Chứng sợ búp bê (Pediophobia) có biểu hiện thế nào?

Người mắc hội chứng sợ búp bê (Pediophobia) luôn cảm thấy sợ hãi tột độ khi nhìn thấy búp bê. Nỗi sợ lớn đến mức khiến bệnh nhân trở nên hoảng loạn, run rẩy, mất kiểm soát, buồn nôn, choáng váng,… Hội chứng này là vấn đề tâm lý cần được điều trị chứ không đơn thuần là cảm giác sợ hãi thông thường.

hội chứng sợ búp bê
Búp bê là đồ chơi quen thuộc với trẻ nhỏ nhưng đôi khi gây ra nỗi sợ hãi tột độ cho một số người

Chứng sợ búp bê là gì?

Búp bê là đồ chơi quen thuộc được rất nhiều trẻ em yêu thích. Thậm chí, nhiều người trưởng thành cũng có sở thích sưu tầm búp bê. Búp bê được mô phỏng theo hình dáng con người và được thiết kế có ngoại hình đáng yêu, dễ thương. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng búp bê có ngoại hình kinh dị đằng sau vỏ bọc trông có vẻ đáng yêu.

Chứng sợ búp bê (Pediophobia) là thuật ngữ đề cập đến tình trạng sợ hãi và ám ảnh quá mức về búp bê. Người mắc hội chứng này thường có các suy nghĩ tiêu cực về búp bê và tin rằng búp bê mang đến thảm họa hoặc những sự kiện tồi tệ.

Một số bệnh nhân nhận thức được nỗi sợ của bản thân là vô lý nhưng không thể nào kiểm soát. Tương tự như các hội chứng ám ảnh sợ khác, người mắc hội chứng này thường sẽ né tránh các tình huống có thể nhìn thấy búp bê.

Hội chứng sợ búp bê là một dạng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Do đó, hội chứng này có thể được điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu. Nếu không được kiểm soát sớm, chứng sợ búp bê có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và các khía cạnh khác như học tập, nghề nghiệp, các mối quan hệ, trải nghiệm cuộc sống,…

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Biểu hiện của hội chứng sợ búp bê

Hội chứng sợ búp bê có thể gây ra nỗi sợ hãi từ nhẹ đến nghiêm trọng. Sự sợ hãi, ám ảnh quá mức sẽ khiến cho người bệnh phải đối mặt với các phản ứng thể chất và có xu hướng né tránh những tình huống có sự xuất hiện của búp bê. Hội chứng này không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn có thể gặp ở người trưởng thành.

Các biểu hiện thường thấy ở người mắc hội chứng sợ búp bê:

  • Luôn có cảm giác lo lắng, sợ hãi và ám ảnh về búp bê (ngay cả những con búp bê có ngoại hình đáng yêu, nhỏ nhắn)
  • Suy nghĩ về búp bê và các hình ảnh, video clip về búp bê cũng gây ra sự sợ hãi và căng thẳng đáng kể cho người bệnh
  • Người bệnh thường né tránh đề cập đến búp bê trong các cuộc trò chuyện và từ chối đến những nơi có thể nhìn thấy búp bê như cửa hàng đồ chơi, nhà sách, rạp chiếu phim,…
  • Khi nhìn thấy búp bê, người bệnh trở nên hoảng loạn và sợ hãi quá mức đi kèm với các triệu chứng thể chất như run rẩy, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, đau thắt ngực, khó thở, đau đầu, choáng váng, buồn nôn,…
  • Cố gắng chạy thoát khỏi tình huống có sự xuất hiện của búp bê.
  • Trẻ em thường có phản ứng khóc lóc, cáu kỉnh, tức giận và bám vào bố mẹ khi nhìn thấy búp bê.

Thông thường, một số người có thể sợ hãi và phản ứng gay gắt khi nhìn thấy con búp bê có ngoại hình kinh dị. Tuy nhiên, người mắc chứng sợ búp bê sợ hãi với tất cả búp bê dù chúng có ngoại hình nhỏ nhắn và dễ thương.

hội chứng sợ búp bê
Người mắc hội chứng sợ búp bê thường né tránh các tình huống có thể nhìn thấy búp bê như đến nhà sách, rạp phim,…

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ búp bê

Các chuyên gia nhận thấy, hội chứng sợ búp bê thường gặp ở trẻ em và nỗi sợ có thể thuyên giảm hoặc biến mất khi lớn lên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nỗi sợ tồn tại cho đến giai đoạn trưởng thành.

Tương tự như các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, các bác sĩ chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng sợ búp bê. Thông qua các nghiên cứu đã được thực hiện, hội chứng này được cho là có liên quan đến di truyền và những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Ngoài ra, ảnh hưởng của văn hóa đại chúng cũng góp phần phát triển nỗi sợ vô lý về búp bê.

Các yếu tố được xác định có liên quan đến hội chứng sợ búp bê:

1. Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ

Các trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ là nguyên nhân trực tiếp gây ra nỗi sợ và sự ám ảnh vô lý về một số tình huống/ đối tượng cụ thể. Đối với chứng sợ búp bê, các chuyên gia nhận thấy rằng những trẻ từng bị hù dọa bằng búp bê hoặc bị bắt cóc bởi một kẻ đeo mặt nạ búp bê sẽ có khả năng mắc phải hội chứng này.

Hình ảnh những con búp bê quái dị sẽ để lại tổn thương sâu sắc trong tâm lý của trẻ nhỏ. Từ đó sẽ khiến cho hạch hạnh nhân bên trong não bộ “ghi nhớ” những cảm xúc tiêu cực. Khi gặp phải các tình huống tương tự, hạch hạnh nhân sẽ tạo ra cảm giác sợ hãi, căng thẳng và lo lắng để “cảnh báo” cơ thể mối nguy hiểm tiềm ẩn. Do đó, những người mắc hội chứng sợ búp bê cũng thường có các suy nghĩ tiêu cực về loại đồ chơi này.

2. Ảnh hưởng của phim kinh dị

Nhiều bộ phim kinh dị lấy cảm hứng từ búp bê có thể là nguyên nhân gây ra chứng sợ búp bê. Hình ảnh những con búp bê kinh dị như Chucky, AnnaBelle,… sẽ “tiêm nhiễm” vào tâm trí nỗi sợ vô lý và tột độ về loại đồ chơi này. Khi xem những bộ phim kinh dị, trẻ nhỏ có thể sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy búp bê ngoài đời thực. Thậm chí, một số người trưởng thành cũng có thể bị ảnh hưởng khi xem những bộ phim kinh dị, man rợ có liên quan đến búp bê.

hội chứng sợ búp bê
Nỗi sợ quá mức về búp bê có thể phát triển do xem phim ảnh và các bộ truyện kinh dị

3. Ảnh hưởng của nền văn hóa

Trong một số nền văn hóa, búp bê gắn liền với những câu chuyện mang yếu tố tâm linh như búp bê voodoo (hình nộm được sử dụng để yểm bùa và làm hại người khác), kumanthong (búp bê chứa linh hồn của trẻ nhỏ được sử dụng để mang lại may mắn, tài lộc cho chủ nhân),… Ngoài ra, những câu chuyện truyền miệng với nội dung búp bê bị “ma ám” cũng vô tình thúc đẩy sự sợ hãi phát triển thành nỗi ám ảnh dai dẳng và vô lý.

4. Di truyền

Một số chuyên gia tin rằng, chứng sợ búp bê có thể di truyền từ bố mẹ. Nếu gia đình có tiền sử mắc hội chứng này, tỷ lệ mắc bệnh ở con cái sẽ tăng lên đáng kể. Ngoài ra, trẻ cũng có thể phát triển chứng sợ búp bê vì học theo phản ứng, hành vi và cảm xúc của người thân. Đây cũng là lý do nhiều trẻ là con nuôi vẫn có nguy cơ cao mắc chứng Pediophobia nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh.

5. Một số yếu tố khác

Ngoài những yếu tố trên, hội chứng sợ búp bê cũng có thể liên quan đến những yếu tố sau đây:

  • Một số bệnh nhân chia sẻ rằng họ cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy ánh mắt chằm chằm, vô hồn của búp bê. Ánh nhìn này giống như đang đe dọa hoặc cảnh báo một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra.
  • Hội chứng sợ búp bê phổ biến hơn ở nữ giới (có thể là do tính cách đa nghi, hay lo lắng, nhạy cảm)
  • Người bị chấn thương sọ não có nguy cơ mắc chứng Pediophobia cao hơn so với bình thường

Hiện tại, các yếu tố được xác định liên quan đến hội chứng sợ búp bê mới chỉ là giả thuyết. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng hội chứng này là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa di truyền, môi trường và ảnh hưởng của gia đình.

Hội chứng sợ búp bê có nguy hiểm không?

So với các chứng ám ảnh sợ cụ thể khác, hội chứng sợ búp bê ít ảnh hưởng hơn đến chất lượng cuộc sống. Bởi búp bê chỉ là đồ chơi nên việc né tránh các tình huống có sự xuất hiện của loại đồ chơi này không gây ra quá nhiều phiền toái. Trong khi đó, những người mắc hội chứng sợ độ cao, sợ độ sâu, sợ đám đông,… gần như không thể duy trì được cuộc sống như bình thường.

Pediophobia là gì
Những người mắc chứng Pediophobia sẽ gặp phải nhiều phiền toái trong cuộc sống

Tuy nhiên, việc né tránh các tình huống có sự xuất hiện của búp bê cũng gây ra không ít phiền toái. Người mắc chứng bệnh này thường từ chối đến rạp phim, nhà sách, siêu thị và các cửa hàng đồ chơi. Mặc dù cố ý né tránh búp bê nhưng trong một số tình huống, người bệnh có thể vô tình nhìn thấy búp bê hoặc nghe thấy mọi người xung quanh đề cập đến những câu chuyện kinh dị về búp bê. Những tình huống này có thể kích hoạt sự sợ hãi tột độ, hoảng loạn, căng thẳng và đi kèm với các triệu chứng thể chất.

Ngoài ra, nỗi sợ về búp bê cũng chi phối khiến cho người bệnh luôn căng thẳng và bất an. Tình trạng này khiến cho người bệnh dễ bị mất ngủ, đau đầu, stress và tăng huyết áp. Đối với trẻ nhỏ, hội chứng sợ búp bê có thể khiến trẻ hình thành tính cách hay lo âu, phiền muộn và chậm phát triển thể chất.

Chẩn đoán chứng sợ búp bê

Chứng sợ búp bê sẽ được chẩn đoán bằng tiêu chuẩn chẩn đoán được đề cập trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5). Hội chứng này được chẩn đoán khi bệnh nhân đáp ứng được tiêu chí sau:

  • Sự sợ hãi kéo dài dai dẳng và không tương xứng với mối nguy hiểm của tình huống/ đối tượng
  • Nỗi sợ lớn đến mức chi phối khiến người bệnh có các hành vi né tránh đến những nơi, tình huống gây ra sự sợ hãi
  • Bùng phát nỗi sợ tột độ kèm theo phản ứng hoảng loạn và các triệu chứng thể chất ngay khi nhìn thấy búp bê
  • Tình trạng sợ hãi và né tránh búp bê phải kéo dài ít nhất 6 tháng
  • Nỗi sợ quá mức, vô lý về búp bê phải gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với chất lượng cuộc sống

Hội chứng sợ búp bê hiếm khi khởi phát độc lập mà thường đi kèm với các vấn đề tâm lý khác như rối loạn lo âu chia ly, trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu xã hội,… Do đó, bác sĩ cũng sẽ xác định các bệnh lý đi kèm để thuận tiện cho quá trình điều trị.

Các phương pháp điều trị chứng sợ búp bê

Hội chứng sợ búp bê thường được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý. Đa số những trường hợp can thiệp trị liệu sớm đều có đáp ứng tốt và có thể cải thiện chất lượng cuộc sống chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân mắc đồng thời với các vấn đề tâm lý, tâm thần khác, quá trình điều trị có thể phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.

Các phương pháp được xem xét trong quá trình điều trị chứng sợ búp bê:

1. Liệu pháp nhận thức hành vi

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được xem là phương pháp tâm lý trị liệu hiệu quả nhất hiện nay. Phương pháp này được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau từ rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi đến rối loạn lo âu lan tỏa, trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,… Ngoài ra, CBT cũng có hiệu quả trong việc cải thiện các rối loạn nhân cách.

Pediophobia là gì
Liệu pháp nhận thức hành vi được đánh giá là “giải pháp vàng” cho người mắc hội chứng sợ búp bê

Đối với hội chứng sợ búp bê, liệu pháp nhận thức hành vi sẽ giúp người bệnh thay đổi những suy nghĩ sai lệch về búp bê và thay thế bằng những nhận thức đúng đắn hơn. Khi thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và hành vi cũng sẽ được điều chỉnh theo chiều hướng tích cực.

Liệu pháp nhận thức hành vi thường được thực hiện bằng hình thức giao tiếp. Ngoài ra, chuyên gia cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân viết lại những suy nghĩ tiêu cực của bản thân. Thông qua những suy nghĩ vô lý về búp bê, chuyên gia sẽ có định hướng để giúp bệnh nhân thay đổi nhận thức sai lệch của bản thân.

2. Liệu pháp tiếp xúc

Liệu pháp tiếp xúc là một trong những lựa chọn khi điều trị hội chứng sợ búp bê. Phương pháp này mang lại cải thiện đáng kể trong điều trị các rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi nói chung và chứng sợ búp bê nói riêng. Trong liệu pháp tiếp xúc, chuyên gia không chỉ giao tiếp với bệnh nhân mà sẽ tập trung cho người bệnh tiếp cận với các tình huống gây ra nỗi sợ.

Trước tiên, bác sĩ sẽ cho người bệnh nhìn hình ảnh búp bê hoặc đề cập đến búp bê trong cuộc trò chuyện. Khi ở trong những tình huống này, bệnh nhân sẽ bộc lộ nỗi sợ hãi, lo lắng, hoảng loạn kèm theo các triệu chứng thể chất (đổ mồ hôi, tim đập nhanh, đau thắt ngực,…). Chuyên gia sẽ từng bước giúp bệnh nhân học cách đối phó với nỗi sợ và các cảm xúc tiêu cực đi kèm.

Sau khi người bệnh thích nghi được với những tình huống trên, chuyên gia sẽ cho người bệnh nhìn và sờ vào búp bê. Tương tự như những tình huống trên, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân kỹ năng để kiểm soát và đối phó với nỗi sợ hãi. Liệu pháp tiếp xúc có thể loại bỏ nỗi sợ vô lý về búp bê, đồng thời có thể giúp bệnh nhân có phản ứng bình thường khi nhìn thấy búp bê và hình ảnh, video clip về loại đồ chơi này.

Liệu pháp tiếp xúc mang lại hiệu quả cao nhưng có thể gia tăng sự căng thẳng, sợ hãi cho người bệnh. Do đó, tỷ lệ bỏ dở điều trị khi áp dụng liệu pháp này cao hơn rất nhiều so với liệu pháp nhận thức hành vi. Điều này đặt ra yêu cầu là các chuyên gia thực hiện liệu pháp tiếp xúc phải có kinh nghiệm và năng lực.

3. Liệu pháp thôi miên

Liệu pháp thôi miên là một trong những phương pháp tâm lý trị liệu được áp dụng cho người mắc hội chứng sợ búp bê. Tuy nhiên, phương pháp này ít khi được áp dụng như liệu pháp tiếp xúc và liệu pháp nhận thức hành vi.

Pediophobia là gì
Liệu pháp thôi miên cũng được cân nhắc cho bệnh nhân mắc chứng sợ búp bê trong những trường hợp cần thiết

Liệu pháp thôi miên có hiệu quả trong việc thay đổi suy nghĩ tiêu cực của bệnh nhân, đồng thời tìm ra nguồn gốc gây ra nỗi sợ vô lý và quá mức về búp bê. Ngoài ra, liệu pháp này cũng có hiệu quả trong việc giảm mất ngủ, đau nhức do căng thẳng mãn tính gây ra.

4. Sử dụng thuốc

Thuốc được xem xét dùng cho người bị hội chứng sợ búp bê trong một số trường hợp như bệnh nhân hoảng loạn, lo lắng, căng thẳng quá mức hoặc có biểu hiện phiền muộn, đau khổ. Bên cạnh đó, thuốc cũng giúp giảm các triệu chứng thể chất có liên quan như tim đập nhanh, đau đầu, tăng huyết áp, đổ mồ hôi, run rẩy,…

Pediophobia là gì
Bệnh nhân sẽ được xem xét dùng thuốc để cải thiện một số triệu chứng do hội chứng sợ búp bê gây ra

Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng sợ búp bê:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs)
  • Thuốc an thần
  • Thuốc chẹn beta

5. Các biện pháp hỗ trợ

Bệnh nhân bị hội chứng sợ búp bê không thể tự mình kiểm soát nỗi sợ. Tuy nhiên, một số biện pháp hỗ trợ có thể giải tỏa căng thẳng, lo lắng, muộn phiền và cải thiện các triệu chứng thể chất mà bệnh nhân gặp phải.

Các biện pháp hỗ trợ dành cho người bị hội chứng sợ búp bê:

  • Bệnh nhân có thể giải tỏa căng thẳng, loại bỏ phiền muộn và lo lắng bằng các kỹ thuật thư giãn như ngồi thiền, tập yoga, liệu pháp mùi hương, hít thở sâu, xoa bóp bấm huyệt,…
  • Cố gắng duy trì lối sống lành mạnh để hỗ trợ quá trình điều trị. Người bệnh nên ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, cần tránh xa những thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chất gây nghiện, thức khuya,…
  • Tham gia các hội nhóm những người bị ám ảnh sợ cụ thể để được hỗ trợ về các kỹ năng quản lý nỗi sợ và giải tỏa căng thẳng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm thực tế từ các thành viên khác cũng sẽ giúp người bệnh vững vàng hơn trong quá trình điều trị.
  • Theo các chuyên gia, người bệnh có thể học cách vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân bằng cách tìm hiểu về búp bê để biết rằng loại đồ chơi này vô hại. Những loại búp bê gắn liền với những câu chuyện tâm linh, kinh dị cũng chỉ là tác phẩm của trí tưởng tượng.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu

Chứng sợ búp bê là một trong những rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi ít gặp. Hội chứng này có thể xảy ra ở cả trẻ em và người trưởng thành. Nếu nhận thấy nỗi sợ về búp bê gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ/ chuyên gia tâm lý trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *