4 bài tập cho trẻ chậm nói – Luyện cơ môi miệng, phát âm

Có rất nhiều các bài tập cho trẻ chậm nói phụ huynh cần hướng dẫn cho con thực hành mỗi ngày để cải thiện các khiếm khuyết, giúp trẻ nhanh chóng biết nói, biết giao tiếp với xung quanh. Phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với các bác sĩ, chuyên gia để biết cách hỗ trợ con có hiệu quả ngay tại nhà, từ đó góp phần giúp quá trình phát triển của con toàn diện hơn.

4 bài tập cho trẻ chậm nói phụ huynh nên hướng dẫn con thực hành

Trẻ bị chậm nói thường gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp bởi không có đủ ngôn ngữ hoặc không thể phát âm chính xác những điều bản thân muốn nói. Trẻ chậm nói hay la hét phần cũng chính vì con không có ngôn ngữ, không biết cách thể hiện nhu cầu cá nhân, nên chỉ biết la hét hay ăn vạ để gây chú ý cho cha mẹ.

bài tập môi miệng cho trẻ chậm nói
Các bài tập cho trẻ chậm nói cần được thực hiện bởi chính cha mẹ mỗi ngày để đảm bảo có hiệu quả nhất

Dù cho trẻ chậm nói có liên quan đến nguyên nhân nào thì việc can thiệp tăng cường ngôn ngữ cho con cũng là điều cực kỳ cần thiết. Bên cạnh các liệu pháp chuyên môn được bác sĩ chỉ định thì gia đình cũng cần trực tiếp hướng dẫn các bài tập cho trẻ chậm nói tại nhà để cải thiện khả năng ngôn ngữ lời nói của con nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Gia đình có thể tham khảo một số bài tập cho trẻ chậm nói dưới đây để khắc phục nhanh chóng những vấn đề thiếu hụt của trẻ

1. Các bài tập kích thích cơ môi – miệng cho trẻ chậm nói

Một số trẻ khó phát âm, không nói được chính là do các vấn đề ở cơ môi, các cơ quan phát âm không thể phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng. Do đó các bác sĩ cũng luôn khuyến khích phụ huynh hướng dẫn trẻ chậm nói cách luyện các bài tập kích thích để con có thể phát âm chuẩn xác, đồng thời điều hòa cảm giác khi trẻ nói chuyện, từ đó dần dần cải thiện khả năng nói và giao tiếp.

Các bài tập cho trẻ chậm nói đa phần khá đơn giản, sẽ cần đến một số dụng cụ hỗ trợ để điều chỉnh dần vị trí của các cơ quan trong cơ miệng có thể kết hợp với nhau đúng cách.

– Bài tập hút

Một cách đơn giản nhất để cải thiện các hoạt động trong cơ miệng của con chính là cho trẻ dùng ống hút để uống nước. Hoạt động này vừa kích thích cơ miệng hoạt động, tăng cường cảm nhận về lưỡi và vòm miệng, nhờ đó có thể phối hợp hoạt động giữa các cơ quan này. Hơn nữa khi dùng ống hút, lượng nước đưa vào từ từ nên cũng hạn chế nguy cơ con bị sặc.

– Bài tập thổi

Bạn có thể thấy, khi thổi, miệng thường phồng ra kết hợp với việc đẩy hơi ra, điều này giống như đang massage cho miệng và cơ mặt. Theo các chuyên gia, bài tập cho trẻ chậm nói này sẽ giúp phát âm chuẩn xác một số âm khó, luyện tập cơ miệng cho từng vùng phát âm, hỗ trợ quá trình nói chuyện, giao tiếp thêm nhịp nhàng.

Các bài tập thổi giúp trẻ chậm nói cải thiện khả năng phát âm có thể được thực hiện thông qua các trò chơi đơn giản như thổi bong bóng, hà hơi vào cửa kính hay thổi nến. Hoặc mẹ có thể rủ trẻ thi xem thổi các bong bóng xà phòng bự hơn, hay gấp những con thuyền giấy để trên chậu nước rồi thổi thi xem thuyền của ai chạy nhanh hơn. Trò chơi này cũng khiến trẻ thích thú và kết nối với cha mẹ nhiều hơn.

– Các bài tập giúp nhận biết lưỡi miệng

Để điều hòa cảm giác của cơ quan lưỡi, miệng cho trẻ chậm nói, phụ huynh hãy cùng con luyện tập các bài tập sau

  • Dạy con cách đẩy lưỡi vào 4 góc trong miệng
  • Dạy con cách hôn như cá ( chu miệng lên)
  • Cho trẻ ngậm thẻ
  • Mẹ có thể bôi các chất có độ dính, có vị như mật ong hay các loại mứt quanh môi con, điều này kích thích lưỡi trẻ có xu hướng sẽ liếm quanh miệng và cũng giúp cho hoạt động của miệng
  • Phồng má lên và giữa như thế trong vài giây, hoặc kết hợp với việc đẩy hơi qua lại trong miệng
  • Bĩu môi trong vòng 5s và lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày
  • Cho trẻ ăn các loại đồ cứng hoặc dai, chẳng hạn như bánh mì cũng giúp giúp kích thích các hoạt động cơ miệng cho trẻ. Tuy nhiên mẹ hãy nhớ chọn những thực phẩm dù cứng nhưng lại dễ tiêu hóa.
  • Hướng dẫn trẻ ngậm miệng, khép môi khi đang nhai một đồ ăn nào đó
  • Một bài tập cho trẻ chậm nói đơn giản mà phụ huynh cũng có thể áp dụng chính là cùng con tập “bắt chước” trước gương. Mẹ hãy rủ con soi gương và làm đủ mọi thể loại biểu cảm, chẳng hạn cười khoác miệng, phồng má, thè lưỡi ra hay tự kéo hai khóe môi lên cười và rủ con bắt chước theo
  • Ngoài ra phụ huynh cũng có thể trực tiếp dùng tay để massage cho trẻ, điều này cũng nên được thực hiện trước khi thực hiện các bài luyện nói cho cơ miệng của trẻ. Có một số thiết bị giúp massage cơ mặt mặc mẹ cũng có thể kết hợp với việc dùng đá massage

Theo các chuyên gia, các bài tập cho trẻ chậm nói này đặc biệt cần thiết nếu liên quan đến nhóm trẻ down, bại não, không chỉ để trẻ có phát âm chính xác mà để cải thiện tình trạng khó khăn khi nhai nuốt hay dớt dãi khi mở miệng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu trẻ quá nhỏ hoặc thuộc nhóm khuyết tật nặng đôi khi cũng không phù hợp.

2. Các bài tập luyện nói, luyện phát âm

Để trẻ có thể giao tiếp thì cần phải phát âm chính xác, rành mạch, rõ ràng thì những người xung quanh mới có thể nghe hiểu và đáp ứng lại với lời của con. Cách tốt nhất vẫn là luyện từng từ nhưng phải giúp trẻ hiểu rõ ngữ nghĩa của từng từ mà con nói, chỉ có như thế thì trẻ mới vừa nói được, vừa có thể dùng đúng hoàn cảnh, dễ dàng phát triển kỹ năng giao tiếp.

bài tập cho trẻ chậm nói
Dạy trẻ phát âm chính xác từng âm, từng từ, rồi mới tiến tới từng câu hiệu quả

Như đã nói, hầu hết các bài tập cho trẻ chậm nói giúp con phát âm chính xác thường được bắt đầu từ việc phát âm từng âm cơ bản trong bảng chữ cái như a, b, c, d, e, o, u… sau đó mới tiến dần lên việc phát âm từng từ, rồi ghép thành từng câu. Với trẻ bình thường quá trình này có thể dễ dàng nhưng với trẻ chậm nói quá trình này cực kỳ khó và cần nhiều sự kiên trì.

Một cách đơn giản để trẻ chậm nói có thể dễ nhớ các bài tập âm chính là thông qua các bài hát, đặc biệt là bài đồng dao hay các dạng trò chơi đóng vai và phát âm. Ngoài ra các dạng văn bản này còn có thể bổ sung thêm ngôn ngữ cho trẻ cực kỳ hiệu quả.

Chẳng hạn, mẹ có thể tham khảo các bài đồng dao như

“Bò mẹ gọi bò con: ùm bò, ùm bò, ùm bò. Bò bố cũng kêu ùm bò, ùm bò, ùm bò. Bò con cứ ậm ừ, ậm ừ, ậm ừ”. Để hiệu quả hơn với bài tập này, phụ huynh nên sử dụng thêm các mặt nạ hình con bò, cả bố và mẹ sẽ cùng đóng vai bò bố và bò mẹ để cùng đọc với con từng câu.

” Này bạn! Những chú chó có bao giờ biết buồn không? Chúng biết buồn đấy, nó kêu ư ử, ư ử,… Này bạn! Chó mẹ âu yếm con thế nào? Chó mẹ nựng con thế này: ứ ư, ứ ư,…Này bạn! Thế chó bố tức giận sẽ như thế nào? Chó bố sủa gâu gâu, gâu gâu,…”

Một cách khác để dạy trẻ phát âm chính xác cũng chính là dạy con bắt chước tiếng kêu của các loài động vật, chẳng hạn vịt kêu “quạc quạc”; mèo kêu “meo meo”, gà con kêu “chíp chíp”. Mẹ hãy thực hiện mẫu cho con vài lần, sau đó chỉ nhắc “con vịt kêu”; “con mèo kêu”,.. để trẻ tự thể hiện khả năng bắt chước của mình.

Tuy nhiên một vài nguyên tắc mà phụ huynh cần ghi nhớ khi thực hiện các bài tập cho trẻ chậm nói, chậm phát âm này chính là làm thế nào để tạo cho trẻ sự chú ý vào vấn đề mà cha mẹ đang hướng dẫn. Hãy luôn ngồi thế nào để mắt mẹ và bé có thể giao tiếp một cách song song, điều này sẽ giúp con dễ dàng chú ý tập trung hơn là việc phải ngước lên nhìn mẹ.

Bên cạnh đó phụ huynh cũng nên cố gắng sử dụng các dụng cụ trực quan sinh động, đa dạng để tạo sự chú ý và tránh các suy nghĩ rập khuôn ở trẻ. Phụ huynh cũng có thể kết hợp trao đổi với các chuyên gia, bác sĩ để biết cách hướng dẫn trẻ tập nói chính xác, phù hợp cho từng tình trạng.

3. Các bài tập can thiệp hành vi cho trẻ chậm nói

Các hành vi của trẻ chậm nói cũng có thể phát triển theo hướng bất thường, một phần chính do con không có đủ ngôn ngữ nên không thể nhận thức được các hành vi của bản thân. Mặt khác nếu trẻ chậm nói do có liên quan đến tự kỷ thì các hành vi của con cũng luôn bất thường, đôi lúc có thể gây hại cho cả bản thân và những người xung quanh nên cần phải điều chỉnh lại cả về hành vi.

Trong đó, hướng dẫn cho trẻ chậm nói các bài tập sử dụng ngón tay trỏ cũng rất cần thiết. Trẻ chậm nói hay la hét chính do con không biết cách biểu đạt nhu cầu cá nhân bằng ngôn từ, lời nói nhưng nếu biết dùng ngón tay trỏ thì vấn đề có thể cải thiện. Để đạt được điều này mẹ có thể dạy con các bài tập chi chi chành chành trước tiên để tạo cảm giác tốt nhất về ngón tay trỏ.

Sử dụng ngón tay trỏ và cải thiện liên kết mắt luôn là hai vấn đề được thực hiện một cách song song đồng thời. Chẳng hạn mẹ dùng ngón tay trỏ để chỉ vào các đồ vật xung quanh và đọc tên các đồ vật này, lặp đi lặp lại nhiều lần để đảm bảo trẻ có thể hiểu và ghi nhớ. Sau đó lại dùng ngón tay trỏ chỉ vào đồ vật này để yêu cầu con đọc tên; hoặc ngược lại, đọc tên đồ vật rồi yêu cầu con dùng ngón tay trỏ chỉ.

Hay mẹ cũng có thể dùng ngón tay trỏ chỉ vào bản thân hay chồng nhiều lần và phát âm “mẹ”, “ba” nhiều lần, sau đó hỏi “ba đâu?”. Nếu trẻ có thể dùng ngón tay và chỉ vào ba tức là đã có bước tiến mới, kể cả khi trẻ chưa thể phá âm thành lời nhưng ít nhất đã có ngôn ngữ và nhận thức.

4. Bài tập bắt chước cho trẻ chậm nói

Ở trẻ chậm nói, đặc biệt là trẻ tự kỷ khả năng bắt chước là rất kém. Tuy nhiên thực tế, khả năng bắt chước giống như một tiền đề quan trọng để phát triển ngôn ngữ và giao tiếp. Do đó phụ huynh cần kích thích khả năng bắt chước về cả lời nói và hành vi của trẻ, từ đó phát triển kỹ năng giao tiếp, tương tác có hiệu quả.

các bài tập cho trẻ chậm nói
Cùng con bắt chước các hành vi, lời nói cũng là cách tăng cường giao tiếp có hiệu quả

Có rất nhiều bài tập cho trẻ chậm nói để kích thích các hoạt động bắt chước của con, chẳng hạn

  • Bắt chước các biểu cảm của cha mẹ, chẳng hạn như chu mỏ, phồng má kèm theo những âm thanh vui nhộn
  • Bắt chước tiếng mèo kêu, gà gáy hay chó sủa.. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nếu con có phát âm sai  cha mẹ cũng không nên chỉnh sửa ngay mà hãy bắt chước theo con, điều này sẽ tạo ra sự tương tác kết nối giữa cả hai
  • Bắt chước các hành vi, động tác, chẳng hạn như liên tục vỗ tay, vặn xoắn tay của con; sau đó điều chỉnh lại các hành vi đúng đắn để con làm theo
  • Bắt chước các động tác trong lúc chơi trò chơi. Chẳng hạn khi con đang chơi xe lửa, mẹ thấy trẻ bỏ hai quả bóng lên xe thì mẹ cũng bắt chước con bỏ hai quả bóng lên

Một số lưu ý khi dạy trẻ chậm nói tại nhà

Dạy trẻ chậm nói chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt là khi đó là trẻ tự kỷ. Một phần vì con không có đủ ngôn ngữ nên thường nhận thức rất kém, không hiểu cha mẹ muốn nói gì. Phần khác tâm tính con cũng rất dễ kích động, bốc đồng, nếu không biết cách cũng rất khó để làm con hợp tác cùng cha mẹ. Do đó nếu không phải cha mẹ hay những người có chuyên môn sẽ rất khó có đủ kiên nhẫn với con.

Dù vậy, với trẻ chậm nói, thực tế quan trọng không phải là thực hiện các bài tập cho trẻ chậm nói mỗi ngày mà trọng tâm chính nằm ở việc tương tác với con. Dù có dạy con bao nhiêu bài tập, hướng dẫn con bao nhiêu biện pháp để phát âm nhưng nếu không biết cách tương tác, truyền tải thông tin cho con thì con sẽ không thể nào tiếp nhận có hiệu quả.

bài tập cho trẻ chậm nói
Cha mẹ cần giữ tâm thế thoải mái, kiên trì, đảm bảo thực hiện chính xác mới có thể hướng dẫn cho trẻ

Một số nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp hay phát triển các kỹ năng nói cho trẻ mà phụ huynh cần thực hiện được thông qua các bài tập cho trẻ chậm nói như biết cách dùng ngón trỏ, có sự liên kết bằng mắt, kiểm soát về hơi thở, khả năng bắt chước, luôn phiên và đặc biệt là  Vui chơi – tương tác – tạo cảm xúc – xúc giác. Đạt được các điều này là lúc khả năng giao tiếp của trẻ phát triển.

Nói chung, khi hướng dẫn các bài tập cho trẻ chậm nói, phụ huynh nên lưu ý một số vấn đề sau

  • Trước tiên phụ huynh cần phải hiểu rõ nguyên nhân trẻ chậm nói là gì, do tự kỷ, do các yếu tố môi trường hay do bất cứ vấn đề nào khác, từ đó mới có thể xây dựng lộ trình can thiệp hợp lý
  • Bản thân phụ huynh cũng cần nắm rõ các bài tập để cùng tham gia thực hành với con. Hơn hết người hướng dẫn phải thực hiện đúng, chính xác thì con mới có thể làm theo chính xác
  • Xây dựng kế hoạch giáo dục, tăng cường các bài tập cho trẻ chậm nói cần phải duy trì đúng tiến độ, hằng ngày, hằng tuần, không được ngừng nghỉ ngày nào thì mới có hiệu quả, đặc biệt với trẻ tự kỷ. Thực tế chỉ cần phụ huynh thiếu mất việc dạy trẻ 1 ngày cũng có thể khiến con quên và kết quả các bài học trước đó đều ” tan thành mây khói” và lại phải bắt đầu lại từ đầu
  • Xây dựng các bài tập cho trẻ chậm nói cần dựa trên tình trạng của con mới có hiệu quả, không thể áp dụng 1 bài tập chung cho nhiều tình trạng. Do đó gia đình cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ, chuyên gia về các bài tập nền tảng cơ bản bắt đầu, sau đó mới dần gia tăng lên các mức độ khó hơn, phức tạp hơn
  • Nguyên tắc khi hướng dẫn các bài tập cho trẻ chậm nói tại nhà chính là luôn cần kết hợp các dụng cụ giảng dạy trực quan, sinh động, rõ ràng. Điều này vừa nhằm mục đích thu hút sự chú ý, vừa giúp trẻ có thể ghi nhớ và nhận thức rõ ràng hơn. Ngoài ra cũng có thể kết hợp các bài học và trò chơi để vừa giáo dục bổ sung ngôn ngữ, lời nói, vừa giúp trẻ tăng cường nhận thức một cách đáng kể
  • Đảm bảo sự linh hoạt khi giáo dục cho trẻ chậm nói, tránh tình trạng cứng nhắc, rập khuôn sẽ làm giới hạn mức độ nhận thức và thấu hiểu của con. Chẳng hạn khi dạy trẻ bảng chữ cái, nên dùng các bảng minh họa có đa dạng màu sắc, kích thước, tránh tình trạng nhầm lẫn rằng chỉ có chữ cái có màu sắc đó, kích thước đó mới được gọi là chữ A, chữ B..
  • Thiết kế môi trường học tập yên tĩnh, tập trung, tránh tình trạng trẻ xao nhãng sẽ không có hiệu quả.
  • Khả năng ngôn ngữ, nghe – hiểu của trẻ còn hạn chế nên cha mẹ cần luôn dùng những từ ngữ ngắn gọn, câu ngắn, dễ hiểu, đơn giản, đi thẳng vào nội dung thay vì diễn đạt một cách quá dài dòng
  • Giáo dục hay dạy trẻ tại nhà chắc chắn chưa bao giờ là điều dễ dàng với các vị phụ huynh, tuy nhiên hãy luôn giữ thái độ bình tĩnh với con, tuyệt đối không nên xảy ra tình trạng cáu gắt hay lớn tiếng bởi điều này sẽ khiến con cảm thấy sợ hãi và kích động, dần không muốn học
  • Luôn khen ngợi, cổ vũ khi con làm tốt những gì cha mẹ hướng dẫn , điều này vừa giúp trẻ vui vẻ và cũng là cách để tăng cường hoạt động tương tác giữa cha mẹ và con cái có hiệu quả hơn
  • Tạo không gian học tập vui vẻ, thoải mái, tránh tình trạng bắt ép trẻ học quá mức. Mặt khác nếu phụ huynh quá bắt ép trẻ cũng có thể dẫn tới xu hướng con chống đối hay có cách hành vi kích động, không hợp tác với cha mẹ sau đó
  • Quan sát các biểu cảm. hành vi của trẻ để nắm bắt cảm xúc, điều này cũng giúp phụ huynh có thể điều chỉnh các bài tập cho trẻ chậm nói phù hợp hơn
  • Kích thích trẻ tự chủ động giao tiếp để diễn đạt nhu cầu, mong muốn chứ không phải chỉ khi học với cha mẹ thì mới nói.
  • Ghi chép chi tiết về những bài học và sự thay đổi của con hằng ngày, con đã nói được từ nào, nói được câu nào để thấy rõ sự tiến bộ hay thụt lùi của trẻ, từ đó có thể cân đối, phân bổ các bài tập cho trẻ chậm nói một cách phù hợp hơn. Phụ huynh thường tiếp xúc với trẻ hằng ngày nên đôi khi không nhận ra sự thay đổi của con nên hãy ghi chép lại để có cái nhìn khách quan hơn
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường cho các hoạt động trí não, giúp trẻ ghi nhớ và học tập hiệu quả hơn
  • Kết hợp với các liệu pháp trị liệu ngôn ngữ cá nhân, giáo dục đặc biệt, trị liệu tâm lý để đảm quá trình giáo dục can thiệp cho trẻ chậm nói đạt đúng tiến trình mong muốn. Thực tế nếu thuốc nhóm trẻ tự kỷ, nếu chỉ áp dụng các biện pháp giáo dục tương tác tại nhà thôi thì không thể nào có hiệu quả tốt nhất

Các bài tập cho trẻ chậm nói không hề khó, tuy nhiên làm thế nào để hướng dẫn và thực hành theo lại không phải là điều dễ dàng. Gia đình nên trực tiếp trao đổi với bác sĩ, chuyên gia hay các giáo viên hỗ trợ để đảm bảo việc hướng dẫn, tương tác với trẻ tại nhà có hiệu quả, cải thiện các kỹ năng thiếu hụt để mang đến những giá trị tốt nhất cho tương lai của chính con.

Có thể bạn quan tâm:

Rate this post

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *