Hội chứng sợ sấm sét (Astraphobia): Cách giúp bạn vượt qua
Hội chứng sợ sấm sét (Astraphobia) không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em mà còn phát triển ở tuổi trưởng thành. Chứng ám ảnh sợ cụ thể này đề cập đến nỗi sợ hãi tột độ, phi lý và dai dẳng trước sấm sét, giông bão. Ngoài gây phiền toái cho cuộc sống thì Astraphobia còn làm gia tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý khác nên cần sớm thăm khám và điều trị.
Hội chứng sợ sấm sét (Astraphobia) là gì?
Hội chứng sợ sấm sét (Astraphobia) được hiểu một cách đơn giản là nỗi sợ hãi dữ dội của một người đối với sấm và sét (hiện tượng thường xuất hiện khi trời nổi cơn giông bão). Đây là một trong những chứng ám ảnh sợ hãi phổ biến hơn ở trẻ em, tuy nhiên nó cũng có thể phát triển đến tuổi trưởng thành.
Bất cứ khi nào xuất hiện sấm chớp hoặc giông bão thì những người mắc chứng Astraphobia đều cảm thấy vô cùng sợ hãi và nảy sinh lo lắng quá mức. Chỉ cần chú ý là bạn có thể dễ dàng thấy được những người mắc hội chứng này thường có xu hướng dán mắt vào TV một cách ám ảnh để chờ đón các bản tin thời tiết.
Trong một số trường hợp, chỉ là thông tin trên dự báo thời tiết cũng đã đủ để người bệnh có những cơn hoảng loạn. Ngoài việc trẻ em mắc chứng ám ảnh này nhiều nhất thì những người bị rối loạn xử lý cảm giác hoặc rối loạn phổ tử kỷ cũng có nhiều khả năng mắc chứng Astraphobia.
Astraphobia không chỉ là nỗi ám ảnh đối với riêng con người mà nó còn có nhiều khả năng ảnh hưởng đến động vật. Astraphobia cũng phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới. Số liệu thống kê cho thấy rằng, phụ nữ có nguy cơ mắc phải một chứng ám ảnh sợ cụ thể cao gấp 2 lần so với nam giới.
Hội chứng sợ sấm sét không đơn giản là cảm giác lo sợ, bất an trước các hiện tượng thiên nhiên tiềm ẩn mối nguy hiểm. Nó là nỗi sợ hãi tột độ, quá mức và có phần không tương xứng với mối đe dọa hoặc nguy hiểm thực tế. Nếu không sớm điều trị thì Astraphobia có thể gây ra nhiều rủi ro cho cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây hội chứng sợ sấm sét
Mặc dù đã có khá nhiều nghiên cứu nhưng các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác những nguyên nhân nào gây ra hội chứng sợ sấm sét. Một số yếu tố sau đây được cho là có khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tổn thương trong quá khứ: Những trải nghiệm tiêu cực thường có thể ảnh hưởng đến bạn trong một khoảng thời gian dài. Nếu bạn từng có trải nghiệm đau thương liên quan đến các cơn giông bão đáng sợ khi còn nhỏ thì nó có thể khiến bạn bị ám ảnh.
- Phản ứng học được: Nhìn thấy người khác có phản ứng hoảng loạn và sợ hãi quá mức trước sấm sét có thể khiến bạn nghĩ rằng các hiện tượng ngày nguy hiểm hơn thực tế. Từ đó khiến cho bản thân cũng hình thành phản ứng sợ hãi tương tự.
- Yếu tố di truyền: Các chuyên gia cho biết, chứng sợ hãi có thể di truyền trong gia đình. Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn để phát hiện ra gen cụ thể nào tham gia vào sự phát triển Astraphobia.
- Căng thẳng kéo dài: Căng thẳng mãn tính có thể làm giảm khả năng đối phó với những tình huống khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến phản ứng sợ hãi quá mức với các hiện tượng thời tiết tiềm ẩn nhiều nguy hiểm như giông bão, sấm chớp,…
- Mất cân bằng hóa chất trong não: Khi các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và dopamine bị mất cân bằng thì chúng có thể gây ra lo lắng. Điều này góp phần kích hoạt các chứng ám ảnh sợ cụ thể, bao gồm cả hội chứng sợ sấm sét.
Triệu chứng của hội chứng sợ sấm
Các dấu hiệu của hội chứng sợ sấm sét rất giống với dấu hiệu của các dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi khác. Người bệnh thường có cảm giác hoảng sợ cả trước và trong cơn giông bão. Các cảm giác này có thể leo thang trở thành một cơn hoảng loạn toàn diện.
Sự lo lắng quá mức mà bạn gặp phải khi mắc hội chứng sợ sấm sét có thể gây ra các triệu chứng về thể chất. Dưới đây là một số triệu chứng thể chất thường bùng phát khi xuất hiện giông bão và sấm chớp:
- Tăng nhịp tim
- Run rẩy không thể kiểm soát
- Buồn nôn hoặc nôn ói
- Thở không đều (quá chậm hoặc quá nhanh)
- Tức ngực
- Rối loạn tiêu hóa
- Luôn có cảm giác sắp có mối đe dọa hoặc sự nguy hiểm xảy ra
- Hoảng loạn
- Đổ mồ hôi
- Mất khả năng tập trung
Thực tế, không ít người còn bùng phát các triệu chứng ngay cả khi mới chỉ nghe tin dự báo thời tiết dự đoán là sắp có giông bão và sấm sét xảy ra. Trường hợp nặng hơn còn có thể sợ hãi tột độ khi nghe thấy các cuộc trò chuyện đề cập tới sấm chớp.
Nhận biết hội chứng sợ sấm sét ở trẻ em và người lớn
Trẻ nhỏ cảm thấy sợ giông bão và sấm chớp là điều khá bình thường. Chúng thường tìm kiếm sự an ủi hoặc cần sự trấn an từ cha mẹ. Tuy nhiên khi sự lo lắng trở nên tồi tệ hơn hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày thì nó có thể là biểu hiện của vấn đề tâm lý, tâm thần.
Dấu hiệu của Astraphobia ở trẻ em và người lớn thường có một số điểm khác biệt rõ rệt:
- Ở trẻ em: Các triệu chứng sợ hãi ở trẻ em thường có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với ở người lớn. Trẻ có thể tỏ ra cực kỳ sợ hãi khi phải ra khỏi nhà. Ví dụ trong mùa mưa chúng có thể muốn tránh né hoàn toàn các hoạt động ngoài trời. Căng thẳng do sợ hãi sấm sét thường ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường của trẻ. Đặc biệt là khi trời mưa bão vào ban ngày. Ngoài ra, Astraphobia còn có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa.
- Ở người trưởng thành: Người lớn có thể giấu giếm nhiều hơn về các triệu chứng sợ hãi của họ. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là họ ít gặp phải cảm giác đau khổ hơn. Một người trưởng thành mắc chứng Astraphobia có thể kiểm tra dự báo thời tiết vài lần trong ngày. Họ có xu hướng hủy bỏ các sự kiện hay nghĩa vụ quan trọng nếu họ nghi ngờ một cơn giông bão có thể xảy ra. Nghe thấy sấm sét hoặc thậm chí chỉ nghĩ về nó cũng có thể gây ra các cơn hoảng loạn đi kèm với các phản ứng sinh lý khác.
Ảnh hưởng của hội chứng sợ sấm sét
Hội chứng sợ sấm sét có thể gây ra đau khổ đáng kể, đồng thời gây khó khăn cho các hoạt động thường ngày. Đôi khi người bệnh còn không thể tham gia vào các hoạt động ngoài trời mà không kiểm tra các dự báo thời tiết trước đó. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, Astraphobia có thể dẫn đến việc một người sợ hãi rời khỏi nhà của họ.
Trên thực tế, lựa chọn nghề nghiệp của những người mắc chứng Astraphobia thường bị hạn chế. Họ thường không lựa chọn các công việc ngoài trời. Thậm chí nhiều người còn quyết định di chuyển đến sống ở những nơi có thời tiết ấm áp và ít mưa để tránh phải đối mặt với sấm sét.
Nếu không được điều trị thích hợp, Astraphobia còn có khả năng góp phần gây ra các rối loạn tâm trạng như trầm cảm và rối loạn lo âu. Nó cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể cũng như các mối quan hệ. Nhiều trường hợp còn dẫn tới sự cô lập xã hội hoặc khiến cho người bệnh lạm dụng chất kích thích nhằm đối phó với nỗi sợ hãi của họ về giông bão và sấm sét.
Chẩn đoán hội chứng sợ sấm sét
Cho đến thời điểm hiện tại, Astraphobia vẫn chưa được công nhận là một bệnh tâm lý, tâm thần chính thức. Do đó, tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi được đề cập trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM-5) sẽ được dùng để chẩn đoán hội chứng sợ sấm sét cùng với các chứng ám ảnh sợ hãi khác.
Bác sĩ thường dựa vào tiền sử và biểu hiện lâm sàng để chẩn đoán về Astraphobia. Để đưa ra chẩn đoán xác định, người bệnh cần có các triệu chứng đáp ứng với tiêu chuẩn chẩn đoán. Bao gồm:
- Nỗi sợ mưa bão và sấm chớp dai dẳng không hợp lý hoặc quá mức, kéo dài ít nhất 6 tháng trở lên
- Tiếp xúc với giông bão sẽ dẫn đến phản ứng lo lắng (chẳng hạn như các cơn hoảng lợn, nổi cơn thịnh nộ, trẻ em có thể đeo bám, khóc lóc hoặc ớn lạnh)
- Người bệnh nhận ra nỗi sợ của họ không tương xứng với nguy hiểm hoặc mối đe dọa được nhận thức (tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng có ở trẻ em)
- Có cảm giác bất an, sợ hãi và lo lắng khi dự báo thời tiết dự đoán chuẩn bị xuất hiện cơn giông bão kèm theo sấm chớp
- Người bệnh thực hiện các bước để tránh đối tượng hay tình huống mà họ sợ hãi. Hoặc cũng có thể chịu đựng những trải nghiệm đó với sự lo lắng và đau khổ tột độ
- Phản ứng ám ảnh và sợ hãi gây đau khổ đáng kể hoặc cản trở đến thói quen hay các khía cạnh khác của cuộc sống
Ngoài ra, bác sĩ cần phải xác nhận rằng, các triệu chứng trên đây hoàn toàn không phải do một tình trạng tâm thần khác gây ra. Chẳng hạn như rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Cách điều trị hội chứng sợ sấm sét
Điều trị hội chứng sợ sấm sét thường là sự kết hợp giữa tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc trong những trường hợp cần thiết. Cụ thể như sau:
1. Tâm lý trị liệu
Đối với điều trị các chứng ám ảnh sợ cụ thể nói chung và hội chứng sợ sấm sét nói riêng thì tâm lý trị liệu được xác định là phương pháp chính. Mặc dù có khá nhiều lựa chọn về liệu pháp tâm lý nhưng bác sĩ sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để có chỉ định phù hợp.
Dưới đây là các liệu pháp tâm lý đã được chứng minh mang lại cải thiện tích cực cho những người mắc chứng Astraphobia:
– Liệu pháp nhận thức – hành vi:
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng lo lắng, hoảng sợ và các chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể, bao gồm cả Astraphobia. CBT tập trung vào việc thách thức các sai lệch về nhận thức tiêu cực có liên quan đến hội chứng sợ sấm sét. Đồng thời thay thế chúng bằng những suy nghĩ hợp lý, tích cực và lành mạnh hơn. Ngoài ra, CBT còn tích hợp các nguyên tắc chánh niệm, tự trò chuyện tích cực cũng như tham gia vào các chiến lược đối phó lành mạnh.
– Liệu pháp tiếp xúc:
Liệu pháp tiếp là một hình thức trị liệu cụ thể có khả năng giúp điều trị các triệu chứng ám ảnh, OCD và PTSD. Liệu pháp này sẽ cho người bệnh từ từ tiếp xúc với những tình huống khiến họ kinh hoàng và sợ hãi. Cụ thể trong trường hợp này là giông bão và sấm sét.
Trong liệu pháp tiếp xúc, người bệnh cần tạo ra được một hệ thống phân cấp nỗi sợ hãi. Đồng thời làm việc theo hệ thống này để có thể vượt qua nỗi sợ hãi cho tới khi trở nên ít phản ứng hơn với chúng trong bất cứ tình huống nào.
– Liệu pháp tiếp xúc thực tế ảo:
Liệu pháp tiếp xúc thực tế ảo (VRET) là liệu pháp tương đối mới có thể được dùng chữa hội chứng sợ sấm sét. VRET cung cấp sự theo dõi nhịp tim và hô hấp của bạn trong khi bạn tiếp xúc với nhiều loại “phơi nhiễm” khác nhau. Thay vì chờ đợi một cơn giông bão thực sự thì VRET sẽ sử dụng công nghệ để giúp bạn có được trải nghiệm chân thật.
– Liệu pháp hành vi biện chứng:
Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) kết hợp liệu pháp trò chuyện với một số kỹ thuật làm giảm căng thẳng, chẳng hạn như thiền định, hít thở sâu,… Từ đó giúp những người mắc hội chứng sợ sấm sét giảm bớt lo lắng hiệu quả. Đồng thời có thể xử lý cảm xúc tiêu cực liên quan đến Astraphobia tốt hơn.
2. Sử dụng thuốc
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu những người mắc hội chứng sợ sấm sét sử dụng thuốc. Mặc dù không phải là phương pháp điều trị chính nhưng dùng thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng có liên quan đến Astraphobia. Chẳng hạn như căng thẳng, lo lắng, buồn phiền,…
Ngoài giúp kiểm soát các triệu chứng thì thuốc còn giúp ngăn chặn các cơn hoảng sợ khi dự báo sắp có giông bão xảy ra. Một số loại thuốc còn có tác dụng hạn chế các triệu chứng thể chất bùng phát khi sấm sét xuất hiện.
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa cho hội chứng sợ sấm sét bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm
- Benzodiazepine
- Các loại thuốc chống lo âu khác
Làm gì để vượt qua hội chứng sợ sấm sét?
Để kiểm soát tốt hội chứng sợ sợ sấm sét thì chỉ áp dụng liệu pháp tâm lý và dùng thuốc là chưa đủ. Các chuyên gia cho biết, kỹ thuật quản lý căng thẳng và một số biện pháp tự lực có thể giúp ích. Trường hợp con bạn mắc chứng Astraphobia thì cha mẹ cần là những người định hướng giúp con vượt qua.
1. Kỹ thuật quản lý căng thẳng
Hội chứng sợ sấm sét có thể làm gia tăng căng thẳng và phát triển các cảm xúc tiêu cực. Do đó bên cạnh điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ và chuyên gia tâm lý thì người bệnh nên áp dụng các kỹ thuật quản lý căng thẳng. Ngoài giúp kiểm soát phần nào nỗi sợ hãi thì các kỹ thuật này còn hỗ trợ phòng ngừa một số vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,…
Các kỹ thuật quản lý căng thẳng rất hữu ích với người mắc chứng Astraphobia bao gồm:
- Hít thở sâu: Đây là một trong những cách thư giãn không chỉ hiệu quả mà còn rất dễ thực hiện. Hít thở sâu giúp giảm bớt cảm giác lo lắng, tránh hoảng loạn và ổn định nhịp tim khi sấm sét xuất hiện. Bạn chỉ cần hít thật sâu bằng mũi rồi giữ hơi ở cơ hoành khoảng vài ba giây, sau đó từ từ thở ra bằng miệng.
- Thiền định: Ngồi thiền luôn là giải pháp hữu hiệu cho việc nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần. Đặc biệt với những người mắc chứng Astraphobia thì thiền định có thể giúp giải tỏa cảm xúc tiêu cực rất tốt. Ngoài ra, giải pháp này còn giúp hỗ trợ kiểm soát nỗi sợ hiệu quả.
- Các kỹ thuật khác: Bên cạnh hít thở sâu và ngồi thiền thì một số kỹ thuật quản lý căng thẳng khác cũng đã được chứng minh là rất tốt cho người mắc chứng Astraphobia. Chẳng hạn như các bài tập thư giãn cơ, massage, tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương, uống trà thảo mộc,…
2. Các biện pháp tự lực
Nếu bạn mắc hội chứng sợ sấm sét thì bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để giúp kiểm soát tình trạng của mình hiệu quả hơn:
- Không né tránh: Mặc dù bạn có thể bị thôi thúc để trốn ở một nơi nào đó trong nhà, nơi mà bạn không thể nhìn thấy hay nghe thấy sấm sét nhưng kiểu đối phó tránh né này có thể sẽ làm trầm trọng thêm sự lo lắng về lâu dài. Thay vào đó, bạn cần tạo cho mình sự thoải mái. Đồng thời thực hành các kỹ thuật thư giãn để xoa dịu bớt nỗi sợ hãi của bản thân.
- Thực hành chánh niệm: Chánh niệm là kỹ thuật tập trung vào hiện tại nhiều hơn thay vì lo lắng về quá khứ hay tương lai. Những chiến thuật như vậy có thể giúp bạn chịu đựng được sự căng thẳng và lo lắng tốt hơn. Đồng thời hạn chế nhu cầu tham gia vào các hành vi né tránh.
- Mẹo phân tâm khi sắp xuất hiện sấm chớp: Khi cơn mưa và sấm chớp sắp xuất hiện bạn có thể tìm một nơi yên tĩnh, đeo tai nghe và nhắm mắt nghĩ về các khung cảnh khác. Việc phân tâm sẽ giúp bạn trải qua tình huống có sấm chớp một cách thuận lợi. Từ đó khiến cho nỗi sợ hãi thuyên giảm dần theo thời gian.
3. Nên làm gì khi con của bạn sợ sấm sét?
Như đã đề cập, Astraphobia rất phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, những nỗi sợ hãi của trẻ về sấm sét không nhất thiết phải là dấu hiệu của chứng ám ảnh sợ cụ thể. Nếu con bạn sợ sấm sét, có thể xoa dịu nỗi sợ của chúng bằng cách:
- Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần phải giữ được bình tĩnh. Nếu bản thân người lớn cũng tỏ ra sợ hãi thì một đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng của người lớn. Từ đó khiến nỗi sợ hãi của chúng càng bị nhân lên.
- Cần cố gắng sử dụng các kỹ thuật trấn an, đánh lạc hướng và thư giãn để có thể giúp trẻ đối phó. Đặc biệt cha mẹ cần trang bị các kỹ thuật quản lý căng thẳng để hướng dẫn trẻ thực hiện.
- Hãy lên kế hoạch cho một thói quen tích cực trong ngày mưa. Bạn có thể cùng trẻ ăn bỏng ngô, xem phim hoặc chơi một trò chơi đòi hỏi sự tập trung cao. Điều này giúp trẻ không bị phân tâm bởi các âm thanh bên ngoài không gian sống (cụ thể là tiếng sấm sét).
- Trường hợp nỗi sợ hãi về sấm sét của trẻ kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng và không thể giải quyết được thì cần sớm tìm cách điều trị. Bởi theo thời gian, nỗi sợ hãi bình thường của trẻ có thể sẽ tiến triển thành chứng ám ảnh sợ hãi và khó chữa trị khi trưởng thành.
Hội chứng sợ sấm sét (Astraphobia) mặc dù thường gây ra lo lắng và ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của một người nhưng có thể điều trị được. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc hội chứng này thì điều quan trọng là cần sớm thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn chữa trị kịp thời và đúng cách.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng sợ yêu (Philophobia): Nguyên nhân và cách vượt qua
- Hội chứng sợ thất bại (Atychiphobia): Khiến bạn khó thành công
- Hội chứng sợ người khác nhìn mình: Nguyên nhân và cách khắc phục
Hu hu