11 điểm phân biệt trẻ chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ

Phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng bởi nếu tự kỷ thì tiên lượng sẽ hoàn toàn khác biệt, trẻ sẽ có những khiếm khuyết về  ngôn ngữ, giao tiếp vĩnh viễn. Do đó phát hiện sớm và chính xác nguyên nhân chậm nói ở trẻ sẽ rất cần thiết để có hướng can thiệp kịp thời, đúng cách, giúp trẻ sớm hòa nhập được với bạn bè đồng trang lứa.

phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ
Cần phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ để có hướng can thiệp điều trị đúng cách, chuẩn xác nhất

Trẻ chậm nói có phải tự kỷ không?

Chậm nói và tự kỷ là hai vấn đề khác nhau. Chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ đều có thể gây khó khăn trong giao tiếp và chậm phát triển ngôn ngữ. Cả hai đều cần can thiệp từ chuyên gia ngôn ngữ trị liệu. Tuy nhiên, tự kỷ còn ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội và hành vi, trong khi chậm nói chỉ giới hạn ở ngôn ngữ. Cụ thể:

Chậm nói: Chậm nói là tình trạng trẻ không đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ như mong đợi ở độ tuổi nhất định. Chậm nói có thể do nhiều nguyên nhân như:

  • Chậm phát triển tổng quát (cả về ngôn ngữ và các kỹ năng khác).
  • Vấn đề về nghe (ví dụ: mất thính lực).
  • Vấn đề về cơ miệng (khó khăn trong việc điều khiển cơ miệng để phát âm).
  • Thiếu sự kích thích ngôn ngữ từ môi trường xung quanh.

Chậm nói đơn thuần không liên quan đến các vấn đề xã hội và hành vi như tự kỷ, và thường có thể cải thiện với sự can thiệp ngôn ngữ hoặc trị liệu.

Trẻ tự kỷ (Rối loạn phổ tự kỷ – ASD): Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội, và có thể kèm theo các hành vi lặp lại hoặc sở thích hạn chế. Các dấu hiệu đặc trưng của tự kỷ ở trẻ bao gồm:

  • Khó khăn trong giao tiếp xã hội (không đáp lại khi được gọi tên, ít hoặc không giao tiếp mắt, khó khăn trong việc hiểu và sử dụng ngôn ngữ cơ thể).
  • Sở thích và hành vi lặp lại (ví dụ: quay vòng, xếp đồ chơi theo thứ tự nhất định).
  • Phản ứng không phù hợp với các kích thích từ môi trường (ví dụ: rất nhạy cảm với âm thanh, ánh sáng).

Không phải tất cả trẻ chậm nói đều là tự kỷ, nhưng chậm nói có thể là một trong những dấu hiệu của tự kỷ nếu đi kèm với các vấn đề về giao tiếp xã hội và hành vi.

11 điểm phân biệt trẻ chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ

Trẻ chậm nói đơn thuần là vấn đề có thể điều trị được hoàn toàn, tiên lượng khá tốt, trẻ sau khi can thiệp hoàn toàn có thể giao tiếp và phát triển hòa nhập như các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên nếu liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ thì trẻ sẽ có rất nhiều các khiếm khuyết khác về mặt nhận thức, hành vi, ngôn ngữ hay giao tiếp đến suốt cuộc đời nên gia đình cần phải thận trọng.

Phụ huynh có thể tham khảo phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ qua 11 đặc điểm sau đây

1. Phân biệt qua ánh mắt

Một trong những đặc điểm nhận diện ở trẻ tự kỷ chính là không giao tiếp qua ánh mắt. Chẳng hạn ở trẻ chậm nói đơn thuần, khi mẹ đưa ra đồ chơi mà con thích, trẻ sẽ nhìn chăm chăm vào đồ chơi đó không rời và trẻ thường cũng chủ động nhìn vào ánh mắt cha mẹ. Mặc dù con chưa con ngôn ngữ nhưng bé vẫn khá chăm chú nhìn vào cha mẹ để tương tác.

Tuy nhiên với trẻ tự kỷ, con thường né tránh ánh mắt của cha mẹ, có nhìn vào đồ chơi nhưng không thể tập trung, luôn liếc trái liếc phải và không thể tập trung vào một vị trí cố định. Tuy nhiên nếu trẻ chậm nói đơn thuần còn quá nhỏ thì vẫn sẽ có tình trạng lơ đãng khi giao tiếp bằng mắt. Dù vậy đây vẫn là một trong những đặc điểm phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ khá điển hình.

2. Xu hướng phản ứng với tên gọi

Cả trẻ chậm nói đơn thuần và tự kỷ đều có xu hướng lơ đãng, không phản ứng với tên gọi. Chẳng hạn nếu trẻ chậm nói do con bị viêm tai, không nghe rõ thì chắc chắn con không quay đầu lại khi cha mẹ gọi tên là điều khá hiển nhiên. Tuy nhiên mức độ phản ứng, số lần tương tác sẽ chính là đặc điểm phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ.

phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ
Trẻ tự kỷ thường lơ khi được cha mẹ gọi tên, không tương tác với cha mẹ

Chẳng hạn trẻ chậm nói đơn thuần nếu đang quá tập trung vào việc chơi hay xem xét một đồ vật nào đó thì con cũng sẽ không đáp lại lời cha mẹ. Tuy nhiên nếu cha mẹ gọi 10 lần thì ít nhất con vẫn đáp lại khoảng 6-7 lần, không phản ứng 2- 3 lần, điều này có nghĩa là trẻ chỉ là chậm nói đơn thuần.

Trong khi đó trẻ chậm nói do tự kỷ hầu như không có xu hướng đáp lại với cha mẹ, tuy nhiên không phải là hoàn toàn. Theo các chuyên gia, nếu gọi tên trẻ tự kỷ 10 lần thì có khoảng 6- 7 lần con sẽ không đáp lại, xu hướng phản ứng với tên gọi của nhóm trẻ này tối đa chỉ là 4/ 10 lần, thậm chí là không lần nào cho dù các cơ quan thính giác của con hoàn toàn bình thường.

3. Hành vi ăn vạ

Thực tế hầu như tất cả mọi đứa trẻ đều có xu hướng ăn vạ để đòi một thứ gì đó mong muốn theo nhu cầu chứ không chỉ riêng trẻ tự kỷ hay chậm nói. Đây là tâm lý lứa tuổi khiến có nhiều giai đoạn trẻ ăn vạ cực kỳ khốc liệt, khiến chính cha mẹ cũng phải khủng hoảng. Chẳng hạn một đứa trẻ có thể nằm lì ăn vạ tại siêu thị để đòi cha mẹ mua siêu nhân là điều khá bình thường.

Đặc điểm chung ở nhóm trẻ chậm nói đơn thuần và tự kỷ chính là do chưa đủ ngôn ngữ nên chúng thường có xu hướng sẽ la hét, gào thét, khóc lóc khiến phụ huynh không thể hiểu được con đang muốn gì. Tuy nhiên phụ huynh có thể thông qua tiếng khóc, mức độ và hành vi khi trẻ ăn vạ để biết chính xác con thuộc nhóm nào.

Tiếng khóc của trẻ tự kỷ nghe cực kỳ khó chịu bởi thường có tần số cao, the thé và ồn ào. Mặt khác con cũng thường có các hành vi khác thường như liên tục cào cấu, bứt tóc hay đập đầu vào tường để biểu thị cảm xúc hỗn loạn. Phụ huynh hoàn toàn có thể thông qua tiếng khóc và các hành vi này để phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ khi con ăn vạ.

