Chứng sợ có bầu và sinh con có phải là sự ích kỷ ở phụ nữ?
Mang thai và sinh con là một trong các thiên chức cao cả của người phụ nữ. Tuy nhiên, trong thực tế lại tồn tại một hội chứng sợ có bầu và sinh con khiến cho nhiều chị em vô cùng sợ hãi và lo lắng về vấn đề này. Thậm chí còn có trường hợp chấp nhận thắt ống dẫn trứng để kế hoạch hóa gia đình bởi tâm lý lo sợ quá mức về việc sinh nở.
Chứng sợ có bầu và sinh con là gì?
Chứng sợ có bầu và sinh con hay còn được gọi là Tokophobia hoặc một số tên khác như maleusiophobia, parturiphobia đều có nghĩa liên quan đến việc sinh nở của phụ nữ. Cũng bởi đây là một trong các dạng ám ảnh khá phức tạp, nó khác biệt so với những nỗi sợ hãi có liên quan đến các tình huống, sự vật, sinh vật cụ thể nên tên gọi cũng có phần đa dạng hơn.
Tokophobia là một dạng ám ảnh sợ hãi cụ thể có liên quan đến quá trình mang thai, sinh con ở nhiều phụ nữ. Trong thực tế thì bất kì người phụ nữ nào cũng có những nỗi lo lắng nhất định về việc có bầu và lo lắng về quá trình sinh nở nhiều đau đớn, gian khổ hoặc những biến chứng có thể xảy ra sau khi sinh con. Tuy nhiên đối với những người mắc chứng sợ có bầu và sinh con thì nỗi sợ này được biểu hiện một cách cực độ, phi lý và khó kiểm soát được.
Các nhà khoa học đã tìm hiểu và chia Tokophobia thành hai nhóm khác nhau, bao gồm nhóm chưa từng mang thai và nhóm những người đã trải qua sinh nở. Dù ở bất kì đối tượng nào thì nỗi sợ hãi về việc mang bầu và sinh con cũng biểu hiện một cách quá mức. Họ sẽ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi tột độ và liên tục từ chối việc mang thai, tìm cách để kế hoạch hóa gia đình hoặc thậm chí là tránh việc quan hệ tình dục.
Trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Michigan (Mỹ) vào năm 2016 cùng với 22 phụ nữ tham gia. Hầu hết những người phụ nữ này đều bày tỏ sự lo lắng, hoang mang của mình về các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình mang thai và sinh nở. Đồng thời họ cũng nói về sự lo ngại đối với tay nghề của các y bác sĩ, việc chọn lựa bệnh viện và các thủ thuật sinh nở.
Hội chứng này khiến cho nhiều chị em phụ nữ chấp nhận từ bỏ quyền được sinh con hoặc thậm chí không kết hôn vì tâm lý sợ hãi quá lớn. Một vài người có thể cố gắng trì hoãn việc sinh con dẫn đến nguy cơ đẻ muộn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Chính vì thế, cần phải có biện pháp khắc phục và hỗ trợ càng sớm càng tốt để tránh được những tác động tiêu cực.
Vì sao nhiều người mắc chứng sợ có bầu và sinh con?
Cũng giống như các chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể khác, chứng sợ có bầu và sinh con thường sẽ liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực từng có trong quá khứ, cụ thể là những biến chứng hoặc nỗi đau do quá trình mang thai và sinh nở gây ra. Ngoài ra, một số yếu tố tác động bên ngoài hoặc những sự ảnh hưởng của rối loạn tâm thần cũng có thể làm phát triển nỗi sợ phi lý này.
- Trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ: Những trường hợp phụ nữ đã từng đối diện với những nỗi đau hoặc sự kiện tổn thương sâu sắc về việc mang thai và sinh con sẽ có nguy cơ cao hình thành chứng sợ hãi này. Do những ám ảnh quá lớn từ lần mang thai trước nên họ sẽ luôn cảm thấy lo sợ, bất an và có xu hướng từ chối việc tiếp tục sinh con. Hoặc những người đã từng có sự tổn thương về tình dục, là nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp cũng có khả năng xuất hiện nỗi sợ hãi này.
- Tác động từ bên ngoài: Ngày nay chúng ta rất dễ tiếp cận với những thông tin báo đài hoặc nghe tường thuật về vấn đề sinh nở. Trong thực tế, việc mang thai và sinh con chưa bao giờ dễ dàng đối với người phụ nữ. Bạn sẽ dễ bắt gặp một vài bài chia sẻ trên các trang mạng hoặc được nghe trực tiếp từ lời kể của người thân về những lần họ “thập tử nhất sinh” tại phòng đẻ. Những câu chuyện khá “đáng sợ” về phòng sinh cứ lặp đi lặp lại cũng là một trong các yếu tố gia tăng nỗi sợ ở nhiều người.
- Các vấn đề tâm thần: Rối loạn lo âu, trầm cảm,…cũng có thể là nguyên nhân gây ra cảm giác sợ hãi quá mức đối với việc mang thai và sinh con.
- Nỗi sợ về y tế: Phụ nữ mắc chứng sợ có bầu và sinh con thường sẽ có nỗi ám ảnh lớn về lĩnh vực y tế, họ sợ hãi việc gặp bác sĩ, sợ đến bệnh viện, sợ khám bệnh, sợ thực hiện các thủ thuật y tế. Họ có thể đã là nạn nhân của những sơ suất y tế, từng bị ngược đãi sức khỏe, gặp phải biến chứng do năng lực yếu kém của nhân viên y tế.
Các triệu chứng của người sợ sinh con
Chứng sợ có bầu và sinh con được biểu hiện rõ nhất bởi cảm giác lo sợ quá mức về những vấn đề có liên quan đến sinh nở. Tuy đây được xem là đặc điểm tâm lý đặc trưng nhất của Tokophobia những nó không phải là dấu hiệu duy nhất để nhận biết.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, các triệu chứng của hội chứng này cũng có phần tương tự như các vấn đề rối loạn tâm thần, điển hình nhất là trầm cảm và rối loạn lo âu. Một số biểu hiện thường gặp như:
- Luôn cảm thấy lo lắng, bất an khi nghĩ về việc mang thai, sợ hãi quá mức đối với việc có bầu và sinh con.
- Nỗi sợ của phụ nữ mắc chứng Tokophobia đôi khi còn phi lý đến mức có thể xuất hiện khi nhìn thấy một người phụ nữ đang mang thai đi trên đường, bắt gặp một cảnh sinh nở trong bộ phim,…
- Có xu hướng né tránh việc mang thai bằng nhiều cách khác nhau, luôn tìm cách để kế hoạch hóa gia đình, sử dụng thuốc tránh thai, các biện pháp phòng ngừa hoặc thậm chí còn có người triệt ống dẫn trứng vì tâm lý lo sợ có bầu.
- Các trường hợp nghiêm trọng có thể khiến phụ nữ liên tục từ chối việc quan hệ tình dục, giảm ham muốn tình dục.
- Thường xuyên trằn trọc mất ngủ, ngủ không sâu giấc, mơ gặp ác mộng.
- Mất dần các hứng thú đối với những hoạt động xung quanh, kể cả những việc mà bản thân đã từng rất yêu thích.
- Luôn có xu hướng trì hoãn việc mang thai mặc dù bản thân rất muốn có con.
- Phụ nữ Tokophobia thường có mong muốn sinh mổ mặc dù họ không gặp phải bất kì vấn đề y tế nào.
- Cảm thấy vô cùng căng thẳng khi ai đó liên tục nhắc đến chuyện sinh con hoặc bày tỏ hi vọng họ sẽ mang thai. Thậm chí còn có một số trường hợp trở nên kích động và gây ra những mâu thuẫn, xung đột với những người đang ép buộc họ.
- Kèm theo một số biểu hiện về thể chất như ra nhiều mồ hôi, tim đập liên hồi, thở gấp, run rẩy tay chân, khó thở, huyết áp tăng, mất kiểm soát, đau dạ dày, buồn nôn,…mỗi khi nghe nói về chuyện sinh nở.
Tuy nhiên, những phụ nữ mắc phải hội chứng sợ có bầu và sinh con thường không thực sự gặp khó khăn trong việc thu thai hay sinh nở. Họ vẫn có mong muốn được có con nhưng do nỗi sợ tâm lý quá lớn khiến nhiều người luôn tìm cách né tránh vấn đề này. Bạn nên hiểu rằng, Tokophobia hoàn toàn không gây cản trở đến khả năng mang thai hay sinh con. Tuy nhiên, khi đối mặt với việc có thai họ phải trải qua sự căng thẳng tột độ, đôi lúc không thể tự kiểm soát được cảm xúc, hành vi của chính mình.
Mức độ lo lắng, sợ hãi của người mắc chứng sợ có bầu và sinh con sẽ có phần khác nhau trong mỗi trường hợp. Khi bị nặng, các biểu hiện sẽ rất rõ ràng và dễ nhận biết. Tuy nhiên, có những trường hợp nhẹ rất dễ nhầm lẫn với sự lo lắng, sợ hãi đó chỉ biểu hiện với tần suất thấp khiến nhiều người cho rằng đó chỉ là sợ lo sợ bình thường khi sinh nở.
Ảnh hưởng của chứng sợ có bầu và sinh con
Hội chứng sợ có bầu và sinh con tuy không gây ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe của con người nhưng nó sẽ làm cho nhiều phụ nữ gặp phải sự cản trở trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng, hôn nhân khó có thể duy trì bền vững. Trong thực tế, con cái luôn là cầu nối bền chặt để giúp hôn nhân có thể duy trì dài lâu. Những đứa trẻ được sinh ra cũng chính là kết tinh của tình yêu giữa vợ và chồng.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp mắc chứng Tokophobia lại gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề có con. Phụ nữ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi tột độ về việc mang thai và sinh con. Họ liên tục tránh né và trì hoãn việc có bầu. Thậm chí có nhiều trường hợp tìm đến các biện pháp tránh thai nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc có thể làm nguy hại đến khả năng sinh con của mình.
Theo chia sẻ của các chuyên gia thì đã có không ít các trường hợp phụ nữ mắc chứng sợ có bầu và sinh con quyết định cắt ống dẫn trứng hoặc cắt bỏ cả tử cung để không phải đối diện với nỗi đau mang thai, sinh con. Điều này có thể gây nên rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng nếu người chồng không thể thấu hiểu và chấp nhận.
Bên cạnh đó, những người mắc chứng Tokophobia do luôn lo sợ về việc có thể mang thai nên họ sẽ có xu hướng luôn sử dụng các biện pháp tránh thai khi thân mật với bạn tình. Tuy nhiên, có một số trường hợp nghiêm trọng còn lo sợ đến nỗi từ chối việc gần gũi hoặc bất kì hành vi nào có nguy cơ thụ thai, kể cả việc quan hệ an toàn.
Nỗi ám ảnh do chứng sợ có bầu và sinh con nếu xuất hiện ở những phụ nữ đang mang thai thì hậu quả càng nặng nề hơn. Thời kì mang thai vô cùng nhạy cảm, cơ thể phụ nữ sẽ bị biến đổi cả về nội tiết tố bên trong và ngoại hình bên ngoài. Lúc này họ sẽ dần trở nên nhạy cảm, dễ xúc động và khó kiểm soát cảm xúc của chính mình.
Khi Tokophobia xuất hiện sẽ càng khiến cho cảm xúc, suy nghĩ của mẹ bầu càng trở nên hoảng loạn. Nỗi ám ảnh về việc sinh con sẽ tăng cao đáng kể khiến họ luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng tột độ. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai mà còn gây nên nhiều tác động đối với thai nhi, trẻ nhỏ sẽ chậm phát triển hoặc có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề sức khỏe, dị tật bẩm sinh.
Thậm chí, nhiều phụ nữ do ảnh hưởng quá lớn từ nỗi sợ hãi có bầu và sinh con nên đã quyết định chấm dứt thai kì vì họ hoàn toàn không thể chịu đựng được những sự đau khổ, căng thẳng đang ngày ngày giày vò cơ thể và tâm trí. Hoặc có một số trường hợp có thể yêu cầu mổ lấy thai tự chọn để tránh khỏi hành động đẩy em bé ra ngoài tử cung mặc dù họ không gặp bất kì vấn đề về sức khỏe y tế nào và có thể đáp ứng tốt cho việc sinh thường.
Cách khắc phục hiệu quả cho người mắc chứng sợ có bầu và sinh con
Chứng sợ có bầu và sinh con không đơn thuần chỉ là những cảm giác lo lắng thông thường mà nó chính là một dạng lo sợ dữ dội, nghiêm trọng. Tuy nhiên, rất may mắn là tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị tốt và bệnh nhân vẫn có khả năng mang thai, sinh nở như người bình thường.
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của Tokophobia thì bạn cũng cần nhanh chóng tìm gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp nhất. Tùy vào mỗi tình trạng bệnh khác nhau mà bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp khắc phục hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, hiện nay, đối với chứng sợ có bầu và sinh con sẽ được ưu tiên áp dụng phương pháp trị liệu tâm lý kết hợp cùng với việc dùng thuốc. Cụ thể như sau:
1. Trị liệu tâm lý
Đối với hầu hết các chứng ám ảnh sợ cụ thể đều sẽ được ưu tiên để áp dụng phương pháp trị liệu tâm lý nhằm giúp người bệnh dần hiểu rõ về những nỗi sợ hãi phi lý của mình và điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực hơn. Chuyên gia tâm lý sẽ trực tiếp trao đổi với người bệnh để có thể đi sâu vào trong tiềm thức của họ, tìm hiểu về nguyên nhân gốc rễ gây ra cảm giác lo lắng có liên quan đến việc mang thai và sinh con.
Một vài liệu pháp thường được áp dụng trong quá trình trị liệu tâm lý như:
- Liệu pháp tiếp xúc: Bệnh nhân sẽ được tiếp xúc với các yếu tố gây sợ hãi trong một môi trường an toàn để có thể dần kiểm soát tốt nỗi lo sợ của mình. Lúc đầu người bệnh có thể được nghe níu về những vấn đề có liên quan đến mang thai và sinh nở, sau đó sẽ được xem những hình ảnh của mẹ bầu, tiếp xúc với các mẹ đang mang thai,….
- Liệu pháp nhận thức và hành vi: Mục đích chính của liệu pháp này đó chính là giúp cho người bệnh hiểu rõ về những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi sai lệch của bản thân để có thể điều chỉnh và thay đổi chúng theo chiều hướng tích cực hơn.
Ngoài ra, sau khi kiểm soát tốt về nỗi sợ cho người mắc chứng Tokophobia thì chuyên gia tâm lý còn hỗ trợ họ rèn luyện thêm một số kỹ năng cần thiết để có thể đối phó tốt với những cảm xúc tiêu cực. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn về những kỹ thuật thư giãn, kiểm soát cảm xúc, quản lý hành vi, ứng phó trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để có thể ổn định tinh thần tốt nhất và sẵn sàng hơn cho việc sinh con trong tương lai.
2. Sử dụng thuốc
Tuy rằng hầu hết các trường hợp mắc chứng sợ có bầu và mang thai đều không nhất thiết phải sử dụng thuốc điều trị.Tuy nhiên, đối với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nỗi sợ bao trùm lên toàn bộ tâm trí và gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với đời sống thì sẽ được cân nhắc áp dụng một vài loại thuốc để kiểm soát.
Đồng thời, các triệu chứng của Tokophobia cũng tương tự với những chứng rối loạn lo âu và trầm cảm nên có thể được khắc phục tốt nhờ một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống lo âu, thuốc chẹn beta,…Việc dùng thuốc tuy không thể điều trị dứt điểm được nỗi sợ có bầu và mang thai nhưng nó sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng lo lắng, sợ hãi, bất an.
Đồng thời, các loại thuốc hỗ trợ cũng có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn nên cần phải được chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu sử dụng thuốc, uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin hữu ích giúp bạn hiểu hơn về chứng sợ có bầu và sinh con. Bên cạnh việc áp dụng tốt các biện pháp điều trị nên trên thì chị em cũng cần phải điều chỉnh lại lối sống, chủ động chia sẻ và tâm sự nhiều hơn để có nhận được nhiều sự đồng cảm, giúp đỡ từ mọi người xung quanh.
Tham khảo thêm:
- Hội chứng sợ đụng chạm (Haphephobia): gây phản ứng gì?
- Chứng sợ nấu ăn (Mageirocophobia): là bệnh hay làm biếng
- Hội chứng sợ đàn ông (Androphobia): Liệu pháp khắc phục
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!