Áp dụng âm ngữ trị liệu cho trẻ chậm nói sớm biết nói

Phương pháp âm ngữ trị liệu là giải pháp hàng đầu trong điều trị và hỗ trợ các vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ, đặc biệt là các vấn đề như chậm nói, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ… Liệu pháp được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận và được áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Âm ngữ trị liệu cho trẻ chậm nói là gì?

Âm ngữ trị liệu (Speech – Language Therapy) là phương pháp cải thiện khả năng nói và giao tiếp bằng ngôn ngữ. Đây là một chuyên ngành trong lĩnh vực Y khoa, có cơ sở lý luận rõ ràng, là một phần trong chuyên khoa Phục hồi chức năng.

Âm ngữ trị liệu được xem là giải pháp vàng trong can thiệp trẻ chậm nói
Âm ngữ trị liệu được xem là giải pháp vàng trong can thiệp trẻ chậm nói

Âm ngữ trị liệu được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, cho phép chuyên gia ngôn ngữ được thực hiện lượng giá – lập kế hoạch trị liệu – can thiệp trẻ chậm nói, trẻ gặp khó khăn về nghe nói, chơi đùa và rối loạn nhai nuốt.

Hiện nay, âm ngữ trị liệu còn được gọi là ngôn ngữ trị liệu. Phương pháp này hướng tới việc cải thiện các kỹ năng giao tiếp tổng thể. Không chỉ giúp trẻ cải thiện phát âm, hiểu được cử chỉ, lời nói của người khác, biết cách biểu đạt suy nghĩ của bản thân mà còn kích thích trẻ tăng cường giao tiếp, tương tác.

Thực tế, ngôn ngữ trị liệu đã xuất hiện và được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phương pháp này chỉ mới phổ biến trong những năm gần đây.

Âm ngữ trị liệu có thể giúp trẻ chậm nói cải thiện các vấn đề sau:

  • Lỗi phát âm: Sửa lỗi phát âm sai, không rõ ràng giúp trẻ diễn đạt đúng những gì mình muốn nói
  • Tăng cường sự trôi chảy: Giúp lời nói của trẻ rõ ràng, mạch lạc, trôi chảy, cải thiện tình trạng nói lắp, ê a, kéo dài âm tiết khi nói
  • Cải thiện độ vang của giọng nói: Giúp trẻ điều chỉnh tông giọng, ngữ điệu, độ cao thấp của âm thanh khi phát ra
  • Rèn luyện hoạt động cơ miệng: Tập cho trẻ các bài vận động cơ miệng để cải thiện phát âm và tình trạng rối loạn nhai nuốt, chảy nhiều nước dãi.

Không chỉ được áp dụng phổ biến trong can thiệp chậm nói, âm ngữ trị liệu còn giúp cải thiện các vấn đề như nói lắp, cà lăm, ngọng hoặc lời nói không rõ ràng, nghe kém, cấy ốc tai điện tử, tự kỷ, bại não, tổn thương não, khó khăn trong việc đọc viết, sứt môi chẻ vòm, chậm hiểu…

Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ chậm nói

Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói rất đa dạng, có thể liên quan đến cả bệnh lý hay các yếu tố môi trường. Trẻ có thể chậm nói do di truyền, sinh non, vấn đề về thính giác, dị tật bẩm sinh, môi trường đa ngôn ngữ, thiếu yếu tố kích thích hoặc do tự kỷ, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ.

Nguyên nhân trẻ chậm nói

Chậm nói ở trẻ được chia thành nhiều loại khác nhau gồm chậm nói đơn thuần, chậm nói do thính giác kém, khiếm khuyết, rối loạn phát triển… Nguyên nhân trẻ chậm nói rất đa dạng, có thể kể đến như:

  • Rối loạn phát triển thần kinh như tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ
  • Khuyết tật ở vòm họng và lưỡi (hở hàm ếch, dính thắng lưỡi, hở môi)
  • Sang chấn tâm lý
  • Di truyền
  • Môi trường đa ngôn ngữ hoặc thiếu giao tiếp
  • Chấn thương về não hoặc bệnh lý như u não, bại não
  • Trẻ nghe kém bẩm sinh hoặc vấn đề về thính lực
  • Trẻ tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử

Dấu hiệu trẻ chậm nói

Trẻ được đánh giá là chậm nói khi đủ 2 tuổi nhưng chưa nói được từ có 2 tiếng và vốn từ dưới 50 từ. Đặc biệt, tất cả các trường hợp trẻ không nói được từ nào hoặc chỉ nói được vài từ khi đủ 24 tháng đều được coi là chậm nói.

Các dấu hiệu nhận biết sớm chậm nói ở trẻ:

  • Trẻ 3 – 6 tháng không biết ê a, thiếu nụ cười giao tiếp
  • Trẻ 6 tháng không phát ra nụ cười tự phát
  • Trẻ 6 – 12 tháng không biết bập bẹ “baba”, “mama”
  • Trẻ 12 tháng không biết bắt chước tạo ra âm thanh con vật như “meo meo”, “gâu gâu”
  • Trẻ 15 tháng không nói được từ đơn
  • Trẻ 18 – 24 tháng không nói được từ có 2 tiếng
  • Trẻ trên 24 tháng vốn từ dưới 50, không hiểu được mệnh lệnh đơn giản…

Lợi ích của âm ngữ trị liệu đối với trẻ chậm nói

Âm ngữ trị liệu được áp dụng rộng rãi và được chứng minh là có hiệu quả tích cực đối với trẻ chậm nói. Các thống kê chỉ ra rằng, có đến 70% trẻ dưới 6 tuổi chậm nói, gặp vấn đề về ngôn ngữ được cải thiện sau khi tham gia liệu trình trị liệu.

Phương pháp này được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới
Phương pháp này được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới

Nhìn chung, tỷ lệ thành công của liệu pháp phụ thuộc vào vấn đề trẻ gặp phải, thời gian thực hiện và sự hỗ trợ của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Trẻ được can thiệp càng sớm thì hiệu quả càng cao.

Những lợi ích mà âm ngữ trị liệu mang lại cho trẻ chậm nói bao gồm:

  • Giúp trẻ cải thiện khả năng hiểu và tiếp nhận ngôn ngữ
  • Tăng cường vốn từ và khả năng giao tiếp
  • Cải thiện khả năng diễn đạt suy nghĩ, cảm xúc
  • Nâng cao chất lượng giọng nói
  • Giúp trẻ phát âm chuẩn, tròn vành rõ chữ
  • Cải thiện tốc độ lời nói, khả năng trình bày lưu loát, rành mạch
  • Tăng cường tiếp thu ngôn ngữ, tạo tiền đề cho việc phát triển tư duy nhận thức
  • Tạo cơ hội để trẻ học hỏi, vui chơi, tương tác tốt với bạn bè và người xung quanh
  • Tăng cường tính độc lập, nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng
  • Cải thiện chức năng nhai nuốt
  • Nâng cao kỹ năng ngôn ngữ
  • Giúp trẻ dễ dàng hòa nhập và tham gia các hoạt động xã hội
  • Tạo tiền đề để trẻ phát triển bản thân trong tương lai
  • Giảm căng thẳng, lo âu
  • Giúp phụ huynh và người xung quanh hiểu trẻ hơn
  • Tăng cường chất lượng đời sống ở cả thời điểm hiện tại và tương lai

Chậm nói ở trẻ do nhiều nguyên nhân, dù trẻ chậm nói đơn thuần hay chậm nói do bất kỳ nguyên nhân nào, trẻ cũng cần được can thiệp và cải thiện càng sớm càng tốt. Đặc biệt là tình trạng tự kỷ chậm nói, chậm phát triển trí tuệ chậm nói…

Nguyên tắc áp dụng âm ngữ trị liệu cho trẻ chậm nói

Bất kỳ một phương pháp giáo dục nào cũng có những nguyên tắc riêng. Nguyên tắc là các quy chuẩn, định hướng cơ bản cần tuân theo để đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra. Nguyên tắc được xem là chìa khóa thành công trong  việc áp dụng liệu pháp âm ngữ trị liệu cho trẻ chậm nói.

Các nguyên tắc cần tuân theo để đảm bảo hiệu quả trong quá trình can thiệp chậm nói ở trẻ bao gồm:

  • Can thiệp càng sớm càng tốt: Tình trạng chậm nói càng kéo dài thì khả năng ngôn ngữ của trẻ càng hạn chế. Can thiệp sớm sẽ giúp trẻ không bỏ lỡ giai đoạn phát triển ngôn ngữ quan trọng, đạt được kết quả tốt nhất sau can thiệp.
  • Tôn trọng và lắng nghe trẻ:  Trẻ cần được tôn trọng, cần hướng dẫn, giải thích để trẻ hiểu những điều đang và sẽ diễn ra để trẻ chuẩn bị tinh thần. Lắng nghe nhu cầu, mong muốn của trẻ, tuyệt đối không so sánh con với đứa trẻ khác.
  • Xây dựng kế hoạch cá nhân hóa: Lộ trình can thiệp được xây dựng dựa trên bảng lượng giá ban đầu về khả năng ngôn ngữ của trẻ. Mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, trẻ cần có chương trình riêng. Trong quá trình can thiệp cần liên tục đánh giá, điều chỉnh sao cho phù hợp với khả năng của trẻ.
  • Linh hoạt và đa chiều: Chương trình can thiệp cần được thực hiện một cách linh hoạt, nên kết hợp trị liệu với các trò chơi, bài hát, hoạt động nghệ thuật để kích thích trẻ tham gia tự nhiên. Nên có sự tương tác đa chiều, trẻ không chỉ được lắng nghe mà còn cần có cơ hội tham gia các cuộc đối thoại.
  • Khuyến khích sự chủ động: Nên xây dựng các tình huống để trẻ chủ động vận dụng, phát huy những gì học được thay vì học thụ động. Các biện pháp cần được tiến hành theo mức độ từ đơn giản đến phức tạp để trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ và phấn khích hơn.
  • Lặp lại và củng cố: Việc học nói có thể cần nhiều thời gian, vì thế cần kiên nhẫn và luôn tạo động lực để trẻ cố gắng. Các phương pháp cần được thực hiện thường xuyên, liên tục củng cố để giúp trẻ được rèn luyện mỗi ngày.

Quy trình và phương pháp trong âm ngữ trị liệu

Trong âm ngữ trị liệu, quy trình được thiết kế riêng tùy theo nhu cầu, tình trạng cụ thể của từng trẻ. Mỗi trẻ sẽ được lựa chọn một phương pháp trị liệu phù hợp, sao cho đảm bảo mang đến hiệu quả tốt nhất sau quá trình can thiệp.

Mỗi trẻ sẽ được can thiệp với lộ trình riêng được xây dựng theo nhu cầu của trẻ
Mỗi trẻ sẽ được can thiệp với lộ trình riêng được xây dựng theo nhu cầu của trẻ

Quy trình thực hiện liệu pháp

Âm ngữ trị liệu được thực hiện một cách có quy trình rõ ràng. Thông thường, trẻ chậm nói sẽ được can thiệp với hình thức 1:1. Lộ trình can thiệp được xây dựng bởi một nhà trị liệu chuyên nghiệp, có chuyên môn cao.

Có 5 bước trong quy trình thực hiện như sau:

  • Đánh giá ban đầu thông qua các bài kiểm tra, phỏng vấn, quan sát hành vi, khả năng ngôn ngữ của trẻ
  • Lập kế hoạch trị liệu cá nhân dựa trên kết quả đánh giá ban đầu, lựa chọn phương pháp trị liệu phù hợp với trẻ
  • Triển khai các hoạt động, bài tập để giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp
  • Tiến hành theo dõi, đánh giá, đo lường sự tiến bộ của trẻ để điều chỉnh kế hoạch trị liệu khi cần
  • Đánh giá kết quả, kết thúc chương trình hoặc tiếp tục với mục tiêu khác.

Cách thức thực hiện phương pháp âm ngữ trị liệu:

  • Hướng dẫn, làm mẫu: Giáo viên hoặc nhà trị liệu làm mẫu để trẻ quan sát, học được các kỹ năng cần thiết. Hoạt động trị liệu có thể các bài tập phát âm, bài tập miệng – lưỡi – môi- hàm, tương tác trò chuyện qua trò chơi, hình ảnh, đồ vật…
  • Thu hút và gợi ý: Với những trẻ tập trung kém hoặc hầu như không tập trung, giáo viên sẽ sử dụng các đồ vật, trò chơi thu hút để kích thích trẻ tập trung, chú ý và thực hiện theo hướng dẫn.
  • Đáp ứng: Khuyến khích trẻ chủ động tương tác, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh.

Các phương pháp trong âm ngữ trị liệu

Trong âm ngữ trị liệu, mỗi trẻ sẽ được can thiệp theo những phương pháp riêng. Tùy vào tình trạng và vấn đề trẻ gặp phải mà trẻ sẽ được trị liệu ngôn ngữ bằng phương pháp phù hợp. Các phương pháp này bao gồm:

  • Phương pháp PROMPT: Là phương pháp hỗ trợ phát triển kỹ năng vận động miệng để phát âm đúng. Nhà trị liệu sẽ sử dụng ngón tay, chạm lên miệng, và các vị trí trên mặt để trẻ định hướng cử động cơ, từ đó giúp trẻ phát âm hiệu quả.
  • Phương pháp AAC: Liệu pháp giúp trẻ giao tiếp thông qua các hệ thống ký hiệu, công cụ trực quan hoặc các thiết bị chuyên dụng khác.

Vai trò của chuyên gia âm ngữ trị liệu trong quá trình can thiệp trẻ chậm nói

Âm ngữ trị liệu là phương pháp cải thiện chậm nói, rối loạn ngôn ngữ hiệu quả ở trẻ. Trẻ cần được can thiệp càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước 6 tuổi. Đặc biệt, đối với trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, trẻ cần được can thiệp trước 2 tuổi.

Trẻ có thể được can thiệp theo hình thức 1:1 hoặc hình thức nhóm
Trẻ có thể được can thiệp theo hình thức 1:1 hoặc hình thức nhóm

Trong âm ngữ trị liệu, nhà trị liệu ngôn ngữ (speech – language pathologist, SLP) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những chuyên gia y tế được đào tạo bài bản, có khả năng đánh giá, điều trị cho trẻ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ.

Một nhà trị liệu ngôn ngữ là người:

  • Ít nhất có bằng thạc sĩ
  • Được cấp chứng nhận hoặc giấy phép trong lĩnh vực này
  • Có chứng chỉ năng lực lâm sàng từ Hiệp hội Ngôn ngữ – Thính giác

Trong quá trình can thiệp chậm nói, nhà trị liệu ngôn ngữ sẽ là người đóng vai trò đánh giá toàn diện các kỹ năng của trẻ, xác định nguyên nhân trẻ chậm nói và đưa ra kết quả lượng giá. Đồng thời, nhà trị liệu cũng sẽ là người xây dựng chương trình can thiệp cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu của trẻ.

Chuyên gia sẽ phối hợp với giáo viên và phụ huynh để thực hiện các buổi trị liệu, sử dụng các phương pháp, kỹ thuật phù hợp nhằm giúp trẻ cải thiện kỹ năng nói. Trong quá trình giáo viên can thiệp, hỗ trợ theo chương trình đã được xây dựng, chuyên gia sẽ tiến hành theo dõi và đánh giá sự tiến bộ của trẻ. Dựa trên kết quả đánh giá, có thể thực hiện điều chỉnh kế hoạch trị liệu sao cho phù hợp.

Ngoài ra, nhà trị liệu ngôn ngữ cũng sẽ là người hướng dẫn cho phụ huynh cách thực hiện các bài tập, cách tương tác để kích thích trẻ phát triển. Trẻ được tạo động lực thông qua các trò chơi, hoạt động tương tác vui nhộn để có cảm giác thoải mái, vui vẻ, sẵn sàng học hỏi.

Các kỹ thuật và hoạt động phổ biến trong âm ngữ trị liệu

Các kỹ thuật can thiệp cơ bản và các hoạt động trong âm ngữ trị liệu rất đa dạng. Các kỹ thuật thường được áp dụng như kỹ thuật kích thích giao tiếp, kỹ thuật phục hồi chức năng giao tiếp tăng cường và thay thế, kỹ thuật vận động miệng, kỹ thuật tập nuốt, bài tập phát âm, bài tập nuốt, tập sửa lỗi phát âm…

Các kỹ thuật này được ứng dụng trong từng trường hợp cụ thể nhất định:

  • Can thiệp ngôn ngữ: Nhà trị liệu tương tác với trẻ thông qua trò chơi, bài hát, cách nói chuyện, sử dụng đồ chơi, sách, hình ảnh, thiết bị công nghệ để kích thích sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Thông qua việc dạy trẻ từ vựng, ngữ pháp và các bài tập lặp lại, củng cố, trẻ sẽ xây dựng và phát triển tốt các kỹ năng ngôn ngữ.
  • Cải thiện phát âm: Các bài tập phát âm, hướng dẫn trẻ đặt đúng vị trí lưỡi, cách rung lưỡi, điều chỉnh luồng hơi sẽ giúp trẻ chỉnh phát âm, mô phỏng âm thanh, cải thiện âm tiết. Trẻ có thể được cải thiện qua các trò chơi phát âm phù hợp với độ tuổi để giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn.
  • Luyện tập vận động miệng/ăn uống và nuốt: Các bài tập miệng, bài tập lưỡi – môi – hàm, massage mặt có thể giúp trẻ tăng cường cơ miệng khi ăn, nhai, nuốt và uống.

Khi nào nên bắt đầu âm ngữ trị liệu cho trẻ chậm nói?

Âm ngữ trị liệu cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu âm ngữ trị liệu cho trẻ chậm nói là trước 3 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ phát triển ngôn ngữ, việc can thiệp sớm ở giai đoạn vàng sẽ giúp trẻ phát triển vốn từ, tăng cường khả năng giao tiếp, hạn chế các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm.

Trẻ 16 tháng chưa nói từ đơn, 24 tháng chưa nói từ có 2 âm tiết, vốn từ vựng dưới 50 từ cần được đưa đến bệnh viện, trung tâm để đánh giá khả năng phát triển ngôn ngữ. Việc kiểm tra, đánh giá ở giai đoạn sớm có thể giúp phát hiện các vấn đề nghiêm hơn ở trẻ như rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ…

Đối với trẻ tự kỷ chậm nói, trẻ cần được can thiệp toàn diện trước 2 tuổi. Đây là thời điểm hành vi của trẻ chưa định hình, có thể can thiệp được. Trẻ càng lớn thì hiệu quả can thiệp càng giảm, trẻ dễ gặp vấn đề về ngôn ngữ, hành vi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai.

Vai trò của phụ huynh trong việc hỗ trợ âm ngữ trị liệu

Thật khó để trẻ cởi mở với người lại và hợp tác khi gặp Nhà trị liệu ngôn ngữ lần đầu. Phần đầu tiên trong vai trò của phụ huynh chính là hỗ trợ để con làm quen và thích nghi với môi trường mới, thoải mái hơn khi giao tiếp với chuyên gia. Phụ huynh có vai trò vô cùng quan trọng, là người trực tiếp đồng hành, hỗ trợ trẻ trong quá trình cải thiện tình trạng chậm nói.

Phụ huynh là cầu nối, là người thầy, người bạn đồng hành hỗ trợ tích cực cho sự tiến bộ của trẻ
Phụ huynh là cầu nối, là người thầy, người bạn đồng hành hỗ trợ tích cực cho sự tiến bộ của trẻ

Vai trò của phụ huynh trong việc hỗ trợ âm ngữ trị liệu như sau:

  • Là cầu nối giữa trẻ và nhà trị liệu: Nhà trị liệu không thể hiểu trẻ ngay khi vừa gặp và quan sát các hành vi của trẻ. Trẻ cũng không thể cởi mở, quen thuộc ngay với nhà trị liệu. Vì thế, lúc này, phụ huynh chính là cầu nối trong những lần tiếp xúc đầu tiên của con với nhà trị liệu ngôn ngữ. Cha mẹ hiểu sâu sắc về tính cách, sở thích, hạn chế và thế mạnh của trẻ. Sự hiểu biết này sẽ giúp nhà trị liệu xác định được phương pháp tiếp cận và hỗ trợ trẻ phù hợp.
  • Là người bạn đồng hành cùng con cố gắng: Sau mỗi buổi can thiệp, giáo viên, chuyên gia sẽ hướng dẫn phụ huynh cách thực hiện các bài tập trị liệu tại nhà. Lúc này, phụ huynh sẽ đóng vai trò là người bạn đồng hành, cùng con luyện tập các bài tập này một cách thường xuyên, để đảm bảo tính nhất quán và liên tục trong quá trình điều chỉnh phát âm.
  • Là điểm tựa tinh thần vững chắc khích lệ con: Không chỉ làm bạn, cùng con củng cố, tập luyện các bài tập, cha mẹ còn là điểm tựa tinh thần cho con. Chúng ta có thể giúp trẻ bằng cách trao cho con những lời động viên, những phần thưởng vật chất và tinh thần vì những nỗ lực tuyệt vời của con. Dù con chưa đạt được kết quả, sự nỗ lực cố gắng của con cũng rất đáng được ghi nhận.
  • Là người quan sát và ghi nhận sự tiến bộ của trẻ: Cha mẹ cần tham gia vào quá trình cải thiện ngôn ngữ của trẻ. Chúng ta sẽ là người theo dõi lộ trình can thiệp, biết được mục tiêu, cách thức và phương pháp hỗ trợ trẻ. Nắm được sự tiến bộ của con nhằm đảm bảo có thể có cung cho trẻ và giáo viên nguồn lực cũng như sự hỗ trợ phù hợp.
  • Là người trực tiếp hỗ trợ con: Chỉ can thiệp qua các buổi trị liệu tại trung tâm là chưa đủ. Trẻ cần được luyện tập thường xuyên, đều đặn. Và người có khả năng thực hiện điều này chính là cha mẹ. Cha mẹ là người sẽ tiếp tục cùng trẻ thực hành sau khi buổi trị liệu kết thúc để giúp trẻ nhanh chóng cải thiện kỹ năng giao tiếp và khả năng ngôn ngữ.

Để làm được điều này, phụ huynh cần trang bị kiến thức về chậm nói. Đồng thời, hãy trực tiếp trao đổi với nhà trị liệu hoặc giáo viên can thiệp trẻ, bạn sẽ nhận được hướng dẫn cách thực hành hỗ trợ trẻ tốt nhất. Đồng thời cũng đừng quên chăm sóc chính bản thân mình. Bạn có thể sẽ rất căng thẳng, khó khăn trong giai đoạn này, tuy nhiên, tất cả những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của âm ngữ trị liệu trẻ chậm nói

Hiệu quả của phương pháp âm ngữ trị liệu với trẻ chậm nói đã được nghiên cứu và chứng minh, có đến 70% trẻ cải thiện tốt sau can thiệp. Tỷ lệ thành công của liệu pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình can thiệp:

  • Độ tuổi: Độ tuổi lý tưởng để thực hiện âm ngữ trị liệu là trước 3 tuổi, trẻ được can thiệp càng sớm thì hiệu quả càng cao.
  • Nguyên nhân chậm nói: Trẻ có thể chậm nói do tâm lý, sinh lý, bệnh lý hoặc rối loạn phát triển. Việc xác định đúng nguyên nhân sẽ giúp chọn đúng phương pháp trị liệu và đạt được hiệu quả tích cực.
  • Mức độ chậm nói: Tùy vào vấn đề mà trẻ gặp phải, mức độ càng nghiêm trọng thì sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn.
  • Trình độ của chuyên gia: Trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm của chuyên gia ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của âm ngữ trị liệu. Chuyên gia giỏi sẽ đưa ra liệu trình can thiệp phù hợp, hiệu quả.
  • Sự phối hợp của trẻ và phụ huynh: Trẻ hợp tác, phụ huynh tích cực hỗ trợ sẽ giúp tăng cường hiệu quả của âm ngữ trị liệu.
  • Sự kiên trì và nỗ lực: Việc trị liệu nếu được thực hiện thường xuyên, đều đặn, trẻ vui vẻ, hứng thú thì hiệu quả trị liệu tốt. Ngược lại, trẻ trì hoãn, không thường xuyên luyện tập, không có hứng thú thì việc trị liệu sẽ không có hiệu quả.

Việc áp dụng phương pháp âm ngữ trị liệu là rất cần thiết và được khuyến khích thực hiện càng sớm càng tốt. Quá trình can thiệp và phát triển ngôn ngữ, lời nói cho trẻ là cả một hành trình nên gia đình cần thực sự kiên trì, đồng hành cùng con. Với bất cứ thắc mắc hay bất thường nào, phụ huynh cũng nên trao đổi với bác sĩ, chuyên gia để nhận được sự hỗ trợ phù hợp nhất.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *