Hội chứng cô đơn giữa gia đình – Nghịch lý của cuộc sống
Hội chứng cô đơn giữa gia đình có thể gặp ở bất cứ ai, dù là trẻ em, người lớn, người phụ nữ, người đàn ông, cha mẹ hay con cái. Sống trong một ngôi nhà nhưng lại không thể chia sẻ với ai, cảm giác xa không không thể hiểu ai và cũng không ai hiểu mình khiến rất nhiều người không thể nào định nghĩa được điều gì gọi là “tình cảm gia đình”.
Như thế nào là hội chứng cô đơn giữa gia đình?
Người ta thường nói rằng gia đình là nơi “đi để trở về”. Cho dù bạn là ai, bạn thành công hay thất bại, bạn tài giỏi hay có những lầm lỡ, cho dù bạn đã lớn bao nhiêu nhưng chỉ cần về nhà bạn lại giống như là một đứa trẻ, được yêu thương và được bảo vệ. Nhà là nơi có bố, có mẹ, có ông bà, có anh chị em và có sự hạnh phúc. Không khí đầm ấm của gia đình là điều mà ai cũng xứng đáng được tận hưởng.
Bất cứ ai cũng cho rằng nhà là nơi yên bình và ấm áp nhất, thế nhưng có những người lại sợ hãi cảm giác về nhà. Dù cùng chung sống trong một mái nhà, cùng một huyết thống nhưng họ lại có cảm giác cô đơn giữa gia đình. Cho dù mỗi ngày đều nói chuyện, đều cùng ăn một bữa cơm, đều nhìn thấy nhau hằng ngày nhưng họ lại cảm thấy không thể nào hòa hợp, không thể nào thoải mái mái được cho dù đang ở trong nhà.
Theo thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu Pew đã chỉ ra, hội chứng cô đơn giữa gia đình xuất hiện nhiều ở những người không hài lòng với cuộc sống gia đình và họ cảm thấy bản thân mình cô lập, không thể giao tiếp với ai. Thậm chí có đến khoảng 28% người Mỹ họ cảm thấy bị cô lập “tất cả hoặc hầu hết thời gian” khi ở cùng với người thân hay ở trong ngôi nhà của mình ( cùng với các thành viên khác).
Hội chứng cô đơn giữa gia đình có thể bắt gặp ở bất cứ ai, không kể giới tính, tuổi tác, công việc, chức vụ, vai trò. Một người mẹ có thể cảm thấy cô đơn vì không thể hiểu con cái đang nghĩ gì, một đứa trẻ cô đơn dù sống trong một căn nhà rộng lớn nhưng cha mẹ suốt ngày đi công tác, một người bà cảm thấy bản thân cô độc vì con cháu không ai quan tâm, một người đàn ông cô đơn vì quá bận rộn kiếm tiền đến mức con cái đã lớn mà chẳng hiểu vì về con.
Thực tế thì hội chứng cô đơn giữa gia đình là một vấn đề cấp bách của thời hiện đại. Bởi rõ ràng, chỉ khi xã hội phát triển, công nghệ phát triển, con người bận rộn hơn thì những vấn đề về cảm xúc, về sự gắn kết giữa con người với con người mới được làm rõ nét hơn. Trong khi đó trước đây khi chưa có điện thoại, chưa có đồ chơi, chưa có internet thì tình cảm giữa con người với con người lại gần gũi nhau đến lạ.
Biểu hiện của hội chứng cô đơn giữa gia đình
Không thể mô tả chính xác như thế nào là hội chứng cô đơn giữa gia đình, tuy nhiên có thể hiểu một cách đơn giản nhất chính là trạng thái không thể hòa hợp, không thể giao tiếp, không thể cảm nhận được sự tương đồng về cảm xúc và không thể thoải mái cho dù ở trong chính ngôi nhà, chung sống với người thân của mình.
Những người này luôn chỉ muốn ở nhà một mình hoặc chỉ muốn ở phòng, luôn tìm cách tránh việc giao tiếp với gia đình hoặc cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng khi phải trò chuyện hay có các cuộc họp với các thành viên trong nhà, các đám tiệc tại nhà. Thậm chí có người chấp nhận làm việc cả ngày, tăng ca hoặc làm mọi thứ chỉ để không phải có mặt tụ họp hay gặp gỡ với các thành viên trong nhà.
Kể cả cho dù có gặp khó khăn những người mắc hội chứng này cũng tự mình chịu đựng, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác chứ không nhận sự giúp đỡ từ người nhà ( hoặc không thể). Đồng thời họ cũng cảm thấy có sự liên kết chặt chẽ hơn với người ngoài chứ không phải những người trong gia đình. Hội chứng cô đơn giữa gia đình khiến những người này dường như không thể biết chính xác như thế nào được gọi là hơi ấm gia đình.
Tuy nhiên tất cả những cảm giác này đều không có nghĩa là nhất thiết những người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình phải sống trong các gia đình có sự bạo hành, khó khăn, gia đình không hạnh phúc hay không yêu thương nhau. Những người này vẫn hoàn toàn có tình yêu thương dành cho gia đình nhưng họ luôn có cảm giác giữa mình và gia đình ( hoặc bản thân và các thành viên trong gia đình) luôn có những khoảng cách không thể nào lấp đầy, cho dù họ đã cố gắng thử và làm mọi cách rất nhiều lần.
Hội chứng cô đơn giữa gia đình – nguyên nhân là đâu?
Một điều thú vị là hội chứng cô đơn giữa gia đình lại xuất hiện rất nhiều trong các gia đình khá giả, cha mẹ đủ đầy hoặc bề ngoài có vẻ là một tổ ấm hạnh phúc. Không thể nào khẳng định được chính xác một người vì sao lại cảm thấy cô đơn, cảm thấy bị tách biệt trong chính căn nhà mình nhưng chắc chắn rằng nó liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó sự vô tâm của những người xung quanh có tác động đến trạng thái tâm lý này rất lớn.
Chẳng hạn, một số trường hợp thường gặp ở những người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình như
- Những đứa trẻ sống trong gia đình khá giả nhưng cha mẹ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc, trò chuyện với con, họ luôn cho rằng chỉ cần cung cấp đủ tiền bạc, cho con những vật chất tốt nhất tức là đã quan tâm đến con rồi. Có những đứa trẻ dù sống cùng nhà nhưng cả tháng không thể ăn cùng cha mẹ được một bữa cơm, không thể trò chuyện với phụ huynh nên cảm giác cô đơn lẻ loi trong căn nhà vô cùng khang trang lộng lẫy.
- Cha mẹ thường xuyên áp đặt con cái theo ý mình là không tôn trọng ý kiến con, không lắng nghe con cái thực sự muốn gì. Chẳng hạn luôn bắt con cái phải học ngành mà họ luôn, phải chơi hay phải ăn mặc theo cách mà phụ huynh đã sắp xếp. Càng ngày giữa cha mẹ và con cái ngày càng trở nên có khoảng cách, không tìm được tiếng nói chung dẫn tới những người con luôn cảm thấy cô đơn giữa gia đình.
- Người phụ nữ không còn nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ chồng, lúc nào cũng quẩn quanh với con cái, nội trợ, chỉ ở nhà trong khi người chồng lúc nào cũng vô tâm, luôn tụ tập bên bạn bè mà không suy nghĩ đến cảm xúc của người vợ. Hội chứng cô đơn giữa gia đình đặc biệt xuất hiện nhiều ở những người phụ nữ sau sinh con, không còn nhiều thời gian riêng cho bản thân, bắt đầu có những xung đột, không thể tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn như trước đây với người bạn đời.
- Người đàn ông, người chồng cũng hoàn toàn có thể cảm thấy bị cô lập trong gia đình khi mà họ có quá nhiều áp lực dồn nén lên vai nhưng không tìm được ai giúp đỡ, san sẻ. Chẳng hạn người vợ lúc nào cũng đòi hỏi người chồng cần phải kiếm về thật nhiều tiền, con cái bốc đồng, nổi loạn, không ai nghe lời cha mẹ…
- Những người già cũng thường cảm thấy cô đơn dù sống cùng con cháu nhưng lại không nhận được sự quan tâm, chia sẻ, luôn cảm thấy như mình là gánh nặng, bị chính con để hạ nhục, đối xử tồi tệ.
- Hội chứng cô đơn giữa gia đình còn gặp ở những đứa trẻ sống bị phân biệt đối xử bởi chính cha mẹ mình. Chẳng hạn người anh học giỏi hơn nên bất cứ điều gì tốt nhất bố mẹ cũng dành cho người anh, luôn để người em xài đồ cũ, so sánh hay trách mắng người em; hoặc những người chị luôn bị bắt phải nhường nhịn em, cho dù em làm sai thì người chị cũng hay bị trách phạt vì không biết bảo ban em; hay ở những gia đình trọng nam khinh nữ, những người con gái cũng luôn cảm thấy tổn thương, cảm thấy mình bị cô lập vì tất cả mọi thứ gia đình chỉ dành cho người con trai.
Nói chung, có thể nói, hội chứng cô đơn giữa gia đình bắt nguồn từ chính sự vô tâm, không kết nối được về mặt tinh thần, năng lượng, không đồng điệu được về suy nghĩ giữa những thành viên trong gia đình. Các yếu tố tác động có thể liên quan đến tuổi tác, tính cách, suy nghĩ, của từng người nhưng chắc chắn việc thiếu sự sẻ chia đã diễn ra trong thời gian dài.
Chính sự phát triển của internet hiện nay cũng là một yếu tố khiến khoảng cách của những thành viên trong gia đình ngày càng xa hơn. Thử tưởng tượng mỗi người khi về nhà ăn cơm nhưng lại không ăn cùng mà lại cầm điện thoại mỗi người một góc, thay vì nói chuyện trực tiếp cũng chỉ nói qua điện thoại, ai cũng mải mê lên mạng thì chắc chắn sẽ không giống không khí thực sự của một gia đình.
Mặt khác, có những người thường có xu hướng kỳ vọng quá nhiều, mang nhiều hy vọng, mơ ước lớn lao nhưng có thể những người trong gia đình lại không cùng tần số, điều này cũng có thể khiến nhiều người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình. Chẳng hạn người vợ luôn mong muốn chồng lãng mạn, chồng nhớ mọi ngày kỷ niệm, làm những điều bất ngờ cho mình tuy nhiên người bạn đời của họ lại quá thực tế thậm chí là thô lỗ và cục cằn. Khi cả hai không có sự tương đồng được về mặt cảm xúc, không đạt được kỳ vọng của nhau thì người còn lại dễ bị hụt hẫng và có cảm giác cô đơn.
Những hệ lụy không ngờ từ hội chứng cô đơn giữa gia đình
Một vấn đề có thể nhìn thấy rõ rệt ở những người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình chính là họ rất thường xuyên xảy ra tranh cãi với các thành viên khác, không thể tìm được sự hòa hợp. Những người này dù ở bên ngoài có vô cùng vui vẻ biết bao nhiêu nhưng chỉ cần về đến nhà là họ cảm thấy sợ hãi, bồn chồn, mệt mỏi giống như rằng đó là một nơi cực kỳ nguy hiểm.
Ngôi nhà đáng lẽ là nơi mỗi chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, là nơi chúng ta có thể quẳng hết bao gánh lo muộn phiền, là nơi ta tìm về mỗi khi khó khăn thì đối với nhiều người đó lại là nơi lạnh lẽo nhất, nơi mà họ không thể tìm thấy được bất cứ sự sẻ chia nào. Nhiều người thà chấp nhận chịu đựng những khó khăn ở ngoài chứ không muốn nhận sự giúp đỡ, không muốn về nhà.
Hội chứng cô đơn giữa gia đình chính là yếu tố hàng đầu khiến rất nhiều người gặp các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc.. Chẳng hạn như người con lúc nào cũng bị cha mẹ phân biệt đối xử, bị so bì với các anh, luôn bị cha mẹ kiểm soát phải làm theo ý họ; người vợ cảm thấy ngày càng cô đơn khi suốt ngày phải chăm con, không được ra ngoài trong khi chồng thì chỉ mải mê đàn đúm cùng bạn bè..
Gia đình và con người luôn có một mối liên kết rất chặt chẽ, đó không chỉ đơn thuần là mối qua hệ huyết thống mà nó chính là sợi dây tình cảm cực kỳ chắc chắn, không điều gì có thể phá vỡ được. Khi một người cảm thấy bị đẩy ra khỏi mối liên kết này họ dường như trở nên mất niềm tin, cảm thấy thiếu an toàn, dễ bị phụ thuộc vào tình cảm và gặp rất nhiều vấn đề khác đều liên quan đến mặt cảm xúc.
Làm thế nào để vượt qua?
Thực tế đôi lúc, việc chúng ta cảm thấy không thể hòa hợp, bị cô lập trong gia đình hoàn toàn là do cả hai bên chưa thực sự thấu hiểu nhau. Người lớn có góc nhìn riêng của người lớn và trẻ con cũng có cách nhìn nhận, đánh giá riêng của bản thân. Sự cô đơn trong gia đình đôi khi cũng bắt nguồn từ những kỳ vọng quá lớn của bản thân khiến chúng ta không biết dung hòa mọi thứ với nhau.
Hội chứng cô đơn giữa gia đình làm thế nào để vượt qua chắc chắn không phải là một điều dễ dàng mà cần có rất nhiều thời gian. Bản thân chính chúng ta cần phải là người thay đổi trước. Thay vì chờ đợi sự thay đổi của những người trong gia đình, vì sao chúng ta không bắt đầu thay đổi. Cuộc sống và hạnh phúc của bản thân thì cần chính chúng ta phải chủ động nắm bắt và thay đổi.
Hạ kỳ vọng xuống và dùng chính sự chân thành của chúng ta để thay đổi những thành viên trong gia đình chính là điều mà những người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình nên thử. Bởi gia đình vốn là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và kỳ lạ, đôi lúc chỉ là do những người trong cuộc chưa biết cách làm như thế nào để có thể thay đổi nó.
Hãy cứ thẳng thắn trò chuyện, chia sẻ những suy nghĩ của bản thân với các thành viên trong gia đình để cả hai có thể cùng tìm tiếng nói chung. Cố gắng dành thời gian để cùng nhau ăn cơm, tìm điểm chung trong cuộc trò chuyện, quan tâm đến sở thích của đối phương.. hãy bắt đầu từ những điều nho nhỏ như thế để dần cải thiện tình cảm với các thành viên trong gia đình.
Tất nhiên còn rất nhiều yếu tố xoay quanh hội chứng cô đơn giữa gia đình và không phải lúc nào nỗ lực cứu vãn mối quan hệ của bạn cũng có thể thành công. Nhưng dù thế nào, bạn cũng nên dành thời gian chăm sóc cho bản thân nhiều hơn. Tập thể dục, ngủ đủ giấc, học tập những kỹ năng mới, không ngừng trau dồi bản thân, tự yêu thương chính mình nếu không có ai yêu bạn. Niềm vui hay sự hạnh phúc của bản thân là điều chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra chứ không cần phải phụ thuộc vào bất cứ ai.
Trong một vài trường hợp, chăm sóc trị liệu tâm lý cũng là điều cực kỳ cần thiết, đặc biệt với những người ngày càng cảm thấy xa cách với mọi thứ, chán chường, tuyệt vọng, không còn chút sức lực nào khi ở nhà, ngày càng trở nên tiêu cực và dễ kích động hơn khi thấy các thành viên trong gia đình. Chăm sóc tâm lý sẽ giúp tinh thần những người này dần ổn định hơn, hạn chế các hành vi tiêu cực có thể gây hại cho chính bản thân.
Dù nói như thế nào thì để thoát hoàn toàn khỏi hội chứng cô đơn giữa gia đình vẫn rất cần có sự thay đổi từ cả hai phía. Đôi lúc chỉ cần một lời động viên “con đã cố gắng rất nhiều, bố mẹ tự hào về con”; một lời an ủi rằng ” trong mắt bố mẹ, con cũng giỏi như anh con vậy” cũng đủ khiến một người thoát ra được những cảm xúc tiêu cực đến cùng cực.
Xem thêm: Rạch tay do trầm cảm: Hành vi tự hủy hoại của nhiều người trẻ
Đừng biến ngôi nhà trở thành nơi lạnh lẽo!
Không thể phủ nhận rằng, sự phát triển của xã hội, internet đã khiến con người ngày càng trở nên có khoảng cách hơn , đặc biệt chính là những người trong cùng một gia đình. Thử tưởng tượng nếu mỗi ngày, cha mẹ, con cái ai cũng bận việc riêng ở ngoài, tối cũng cầm điện thoại, laptop để làm việc, để lướt mạng, để xem phim, mỗi người cũng ngồi một góc riêng, ăn cơm cũng cầm điện thoại thì chắc chắn đó không giống một gia đình mà chỉ giống như một nhà trọ mà ai cũng có thể dừng chân và đi bất cứ lúc nào.
Hội chứng cô đơn giữa gia đình có thể bắt gặp ở bất cứ ai, trong bất cứ gia đình nào nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh nó bằng rất nhiều cách và điều này không hề khó chút nào. Bởi những thứ chúng ta cố gắng, những thứ tốt đẹp mà chúng ta mong muốn đạt được thường đều hướng chung về một lý tưởng chính là để đem đến cho những người thân yêu những điều tốt đẹp nhất.
Vậy cần làm gì để không trở thành người mắc hội chứng cô đơn giữa gia đình và cũng không để ai trong ngôi nhà thân yêu của bạn có cảm giác này?
- Luôn có những quy định trong gia đình cần phải tuân thủ, chẳng hạn như mỗi ngày cần phải cùng nhau ăn bữa tối, không được vắng mặt; không được dùng điện thoại trong bữa cơm, không được tranh luận trong bữa cơm
- Học cách tôn trọng các thành viên trong nhà cũng như tất cả mọi người xung quanh bởi bạn đối xử với người khác như thế nào thì người khác cũng đối xử lại với bạn như thế. Hoặc ngay cả khi một người nào đó đối xử tồi tệ với bạn thì bạn hãy dùng sự chân thành của mình đối xử lại để cảm hóa và thay đổi chính người đó
- Chia sẻ nhiều hơn với gia đình, bởi vì sao chúng ta lại có thể thoải mái nói chuyện với một người xa lạ về những vấn đề của bản thân nhưng lại ngại ngùng khi trò chuyện với những người thân trong nhà?
- Ngưng so sánh người này với người kia, chỉ một câu nói rằng ” sao anh học giỏi thông minh mà con lại cỏi vậy, bố mẹ quá thất vọng” cũng đủ để khiến một đứa trẻ mắc phải hội chứng cô đơn giữa gia đình. Bởi thế đừng làm tổn thương bất cứ ai bằng những lời nói sắc như dao nhưng tưởng như vô tình của bản thân
- Dành thời gian ở bên gia đình nhiều hơn. Chỉ cần đơn giản là cùng ăn một bữa cơm, cùng đi chợ, cùng đi du lịch cũng đủ để gắn kết gia đình nhanh chóng.
- Tôn trọng suy nghĩ, sở thích, cá tính và mong muốn của các thành viên trong gia đình và luôn tìm cách ủng hộ các thành viên chạm tay vào ước mơ. Cho dù họ có những ước mơ xa vời và phi lý nhưng chỉ cần có được sự cổ vũ tư gia đình thì mọi khó khăn trước mắt đều không còn là đáng sợ.
- Hạ kỳ vọng của cá nhân xuống sẽ giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn bạn không thể đòi hỏi chồng mình phải như “chồng người ta”, vừa giỏi kiếm tiền nhưng về nhà vẫn giúp vợ nấu cơm, chăm con, làm hết mọi việc nhà. Con người không phải ai cũng có thể hoàn hảo nên chúng ta cần học cách chấp nhận những khiếm khuyết của đối phương, điều này sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn hẳn.
- Hoàn thành tốt trách nhiệm của bản thân với gia đình cũng là một cách xây dựng một gia đình hạnh phúc
Hội chứng cô đơn giữa gia đình giống như một vấn đề của thời đại bởi số người có những cảm xúc này ngày càng nhiều hơn. Bản thân mỗi người chúng ta hãy chính là người tiên phong thay đổi điều này chứ không cần nhất định phải chờ đợi hay phụ thuộc vào một ai khác. Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, đối xử với những người xung quanh một cách chân thành nhất chắc chắn bạn sẽ nhận về cho mình những món quà xứng đáng.
Có thể bạn quan tâm:
- Hôn nhân không hạnh phúc có nên tiếp tục sống vì con không?
- Có nên sống thử trước hôn nhân để hiểu nhau hơn không?
- Vô tâm trong hôn nhân là do đâu? Làm sao khắc phục?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!