Tìm hiểu về rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp đặc trưng bởi các triệu chứng hưng cảm/ hưng cảm nhẹ và trầm cảm xuất hiện đồng thời. Ở giai đoạn này, nguy cơ tự sát là rất cao nên cần được chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất.

rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp đặc trưng bởi các triệu chứng hưng cảm và trầm cảm xuất hiện đồng thời

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp là gì?

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực (rối loạn lưỡng cực) là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến với biểu hiện chính là các hình thái rối loạn cảm xúc. Theo thống kê, tỷ lệ người mắc chứng bệnh này dao động từ 1.2 – 1.6% dân số. Nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nhưng được cho là có liên quan đến yếu tố di truyền.

Rối loạn lưỡng cực là sự lặp đi lặp lại của các giai đoạn rối loạn cảm xúc bao gồm trầm cảm/ trầm cảm nhẹ, hưng cảm/ hưng nhẹ hoặc giai đoạn hỗn hợp. Mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện khác nhau và thời gian tiến triển của cũng có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Tuy nhiên, phần lớn các giai đoạn đều sẽ tiến triển trong vài tháng và chuyển sang thời kỳ thuyên giảm.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp là một trong những giai đoạn của bệnh. Giai đoạn này thường xảy ra ở rối loạn lưỡng cực I. Giai đoạn hỗn hợp đặc trưng bởi sự xuất hiện của các triệu chứng hưng cảm, hưng cảm nhẹ và có ít nhất 3 triệu chứng trầm cảm đi kèm, đồng thời các triệu chứng này phải có mặt ở hầu hết thời gian trong ngày.

So với giai đoạn hưng cảm và trầm cảm, giai đoạn hỗn hợp có triệu chứng phức tạp nên tương đối khó chẩn đoán. Hơn nữa, tiên lượng trong giai đoạn này thường không thuận lợi và nguy cơ tự sát cao. Chính vì vậy, rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp được quan tâm và điều trị sớm.

Nhận biết rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp

Rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp đặc trưng bởi các cơn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ. Bên cạnh đó, phải có sự xuất hiện của ít nhất 3 triệu chứng trầm cảm xảy ra ở hầu hết thời gian trong ngày.

Giai đoạn hỗn hợp nhiều khả năng sẽ phát triển thành rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh (xuất hiện ít nhất 4 giai đoạn trong 1 năm). Tình trạng này thường có tiên lượng xấu, bệnh nhân khó có thể phục hồi hoàn toàn và đôi khi phải đối mặt với những biến chứng nặng nề. Do đó, cần phát hiện sớm rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp.

Các dấu hiệu nhận biết giai đoạn hỗn hợp trong rối loạn lưỡng cực:

Xuất hiện các triệu chứng hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ:

  • Cảm xúc tăng cao với những biểu hiện như luôn có cảm giác vui vẻ, lạc quan, khoan khoái và đôi khi cảm xúc tăng cao không phù hợp với hoàn cảnh. Bệnh nhân có thể xuất hiện hoang tưởng tự cao và đánh giá bản thân cao hơn so với thực tế.
  • Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng xuất hiện tư duy hưng phấn trong cơn hưng cảm. Tình trạng này thể hiện qua một số dấu hiệu như nói chuyện nhanh hơn bình thường, liên tưởng mau lẹ, cách nói chuyện ví von, màu mè nhưng nội dung thường nông cạn. Dòng tư duy phi tán khiến bệnh nhân thay đổi liên tục nội dung cuộc trò chuyện. Đôi khi xuất hiện hoang tưởng tự cao với nội dung là bản thân có tài năng, ngoại hình xuất chúng và hơn người.
  • Gia tăng hoạt động trong giai đoạn hưng cảm. Bệnh nhân ít ngủ hoặc không ngủ nhưng không cảm thấy mệt mỏi, luôn náo nhiệt, hào hứng và xung phong đảm đương mọi nhiệm vụ. Tuy nhiên, do tư duy phi tán và khả năng tập trung kém nên bệnh nhân không hoàn thành bất cứ việc gì hoặc mắc phải nhiều sai sót.
  • Trong các cơn hưng cảm, người bệnh thường đề ra những kế hoạch có tính chất vĩ mô nhưng hoàn toàn không có khả năng thực hiện.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cũng có các triệu chứng khác như thường xuyên nhớ nhầm, không tập trung, ảo giác, các hành vi khó hiểu và kích động.
  • Trong cơn hưng cảm, bệnh nhân thường có các hành vi liều lĩnh không quan tâm đến hậu quả như đua xe, quan hệ tình dục không an toàn, đầu tư một cách không suy tính, mua sắm quá độ,… Những hành động này sẽ khiến bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ mất việc, thương tật vĩnh viễn, các vấn đề tài chính và đôi khi mắc phải các bệnh xã hội.
  • Tình trạng ngủ ít và ăn uống kém trong giai đoạn hưng cảm khiến bệnh nhân gầy sút, cơ thể xanh xao, đổ nhiều mồ hôi, mạch nhanh và tăng thân nhiệt.

Đi kèm với ít nhất 3 triệu chứng trầm cảm xuất hiện ở hầu hết thời gian trong ngày:

rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Trong giai đoạn hỗn hợp, bệnh nhân sẽ có ít nhất 3 triệu chứng trầm cảm xuất hiện ở hầu hết thời gian trong ngày
  • Giảm khí sắc, tâm trạng buồn bã, ảm đạm, bi quan, chán nản, thất vọng. Buồn bã cực độ khiến bệnh nhân bất động trong nhiều giờ, khuôn mặt thể hiện rõ sự thờ ơ và vô cảm.
  • Mất đi sự quan tâm, hứng thú với mọi thứ từ sở thích, học tập, công việc và các mối quan hệ.
  • Cơ thể giảm năng lượng dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu sinh lực, ít vận động, chậm chạp trong hành vi, lời nói,…
  • Giảm cảm giác ngon miệng, chán ăn và đôi khi bỏ ăn
  • Giảm khả năng tập trung, giảm lòng tự trọng, tự ti và luôn đánh giá thấp bản thân
  • Xuất hiện các vấn đề giấc ngủ như ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn bình thường, ngủ chập chờn, dậy quá sớm hoặc thức giấc lúc nửa đêm
  • Luôn nhìn tương lai bằng con mắt bi quan, tiêu cực

Trong các giai đoạn hỗn hợp, một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng loạn thần. Loạn thần là các ảo giác, hoang tưởng có thể phù hợp hoặc không phù hợp với khí sắc. Các ảo giác, hoang tưởng chi phối cảm xúc, hành vi và tư duy của bệnh nhân. Nếu xuất hiện các triệu chứng này, bệnh nhân sẽ có tiên lượng rất xấu và nguy cơ tự sát cao.

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp nguy hiểm không?

Rối loạn lưỡng cực là một dạng rối loạn cảm xúc mãn tính với sự lặp đi lặp lại giữa các giai đoạn hưng cảm, trầm cảm và hỗn hợp. Dựa vào triệu chứng lâm sàng, bệnh lý này được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau. Trong đó, giai đoạn hỗn hợp chủ yếu xuất hiện ở rối loạn lưỡng cực I.

Các giai đoạn của bệnh thường sẽ kéo dài trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ bước sang thời kỳ thuyên giảm. Ở giai đoạn thuyên giảm, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn nhưng đôi khi phải đối mặt với một số triệu chứng tồn dư. Thông thường, các giai đoạn hưng cảm sẽ kéo dài từ 3 – 5 tháng và giai đoạn trầm cảm kéo dài khoảng 6 tháng (người cao tuổi có thể xuất hiện giai đoạn trầm cảm trong vòng 1 năm).

So với các giai đoạn trên, giai đoạn hỗn hợp ít gặp hơn và đa phần gặp ở nữ giới. Thời gian tiến triển của giai đoạn hỗn hợp thường ngắn. Các chuyên gia cho rằng, trạng thái hỗn hợp xảy ra khi bệnh nhân chuyển từ trạng thái hưng cảm sang trầm cảm. Mặc dù thời gian tiến triển không dài như hưng cảm và trầm cảm nhưng giai đoạn hỗn hợp có tiên lượng không thuận lợi. Các triệu chứng hưng cảm, trầm cảm xuất hiện đồng thời sẽ thôi thúc ý tưởng và hành vi tự tử.

rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp có nguy cơ tự sát cao hơn so với các giai đoạn khác

Theo nghiên cứu, nguy cơ tự sát ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực cao hơn từ 15 – 20 lần so với người khỏe mạnh và tỷ lệ này có thể tăng cao hơn ở giai đoạn hỗn hợp. Hơn nữa, đa số bệnh nhân có giai đoạn hỗn hợp đều sẽ phát triển thành rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh.

Sự xuất hiện liên tục của các giai đoạn bệnh khiến cho cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp cần phải được phát hiện và điều trị sớm.

Điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực trong giai đoạn hỗn hợp

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp khó chẩn đoán và điều trị hơn so với giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ và trầm cảm. Vì hưng cảm và trầm cảm xuất hiện đồng thời nên việc sử dụng thuốc phải được thực hiện vô cùng cẩn trọng.

Các phương pháp được áp dụng trong điều trị rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp:

1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lưỡng cực ở tất cả các giai đoạn. Trong giai đoạn hỗn hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc điều chỉnh khí sắc kết hợp với thuốc chống loạn thần. Thuốc chống trầm cảm không được sử dụng trong giai đoạn này vì có thể thôi thúc hành vi tự sát.

rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Sử dụng thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng trong giai đoạn hỗn hợp và ngăn ngừa bệnh tái phát hiệu quả

Các loại thuốc được dùng trong điều trị rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp:

– Thuốc điều chỉnh khí sắc:

Thuốc điều chỉnh khí sắc đã được chứng minh mang lại hiệu quả trong điều trị rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp. Thuốc mang lại kết quả sau 6 – 8 tuần sử dụng. Ngoài hiệu quả kiểm soát triệu chứng, nhóm thuốc này còn giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.

Các loại thuốc điều chỉnh khí sắc thường được dùng cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp bao gồm Lithium, Carbamazepin, Valproat, Oxcarbazepin,… Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ nên gia đình sẽ được hướng dẫn để nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường.

– Thuốc chống loạn thần:

Thuốc chống loạn thần được sử dụng phối hợp với thuốc điều chỉnh khí sắc trong giai đoạn hỗn hợp. Thuốc có hiệu quả cắt nhanh cơn hưng cảm và các triệu chứng loạn thần. Hiện tại, thuốc chống loạn thần cổ điển và thuốc chống loạn thần mới đều được sử dụng. Các bác sĩ sẽ cân nhắc tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân để chỉ định loại thuốc phù hợp.

  • Thuốc chống loạn thần cổ điển bao gồm Haloperidol, Aminazin, Levomepromazin,…
  • Thuốc chống loạn thần mới bao gồm Olanzapin, Amisulprid, Risperidone,…

– Thuốc an thần nhóm benzodiazepine:

Thuốc an thần nhóm benzodiazepine có thể gây nghiện nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn. Thuốc thường được sử dụng trong thời gian đầu để cải thiện tình trạng kích động và các vấn đề giấc ngủ.

Các loại thuốc an thần nhóm benzodiazepine thường được sử dụng bao gồm:

  • Diazepam
  • Clonazepam

Thuốc an thần benzodiazepine thường được dùng phối hợp với thuốc điều chỉnh khí sắc để kiểm soát nhanh các triệu chứng. Sau khi đã cắt cơn hỗn hợp, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc điều chỉnh khí sắc với liều từ 1/2 – 2/3 so với liều tấn công.

Bệnh nhân rối loạn lưỡng cực đều phải dùng thuốc suốt đời, đặc biệt là những người có giai đoạn hỗn hợp và chu kỳ nhanh. Khoảng hơn 90% bệnh nhân đều tái phát sau khi ngưng thuốc. Do đó, thời gian điều trị củng cố thường là suốt đời.

2. Liệu pháp sốc điện

Sốc điện có thể được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp. Phương pháp này sử dụng dòng điện có kiểm soát đưa vào bên trong não bộ thông qua các điện cực. Dòng điện có tác dụng tạo ra các cơn rung giật trong não bộ, từ đó điều hòa nồng độ chất dẫn truyền thần kinh và kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

Sốc điện được áp dụng cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp trong những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bỏ ăn
  • Trường hợp có hành vi tự sát
  • Có biểu hiện căng trương lực
  • Tinh thần không ổn định, hành vi kích động mạnh và không thuyên giảm khi sử dụng thuốc
  • Trường hợp dị ứng thuốc hoặc kháng thuốc

Liệu pháp sốc điện mang lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn lưỡng cực. Đối với giai đoạn hỗn hợp, các triệu chứng thuyên giảm đáng kể sau 4 – 6 liệu trình. Sau khi hoàn thành liệu trình sốc điện, bệnh nhân sẽ được điều trị củng cố bằng thuốc.

3. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý chủ yếu được thực hiện trong giai đoạn trầm cảm. Ở giai đoạn hưng cảm và hỗn hợp, liệu pháp này ít được chỉ định và nếu thực hiện phải kết hợp dùng thuốc điều chỉnh khí sắc và thuốc chống loạn thần. Trên thực tế, liệu pháp tâm lý ở giai đoạn này có thể ngăn ngừa được các hành vi liều lĩnh và giúp bệnh nhân ý thức hơn về hậu quả của các hành vi.

Hiện tại, liệu pháp nhận thức – hành vi, liệu pháp gia đình và các can thiệp tâm lý xã hội đã được chứng minh mang lại hiệu quả trong điều trị rối loạn lưỡng cực. Các liệu pháp này giúp bệnh nhân thay đổi những tư duy sai lệch, méo mó, tăng sự gắn kết với gia đình và dễ dàng hòa nhập xã hội. Liệu pháp tâm lý cũng giúp người bệnh phục hồi chức năng học tập, nghề nghiệp, cải thiện khả năng giao tiếp, kỹ năng kiểm soát stress và đối phó với những tình huống không thuận lợi.

rối loạn cảm xúc lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp
Liệu pháp tâm lý cũng được cân nhắc cho bệnh nhân rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp

Rối loạn lưỡng cực là bệnh mãn tính và chỉ có rất ít bệnh nhân khỏi hoàn toàn. Do đó, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Liệu pháp gia đình sẽ giúp các thành viên hiểu hơn về bệnh lý này, đồng thời có thái độ, cách ứng xử phù hợp để bệnh nhân được nâng đỡ tinh thần và lấy lại sự tự tin trong cuộc sống. Phần lớn bệnh nhân được gia đình hỗ trợ đều có đáp ứng tốt và có thể tự lập, tự tìm kiếm công việc và có thu nhập ổn định.

Rối loạn lưỡng cực giai đoạn hỗn hợp là một giai đoạn của rối loạn lưỡng cực I. So với trạng thái hưng cảm và trầm cảm, giai đoạn hỗn hợp có triệu chứng phức tạp, khó chẩn đoán và nguy cơ tự sát cao. Do đó, bản thân bệnh nhân và gia đình cần nâng cao hiểu biết để phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *