Cách chăm sóc người bị trầm cảm giúp họ sớm vượt qua
Khi điều trị trầm cảm, bệnh nhân thường cần tiếp tục được chăm sóc tại nhà sau giai đoạn tại bệnh viện. Việc tìm hiểu để áp dụng đúng các cách chăm sóc người bị trầm cảm tại nhà sẽ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình cải thiện sức khỏe của người bệnh.
Điều cần biết khi chăm sóc người bị trầm cảm
Nếu người thân đang mắc phải căn bệnh trầm cảm và đang trong giai đoạn điều trị tại nhà thì mỗi người nên tìm hiểu và nắm rõ thông tin về căn bệnh này cũng như lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân để có thể hỗ trợ tốt hơn.
1. Tìm hiểu về bệnh trầm cảm
Trước khi hỗ trợ người bệnh trầm cảm, cần nắm bắt các triệu chứng và thông tin liên quan để giao tiếp hiệu quả hơn với người bệnh. Nếu bệnh nhân không thể chia sẻ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để có thêm thông tin và hướng dẫn. Mọi kiến thức có được về bệnh lý sẽ giúp bạn xử lý tình huống một cách nhạy bén và phù hợp.
Một số triệu chứng phổ biến của trầm cảm bao gồm:
- Có cảm xúc tiêu cực như buồn bã, trống rỗng, tuyệt vọng
- Mất hứng thú với các hoạt động thường ngày như sở thích, tình dục
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng ngay cả với những công việc đơn giản
- Thay đổi thói quen ăn uống dẫn đến sụt hoặc giảm cân thất thường
- Có các vấn đề thể chất không rõ nguyên nhân như đau lưng, đau đầu
- Luôn thấy bản thân vô giá trị, có cảm giác tội lỗi và tự trách mình
- Khó suy nghĩ, tập trung và đưa ra quyết định
- Ngủ quá nhiều trong ngày hoặc ngược lại không ngủ đủ giấc
- Suy nghĩ bị chậm lại, phản ứng với tình huống chậm trễ
- Có ý định tự tử và cảm giác muốn làm hại bản thân
2. Tìm hiểu các dấu hiệu trầm cảm nguy hiểm
Khi người bệnh trầm cảm có dấu hiệu nặng hơn, việc quan sát các dấu hiệu thay đổi và xem xét các vấn đề sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng của người bệnh cũng như đưa ra cách hỗ trợ đúng đắn.
- Dấu hiệu nào cho thấy trầm cảm đang trở nên nghiêm trọng hơn?
- Các hành vi, ngôn ngữ của người bệnh khi trầm cảm tồi tệ hơn là gì?
- Những yếu tố nào có thể gây ra cơn trầm cảm nặng hơn?
- Hoạt động nào giúp cải thiện tình trạng khi trầm cảm trở nên nghiêm trọng?
- Tìm hiểu cách lập kế hoạch cho trường hợp khẩn cấp với chuyên gia chăm sóc sức khỏe
- Sớm liên hệ với bác sĩ để điều chỉnh thuốc, phương pháp điều trị khi cần thiết
- Chú ý đến dấu hiệu dẫn đến nguy cơ tự tử và hành động ngay lập tức nếu phát hiện
- Xem xét các phương pháp hỗ trợ bổ sung có thể giúp cải thiện tình trạng người bệnh
3. Cảnh giác với nguy cơ tự tử ở người bệnh trầm cảm
Việc cảnh giác với các dấu hiệu cho thấy ý định tự tử không chỉ giúp bạn nhận diện nguy cơ mà còn có hành động kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
- Nói về việc tự tử: Nếu người bệnh thường xuyên đưa ra những câu nói như “Tôi sẽ tự tử”, “Tôi ước gì mình chết đi” thì đó có thể là dấu hiệu nghiêm trọng cần chú ý.
- Có phương tiện để tự tử: Nếu bạn nhận thấy người bệnh có được các công cụ trước đây không có như súng, thuốc thì đó là một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.
- Rút lui khỏi các mối quan hệ: Việc thu mình, tránh xa bạn bè, gia đình và các hoạt động xã hội là dấu hiệu cho thấy người bệnh đang gặp khó khăn nghiêm trọng.
- Thay đổi tâm trạng đột ngột: Những thay đổi bất thường về cảm xúc là dấu hiệu của nguy cơ tự tử.
- Luôn suy nghĩ về cái chết: Cần phải chú ý khi bệnh nhân thường xuyên suy nghĩ, nói về cái chết, sự hấp hối và bạo lực.
- Lạm dụng rượu, ma túy: Tăng cường sử dụng chất kích thích như rượu, ma túy có thể cho thấy người bệnh đang tìm cách tự hủy hoại bản thân.
Cách chăm sóc người bị bệnh trầm cảm tại nhà
Để giúp người bệnh có thể khắc phục tốt các triệu chứng của bệnh trầm cảm cũng như hỗ trợ quá trình điều trị, cần chú ý các cách chăm sóc sau đây:
1. Trò chuyện và lắng nghe bệnh nhân
Để giúp cho người bệnh trầm cảm không còn cảm thấy cô đơn, bạn hãy dành thời gian để cùng đối phương trò chuyện và tâm sự nhiều hơn. Bạn có thể bắt đầu câu chuyện bằng cách chia sẻ về sự quan tâm của mình đối với bệnh nhân và đặt ra nhiều câu hỏi để khơi gợi mọi suy nghĩ.
Hơn nữa, hãy quan tâm nhiều đến việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể khi trò chuyện và luôn thể hiện sự đồng cảm với người bệnh. Thay vì thể hiện rằng mình đã hiểu rõ các vấn đề của bệnh nhân thì bạn nên tiếp tục đặt ra các câu hỏi liên quan để biết thêm nhiều thông tin hơn.
2. Tìm kiếm sự giúp đỡ
Thời gian điều trị bệnh trầm cảm đôi lúc phải kéo dài liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm. Nếu cảm thấy quá áp lực, hãy tìm sự hỗ trợ từ người khác như bạn bè, gia đình cùng bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, đôi lúc bệnh nhân không thể tự nhận biết được tình trạng bệnh của mình, không biết cách cải thiện chúng ra sao. Do đó, bạn cần thúc đẩy đối phương xem xét về vấn đề tìm gặp các nhà trị liệu tâm lý.
3. Dành thời gian bên cạnh người bệnh
Người bị trầm cảm thường có xu hướng tự cô lập bản thân, vì vậy bạn nên dành thời gian ở bên để cùng tham gia các hoạt động yêu thích, giúp đỡ sinh hoạt hàng ngày. Việc này không chỉ giúp người bệnh cảm thấy được quan tâm mà còn giảm bớt cảm giác tội lỗi không đáng có. Đặc biệt, chú ý đảm bảo an toàn cho bệnh nhân bằng cách tránh để đối phương có cơ hội thực hiện hành vi nguy hiểm.
4. Khuyến khích thực hiện tự chăm sóc
Bạn có thể tạo động lực cho người bệnh bằng cách nhấn mạnh những lợi ích của việc chăm sóc bản thân. Đồng thời khuyến khích thực hiện các thói quen lành mạnh như tập thể dục nhẹ nhàng, ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc để cải thiện tinh thần. Hơn nữa việc cùng tham gia các hoạt động đi dạo, nấu ăn cùng nhau sẽ làm cho quá trình này trở nên dễ dàng và thú vị hơn.
5. Đưa ra sự khích lệ tích cực
Khi chăm sóc người bị trầm cảm, việc đưa ra sự khích lệ tích cực có thể giúp đối phương nhận ra giá trị bản thân. Những lời động viên đơn giản như “Bạn đã làm rất tốt hôm nay”, “Tôi tin bạn có thể vượt qua điều này” sẽ giúp người bệnh cảm thấy được ủng hộ và khích lệ. Hãy thường xuyên nhắc nhở người bệnh về những thành tựu nhỏ mà bản thân đạt được để người có được cảm giác thành công và thêm động lực để tiếp tục hành trình chữa bệnh.
6. Đề nghị giúp đỡ công việc hàng ngày
Khi chăm sóc người bị trầm cảm, bạn có thể đề nghị giúp đỡ bệnh nhân với những công việc cụ thể như dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn, chăm sóc trẻ em. Đừng ngần ngại đưa ra những lời đề nghị cụ thể để người bệnh không cảm thấy mình đang làm phiền hay không biết bắt đầu từ đâu.
Ngoài việc giúp đỡ trực tiếp, hãy tạo điều kiện để người bệnh cảm thấy thoải mái khi yêu cầu sự trợ giúp. Qua đó giúp đối phương giảm bớt gánh nặng cho mình mà còn thể hiện sự quan tâm cho bệnh nhân thấy bản thân luôn được yêu thương và bớt lo lắng hơn về nghĩa vụ hàng ngày.
Điều cần tránh khi chăm sóc bệnh nhân trầm cảm
Trầm cảm là một tình trạng sức khỏe tâm thần phức tạp mà việc chăm sóc gồm nhiều yếu tố để đảm bảo người bệnh cảm thấy được quan tâm. Nhằm xây dựng môi trường thuận lợi cho sự hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân trầm cảm, có một số lưu ý cần thiết mà bạn nên cân nhắc khi áp dụng các phương pháp chăm sóc:
1. Đừng để bản thân bị cuốn theo điều tiêu cực
Trong một số nghiên cứu chuyên khoa cũng nhận thấy rằng, con người hoàn toàn có khả năng bị tác động khi phải liên tục tiếp xúc và trò chuyện với những người tiêu cực, bi quan. Vì thế các chuyên gia luôn khuyên người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân trầm cảm cần phải giữ vững tinh thần, tránh để bản thân bị cuốn vào những luồng suy nghĩ tiêu cực. Không cần phải dành toàn bộ thời gian ở bên cạnh mà hãy biết cách sắp xếp để có được không gian riêng thư giãn và nghỉ ngơi.
2. Đừng cố gắng điều chỉnh người bệnh
Những người xung quanh có thể khó hiểu được suy nghĩ và những cảm giác mà người bệnh đang phải trải qua. Vì vậy, khi chăm sóc bệnh nhân trầm cảm, tốt nhất đừng nên cố gắng điều chỉnh các suy nghĩ, cảm xúc của bệnh nhân. Nếu bạn càng cố gắng điều chỉnh sẽ khiến đối phương cảm thấy khó chịu, thậm chí là phản kháng lại bằng những hành động tiêu cực và sau đó sẽ không còn tin tưởng vào bạn.
3. Không nên đưa ra lời khuyên
Những lúc chăm sóc cho người bị trầm cảm, đôi khi bạn sẽ có ý định muốn đưa ra những lời khuyên hoặc hướng dẫn cách làm những điều đúng đắn. Tuy nhiên bạn tuyệt đối không nên làm điều này bởi bệnh nhân sẽ hoàn toàn không thể tiếp nhận những lời mà bạn đề nghị. Thay vào đó hãy rủ đối phương đi dạo, nấu ăn, xem phim, làm những điều tích cực để dần loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực trong lòng.
4. Không nên so sánh trải nghiệm
So sánh nỗi buồn của người bệnh với cảm xúc của người khác có thể làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Trong quá trình chăm sóc cho người trầm cảm, đừng so sánh mà hãy lắng nghe và xác nhận cảm xúc của bệnh nhân. Sự cảm thông đó rất quan trọng trong việc giúp người bệnh trầm cảm cảm thấy mình được thấu hiểu và không đơn độc trên hành trình chữa bệnh.
5. Không đưa lời khuyên sử dụng thuốc
Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm cần dựa trên chỉ định của bác sĩ và sự đồng ý của người bệnh. Nếu bệnh nhân không muốn dùng thuốc, hãy tôn trọng quyết định đó và khuyến khích tìm hiểu các liệu pháp thay thế. Việc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp với từng cá nhân sẽ giúp đạt hiệu quả tốt nhất trong việc cải thiện tình trạng bệnh.
Cách chăm sóc người bị trầm cảm là sự kết hợp giữa sự thông cảm, hỗ trợ và khuyến khích tiếp cận điều trị chuyên môn. Với việc áp dụng các phương pháp chăm sóc phù hợp, bạn có thể giúp người bị trầm cảm không còn cô đơn và có thêm động lực để hồi phục sức khỏe tinh thần quý giá.
Có thể bạn quan tâm:
- Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc người bệnh trầm cảm đúng cách
- Bị trầm cảm nên ăn gì giúp cải thiện bệnh?
- Cách chữa trầm cảm tại nhà không dùng thuốc bạn nên biết
Nguồn tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/in-depth/depression/art-20045943
- https://www.healthline.com/health/how-to-help-a-depressed-friend
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!