Hội chứng Rapunzel (Ăn tóc): sở thích kỳ lạ xảy ra ở người
Hội chứng Rapunzel hay còn được gọi với cái tên rất đặc biệt là ” hội chứng công chúa tóc mây” với đặc trưng chính sự xuất hiện các búi tóc trong dạ dày do những người này thường ăn tóc. Hầu hết những người mắc hội chứng này đều có dấu hiệu suy dinh dưỡng, đau bụng, nôn mửa rồi mới đi kiểm tra và phát hiện bệnh.
Hội chứng Rapunzel (Ăn tóc) là gì?
Con người có rất nhiều sở thích kỳ lạ không thể lý giải được, trong đó có rất nhiều sở thích được gắn liền với các bệnh lý, vấn đề tâm lý mà không thể coi thường. Hội chứng Rapunzel là một hội chứng đường ruột hiếm gặp, xuất hiện chủ yếu xuất hiện ở nữ giới dưới 20 tuổi ( chiếm khoảng 70%) do hệ lụy từ việc ăn tóc quá nhiều.
Hội chứng này còn được biết đến với tên gọi khác là hội chứng công chúa tóc mây được đặt theo tên nhân vật trong trong chuyện cổ tích Grimm. Đặc trưng của hội chứng Rapunzel chính có những quả “bóng tóc” (trichobezoar) cuốn quanh dạ dày, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa.
Những người này vẫn ăn uống bình thường nhưng luôn có khao khát muốn ăn tóc nên thường tự bứt chính tóc của mình, nhặt tóc rụng hay thậm chí là ăn tóc của búp bê. Hầu hết người mắc chứng Rapunzel rất khó tự phát hiện, chỉ khi người bệnh cảm thấy đau bụng nặng, suy dinh dưỡng nghiêm trọng và được đưa đi thăm khám , kiểm tra thấy có dị vật trong bụng thì mới được chẩn đoán.
Theo các chuyên gia, kể từ khi được đưa ra thông tin năm 1968, số bệnh nhân được phát hiện và chẩn đoán là khá ít, chỉ khoảng gần 70 người. Trong đó trường hợp mắc bệnh nhỏ nhất là một em bé mới chập chững biết đi và trường hợp lớn tuổi nhất là một người đàn ông 55 tuổi. Đa phần bệnh nhân là nữ giới vì phái nữ có tóc dài nên dễ giật hơn.
Hội chứng công chúa tóc mây cũng có mối liên quan mật thiết đến rất nhiều các vấn đề tâm lý, tâm thần khác như hội chứng Pica – nghiện ăn bậy với sở thích ăn những thứ kỳ dị, không phải thực phẩm như tóc, đất, đá; trichotillomania – hội chứng nghiện nhổ tóc và trichophagia – chứng nghiện ăn tóc.
Một số trường hợp mắc hội chứng Rapunzel nổi tiếng như một bé gái 14 tuổi tại Ấn Độ đã lấy được 1,3kg bóng tóc từ trong dạ dày hay trong năm 2017, bệnh viện Đồng Nai cũng tiếp nhận trường hợp bé gái 5 tuổi có bóng tóc trichobezoar với đường kính 12cm, chiều dài 40cm choán gần hết dạ dày và kéo dài tận tới ruột non.
Biểu hiện hội chứng Rapunzel
Triệu chứng dễ nhận biết nhất chính là những người này rất thường xuyên nhặt tóc để ăn, điều này có thể khiến họ hài lòng, thỏa mãn, đặc biệt là khi cảm thấy đói. Tuy nhiên đa phần người bệnh là trẻ em nên phụ huynh không thể lúc nào cũng kiểm soát hết các hành vi của con, một số khác lại cho rằng chỉ là do con nghịch ngợm. Với người lớn dù đã đủ nhận thức nhưng họ cũng không thể nào kiểm soát được “cơn nghiện” tóc của bản thân.
Các biểu hiện của hội chứng Rapunzel được biểu hiện rõ rệt hơn sau khi đã có kết quả thăm khám và chẩn đoán, cụ thể như
- Có xu hướng bứt tóc, nhặt tóc rụng hay thậm chí thèm ăn cả tóc búp bê
- Thường tự giật tóc, đặc biệt khi cảm thấy căng thẳng, lo lắng về điều gì đó
- Thường suy dinh dưỡng, gầy còm và thiếu hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng
- Thường bị đau bụng, khó chịu, chướng bụng, bụng to bất thường dù ăn rất ít
- Nôn mửa liên tục do các búi tóc kết tụ, chèn ép các cơ quan nội tạng
- Cảm thấy lo lắng, căng thẳng, bứt rứt nếu không được ăn tóc
- Cơ thể ngày càng trở nên suy nhược, mệt mỏi, yếu sức do không đủ dưỡng chất hoạt động
- Khi làm các xét nghiệm nội soi hình ảnh sẽ thấy có dị vật trong dạ dày, trong đó phần lớn nhất của bóng tóc sẽ nằm ở dạ dày (thậm chí choán gần hết dạ dày), phần đuôi có thể kéo dài xuống ống tiêu hóa nhỏ hoặc ruột già.
- Có xu hướng sờ đầu liên tục để giật tóc
- Tóc bị hói và có rất nhiều mảng trống do bứt tóc quá nhiều. Tuy nhiên những người xung quanh thường lầm tưởng đó là do người đó bị rụng tóc hay tóc yếu hoặc liên quan đến những bệnh lý khác. Trong khi đó người trưởng thành mắc hội chứng Rapunzel có thể cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng với điều này nên thường có xu hướng đội tóc giả.
Nguyên nhân hội chứng Rapunzel
Thực tế các nguyên nhân chính dẫn tới hội chứng Rapunzel chính là do việc tiêu thụ tóc, điều này quá rõ ràng bởi hệ tiêu hóa của con người chưa thể tiêu thụ được keratin của tóc nên sẽ tích tụ lại thành “quả bóng”, xâm chiếm lấy khoảng trống trong dạ dày. Tuy nhiên yếu tố dẫn tới việc người đó có xu hướng “nghiện” tóc vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng, chính xác.
Theo các chuyên gia, một số yếu tố có liên quan trực tiếp đến hội chứng này chủ yếu là
- Căng thẳng tâm lý: stress, lo âu quá mức. một số trẻ có xu hướng bứt tóc, ăn tóc do bị cha mẹ la mắng, tạo áp lực. Hành động bứt và ăn tóc có thể làm con giảm căng thẳng và được thư giãn hơn, lâu dần “nghiện” cảm giác này và không kiểm soát được các hành động của bản thân.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: một số chuyên gia cũng cho rằng, việc thèm ăn tóc cũng có thể hình thành do việc cơ thể thiếu hụt một số vi chất như sắt, vitamin B12 hay có liên quan đến Celiac – một bệnh lý đường ruột do nhạy cảm với gluten.
- Các rối loạn tâm thần: thống kê cho thấy, hội chứng Rapunzel có tỷ lệ cao gặp ở những người có khiếm khuyết về trí tuệ. Đồng thời như đã nói, hội chứng này cũng có mối liên quan mật thiết đến các rối loạn tâm lý, tâm thần khác chính là trichotillomania và trichophagia hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Thực tế các nhà nghiên cứu đã đưa ra vô vàn giả thiết liên quan đến tình trạng này, chẳng hạn như do bị bỏ đói lâu ngày. Tuy nhiên ở hầu hết các bệnh nhân này đều có chung đặc điểm là thiếu sắt hoặc mắc bệnh celia, đồng thời tâm lý cũng cực kỳ bất ổn.
Hệ lụy từ hội chứng Rapunzel
Cần hiểu rằng hệ tiêu hóa của con người chưa thể tiêu hóa được thành phần keratin trong tóc nên sẽ được tích tụ ở lại trong dạ dày, sau một thời gian nhu động ruột sẽ thực hiện co bóp để loại bỏ chúng ra ngoài theo phân. Nếu chỉ vô tình ăn phải một vài sợi tóc thì có thể không gặp vấn đề gì vì với kích thước và số lượng nhỏ như thế, đồng thời tóc cũng khá mềm nên sẽ không đủ để làm tắc nghẽn lòng ống tiêu hóa.
Tuy nhiên ở hội chứng Rapunzel, người bệnh đã ăn tóc với số lượng lớn mỗi ngày, nó sẽ dần tích tụ thành búi, choán lấy dạ dày khiến cơ thể luôn cảm thấy khó chịu ở bụng dù không ăn gì. Búi tóc này có thể trở thành một sợi dây thừng với kích thước khổng lồ cuốn vào dạ dày, siết chặt và làm căng phồng niêm mạc. Nếu không kiểm soát kịp thời thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ thủng tắc hay nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.
Rất nhiều các biến chứng nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe do hội chứng công chúa tóc mây gây ra như thủng ruột, viêm phúc mạc ổ bụng, ngứa cổ, tăng tiết đờm, tạo thành dị vật chèn ép các cơ quan nội tạng. Thậm chí thống kê cho thấy, có khoảng 4% bệnh nhân đã tử vong vì hội chứng Rapunzel. Do đó tuyệt đối không được chủ quan về căn bệnh kỳ lạ này.
Hướng chẩn đoán chứng Rapunzel
Theo các chuyên gia, hội chứng Rapunzel được xếp vào nhóm “Ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan”, tuy nhiên nó không được đề cập trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần DSM. Dù vậy nó có thể được xem xét, chẩn đoán và điều trị như một hội chứng Trichotillomania trầm trọng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các xét nghiệm hình ảnh, nội soi và phẫu thuật cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng để đưa ra những chẩn đoán chính xác nhất về hội chứng này. Thực tế hầu hết các bệnh nhân cũng chỉ được chẩn đoán sau một thời gian dài bị đau bụng, nôn mửa, suy dinh dưỡng nặng. Một số người còn nhầm tưởng dị vật trong bụng là khối u do ung thư.
“Nội soi GI trên” được dùng chủ yếu để chẩn đoán trichobezoar, tuy nhiên có thể không chẩn đoán được Rapunzel đang đồng thời tồn tại. Nói chung với hội chứng Rapunzel hoàn toàn có thể thực hiện chẩn đoán tại các bệnh viện lớn có chuyên gia về xét nghiệm hình ảnh, tiêu hóa để được hỗ trợ chính xác nhất.
Hướng điều trị hội chứng Rapunzel
Hội chứng Rapunzel được điều trị đồng thời cả bằng phẫu thuật và tâm lý trị liệu theo từng trường hợp. Bởi theo các chuyên gia, căn nguyên hội chứng này có liên quan đến stress, căng thẳng nên nếu không thực hiện các liệu pháp tâm lý sau khi loại bỏ được “bóng tóc” trong dạ dày thì bệnh sẽ có nguy cơ tái phát rất cao.
Tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh mà các biện pháp điều trị cũng được chỉ định khác nhau. Một số bệnh nhân, đặc biệt là các bé gái có thể được yêu cầu cắt tóc ngắn để giảm ham muốn hay hạn chế tình trạng bứt tóc để ăn.
Điều trị y tế
Việc đầu tiên cần làm cho các bệnh nhân mắc hội chứng Rapunzel chính là loại bỏ các búi tóc trong dạ dày để tránh sự chèn ép lên dạ dày khiến người bệnh khó chịu. Phương pháp chính thường được thực hiện chính là phẫu thuật để lấy búi tóc ra. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể thực hiện nội soi, dùng hóa chất để hòa tan búi tóc hoặc dùng laser để cắt búi tóc thành từng mảnh nhỏ, từ đó dễ dàng loại bỏ hơn.
Trong trường hợp dị vật búi tóc có kích thước bán kính lớn hơn 20 cm được khuyến khích phẫu thuật mở, gây mê toàn thân đồng thời đặt nội khí quản để bảo vệ cổ họng tốt hơn, cổ họng khỏi bất kỳ tổn thương nào. Sau khi đã loại bỏ được dị vật, người bệnh cũng được bổ sung dinh dưỡng ngay lập thức để phục hồi dần thể lực, đặc biệt với những người bị suy dinh dưỡng.
Tỉ lệ thành công sau khi phẫu thuật mở bụng cho bệnh nhân mắc hội chứng Rapunzel là 99% và hầu như không xảy ra bất cứ biến chứng nào. Với phẫu thuật nội soi, các báo cáo thành công liên quan ít hơn nhưng đa phần chỉ được thực hiện cho bệnh nhi có kích thước dị vật không quá lớn.
Bên cạnh đó, với một số bệnh nhân, việc điều trị thiếu sắt và celiac cũng có thể mang đến những cải thiện đáng kể, thậm chí là hết bệnh hoàn toàn.Tùy vào các triệu chứng sức khỏe khác mà bác sĩ cũng chỉ định việc dùng thuốc hay các biện pháp y tế khác.
Trong một số trường hợp, để giảm trạng thái lo âu, khó chịu quá mức khi không được ăn tóc trong thời gian đầu cũng có thể được chỉ định thêm các nhóm thuốc an thần, thuốc chồng trầm cảm để hỗ trợ xoa dịu cảm xúc. Tuy nhiên việc dùng các nhóm thuốc này cần có chỉ định từ các bác sĩ thần kinh để được đảm bảo an toàn và phù hợp nhất.
Trị liệu tâm lý
Như đã nói, phần lớn bệnh nhân mắc hội chứng công chúa tóc mây đều có những căng thẳng trong tâm lý, xuất phát từ tâm bệnh. Do đó nếu không có các biện pháp giải tỏa các tâm lý căng thẳng này thì nguy cơ bệnh tái phát trở lại là rất cao. Bởi vậy hầu hết bệnh nhân mắc hội chứng công chúa tóc mây đều được yêu cầu trị liệu tâm lý song song với các biện pháp y tế.
Nhà trị liệu sẽ thông qua việc trò chuyện để đi sâu vào tâm trí, hiểu rõ căn nguyên vấn đề mà người bệnh đang gặp phải, từ đó đưa ra các liệu pháp phù hợp. Liệu pháp nhận thức hành vi CBT được chỉ định chính cho hầu hết mọi bệnh nhân để nâng cao nhận thức, hiểu rõ vấn đề mà bản thân họ đang gặp phải, thông qua đó thay đổi các hành vi, suy nghĩ đúng đắn hơn.
Bên cạnh đó, các biện pháp đối diện với cảm xúc, căng thẳng cũng được hướng dẫn cho người mắc hội chứng Rapunzel để có thể kiểm soát được ham muốn nhổ hay ăn tóc của bản thân. Chỉ khi tinh thần thoải mái, bệnh nhân có thể kiểm soát hành vi của bản thân, không còn thèm tóc thì việc điều trị mới thực sự mang lại hiệu quả.
Với các bé nhỏ mắc hội chứng Rapunzel thì còn cần có sự hỗ trợ và giúp đỡ từ gia đình bởi thực tế, nhận thức của con về các hành vi của bản thân cũng chưa quá rõ ràng. Gia đình cần dành thêm nhiều thời gian quan tâm, thay đổi cách chơi và tương tác cùng con hoàn toàn có thể giúp trẻ sớm vượt qua căn bệnh này.
Chăm sóc và điều trị tại nhà
Đôi lúc một số trẻ có thể ăn tóc từ việc tò mò hay gây sự chú ý cho gia đình, tuy nhiên thói quen ăn tóc này hầu hết xuất phát từ việc căng thẳng trong tâm trí. Cảm giác bứt tóc ban đầu có thể đau, có thể khó chịu nhưng nó lại làm khỏa lấp đi sự mệt mỏi, cô đơn trong tâm trí. Người trưởng thành mắc hội chứng Rapunzel hoàn toàn có thể tự ý thức được điều này, chỉ là họ không thể nào kiểm soát được hành vi của bản thân.
Gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải thiện tại nhà. Một số phương pháp có thể giúp ích cho những người mắc hội chứng công chúa tóc mây như
- Cắt tóc ngắn để làm giảm ham muốn bứt tóc của bản thân. Tất nhiên điều này có thể làm ảnh hưởng đến ngoại hình của nhiều người, tuy nhiên khi nhìn nhận về lợi ích cho sức khỏe và tinh thần thì điều này cũng cực kỳ cần thiết.
- Dọn dẹp nhà cửa, chăn gối sạch sẽ, không nên để tóc rơi rụng ở bất cứ đâu bởi điều này có thể kích thích ham muốn của người bệnh quay trở lại bất cứ lúc nào
- Không nên để bản thân rảnh rỗi vì có thể suy nghĩ đến những điều tiêu cực và lại nhổ tóc để ăn như trước đó. Bạn có thể thực hiện các hoạt động tích cực, thư giãn như đọc sách, dọn dẹp nhà cửa, tập thể dục, chơi game hay làm bất cứ hoạt động nào có thể làm bạn quên đi mong muốn này.
- Luyện tập thiền hay yoga có thể giúp ích cho việc kiểm soát cảm xúc, giải tỏa căng thẳng, giảm ham muốn bứt hay ăn tóc
- Tránh xa việc sử dụng bia rượu, chất kích thích trong suốt thời gian điều trị
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để nhanh chóng phục hồi thể lực sau một thời gian dài suy nhược vì thiếu chất
- Tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân khi cần thiết
Hội chứng Rapunzel nếu không được kiểm soát từ giai đoạn sớm có thể gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng về cả mặt tinh thần lẫn sức khỏe. Do chưa nghiên cứu rõ về cơ chế hình thành nên việc phòng tránh hội chứng này cũng không hề dễ dàng. Tuy nhiên khi có một thể chất khỏe mạnh, một tinh thần lạc quan tích cực thì hoàn toàn có thể hạn chế nguy cơ mắc hội chứng này cùng rất nhiều vấn đề tâm lý liên quan khác.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội chứng sợ sấm sét (Astraphobia): Làm gì để vượt qua?
- Willis-Ekbom: Hội chứng chân không yên biểu hiện thế nào?
- Nomophobia: Chứng lo sợ không có điện thoại ở sát bên
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!