Trầm cảm theo mùa (SAD): Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị
Trầm cảm theo mùa là một chứng rối loạn cảm xúc xuất hiện vào một mùa nhất định trong năm. Đặc trưng của căn bệnh này đó chính là tâm trạng buồn bã, tuyệt vọng, chán nản, mất dần hứng thú. Nếu không được sớm phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ dần xa lánh với xã hội, gặp phải nhiều khó khăn trong học tập, công việc.
Trầm cảm theo mùa là bệnh gì?
Trầm cảm theo mùa còn được gọi tắt là SAD – seasonal affective disorder. Đây là một chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, thường sẽ diễn ra vào mùa đông và mùa thu. Trầm cảm mùa thu là một dạng trầm cảm hiếm gặp, thường sẽ khởi phát vào cuối xuân, đầu hè và kết thúc vào mùa thu. Còn trầm cảm mùa đông lại là dạng trầm cảm theo mùa phổ biến, nó bắt đầu vào khoảng mùa thu hoặc nửa đầu của mùa đông, sau đó chấm dứt vào mùa xuân.
Trầm cảm theo mùa sẽ gắn liền với sự mất cân bằng sinh học diễn ra bên trong não bộ. Tình trạng này thường sẽ được hình thành khi số giờ nắng ban ngày bị giảm đi quá nhiều vào mùa đông của mỗi năm. Chứng trầm cảm này sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi ánh sáng tự nhiên diễn ra theo mùa. Khi ấy, hoạt động thường ngày và trạng thái cảm xúc của con người sẽ bị thay đổi ít nhiều. Sự luân chuyển của các mùa, nhịp sinh học (đồng hồ sinh học nội tại) của con người sẽ chuyển đổi nhanh chóng. Vì thế, rất nhiều trường hợp bị lệch khỏi thời gian biểu hàng ngày.
Một loại nội tiết tố có tác dụng chi phối giấc ngủ mang tên là melatonin cũng có mối liên quan khá mật thiết đối với chứng trầm cảm theo mùa. Chất này được sản xuất khi mức độ bóng tối trong không gian gia tăng đột ngột và nhanh chóng. Bước vào mùa đông, ban ngày sẽ ngắn lại, ánh sáng cũng dần ít hơn, cơ thể sẽ tiết ra melatonin nhiều hơn so với mức bình thường.
Trong rất nhiều nghiên cứu khoa học đã nhận thấy rằng, ánh sáng chói chang sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi và khác biệt đáng kể của những chất hóa học bên trong bộ não (Tuy nhiên, hiện nay cơ chế chính xác vẫn chưa được chứng minh và giải thích cụ thể). Các nhà khoa học hiện nay đã khẳng định rằng, những người sống xa Xích đạo có nguy cơ mắc phải chứng trầm cảm theo mùa cao hơn những người sống gần hơn. Trong thực tế, ở những bệnh nhân SAD sinh sống tại các nước phương Tây sẽ gặp nhiều khó khăn khi bước vào tháng 1 và tháng 2.
Trầm cảm theo mùa có thể xuất hiện và hình thành ở bất kì đối tượng nào, đặc biệt nhất là những người ở độ tuổi từ 18 đến 30. Hiện nay căn bệnh này cũng đã được nghiên cứu và tìm ra nhiều phương pháp điều trị hiệu quả như trị liệu tâm lý, điều trị nội khoa, áp dụng liệu pháp ánh sáng.
Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm theo mùa
Trầm cảm theo mùa có thể khởi phát bởi rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, căn bệnh này có liên quan mật thiết với cường độ ánh sáng suy giảm và những sự thay đổi thất thường của từng mùa trong năm. Chính do sự thiếu hụt ánh sáng này mà hàng loạt sự thay đổi bắt đầu diễn ra, cụ thể:
- Nồng độ Serotonin: Serotonin là một trong các chất có vai trò rất quan trọng đối với quá trình ổn định cảm xúc và điều hòa thần kinh. Nó còn giúp dẫn truyền thần kinh và tác động trực tiếp đến các cảm xúc, trạng thái, biểu hiện của con người. Do đó, khi ánh sáng ban ngày bắt đầu có sự thay đổi theo mùa, đặc biệt là vào mùa hè và mùa đông sẽ khiến cho nồng động serotonin bị suy giảm, từ đó làm xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm.
- Nhịp sinh học (circadian nhịp điệu): Vào mùa thu và mùa đông, ánh sáng sẽ bị giảm đi rất nhiều, làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học bình thường của con người, khiến cho chúng ta tạm thời bị rối loạn khả năng nhận thức. Con người sẽ khó có thể biết được lúc nào nên thức và lúc nào nên đi ngủ. Từ đó khiến cho các triệu chứng của trầm cảm bắt đầu xuất hiện.
- Nồng độ Melatonin: Ánh sáng có tác động rất lớn đối với thói quen đi ngủ hàng ngày. Do đó, khi bước vào thời điểm ánh sáng yếu trong năm sẽ làm ảnh hưởng đến tâm trạng của con người, gây suy giảm melatonin bên trong cơ thể, lâu dần dẫn đến trầm cảm.
Ngoài những nguyên nhân phổ biến được kể trên thì tình trạng trầm cảm theo mùa còn có nguy cơ gia tăng bởi các yếu tố sau đây:
- Tuổi tác: Những người trẻ tuổi sẽ có khả năng mắc phải chứng trầm cảm theo mùa cao so với những người lớn tuổi, đặc biệt là vào mùa đông.
- Giới tính: Qua các nghiên cứu chuyên khoa nhận thấy rằng, tỉ lệ nữ giới mắc phải căn bệnh SAD chiếm nhiều hơn so với nam giới. Thế nhưng khi nam giới gặp phải chứng trầm cảm theo mùa lại có những biểu hiện và triệu chứng nghiêm trọng hơn so với phái nữ.
- Do di truyền: Các chuyên gia cho biết rằng, bệnh trầm cảm theo mùa cũng có thể di truyền từ nhiều thế hệ khác nhau. Do đó, những người có cha mẹ, ông bà, anh chị em từng mắc chứng bệnh này sẽ có khả năng bị bệnh cao hơn.
- Sống xa Xích đạo: Những vùng lãnh thổ hoặc quốc gia có vị trị cách xa đường Xích đạo hướng về phía bắc hoặc phía nam sẽ sở hữu khí hậu khác biệt. Độ sáng của mặt trời ở những nơi này thường sẽ yếu ớt, đặc biệt là vào mùa đông, hầu như không thấy sự xuất hiện của ánh nắng do ngày sẽ dài hơn vào mùa xuân.
- Bệnh nhân đang mắc chứng trầm cảm: Những đối tượng đã từng có tiền sử hoặc đang mắc phải các chứng rối loạn tâm thần, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm lâm sàng sẽ có nguy cơ cao mắc thêm căn bệnh này. Khi ấy, các triệu chứng bệnh cũng sẽ trầm trọng hơn.
Dấu hiệu của trầm cảm theo mùa
Các triệu chứng của trầm cảm theo mùa sẽ biểu hiện đa dạng, khác nhau theo từng thời điểm. Tuy nhiên đặc trưng chủ yếu của các triệu chứng này đó chính là chúng sẽ xuất hiện và rời đi cùng một thời điểm trong năm. Ví dụ như chúng xuất hiện vào mùa đông hoặc cuối mùa thu thì sẽ dần biến mất vào mùa hè và mùa xuân khi ánh nắng bắt đầu chiếu rực rỡ hơn. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp đặc biệt, chứng trầm cảm xuất hiện vào mùa hè và mùa xuân.
Các triệu chứng của trầm cảm theo mùa cũng có phần tương tự như trầm cảm bình thường, vì thế nhiều người có thể bị nhầm lẫn. Một số biểu hiện thường gặp của người bệnh SAD như:
1. Biểu hiện trầm cảm vào mùa thu và mùa đông
Bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn cảm xúc vào thời điểm mùa thu và mùa đông, sau đó sẽ kết thúc vào mùa xuân và mùa hạ. Những dấu hiệu thường thấy ở bệnh nhân trầm cảm theo mùa thu đông là:
- Lo lắng, bất an, bồn chồn
- Cảm xúc thay đổi bất thường
- Không có sức sống, năng lượng
- Rối loạn giấc ngủ, có thể mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Thu mình lại, ngại tiếp xúc với người khác, xa lánh xã hội.
- Mất dần các hứng thú đối với những hoạt động bên ngoài, ngay cả những điều mà bản thân từng yêu thích.
- Mất tập trung, không thể đưa ra quyết định hoặc xử lý thông tin
- Rối loạn ăn uống, chán ăn, ăn không ngon miệng hoặc ăn mất kiểm soát. Tình trạng này sẽ làm thay đổi cân nặng của người bệnh.
2. Dấu hiệu trầm cảm vào mùa xuân và mùa hè
Mùa xuân và mùa hè là thời điểm con người có nhiều năng lượng và tâm trạng tích cực. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân trầm cảm theo mùa xuân hè, họ sẽ trải qua những cảm giác khó chịu, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ.
- Tăng ham muốn tình dục
- Rối loạn lo âu, khó chịu, mệt mỏi, dễ kích động, cáu gắt.
- Chán ăn, thường xuyên bỏ bữa, cân nặng giảm nhanh chóng.
- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thường xuyên tỉnh giấc lúc nửa đêm và khó ngủ lại.
3. Dấu hiệu trầm cảm theo mùa ngược
Trầm cảm theo mùa ngược là một trong các dạng rối loạn lưỡng cực, gồm các trạng thái kích động, nói nhanh, hạn chế về suy nghĩ. Những biểu hiện thường gặp như:
- Hiệu động thái quá.
- Trạng thái tâm lý dễ bị kích thích
- Gia tăng các hoạt động xã hội một cách bất thường
- Không thể kiểm soát sự hưng phấn, nhiệt tình quá mức trong mọi trường hợp.
Trầm cảm theo mùa có nguy hiểm không?
Trầm cảm theo mùa dạng nhẹ nếu phát hiện và điều trị kịp thời sẽ hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không tiến hành thăm khám và áp dụng các biện pháp can thiệp thích hợp sẽ làm gia tăng mức độ của các triệu chứng, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống hàng ngày.
Một số biến chứng nguy hiểm mà trầm cảm theo mùa có thể gây nên như:
- Làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập, công việc, cản trở sự phát triển trong tương lai.
- Người bệnh sẽ dần xa lánh xã hội, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, thu hẹp các mối quan hệ.
- Rơi vào trạng thái cô lập, xuất hiện các suy nghĩ tiêu cực, thậm chí còn có những hành vi làm tổn thương đến bản thân, muốn tự sát để giải thoát.
- Các triệu chứng bệnh kéo dài gây nên cảm giác khó chịu, từ đó người bệnh sẽ tìm đến bia rượu, các chất kích thích nhằm giải tỏa nỗi buồn. TÌnh trạng này có thể gây nên nhiều bệnh lý mạn tính nguy hiểm, làm suy giảm chức năng của các cơ quan nội tạng.
Chẩn đoán bệnh trầm cảm theo mùa
Khi nhận thấy bản thân có những biểu hiện bất thường về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi nhưng không biết rõ nguyên nhân do đâu thì bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Trước khi tiến hành thăm khám, bạn cần chuẩn bị một số điều sau đây:
- Những triệu chứng bất thường xuất hiện từ khi nào? Những triệu chứng đó là gì? Có sự kiện nào tác động đến khiến nó trở nên nghiêm trọng hơn không?
- Bạn có xuất hiện các triệu chứng như mất dần năng lượng, cảm thấy buồn chán, thiếu sức sống, khó chịu, bồn chồn, bứt rứt, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, dễ kích động, dễ cáu gắt, không muốn giao tiếp với ai,..?
- Tình trạng sức khỏe thể chất của bạn có đang ở mức bình thường hay không? Nó có gây ảnh hưởng đến tâm lý của bạn hay không?
- Ghi chép lại các hoạt động, sự kiện khiến bạn cảm thấy lo lắng, áp lực, căng thẳng gần đây.
- Bạn có đang điều trị bệnh lý gì không? Bạn đang sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin nào?
Việc cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin này sẽ giúp cho bác sĩ có được cơ sở đánh giá sơ bộ về tình trạng sức khỏe của bạn. Sau đó, để kết quả chẩn đoán được chính xác nhất, biết được bạn có đang mắc chứng trầm cảm theo mùa hay không, các chuyên gia sẽ thực hiện một số bước sau đây:
- Đánh giá thể chất: Dựa vào những câu hỏi nêu trên, các chuyên gia sẽ đánh giá và phán đoán xem các triệu chứng bệnh của bạn có xuất phát từ một số bệnh lý nào không. Bởi vì bệnh tật cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm.
- Xét nghiệm: Sau đó, người bệnh sẽ được tiến hành một số xét nghiệm như xét nghiệm tuyến giáp, xét nghiệm máu,…
- Làm bài test đánh giá tâm thần: Người bệnh sẽ được làm một bài test đánh giá để kiểm tra về các dấu hiệu trầm cảm thông qua suy nghĩ, hành vi, cảm xúc, lời nói. Thông thường, bệnh nhân sẽ được phát cho một mẫu câu hỏi để tự điền vào.
Trầm cảm theo mùa là một dạng rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm thông thường. Tuy rằng các biện pháp chẩn đoán có thể biết được tình trạng bệnh nhưng nó cũng gặp nhiều khó khăn bởi các triệu chứng bệnh sẽ tương đồng với những dạng trầm cảm, rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần khác.
Do đó, để có thể chẩn đoán chính xác về căn bệnh trầm cảm theo mùa, các bác sĩ tâm lý sẽ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán DSM – 5 có trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các bệnh tâm thần được xuất bản bởi Hiệp hội Tâm thần Mỹ.
Cách điều trị bệnh trầm cảm theo mùa
Trầm cảm theo mùa hay các dạng trầm cảm khác đều mang tính chất nguy hiểm, khó có thể kiểm soát và tiềm ẩn nhiều hậu quả khôn lường, thậm chí có thể cướp đi tính mạng của con người. Do đó, người bệnh cần chủ động trong việc thăm khám và điều trị bệnh để giúp các triệu chứng được sớm kiểm soát, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay, các nhà khoa học cũng đã tìm ra nhiều biện pháp giúp điều trị bệnh lý này như trị liệu tâm lý, sử dụng thuốc, liệu pháp ánh sáng. Tùy vào từng tình trạng bệnh khác nhau mà các chuyên gia sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên đối với người bệnh trầm cảm theo mùa có liên quan đến chứng rối loạn lưỡng cực sẽ được trực tiếp điều trị bằng cách sử dụng thuốc và liệu pháp ánh sáng.
1.Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là phương pháp phổ biến và được khuyến khích sử dụng đối với quá trình điều trị bệnh trầm cảm nói chung và trầm cảm theo mùa nói riêng. Khi áp dụng liệu pháp này, người bệnh sẽ được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với chuyên gia tâm lý để chia sẻ, tháo gỡ những khúc mắc tâm lý. Nhờ đó mà các chuyên gia cũng sẽ tư vấn về cách giải thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, dần ổn định được tâm lý và hành vi.
Phương pháp này được đánh giá cao bởi tính an toàn, bởi vì nó không có sự can thiệp của thuốc điều trị. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được phục hồi một cách tự nhiên, hạn chế tình trạng tái phát về sau. Hơn thế, sau khi các triệu chứng được kiểm soát và thuyên giảm dần, bệnh nhân cũng sẽ học được những cảm đối phó với các cảm xúc tiêu cực khi chuyển mùa, quản lý nỗi căng thẳng, sợ hãi của bản thân.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Sử dụng thuốc là phương pháp hiệu quả nhằm giúp kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng trầm cảm theo mùa. Tùy vào mức độ bệnh và biểu hiện của mỗi bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp để điều trị. Tuy nhiên, các loại thuốc chống trầm cảm thường có nguy cơ để lại tác dụng phụ rất cao. Do đó, bệnh nhân chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ, tuyệt đối không được sử dụng đơn thuốc của người khác hoặc tự ý mua thuốc về uống.
Mặt khác, không phải người bệnh nào cũng có thể lựa chọn được loại thuốc phù hợp ngay từ lần đầu. Do đó, nếu đã dùng thuốc trong thời gian dài nhưng không mang lại hiệu quả, người bệnh nên thông báo với bác sĩ để được xem xét tăng liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định dùng thuốc của chuyên gia, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng lạ nên báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Một số loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng để điều trị trầm cảm theo mùa như venlafaxine (Effexor) , bupropion (Wellbutrin XL), paroxetin (Paxil), fluoxetine (Prozac, Sarafem) và sertraline (Zoloft).
3. Ứng dụng ánh sáng trị liệu
Trầm cảm theo mùa chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi nguồn sáng trong thời gian chuyển mùa vì thế trị liệu bằng cách ứng dụng ánh sáng sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất. Phương pháp này cũng được đánh giá rất cao về mức độ an toàn, ít gây ra các tác dụng phụ.
Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn ngồi trước một thiết bị chiếu sáng trong khoảng 45 phút mỗi ngày. Việc làm này sẽ giúp cho người bệnh tiếp xúc với nguồn sáng rực rỡ. Nguồn sáng này sẽ được tạo ra tương đồng với ánh sáng tự nhiên của mặt trời và giúp thay đổi các chất hóa học bên trong bộ não, nhờ đó mà tâm trạng người bệnh cũng dần được ổn định và cân bằng.
Thông thường, các chuyên gia khuyên người bệnh nên tiến hành phương pháp này vào buổi sáng, hạn chế thực hiện vào buổi tối, đặc biệt là những lúc trước khi đi ngủ vì dễ gây nên các biểu hiện của khó ngủ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ. Để hiệu quả điều trị đạt được cao nhất, các chuyên gia luôn khuyến khích người bệnh chủ đồng ra ngoài, tiếp xúc với không khí tự nhiên, nhất là ánh sáng mặt trời vào buổi sớm hoặc những lúc chiều tà.
Trị liệu trầm cảm theo mùa bằng ánh sáng là liệu pháp ứng dụng kỹ thuật cao, sử dụng các thiết bị, máy móc hiện đại, chuyên dụng và đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ có chuyên môn cao, biết cách điều chỉnh nguồn sáng thích hợp. Cũng bởi những người mắc bệnh SAD thường sẽ nhạy cảm với ánh sáng, họ sẽ dễ bị tổn thương nếu tiếp xúc với nguồn sáng quá chói.
Thông thường, sau khoảng vài tuần áp dụng liệu pháp này, người bệnh sẽ nhận được kết quả tích cực, các triệu chứng trầm cảm cũng dần được kiểm soát và giảm đi đáng kể. Tùy vào sự chuyển biến của mỗi người mà phương pháp này có thể kéo dài trong suốt mùa đông hoặc mùa thu, áp dụng cho đến khi chuyển sang mùa hè hoặc mùa xuân.
Phương pháp khắc phục và phòng tránh trầm cảm theo mùa
Bên cạnh việc áp dụng và tuân thủ các biện pháp điều trị được chỉ định từ bác sĩ, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hàng ngày. Một số lưu ý dành cho bệnh nhân trầm cảm theo mùa như:
- Lựa chọn môi trường sống lành mạnh và thoải mái. Thay vì chỉ sinh hoạt trong nhà, người bệnh nên chủ động ra ngoài chơi, đi dạo, hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn phố xá và tận hưởng ánh nắng tự nhiên từ mặt trời.
- Khi ở nhà, hãy mở cửa sổ, dọn dẹp những bụi cây rậm rạp xung quanh để đón ánh nắng vào nhà. Khi thư giãn nên chọn những nơi gần cửa sổ, có ánh sáng tự nhiên chiếu vào.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là những bài tập giúp cơ thể ra nhiều mồ hôi hoặc các môn thể dục liên quan đến xương khớp. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể lựa chọn những bộ hôn thư giãn, cải thiện tâm trạng như yoga, thiền định.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ dưỡng chất. Người bệnh nên ưu tiên lựa chọn các thực phẩm tốt cho hệ thần kinh, đặc biệt là những thực phẩm giàu vitamin D. Đồng thời kiêng rượu bia, các chất kích thích, chất gây nghiện.
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, nếu có thể hãy tâm sự, chia sẻ với bạn bè, người thân. Khi được kết nối với mọi người sẽ giúp tâm trạng được ổn định, giảm lo lắng tốt hơn.
Trầm cảm theo mùa là một dạng rối loạn trầm cảm nguy hiểm, tuy nhiên nếu có thể sớm phát hiện và áp dụng các biện pháp phù hợp sẽ giúp cho bệnh tình cải thiện tốt hơn. Do đó, người bệnh nên chủ động đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để nhận được lời khuyên tốt nhất từ bác sĩ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Rối loạn cảm xúc theo mùa là gì? Biểu hiện và cách phòng ngừa
- Thuốc chống trầm cảm: Nguyên tắc sử dụng và lưu ý khi dùng
- Trầm Cảm Sau Sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và hướng chữa trị
- Nhận diện 6 loại trầm cảm thường gặp
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!