biệt?
Hầu hết trẻ bị tự kỷ đều có khiếm khuyết về ngôn ngữ và khả năng giao tiếp. Vì vậy, không ít phụ huynh băn khoăn trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ hay không. Thông tin trong bài viết sẽ giúp giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cách phân biệt chậm nói do tự kỷ với các nguyên nhân khác.
Trẻ chậm nói có phải tự kỷ? Giải đáp?
Tự kỷ (rối loạn phổ tự kỷ) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh với cơ chế vô cùng phức tạp. Dạng rối loạn này ảnh hưởng đến nhiều chức năng của trẻ, trong đó đa phần trẻ đều có khiếm khuyết về ngôn ngữ. Tự kỷ khởi phát khá sớm với hơn 75% trường hợp xuất hiện trước 3 tuổi. Do đó, nếu chú ý, bố mẹ có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để trẻ có cơ hội được can thiệp và giáo dục kịp thời.
Như đã đề cập, khiếm khuyết về ngôn ngữ là vấn đề gặp hầu hết ở trẻ tự kỷ – ngoại trừ trẻ mắc hội chứng Asperger hay còn gọi là tự kỷ chức năng cao. Do đó, không ít phụ huynh băn khoăn về vấn đề “Trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ hay không?”.
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh với phạm vi ảnh hưởng rộng và mức độ đa dạng, có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Trong đó, ngôn ngữ, tư duy, nhận thức và hành vi là những khía cạnh mà đa phần trẻ tự kỷ đều gặp phải khiếm khuyết. Vì vậy, chậm nói được xem là triệu chứng điển hình của rối loạn phổ tự kỷ.
Tuy nhiên, chậm nói cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác như mất thính lực, có vấn đề về vòm họng, lưỡi, miệng, bại não, tổn thương thực thể ở não, sang chấn tâm lý,… Do đó, triệu chứng chậm nói chưa đủ để xác định trẻ có bị tự kỷ hay không.
Thông thường, trẻ từ 3 – 4 tháng tuổi đã bắt đầu bập bẹ nói những từ không có nghĩa. Từ khoảng 6 – 7 tháng tuổi, trẻ có thể bắt chước lời nói của người lớn nhưng âm thanh vẫn chưa rõ ràng và đa phần đều chưa rõ nghĩa. Trẻ từ 12 tháng tuổi trở đi sẽ bắt đầu nói được những từ đơn giản có nghĩa như ba ba, ma ma, măm măm,…
Quá trình phát triển ngôn ngữ sẽ có sự khác biệt ở từng trẻ. Một số trẻ có thể biết nói sớm hơn hoặc muộn hơn thời gian trung bình. Chậm nói chỉ được xác định khi trẻ không có đáp ứng với âm thanh và tiếng động lớn ở tháng thứ 7. Đồng thời không bi bô hay nói bất cứ từ nào khi đủ 12 tháng tuổi. Những trẻ tự kỷ cũng thường không phản ứng khi được gọi tên, không biết giao tiếp bằng cử chỉ (vẫy tay, lắc đầu, chỉ tay,…).
Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm nói và tự kỷ chỉ là một trong số những nguyên nhân thường gặp. Để xác định chính xác liệu trẻ chậm nói có phải do tự kỷ hay không, bố mẹ nên quan sát một số biểu hiện đi kèm.
Phân biệt chậm nói do tự kỷ và các nguyên nhân khác
Chậm nói là một trong những triệu chứng của tự kỷ. Biểu hiện này xảy ra do khiếm khuyết trong quá trình phát triển ngôn ngữ và tư duy. Trẻ tự kỷ không chỉ chậm nói mà còn không có nhu cầu giao tiếp và gần như không có bất cứ đáp ứng nào trước lời nói của những người xung quanh.
Để phân biệt chậm nói do tự kỷ và do những nguyên nhân khác, bố mẹ có thể dựa vào 2 yếu tố sau đây:
1. Đặc điểm chậm nói ở trẻ tự kỷ
Mức độ chậm nói sẽ có sự khác biệt ở từng trẻ và đây sẽ là cơ sở để phân biệt giữa tự kỷ với các nguyên nhân khác. Dưới đây là những biểu hiện liên quan đến khiếm khuyết ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ:
- Một số trẻ gần như bị câm, trẻ hoàn toàn không phát ra âm thanh nào ngoại trừ tiếng khóc. Hoặc cũng có thể phát ra những âm thanh vô nghĩa, kỳ lạ có tính chất lặp đi lặp lại.
- Khi đủ 12 tháng tuổi, trẻ vẫn không nói bập bẹ và không biết sử dụng cử chỉ để giao tiếp (chỉ tay, lắc đầu, vẫy tay).
- Trẻ tự kỷ khi đủ 16 tháng tuổi vẫn chưa thể nói từ đơn và không thể nói được từ có 2 âm tiết khi đủ 24 tháng tuổi.
- Không biết cách bắt chước khi người lớn dạy trẻ tập nói.
Ngoài biểu hiện là chậm nói, trẻ tự kỷ cũng có một số vấn đề khác về ngôn ngữ. Dựa vào các biểu hiện sau đây, bố mẹ có thể xác định được phần nào tình trạng sức khỏe của con trẻ:
- Một số trẻ tự kỷ có thể nói được nhưng đa số không hiểu nghĩa hoặc chỉ hiểu nghĩa đen của từ.
- Một số trẻ có khả năng học hỏi từ ngữ nhanh nhưng chỉ có tính chất học vẹt. Trẻ gần như không biết sử dụng ngôn ngữ trong hoàn cảnh thực tế và không tận dụng được từ ngữ để thể hiện mong muốn, ý nghĩ của bản thân.
- Đối với những trẻ lớn hơn, trẻ chỉ có thể nói các câu đơn giản nhưng thường sai ngữ pháp, cách nói rời rạc và tối nghĩa.
- Giọng nói đều đều, không biết cách nhấn nhá hay hạ thấp giọng trong những tình huống đặc biệt.
- Trẻ không có nhu cầu giao tiếp và không có phản ứng hoặc phản ứng kém với những âm thanh xung quanh (tiếng động lớn, khi người khác gọi tên trẻ hoặc cố ý tạo ra âm thanh để thu hút trẻ,…).
- Một số trẻ biết nói nhưng thường tự lẩm bẩm một mình thay vì giao tiếp với bố mẹ hay bạn bè đồng trang lứa.
Các khiếm khuyết về ngôn ngữ ở trẻ tự kỷ bộc lộ rất sớm ngay từ những năm đầu đời. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chỉ nghĩ rằng trẻ chậm nói do tiếp xúc với thiếu bị điện tử quá sớm. Vì vậy, rất nhiều gia đình đưa trẻ thăm khám khá muộn khi trẻ đã tới tuổi đến trường.
2. Xem xét các dấu hiệu đi kèm
Rối loạn phổ tự kỷ có liên quan đến những bất thường ở não bộ như thay đổi cấu trúc của thùy trán, thùy thái dương, tiểu não, bất thường về sinh hóa thần kinh và thiếu hụt hoạt hóa cấu tạo lưới,… Những bất thường của não bộ gây ra rất nhiều khiếm khuyết trong quá trình phát triển thần kinh.
Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển lan tỏa nên không chỉ ảnh hưởng đến một vài chức năng mà gây ra khiếm khuyết ở nhiều khía cạnh khác nhau. Do đó, ngoài việc chậm phát triển ngôn ngữ và chậm nói, trẻ tự kỷ cũng có những biểu hiện khác. Đa số các biểu hiện đều khởi phát trước năm 3 tuổi.
Để xác định liệu trẻ bị chậm nói là do tự kỷ hay các nguyên nhân khác, bố mẹ có thể dựa vào một số triệu chứng đi kèm như:
- Trẻ không có tương tác với bố mẹ, rất ít khi quấy khóc và cũng không có phản ứng đòi bế (rướn người đòi bố/ mẹ bế)
- Có xu hướng chơi một mình và như chìm đắm trong thế giới riêng. Trẻ không tỏ ra quan tâm khi nghe thấy âm thanh hay những sự việc đang xảy ra xung quanh.
- Không có phản ứng sợ hãi hay khóc lóc khi thấy người lạ. Hoàn toàn không có nhu cầu được quan tâm, yêu thương, không tìm an ủi, vỗ về khi bị té ngã hay bị bắt nạt và không bám bố mẹ ngay từ khi còn rất nhỏ.
- Trẻ có những hành vi định hình, rập khuôn như chơi với bàn tay, ngửi đồ vật, lắc lư thân mình, lắc tay, chân thành nhịp,…
- Trẻ có biểu hiện tăng động hoặc ít vận động.
Nếu trẻ có những biểu hiện này, gia đình cần sắp xếp cho trẻ thăm khám càng sớm càng tốt. Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh với căn nguyên và cơ chế phức tạp. Hiện tại, bệnh lý này vẫn chưa thể điều trị. Do đó, can thiệp sớm sẽ giúp trẻ cải thiện các chức năng, tăng khả năng học tập và hòa nhập với xã hội.
Trên đây là thông tin giải đáp “Trẻ chậm nói có phải bị tự kỷ hay không?” và cách phân biệt chậm nói do tự kỷ với những nguyên nhân khác. Ngay cả khi trẻ không có biểu hiện của chứng tự kỷ, gia đình vẫn nên cho trẻ thăm khám sớm. Bởi chậm nói do bất cứ nguyên nhân nào cũng đều ảnh hưởng đến quá trình phát triển và chất lượng cuộc sống của con trẻ.
Tham khảo thêm:
- Chữa tự kỷ bằng phương pháp tâm lý trị liệu có hiệu quả không?
- Cách phân biệt giữa trầm cảm và tự kỷ bạn nên biết
- Bài Test Nhanh Kiểm Tra Trẻ Tự Kỷ Cha Mẹ Nên Biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!