Trẻ em bị tự kỷ bẩm sinh: Những điều cha mẹ cần biết
Trẻ tự kỷ bẩm sinh đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây là vấn đề khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng. Tự kỷ là bệnh khởi phát sớm và tiến triển suốt đời nên phụ huynh cần chú ý những dấu hiệu của bệnh tự kỷ nhằm sớm đưa trẻ đi con mình thiệp tâm lý, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.
Thế nào là trẻ tự kỷ bẩm sinh?
Tự kỷ bẩm sinh là một bệnh lý khiến trẻ gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người xung quanh, thiếu tương tác với xã hội và hạn chế khả năng ngôn ngữ. Tự kỷ có thời gian khởi phát bệnh từ rất sớm, phần lớn là trước 36 tháng tuổi và biểu hiện rõ ràng nhất là từ 12 đến 24 tháng. Bệnh cũng có thể khởi phát sớm hơn hoặc muộn hơn tùy đối tượng cụ thể. Những điểm đặc trưng ở trẻ tự kỷ bẩm sinh là thiếu tương tác xã hội, khả năng ngôn ngữ hạn chế, rối loạn hành vi, sở thích kỳ lạ và có tính rập khuôn. Bệnh tiến triển suốt đời và không có phương pháp điều trị tận gốc.
Trong những năm đầu đời, trí não của trẻ phát triển rất nhanh nên trẻ sẽ học hỏi nhanh chóng thông qua việc nhìn ngắm, lắng nghe, cảm nhận và bắt chước những thứ mới lạ xung quanh. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ bẩm sinh có rào cản trong vấn đề giao tiếp, dẫn đến việc trẻ phản ứng rất chậm, hoặc không tiếp thu những tác động xung quanh. Điều này khiến trẻ dần cách ly với mọi người, thích nhốt mình vào một thế giới riêng. Một số trẻ bị tự kỷ dạng nhẹ không được phát hiện và điều trị sớm, một phần vì biểu hiện bệnh không quá rõ ràng, một phần do gia đình chủ quan, không để ý.
Nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ bẩm sinh
Theo các nhà khoa học, hiện nay có hai nguyên nhân chính gây tự kỷ ở trẻ là do di truyền và do tác động từ bên ngoài.
- Gen di truyền: Những trẻ có cha mẹ, người thân bị bệnh tự kỷ có khả năng mắc bệnh cao hơn những trẻ khác, vì một trong những nguyên nhân gây bệnh tự kỷ là do gen, do tính trạng được di truyền. Theo nghiên cứu, các bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4-5 lần các bé gái, đây là điều mà các bậc phụ huynh cần chú ý. Ngoài ra, việc đột biến gen cũng là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ bẩm sinh.
- Tác động từ môi trường: Một số yếu tố từ bên ngoài như thuốc men, nhiễm virus, những tác động xấu khi mang thai, ô nhiễm không khí, nguồn nước, chất lượng thực phẩm,… đang được nghiên cứu để tìm hiểu xem chúng có ảnh hưởng đến bệnh tự kỷ hay không.
Ngoài ta, một số tác động đến người mẹ trong thai kỳ cũng có thể gia tăng khả năng khiến trẻ tự kỷ bẩm sinh.
- Mang thai ở độ tuổi cao
- Dùng thuốc
- Bị bệnh tiểu đường, sởi
- Các biến chứng trong quá trình mang thai
- Tiếp xúc nhiều với hóa chất, kim loại nặng
- Căng thẳng, stress
- Sinh non, trẻ thiếu cân so với mức trung bình
- Thiếu vitamin B9 và những chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của thai nhi
Phân loại mức độ bệnh ở trẻ tự kỷ bẩm sinh
Những triệu chứng hay mức độ nặng nhẹ của bệnh tự kỷ sẽ khác nhau ở mỗi đối tượng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của mỗi trẻ. Người ta thường phân chia mức độ tự kỷ thành 3 mức là nhẹ, trung bình và nặng.
- Tự kỷ mức độ nhẹ: tự kỷ mức độ nhẹ còn được gọi là tự kỷ chức năng cao hay hội chứng Asperger. Với mức độ nhẹ, trẻ có thể giao tiếp bằng mắt, nhưng có phần hơi thu mình, hạn chế khi giao tiếp với người ngoài. Trẻ cũng có khả năng thực hiện những hoạt động đơn giản, kỹ năng nói, chơi đùa và vận động ở mức bình thường. Trẻ tự kỷ bẩm sinh dạng nhẹ thường rất khó được nhận biết vì biểu hiện của bệnh không rõ ràng, cộng thêm sự chủ quan của gia đình nên ít được đưa đi điều trị sớm.
- Tự kỷ mức độ trung bình: Ở mức trung bình, trẻ vẫn có thể giao tiếp bằng mắt và nói chuyện nhưng với từ đơn giản, hạn chế. Trẻ thích thu mình lại, hiếm khi phản ứng với những tác động bên ngoài. Trẻ tự kỷ mức độ trung bình có những dấu hiệu nghiêm trọng và rõ ràng hơn, lúc này các bậc cha mẹ có thể phát giác con mình đang có vấn đề bất thường. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ vẫn bị xem là có tính cách ngoan ngoãn, hiền lành nên không được quan tâm đúng cách.
- Tự kỷ mức độ nặng: Với mức độ này, trẻ không chịu giao tiếp bằng mắt, từ chối tiếp xúc với mọi người và không nói được. Trẻ còn gặp nhiều khó khăn trong các sinh hoạt hằng ngày như thay quần áo, vệ sinh cá nhân, đi đứng dễ té ngã hơn so với bình thường, khó cầm nắm đồ vật,… Lúc này dấu hiệu của tự kỷ đã rất rõ ràng, cha mẹ phải nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý và chuyên viên tư vấn để được hướng dẫn đúng cách.
Những dấu hiệu ở trẻ tự kỷ bẩm sinh
Các bậc phụ huynh cần chú ý đến sự phát triển của trẻ để sớm phát hiện những dấu hiệu tự kỷ và đưa ra những biện pháp can thiệp kịp thời. Việc can thiệp sớm có thể tránh được những hệ quả nghiêm trọng về sau và giúp bé dễ dàng hòa nhập với xã hội, có được cuộc sống như những đứa trẻ bình thường khác. Dưới đây là những dấu hiệu ở trẻ tự kỷ bẩm sinh mà cha mẹ cần biết.
1. Bất thường trong việc biểu đạt bằng ngôn ngữ
Bất thường trong việc biểu đạt bằng ngôn ngữ, lời nói và cả cử chỉ, là biểu hiện rất rõ ràng mà cha mẹ có thể dễ dàng nhận thấy ở trẻ.
- Trẻ chậm nói, không bập bẹ được sau 12 tháng tuổi
- Không nói được từ đơn hoặc cụm từ ngắn sau 24 tháng
- Hiếm khi vẫy tay, chỉ tay, hoạt động tay chân
- Chỉ phát ra tiếng động và âm thanh vô nghĩa.
- Chỉ nói một, hai từ rồi đột nhiên im lặng không nói chuyện
- Giọng nói lơ lớ, thiếu nhịp điệu, ngữ điệu và thiếu diễn cảm…
- Trẻ không tò mò với thế giới xung quanh, không đặt câu hỏi, không biết đối đáp
2. Bất thường trong hành vi
Trẻ tự kỷ thường có những hành vi kỳ lạ, đặc biệt là việc trẻ không có nhu cầu giao tiếp, không để ý đến thái độ của mọi người xung quanh và không thể hiện tình cảm với người khác. Trẻ không làm theo những hướng dẫn được dạy và không tương tác, chơi đùa với bạn cùng lứa tuổi.
Ngoài ra trẻ còn có những hành động như thích chạy vòng tròn, nằm cùng một chỗ, đi theo một lộ trình nhất định, ngồi yên hàng giờ liền sắp xếp mọi thứ thành hàng, đi đứng dễ vấp ngã,… Những hành vi này thường mang tính tự chủ, có thể liên tục hoặc gián đoạn. Tệ hơn, ở một số trẻ tự kỷ bẩm sinh, các em còn có những hành động tự gây thương tích cho bản thân và người khác như ăn vạ, cào cấu, đánh vào đầu, la hét, cắn người,…
3. Thích chơi một mình, ngại giao tiếp xã hội
Ngại giao tiếp và thích ở một mình là hai trong số những biểu hiện điển hình của trẻ tự kỷ. Việc ngại giao tiếp thể hiện rất rõ qua ánh mắt, cử chỉ và thái độ của trẻ với người đối diện. Trẻ sẽ tránh nhìn thẳng, quay đầu đi hoặc cúi đầu tập trung vào một thứ gì đó khi được hỏi, và thường sợ hãi hoặc thờ ơ trong việc tương tác với mọi người.
Trẻ tự kỷ luôn có xu hướng thu mình lại và chìm vào không gian riêng. Trẻ sẽ không hiếu động chạy nhảy, thích đến những nơi đông vui nhộn nhịp và khám phá những điều mới lạ như bạn bè đồng trang lứa. Thay vào đó, trẻ có thể ngồi chơi một mình hàng giờ liền và đặc biệt gắn bó với một món đồ chơi nhất định như thú bông hay búp bê. Nếu cha mẹ lấy đi món đồ trẻ đang chơi, trẻ sẽ phản ứng rất dữ dội, thậm chí kích động mà cào cấu, la hét,…
4. Hành vi lặp đi lặp lại
Trẻ tự kỷ bẩm sinh có xu hướng lặp đi lặp lại những câu nói hay hành động đơn giản, một sự rập khuôn, máy móc mà không hề có sự sáng tạo. Đặc biệt trẻ thường sử dụng những từ ngữ riêng do chính bản thân nghĩ ra. Chính vì hành vi lặp đi lặp lại nên trẻ rất nhạy cảm với sự thay đổi xung quanh và có thể tỏ ra lo sợ, gắt gỏng nếu có ai di chuyển những đồ vật xung quanh trẻ sang vị trí khác.
5. Có tài năng đặc biệt
Có một sự hiểu lầm tai hại rằng, những người có biểu hiện tự kỷ đều là thần đồng. Trên thực tế, không phải tất cả những trường hợp trẻ tự kỷ bẩm sinh đều có thể trở thành thiên tài hay thần đồng trong tương lai. Chính vì sự nhầm lẫn này mà một số bậc phụ huynh, khi thấy con mình có năng biệt hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa như khả năng ghi nhớ tốt, tính toán chính xác, khả năng bắt chước nhanh, khả năng cảm thụ âm nhạc,… liền cho rằng con mình là thiên tài mà không hề nghĩ trẻ bị tự kỷ.
6. Phản ứng quá mạnh/không phản ứng với mọi thứ xung quanh
Trẻ thường sẽ quá nhạy cảm, hoặc không có phản ứng gì với các tác nhân xung quanh. Những đứa trẻ nhạy cảm sẽ bộc lộ những phản ứng gay gắt như khóc, la hét, bịt tai chui vào góc do sợ ánh sáng, sợ một số mùi vị, sợ những âm thanh lớn. Trẻ cũng có thể sợ tắm, sợ cắt tóc, sợ đi ra ngoài. Ngoài ra, có những trường hợp trẻ phản ứng bất thường với cảm giác đau đớn, nóng hoặc lạnh.
Trường hợp tệ hơn là trẻ sẽ không phản ứng với những điều xung quanh. Trẻ không khóc khi bị đau đớn, bị phỏng hay lạnh, không phản ứng với lời cười đùa hay la mắng của người khác. Trẻ hay nói lẩm bẩm một mình, thích sờ đồ vật, thích được ôm giữ thật chặt.
Có thể bạn quan tâm: Biếng ăn tâm lý ở trẻ: Nguyên nhân, cách chữa mẹ cần biết
Cách cải thiện tình trạng tự kỷ ở trẻ tự kỷ bẩm sinh
Hiện nay vẫn chưa có cách chữa dứt điểm bệnh tự kỷ, nên cách tốt nhất là can thiệp sớm giúp hạn chế đến mức tối đa những tác động xấu đến sự phát triển của trẻ.
1. Đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý
Mang trẻ đến gặp bác sĩ và chuyên gia tâm lý để can thiệp tâm lý sớm là điều đầu tiên bố mẹ cần làm để giúp con nhận được sự giúp đỡ kịp thời và toàn diện nhất. Bác sĩ sẽ đánh giá định kỳ tình trạng bệnh và đưa ra những biện pháp phù hợp cho từng giai đoạn phát triển. Để hỗ trợ tốt nhất cho trẻ, gia đình phải phối hợp cùng các bác sĩ để có lộ trình cụ thể giúp trẻ nhận thức tốt hơn về ngôn ngữ, cách thức giao tiếp, về những tương tác có hiệu quả hơn trong ứng xử và các mối quan hệ với người khác (gia đình, bạn bè, trường học…) trong cuộc sống hàng ngày.
Khi được can thiệp sớm, trẻ có thể học được cách xây dựng thói quen tốt hằng ngày và thể hiện cảm xúc với môi trường xung quanh. Điều này giúp cải thiện khả năng giao tiếp, làm đa dạng vốn từ ngữ, kiến tạo những mối quan hệ xã hội đơn giản.
2. Áp dụng các liệu pháp cải thiện tình trạng của trẻ
Điều quan trọng nhất trong việc giúp trẻ cải thiện tình trạng tự kỷ là sử dụng các liệu pháp ngôn ngữ hay tâm lý để giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với xã hội, tránh việc bị cô lập.
Liệu pháp ngôn ngữ
Mục tiêu khi dùng liệu pháp ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ bẩm sinh là đảm bảo trẻ có thể giao tiếp với mọi người theo hướng tự phát. Điều này có nghĩa là dạy trẻ cách truyền đạt những suy nghĩ, cảm xúc và các nhu cầu cơ bản như đói, khát của mình đến với mọi người xung quanh một cách tự nhiên nhất mà không cần phải nhắc nhở.
Bên cạnh đó, liệu pháp này còn giúp trẻ cải thiện việc giao tiếp xã hội trong các tình huống khác nhau. Trẻ nên làm gì và nói gì khi giao tiếp với bạn bè, giao tiếp với cha mẹ, người lớn tuổi, hành vi nào thích hợp trong một hoàn cảnh cụ thể.
Quá trình trị liệu ngôn ngữ sẽ bắt đầu bằng việc đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của trẻ trong giao tiếp. Từ đó, các bác sĩ và chuyên gia sẽ có cơ sở để lập ra những phương án thích hợp giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ. Một số kỹ năng mà trẻ sẽ làm quen trong liệu pháp ngôn ngữ bao gồm:
- Quan sát và hiểu ngôn ngữ cơ thể
- Phát âm chính xác, rõ ràng
- Điều chỉnh ngữ điệu
- Tăng cường cơ bắp trong miệng, hàm và cổ để phát âm chuẩn hơn
- Học cách hỏi và trả lời câu hỏi
- Kết hợp cảm xúc với nét mặt chính xác
- Ghép hình ảnh với ý nghĩa đúng của nó
Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý sẽ giúp thay đổi hành vi bất thường, rập khuôn, giúp trẻ học cách biểu đạt cảm xúc phù hợp và biết cách kiểm soát tâm trạng. Liệu pháp này cũng giúp trẻ phản ứng bình thường hơn với những tác động xung quanh như âm thanh, nhiệt độ,… Hiện nay các chuyên gia thường sử dụng 3 liệu pháp dưới đây để đánh giá và đưa ra phương pháp cải thiện tình trạng cho trẻ tự kỷ bẩm sinh
- Liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT): Liệu pháp này có hiệu quả cao trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của trẻ theo hướng đúng đắn hơn. Các bác sĩ sẽ trò chuyện và quan sát trẻ nhằm xác định những suy nghĩ, hành động mang tính tích cực hoặc tiêu cực (hành động rập khuôn vô nghĩa, từ chối giao tiếp, dễ nóng giận, sợ hãi với mọi thứ xung quanh, không phản ứng khi bị bắt nạt,…). Qua đó, các bác sĩ sẽ có cách điều chỉnh hành vi hợp lý. Các nghiên cứu cũng cho thấy CBT có tác dụng tốt trong việc giảm lo âu và giúp trẻ phản ứng tốt hơn trong các tình huống bất thường.
- Liệu pháp phân tích hành vi (Applied Behaviour Analysis – ABA): Đây là một liệu pháp được đánh giá là hữu hiệu nhất hiện nay. Ban đầu trẻ sẽ được đánh giá sơ bộ để kiểm tra xem kỹ năng nào trẻ đã có, kỹ năng nào chưa có. Sau đó các chuyên gia sẽ lựa chọn các bài tập, các tài liệu phù hợp với đánh giá ban đầu. Nội dung rèn luyện bao gồm nhiều lĩnh vực như giao tiếp, xã hội, kiến thức, tự chăm sóc, vận động, chơi đùa,… Các kỹ năng này thường được chia nhỏ thành các kỹ năng thành phần và được sắp xếp theo trình tự phát triển, từ đơn giản đến phức tạp.
- Liệu pháp thân chủ trọng tâm (Client-centered Psychotherapy): Liệu pháp này được sử dụng theo thuyết của Carl Roger với mục đích là giúp trẻ hiểu bản thân và có thể tự đưa ra những quyết định của riêng mình, tránh về sau trẻ sẽ quá dựa dẫm, phụ thuộc vào gia đình. Khả năng tự chăm sóc và tự đưa ra quyết định rất cần thiết để giúp trẻ hòa nhập xã hội, giúp trẻ có khả năng kết bạn và khả năng làm việc bình thường.
3. Bồi dưỡng những kỹ năng xã hội cho trẻ
Trẻ mắc chứng tự kỷ thích thu mình vào thế giới riêng, không chịu tương tác với mọi người xung quanh. Chính vì thế việc bồi dưỡng các kỹ năng xã hội sẽ giúp tăng cường mối liên hệ giữa trẻ và những người xung quanh. Hãy đưa trẻ đến những nơi như công viên, nhà văn hóa thiếu nhi hay khu vui chơi để tập cho trẻ cách kết bạn, cách duy trì mối quan hệ với mọi người. Trong quá trình đó chúng ta có thể bồi dưỡng cho trẻ những kỹ năng như:
- Kỹ năng hội thoại: chào hỏi mọi người, bắt đầu một cuộc trò chuyện, nói về một chủ đề cụ thể, kỹ năng lắng nghe và luân phiên khi nói, biết giữ khoảng cách thích hợp với người khác, cách kết thúc một cuộc hội thoại,…
- Khả năng thấu hiểu và điều chỉnh cảm xúc: cách đọc biểu cảm nét mặt, đọc ngôn ngữ cơ thể, nhận biết tâm trạng qua ngữ điệu giọng nói, cách điều tiết tâm trạng, cách hòa nhập với tập thể…
- Kỹ năng chơi đùa: kỹ năng quan sát, lắng nghe luật chơi và làm theo hiệu lệnh, cách chơi chung với bạn bè, chơi luân phiên, cách chia sẻ đồ chơi, cách thỏa hiệp và giải quyết mâu thuẫn, cách đồng ý và từ chối, cách chấp nhận sự thua cuộc, kết thúc trò chơi,…
- Kỹ năng kết bạn: hiểu được thế nào là một người bạn tốt, cách duy trì mối quan hệ bạn bè, cách chia sẻ giữa bạn bè với nhau, cách nhận ra và chống lại những người bạn xấu,…
Một đứa trẻ bình thường sẽ học hỏi thông qua việc quan sát những trẻ chung quanh, bắt chước điều người khác làm và cố gắng hòa nhập với mọi người. Nếu trẻ mắc lỗi, trẻ học từ sai lầm đó và tiếp tục chơi đùa. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc giao tiếp với những người xung quanh, thế nên trẻ không thể phát triển những kỹ năng này một cách tự nhiên như những người bạn đồng trang lứa. Đây là lý do cha mẹ cần tỉ mỉ phân tích các tình huống xã hội cho con và giải thích theo một cách mà con hiểu được.
4. Quan tâm, chăm sóc trẻ tại nhà
Những năm đầu đời, ba mẹ cần thường xuyên giao tiếp, nói chuyện, vận động cùng con để giúp bé phát triển khỏe mạnh. Với trẻ tự kỷ bẩm sinh, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ và người thân luôn là biện pháp tốt nhất giúp cải thiện tình hình bệnh.
Trong suốt thời gian giúp trẻ cải thiện tình trạng bệnh, các bậc phụ huynh cần tình yêu thương và sự kiên nhẫn rất lớn. Cha mẹ đừng nên mặc cảm rằng con mình bị bệnh nên bỏ rơi trẻ, và nhất là đừng để ai kỳ thị trẻ. Sự xa lánh, chê bai và cô lập của mọi người có thể khiến tình trạng tự kỷ nặng hơn. Cha mẹ hãy kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, luôn ở bên con và dành thời gian dạy dỗ con. Dưới đây là những điều cha mẹ có thể làm để giúp trẻ cải thiện tình trạng bệnh và nâng cao kỹ năng giao tiếp.
- Dành nhiều thời gian chơi và quan tâm đến trẻ, ít nhất 3 giờ/ngày.
- Dạy trẻ phân biệt các đồ vật bằng tranh ảnh hay đồ vật thực tế
- Dạy trẻ những cử chỉ khi giao tiếp: chỉ tay, khoanh tay, đưa hai tay nhận đồ, vẫy tay tạm biệt, vỗ tay,…
- Dạy trẻ nói chuyện một cách chậm rãi. Nói to, rõ, nhấn mạnh để trẻ học theo.
- Dạy trẻ bắt chước tiếng con vật, phân biệt màu sắc, âm thanh.
- Bảo trẻ làm những điều đơn giản, dạy trẻ thực hiện mệnh lệnh.
- Vận động trí óc: xếp hình, vẽ tranh, tô màu, xé dán giấy, phân biệt đồ vật và những trò chơi luyện trí nhớ.
- Vận động thân thể: trườn, lăn, bò, đi bộ, nhảy nhót,… Trẻ lớn một chút có thể đi xe đạp, chơi bóng, chạy bộ,…
- Tập cho trẻ thói quen vệ sinh thân thể như đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh,…
- Tập cho trẻ tự ăn, tự uống nước đúng giờ, tự mặc quần áo, đi dép,…
- Dạy trẻ những trò chơi tập thể, cho trẻ làm quen với các quy tắc khi chơi.
- Đưa trẻ đến nhà trẻ, công viên, khu vui chơi để khuyến khích trẻ chơi cùng những bạn đồng trang lứa
- Động viên, khen ngợi khi trẻ có tiến bộ dù là nhỏ nhất
- Không thỏa hiệp với những yêu cầu vô lý, ăn vạ của trẻ
5. Thiết lập chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ
Cha mẹ nên chú ý bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ nhất để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Theo các chuyên gia sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho trẻ tự kỷ cần được quan tâm vì đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng và những bệnh liên quan đến chứng tự kỷ. Các chất dinh dưỡng trong thực phẩm có thể cải thiện thể chất, giảm nguy cơ thiếu hụt chất dinh dưỡng ở trẻ do chứng kén ăn ở trẻ tự kỷ.
- Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất: Trẻ tự kỷ thường có xu hướng kén ăn, lười ăn và có hệ tiêu hóa không tốt. Chính vì thế vấn đề dinh dưỡng cần được quan tâm chú trọng. Các bậc phụ huynh cần chú ý bổ sung đầy đủ một số vitamin và khoáng chất sau cho trẻ: vitamin C, vitamin D, vitamin B6, sắt, kẽm, magie,…
- Tăng cường chất béo Omega-3: Omega-3 có tác dụng cải thiện khả năng ngôn ngữ, gia tăng khả năng tập trung chú ý, giảm bốc đồng, hung hăng, giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi. Những thực phẩm giàu Omega-3 ba mẹ có thể bổ sung bao gồm: cá thu, cá hồi, cá ngừ, cải bó xôi, súp lơ, rau bina, cải xoăn, quả óc chó, hạt chia, hạt lanh, đậu nành,…
- Hạn chế thức ăn nhanh, đồ uống có gas: Việc cho trẻ ăn quá nhiều những thực phẩm này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ của trẻ, làm chậm phát triển não bộ và làm giảm chất lượng giấc ngủ, ảnh hưởng xấu đến việc cải thiện tình trạng tự kỷ.
- Bổ sung lượng nước đầy đủ hằng ngày: Cha mẹ nên chia nhỏ lượng nước 1 ngày ra làm nhiều lần, mỗi lần uống một chút. Tránh uống một lần quá nhiều nước và cách quá lâu mới uống một lần. Ngoài nước lọc, cha mẹ có thể bổ sung nước cho bé bằng các loại nước ép trái cây, nước ép rau quả hoặc cho bé ăn trái cây có nhiều nước như dưa hấu, dưa gang, nho, bưởi, dứa,…
Trên đây là những lưu ý mà cha mẹ cần biết và thực hiện khi phát hiện con mình bị tự kỷ bẩm sinh. Tự kỷ bẩm sinh hiện nay không có phương pháp điều trị tận gốc và bệnh tiến triển suốt đời. Thế nên việc phát hiện sớm những biểu hiện của trẻ tự kỷ và nhanh chóng đưa ra những biện pháp can thiệp kịp thời có thể giúp trẻ phát triển và sinh hoạt bình thường. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên tìm hiểu những bệnh viện và địa chỉ thăm khám uy tín để cho bé để thăm khám.
Hy vọng những chia sẻ của Tạp Chí Tâm Lý Học sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn về căn bệnh này, cũng như cách chăm sóc và giúp trẻ cải thiện tình trạng bệnh, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với xã hội và có một cuộc sống bình thường.
Tham khảo thêm
- Bài Test Nhanh Kiểm Tra Trẻ Tự Kỷ Cha Mẹ Nên Biết
- Trẻ tự kỷ có hay cười không? Làm thế nào để xác định?
- Trẻ chậm nói có phải tự kỷ? Làm sao phân biệt?
- Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc: Điều cha mẹ cần biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!