5 Lỗi tư duy thường gặp ở trẻ em cha mẹ nên lưu ý
Suy luận phiến diện, thích phóng đại, không chịu nhận lỗi,…là các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ mà cha mẹ cần phải chú ý. Nếu gia đình không có biện pháp can thiệp kịp thời và giúp trẻ định hướng lại đúng tư duy thì có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với lối sống và sự phát triển trong tương lai của trẻ.
5 Lỗi tư duy thường gặp ở trẻ cha mẹ nên lưu ý
Trẻ em là những mầm non, là tương lai của đất nước. Vì thế gia đình và xã hội cần phải chú trọng nhiều đến việc phát triển và bảo vệ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ, giúp trẻ có những tư duy, nhận thức đúng đắn khi con còn là những trang giấy tinh khôi.
Tuy nhiên, đây cũng chính là lứa tuổi rất nhạy cảm, trẻ dễ bị ảnh hưởng và tác động bởi những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ và các thành viên thân thuộc trong gia đình. Trong thực tế nhận thấy rằng một số hành động, lời nói, cách cư xử sai lầm của người lớn cũng có thể là yếu tố khiến cho trẻ dễ hình thành các luồng tư duy không đúng đắn.
Ngoài ra, hiện nay trẻ em lại được tiếp xúc quá sớm đối với các trang mạng xã hội. Nếu gia đình không có biện pháp giáo dục và kiểm soát tốt sẽ khiến trẻ dễ bị lôi kéo bởi những nội dung “độc hại” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, tư duy và định hướng phát triển trong tương lai.
Vì thế, cha mẹ cần phải thực sự chú ý và sớm phát hiện được những sai lầm trong tư duy của trẻ để có thể can thiệp và điều chỉnh kịp thời. Dưới đây là 5 lỗi tư duy thường gặp ở trẻ mà cha mẹ cần phải quan tâm.
1. Thích phóng đại – lỗi tư duy thường gặp ở trẻ
Trẻ em thực sự rất hồn nhiên và vô tư, do đó chúng ta thường sẽ thấy trẻ hay thích thú và khoe khoang về những đồ chơi mới, những vấn đề mà trẻ cảm thấy yêu thích. Đây là một trong các phản ứng vô cùng bình thường ở trẻ nhỏ. Cũng bởi đứa trẻ nào cũng thích được tán thưởng, khen ngợi. Những lời nói tích cực của cha mẹ có thể khiến cho trẻ cảm thấy hạnh phúc và vô cùng sung sướng.
Tuy nhiên, một số trẻ lại có xu hướng thích phóng đại mọi thứ, đặc biệt là những ưu điểm, những điều mà bản thân đang sở hữu. Đồng thời trẻ sẽ cố gắng che giấu và lấp đi các khuyết điểm của mình, không muốn mọi người biết đến những điều chưa tốt của bản thân. Lỗi tư duy này được biểu hiện ở nhiều trẻ, bởi trẻ không chỉ muốn nhận được sự khen ngợi, ngưỡng mộ của người khác mà còn muốn nhiều người quan tâm, yêu thương mình hơn nữa.
Ví dụ như, khi con bị té ngã, dù tình huống đó không làm tổn thương quá nhiều đến con nhưng con vẫn muốn bộc lộ rằng bản thân đau đớn và khóc lóc rất to. Điều này có thể thấy được trẻ muốn được cha mẹ quan tâm và chiều chuộng nhiều hơn nữa, muốn dành sự chú ý của mọi người xung quanh.
2. Lối suy luận phiến diện ở trẻ
Hầu hết các trẻ nhỏ đều chưa thể có đủ nhận thức và hiểu biết sâu rộng để đánh giá mọi việc xảy ra xung quanh. Thông thường, con sẽ nhìn nhận mọi vấn đề bằng cái nhìn đầu tiên và vội vàng phán xét nó. Không ít các trường hợp trẻ cảm thấy tủi thân, buồn chán vì những lời trách mắng của cha mẹ. Lúc này trẻ cho rằng cha mẹ không còn yêu thương và quan tâm đến mình nữa. Hoặc khi cha mẹ chừa phần ngon hơn cho em nhỏ thì bản thân trẻ cũng sẽ nghĩ rằng cha mẹ đang thiên vị và yêu em hơn là mình.
Với lối suy luận phiến diện này, trẻ sẽ luôn đánh giá mọi thứ qua cái nhìn chủ quan của bản thân. Đôi lúc trẻ sẽ nhanh chóng đưa ra kết luận khi chỉ vừa nghe một câu nói hoặc một hành vi nhỏ nào đó. Ví dụ như khi trẻ nghe thầy cô nói đó là một bài tập khó thì trẻ sẽ có xu hướng từ bỏ, không muốn thử sức vì nghĩ rằng bản thân không thể giải được.
Lối suy luận phiến diện là một trong các lỗi tư duy thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không kịp thời phát hiện và điều chỉnh cho trẻ sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống, quá trình học tập, làm hạn chế khả năng tư duy, sáng tạo, học hỏi của trẻ. Ngoài ra, lối tư duy sai lệch này còn gây nên nhiều tác động xấu đến tính cách của trẻ, khiến trẻ khó đạt được thành công trong cuộc sống.
3. Chỉ làm mọi việc khi được trả công
Lỗi tư duy này hình thành chính là do sự giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ. Một số gia đình, phụ huynh thường có xu hướng muốn con làm những việc vặt hoặc khuyến khích con thực hiện một điều gì đó bằng cách “trả công” cho con. Điều này dần hình thành ở con lối suy nghĩ tiêu cực, con chỉ làm việc khi cha mẹ cho con một lợi ích nào đó. Ngược lại, nếu cha mẹ không thưởng cho con thì con sẽ có xu hướng không muốn làm và không làm hết mình.
Thực chất, việc chỉ bỏ công sức khi nhận được một lợi ích nào đó cho bản thân cũng không hẳn là một tư duy sai trái. Tuy nhiên nếu trẻ cứ mãi sống trong lối tư tưởng đó sẽ khiến con khó phát triển, trở nên ích kỷ và sẽ không thể hoàn thiện bản thân. Khi lớn hơn trẻ sẽ chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân, không quan tâm đến những người xung quanh, kể cả những người thân trong gia đình. Ngoài ra, một số trẻ còn có thể xuất hiện những hành vi, lời nói dối trá, thiếu trung thực nhằm đảm bảo lợi ích cho chính mình.
4. Không chịu nhận lỗi, trốn tránh trách nhiệm
Trẻ con thường đùa giỡn, tò mò, thích khám phá và rất năng động. Vì thế không ít lần trẻ nhỏ có thể phạm phải những lỗi lầm khiến cha mẹ phải la mắng, trách phạt. Tuy nhiên, một số trẻ vì sợ bị trách mắng nên sẽ có những hành vi lẩn tránh, giấu giếm hoặc nói dối cha mẹ. Nếu trẻ nhỏ không được chỉnh sửa và rèn dũa lại tính cách này ngày từ đầu sẽ khiến trẻ dần hình thành tư duy không chịu nhận lỗi, thường xuyên trốn tránh trách nhiệm hoặc đỗ lỗi cho người khác.
Nếu trẻ đã áp dụng thành công biện pháp này một lần thì chắc hẳn những lần phạm lỗi tiếp theo trẻ sẽ tiếp tục nói dối và trốn tránh. Thậm chí trẻ sẽ có xu hướng liên tục nói dối, trở thành một đứa trẻ không đáng tin cậy. Chẳng hạn như khi trẻ làm vỡ một cái chén nhưng lại đổ lỗi cho thú cưng trong nhà, trẻ bị thầy cô trách phạt thì lại đổ lỗi do bạn bè,…Bất cứ khi nào phạm phải lỗi sai trẻ đều có xu hướng né tránh thay vì nói lời xin lỗi.
Lỗi tư duy thường gặp ở trẻ nhỏ này có thể hình thành trong quá trình giáo dục và nuôi dạy con của các bậc phụ huynh. Nhiều bậc làm cha làm mẹ luôn nghĩ rằng con cái còn nhỏ, cho rằng đó là những hình vi bình thường và trẻ sẽ tự biết sửa đổi khi trưởng thành hơn. Tuy nhiên, trong thực tế nếu không chỉnh đốn từ lúc nhỏ thì khi lớn lên trẻ sẽ dần bị ăn sâu vào tiềm thức và không biết chịu trách nhiệm đối với những việc mà bản thân đã làm.
5. Học không đi đôi với hành
Trong thực tế hiện nay, không chỉ trẻ nhỏ và cả người trưởng thành cũng có lối tư duy học không đi đôi với hành. Nhiều người chỉ chú tâm đến việc trau dồi kiến thức nhưng không chú trọng việc thực hành. Một số học sinh chỉ học theo phương pháp “học vẹt”, đôi lúc không hiểu được nội dung mà bản thân đang tiếp nhận.
Con chỉ quan tâm đến những gì ghi chép trong sách vở, học bài theo cách đối phó mà không để tâm đến việc thực hành bên ngoài. Vì thế, cho dù con có được điểm số cao trong quá trình học tập nhưng khả năng giao tiếp, ứng phó bên ngoài lại không được tốt. Tình trạng này đôi lúc cũng xuất phát từ gia đình và quá trình giáo dục của nhà trường.
Cha mẹ nên làm gì trẻ tránh mắc phải các lỗi tư duy?
Gia đình, cha mẹ luôn là điểm tựa quan trọng nhất cho con cái, đặc biệt là đối với quá trình phát triển và hình thành tư duy ở trẻ. Những lỗi tư duy thường gặp ở trẻ có thể xuất phát từ quá trình giáo dục của gia đình hoặc cha mẹ chưa thực sự dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc đối với trẻ.
Do đó, ngay khi nhận thấy những tư duy sai lệch ở trẻ nhỏ thì cha mẹ nên tìm cách can thiệp và điều chỉnh kịp thời để giúp trẻ định hình lại đúng hướng. Để giúp con phòng tránh tốt các lỗi tư duy lệch lạc thì các bậc phụ huynh cần chú ý một số điều sau đây:
- Dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, chia sẻ và tâm sự với con. Đặc biệt là những trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, phụ huynh nên chú ý nhiều hơn đến lời nói, cách suy nghĩ, hành vi cho trẻ. Hãy cùng trẻ nói chuyện và chia sẻ những vấn đề xảy ra xung quanh. Nhờ đó mà cha mẹ cũng sẽ dễ dàng biết được những suy nghĩ, cách đánh giá của trẻ về các sự việc bên ngoài.
- Các bậc phụ huynh cũng cần phải học cách kiểm soát cảm xúc, lời nói, hành vi và cư xử một cách đúng mực trước mặt trẻ. Cũng bởi trẻ em luôn có tính tò mò và muốn học theo người lớn. Do đó, nếu cha mẹ có những ngôn ngữ, cách tư duy sai lệch sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ.
- Luôn biết cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ. Trẻ em luôn muốn được mọi người công nhân và đánh giá cao về năng lực, trẻ cũng muốn nói lên những quan điểm của bản thân mình. Vì thế cha mẹ cũng nên lắng nghe trẻ, nếu lời nói của trẻ chưa đúng thì nên nhẹ nhàng phân tích cho trẻ hiểu, tuyệt đối đừng phản bác hay thờ ơ với trẻ.
- Hãy dạy cho con biết cách nhận lỗi và chịu trách nhiệm với việc bản thân đã làm. Mỗi khi con phạm lỗi cha mẹ cũng không nên la mắng quá mức, hãy có hình thức phạt theo từng cấp độ để giúp trẻ nhận ra lỗi lầm của mình. Đồng thời không nên che giấu lỗi lầm của trẻ bằng cách đổ lỗi. Cũng bởi các bậc phụ huynh ở Việt Nam hay thường đánh bàn, đánh ghế khi con va chạm vào đó, đây là một cách dạy hoàn toàn sai và có thể khiến trẻ hình thành những tính cách xấu.
- Dạy con khi có lỗi phải biết nói xin lỗi, khi nhận được sự giúp đỡ phải biết nói cảm ơn.
- Dành cho con những lời khen ngợi, động viên khi con làm được những điều tốt, hoàn thành tốt công việc được giao. Tuy nhiên, phải khéo léo lựa chọn lời nói có chừng mừng, không nên quá tâng bốc, đề cao trẻ.
- Cho con tham gia vào các hoạt động tập thể, các lớp học kỹ năng mềm để con có thể học hỏi thêm nhiều điều bổ ích.
Những lỗi tư duy thường gặp ở trẻ nhỏ đa phần sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi cách giáo dục, tác động của cha mẹ, nhà trường và môi trường xung quanh. Cha mẹ cần phải chú ý quan tâm và tạo cho trẻ môi trường học tập, sinh hoạt thật lành mạnh để trẻ có thể phát triển tốt về cả mặt tư duy lần thể chất.
Tham khảo thêm:
- Dạy Con Ở Tuổi Dậy Thì Và Những Điều Cha Mẹ Cần Tránh
- Tâm Lý Con Gái Ở Tuổi Dậy Thì Cha Mẹ Nên Quan Tâm Chia Sẻ
- Tính Cách Tâm Lý Con Trai Ở Tuổi Dậy Thì Cha Mẹ Cần Quan Tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!