Hội chứng sợ phụ nữ (Gynophobia) và cách giúp bạn vượt qua

Hội chứng sợ phụ nữ là nỗi sợ phi lý, gây ám ảnh và đau khổ tột cùng khi đối diện hay tiếp xúc với phụ nữ. Hội chứng này có thể gặp ở mọi độ tuổi, từ trẻ em đến người lớn, và xuất hiện cả nam và nữ, nhưng thường nam giới chiếm tỉ lệ lớn hơn. Chứng sợ phụ nữ có thể gây ra nhiều khó khăn và bất tiện cho cuộc sống của người bệnh.

Hội chứng sợ phụ nữ là gì?

Hội chứng sợ phụ nữ là một dạng rối loạn lo âu xuất hiện ở cả nam và nữ trong mọi độ tuổi. Hội chứng này thể hiện bằng nỗi sợ cực độ, mất kiểm soát và phi lý dành cho phụ nữ. Người bệnh có thể có những hành vi quá khích, la hét, hoảng sợ, thậm chí ngất xỉu, và không thể khống chế cảm xúc và suy nghĩ của bản thân.

hội chứng sợ phụ nữ
Hội chứng sợ phụ nữ có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới trong mọi độ tuổi, nhưng tỉ lệ nam giới bị ảnh hưởng cao hơn so với nữ.

Người bệnh nhận thức được nỗi sợ của bản thân là phi lý nhưng không thể làm gì để chống lại chúng. Những suy nghĩ tiêu cực và sự ám ảnh liên tục hiện lên trong đầu khi đứng gần phụ nữ, khiến người bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ này cảm thấy nguy hiểm, bị đe dọa, thậm chí là có ác ý và căm ghét nữ giới.

Hội chứng sợ phụ nữ còn có tên là Gynophobia. Cụm từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là γυνή (gunē có nghĩa là “phụ nữ”) và φόβος (phobos có nghĩa là “nỗi sợ”). Hội chứng sợ phụ nữ không tương đồng với “Misogyny”, hội chứng căm ghét phụ nữ, nhưng vẫn bị nhiều người nhầm lần và sử dụng lẫn lộn.

Misogyny là sự coi thường, hạ thấp, căm ghét và có thành kiến với phụ nữ xuất phát từ định kiến xã hội, văn hóa, tình hình chính trị, hay sự lệch lạc suy nghĩ liên quan đến tôn giáo của một số người. Misogyny là quan điểm, nhận thức và suy nghĩ được học hỏi và lựa chọn từ môi trường, còn Gynophobia là một chứng rối loạn tâm thần.

Một số người cho rằng chứng sợ phụ nữ là một yếu tố có thể kích phát đồng tính luyến ái nam. Tuy nhiên giả thuyết này vẫn còn gây ra nhiều tranh luận. Đồng tình luyến ái nam là chỉ việc người nam có tình yêu và hấp dẫn tình dục với người đồng giới. Trên thực tế, người mắc chứng sợ phụ nữ chưa chắc có những cảm xúc này.

Những người đồng tính luyến ái nam trong trường hợp bình thường sẽ không sợ phụ nữ, chỉ là phụ nữ không có sức hấp dẫn giới tính với họ. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn vấn đề này để tránh những hiểu lầm không đáng có. Vậy nguyên nhân gây ra hội chứng sợ phụ nữ là gì?

Nguyên nhân của hội chứng sợ phụ nữ

Cũng như nhiều vấn đề tâm lý khác, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng sợ phụ nữ vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên vẫn có một số yếu tố có thể khích phát hội chứng này, bao gồm yếu tố sinh học, môi trường và những chấn thương tâm lý trong quá khứ liên quan đến phụ nữ.

Sự bất thường trong hoạt động của hạch hạnh nhân có thể gây ra những ám ảnh và phản ứng quá khích dành cho một đối tượng nào đó. Hạch hạnh nhân là một bộ phận trong não chịu trách nhiệm về việc xử lý cảm xúc. Do đó sự bất thường của bộ phận này có thể kéo theo những phản ứng dữ dội, và những ám ảnh bất thường của người bệnh.

Khi hạch hạnh nhân không hoạt động bình thường, và người bệnh chịu những kích thích liên quan đến phụ nữ, những yếu tố này có thể kích phát hội chứng sợ phụ nữ. Những trải nghiệm không vui sẽ tạo thành ám ảnh, phóng to cảm giác sợ hãi, và kích thích những cảm xúc dữ dội của người bị ảnh hưởng.

Cảm giác sợ hãi cũng có thể đến từ tính di truyền, môi trường sống và cách nuôi dưỡng. Có những người không có trải nghiệm tiêu cực nào với phụ nữ, nhưng lại bị ảnh hưởng từ gia đình và môi trường sống. Người bệnh chịu ảnh hưởng từ những phản ứng và cảm xúc của người thân dành cho phụ nữ, từ đó sinh ra sợ hãi tình trạng tương tự.

gynophobia
Nguyên nhân gây ra hội chứng gynophobia có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như hoạt động bất thường của hạch hạnh nhân, và những chấn thương tâm lý liên quan đến phụ nữ.

Những người chịu những chấn thương tâm lý thời thơ ấu như bị mẹ, dì, cô, hay những người phụ nữ trong nhà hành hạ, đánh đập, bị bỏ rơi, bị lạm dụng thể chất,… có thể kích phát hội chứng sợ phụ nữ khi trưởng thành. Tình trạng này thường xảy ra ở nam giới, và khiến họ có những mâu thuẫn, ám ảnh không thể giải quyết với mẹ hay người thân của mình.

Những đứa trẻ bị tấn công và lạm dụng tình dục bởi phụ nữ trong thời thơ ấu sẽ trở nên sợ hãi, ám ảnh và căm ghét phụ nữ khi lớn lên. Ngoài ra, những người trưởng thành bị phụ nữ coi thường, chế giễu, từ chối tình cảm, và xúc phạm nặng nề cũng có thể khiến họ bị đả kích, mất lòng tin và sinh ra cảm giác sợ hãi phụ nữ. Những người này xem phụ nữ là mối đe dọa về thể chất hoặc tinh thần.

Biểu hiện và ảnh hưởng của hội chứng sợ phụ nữ

Hội chứng sợ phụ nữ biểu hiện thông qua những triệu chứng cả về thể chất lẫn tinh thần. Những triệu chứng này có thể nặng hoặc nhẹ tùy vào tình trạng của người bệnh. Trong tình trạng bị kích thích vì đối diện hoặc tiếp xúc với phụ nữ, người bệnh sẽ có một số biểu hiện thể chất như:

  • Khó thở, tức ngực, hơi thở gấp
  • Chóng mặt, buồn nôn
  • Đổ mồ hôi lạnh, đặc biệt là ở tay và chân
  • Tay chân run rẩy
  • Mặt trắng bệch

Ngoài ra, người bệnh cũng có những biểu hiện về tinh thần và hành vi bao gồm:

  • Tránh né mọi nơi có phụ nữ, hạn chế đến mức thấp nhất việc tương tác với phụ nữ
  • Sợ hãi, lo lắng tột độ, và tìm mọi cách chạy trốn khỏi những nơi có phụ nữ
  • Ám ảnh, kinh hoảng tột độ với chuyện quan hệ và đụng chạm phụ nữ
  • Nỗi sợ hãi ở những đứa trẻ thể hiện bằng hành vi la hét, trốn tránh, khó lóc và tìm nơi bấu víu khi đối diện với phụ nữ
  • Có cảm giác tội lỗi khi tiếp xúc với phụ nữ
  • Hoảng loạn và có thể ngất xỉu khi chịu kích thích mạnh.

Những ảnh hưởng của hội chứng sợ phụ nữ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống của người bệnh. Nhiều người biết rằng nỗi sợ của mình là vô lý, biết rằng những người phụ nữ xung quanh không đe dọa đến bản thân, nhưng họ không thể khống chế nỗi sợ hãi và ám ảnh này.

Một nửa thế giới là phụ nữ, thế nên việc tránh né hoàn toàn phụ nữ là điều bất khả thi. Người mắc chứng sợ phụ nữ sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, stress do luôn phải né tránh phụ nữ trong mọi trường hợp. Nếu để tình trạng này kéo dài, người bệnh có thể rơi vào trầm cảm, và có nguy cơ tự tử để giải thoát khỏi ám ảnh.

ảnh hưởng của hội chứng sợ phụ nữ
Hội chứng sợ phụ nữ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng trong nhiều mặt của cuộc sống, và khiến người bệnh rơi vào trầm cảm.

Tình trạng lo âu cũng là nguyên nhân kích phát những vấn đề thể chất như rối loạn tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, và tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần khác. Bên cạnh đó, nhiều người vì muốn trốn tránh những cảm xúc tiêu cực nên đã tìm đến bia rượu, chất kích thích với hy vọng loại bỏ cảm giác ám ảnh.

Lạm dụng chất kích thích gây ra những vẫn đề sức khỏe nghiêm trọng, khiến người bệnh dễ nghiện thuốc, nghiện rượu, ngộ độc rượu hoặc sốc thuốc do dùng quá liều. Người bệnh cũng có thể có những hành vi quá khích trong tình trạng không tỉnh táo, gây ra những hậu quả không thể lường trước.

Hội chứng sợ phụ nữ cũng khiến người bị ảnh hưởng hạn chế đi đến những nơi công cộng, từ bỏ những công việc phải tiếp xúc nhiều với nữ giới. Những hành vi này khiến người bệnh ngày càng mất kết nối với thế giới bên ngoài, thích nhốt mình trong nhà, từ chối tham gia các hoạt động cộng đồng.

Nếu triệu chứng của hội chứng sợ phụ nữ không được cải thiện sớm, việc duy trì những mối quan hệ cũ, và hình thành những mối quan hệ mới sẽ bị ảnh hưởng. Việc tách mình khỏi cộng đồng chỉ khiến những vấn đề sức khỏe ngày càng trầm trọng thêm. Do đó, người bệnh cần được chẩn đoán và cải thiện kịp thời để loại bỏ những hậu quả xấu.

Chẩn đoán chứng sợ phụ nữ

Hội chứng sợ phụ nữ không được công nhận trong ICD-10 hay DSM-5, nhưng chẩn đoán chứng sợ phụ nữ sẽ được dựa trên những tiêu chí chẩn đoán của rối loạn lo âu. Để xác định người bệnh có mắc hội chứng sợ phụ nữ không, họ phải đáp ứng một số tiêu chí dưới đây:

  • Cảm giác lo lắng, sợ hãi là phi lý, không có yếu tố uy hiếp để hình thành nỗi sợ
  • Những triệu chứng lo âu, đau khổ khi đối diện với phụ nữ kéo dài quá 6 tháng, không có dấu hiệu thuyên giảm
  • Phản ứng sợ hãi ập đến nhanh chóng và ngay lập tức khi nghĩ hoặc tiếp xúc với đối tượng
  • Có hành vi tránh né, tìm mọi cách thoát khỏi nơi có phụ nữ
  • Tình trạng sợ hãi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, đến sinh hoạt cá nhân
  • Sự sợ hãi đến một cách tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi bia rượu, chất kích thích, hay những vấn đề tâm thần khác.

Bên cạnh những biểu hiện lâm sàng, bác sĩ cũng sẽ theo dõi bệnh sử gia đình, tìm hiểu những vấn đề xung quanh người bệnh để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Chẩn đoán và cải thiện càng sớm thì ảnh hưởng tiêu cực tình trạng này gây ra càng nhỏ. Do đó người bệnh nên đến khám tại những trung tâm y tế càng sớm càng tốt.

Làm sao để vượt qua hội chứng sợ phụ nữ?

Hội chứng sợ phụ nữ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe, ngăn cản cuộc sống bình thường của người bệnh. Do đó liệu pháp tư vấn tâm lý và điều trị bằng thuốc, kết hợp với điều trị tại nhà đang là những liệu pháp chính giúp người bệnh vượt qua những ám ảnh và nỗi sợ phụ nữ đang đeo bám.

vượt qua gynophobia
Người bệnh nên nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để vượt qua ám ảnh này.

Người bệnh cần hiểu rằng những biểu hiện sợ hãi này không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà chỉ là một tình trạng bất ổn tinh thần cần được cải thiện. Việc chấp nhận và đối diện với vấn đề của bản thân là điều đầu tiên và quan trọng nhất người bệnh cần làm để chuẩn bị cho quá trình điều trị, nhằm đạt kết quả cao hơn.

1. Điều trị tâm lý

Điều trị tâm lý là liệu pháp điều trị chính và cần thiết khi hội chứng sợ phụ nữ cản trở những hoạt động thường ngày, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, công việc, hoặc trong những tình huống khác trong sinh hoạt. Hiện nay, hai liệu pháp chính điều trị tâm lý mang đến hiệu quả tốt là liệu pháp nhận thức-hành vi, và liệu pháp tiếp xúc.

  • Liệu pháp nhận thức-hành vi: Liệu pháp nhận thức-hành vi giúp người bệnh xác định nỗi ám ảnh, nhận ra sự ám ảnh và sợ hãi là không có thật. Từ đó người bệnh sẽ thay đổi nhận thức, thay đổi suy nghĩ và cảm xúc theo hướng tích cực hơn, tránh bị kích động khi đối diện và tiếp xúc với phụ nữ. Việc nhận thức được nỗi sợ sẽ giúp thay đổi hành vi, tránh những phản ứng quá khích, và tập luyện cách đối phó với nỗi sợ một cách tốt hơn. Phương pháp này yêu cầu sự thành thật của người bệnh về những sự kiện và trải nghiệm trong quá khứ liên quan đến phụ nữ, để bác sĩ tìm ra cách giúp họ vượt qua ám ảnh. Liệu pháp nhận thức-hành vi thường được kết hợp với liệu pháp tiếp xúc để mang đến hiệu quả tốt hơn.
  • Liệu pháp tiếp xúc: Liệu pháp tiếp xúc còn được gọi là liệu pháp giải mẫn cảm. Mục đích của liệu pháp này là để người bệnh tiếp xúc với đối tượng gây ám ảnh, trong trường hợp này là phụ nữ, thông qua nhiều cách khác nhau (hình chụp, phim ảnh, búp bê, người thật,…) và nhiều mức độ khác nhau. Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với ám ảnh, bác sĩ và các nhà trị liệu sẽ giúp bệnh nhân làm quen và học cách đối diện với phụ nữ hiệu quả hơn, loại trừ cảm giác sợ hãi. Người bẹnh cần học cách kiểm soát nỗi sợ, chứ không để nỗi sợ kiểm soát bản thân. Liệu pháp này được thực hiện trong môi trường an toàn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ để tránh những phản ứng quá khích.

Hai liệu pháp trên cũng có được sự giúp đỡ của liệu pháp thôi miên và thực tế ảo. Liệu pháp thôi miên giúp bác sĩ và nhà trị liệu đưa bệnh nhân vào trạng thái thả lỏng, đi sâu vào tiềm thức và tìm hiểu gốc rễ của ám ảnh, từ đó lên kế hoạch giải quyết căn nguyên của vấn đề nhằm loại bỏ hoàn toàn ám ảnh.

Liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để loại bỏ ám ảnh về lâu dài. Trước và trong quá trình điều trị tâm lý, bệnh nhân có thể chưa sẵn sàng cho buổi trị liệu, hoặc có những triệu chứng lo lắng, hoảng sợ, quá khích khi đối diện với tác nhân gây ám ảnh. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho điều trị bằng thuốc trong thời gian ngắn.

2. Điều trị bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc chỉ được kiến nghị nếu những triệu chứng lo lắng, sợ hãi, mất ngủ, khó thở, kích động,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày. Hiện nay điều trị bằng thuốc bao gồm 3 nhóm thuốc chính là thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta hoặc thuốc an thần. Mỗi đối tượng sẽ phù hợp với một loại thuốc khác nhau:

hội chứng sợ phụ nữ
Hội chứng sợ phụ nữ có thể điều trị bằng thuốc để cải thiện những triệu chứng lo âu, mất ngủ, tim đập nhanh,… để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được dùng để ngăn ngừa những cơn hoảng loạn, hạn chế những phản ứng quá khích, giúp người bệnh ngủ ngon và cải thiện tâm trạng. Những loại thuốc chống trầm cảm thường dùng và có độ an toàn cao là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI). Nếu người bệnh không phản ứng tốt với thuốc, bác sĩ có thê cân nhắc sử dung thuốc chống trầm cảm ba vòng.
  • Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta giúp điều trị các triệu chứng như tức ngực, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, và tình trạng run rẩy tay chân của người mắc hội chứng sợ phụ nữ.
  • Thuốc an thần: Thuốc an thần thường gặp nhất là benzodiazepin có thể giúp giải quyết tình trạng lo âu cấp tính khi người bệnh đối diện với tác nhân gây căng thẳng.

Một trong những lý do mà thuốc chỉ được dùng trong những tình huống thật sự cần thiết là do chúng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, và có thể gây ra những tác dụng phụ khó lường cho người bệnh. Không phải bất cứ thuốc nào cũng hiệu quả với một đối tượng nhất định, và tác dụng phụ của thuốc nặng hay nhẹ sẽ tùy vào vào thể chất và khả năng hấp thụ của người uống.

Các bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng nhiều loại thuốc khác nhau để biết họ phù hợp với loại thuốc nào. Nếu cảm thấy thuốc không có tác dụng, hoặc tác dụng phụ của thuốc quá mạnh, thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn tăng liều, hoặc đổi nhóm thuốc khác phù hợp hơn.

Những cách cải thiện hội chứng sợ phụ nữ tại nhà

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, một lối sống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu những ảnh hưởng của các chứng rối loạn lo âu, giúp cải thiện tâm trạng, loại bỏ những năng lượng tiêu cực. Ngoài thời gian tiếp nhận điều trị tâm lý và điều trị bằng thuốc, người bệnh cũng cần tạo cho mình lối sống lành mạnh để cải thiện tình trạng của bản thân.

Hãy bắt đầu bằng việc tạo cho mình thói quen sinh hoạt theo một thời khóa biểu cụ thể mỗi ngày. Bạn nên chia thời gian từng ngày theo những mục tiêu nhất định như thời gian thức dậy, thời gian đi ngủ, ăn cơm, luyện tập thể dục thể thao, thời gian điều trị tâm lý, thời gian nghỉ ngơi,… và hoàn thành đúng như kế hoạch đã đề ra.

Duy trì chế độ sống lành mạnh giúp giảm lo âu, mệt mỏi, giúp cải thiện tinh thần và giữ cho đầu óc minh mẫn. Nghỉ ngơi hợp lý cũng giúp cải thiện tình trạng sức khỏe song song với quá trình điều trị. Hạn chế thức khuya, dậy trễ, ăn đêm để tránh làm cơ thể mệt mỏi, kích thich cảm giác sỡ hãi mãnh liệt hơn.

Ngoài tuân thủ giờ giấc sinh hoạt, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao như yoga và thiền cũng là điều cần thiết cho người bệnh. Yoga và thiền có tác dụng điều hòa cảm xúc, tập luyện cách hít thở, và giúp người bệnh trấn tĩnh tinh thần, nhanh chóng lấy lại bình tĩnh trong những tình huống bất ngờ chịu kích thích.

hội chứng Gynophobia
Yoga là một trong những phương pháp thư giãn, loại bỏ mệt mỏi, cải thiện tình trạng sức khỏe, và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rối loạn lo âu vô cùng hiệu quả.

Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, đạm thực vật rất có lợi cho tinh thần và sức khỏe thể chất. Tập thể dục đều đặn kết hợp với chế độ ăn uống khoa học là chìa khóa giữ cho trạng thái tinh thần khỏe mạnh, chống lại lo âu, mất ngủ và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Những người mắc hội chứng sợ phụ nữ sẽ gặp nhiếu bất lợi trong đời sống, giao tiếp, công việc, và nhiều vấn đề khác ngoài xã hội. Do đó loại trừ những ảnh hưởng của hội chứng này sẽ giúp người bệnh có cuộc sống tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn, hạn chế những vấn đề không mong muốn phát sinh trong những mối quan hệ thường ngày.

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *