Phương pháp tâm lý trị liệu chữa rối loạn lo âu có hiệu quả không?

5/5 - (1 bình chọn)

Tâm lý trị liệu chữa rối loạn lo âu là phương pháp sử dụng hình thức giao tiếp để điều chỉnh những bất thường về cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức và hành vi. Liệu pháp này giúp bệnh nhân nâng cao sức khỏe thể chất, tâm thần và cải thiện chất lượng cuộc sống.

điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý
Điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu là phương pháp chính bên cạnh sử dụng thuốc

Tìm hiểu phương pháp điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu bên cạnh sử dụng thuốc. Liệu pháp tâm lý sử dụng phương tiện chính là giao tiếp bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ để điều chỉnh những rối loạn về mặt cảm xúc, tư duy, nhận thức và hành vi. Ngoài ta, phương pháp này còn được thực hiện nhằm thay đổi tính cách và giúp bệnh nhân hình thành nhân cách tốt, trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Rối loạn lo âu là chứng bệnh đặc trưng bởi sự lo lắng, căng thẳng, phiền muộn, bi quan quá mức về những sự việc/ tình huống trong cuộc sống. Bản thân người bệnh gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự lo lắng – ngay cả khi nhận biết nỗi lo là không thật sự cần thiết và thái quá so với mức độ của vấn đề.

Hiện nay, tỷ lệ người mắc chứng rối loạn lo âu đang có xu hướng tăng lên do áp lực của cuộc sống hiện đại, yêu cầu công việc ngày càng tăng cao, sự phân hóa giàu nghèo, stress, tài chính và rất nhiều vấn đề khác. Mặc dù là bệnh lý phổ biến nhưng nguyên nhân chính xác gây rối loạn lo âu vẫn chưa được nghiên cứu rõ.

Vì căn nguyên chưa rõ ràng nên điều trị bệnh còn nhiều mặt hạn chế và thách thức. Thống kê cho thấy, khoảng 25% trường hợp bị rối loạn lo âu tiến triển trọn đời và tái phát nhiều lần. Mặc dù vậy, về cơ bản điều trị có thể cải thiện triệu chứng và giúp bệnh nhân ổn định cuộc sống. Xu thế hiện nay là sử dụng thuốc kết hợp với tâm lý trị liệu nhằm đạt kết quả tốt nhất.

Như đã đề cập, trị liệu tâm lý sử dụng hình thức giao tiếp để thay đổi suy nghĩ, nhận thức, hành vi và nhân cách của người bệnh. Chính vì vậy, phương pháp này góp phần kiểm soát sự lo âu và căng thẳng quá mức. Qua đó giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng kỹ năng tương tác xã hội và duy trì hiệu quả học tập/ làm việc.

ads bùi thị hải yến chuyên gia tâm lý

Mục tiêu của trị liệu tâm lý đối với rối loạn lo âu

Rối loạn lo âu được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào đặc điểm lâm sàng. Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp, trị liệu tâm lý đều được thực hiện với mục tiêu cải thiện bệnh lý, nâng cao sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Liệu pháp này không sử dụng thuốc mà chỉ thông qua giao tiếp nên có thể áp dụng cho nhiều đối tượng và hoàn toàn không có tác dụng phụ. Chính vì vậy, trị liệu tâm lý được xem là giải pháp lâu dài cho bệnh nhân bị rối loạn lo âu mãn tính.

Mục tiêu của trị liệu tâm lý đối với bệnh nhân rối loạn lo âu:

1. Giúp bệnh giải tỏa cảm xúc, bộc lộ suy nghĩ

Bệnh nhân rối loạn lo âu có xu hướng tự cô lập bản thân và cách ly với những người xung quanh. Thay vì tham gia các hoạt động vui chơi, người bệnh dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những vấn đề đáng lo ngại trong cuộc sống và luôn tìm giải pháp cho những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

điều trị rối loạn lo âu bằng tâm lý
Thông qua trị liệu tâm lý, bệnh nhân rối loạn lo âu có thể giãi bày cảm xúc và bộc lộ suy nghĩ

Sự lo lắng thái quá của người bệnh còn dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống. Do đó, người bệnh gần như không có nhu cầu chia sẻ hay giãi bày với bạn bè, người thân trong gia đình. Tình trạng này có thể khiến mức độ lo âu trở nên nghiêm trọng, sức khỏe tâm thần và thể chất của người bệnh sụt giảm dần theo thời gian.

Chính vì vậy, mục tiêu đầu tiên của trị liệu tâm lý là giúp bệnh nhân giải tỏa cảm xúc kìm nén, bộc lộ suy nghĩ và nỗi lo lắng của bản thân. Trước đó, nhà trị liệu phải tạo ra mối quan hệ tương tác có tính chất trị liệu và xây dựng sự tin tưởng để người bệnh thoải mái bộc lộ suy nghĩ.

2. Tìm kiếm giải pháp để thay đổi tâm trạng, nhận thức

Tùy theo từng trường hợp, nhà trị liệu sẽ lựa chọn các phương pháp trị liệu tâm lý phù hợp với từng bệnh nhân nhằm tìm ra giải pháp để thay đổi tâm trạng và nhận thức. Bởi nguồn cơn của những phiền toái và xung đột trong cuộc sống đều bắt nguồn từ sự lo lắng, căng thẳng và cái nhìn bi quan, tiêu cực.

3. Điều chỉnh các hành vi không phù hợp với xã hội

Hành vi của mỗi cá thể đều bị chi phối bởi suy nghĩ, nhận thức và cảm xúc. Sau khi điều chỉnh tâm trạng và nhận thức của người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành liệu pháp giúp thay đổi các hành vi không phù hợp với xã hội. Mục tiêu này được đặt ra cho những bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh sợ xã hội, chứng ám ảnh sợ và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

4. Tìm ra giải pháp xử lý các xung đột

Sự lo lắng, phiền muộn quá mức và kéo dài ở người bị rối loạn lo âu dẫn đến nhiều xung đột trong mối quan hệ cá nhân và xã hội. Những xung đột này khiến bệnh nhân không thể duy trì các mối quan hệ thân thiết, khó khăn trong việc tìm kiếm công việc, bạn đời,…

Chính vì vậy song song với điều chỉnh tư duy, hành vi, nhà trị liệu sẽ hỗ trợ bệnh nhân tìm ra các giải pháp để xử lý các xung đột. Khi xung đột được giải quyết, bệnh nhân có thể hòa hợp hơn với xã hội và duy trì được những mối quan hệ thân thiết cần có trong cuộc sống. Ngoài ra, trị liệu tâm lý cũng giúp giảm thiểu tối đa những mâu thuẫn bằng cách thay đổi cảm xúc, suy nghĩ và điều chỉnh những hành vi không phù hợp với xã hội.

5. Hướng dẫn bệnh nhân kỹ năng đối phó với stress

Rối loạn lo âu thường gây căng thẳng thần kinh do bệnh nhân dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những vấn đề đáng lo ngại trong cuộc sống. Bên cạnh những ảnh hưởng đối với sức khỏe tâm thần, lo âu quá mức còn gây căng cơ, đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh thực thể khác.

trị liệu tâm lý rối loạn lo âu
Trong trị liệu tâm lý, bệnh nhân rối loạn lo âu sẽ được hướng dẫn các kỹ năng đối phó với stress

Chính vì vậy, trị liệu tâm lý còn được thực hiện với mục tiêu giúp bệnh nhân trang bị kỹ năng để đối phó với stress và vượt qua những áp lực, khó khăn trong cuộc sống. Những kỹ năng này giúp bệnh nhân giảm bớt căng thẳng và phiền muộn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể ứng dụng các kỹ năng này để giảm stress và phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát về sau.

6. Nâng cao ý thức về sức khỏe tâm thần và thể chất

Trên thực tế, hầu hết mọi người chỉ tập trung giữ gìn sức khỏe thể chất mà bỏ qua sức khỏe tâm thần. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ không xem các vấn đề tâm lý là bệnh mà cho rằng đây là một phần của tính cách. Sự sai lệch và thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm thần chính nguồn cơn dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc cho bệnh nhân rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống,…

Do đó, bước cuối cùng trong trị liệu tâm lý là giúp bệnh nhân nâng cao ý thức về sức khỏe tâm thần và thể chất. Nhờ đó, bệnh nhân có thể chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp. Đồng thời góp phần thay đổi ý thức của cộng đồng và gia tăng tỷ lệ phát hiện sớm các chứng bệnh tâm thần.

Các liệu pháp tâm lý được dùng khi điều trị rối loạn lo âu

Có khá phương pháp trị liệu tâm lý được áp dụng trong điều trị rối loạn lo âu. Trong đó, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất và phù hợp với hầu hết các dạng của rối loạn lo âu. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể thực hiện thêm một số liệu pháp tùy theo tình trạng cụ thể của từng khách hàng.

1. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)

Liệu pháp hành vi nhận thức được thực hiện nhằm thay đổi nhận thức tiêu cực của bệnh nhân với những vấn đề trong cuộc sống. Bởi chính cách nhìn bi quan là nguồn cơn dẫn đến trạng thái lo âu, phiền muộn và căng thẳng quá mức. Bác sĩ sẽ thông qua lời nói để giúp bệnh nhân nhận thức đúng đắn, khách quan mức độ của vấn đề, qua đó giảm sự tiêu cực và hạn chế tình trạng lo âu thái quá.

Khi nhận thức thay đổi, cảm xúc và hành vi của người bệnh cũng sẽ được cải thiện theo hướng tích cực. Dần dần người bệnh có thể giảm sự lo âu, căng thẳng và không dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những vấn đề xảy ra xung quanh cuộc sống.

2. Liệu pháp hệ thống

Liệu pháp hệ thống được thực hiện theo hình thức trị liệu nhóm hoặc trị liệu gia đình. Liệu pháp này phát triển dựa trên quan niệm – mỗi cá thể là một thành phần của hệ thống. Do đó, thay vì tác động trực tiếp đến bệnh nhân, liệu pháp này tác động đến toàn bộ hệ thống (nhóm/ gia đình) để điều chỉnh suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc và hành vi của người bệnh.

trị liệu tâm lý rối loạn lo âu
Liệu pháp hệ thống là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị rối loạn lo âu

Đối với trị liệu nhóm (giữa các bệnh nhân cùng mắc hội chứng rối loạn lo âu), bệnh nhân sẽ có sự tin tưởng nhất định và được đồng cảm, thấu hiểu hơn. Ngoài ra, các bệnh nhân trong nhóm còn có thể hỗ trợ nhau trong việc điều chỉnh cảm xúc và ổn định cuộc sống.

Trong trị liệu gia đình, bác sĩ sẽ giúp người thân hiểu rõ bệnh lý, cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh. Từ đó gia tăng sự thấu hiểu, chia sẻ, đồng thời giúp những người thân tránh đưa ra lời khuyên mang tính ép buộc, thiếu đồng cảm. Bởi đây là nguồn cơn dẫn đến tâm lý tự cô lập và tách rời với gia đình, xã hội.

Ngoài ra, trị liệu gia đình còn được thực hiện nếu chứng lo âu của bệnh nhân bắt nguồn từ cách giáo dục và tác động từ những người thân trong gia đình (bố mẹ thường xuyên cãi vả, mâu thuẫn, tranh cãi về vấn đề ly hôn, tài chính,…).

3. Liệu pháp tiếp xúc

Liệu pháp tiếp xúc thường được áp dụng cho bệnh nhân bị rối loạn stress sau sang chấn và các rối loạn ám ảnh sợ. Đây là kỹ thuật thuộc liệu pháp hành vi được thực hiện bằng cách cho người bệnh tiếp xúc với tình huống, sự việc gây ám ảnh thông qua tưởng tượng.

Liệu pháp tiếp xúc giúp bác sĩ quan sát trực quan cảm xúc của người bệnh, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân kỹ năng để đối phó với những tình huống/ sự việc/ sự vật. Từ đó giảm các phiền toái, xung đột và cải thiện chất lượng cuộc sống rõ rệt.

Ngoài các phương pháp trị liệu chính, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định một số liệu pháp hỗ trợ như âm nhạc trị liệu, thở dưỡng sinh, tập luyện thư giãn, lao động trị liệu,… để góp phần cải thiện cảm xúc, nhận thức và hành vi. Các liệu pháp này được áp dụng với hầu hết bệnh nhân bị rối loạn lo âu.

Tâm lý trị liệu chữa rối loạn lo âu có hiệu quả không?

Tâm lý trị liệu là phương pháp dài hạn trong điều trị rối loạn lo âu. Phương pháp này sử dụng hình thức giao tiếp để điều chỉnh suy nghĩ, hành vi và nhận thức nên hoàn toàn không gây ra tác dụng phụ và có thể áp dụng cho nhiều bệnh nhân.

Thông qua trị liệu tâm lý, bệnh nhân rối loạn lo âu có thể điều chỉnh cảm xúc, thay đổi tư duy và các hành vi không phù hợp với xã hội. Từ đó có thể nâng cao sức khỏe thể chất, tâm thần và duy trì chất lượng cuộc sống. Trong thời gian trị liệu tâm lý, bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc đồng thời để nâng cao cảm xúc và tăng sự hợp tác trong quá trình trị liệu.

Nhìn chung, trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả tốt trong điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm và các dạng rối loạn tâm thần khác. Bên cạnh khả năng kiểm soát bệnh, liệu pháp này còn giúp bệnh nhân có các kỹ năng cần thiết để đối phó với stress và tăng mức độ tương tác với xã hội.

Tuy nhiên, một số trường hợp rối loạn lo âu nặng và rối loạn lo âu kết hợp với lạm dụng chất gây nghiện, trầm cảm,… thường không có đáp ứng tốt với tâm lý trị liệu. Do đó, cần phải can thiệp trị liệu sớm để đạt được kết quả cao nhất.

ads cao kim thắm chuyên gia tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác. Tùy theo dạng rối loạn lo âu lâm sàng, độ tuổi, tín ngưỡng,… của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp trị liệu thích hợp. Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý dùng thuốc và xây dựng lối sống lành mạnh bên cạnh liệu pháp tâm lý.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *