Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia): Nguyên nhân và Giải pháp

Có lẽ, hạnh phúc là điều mà chúng ta luôn muốn hướng đến trong cuộc sống. Tuy nhiên, lại có một số người cảm thấy sợ hãi, ghét bỏ hạnh phúc. Họ bị ám ảnh bởi sự hạnh phúc và luôn có xu hướng tránh né sự hạnh phúc hay còn được gọi là hội chứng sợ hạnh phúc. 

Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia) là gì?

Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc thỏa mãn bậc cao mà phần lớn con người đều mong muốn có được. Hiểu một cách đơn giản thì hạnh phúc chính là sự vui vẻ, an yên, hài lòng và đầy đủ trong cuộc sống.

Mỗi chúng ta sẽ có những quan điểm khác nhau về sự hạnh phúc. Có người cảm thấy hạnh phúc khi có thật nhiều tiền nhưng cũng có người cảm thấy hạnh phúc đơn giản khi họ được ở cạnh gia đình, người thân.

Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia)
Hội chứng sợ hạnh phúc là một dạng ám ảnh sợ hãi cụ thể khá hiếm gặp.

Tùy vào nhu cầu, mong muốn và nền văn hóa khác nhau mà mỗi người sẽ có quan niệm riêng về sự hạnh phúc. Hạnh phúc mang đến cho chúng ta những cảm xúc tích cực, nó nuôi dưỡng tâm hồn và cũng chính là động lực to lớn đến con người phấn đấu, cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, lại có một số người cảm thấy sợ hãi sự hạnh phúc hay còn được gọi là hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia). Đây là một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, “chairo” có nghĩa là niềm vui, sự hài lòng và “phobia” là sự lo sợ, sợ hãi.

Đã bao giờ bạn cảm thấy sợ hãi khi mọi thứ diễn ra xung quanh quá thuận lợi, công việc, gia đình, các mối quan hệ đều tốt đẹp? Bạn sợ rằng trước khi cơn giông bão kéo đến bầu trời thường rất bình yên. Bạn nghi ngờ về sự suôn sẻ của cuộc sống và cho rằng bản thân không thể may mắn, hạnh phúc đến như thế.

Nếu đã từng rơi vào cảm giác lo sợ trên, có lẽ bạn đang bị ảnh hưởng của hội chứng sợ hạnh phúc. Hiện nay, Cherophobia vẫn chưa được công nhận và liệt kê cụ thể trong Sổ tay Chẩn đoán và Điều trị Rối loạn tâm thần (DSM-5) nhưng nó vẫn được giới chuyên môn công nhận và đánh giá tương tự như một dạng rối loạn lo âu, cụ thể là ám ảnh sợ hãi.

Nguyên nhân gây ra hội chứng sợ hạnh phúc

Như đã chia sẻ, hạnh phúc khó có thể định nghĩa một cách cụ thể mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Chính vì thế, hội chứng sợ hạnh phúc cũng được phân thành nhiều loại, nhiều cấp độ dựa trên những niềm vui khác nhau của mỗi cá nhân.

Thông thường, ở những nước theo chủ nghĩa tập thể như Đông á, Trung Mỹ, Nam Mỹ thì nhu cầu và quyền lợi của tập thể, nhóm sẽ được đánh giá cao. Họ luôn xem trọng những gì liên quan đến xã hội, hội nhóm, cộng đồng nên thường có xu hướng cao mắc phải hội chứng Cherophobia.

Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia)
Cherophobia thường có liên quan đến những niềm tin về quy luật của cuộc sống.

Ngược lại, đối với những nước phương Tây thì chủ nghĩa cá nhân lại được nêu cao, họ ưu tiên hơn về lợi ích, sự tự do của bản thân thay vì cộng đồng, xã hội. Chính vì thế, sự hạnh phúc của họ không bị ảnh hưởng bởi quá nhiều yếu tố khác nhau, họ thường cảm thấy hài lòng khi bản thân được thỏa mãn những nhu cầu, nguyện vọng riêng.

Chính vì thế mà việc xác định nguyên nhân gây ra hội chứng sợ hạnh phúc cũng gặp nhiều khó khăn. Cũng tương tự như các chứng sợ hãi khác, lý do gây ra Cherophobia vẫn còn gặp nhiều sự tranh cãi. Tuy nhiên, trong kết quả của một cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi Joshanloo và Weijers cũng đã liệt kê được một vài yếu tố có khả năng tác động như:

1. Niềm tin về vòng tuần hoàn cuộc sống

Chúng ta thường hay cho rằng, cuộc sống luôn có quy luật chung và sau những niềm vui, niềm hạnh phúc thường là những điều xui rủi, không may mắn. Đây được xem là một trong các nguyên nhân phổ biến thường được nhắc đến đối với các trường hợp mắc phải hội chứng sợ hạnh phúc.

Tình trạng này thường xuất hiện nhiều ở những người Châu Á, họ cho rằng khi niềm vui xuất hiện sẽ khiến cho chúng ta mất cảnh giác với những thứ xung quanh và sự xui rủi sẽ xuất hiện ngay sau đó. Điều này khiến cho nhiều người cảm thấy lo sợ, không dám tận hưởng trọn vẹn cảm giác hạnh phúc, thậm chí còn có xu hướng đập tan đi trạng thái tích cực đó.

2. Ký ức không tốt trong quá khứ

Nếu trước đây bạn đã từng đối diện với những chuyện kinh hoàng sau khi trải qua cảm giác hạnh phúc thì sự sợ hãi cũng có thể hình thành và phát triển sau đó. Ví dụ, bạn đã từng đạt được thành tích xuất sắc trong học tập và cảm thấy vô cùng hạnh phúc, tuy nhiên sau đó bạn lại gặp phải tai nạn giao thông.

Điều này khiến cho nhiều người tin chắc rằng sau khi trải qua hạnh phúc họ sẽ gặp phải một điều gì đó vô cùng tồi tệ. Ký ức này sẽ thường trực trong tâm trí và khi sự hạnh phúc xuất hiện sẽ khiến họ cảm thấy vô cùng áp lực, lo lắng và hoảng sợ.

3. Hạnh phúc khiến bạn thành kẻ tội đồ

Mặc dù hạnh phúc mang đến cảm giác vui vẻ, thoải mái và an yên ở mỗi con người nhưng đôi khi nó cũng trở thành gánh nặng. “Hạnh phúc của người này lại là sự đau khổ ở người khác”. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy tội lỗi trước sự hạnh phúc mà bản thân đang có.

Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia)
Hạnh phúc đôi khi khiến nhiều người cảm thấy bản thân đang là kẻ tội đồ.

Ngoài ra, ở một số quốc gia thường có xu hướng muốn che giấu sự hạnh phúc của bản thân để tránh đi lòng đố kỵ, ganh ghét của người khác. Cụ thể, Uchida và Kitayama đã từng thực hiện một cuộc nghiên cứu và nhận thấy rằng, người Nhật rất ít khi bộc lộ sự hạnh phúc cá nhân bởi họ không muốn khơi dậy lòng đố kỵ của những người xung quanh.

4. Hạnh phúc gây thảm họa

Triết gia Joel Kupperman đã từng có lời cảnh cáo về sự hạnh phúc tột độ của mỗi con người. Khi chúng ta chìm đắm vào sự sung sướng, thỏa mãn của bản thân đôi khi khiến cho bạn trở nên chủ quan, bất cẩn và những hậu quả kinh hoàng có thể xảy đến. Cũng chính bởi niềm tin này đã khiến cho nhiều người cảm thấy sợ hãi sự hạnh phúc, họ lo sợ rằng bản thân sẽ không thể kiểm soát tốt cảm xúc, nhận thức và hành vi của bản thân trong lúc hân hoan, vui sướng.

5. Thông tin đại chúng

Tỷ lệ hội chứng sợ hạnh phúc đang ngày càng gia tăng cũng bởi sự lan tràn quá mạnh mẽ về các thông tin tiêu cực, tồi tệ xoay quanh cuộc sống. Chỉ cần vài phút lướt mạng xã hội, chúng ta cũng có thể bắt gặp hàng loạt những tin tức u ám, kinh hoàng về thiên tai, lũ lụt, cháy nổ, tai nạn giao thông, trộm cướp, giết người,…Điều này khiến cho não bộ tích trữ một lượng thông tin tiêu cực và nó sẽ được kích hoạt một cách nhanh chóng, linh hoạt khi cảm giác hưng phấn, hạnh phúc xuất hiện.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ hạnh phúc

Tương tự như các chứng sợ hãi khác, người mắc phải hội chứng sợ hạnh phúc thường tồn tại nỗi sợ phi lý, quá mức và kéo dài dai dẳng về cảm giác hạnh phúc, vui vẻ, thỏa mãn. Mặc dù chưa được công nhận là một dạng rối loạn tâm thần cụ thể nhưng Cherophobia cũng sẽ được hỗ trợ chẩn đoán dựa trên các biểu hiện của rối loạn lo âu. Cụ thể các triệu chứng thường gặp như:

  • Luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi, bất an khi mọi chuyện trở nên suôn sẻ, như ý.
  • Luôn có một niềm tin mãnh liệt về việc sau khi hạnh phúc sẽ xuất hiện những điều đau khổ, tồi tệ.
  • Tin rằng cảm giác hạnh phúc, vui sướng sẽ khiến cho bạn trở thành một người xấu xa, tội lỗi.
  • Luôn cố gắng che giấu cảm giác hạnh phúc, vui vẻ của bản thân hoặc thậm chí có thể ép bản thân luôn nghĩ về những điều tiêu cực.
  • Có xu hướng tránh né các cơ hội được tận hưởng cảm giác hạnh phúc, ví dụ như từ chối việc góp mặt trong các buổi tiệc liên quan, né tránh lời khen, lời chúc phúc,…
  • Từ chối tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp.
Hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia)
Cherophobia gây ra nỗi sợ hãi phi lý, kéo dài về trạng thái hạnh phúc, hài lòng.

Các biểu hiện của hội chứng sợ hạnh phúc còn có xu hướng bộc lộ mạnh mẽ, dữ dội hơn khi người bệnh rơi vào trạng thái vui vẻ, hân hoan. Lúc này họ có thể kèm theo các triệu chứng về thể chất như:

  • Run rẩy, ra nhiều mồ hôi
  • Tim đập nhanh liên hồi
  • Khó thở, thở gấp
  • Căng thẳng, đau đầu, chóng mặt
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
  • Chán ăn, ăn uống không ngon miệng, thường xuyên bỏ bữa
  • Đau tức ngực
  • Mất tập trung, lơ đãng

Tùy vào mức độ nghiêm trọng và sức chịu đựng của mỗi người mà các biểu hiện của hội chứng sợ hạnh phúc sẽ có phần khác nhau. Tuy nhiên, tình trạng này cần sớm được khắc phục và kiểm soát hiệu quả để tránh gây ra những cản trở, ảnh hưởng đối với sức khỏe tinh thần và chất lượng đời sống của người bệnh.

Hội chứng sợ hạnh phúc ảnh hưởng như thế nào?

Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc tích cực mà con người cần có trong cuộc sống. Mỗi chúng ta sẽ có những cảm giác hạnh phúc khác nhau trong những tình huống, hoàn cảnh khác nhau. Nó giúp chúng ta có được cảm giác tích cực, hài lòng hơn về cuộc sống, từ đó có thêm nhiều động lực để phấn đấu, xây dựng cuộc sống trong tương lai.

Vì thế, đối với những người mắc phải hội chứng sợ hạnh phúc, họ sẽ gặp rất nhiều cản trở trong học tập, công việc, các mối quan hệ,…Cherophobia khiến cho con người có xu hướng tránh né mọi hoạt động, cơ hội có liên quan đến cảm giác tích cực, vui sướng, hân hoan, hạnh phúc. Điều này khiến họ luôn chìm đắm vào những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực và dần giết chết đi tâm hồn, sức khỏe của họ.

Cherophobia
Cherophobia khiến nhiều người liên tục từ chối việc được cảm nhận cảm giác hạnh phúc, vui vẻ.

Những người bị ảnh hưởng bởi hội chứng sợ hạnh phúc sẽ có nhiều nguy cơ mắc phải các rối loạn tâm thần nguy hiểm như trầm cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn nhân cách,….Ngoài ra, do tâm lý sợ sệt phi lý nên nhiều người còn có xu hướng mặc cảm, né tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh, dần trở nên cô lập, tách biệt.

Các chuyên gia còn cho biết thêm, hội chứng sợ hạnh phúc còn gây nên nhiều hạn chế về khả năng phát triển của con người. Do lo sợ về việc sẽ được khen thưởng, tuyên dương hay đạt được những thành tích tốt khiến họ hạnh phúc nên nhiều người có xu hướng kiềm hãm năng lực của bản thân, từ chối việc cố gắng để hoàn thành mục tiêu, công việc một cách trọn vẹn.

Giải pháp khắc phục hội chứng sợ hạnh phúc

Cho đến hiện nay vẫn chưa có bất kỳ phương pháp nào được công nhận cụ thể về công dụng cải thiện triệt để hội chứng sợ hạnh phúc và các rối loạn ám ảnh sợ hãi khác. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra một số giải pháp khắc phục hiệu quả có khả năng giúp kiểm soát, thuyên giảm sự ảnh hưởng của Cherophobia như:

1. Liệu pháp tiếp xúc

Đối với hầu hết các trường hợp mắc phải hội chứng ám ảnh sợ hãi, trong đó có hội chứng sợ hạnh phúc thì các chuyên gia luôn khuyến khích họ áp dụng liệu pháp tiếp xúc. Với hình thức can thiệp này, người bệnh sẽ được hỗ trợ đối diện trực tiếp với chính nỗi sợ hãi của bản thân để học cách đối phó và vượt qua nó.

Thay vì trốn tránh và mãi tìm các tránh né thì việc đương đầu với sự sợ hãi phi lý chính là cách tốt nhất để giúp bạn loại bỏ nó. Để giúp cho liệu pháp này đạt được thành công tốt nhất thì bạn cần từng bước tiếp xúc với nỗi sợ – sự hạnh phúc theo các cấp độ tăng dần.

Khi đối mặt với sự sợ hãi đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang trải qua các cảm giác căng thẳng, lo lắng, hoang mang và nhiệm vụ của bạn đó chính là tìm cách khắc phục những trạng thái cảm xúc tiêu cực đó. Lâu dần bạn sẽ kiểm soát được sự lo lắng của bản thân và cảm nhận rõ nét hơn về niềm hạnh phúc, biết cách cân bằng cảm xúc hiệu quả.

2. Liệu pháp nhận thức và hành vi

Đây cũng là một trong những phương pháp thường xuyên được kết hợp cùng với liệu pháp tiếp xúc để giúp cải thiện các ám ảnh sợ hãi cụ thể. Người bệnh sẽ được hỗ trợ trực tiếp bởi các chuyên gia tâm lý để giúp họ từng bước thay đổi nhận thức sai lệch, từ đó điều chỉnh tốt về hành vi của bản thân.

Cherophobia
Cherophobia cần được hỗ trợ can thiệp tâm lý để khắc phục hiệu quả về nỗi sợ vô lý liên quan đến hạnh phúc.

Chuyên gia sẽ hỗ trợ người bệnh xác định được cụ thể những suy nghĩ, cảm xúc méo mó, chưa phù hợp khiến họ cảm thấy lo lắng, căng thẳng để từng bước hướng dẫn họ cách quản lý, thay đổi cảm xúc, hành vi theo chiều hướng tích cực, lành mạnh hơn.

3. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn

Để giúp tâm trạng của bạn trở nên tốt hơn, giảm bớt những lo lắng, căng thẳng và sợ hãi về cảm giác hạnh phúc thì việc áp dụng các kỹ thuật, bài tập hỗ trợ thư giãn là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh tác dụng giảm bớt sự sợ hãi do hội chứng sợ hạnh phúc gây ra thì phương pháp này còn hỗ trợ rất tốt cho việc nâng cao sức khỏe tinh thần, thể chất, giúp giảm bớt nguy cơ khởi phát các bệnh lý nguy hiểm hơn.

Cụ thể một số kỹ thuật, bài tập giúp thư giãn hiệu quả và an toàn như:

  • Thiền định
  • Yoga
  • Đi bộ, chạy bộ
  • Hít thở sâu

4. Viết nhật ký

Trong một vài cuộc nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, viết nhật ký cũng được xem là phương pháp mang đến nhiều lợi ích trong quá trình khắc phục hội chứng sợ, trong đó có Cherophobia. Phần lớn những người mắc phải hội chứng sợ hạnh phúc đều có xu hướng che giấu vì họ cảm thấy mặc cảm, tự ti và xấu hổ vì chính nỗi sợ vô lý của bản thân. Chính vì thế, khi cảm giác tồi tệ liên tục bị dồn nén sẽ khiến cho bệnh nhân càng trở nên mệt mỏi, tiêu cực hơn.

Do đó, thay vì cứ cố gắng giấu đi cảm xúc và nỗi sợ của bản thân, bạn hãy thử viết ra nó trên giấy, bày tỏ với chính mình để cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn. Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, đồng thời cũng dần xác định và hiểu rõ hơn về nỗi sợ hãi hạnh phúc, từ đó biết cách khắc phục, loại bỏ nó tốt hơn.

Trên đây là một số thông tin chia sẻ về hội chứng sợ hạnh phúc (Cherophobia) để giúp bạn đọc có thể phát hiện và khắc phục hiệu quả hơn. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc tự kiểm soát cảm xúc, bạn nên chủ động tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn cải thiện nhanh chóng, tích cực hơn.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *