Hội chứng Asperger (Tự kỷ chức năng cao): Điều cần biết
Hội chứng Asperger (tự kỷ chức năng cao) thường đi kèm với khả năng đặc biệt về ngôn ngữ và nhận thức. Đây là lý do vì sao nhiều người mắc Asperger có thể làm tốt trong môi trường học tập hoặc công việc mà không gặp quá nhiều khó khăn như những dạng tự kỷ khác.
Hội chứng Asperger (Tự kỷ chức năng cao) là gì?
Hội chứng Asperger (Tự kỷ chức năng cao) là dạng tự kỷ mà người mắc có khả năng tư duy và giao tiếp vượt trội hơn nhiều so với các dạng tự kỷ khác. Người mắc hội chứng này có trí thông minh cao và vốn từ vựng phong phú nhưng khó hiểu ý người khác.
Thuật ngữ “Hội chứng Asperger” do Tiến sĩ Lorna Wing – nhà tâm thần học người Anh đưa ra những năm 1980 dựa trên nghiên cứu của Hans Asperger từ trước đó. Đến năm 1992, Asperger trở thành thuật ngữ chẩn đoán chính thức trong ICD10 và sau đó xuất hiện trong DSM – 4 (1994) tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, từ năm 2013 chẩn đoán này được gộp vào rối loạn phổ tự kỷ (ASD) trong DSM – 5, giúp đơn giản hóa và đồng nhất các chẩn đoán.
Hội chứng này đặc trưng bởi khả năng ngôn ngữ và trí tuệ cao, nhưng người mắc lại khó giao tiếp xã hội và hay tuân theo thói quen cứng nhắc. Trẻ em mắc hội chứng được nhận ra khi đến tuổi đi học, do lúc đó mới có biểu hiện tập trung cao độ trong 1 lĩnh vực nhưng lại khó hòa nhập và thiếu linh hoạt trong sinh hoạt.
Nguyên nhân của hội chứng asperger ở trẻ
Dù nghiên cứu vẫn đang tiếp tục, rõ ràng là có nhiều yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Asperger.
Nguyên nhân di truyền
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em mắc hội chứng này thường có người thân như cha mẹ hoặc anh chị em gặp các biểu hiện tương tự. Điều này cho thấy rằng nếu trong gia đình đã có người mắc hội chứng Asperger, nguy cơ trẻ sinh ra mang gen liên quan sẽ tăng cao.
Điều đáng chú ý là yếu tố di truyền không phải lúc nào cũng dẫn đến hội chứng Asperger mà hay kết hợp cùng các yếu tố khác. Tuy nhiên, việc có người thân mắc hội chứng này trong gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ rõ ràng, giúp các nhà khoa học hiểu thêm về cách hội chứng này phát triển.
Nguyên nhân môi trường
Bên cạnh yếu tố di truyền, môi trường sống của người mẹ trong thời kỳ mang thai cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và là nguyên nhân của hội chứng Asperger. Nếu mẹ bầu phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại, chất ô nhiễm trong môi trường làm việc hoặc sinh sống, cơ thể sẽ tích tụ chúng và gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của thai nhi.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với các chất gây quái thai, nhiễm trùng, vấn đề trong quá trình thai nghén cũng tác động đến sự phát triển não bộ của trẻ, dẫn đến những khác biệt về khả năng giao tiếp và nhận thức sau khi chào đời. Dù không phải là nguyên nhân trực tiếp, môi trường sống đã thúc đẩy nguy cơ phát triển hội chứng Asperger.
Đối tượng nguy cơ
Mặc dù khoa học chưa xác định được chính xác nguyên nhân, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có những đối tượng có nguy cơ mắc Asperger cao hơn:
- Có người thân mắc Asperger, rối loạn phổ tự kỷ, đặc biệt là anh chị em ruột
- Người sinh ra từ cha mẹ lớn tuổi, từ mẹ có sức khỏe tâm thần không ổn định như mắc trầm cảm.
- Thai phụ tiếp xúc với hóa chất trong thai kỳ như phthalates, thuốc trừ sâu
- Người sinh non, đặc biệt là trước 26 tuần thai kỳ
- Người đối diện với các biến chứng khi sinh, sử dụng một số loại thuốc như thuốc ổn định tâm trạng
- Người mắc hội chứng Tourette, động kinh
- Người có sự thay đổi bất thường ở một số vùng não bộ, đặc biệt là thùy trán và thái dương ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và cảm xúc.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng Asperger
Những triệu chứng của hội chứng này chủ yếu liên quan đến khả năng giao tiếp, cảm xúc và hành vi. Trẻ hoặc người lớn mắc Asperger rất hay gặp khó khăn dẫn đến sự khác biệt trong hành vi và cách tương tác với thế giới xung quanh:
- Tránh giao tiếp bằng mắt, thường xuyên nhìn đi nơi khác khi nói chuyện
- Hạn chế thể hiện cảm xúc, có khi không cười hay khóc theo hoàn cảnh
- Nói giọng đều đều, không có nhịp điệu hay ngữ điệu sinh động
- Khó bắt chuyện, khó duy trì một cuộc hội thoại lâu dài
- Tập trung quá mức vào một sở thích cụ thể và ít nói về chủ đề khác
- Tỏ ra ngại ngùng, lúng túng khi giao tiếp xã hội
- Khó hiểu được và bỏ qua các tín hiệu phi ngôn ngữ như cử chỉ, nét mặt
- Duy trì thói quen cố định, không thích sự thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày
- Dễ bị căng thẳng nếu phải thay đổi lịch trình, thói quen quen thuộc
- Nói chuyện trôi chảy nhưng chỉ quanh quẩn một số chủ đề nhất định
- Có chuyển động kỳ lạ lặp đi lặp lại như vỗ tay, xoay người, nhún chân
- Cảm thấy khó hiểu được câu nói mang tính hài hước, trêu chọc, mỉa mai
- Tránh giao tiếp, không thoải mái khi ra ngoài xã hội đông người
- Khó diễn đạt cảm xúc và mong muốn
- Không chia sẻ sở thích, thành tựu với người khác hoặc ít quan tâm đến việc đó
- Có phản ứng nhạy cảm bất thường với âm thanh, ánh sáng, đụng chạm
Phân biệt thiên tài và hội chứng Asperger
Thiên tài là những cá nhân có trí tuệ xuất chúng, nổi bật trong một hoặc nhiều lĩnh vực nhất định. Với khả năng học hỏi nhanh chóng và tư duy độc đáo, thiên tài hay tập trung sâu vào lĩnh vực mình yêu thích và được biết đến nhờ khả năng vượt trội so với đồng trang lứa.
Hội chứng Asperger thuộc phổ tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh. Người bệnh khó giao tiếp và tương tác xã hội nhưng lại có thế mạnh ở khả năng phân tích và ghi nhớ chi tiết. Họ cũng tập trung sâu vào một vài sở thích, phát triển kỹ năng cao trong một vài lĩnh vực nhờ khả năng tập trung và tư duy logic.
Điểm giống nhau giữa thiên tài và người mắc hội chứng Asperger:
- Trí thông minh và khả năng tư duy logic: Cả 2 đều có trí thông minh vượt trội và khả năng tư duy phân tích tốt để đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực mình theo đuổi.
- Sở thích đặc biệt: Có xu hướng tập trung sâu vào sở thích riêng, khám phá, học hỏi không ngừng và thường xuyên quay lại với chủ đề mà mình đặc biệt đam mê.
- Khó giao tiếp xã hội: Nhiều thiên tài và người mắc Asperger đều gặp trở ngại để hòa nhập xã hội, diễn đạt cảm xúc dẫn đến khó kết nối với người khác.
Điểm khác nhau giữa thiên tài và người mắc hội chứng Asperger:
Đặc điểm |
Thiên tài |
Hội chứng Asperger |
Giao tiếp xã hội | Có thể linh hoạt trong giao tiếp, nhưng cũng có thể chọn cách cô lập mình. | Khó giao tiếp, khó hiểu ngôn ngữ phi ngôn ngữ. |
Sở thích | Sở thích đa dạng, có thể thay đổi theo thời gian. | Sở thích rất cụ thể, lặp đi lặp lại, không muốn thay đổi. |
Cảm xúc | Có khả năng hiểu được và điều khiển cảm xúc của mình. | Khó thấu hiểu cảm xúc của bản thân và người khác. |
Hành vi | Hành vi linh hoạt, thích ứng tốt với môi trường. | Hành vi có thể lặp đi lặp lại, khó thay đổi. |
Biện pháp chẩn đoán hội chứng Asperger
Chẩn đoán hội chứng Asperger đòi hỏi sự tham gia của các chuyên gia y tế để đảm bảo đánh giá toàn diện và hỗ trợ trẻ phát triển:
- Nhà tâm lý học: Người chẩn đoán và điều trị các vấn đề về cảm xúc và hành vi.
- Bác sĩ thần kinh nhi khoa: Chuyên điều trị các bệnh lý về não bộ và hệ thần kinh.
- Bác sĩ phát triển nhi khoa: Tập trung vào vấn đề ngôn ngữ, lời nói và sự phát triển tổng thể của trẻ.
- Bác sĩ tâm thần: Chuyên gia sức khỏe tâm thần có khả năng kê đơn thuốc nếu cần thiết để điều trị các triệu chứng liên quan.
Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi một loạt các câu hỏi để hiểu rõ hơn về hành vi của trẻ, bao gồm:
- Trẻ có những biểu hiện gì và phụ huynh nhận thấy chúng từ khi nào?
- Thời điểm trẻ bắt đầu biết nói và cách trẻ giao tiếp với người xung quanh
- Khả năng tập trung của trẻ vào các môn học, hoạt động yêu thích
- Số lượng bạn bè của trẻ và cách trẻ tương tác với người khác
Đánh giá tình trạng bệnh của trẻ cũng dựa trên các tiêu chí quan trọng liên quan đến khả năng giao tiếp và tương tác như:
- Khả năng giao tiếp xã hội
- Cách trẻ diễn đạt biểu cảm qua giao tiếp
- Khả năng phát triển ngôn ngữ trong giao tiếp
- Mức độ hòa đồng và tương tác với bạn bè
- Kỹ năng vận động
Điều trị hội chứng Asperger
Việc điều trị hội chứng Asperger ngày càng được quan tâm bởi nhận thức rõ ràng rằng, với hỗ trợ phù hợp, người mắc hội chứng này hoàn toàn có thể phát huy khả năng đặc biệt của mình và hòa nhập tốt hơn với xã hội.
1. Thuốc điều trị
Hiện chưa có loại thuốc nào được chỉ định đặc biệt cho hội chứng Asperger. Trên thực tế, nhiều người mắc hội chứng này vẫn sống tốt mà không cần điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cân nhắc kê đơn thuốc để kiểm soát các triệu chứng nghiêm trọng, các vấn đề liên quan khác:
- Thuốc chống trầm cảm như SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) giúp điều chỉnh cảm xúc và giảm lo âu
- Thuốc chống loạn thần, hỗ trợ ổn định tâm trạng và kiểm soát hành vi khi cần thiết
- Thuốc kích thích dành cho người khó tập trung, đặc biệt là khi có triệu chứng rối loạn thiếu tập trung
Dù các loại thuốc này có thể hữu ích, chúng cũng đi kèm với nguy cơ tác dụng phụ. Vì vậy cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân hoặc con trẻ.
2. Liệu pháp can thiệp
Đối với những người mắc hội chứng Asperger, liệu pháp can thiệp giúp cải thiện khả năng giao tiếp, học cách duy trì các mối quan hệ và kiểm soát hành vi. Cụ thể:
- Liệu pháp ngôn ngữ: Đây là bước đầu giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp của trẻ thông qua thay đổi giọng điệu và cách nói. Trẻ sẽ học cách giao tiếp và cải thiện khả năng duy trì cuộc trò chuyện.
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Với việc thay đổi cách suy nghĩ, liệu pháp CBT giúp trẻ kiểm soát cảm xúc và hành vi lặp đi lặp lại. Đồng thời học cách đối phó với những cảm xúc dữ dội như sự bùng nổ, nỗi ám ảnh.
- Phân tích hành vi ứng dụng (ABA): Phương pháp này dạy trẻ các hành vi xã hội tích cực và ngừng hành vi không mong muốn. Các nhà trị liệu sẽ sử dụng các phần thưởng và khuyến khích tích cực để đạt được kết quả.
- Liệu pháp nghề nghiệp: Phương pháp để trẻ học các kỹ năng cần thiết nhằm trở nên độc lập hơn trong cuộc sống và phát triển các kỹ năng công việc lâu dài.
- Vật lý trị liệu: Để cải thiện sự phối hợp và khả năng cân bằng, vật lý trị liệu là lựa chọn hữu ích cho người bệnh tập trung tốt hơn khi phải đối diện với yếu tố gây mất tập trung xung quanh.
3. Đào tạo kỹ năng xã hội
Thông qua các buổi học nhóm hoặc trị liệu cá nhân, trẻ em mắc chứng Asperger sẽ học cách tương tác phù hợp với người khác, giúp cải thiện khả năng giao tiếp và thể hiện bản thân trong hoàn cảnh xã hội.
Bên cạnh việc giúp các bé, các bậc phụ huynh cũng sẽ học được nhiều kỹ thuật tương tự để hỗ trợ con mình ở nhà. Đôi khi, một số gia đình cũng cần sự tư vấn từ chuyên gia để có thể vượt qua thách thức khi sống chung với người mắc hội chứng Asperger.
Người mắc hội chứng Asperger (tự kỷ chức năng cao) có tiềm năng rất lớn nếu được hỗ trợ đúng cách. Những khác biệt của họ nếu được trân trọng và hướng dẫn sẽ trở thành nền tảng cho những thành công trong tương lai đầy ấn tượng.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ chậm nói có phải tự kỷ? Làm sao phân biệt?
- Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc: Điều cha mẹ cần biết
- Tự kỷ ám thị: Dấu hiệu nhận biết, tác động và can thiệp
Các nguồn tham khảo:
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/6436-asperger-syndrome
- https://www.webmd.com/brain/autism/mental-health-aspergers-syndrome
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!