Bệnh ái kỷ (narcissist) là gì? Biểu hiện, hậu quả và điều trị

Bệnh ái kỷ (narcissist) là một dạng nhân cách bất thường đặc trưng bởi nhu cầu được ngưỡng mộ, khen ngợi. Với lòng tự cao quá mức và thiếu thấu hiểu, người bệnh dễ gây ra những rạn nứt trong các mối quan hệ của mình. Vì vậy, việc nhận biết sớm biểu hiện của bệnh có thể giúp cá nhân tạo ra một môi trường sống tích cực hơn.

Bệnh ái kỷ (narcissist) là gì?

Bệnh ái kỷ (narcissist) là tình trạng tâm lý mà người mắc phải luôn khao khát được người khác ngưỡng mộ và tôn sùng. Người mắc phải thường xuyên thổi phồng giá trị của mình, tin rằng bản thân vượt trội hơn người khác và luôn muốn được đối xử đặc biệt. Tuy nhiên, chính sự tự cao đó lại đi kèm với việc thiếu đồng cảm và không quan tâm đến cảm xúc của người khác.

ái kỷ là gì
Bệnh ái kỷ còn được gọi với cái tên khác là rối loạn nhân cách ái kỷ

Căn bệnh này thường khởi phát ở nam giới, đặc biệt trong độ tuổi thanh thiếu niên hoặc trưởng thành. Những ái kỷ thường được mô tả là kiêu ngạo, ích kỷ và luôn đặt bản thân lên trên hết. Vậy nên họ cũng dễ bị tổn thương bởi những lời phê bình, chỉ trích và không chấp nhận thất bại. Ngoài ra, ái kỷ thường đi kèm với rối loạn tâm lý khác như trầm cảm, lo âu và các rối loạn nhân cách khác.

Xuất phát từ câu chuyện về Narcissus trong thần thoại Hy Lạp, người đã yêu chính hình ảnh phản chiếu của mình dưới nước, thuật ngữ “Narcissist” đã trở thành biểu tượng cho chứng yêu bản thân cực đoan. Mặc dù tỷ lệ người mắc bệnh chỉ khoảng 0.5 – 1% dân số, nhưng nó vẫn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh ái kỷ

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra chứng bệnh này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia đều cho rằng, bệnh ái kỷ là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố khác nhau sau đây:

  • Di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh, nguy cơ di truyền của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ là rất cao.
  • Yếu tố sinh học: Một số nghiên cứu cho thấy sự bất thường trong cấu trúc và hoạt động của não, đặc biệt là vùng vỏ não trước trán có thể liên quan đến bệnh lý này.
  • Môi trường sống: Cách nuôi dạy của cha mẹ, đặc biệt là việc nuông chiều quá mức hay ngược đãi cũng có thể ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách ái kỷ.
  • Yếu tố xã hội – văn hóa: Các giá trị và chuẩn mực văn hóa, cùng với những sang chấn tâm lý trong quá khứ là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ái kỷ.

Biểu hiện của người ái kỷ

Người bị rối loạn nhân cách ái kỷ thường sống trong thế giới tự tạo, nơi coi mình là trung tâm và xem nhẹ giá trị của người khác. Người bệnh liên tục thổi phồng tầm quan trọng của bản thân và có nhu cầu mãnh liệt được ngưỡng mộ, tôn vinh. Những biểu hiện này không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân mà còn dẫn đến hành vi và thái độ khó chấp nhận trong xã hội.

biểu hiện của người ái kỷ
Người bệnh ảo tưởng bản thân có ngoại hình và tài năng hơn người
  • Thường thổi phồng thành tựu của bản thân và có xu hướng khoác lác về năng lực cá nhân
  • Khao khát sự ngưỡng mộ, luôn mong muốn nhận được sự chú ý cùng lời khen ngợi từ người khác
  • Thường xuyên đặt bản thân vào trung tâm của mọi tình huống, trường hợp
  • Thiếu đồng cảm, không có khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác
  • Sẵn sàng lợi dụng mối quan hệ để đạt được mục tiêu cá nhân, không quan tâm đến hậu quả đối với người khác
  • Thường cảm thấy ghen tị với thành công của người khác và có xu hướng đánh giá thấp mọi người xung quanh để duy trì vị trí của mình.
  • Phản ứng thái quá như giận dữ, xấu hổ, hành vi hung hăng khi bị phê bình hoặc chỉ trích
  • Tự cho mình là đặc biệt, tin rằng bản thân có tài năng, địa vị vượt trội hơn và chỉ muốn duy trì mối quan hệ với người mình cho là xứng tầm
  • Dành nhiều thời gian để tưởng tượng về những thành tựu lớn lao và cảm giác quyền lực mà ,mình sẽ đạt được trong tương lai
  • Thích sự xa hoa và hào nhoáng, có tính phù phiếm, luôn bị cuốn hút bởi những thứ liên quan đến quyền lực, tiền bạc và ngoại hình
  • Thường rơi vào cảm xúc không ổn định, dễ bị kích động và trở nên trầm cảm, lo âu khi không đạt được mục tiêu mong muốn

Hậu quả của bệnh ái kỷ

Người mắc chứng ái kỷ thường khó duy trì các mối quan hệ lành mạnh do thiếu sự đồng cảm và thái độ kiêu ngạo. Bệnh nhân chỉ duy trì mối quan hệ với người có địa vị, tài năng tương đương, dẫn đến bị tách biệt khi các mối quan hệ này tan vỡ.

Bên cạnh đó, rối loạn này khiến người bệnh luôn trong trạng thái căng thẳng, sợ hãi trước thất bại nên dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu khi không thể đạt được những kỳ vọng quá cao về bản thân.

Bệnh nhân ái kỷ thường phản ứng gay gắt với những lời chỉ trích, dẫn đến xung đột trong công việc và cuộc sống cá nhân. Để đối phó với cảm giác xấu hổ và thất bại, người bệnh thường tìm đến rượu bia và chất kích thích, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tổng thể.

hậu quả của bệnh ái kỷ
Người bệnh ái kỷ khó duy trì hiệu suất làm việc và các mối quan hệ xung quanh

Sự đố kỵ và thù địch với mọi người xung quanh làm giảm sự tập trung và hiệu quả trong công việc, học tập. Chúng sẽ dẫn đến xung đột với đồng nghiệp và lãnh đạo, thậm chí bị mất việc. Mặt khác, người ái kỷ có thể cố gắng thao túng và lợi dụng người khác để đạt được mục đích của mình. Tính cách tự cao, thiếu đạo đức và sự thù địch có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Về sức khỏe thể chất, người bệnh dễ bị đau đầu, mất ngủ, suy nhược. Hơn nữa việc lạm dụng rượu bia và chất kích thích cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm loét dạ dày, bệnh gan,….

Khi đối mặt với thất bại, bị cô lập, người bệnh ái kỷ có thể rơi vào trạng thái tuyệt vọng và thậm chí nảy sinh ý nghĩ cùng hành vi tự sát, đặc biệt khi bản thân không nhận được sự trợ giúp kịp thời.

Cách chẩn đoán người bệnh ái kỷ

Những người mắc bệnh ái kỷ thường không tự nhận ra mình đang gặp vấn đề, do đó, quá trình chẩn đoán không chỉ dựa trên triệu chứng mà còn cần sự hỗ trợ từ gia đình để cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác.

Các tiêu chí chẩn đoán rối loạn nhân cách ái kỷ bao gồm:

  • Tự cao tự đại: Người bệnh thường phóng đại về tầm quan trọng của bản thân và có xu hướng coi mình là người đặc biệt, chỉ muốn kết giao với những người có tài năng, địa vị.
  • Khao khát sự ngưỡng mộ: Luôn cần được tán dương, khen ngợi và bản thân dành nhiều thời gian để nghĩ về thành tựu, vẻ đẹp, trí tuệ, quyền lực,  tình yêu hoàn hảo.
  • Thiếu đồng cảm: Không biết thấu hiểu, chia sẻ cảm xúc với người khác, thường lợi dụng các mối quan hệ để đạt được mục đích cá nhân.
  • Kiêu ngạo và đố kỵ: Thường có thái độ ngạo mạn, xem thường người khác, đồng thời cũng cảm thấy ghen tỵ và tin rằng mình là đối tượng bị người khác ghen tị.
  • Ám ảnh về quyền lực: Thể hiện sự đam mê quyền lực và thường đặt ra những mục tiêu không thực tế.

Ngoài các tiêu chí trên, các chuyên gia cũng sử dụng các bảng câu hỏi tiêu chuẩn như DSM – 5 để đánh giá và so sánh triệu chứng. Cùng với đó là tiến hành các cuộc phỏng vấn lâm sàng, quan sát hành vi của bệnh nhân trong nhiều tình huống khác nhau để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Cách điều trị bệnh ái kỷ

Hiện nay, điều trị rối loạn nhân cách nói chung và bệnh ái kỷ nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, trị liệu tâm lý và sử dụng thuốc hỗ trợ là phương pháp chính cũng như lâu dài.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu dành cho người bệnh ái kỷ chủ yếu điều chỉnh nhận thức và hành vi để giúp bệnh nhân nhận ra giá trị thực sự của mình mà không cần dựa vào sự tôn thờ, khen ngợi từ người khác. Trong quá trình trị liệu, các chuyên gia sẽ hỗ trợ người bệnh xây dựng sự đồng cảm với cảm xúc của chính mình và mọi người. Các liệu pháp phổ biến trong trị liệu tâm lý cho người mắc bệnh ái kỷ sau đây đã được áp dụng dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân:

người ái kỷ là gì
Trị liệu tâm lý là phương pháp chính trong điều trị bệnh ái kỷ
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Đây là phương pháp thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng quan điểm tích cực hơn để bệnh nhân học cách giảm bớt nhu cầu được khen ngợi một cách thái quá, đồng thời xây dựng khả năng đồng cảm với người khác.
  • Liệu pháp phân tâm học: Chủ yếu khám phá các nguyên nhân sâu xa từ quá khứ của bệnh nhân, liệu pháp này giúp cá nhân nhận thức rõ hơn về cảm xúc và hành vi hiện tại của mình. Khi đó, bệnh nhân có thể bắt đầu thay đổi cách tương tác với mọi người xung quanh, chấp nhận phê bình và duy trì các mối quan hệ.
  • Liệu pháp lược đồ: Phương pháp này kết hợp giữa trị liệu tâm lý và CBT, nhằm giúp bệnh nhân điều chỉnh suy nghĩ và hành vi hình thành từ thời thơ ấu. Khi nhận ra và thay đổi những lược đồ tư duy sai lầm, người bệnh ái kỷ sẽ học được cách đáp ứng nhu cầu cảm xúc của mình lành mạnh hơn, từ đó cải thiện quan hệ với xã hội.
  • Liệu pháp trị liệu dựa trên tinh thần hóa (MBT): MBT giúp bệnh nhân phát triển khả năng hiểu biết sâu sắc về suy nghĩ, cảm xúc của chính mình và người khác. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trong việc giúp người bệnh suy nghĩ thấu đáo trước khi phản ứng, từ đó cải thiện cách tương tác trong các mối quan hệ cá nhân.

2. Sử dụng thuốc

Trong quá trình điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ, thuốc không phải là phương pháp chính được ưu tiên, nhưng trong một số trường hợp lại được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng tâm lý như lo âu, căng thẳng, trầm cảm, cảm xúc không ổn định.

Các loại thuốc thường được cân nhắc sử dụng trong điều trị ái kỷ bao gồm:

  • Thuốc an thần: Giúp giảm bớt căng thẳng và lo lắng, tạo cảm giác bình tĩnh cho bệnh nhân.
  • Thuốc chống trầm cảm: Hỗ trợ bệnh nhân đối phó với các cảm xúc tiêu cực như buồn bã và bi quan.
  • Thuốc chống loạn thần: Được dùng trong trường hợp bệnh nhân có hoang tưởng tự cao, giúp điều chỉnh suy nghĩ và hành vi.

Lối sống và cách khắc phục ái kỷ tại nhà

Việc kiểm soát bệnh ái kỷ đòi hỏi người bệnh phải kết hợp các biện pháp hỗ trợ từ bác sĩ với những thay đổi tích cực trong lối sống hàng ngày. Những biện pháp này không chỉ giúp kiểm soát cảm xúc tiêu cực mà còn tạo động lực để bệnh nhân tiếp tục quá trình điều trị.

narcissist
Bệnh nhân nên dành thời gian cho các hoạt động lành mạnh
  • Duy trì suy nghĩ tích cực: Hãy chấp nhận quá trình điều trị như cơ hội để giảm bớt sự nhạy cảm trước những thất bại, từ đó thoát khỏi cảm giác buồn bã và xấu hổ.
  • Tránh xa chất kích thích: Hạn chế rượu bia, thuốc lá, các chất gây nghiện để duy trì một tinh thần sáng suốt và cơ thể khỏe mạnh.
  • Dành thời gian cho hoạt động lành mạnh: Tham gia vào các hoạt động như tập thể dục, vẽ tranh, chăm sóc cây cối, chơi với thú cưng,…
  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Thiết lập thói quen ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc, thực hành kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền định để giảm stress và kiểm soát cơn giận dữ.
  • Phát triển lòng trắc ẩn: Khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường để học cách đồng cảm với giá trị cuộc sống.
  • Tìm niềm vui trong sở thích: Khám phá và phát triển năng khiếu hay sở thích cá nhân để bớt ám ảnh về thành tựu và quyền lực.
  • Tham gia các hoạt động xã hội: Xây dựng mối quan hệ lành mạnh với người khác thông qua các nhóm xã hội, câu lạc bộ với các hoạt động cộng đồng.
  • Nhận thức và thay đổi suy nghĩ tiêu cực: Thực hành lòng biết ơn và học cách thách thức suy nghĩ tự cao tự đại bằng những ý nghĩ thực tế hơn.

Bệnh ái kỷ là tình trạng rối loạn tâm lý gây ra rất nhiều vấn đề phiền toái trong cuộc sống của cá nhân. Trên thực tế hiện nay có rất ít bệnh nhân nhận ra sự bất thường trong nhân cách của mình. Chính vì vậy, mọi người cần đặc biệt quan tâm hơn đến người bệnh thay đổi tính cách khác thường để kịp thời thăm khám và điều trị.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)

Bình luận

  1. Lan anh says: Trả lời

    Có ai chữa khỏi bệnh này mách mình với.Em ck mình bị 3 tháng nay, đang làm ăn giỏi sau Covid khó khăn suy nghĩ , bây giờ toàn nghĩ là bạn của các ông to, đòi gặp ông trong chính phủ, đòi cứu đất nước

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *