Tư duy sai lệch: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục
Tư duy sai lệch chính là những lối suy nghĩ mang tính chất chủ quan, dựa vào cảm tính mà đánh giá về các sự việc, hiện tượng hoặc một đối tượng bất kì nào đó. Trong thực tế, đôi lúc chúng ta cũng không thể tránh khỏi những ý nghĩ lệch lạc so với thực tế. Tuy nhiên nếu cứ cố gắng giữ lối tư duy này sẽ khiến cho bản thân phải đối mặt với nhiều cảm xúc tiêu cực, đồng thời làm cản trở lớn đối với cuộc sống.
Tư duy sai lệch là gì?
Tư duy sai lệch có thể được hiểu là một lối suy nghĩ thiếu tính khách quan đối với các sự việc, đối tượng xung quanh. Các chuyên gia cho biết rằng, những người có lối tư duy này thường sống và làm việc dựa theo cảm tính. Ví dụ như nếu như phải đối diện với những tình huống cản trở, gây bất lợi thì những người có cách suy nghĩ sai lệch sẽ luôn nhận định sai về tính chất của vấn đề và tìm cách để tự an ủi, bảo vệ bản thân.
Nếu nhận thức của bạn bị xuyên tạc hoặc bóp méo thì sẽ kéo theo những phản ứng cảm xúc bất thường. Do đó có thể thấy rằng những người có tư duy sai lệch đôi lúc cũng có thể liên quan đến những vấn đề tâm lý, đặc biệt là chứng trầm cảm. Mọi cảm giác tồi tệ mà bạn có được cũng chính là kết quả của lối tư duy lệch lạc, tiêu cực.
Trong thực tế, bất kì ai trong chúng ta đều có thể xuất hiện các tư duy sai lệch trong một vài sự việc, tình huống nào đó. Tuy nhiên, sau khi cảm xúc đã được ổn định thì chúng ta vẫn có thể bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề và thay đổi chúng theo hướng đúng đắn hơn. Nếu cứ cứng nhắc, cố chấp giữ vững những suy nghĩ lệch lạc của mình trong thời gian dài thì nguy cơ cao sẽ phải đối mặt với những vấn đề khó khăn, cản trở trong cuộc sống.
Nguyên nhân dẫn đến tư duy sai lệch
Như đã chia sẻ ở trên, tư duy sai lệch chính là những nhận định, đánh giá, lối suy nghĩ không chính xác về các sự vật, hiện tượng hoặc con người. Bất kì ai trong chúng ta cũng sẽ có những lúc trải qua tình huống này. Vậy nguyên nhân nào khiến chúng ta có những tư duy sai lệch?
- Khi đối mặt với các tình huống khó khăn, gây cản trở thì bạn sẽ có nhiều nguy cơ gia tăng những suy nghĩ sai lệch. Đây cũng là cách giúp bạn cảm thấy an tâm và an ủi bản thân hiệu quả.
- Do sự ảnh hưởng của các trải nghiệm trong cuộc sống.
- Bị tác động bởi sự giáo dục của gia đình, trường học hoặc do năng lực, kiến thức hạn hẹp của mỗi người.
- Tư duy sai lệch cũng có thể khởi phát từ những sự ảnh hưởng của gia đình, bạn bè, thầy cô, các anh chị em, những người thân thiết.
- Sự di truyền của cấu trúc và cách hoạt động của bộ não.
- Hệ quả của các bệnh tâm lý như rối loạn nhân cách, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần,…
Các loại tư duy sai lệch và dấu hiệu nhận biết
Tuy duy sai lệch nếu không được kiểm soát và khắc phục tốt sẽ làm ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của con người. Nếu cứ cố chấp giữ các lối suy nghĩ chủ quan của bản thân sẽ khiến cho bạn gia tăng nguy cơ đối mặt với những cảm xúc tiêu cực và không còn nhận thức đúng về cuộc sống. Thông thường, tư duy lệch lạc sẽ gặp nhiều ở những đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm lý.
Một số loại tư duy sai lệch thường gặp và dấu hiệu giúp bạn nhận biết chúng:
1. Tư duy sàng lọc
Đây là lối tư duy chỉ tập trung vào những điều tiêu cực, mọi vấn đề xảy đều được nhìn nhận và đánh giá theo chiều hướng bi quan mà quên đi những điểm tích cực khác. Bất kì sự việc nào xảy ra, họ cũng chỉ chú ý đến những chi tiết tiêu cực, những điều gây hại dù là rất nhỏ. Hơn thế, họ bắt đầu tách biệt những điều tiêu cực ra khỏi sự việc, hoàn cảnh hiện tại và phóng đại chúng lên một cách quá mức.
Thông thường, lối tư duy này sẽ gặp nhiều ở những đối tượng thường xuyên bị căng thẳng, stress, trầm cảm, rối loạn lo âu. Việc cứ chăm chăm để tâm đến những điều tiêu cực, những mặt hại của sự việc sẽ khiến bạn không thể giải quyết tốt vấn đề mà đôi lúc còn làm cho nó trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, lối suy nghĩ này còn dẫn đến nhiều sự bất ổn về cảm xúc, nhận thức, bạn sẽ mãi lẩn quẩn trong những cảm xúc buồn chán, bi quan, lo lắng.
2. Tư duy cá nhân hóa
Những người có lối tư duy cá nhân hóa luôn cho rằng bản thân là nguyên nhân gây ra các sự việc và tự đổ lỗi cho chính mình. Họ luôn cố ép bản thân thực hiện một việc gì đó để chuộc lại lỗi lầm hoặc tránh các hậu quả xấu có thể xảy ra, kể cả việc đó không xuất phát từ họ.
Khi tồn tại lối tư duy này sẽ khiến cho cá nhân phải chịu nhiều sự thiệt thòi, lúc nào cũng cảm thấy bản thân vô dụng và mang tội lỗi với những người xung quanh. Bên cạnh đó, tư duy cá nhân hóa còn kiềm hãm và hạn chế các hoạt động của họ. Bởi những suy nghĩ lệch lạc đó khiến cho họ không dám thể hiện bản thân, không đủ can đảm để tham gia vào các trải nghiệm cuộc sống. Họ luôn có tâm lý sợ làm sai, sợ gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
3. Suy luận tùy tiện
Một trong các lối tư duy sai lệch thường gặp ở nhiều người đó chính là cách suy luận tùy tiện. Đây là tư duy của những người vô phép tắc, có lối sống cẩu thả, vô trách nhiệm. Những đối tượng này sẽ dễ dàng đưa ra nhận định, phán xét mặc dù chưa hiểu rõ sự việc hay chưa có đủ bằng chứng để chứng minh cụ thể về những kết luận của bản thân.
Đôi lúc, lối suy nghĩ này còn có thể xuất hiện ở trẻ em. Nhiều trẻ chỉ vì một vài hành vi hay lời nói của cha mẹ, người lớn cũng bắt đầu có những suy nghĩ sai lệch, cho rằng cha mẹ chán ghét và không yêu thương mình. Nếu những nhận định này không được kiểm soát và tháo gỡ đúng cách sẽ gây nên nhiều cản trở đối với đời sống của trẻ, cũng như dễ xảy ra mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
4. Tự tham chiếu
Có thể hiểu tư duy tự tham chiếu chính là lối suy nghĩ cho rằng mọi hành vi, cử chỉ, lời nói, sai lầm của bản thân đều được mọi người xung quanh chú ý và để tâm. Ngoài ra, họ còn tự cho rằng những cảm xúc của mọi người đang nhắm vào mình. Ví dụ như khi bạn bị sếp khiển trách, la mắng thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ và cho rằng mọi người đang nhìn mình, các biểu cảm của họ đang dành cho mình.
5. Tập trung quá nhiều vào tiểu tiết
Tập trung và để tâm quá nhiều vào các tiểu tiết là một trong các loại tư duy sai lệch thường gặp. Những đối tượng này thường chú ý quá mức đối với những chi tiết nhỏ, những điều không đáng mà bỏ qua những vấn đề quan trọng hơn. Lối suy nghĩ này có thể dẫn đến nhiều sự đánh giá, nhìn nhận lệch lạc, khiến cho công việc trở nên chậm trễ và đi sai hướng.
6. Tư duy trắng – đen
Tư duy trắng đen, rạch ròi mọi thứ thường hay gặp ở những đối tượng bị rối loạn nhân cách ranh giới hoặc rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Những người mắc phải suy nghĩ sai lệch này thường sẽ đánh giá con người, các sự việc một cách rõ ràng, phân định cụ thể tốt xấu, yêu ghét.
Nếu có thiện cảm, ấn tượng tốt với một người thì họ sẽ cho rằng đó là người tốt hoàn diện. Ngược lại nếu có cái nhìn không tốt hoặc những đối tượng đó có những hành vi, lời nói khiến bản thân không hài lòng thì họ có thể xem người đó là người xấu. Họ cũng sẽ nhận định theo tư duy trắng đen với tất cả mọi sự việc xảy ra xung quanh.
Tuy nhiên, sự rạch ròi này lại khiến cho họ gặp phải nhiều phiền phức trong cuộc sống. Đôi lúc những đối tượng này sẽ dễ bị lừa gạt bởi sự tin tưởng quá mức của mình hoặc vô tình mất đi một mối quan hệ với những người bạn thực sự. Một số trường hợp những đối tượng có lối tư duy trắng đen sẽ có nhận thức, hướng phát triển cực đoan, họ không thể duy trì được một mối quan hệ lâu dài và rất khó đạt được thành công
7. Khái quát hóa quá mức
Những người chỉ nhìn một sự việc nhỏ mà đã nhận định, khái quát cả một quá trình sẽ được xem là người có tư duy khái quát hóa quá mức. Những đối tượng này thường chỉ dựa vào một yếu tố nhỏ và đưa ra phán xét cho cả một sự việc. Có thể chỉ vì việc không hoàn thành tốt một bài kiểm tra mà họ cho rằng bản thân là người kém cỏi, không có học thức.
Thông thường, lối tư duy sai lệch này sẽ gặp nhiều ở nước ta, nhất là các đối tượng trưởng thành. Nếu những suy nghĩ lệch lạc này không được khắc phục tốt sẽ làm gia tăng các mâu thuẫn, thành kiến đối với xã hội. Đồng thời nó cũng là sự cản trở to lớn đối với con đường phát triển của mỗi người, khiến bạn dễ bỏ lỡ những cơ hội thành công.
8. Thu nhỏ hoặc phóng đại
Lối tư duy thu nhỏ hoặc phóng đại đôi lúc sẽ làm cản trở đến cuộc sống, khiến bạn đưa ra những quyết định sai lầm. Đối với một số trường hợp cần thiết bạn lại thu nhỏ mọi vấn đề lại và cho rằng nó không đáng để tâm. Ngược lại đối với những thành công nhỏ bạn lại có xu hướng phóng đại mọi thứ quá mức, cho rằng bản thân là người nổi bật, thậm chí là tự cao.
Thông thường, lối tư duy sai lệch này sẽ gặp nhiều ở những đối tượng mắc phải rối loạn nhân cách ái kỷ. Họ có xu hướng phóng đại những thành tựu của chính mình và thu nhỏ những năng lực, cố gắng của người khác. Đặc biệt, có một số trường hợp sử dụng lối tư duy này vào tình yêu. Họ có xu hướng phóng đại những điểm tốt của đối phương và thu nhỏ những khuyết điểm của người đó một cách mù quáng.
9. Tiên đoán tiêu cực
Những người có tư duy tiên đoán tiêu thực thường luôn nghĩ rằng mọi sự việc, hiện tượng xảy ra xung quanh đều có kết quả bi thảm. Hơn thế, nhiều người còn cho rằng bản thân sẽ không thể thành công, hoàn thành tốt bất kì việc gì nếu không có sự hỗ trợ và giúp đỡ của những người bên cạnh.
Thông thường, những tiên đoán tiêu cực, sai lầm sẽ xuất hiện thường xuyên nếu bạn phải liên tục đối diện với những tình huống xấu, xui xẻo. Tuy nhiên, nếu bạn cứ cố gắng giữ lối tư duy này trong một khoảng thời gian kéo dài thì bạn có thể mãi mãi đối diện với sự thất bại, không còn đủ tự tin để thực hiện bất kì công việc gì và trở nên rụt rè, nhút nhát.
10. Lập luận cảm tính
Lập luận cảm tính chính là lối tư duy bị chi phối nhiều bởi cảm tính. Những người có lối suy nghĩ này thường sẽ đánh giá và nhận xét mọi việc dựa theo cảm tính thay vì lý tính. Nếu sự việc này mang đến nhiều sự tích cực thì chắc rằng đây là việc tốt, ngược lại nếu nó mang tính tiêu cực thì chắc chắn bản chất của nó không tốt.
Cách khắc phục tư duy sai lệch hiệu quả
Bên cạnh những loại tư duy sai lệch nêu trên thì vẫn có rất nhiều loại khác không được đề cập đến. Về cơ bản, những lối tư duy này cũng không phải là xấu trong tất cả các trường hợp, thông thường nó chỉ xuất hiện khi bạn đối diện với những tình huống bất lợi, khó khăn.
Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục duy trì và giữ những suy nghĩ lệch lạc này sẽ khiến cho bạn gặp phải nhiều khó khăn trong công việc, học tập và ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Vì thế, ngay khi nhận thấy bản thân có những suy nghĩ sai lầm, tiêu cực thì bạn cần phải bình tĩnh và kiểm soát chúng để không làm ảnh hưởng đến cảm xúc lẫn cuộc sống.
1. Nhìn nhận và đánh giá lại bản thân
Như đã nói, nếu cứ cố gắng giữ lối tư duy sai lệch sẽ càng khiến cho bạn trở nên tiêu cực, gây ảnh hưởng lớn đối với cảm xúc và cách nhìn nhận của bản thân. Nếu bạn cảm thấy cứ mãi lẩn quẩn với những luồng suy nghĩ tiêu cực và không thể thoát ra được thì hãy dừng lại và đánh giá lại chính mình. Điều này sẽ giúp bạn xác nhận lại những ý nghĩ của bản thân và dần thay đổi tốt hơn về tư duy.
Quá trình này có thể khiến bạn mất rất nhiều thời gian, vì bản thân khó có thể nhận biết và thay đổi được suy nghĩ của mình. Tốt nhất bạn hãy ghi chép lại những suy nghĩ, cảm xúc, nhận định của mình trong ngày. Từ đó hãy dần sửa đổi và điều chỉnh chúng theo chiều hướng tích cực. Để đạt được hiệu quả tốt bạn cũng nên đặt ra mục tiêu cho chính mình để có thể hoàn thành tốt nhất.
2. Cân nhắc trị liệu tâm lý
Những tư duy sai lệch có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành vi, cảm xúc của mỗi người. Nếu bản thân chưa thể xác định được những vấn đề của chính mình hoặc đang mơ hồ về những suy nghĩ của mình thì tốt nhất bạn đừng nên chia sẻ với những người xung quanh. Cũng bởi người khác cũng sẽ có những lối suy nghĩ sai lệch, đôi lúc nó sẽ làm cho tình trạng của bạn thêm tồi tệ hơn.
Vì thế, nếu thấy cần thiết bạn hãy đến gặp chuyên gia tâm lý. Khi những suy nghĩ lệch lạc cứ mãi đeo bám và không thể thoát ra được thì trị liệu tâm lý chính là phương pháp hỗ trợ an toàn và hiệu quả nhất. Đây là một trong các biện pháp trị liệu sử dụng ngôn ngữ giao tiếp để đánh thức tư duy của con người, giúp họ điều chỉnh được hành vi, cảm xúc của bản thân.
Bất cứ ai trong chúng ta đều có nguy cơ hình thành các tư duy sai lệch. Hi vọng những thông tin của bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình trạng này và có cách phòng tránh, khắc phục hiệu quả để không làm ảnh hưởng đến cảm xúc, cuộc sống hiện tại.
Tham khảo thêm:
- Dạy Con Ở Tuổi Dậy Thì Và Những Điều Cha Mẹ Cần Tránh
- Tâm Lý Con Gái Ở Tuổi Dậy Thì Cha Mẹ Nên Quan Tâm Chia Sẻ
- Tính Cách Tâm Lý Con Trai Ở Tuổi Dậy Thì Cha Mẹ Cần Quan Tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!