Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ: Nguyên nhân, cách cải thiện

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ là tình trạng cực kỳ phổ biến, chiếm đến 80% trường hợp. Việc thiếu ngủ, khó ngủ làm tăng mức độ cáu kỉnh, khó chịu, tức giận và gây khó khăn cho chính gia đình trong quá trình chăm sóc. Vấn đề này đòi hỏi phụ huynh phải lập kế hoạch và khuyến khích thực hiện để con dần ổn định giấc ngủ hàng ngày.

Những vấn đề giấc ngủ thường gặp ở trẻ tự kỷ

Giấc ngủ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là các bé mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, không ít trẻ lại gặp khó khăn khi duy trì giấc ngủ ổn định, ảnh hưởng đến sức khỏe của con lẫn gia đình. Việc hiểu rõ những vấn đề về giấc ngủ sau đây là bước đầu tiên giúp cha mẹ tìm kiếm giải pháp phù hợp cho con.

rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Trẻ tự kỷ có thể mắc rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng đến sức khỏe

  • Khó đi vào giấc ngủ, mất nhiều thời gian để chìm vào giấc
  • Thói quen ngủ không đều đặn, thiếu lịch trình cụ thể
  • Chất lượng giấc ngủ kém, hay bồn chồn hoặc tỉnh giấc giữa đêm
  • Thức dậy quá sớm hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm

Nguyên nhân trẻ tự kỷ bị rối loạn giấc ngủ

Một thống kê cho thấy tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ chiếm đến 80%, gấp 2 lần trẻ bình thường. Trẻ tự kỷ bẩm sinh rất khó chìm vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc, thời gian ngủ không đồng nhất, ngủ gián đoạn và ngủ rất ít. Điều này càng làm tăng mức độ bứt rứt, khó chịu, dễ cáu kỉnh vào ban ngày.

Các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết về những yếu tố làm tăng mức độ rối loạn giấc ngủ ở các bé bao gồm:

  • Vấn đề từ hormone melatonin: Hormone melatonin liên quan trực tiếp đến chu kỳ giấc ngủ được sản sinh từ tryptophan (axit amin). Nó tăng lên vào buổi tối để kích thích sự buồn ngủ, đồng thời giảm xuống vào ban ngày để tinh thần tỉnh táo hơn. Tuy nhiên với trẻ tự kỷ, nồng độ này lại tiết ra nhiều vào ban ngày, ít hơn vào ban đêm làm con không có cảm giác buồn ngủ.
  • Rối loạn giác quan: Các giác quan trẻ tự kỷ cực kỳ nhạy cảm. Quá nhiều ánh sáng lọt vào phòng, tiếng ồn bên ngoài, mùi hương khó chịu, tiếng chó sủa, tiếng xe cộ đi qua dưới nhà cũng đủ làm bé khó chịu và trằn trọc suốt cả đêm.
  • Rối loạn cảm xúc: Chuyên gia cho rằng rối loạn cảm xúc mà cụ thể là sự căng thẳng, lo lắng, khó chịu cũng khiến trẻ khó ngủ hơn bình thường.
  • Sự thay đổi môi trường xung quanh: Trẻ tự kỷ khó thích nghi với thay đổi mới, dù là nhỏ nhất. Do đó nếu có bất cứ sự khác thường nào như không phải chiếc gối, chiếc nệm thường ngày, mùi hương trong phòng, đổi lịch sinh hoạt,… đều là tác nhân khiến bé không ngủ được.
nguyên nhân rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ xảy ra do thiếu hụt hormone
  • Các vấn đề tiểu niệu: Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ được cho là có liên quan đến vấn đề tiểu niệu, cụ thể con bị thức giấc đi tiểu đêm, bàng quang đầy khó chịu, dần làm giảm chất lượng giấc ngủ.
  • Các vấn đề sức khỏe: Thống kê cho thấy trẻ tự kỷ rất dễ gặp vấn về thể chất như viêm tai, hen suyễn… khiến con khó ngủ. Mặt khác, các nhóm thuốc hỗ trợ điều trị cho tự kỷ cũng chứa một số thành phần gây mất ngủ trong quá trình sử dụng.
  • Các vấn đề trong giao tiếp: Trẻ tự kỷ khó giao tiếp, giữa con và cha mẹ chưa thể thấu hiểu nhu cầu của nhau. Con không hiểu yêu cầu của người lớn là lên giường đi ngủ, nếu thấy người xung quanh chưa ngủ, trẻ cũng không ngủ theo.

Dấu hiệu rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ có các dấu hiệu cực kỳ rõ ràng thông qua chu kỳ ngủ của con mỗi ngày. Mỗi độ tuổi sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau và giảm dần theo từng năm. Cụ thể:

  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi cần ngủ từ 12 – 14 tiếng/ngày
  • Trẻ trên 6 tuổi cần ngủ từ 10 – 12 tiếng/ngày
  • Trẻ trên 12 tuổi cần ngủ đủ từ 10 đến 11 tiếng/ngày
  • Trẻ trên 16 tuổi cần ngủ từ 8 – 8,5 tiếng/ngày

Với trẻ tự kỷ, nhu cầu và thời lượng ngủ cũng tăng/ giảm tùy từng trẻ. Trong đó thời gian ngủ chiếm nhiều nhất sẽ vào ban đêm. Lịch trình ngủ của con nằm trong khung giờ nhất định. Nếu có sự thay đổi thường xuyên, thời gian ngủ tăng/ giảm bất thường thì đó chính là biểu hiện rõ ràng của tình trạng rối loạn giấc ngủ.

dấu hiệu rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ
Trẻ thấy khó chịu khi đến giờ đi ngủ và thức dậy trong tình trạng mệt mỏi

Bên cạnh đó, một số dấu hiệu bất thường khác do rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ bao gồm:

  • Bồn chồn, bứt rứt, khó chịu khi đến giờ đi ngủ
  • Dễ bị tỉnh giấc, ngủ gián đoạn và rất khó để vào giấc lại
  • Khó có thể tự ngủ, phải cần có sự hỗ trợ của ai đó, thậm chí là thuốc
  • Có xu hướng thức giấc sớm vào buổi sáng
  • Xuất hiện hành động vô thức trong khi ngủ như lắc đầu, xoay người
  • Có trạng thái mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ, không thể tập trung, dễ cáu gắt vào ngày hôm sau do ngủ không đủ giấc

Ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ đối với trẻ tự kỷ

Ngay bản thân chúng ta khi bị rối loạn giấc ngủ trong thời gian dài sẽ có sức khỏe xuống cấp. Trẻ tự kỷ rất đặc biệt nên tình trạng thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc nếu kéo dài liên tục, không có hướng điều chỉnh sớm gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Có thể thấy rõ nhất ở trẻ tự kỷ bị rối loạn giấc ngủ dễ trở nên cáu kỉnh, tức giận hơn với xung quanh. Các bé ném đồ đạc, bứt tóc, cào cấu tay nếu gặp phải một điều gì đó không vừa ý. Thiếu ngủ khiến não và cơ thể không được nạp đủ năng lượng nên càng làm trẻ thiếu tập trung, không còn hào hứng trong bất cứ việc nào.

Các nghiên cứu cũng đưa ra các bằng chứng rối loạn này càng làm hạn chế về nhận thức, ngôn ngữ, khả năng tương tác với xung quanh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ bởi con chỉ thích làm theo ý mình, không giao tiếp, không kết nối với xung quanh dù đó là cha mẹ hay thầy cô, bạn bè.

Mặt khác, chất lượng giấc ngủ giảm kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ. Các cơ quan hệ tiêu hóa, gan, hệ thần kinh cũng bị tác động rất nhiều qua quá trình trao đổi chất, phục hồi năng lượng không được thực hiện đầy đủ thông qua giấc ngủ.

ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ bị rối loạn giấc ngủ dễ tức giận do không ngủ đủ giấc

Một vấn đề khác luôn song song với tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ chính là sức khỏe của cha mẹ, người chăm sóc cũng đi xuống rất nhiều. Bởi các bé dù ở độ tuổi vị thành viên vẫn chưa hoàn toàn có đủ nhận thức về hành vi của bản thân, nếu gia đình không theo sát vô tình gây ra nhiều tổn thương cho cả hai.

Cách cải thiện giấc ngủ cho trẻ tự kỷ

Phụ huynh sau khi ghi chép nhật ký giấc ngủ của trẻ tự kỷ nên trao đổi trực tiếp với chuyên gia để biết chính xác con có đang rơi vào rối loạn giấc ngủ không. Bên cạnh thời lượng ngủ, gia đình cũng có gắng quan sát các biểu hiện trước/ sau/ trong khi ngủ để xác định chính xác các yếu tố làm giảm chất lượng giấc ngủ của bé.

Để điều chỉnh lại thời gian ngủ sinh học phù hợp với trẻ tự kỷ, gia đình nên phối hợp trực tiếp với bác sĩ, chuyên gia, giáo viên chuyên về can thiệp cho trẻ tự kỷ để được hỗ trợ tốt nhất.

Điều chỉnh không gian phòng ngủ

Giác quan của trẻ tự kỷ rất đặc biệt nên để ổn định lại giấc ngủ cho các con, phụ huynh cần chú trọng đến không gian ngủ của con. Để cải thiện rối loạn giấc ngủ, phụ huynh nên điều chỉnh không gian nghỉ ngơi như sau:

  • Đảm bảo không gian phòng ngủ yên tĩnh, không có tiếng động lọt vào, hạn chế tối đa tiếng ồn lớn từ máy móc, tiếng nhạc từ điện thoại, TV phát ra với âm lượng nhỏ nhất
  • Che rèm kín khi bé đang ngủ để tránh ánh sáng vô tình lọt vào
  • Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để thân nhiệt con luôn ở trạng thái dễ chịu nhất
  • Sử dụng các loại đèn với ánh sáng phù hợp, dùng đèn ngủ dịu nhẹ nếu con đã quen với ánh sáng này
  • Dọn dẹp phòng sạch sẽ, không gây ra mùi khó chịu, không tự ý sử dụng nến thơm, xịt thơm cho phòng
  • Đảm bảo sử dụng cùng loại chăn, ga, gấu bông quen thuộc với trẻ
cách cải thiện giấc ngủ cho trẻ tự kỷ
Trẻ cần được ngủ trong không gian thoải mái, ít tiếng ồn nhất có thể

Điều chỉnh thời gian sinh hoạt phù hợp

Trẻ tự kỷ luôn hoạt động theo lịch trình, quy tắc nhất định. Việc vô tình hay hữu ý làm lệch thời gian biểu sẽ vừa làm con bứt rứt, vừa khó để quay lại lịch trình cũ. Tất nhiên mỗi độ tuổi sẽ có thời gian sinh hoạt, học tập, vui chơi nghỉ ngơi khác nhau nhưng sự thay đổi cần diễn ra có kế hoạch, không nên thực hiện đột ngột.

  • Giúp trẻ duy trì giờ ngủ và giờ thức cố định mỗi ngày
  • Giảm thời lượng ngủ ban ngày và khuyến khích con vận động nhiều hơn
  • Cùng con vào các hoạt động, thói quen sinh hoạt để tạo sự gắn kết
  • Tạo ra các tín hiệu báo hiệu giờ ngủ như tắt TV, uống nước ấm
  • Giúp trẻ thực hiện hoạt động nhẹ trước khi đi ngủ như đọc truyện, nghe nhạc thư giãn
  • Hỗ trợ con thực hiện các bài tập yoga, mát xa để cơ thể được thả lỏng
  • Điều chỉnh lịch trình dần dần, tránh thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng xấu
  • Sắp xếp thời gian chơi và học tập hợp lý trong ngày để tạo nhịp sống cân bằng

Vận động nhiều hơn

Nhiều phụ huynh thấy bất an khi đưa con ra ngoài do không thể kiểm soát hết hành vi, cảm xúc của con. Tuy nhiên chính việc thiếu vận động cũng khiến trẻ chậm chạp hơn, thụ động hơn, kém tương tác và nhận thức thế giới xung quanh.

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thói quen vận động mang đến chất lượng giấc ngủ tốt với trẻ tự kỷ. Vận động vào ban ngày sẽ dễ đi sâu vào giấc ngủ hơn, ngủ ngon hơn. Mặt khác, thói quen vận động cũng làm tăng sức đề kháng, tăng chiều cao, tốt cho sự phát triển của não bộ.

cách khắc phục rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ
Thói quen vận động sẽ giúp trẻ tự kỷ có được giấc ngủ sâu hơn

Gia đình nên cùng con tham gia hoạt động như bơi lội, chạy bộ, đạp xe, chơi thể thao đồng đội. Đồng thời tạo điều kiện để trẻ tham gia hoạt động vui chơi với các bạn bè đồng trang lứa nhằm cải thiện khả năng tương tác, trò chuyện, giao tiếp với xung quanh. Dành 15 – 10 phút tập luyện thể dục dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng 7 – 9 giờ sáng còn là cách tăng hormone melatonin hữu ích với tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ.

Sử dụng thuốc

Trên thực tế, việc dùng thuốc không phải là lựa chọn hàng đầu bởi các thành phần thuốc gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí khiến giấc ngủ phụ thuộc vào thuốc. Mặc dù hầu hết các loại thuốc dùng trong rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ đều là thuốc bổ sung melatonin hoặc vitamin, tuy nhiên chúng vẫn rất hạn chế.

Trong trường hợp rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ đã kéo dài, bác sĩ vẫn cần xem xét chỉ định một số loại thuốc cần thiết để sớm điều chỉnh lại chu kỳ giấc ngủ sinh học, tránh hệ lụy tiêu cực khác. Việc dùng thuốc tuyệt đối phải do bác sĩ có chuyên môn chỉ định, không được tự ý sử dụng với bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào.

Thiết lập thói quen ngủ lành mạnh

Thiết lập thói quen ngủ lành mạnh giúp tăng cường sức khỏe và tạo nên nếp sống khoa học, ổn định. Cha mẹ có thể áp dụng biện pháp sau đây đều đặn nhằm tạo nền tảng cho sức khỏe tinh thần của con.

chăm sóc giấc ngủ cho trẻ tự kỷ
Cha mẹ nên thiết lập thói quen ngủ để trẻ tự kỷ có thói quen lành mạnh
  • Thiết lập giờ ngủ và giờ thức cố định mỗi ngày để tạo thành thói quen
  • Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất, xã hội
  • Tránh để con tiếp xúc với thiết bị công nghệ, hoạt động mạnh ít nhất một tiếng trước khi ngủ
  • Hướng dẫn bé thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như ngồi thiền hoặc đọc sách.
  • Phân biệt rõ giữa trang phục sinh hoạt và trang phục ngủ để tạo ý thức về giờ giấc ngủ
  • Thực hiện thói quen chuẩn bị giấc ngủ như đánh răng, thay đồ và đọc truyện trong phòng ngủ

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Các bậc cha mẹ có thể áp dụng nhiều cách khác nhau để xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, hỗ trợ cho giấc ngủ của con.

  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày của trẻ
  • Tăng cường rau xanh và các thực phẩm tốt cho giấc ngủ vào bữa ăn
  • Ưu tiên các món ăn dạng lỏng vào buổi chiều để dễ tiêu hóa
  • Tránh cho con ăn quá no, quá gần giờ đi ngủ
  • Kiểm soát chế độ ăn, tránh đồ uống chứa caffeine và thức ăn kích thích
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B, E, canxi và melatonin
  • Hạn chế nước ngọt, trà và nước tăng lực vào buổi tối
  • Cho bé uống một cốc sữa ấm trước khi ngủ với lượng vừa đủ

Dạy con ngủ một mình

Việc dạy trẻ ngủ một mình giúp con tự lập, mang lại lợi ích cho cả gia đình. Để thực hiện điều này, cha mẹ cần hướng dẫn từ từ bằng cách ở cạnh bé để con an tâm và sau đó dần tách xa khỏi phòng khi trẻ đã quen.

cách trị rối loạn giấc ngủ cho trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ nên được hướng dẫn tự ngủ một mình để khuyến khích khả năng ngủ lại

Sau khi trẻ đã quen với sự hiện diện ở mức độ ít hơn của cha mẹ vào giờ ngủ, hãy thực hiện giảm dần tiếp xúc. Thay vì nằm cạnh, cha mẹ có thể ngồi trên ghế gần giường và di chuyển ghế xa dần qua các đêm. Mục tiêu là giúp con thấy an toàn khi tự ngủ mà không cần sự hỗ trợ trực tiếp.

Khi đã có thể ngủ một mình, phụ huynh cần duy trì quy tắc nhất quán. Nếu trẻ tỉnh giấc, hãy quay lại phòng trấn an nhưng sau đó nhanh chóng rời đi. Điều này tạo cảm giác yên tâm nhưng vẫn khuyến khích khả năng tự lập của bé trong việc tự ngủ lại.

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ là tình trạng gặp phổ biến cần tìm hướng khắc phục càng sớm càng tốt. Phụ huynh có con mắc hội chứng này nên sớm tìm đến sự hỗ trợ từ bác sĩ, chuyên gia, trường lớp về can thiệp cho trẻ để được hỗ trợ tốt nhất, mang đến cho con ánh sáng hy vọng cho tương lai.

Có thể bạn quan tâm:


Nguồn tham khảo:

  • https://www.thetreetop.com/aba-therapy/sleep-disorders-in-children-with-autism
  • https://www.beyondautism.org.uk/blog/autism-and-sleep/
  • hoanhaptuky.com.vn,….
5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *