Hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia): có biểu hiện thế nào?
Chú hề vốn là nhân vật mang lại nụ cười thường xuất hiện trên rạp xiếc, trong các bộ phim hài hay ngay trên đường phố. Tuy nhiên với nhiều người đây lại là nỗi khiếp đảm, khiến họ trở nên cực kỳ căng thẳng, khó thở, tim đập nhanh hay thậm chí là ngất xỉu nếu nhìn thấy và tiếp xúc gần. Đây chính là triệu chứng của hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia).
Hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia) là gì?
Các chú hề đã bắt đầu xuất hiện từ thời Ai Cập vào năm 2500 TCN, thường là những người lùn để làm trò tiêu khiển trong cung. Ở văn hóa La Mã, chú hề lại được coi như những tên ngốc dở hơi trong khi đến thời Trung cổ, chú hề được coi là đại diện của sự hài hước và được mọi người quý mến. Đặc trưng của các chú hề chính là trang điểm lòe loẹt, mặc đồ sặc sỡ, có năng khiếu nói chuyện, biết sử dụng cả ngôn ngữ hình thể để kể chuyện hoặc chế giễu ai đó một cách thâm thúy, tạo tiếng cười cho mọi người.
Sự xuất hiện của chú hề thường mang theo tiếng cười và sự thích thú. Ngày nay chú hề thường được xuất hiện trong các chương hình hài kịch, diễn xiếc hay tham gia trong các hoạt động tươi sáng dành cho trẻ em. Tuy nhiên với rất nhiều người, chú hề lại là một nhân vật cực kỳ đáng sợ, ẩn chứa đầy sự nguy hiểm khiến họ hoảng loạn hay ngất xỉu dù mới chỉ nghĩ đến. Nguyên nhân chính là do hội chứng sợ chú hề (Coulrophobia).
Coulrophobia được đặc trưng bởi nỗi sợ phi lý quá mức của một người đối với hình ảnh hoặc nhân vật đóng vai chú hề. Bản thân người đó có thể nhận thức mình đang có những nỗi sợ phi lý, khác người nhưng không thế nào để kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Nhiều người thậm chí có thể ngất xỉu nếu phải tiếp xúc gần gũi với chú hề vì quá hoảng loạn.
Chuyên gia Marla Deibler thuộc Trung tâm Sức khỏe Cảm xúc Philadelphia cho rằng có đến khoảng 12% dân số Mỹ mắc hội chứng này. Hội chứng sợ chú hề cũng trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều bộ phim như Dead Silence!, IT Stephen King, House of 1000 Corpses, Clownhouse… Đặc biệt nếu tìm kiếm dòng chữ “Tôi ghét hề” trên google bạn có thể tìm thấy các diễn đàn về chủ đề với gần nửa triệu người quan tâm.
Một số nghiên cứu cũng được thực hiện thông qua các khảo sát về niềm yêu thích với chú hề, kết quả cho thấy rất ít trẻ em yêu thích chú hề, mà ngược lại cảm là cảm xúc sợ hãi. Tỷ lệ trẻ em mắc hội chứng sợ chú hề là 1,2%, trong đó hơn 85% đều là bé gái. Nhóm đối tượng khác cũng có nguy cơ gặp vấn đề này chính là phụ nữ với tỉ lệ cũng cực kỳ cao.
Bên cạnh đó, rất nhiều người nổi tiếng cũng mắc hội chứng này, điển hình là diễn viên Daniel Radcliffe và Johnny Depp. Nói chung, bất kể ai cũng hoàn toàn có nguy mắc hội chứng sợ chú hề, dù là người lớn hay trẻ em, dù là nam hay nữ.
Biểu hiện của hội chứng sợ chú hề
Các triệu chứng của Coulrophobia sẽ được bộ lộ rõ ràng nhất khi họ phải đối diện, nhìn thấy hay tiếp xúc với bất kể hình ảnh hay người nào đó mặc quần áo hay trang điểm giống chú hề. Ở trẻ em, con có thể khóc ré lên mỗi khi thấy chú hề, tuy nhiên nhiều người lớn thường cố chọc ghẹo con bằng cách để con càng lại gần chú hề hơn khiến mức độ ám ảnh vì vậy mà ngày càng tăng.
Một số biểu hiện cụ thể về hội chứng sợ chú hề khác như
- Nỗi sợ hãi và lo âu được biểu hiện rõ hơn khi người đó tiếp xúc với hình ảnh hay chú hề ngoài thực tế. Những người thường bị tăng huyết áp, nhịp tim tăng mạnh, thở dốc, đau tức ngực, buồn nôn và nôn, không thể thở được, chân tay bủn rủn, đổ mồ hôi hột, la hét, thậm chí là ngất xỉu nếu nhìn thấy chú hề.
- Nếu nhìn thấy hay tiếp xúc với chú hề thường có xu hướng bỏ chạy, hoảng loạn cực độ, đồng thời dễ gặp ác mộng khi ngủ có liên quan đến nỗi ám ảnh này
- Coulrophobia khiến người bệnh luôn tìm cách tránh né các buổi hài kịch, những trò chơi hay những nơi có hình ảnh về chú hề
- Từ chối mọi vấn đề có liên quan đến chú hề, bao gồm cả các câu chuyện hay trang phục có hình chú hề hoạt hình dễ thương
- Có những suy nghĩ tiêu cực về chú hề, luôn cho đây là đối tượng đáng sợ, nguy hiểm nên cũng thường xuyên ở tư thế có thể bỏ chạy bất cứ lúc nào
Thực tế hội chứng sợ chú hề chưa được chính thức công nhận cả trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần, tái bản lần thứ Năm” (DSM-5) và cả Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan nên việc đưa ra các triệu chứng chính xác và cụ thể cũng có thể gặp một số khó khăn. Tuy nhiên các chẩn đoán về căn bệnh này sẽ được thực hiện khi có các triệu chứng phái trên đã kéo dài trên 6 tháng.
Nguyên nhân hội chứng sợ chú hề
Thực tế có vô vàn những giả thiết được đặt ra cho những người mắc hội chứng sợ chú hề. Đến bây giờ cơ chế chính xác gây ra các triệu chứng hoảng sợ, căng thẳng quá mức khi nhìn thấy chú hề vẫn chưa hoàn toàn được xác định, chỉ tạm thời có thể chỉ ra một số yếu tố liên quan.
Cụ thể, một vài yếu tố được cho là có liên quan trực tiếp đến chứng sợ chú hề như
- Nụ cười “giả tạo”: một số nghiên cứu, chẳng hạn Rami Nader – giám đốc Bệnh viện North Shore chuyên về lo âu và stress ở Vancouver (Canada) hay giáo sư tâm lý học Frank Farley từ Đại học Temple (Mỹ) cho rằng việc những chú hề thường có lớp trang điểm đậm, luôn nở nụ cười trên môi, giấu cảm xúc của bản thân sau lớp trang điểm có thể chính là nguyên nhân hình thành chứng Coulrophobia này. Bởi tâm lý con người thường dễ nghi ngờ xung quanh, đặc biệt khi chú hề luôn có lớp trang điểm dày cộm khiến chúng ta lo lắng không biết thực sự họ là ai, họ đang nghĩ gì, liệu có phải là mối nguy hiểm tiềm ẩn hay không. Hệ thần kinh từ đó phản ứng lại khi thấy hình ảnh chú hề này và trạng thái lo âu, hoàn loạn xuất hiện là điều hiển nhiên.
- Trải nghiệm tiêu cực: Hội chứng sợ chú hề có thể hình thành từ việc một đứa trẻ bị làm giật mình bởi hình ảnh một chú hề hay từng bị tấn công bởi con người, đồ vật hay các hình ảnh tương tự những chú hề.
- Hiệu ứng trang điểm: Thực tế không phải chú hề nào cũng trang điểm dễ thương mà thường có xu hướng lòe loẹt, trang điểm đậm một cách quá mức, nụ cười phóng đại, mũi đỏ, mắt lồi, giọng nói biến dạng, thậm chí có phần đáng sợ. Trẻ em vốn đã quen với khuôn mặt thật, hiền hòa từ cha mẹ hay ông bà chúng nên nếu bị tiếp xúc đột ngột với những chú hề sẽ rất dễ bị ám ảnh và hoảng sợ, bất an nếu thấy lại hình ảnh này lần nữa.
- Ảnh hưởng từ phim ảnh, truyền thông: việc có quá nhiều phim ảnh xây dựng những chú hề là kẻ đáng sợ, gắn liền với sự chết chóc, ma mị hay những câu chuyện biến chú hề từ một người hài hước thành một kẻ xấu xa cũng khiến rất nhiều người có tâm lý xuất hiện những cảm xúc tiêu cực, sợ hãi, cảm thấy những chú hề nguy hiểm nên luôn tìm cách tránh xa.
Trên thực tế cũng có những câu chuyện về những ‘chú hề gây ám ảnh” khiến rất nhiều người hình thành nỗi sợ nhân vật này trong suốt một thời gian dài. Nổi bật nhất trong số đó phải nhắc đến Emmett Kelly – ngôi sao đóng vai hề nổi tiếng vào thập niên 30 của thế kỷ XX nhưng ông lại quá nhập tâm vào vai diễn này. Ông thậm chí còn giữ nguyên lớp trang điểm và nụ cười ghê rợn của mình ngay tại nhà khiến vợ phải ly dị. Emmett Kelly Jr. – con trai của ông nối nghiệp cha và cũng bị li dị với lý do tương tự. Đáng tiếc hơn là Paul Anthony Kelly – cháu trai của ông bị mắc chứng đa nhân cách và giết người tình đồng giới của mình.
Hay Wayne Gacy- kẻ được mệnh danh là chú hề sát nhân, người đã gây ra cái chết cho 32 thanh thiếu niên ng vùng Chicago. Hắn có thói quen mang đồ hề về biểu diễn miễn phí trong vùng nên có thể tạo điều kiện thích hợp cho bản thân làm kẻ sát nhân. Chính những đối tượng này đã khiến hội chứng sợ chú hề trở nên phát triển cực kỳ mạnh mẽ với tỷ lệ người mắc rất cao trong những năm 1980.
Thậm chí ở thời điểm khủng hoảng này, rất nhiều tiểu thuyết, các thông tin truyền tai nhau mô tả ra rằng chú hề là kẻ dị hợm, luôn rình rập giết người, đặc biệt là các chú bé nhỏ. Cùng với lớp trang điểm sặc sỡ, khuôn mặt phóng đại đáng sợ của mình khiến nhiều người phải mang nỗi ám ảnh đến khi trưởng thành.
Hội chứng sợ chú hề và những hệ lụy
Một thực tế là công việc làm các chú hề ở Việt Nam thường chưa quá phát triển và thường họ cũng không trang điểm quá đậm, chủ yếu là mũi đỏ và một bộ tóc hay trang phục lòe loẹt. Thường dễ thấy nhất là các chú hề trong rạp xiếc hay một số sự kiện có thiếu nhi. Do đó người bệnh hoàn toàn có thể tránh né được nỗi sợ hãi của bản thân mà không gặp quá nhiều ảnh hưởng đến đời sống.
Mức độ ảnh hưởng của hội chứng sợ chú hề thường nghiêm trọng hơn với trẻ em bởi hầu hết người ta đều luôn có người đóng vai thành các chú hề để làm quản trò hay phát đồ chơi trong các sự kiện có thiếu nhi. Hay thậm chí hiện nay một số bệnh viện cũng có xu hướng hợp tác với các chú hề để làm giảm sự sợ hãi, căng thẳng cho trẻ em khi đến khám và chữa bệnh.
Cần hiểu rằng, Coulrophobia không chỉ xuất hiện các triệu chứng khi xuất hiện chú hề mà ngay cả khi họ xuất hiện những hình ảnh, đồ chơi, các bức vẽ chibi đáng yêu hay thậm chí mới chỉ nghĩ vụt qua cũng làm người bệnh khiếp đảm. Nếu không thể vượt qua được sự lo âu này, lúc nào cũng ám ảnh với nụ cười của chú hề rất nhiều người thường rơi vào mất ngủ và mệt mỏi mỗi ngày.
Nói chung, nếu tránh né được việc tiếp xúc hay suy nghĩ quá nhiều đến chú hề thì hội chứng sợ chú hề thường không gây ảnh hưởng quá nhiều đến chế độ sống. Tuy nhiên đây là một dạng rối loạn lo âu, là một vấn đề tâm lý – tâm thần nên cũng cần có hướng điều trị càng sớm càng tốt.
Hướng điều trị hội chứng sợ chú hề
Mặc dù chưa chính thức được công nhận trong DSM – 5 VÀ ICD -10, tuy nhiên hội chứng sợ chú hề vẫn được khuyến khích chẩn đoán điều trị tại các chuyên khoa thần kinh hay các trung tâm tâm lý trị liệu. Qua trao đổi và thực hiện các bài test, nếu các triệu chứng của bệnh nhân đã kéo dài trên 6 tháng với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn có thể được phân loại là ám ảnh chấn thương và cần nhanh chóng điều trị.
Mục đích chung của việc điều trị là ổn định và xoa dịu cảm xúc cho người bệnh, giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ của bản thân, dám đối diện trực tiếp với chú hề. Tùy tình trạng của người bệnh sẽ có phác đồ điều trị riêng biệt.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính được hướng đến cho những người mắc hội chứng sợ chú hề hay các dạng rối loạn lo âu khác nói chung. Nhà trị liệu sẽ thông qua việc trò chuyện trực tiếp để hiểu rõ được suy nghĩ, cảm xúc của người bệnh, len lỏi sâu vào tâm trí để hiểu rõ đâu là nguyên nhân hình thành nỗi sợ của thân chủ, từ đó đưa ra lộ trình điều trị thích hợp.
Liệu pháp phơi nhiễm được chỉ định với người mắc Coulrophobia, trong đó nhà tham vấn tâm lý sẽ tạo một không gian, môi trường phù hợp để thân chủ đối diện trực tiếp với nỗi sợ hãi của bản thân theo mức độ tăng dần. Chẳng hạn ban đầu là nghe những câu chuyện tích cực ( chú hề là người tốt), xem hoạt hình ảnh chú hề, xem video rồi dần dần tiếp xúc trực tiếp với chú hề.
Khi bạn thường xuyên tiếp xúc với nỗi sợ hãi của bản thân thì sẽ dần học được cách thích nghi với nó, nỗi lo âu từ đó giảm dần. Song song đó nhà trị liệu cũng hướng dẫn người mắc hội chứng sợ chú hề các liệu pháp giảm căng thẳng, kiểm soát cảm xúc khi đối diện với nỗi sợ để tránh các hành vi kích động quá mức của họ.
Liệu pháp nhận thức hành vi CBT cũng là một trong những liệu pháp có thể mang đến nhiều cải thiện tích cực cho những bệnh nhân Coulrophobia. Nhà trị liệu sẽ giúp thân chủ hiểu rằng họ đang có những nỗi sợ phi lý, tiêu cực và chỉ ra rằng ám ảnh đó đã tác động không tốt đến họ như thế nào. CBT giúp định hướng người bệnh tập trung vào các giải pháp và hướng họ đến những nhận thức đúng đắn, tích cực hơn.
Bệnh nhân mắc hội chứng sợ chú hề nếu đáp ứng tốt với các liệu pháp trị liệu tâm lý thực sự có thể mang đến rất nhiều cải thiện tốt. Tinh thần người bệnh ngày càng tích cực hơn, thư giãn hơn, dám đối diện với chú hề trong trạng thái bình tĩnh hơn. Đồng thời họ cũng học được các giải pháp đối diện với căng thẳng nên cũng giảm được rất nhiều nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý khác.
Dùng thuốc
Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm và thuốc giảm lo âu có thể được chỉ định cho những người gặp các triệu chứng Coulrophobia nặng để xoa dịu cảm xúc, nâng cao chất lượng cuộc sống tạm thời. Tuy nhiên cần chú ý rằng những loại thuốc này chỉ giúp hỗ trợ phần nào, không thể loại bỏ bệnh hoàn toàn nên vẫn cần kết hợp song song với các liệu pháp tâm lý.
Các nhóm thuốc được dùng cho hội chứng sợ chú hề này cũng thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn nên có thể được dùng trong thời gian ngắn. Người bệnh chỉ nên sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn và đúng cách, hạn chế tối đa các tác dụng phụ không tốt khác xuất hiện.
Chăm sóc và điều trị tại nhà
Bản thân mỗi người bệnh cần tự ý thức về tình trạng của bản thân, thực hiện đúng các liệu pháp được bác sĩ và chuyên gia tâm lý chỉ định để cải thiện các triệu chứng nhanh chóng nhất. Hội chứng sợ chú hề hầu hết không cần chăm sóc tại bệnh viện mà đều được điều trị tại nhà. Sự hỗ trợ từ gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh sớm vượt qua được nỗi sợ hãi của họ.
Cụ thể, một số giải pháp có thể giúp ích cho người bệnh như
- Tìm hiểu, xem các chương trình hay bộ phim về chú hề theo hướng tích cực, hài hước, tránh xa các bộ phim hay thông tin kinh dị, ma quỷ
- Thực hành các liệu pháp thiền hay yoga có thể đem lại nhiều lợi ích để người mắc Coulrophobia có thể giữ được bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc tốt hơn khi đối diện với các tình huống gây căng thẳng
- Tránh xa căng thẳng, tiêu cực, tuyệt đối không nên sử dụng bia rượu hay các chất kích thích khác trong suốt quá trình điều trị
- Ngủ đủ giấc, duy trì giấc ngủ ổn định để tinh thần luôn khỏe khoắn và tích cực cho người mắc hội chứng sợ chú hề
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể mỗi ngày, tăng cường các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, các loại hạt, các món ăn ít dùng dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần
- Cùng gia đình hay bạn bè xem các bộ phim hoạt hình, xem kích hoặc trực tiếp tiếp xúc với những chú hề, đặc biệt trong thời gian đầu. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy an tâm hơn, tránh tình trạng căng thẳng quá mức đến chạy trốn
Nói chung, thực tế hội chứng sợ chú hề không gây ra quá nhiều ảnh hưởng đến đời sống tinh thần hay chất lượng cuộc sống của người bệnh nhưng vẫn nên có các liệu pháp giải quyết hoàn toàn căn bệnh này. Mỗi người cũng cần học cách chọn lọc thông tin để tiếp thu, tránh trường hợp bị ám ảnh tâm trí bởi những thông tin tiêu cực chưa được xác thực nhan nhản trên mạng xã hội mỗi ngày.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng Burnout: khiến cơ thể thấy kiệt sức nơi làm việc
- Chứng sợ búp bê (Pediophobia) có biểu hiện thế nào?
- Hội chứng Rapunzel (Ăn tóc): sở thích kỳ lạ xảy ra ở người
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!