Liệu pháp tiếp xúc: Lợi ích và Ứng dụng trong điều trị tâm lý
Liệu pháp tiếp xúc còn được gọi là liệu pháp giải mẫn cảm. Đây là 1 trong những phương pháp trị liệu tâm lý thông dụng, và mang đến hiệu quả vượt trội trong điều trị các rối loạn tâm lý, đặc biệt là rối loạn lo âu. Liệu pháp tiếp xúc khuyến khích người bệnh tiếp xúc, làm quen với tác nhân gây sợ hãi để vượt qua chúng một cách dễ dàng hơn.
Đôi điều cần biết về liệu pháp tiếp xúc
Liệu pháp tiếp xúc (Exposure Therapy – ET) là một trong hai liệu pháp phổ biến nhất hiện nay trong điều trị các vấn đề về tâm lý. Liệu pháp còn lại là liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT). Mỗi liệu pháp sẽ phù hợp trong những tình huống khác nhau, nhưng thường được dùng kết hợp trong quá trình điều trị để nâng cao hiệu quả.
Liệu pháp tiếp xúc đã được khoa học chứng minh là có tác dụng trong điều trị các tình trạng như: rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu ám ảnh xã hội, sang chấn tâm lý sau tai nạn, rối loạn lo âu ám ảnh cưỡng chế, và một số vấn đề tâm lý khác. Liệu pháp tiếp xúc mang tính trực tiếp, và đánh thẳng vào vấn đề cần giải quyết của người bệnh.
Đúng như tên gọi, liệu pháp này buộc bệnh nhân phải tiếp xúc và đối diện với nỗi sợ hãi đeo bám, nhằm tìm cách thích nghi và vượt qua cảm giác lo âu, ám ảnh. Thông thường, con người có xu hướng né tránh những điều bản thân cảm thấy sợ hãi. Ví dụ những người sợ độ cao sẽ không bao giờ đi đến những nơi cao, không đi những thang máy bằng kính có thể nhìn ra bên ngoài.
Tuy nhiên, hành vi né tránh này chỉ có tác dụng nhất thời, chứ không mang đến hiệu quả lâu dài. Hành vi cố gắng phớt lờ nỗi sợ này có thể khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, đến khi chúng ta bị buộc rơi vào tình huống không mong muốn, nỗi sợ hãi sẽ được đẩy lên cao trào, choáng lấy lý trí, khiến ta đau khổ và hoảng loạn cùng cực.
Trong tình huống xấu nhất, người bệnh có thể rơi vào trạng thái mất kiểm soát, gây hại cho bản thân và những người xung quanh. Để loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực này, áp dụng liệu pháp tiếp xúc là cách giải quyết hiệu quả nhất. Việc cho bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây ám ảnh trong môi trường an toàn có thể giảm thiểu nỗi sợ.
Liệu pháp tiếp xúc giúp gì cho người bệnh?
Mục tiêu của liệu pháp này là giúp người bệnh bình thường hóa khi tiếp xúc với nỗi sợ. Thời gian đầu, mọi thứ sẽ rất khó khăn, bởi vì bất cứ tác động nhỏ nào cũng có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ ờ người bệnh. Nhưng theo thời gian, mọi thứ sẽ dần được cải thiện. Việc áp dụng liệu pháp tiếp xúc mang đến nhiều tác dụng rõ rệt bao gồm:
- Thời gian đầu, người bệnh được tiếp xúc với những tác nhân gián tiếp (thông qua tranh ảnh hay tưởng tưởng), sau đó mới đến những tác nhân trực tiếp. Việc tiếp xúc từ gần đến xa, từ gián tiếp đến trực tiếp giúp giảm dần nỗi sợ. Theo thời gian, người bệnh có thể thấy rằng phản ứng của bản thân đã không còn dữ dội như giai đoạn đầu. Mức độ phản ứng giảm cho thấy việc trị liệu bước đầu có kết quả tốt.
- Tiếp xúc với tác nhân gây sợ hãi trong môi trường an toàn, có sự hỗ trợ của bác sĩ giúp người bệnh thay đổi nhận thức về tính nguy hiểm của đối tượng hoặc tình huống. Ví dụ với những người mắc hội chứng sợ không gian hẹp, việc ở trong một không gian tối tăm, chật hẹp khiến họ cảm thấy hoảng sợ, khó thở và có cảm giác bị đe dọa tính mạng. Nhưng sau quá trình điều trị, họ dần dần sẽ không gắn chặt hình ảnh những nơi chật hẹp với cái chết và sự nguy hiểm nữa. Họ hiểu rằng nơi chật hẹp không mang đến ảnh hưởng xấu, do đó nỗi sợ bị giảm đi rất nhiều.
- Người bệnh nhận ra rằng, họ hoàn toàn có khả năng chế ngự nỗi sợ hãi và cảm giác lo lắng nếu tiếp xúc đủ lâu với nỗi ám ảnh. Thay vì những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, người bệnh có thể gắn nỗi sợ hãi với những yếu tố tích cực hơn. Từ đó, bệnh nhân có thể học cách điều chỉnh cảm xúc, ổn định tinh thần trong những tình huống bắt buộc.
Trong một số trường hợp, liệu pháp tiếp xúc có thể dùng để điều trị các chứng nghiện. Hiệu quả của liệu pháp tiếp xúc nhanh hay chậm và tùy vào khả năng tiếp nhận và phản ứng của bệnh nhân. Quá trình điều trị chi tiết cũng sẽ được thiết kế riêng cho từng trường hợp, nhằm giúp bệnh nhân cải thiện hiệu quả nhất.
Ứng dụng của liệu pháp tiếp xúc trong điều trị tâm lý
Vấn đề cốt lõi của liệu pháp tiếp xúc là giúp người bệnh đối mặt với tác nhân gây sợ hãi theo hướng tăng dần: từ ít đến nhiều, từ mơ hồ đến rõ ràng, từ tưởng tượng đến thực tế theo nhiều cách khác nhau. Có như vậy, người bệnh mới dễ làm quen và tiếp nhận, tránh gây kích thích quá lớn trong thời gian đầu tiếp xúc.
Dựa trên tình hình thực tế, các chuyên gia tâm lý sẽ áp dụng một số hình thức trị liệu dưới đây, bao gồm:
- Tiếp xúc bằng trí tưởng tượng: Tiếp xúc bằng trí tưởng tượng sẽ có ích khi nỗi sợ mang tính mơ hồ, không thực tế, khó tiếp xúc ngoài đời thật, hoặc có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Tiếp xúc bằng trí tưởng tượng có tính an toàn cao hơn, và có thể giúp người bệnh làm quen với sự vật, hiện tượng gây ám ảnh trước khi tiếp xúc với tranh ảnh, hay sự vật ngoài đời thật. Liệu pháp này có hiệu quả tốt khi điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Tiếp xúc nội cảm: Liệu pháp tiếp xúc nội cảm là phương pháp giúp người bệnh làm quen với các phản ứng thể chất khi rơi vào trạng thái lo âu, hoảng sợ bằng cách mô phỏng lại chúng. Kỹ thuật này giúp họ nhận ra rằng những biểu hiện như tim đập nhanh, choáng váng, khó thở do tiếp xúc với yếu tố gây căng thẳng không phải là dấu hiệu nguy hiểm. Nhờ đó, người bệnh có thể kiểm soát và giảm thiểu ảnh hưởng của các phản ứng thể chất khi tiếp xúc với yếu tố gây lo lắng.
- Tiếp xúc trực tiếp: Tiếp xúc trực tiếp là để người bệnh tiếp xúc với yếu tố gây hoảng sợ thông qua hình ảnh trên giấy, trên các đoạn phim, hoặc với sự vật ngoài đời thực. Mức độ tiếp xúc sẽ theo thứ tự tăng dần, giúp bệnh nhân có thời gian làm quen. Ví dụ, những người mắc hội chứng sợ chó sẽ được xem hình ảnh loài chó, bắt đầu từ những hình ảnh đáng yêu, cách điệu, rồi đến những hình ảnh giống với thực tế hơn. Sau đó bệnh nhân được nhìn thấy những chú chó thông qua các đoạn phim. Cuối cùng mới là tiếp xúc với chó thật. Cự ly tiếp xúc sẽ giảm dần, từ xa đến gần.
- Tiếp xúc qua thực tế ảo: Công nghệ thực tế ảo giúp mô phòng lại những sự vật, sự việc ngoài đời thực trong môi trường 3D một cách tự nhiên và sống động. Chính vì hình ảnh quá chân thật, người bệnh sẽ có cảm tưởng mình đang tiếp xúc thật sự với một con rắn, một con chó, hay đang đứng trên một nơi cao. Liệu pháp tiếp xúc qua công nghệ thực tế ảo an toàn hơn, dễ dàng hơn, mà vẫn đảm bảo sự an toàn cần thiết cho người bệnh. Hiện nay công nghệ này đang được áp dụng rất nhiều trong điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.
Xem thêm: Công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) trong điều trị tâm lý
Để những hình thức trị liệu trên đạt hiệu quả, các chuyên gia cũng cần áp dụng một số kỹ thuật nhất định trong quá trình cải thiện nỗi sợ hãi. Ví dụ sẽ có những bệnh nhân, hoặc những giai đoạn trị liệu phù hợp với hình thức tiếp xúc theo mức độ từ thấp đến cao. Việc tiếp xúc dần dần giúp người bệnh dễ tiếp thu, đặc biệt là với những người nhạy cảm và yếu đuối.
Trong khi đó, có những người phù hợp với hình thức “nhấn chìm”, tức tiếp xúc yếu tố gây căng thẳng từ cao đến thấp. Việc tiếp xúc với những yếu tố gây căng thẳng cao giúp tạo một “hệ miễn dịch” cho tâm trí. Bởi vì chúng ta đã chứng kiến thứ đáng sợ nhất, nên những điều không đáng sợ bằng không còn tạo cảm giác uy hiếp nữa.
Dần dần, người bệnh sẽ thoát khỏi ám ảnh đã đeo bám khi nhìn chúng với ánh mắt bình thường. Với những người hình thành nỗi sợ do chấn thương tâm lý, liệu pháp tiếp xúc kéo dài hoặc thôi miên sẽ giúp họ tiếp cận với những ký ức và cảm xúc theo dòng ký ức. Từ đó, bệnh nhân có thể đối diện với nỗi sợ một cách tốt hơn.
Bệnh nhân cũng được hướng dẫn liên kết nỗi sợ với những điều tích cực, và biết cách phản ứng trong tình huống cần thiết. Ví dụ khi khó thở, tim đập nhanh thì hãy nhớ hít thở sâu, khi rơi vào hoảng loạn thì biết cách lấy lại bình tĩnh. Những bài tập thư giãn giúp cải thiện tinh thần và loại bỏ nỗi sợ rất tốt.
Quá trình áp dụng liệu pháp tiếp xúc
Đầu tiên, các chuyên gia tư vấn tâm lý sẽ tìm hiểu về bệnh sử của người bệnh và gia đình, tìm hiểu về những sự kiện trong quá khứ, và những yếu tố có thể tác động đến tình trạng sợ hãi, lo âu hiện tại. Khi đã hiểu rõ những vấn đề cần thiết, chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân đưa ra kế hoạch trị liệu hợp lý.
Tùy theo mức độ phản ứng với với nỗi sợ, bác sĩ sẽ có những cách riêng giúp người bệnh tiếp xúc và vượt qua ám ảnh. Có thể áp dụng hình thức tiếp xúc qua thực tế ảo, qua tưởng tượng, hoặc tiếp xúc trực tiếp. Có bệnh nhân sẽ hợp với hình thức nhấn chìm, hoặc tiếp xúc theo tuần tự từ thấp đến cao.
Thông thường việc trị liệu sẽ bắt đầu với mức độ nhẹ, và tăng dần trong những lần áp dụng liệu pháp tiếp xúc sau. Người bệnh sẽ tiếp xúc với ảnh chụp, hình vẽ và các đoạn phim trước, sau đó là tiếp xúc sự vật thực tế với mức độ tăng dần. Chỉ khi quen thuộc và không cảm thấy khó chịu với mức độ nhẹ, người bệnh mới được tiếp xúc với mức độ cao hơn.
Thời gian trị liệu sẽ khác nhau tùy vào từng trường hợp. Quá trình hồi phục nhanh hay chậm phụ thuộc vào mức độ sợ hãi, tình trạng phức tạp của bệnh, và khả năng tiếp nhận điều trị của người bệnh. Có những người tiến bộ sau một vài buổi trị liệu, có người cần nhiều thời gian và công sức hơn mới có thay đổi.
Để giảm nhẹ cảm giác sợ hãi, người bệnh sẽ được hướng dẫn những phương pháp giữ bình tĩnh khi rơi vào tình huống khích thích. Điều này giúp họ giảm bớt sự chú ý vào tác nhân gây sợ hãi, suy nghĩ đến những điều tích cực, và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nỗi sợ đến tinh thần.
Những điều cần cân nhắc khi áp dụng liệu pháp tiếp xúc
Bất cứ liệu pháp nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng, liệu pháp tiếp xúc cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, không phải lúc nào những nhược điểm này cũng ảnh hưởng đến người bệnh. Do đó liệu pháp này vẫn được sử dụng phổ biến nhờ hiệu quả mà chúng mang đến.
Người bệnh cần xác định rõ ràng mục đích của quá trình trị liệu. Phương pháp này có tác dụng trực tiếp, đánh thẳng vào nỗi đau của bệnh nhân, nên sẽ gây cảm giác đau đớn và không thoải mái. Người bệnh phải chuẩn bị tâm lý thật tốt để đối diện với mọi kích thích phải chịu trong quá trình trị liệu.
Một số điều cần cân nhắc khi áp dụng liệu pháp tiếp xúc bao gồm:
- Việc đối mặt trực tiếp với nỗi sợ hãi có thể gây ra ám ảnh kinh hoàng cho nhiều bệnh nhân. Nhiều người không thể tiếp nhận kích thích ngay trong buổi đầu tiên, và có những phản ứng quá khích đến mức không thể tiếp tục điều trị. Do đó liệu pháp này có thể không áp dụng được trong một số trường hợp nhất định.
- Nếu quá trình điều trị kết thúc sớm, hoặc người bệnh chưa thật sự thoát khỏi ám ảnh, thì các triệu chứng lo âu hoảng sợ sẽ nhanh chóng quay lại sau một thời gian ngắn. Một số người tin rằng bản thân đã khỏi hẳn, nhưng đến một lúc nào đó, cảm giác lo sợ lại quay về khi đối mặt với sự vật, sự việc.
- Liệu pháp mô phỏng, thực tế ảo, hay tiếp xúc trong môi trường an toàn không phải lúc nào cũng bám sát thực tế, và có thể không có tác dụng trong tình huống thật. Ví dụ, người sợ chó có thể tiếp xúc với những chú chó quen thuộc, dịu ngoan, nhưng sẽ mất bình tĩnh khi đối diện với loài chó hung dữ.
- Liệu pháp có thể không có tác dụng với người bệnh. Cảm giác đau khổ và sợ hãi không thuyên giảm. Người bệnh cũng không thể điều khiển suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.
Liệu pháp tiếp xúc là một trong những các phương pháp trị liệu tâm lý thông dụng nhất hiện nay. Liệu pháp này có hiệu quả tốt, và mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh. Quan trọng là bản thân bệnh nhân cần có nghị lực và dũng cam đối mặt với nỗi sợ, cũng như chịu hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị.
Xem thêm:
- Phương pháp ABA chữa tự kỷ có hiệu quả không? Cách ứng dụng
- Sự Khác Biệt Giữa Tâm Lý Học Với Tâm Thần Học Trị Liệu
- Ý nghĩa của Thiền trong khoa học tâm lý trị liệu
- Sự khác nhau giữa tâm lý trị liệu và tư vấn tâm lý? Dịch vụ nào tốt
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!