Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không? Có chữa được không?
Trầm cảm sau sinh có thể khởi phát ở bất kì bà mẹ bỉm sữa nào, đặc biệt là những đối tượng thường xuyên chịu nhiều áp lực, căng thẳng kéo dài. Những người mắc phải căn bệnh này sẽ bị thay đổi nghiêm trọng về suy nghĩ, hành vi, tính cách, cảm xúc theo hướng tiêu cực. Do đó, rất nhiều chị em phụ nữ luôn thắc mắc rằng ” Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không? Có chữa được không?”.
Tìm hiểu về bệnh trầm cảm sau sinh
Trầm cảm là một căn bệnh phổ biến, nó có thể xuất hiện ở bất kì đối tượng nào, tuy nhiên phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với nam giới, đặc biệt là những phụ nữ vừa trải qua thời kì sinh nở đầy khó khăn. Theo số liệu thống kê nhận thấy, có đến khoảng 50% các trường hợp phụ nữ khởi phát các triệu chứng trầm cảm sau khi sinh con xong.
Trầm cảm sau sinh là một trong các tình trạng cực kì nguy hiểm và thường xuất hiện vào khoảng 4 tuần đầu tiên sau khi sinh. Những đối tượng mẹ bỉm bị trầm cảm sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, tâm trạng thay đổi bất thường, khí sắc trầm buồn, chán nản, suy nghĩ tiêu cực và không muốn làm bất cứ việc gì, kể cả những việc đơn giản nhất.
Ngoài ra, người bệnh cũng rất hay khóc lóc không rõ nguyên nhân hoặc khóc vì những điều nhỏ nhặt xảy ra hàng ngày. Bệnh nhân sẽ trở nên nhạy cảm hơn so với bình thường, dễ nóng giận, kích động quá mức đối với những người xung quanh, thậm chí có thể thực hiện những hành vi làm tổn thương họ.
Qua nhiều nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, tình trạng trầm cảm có nguy cơ khởi phát cao ở phụ nữ sau sinh cũng do sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố bên trong cơ thể. Trong thời gian thai kì, nồng độ hormone estrogen của phụ nữ sẽ bị gia tăng đáng kể. Điều này làm cho não bộ không thể kịp thời thích ứng và gây nên những biến đổi tiêu cực về mặt cảm xúc.
Bên cạnh đó, chứng rối loạn tâm thần này cũng có thể xuất phát từ những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, nhất là nỗi lo về tài chính, quá trình chăm con, phụ nữ không nhận được sự đồng cảm và quan tâm từ chồng,…Tình trạng trầm cảm sau sinh nếu không thể kịp thời nhận biết và điều trị đúng phương pháp sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí có thể cướp đi tính mạng của cả hai.
Đối tượng nào sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau sinh?
Các chuyên gia cho biết rằng, ai cũng có khả năng gặp phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, phụ nữ, nhất là phụ nữ sau sinh sẽ có nhiều nguy cơ mắc phải căn bệnh này hơn. Một số trường hợp sau đây sẽ là đối tượng có tỉ lệ bị trầm cảm cao hơn so với bình thường:
- Những trường hợp mang thai ngoài ý muốn hoặc lần đầu mang thai và chưa được trang bị đầy đủ kiến thức sau sinh.
- Các đối tượng đã từng mắc bệnh trầm cảm trước đó hoặc trong thời gian mang thai.
- Đối tượng có người thân trong gia đình từng mắc phải chứng bệnh trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác.
- Các mẹ bỉm phải đối mặt với nhiều áp lực đến từ gia đình, cuộc sống, tài chính, công việc,…
- Những phụ nữ sau sinh phải chịu nhiều cú sốc tâm lý như người thân mất, phá sản, gia đình bất hòa, ly hôn, thất nghiệp,….
- Trẻ sơ sinh sinh ra không được lành lặn hoặc không được khỏe mạnh, như trẻ thiếu tháng, khó chăm, thường xuyên quấy khóc,….
- Mẹ bỉm không nhận được sự yêu thương, chăm sóc đến từ gia đình, người thân, nhất là chồng hoặc các mối quan hệ xã hội dần bị rạn nứt, có mâu thuẫn.
Đây chỉ là những trường hợp thường gặp phải, trong thực tế có rất nhiều các yếu tố nguy cơ khác khiến cho phụ nữ sau sinh dễ mắc bệnh trầm cảm.
Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không?
Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không luôn là băn khoăn và thắc mắc của rất nhiều bà mẹ bỉm sữa. Các chuyên gia cho biết rằng, trầm cảm sau sinh là một trong các vấn đề sức khỏe tâm lý nghiêm trọng và đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên tình trạng này lại không nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người và có rất ít người dành thời gian để tìm hiểu về chúng.
Trong thực tế có không ít các trường hợp xem nhẹ trầm cảm sau sinh, chỉ khi người thân hoặc bản thân phải đối mặt với căn bệnh này mới nhận biết được hậu quả nặng nề mà nó có thể gây ra. Nếu không kịp thời ngăn chặn và kiên trì điều trị sẽ khiến cho sức khỏe và cuộc sống của mẹ bỉm bị ảnh hưởng rất lớn, đồng thời người bệnh cũng trở thành gánh nặng đối với gia đình.
Đối với bản thân những phụ nữ sau sinh, căn bệnh trầm cảm sẽ khiến cho tinh thần của họ bị suy kiệt, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như suy nhược thần kinh, thiếu dinh dưỡng, sụt cân, rối loạn giấc ngủ,…Nguy hiểm hơn là khi tình trạng bệnh chuyển biến nặng, mẹ bỉm sẽ dần xuất hiện các hoang tưởng, ảo giác từ đó gây ra nhiều hành vi tự làm hại bản thân, muốn tự sát hoặc giết hại cả con của mình.
Khi mẹ bỉm rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh, họ hoàn toàn không đủ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần để tự chăm sóc bản thân và đứa con mới vừa chào đời. Nếu tình trạng trầm cảm không được phát hiện sớm và chuyển sang giai đoạn nặng, người mẹ sẽ thường xuyên suy nghĩ đến cái chết và muốn nhanh chóng tự kết liễu mạng sống để giải thoát khỏi những rối loạn trong tâm trí. Trong thực tế đã có không ít các trường hợp chết thương tâm do mẹ bị trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh có chữa được không?
Trầm cảm sau sinh tuy là một căn bệnh nguy hiểm nhưng vẫn có thể chữa được nếu người bệnh sớm phát hiện và áp dụng đúng theo phác đồ điều trị của các chuyên gia. Quá trình điều trị trầm cảm sau sinh cũng khá giống với các trường hợp người bệnh khác.
Nếu các mẹ bỉm hoặc người thân bên cạnh sớm nhận biết được những triệu chứng bệnh và tiến hành thăm khám kịp thời ở giai đoạn nhẹ thì có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ tại nhà. Tuy nhiên, nếu mức độ bệnh đã chuyển biến nghiêm trọng hơn thành trầm cảm vừa hoặc nặng thì thời gian điều trị sẽ lâu hơn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần phải kết hợp đồng thời nhiều biện pháp cải thiện khác nhau mới có thể kiểm soát và đẩy lùi được các triệu chứng của bệnh.
Bên cạnh đó, quá trình điều trị bệnh trầm cảm cũng đòi hỏi sự cố gắng và kiên trì của người bệnh. Sự quan tâm, chăm sóc, động viên từ các thành viên trong gia đình, đặc biệt là chồng đóng vai trò rất quan trọng đối với kết quả của việc chữa lành tâm bệnh.
Cách khắc phục tình trạng trầm cảm sau sinh
Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của trầm cảm, bản thân người bệnh hoặc những người thân bên cạnh nên chủ động tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh tại các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa uy tín, chất lượng. Thông thường, đối với bệnh trầm cảm sau sinh sẽ được áp dụng phổ biến hai phương pháp đó là trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc.
Tùy vào mức độ bệnh của mỗi người mà các bác sĩ sức khỏe tâm thần có thể cân nhắc áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp cả hai biện pháp điều trị. Cụ thể các phương pháp như sau:
1. Trị liệu tâm lý
Hiện nay, đối với các trường hợp trầm cảm sau sinh mức độ vừa và nặng nếu không có các triệu chứng nguy hiểm thì sẽ được ưu tiên áp dụng biện pháp trị liệu tâm lý. Phương pháp này cũng được sử dụng nhiều trong các trường hợp rối loạn lo âu, mất ngủ, stress, căng thẳng, suy nhược cơ thể,…
Ưu điểm lớn nhất của liệu pháp này đó chính là sự an toàn, bởi trong suốt quá trình trị liệu các chuyên gia sẽ không sử dụng đến thuốc và hoàn toàn không can thiệp đến cơ thể của người bệnh. Ngoài ra, sau khi kết thúc lộ trình đảm bảo không để lại biến chứng và hạn chế được tối đa tình trạng tái phát bệnh về sau.
Tâm lý trị liệu hay còn được gọi là liệu pháp trò chuyện trực tiếp giữa các chuyên gia tâm lý/ nhà trị liệu với người bệnh. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp và phi giao tiếp mà các nhà trị liệu giúp cho người bệnh dần nhìn nhận được các vấn đề của bản thân, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả. Đồng thời với liệu pháp này các chuyên gia còn tìm ra được nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh để điều trị tận gốc, phòng tránh tình trạng bệnh tái phát nhiều lần.
Đặc biệt hơn, thông qua các buổi trị liệu, người bệnh sẽ dần cân bằng được cảm xúc, hành vi của mình và phục hồi sức khỏe một cách tự nhiên nhất. Sau đó, các chuyên gia sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân cách kiểm soát được tâm trạng, suy nghĩ của bản thân. Đồng thời người bệnh cũng học được cách đối mặt và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
2. Điều trị bằng thuốc Tây
Thông thường, đối với những trường hợp trầm cảm sau sinh, nhất là những mẹ bỉm đang trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ thì các chuyên gia sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc để điều trị. Tuy nhiên đối với một số trường hợp cần thiết, người bệnh xuất hiện các triệu chứng mang tính chất nguy hiểm như tự làm hại bản thân, muốn tự sát hoặc có hành vi giết hại con thì sẽ được cân nhắc sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm phù hợp.
Một số loại thuốc trầm cảm thường được áp dụng cho phụ nữ sau sinh như Sertraline, Escitalopram, Duloxeton, Citalopram,…Những loại thuốc này tuy không có tác dụng điều trị tận gốc bệnh nhưng chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng mà trầm cảm gây ra, đồng thời hạn chế được nguy cơ tử vong ở người bệnh.
Tuy nhiên, các loại thuốc chống trầm cảm thường có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, khô miệng, choáng váng, mệt mỏi, mất ngủ,….Vì thế, việc sử dụng thuốc cần phải được sự theo dõi và hướng dẫn cụ thể của các bác sĩ chuyên khoa. Một số trường hợp cần thiết thì mẹ bỉm sẽ được yêu cầu ngừng cho con bú để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.
Để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc, đồng thời hỗ trợ tốt cho quá trình cải thiện bệnh thì các mẹ bỉm cần phải tuân thủ đúng theo các chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Nên uống đúng thuốc, đúng liều lượng và nhất quán về thời gian uống. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc có thể kéo dài tù 6 tháng đến 1 năm, tùy vào mức độ bệnh của mỗi người. Do đó, bệnh nhân cần phải kiên trì sử dụng, tuyệt đối không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột. Trong quá trình dùng thuốc nếu có xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần thông báo ngay với chuyên gia để được hướng dẫn khắc phục hiệu quả.
3. Hỗ trợ tại nhà
Song song với việc áp dụng các biện pháp điều trị chuyên khoa thì những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh cần phải chú ý nhiều hơn về thói quen sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, những người thân trong gia đình cũng cần phải dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc người bệnh để giúp họ mau chóng vượt qua được căn bệnh nguy hiểm này.
Một số lưu ý đối với người bệnh và những người thân hỗ trợ chăm sóc như:
- Bệnh nhân cần phải xây dựng cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ chất dinh dưỡng. Chế độ ăn uống của người bệnh trầm cảm sau sinh không quá khắt khe, chỉ cần chú ý bổ sung nhiều thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin bổ ích cho não bộ, ăn nhiều rau xanh, hoa củ quả tươi. Bên cạnh đó cũng phải hạn chế bớt các món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, những thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.
- Phụ nữ sau khi sinh nếu mắc phải bệnh trầm cảm nên tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy, thuốc lắc,….Ngược lại nên uống nhiều nước mỗi ngày, có thể bổ sung bằng những loại nước ép trái cây.
- Người bệnh cũng cân nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng bằng việc vận động, tập luyện thể dục thể thao ngay tại nhà. Các chuyên gia cho biết rằng, khi cơ thể được vận động sẽ kích thích quá trình sản sinh các hormone serotonin tạo cảm giác hạnh phúc, giúp đẩy lùi các triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng, chán chường của bệnh trầm cảm. Một số bài tập phù hợp cho bệnh nhân trầm cảm sau sinh như tập yoga, ngồi thiền, đi bộ,….
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc quá sức. Thông thường những phụ nữ sau sinh phải dành nhiều thời gian để chăm sóc trẻ nhỏ. Điều này cũng là một trong các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh trầm cảm sau sinh. Do đó, để khắc phục tốt các triệu chứng của bệnh, mẹ bỉm nên sắp xếp thời gian chăm con và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng quá mức thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của chồng hoặc những người thân trong gia đình.
- Nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi con nhỏ thì nên đăng kí tham gia các lớp tập huấn dành cho mẹ bỉm hoặc có thể tham khảo ý kiến của những người xung quanh, đặc biệt là các chị em phụ nữ đã từng trải qua giai đoạn này. Việc nắm được kiến thức nuôi dạy con nhỏ sẽ giúp bạn giảm bớt lo lắng và vững vàng hơn trong việc chăm sóc con.
- Chủ động chia sẻ và tâm sự nhiều hơn với những người mà bạn tin tưởng. Việc có thể nói ra được những nỗi buồn, khó khăn trong lòng sẽ giúp bạn giải tỏa tâm trạng rất tốt. Đồng thời khi trò chuyện với những người xung quanh sẽ giúp bạn thoát khỏi các suy nghĩ tiêu cực, nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan và thoải mái hơn.
- Hãy chủ động nhờ đến sự giúp đỡ khi cảm thấy bế tắc, mệt mỏi. Nếu bạn đang rơi vào trạng thái tiêu cực, đầu óc trống rỗng và cảm thấy mọi thứ xung quanh thật tồi tệ thì nên nhờ người thân giữ con một lúc để có thể dành thời gian cho bản thân. Các mẹ bỉm có thể gặp gỡ hội chị em thân thiết, đi mua sắm, xem phim, tham gia các lớp dạy vẽ tranh,…để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Những người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng nên dành cho bệnh nhân nhiều sự yêu thương. Hãy cố gắng dành cho họ những lời động viên, khích lệ để giúp họ có thêm động lực để vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, hãy sắp xếp thời gian để ở cạnh người bệnh nhiều hơn, điều này giúp cho họ cảm thấy an toàn và bớt cô đơn.
Trầm cảm sau sinh thực sự rất nguy hiểm, tuy nhiên nếu có thể sớm phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp mẹ bỉm nhanh chóng vượt qua được căn bệnh quái ác này. Do đó, ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh, bạn cần chủ động hơn trong việc thăm khám và chẩn đoán để được các bác sĩ sức khỏe tâm thần hướng dẫn biện pháp khắc phục hiệu quả.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!