4. Khả năng tập trung chú ý

Khả năng tập trung chú ý cũng là một trong những đặc điểm giúp phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ khá điển hình. Theo đó với trẻ chậm nói đơn thuần dù chưa có ngôn ngữ nhưng con vẫn có xu hướng khá tập trung lắng nghe người khác nói, chăm chú nhìn vào người đó. Một số trẻ dù chậm nói nhưng vẫn có thể hiểu người khác nói gì và thực hiện được một số yêu cầu đơn giản.

Trong khi đó trẻ tự kỷ hầu như không thể tập trung chú ý, con luôn không ngừng ngọ nguậy, liếc trái phải, làm điều này điều kia chứ không thể ngồi yên một chỗ nghe người khác nói. Đặc biệt với những trẻ có xu hướng tăng động giảm chú ý, mức độ tập trung càng khó, hầu như không thể nào yêu cầu hay giữa trẻ ngồi yên một chỗ trong vài phút.

Bên cạnh đó một yếu tố phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ qua khả năng tập trung chính là con vừa không ngồi yên, vừa có các hành vi bất thường như liên tục vỗ tay, liên tục đập tay vào bàn không rõ nguyên nhân và không thể kiểm soát được. Chính điều này cũng khiến cho trẻ càng thêm mất tập trung hơn.

5. Khả năng tương tác với xung quanh

Trẻ tự kỷ thường rất kém trong khả năng tương tác với xung quanh, thậm chí là không có nhu cầu. Con thường thích chơi một mình, kết nối sâu sắc với đồ vật hơn là với con người, không có nhu cầu kết bạn nên có bạn chơi cũng được, không có cũng không sao.Hay nếu trẻ đến lớp, con cũng có xu hướng ngồi trong góc hay tách biệt một mình chứ không kết nối với các bạn bè khác xung quanh.

phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ
Trẻ tự kỷ thích chơi một mình trong khi trẻ chậm nói đơn thuần vẫn rất thích chơi cùng bạn bè

Khả năng tập trung mang đầy đủ các tính chất để phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ. Bởi trẻ chậm nói đơn thuần vẫn có nhu cầu tương tác và kết nối rất cao cho dù khả năng giao tiếp của con không có. Trẻ thích chơi với bạn bè và thường tỏ ra buồn bã, chán nản nếu mọi người đi về hết và bỏ trẻ lại một mình. Hay nếu trẻ thích thú với một trò chơi nào con cũng có thể tỏ thái độ để tiếp tục được chơi.

Tuy nhiên cả hai nhóm trẻ này cũng có thể có xu hướng khi đến những nơi đông người sẽ cảm thấy sợ hãi hơn là thích thú. Thậm chí trẻ tự kỷ còn có xu hướng la hét, sợ hãi vì quá nhạy cảm với tiếng ồn hay các âm thanh lớn.

6. Sử dụng ngón tay trỏ và dõi theo ngón trỏ

Cách sử dụng ngón tay khi giao tiếp cũng liên quan đến các đặc điểm phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ mà phụ huynh có thể tham khảo. Theo đó các chuyên gia cho biết, trẻ chậm nói đơn thuần có xu hướng sử dụng ngón tay trỏ rất nhiều để thay cho lời nói biểu thị các nhu cầu cá nhân của con. Ngoài ra con thường cũng hướng mắt nhìn theo ngón tay trỏ của cha mẹ khi cha mẹ chỉ vào một đồ vật nào đó.

Trong khi đó trẻ tự kỷ lại không biết làm điều này và thường chỉ kéo tay hay la hét với cha mẹ để gây sự chú ý. Tương tự, trẻ tự kỷ cũng có xu hướng không dõi theo, không nhìn theo ngón tay của cha mẹ mà thường lơ đãng nhìn đi hướng khác.

7. Nụ cười đáp ứng

Hầu hết trẻ chậm nói đơn thuần thường rất hay cười, đặc biệt trẻ được chơi đùa với người khác, nụ cười của trẻ cũng cực kỳ tự nhiên. Khi ba mẹ cười đùa với con, khi ba mẹ cười, hoặc khi thấy những người xung quanh cười đùa, trêu chọc con thì con rất hay cười theo một cách thích thú và khoái chí.

phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ
Trẻ tự kỷ rất ít cười hoặc tự cười mà không có lý do

Trong khi đó với trẻ tự kỷ, nụ cười của con được cho là khá hiếm hoi và hầu như con không cười hoặc chỉ cười khi cảm thấy bị nhột hay có cảm giác mạnh chứ sẽ không cười trong các tình huống gây cười như bình thường. Mặt khác do không có biểu cảm nên nên bản thân con cũng không hiểu biểu cảm của người khác có ý nghĩa gì nên kể cả khi tất cả người khác đều cười thì trẻ cũng không hề cười theo.

Mặt khác trẻ tự kỷ cũng có thể tự cười một cách vô cớ, cười một mình mà không có bất cứ lý do nào, thậm chí là cười với đồ vật. Phụ huynh có thể thông qua nụ cười đáp ứng trong từng tình huống của con để phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ.

8. Các hành vi bất thường

Theo các chuyên gia, thực tế các hành vi của trẻ tự kỷ và chậm nói đơn thuần cũng khá tương đồng với nhau nên đôi khi cũng rất dễ gây nhầm lẫn. Chẳng hạn trẻ chậm nói đơn thuần cũng có thể đột nhiên vỗ tay mà không có lý do, có xu hướng nằm xuống và ngước mắt lên để chơi đồ chơi. Và đây chính là những đặc điểm hành vi bất thường cực kỳ nổi bật ở trẻ tự kỷ.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho biết để phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ qua hành vi thì phải dựa vào tần suất diễn ra. Chẳng hạn như với trẻ tự kỷ việc trẻ đi xoay tròn, nằm xuống ngước nhìn đồ chơi, vỗ tay liên tục, thì hầu như lặp lại liên tục với tần suất diễn ra hằng ngày, thậm chí là hằng giờ và hầu như không có cách nào để kiểm soát các hành vi bất thường này.

9. Khả năng nghe hiểu và thực hiện mệnh lệnh

Thường khi khi trẻ chậm nói cũng dễ kèm theo vốn từ hạn hẹp, không hiểu được ngôn ngữ, nhận thức chậm hơn nên khả năng nghe hiểu hay thực hiện các yêu cầu, mệnh lệnh từ người khác cũng kém hơn các bạn đồng trang lứa rất nhiều. Tuy nhiên với trẻ chậm nói đơn thuần, thực tế con vẫn có thể nghe hiểu và thực hiện được các mệnh lệnh đơn giản, đặc biệt nếu đã làm mẫu trước cho con.

Và ngược lại, với trẻ rối loạn phổ tự kỷ thì rất khó để yêu cầu con thực hiện một yêu cầu hay mệnh lệnh nào đó. Việc nghe ngôn ngữ tiếp nhận của nhóm trẻ này thường sẽ lâu hơn và con luôn có xu hướng làm theo ý mình nên rất khó để yêu cầu trẻ làm điều gì. Do đó đây có thể là đặc điểm phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ mà gia đình có thể quan sát.

Mặt khác trẻ tự kỷ cũng không có xu hướng tương tác và đáp ứng với cha mẹ, khả năng học ngôn ngữ, nhận thức cũng rất chậm nên phải tốn rất nhiều để yêu cầu trẻ tự kỷ làm một điều gì đó. Cũng bởi nguyên nhân này nên đôi khi trẻ tự kỷ dễ có các hành vi gây hại cho chính bản thân mình.

10. Khả năng bắt chước

Phụ huynh cũng có thể phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ qua việc quan sát con có xu hướng bắt chước các hành vi, lời nói của những người xung quanh hay không. Hầu như trẻ con thường rất hay thích bắt chước hành động hay lời nói của những người thân cận như cha mẹ. Do đó nếu trẻ chậm nói mà con biết bắt chước thì hoàn toàn là trẻ bình thường.

phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ
Trẻ tự kỷ hầu như không có khả năng bắt chước người khác

Trong khi đó theo các chuyên gia, trẻ tự kỷ hầu như không có khả năng tự bắt chước hoặc phải tốn rất nhiều thời gian, phải lặp đi lặp lại liên tục thì con mới có thể học theo. Bắt chước chính là tiền đề của việc học tập bởi thế khi trẻ không có khả năng này thì khả năng học tập, học nói, phát triển ngôn ngữ  và các kỹ năng khác rất hạn chế.

11. Phân biệt qua ngôn ngữ nói

Rõ ràng cả trẻ chậm nói đơn thuần và trẻ tự kỷ chậm nói đều gặp vấn đề về ngôn ngữ, lời nói nên cũng rất khó để phân biệt nếu chỉ thông qua duy nhất một yếu tố này. Có những trẻ tự kỷ trong những năm tháng đầu đời hầu như không nói tiếng nào nhưng cũng có tình trạng trẻ có phát âm nhưng không quá nhiều. Tương tự trẻ chậm nói đơn thuần nếu bị điếc, con không thể nghe, thì cũng không thể học ngôn ngữ và nói được.

Nói chung, theo các chuyên gia, không thể chỉ phân biệt việc trẻ có phải tự kỷ hay không qua ngôn ngữ nói mà phải đồng thời xem xét chung các hành vi khác. Chẳng hạn trẻ không nói nhưng con có biểu cảm không, có các hành vi lặp lại rập khuôn không, có tương tác bằng ánh mắt với cha mẹ hay không. Thông qua đó mới có thể xác định chính xác được tình trạng trẻ gặp phải là gì.

Một số lưu ý khi phân biệt chậm nói và tự kỷ

Thực tế thì các đặc điểm phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ trên đây là những yếu tố tương đương cơ bản, ngoài ra còn rất nhiều các đặc điểm khác. Phụ huynh chỉ nên xem xét các yếu tố này một phần và muốn biết chính xác thì nên thăm khám bác sĩ chứ không nên tự chẩn đoán hay điều trị tại nhà. Ngay với chính bác sĩ hay chuyên gia, cũng cần phải làm rất nhiều xét nghiệm kiểm tra để tránh nhầm lẫn.

phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ
Để phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ nên đến gặp các bác sĩ và chuyên gia, không nên tự phán đoán tại nhà

Theo các chuyên gia, để kiểm tra việc trẻ chậm nói là đơn thuần hay do tự kỷ thì ở giai đoạn 3- 4 tuổi thường sẽ bộc lộ các đặc điểm một cách rõ ràng nhất. Ở nhóm trẻ 2 tuổi trở xuống, các đặc điểm đôi khi cũng không quá rõ ràng hoặc việc làm một số bài test kiểm tra chưa được chính xác nhất. Tuy nhiên với trẻ tự kỷ thì 2 tuổi vẫn là giai đoạn vàng để bắt đầu can thiệp.

Phân biệt và xác định nguyên nhân trẻ chậm nói và điều kiện tiên quyết để đưa ra lộ trình và hướng can thiệp phù hợp cho trẻ. Chẳng hạn trẻ chậm nói do thiếu tương tác của gia đình có thể không cần phải tham gia giáo dục đặc biệt nhưng vẫn có thể phát triển được ngôn ngữ, lời nói thông qua tăng cường giao tiếp từ chính cha mẹ.

Dù vậy ngay khi thấy trẻ đã có dấu hiệu chậm nói hơn so với các bạn đồng trang lứa thì phụ huynh đã cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để thăm khám và kiểm tra đầy đủ. Và dù do bất cứ nguyên nhân nào thì việc can thiệp điều trị cũng cần nhanh chóng được diễn ra để sớm bổ sung ngôn ngữ, lời nói cho trẻ, từ đó tăng cường bổ sung dần nhận thức để trẻ bắt kịp tốc độ phát triển bình thường.

Thực tế nhiều phụ huynh khi thấy con vừa chậm nói, vừa có các hành vi bất thường như vỗ tay, hay la hét, ăn vạ đã vội vàng cho rằng con mắc tự kỷ. Cho dù đã thực hiện các bài test kiểm tra chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ nhưng nhiều phụ huynh vẫn không cảm thấy tin tưởng và thực hiện thăm khám khắp nơi. Tuy nhiên vốn dĩ đôi khi cả trẻ bình thường vẫn có các hành vi lạ lùng, chỉ là tần suất rất ít.

Nên làm gì khi phát hiện trẻ chậm nói do tự kỷ?

Khi phát hiện trẻ chậm nói do tự kỷ, cha mẹ cần bình tĩnh và thực hiện theo các bước sau:

  • Đưa trẻ đi đánh giá và chẩn đoán chuyên sâu: Đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa về tâm lý, nhi khoa phát triển, hoặc các trung tâm đánh giá và can thiệp sớm để xác định chính xác mức độ và nguyên nhân của chậm nói do tự kỷ. Đội ngũ chuyên gia, bao gồm bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học, và chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, sẽ tiến hành các bài đánh giá và xét nghiệm cần thiết.
  • Tham gia can thiệp sớm: Can thiệp sớm là yếu tố quan trọng giúp cải thiện khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ tự kỷ. Các chương trình can thiệp sớm thường bao gồm trị liệu ngôn ngữ, trị liệu hành vi (ABA), và các liệu pháp phát triển khác. Trẻ cần được tham gia vào các chương trình can thiệp càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trước 3 tuổi.
  • Hỗ trợ giao tiếp thay thế: Nếu trẻ gặp khó khăn lớn trong việc nói, hãy xem xét sử dụng các phương pháp giao tiếp thay thế như hình ảnh, cử chỉ, ngôn ngữ ký hiệu, hoặc các công cụ công nghệ hỗ trợ giao tiếp.
  • Xây dựng môi trường giao tiếp tích cực: Tạo ra một môi trường thân thiện, hỗ trợ và nhiều kích thích giao tiếp cho trẻ ở nhà và trong các hoạt động hàng ngày. Thường xuyên trò chuyện, sử dụng hình ảnh minh họa, và khuyến khích trẻ giao tiếp dù là bằng cách nào, ngay cả khi đó chỉ là việc chỉ tay hoặc sử dụng hình ảnh.
  • Hỗ trợ từ gia đình và giáo dục đặc biệt: Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và khuyến khích giao tiếp của trẻ. Phụ huynh nên tham gia các khóa đào tạo để học cách giao tiếp và hỗ trợ trẻ tự kỷ tốt hơn. Hãy cân nhắc cho trẻ tham gia vào các chương trình giáo dục đặc biệt tại trường hoặc các trung tâm chuyên biệt, nơi có các giáo viên và chuyên gia được đào tạo để làm việc với trẻ tự kỷ.
  • Theo dõi và điều chỉnh kế hoạch can thiệp: Theo dõi tiến trình phát triển của trẻ thông qua các buổi thăm khám định kỳ và điều chỉnh kế hoạch can thiệp khi cần thiết dựa trên sự tiến bộ hoặc các nhu cầu mới phát sinh.

Những bước trên được khuyến nghị bởi các tổ chức y tế uy tín như Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), và các trung tâm nghiên cứu về tự kỷ trên toàn thế giới. Việc can thiệp đúng cách và kịp thời có thể mang lại nhiều cải thiện tích cực cho trẻ tự kỷ chậm nói.

Trên đây là một số chia sẻ về các đặc điểm giúp phân biệt chậm nói đơn thuần và chậm nói tự kỷ cơ bản mà phụ huynh có thể tham khảo. Chậm nói liên quan đến rất nhiều yếu tố nên phụ huynh không nên quá vội vàng bi quan khi thấy con có dấu hiệu này. Quan sát quá trình phát triển của con và phát hiện sớm các biểu hiện bất thường là điều phụ huynh cần làm ngay từ khi trẻ mới chào đời.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *