Rối loạn lo âu toàn thể là gì? Cách khắc phục
Rối loạn lo âu toàn thể đặc trưng bởi tình trạng lo lắng, phiền muộn và căng thẳng kéo dài, thường trực về hầu hết các vấn đề và khía cạnh trong cuộc sống. Người mắc chứng bệnh này gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc – ngay cả khi nhận biết được sự lo âu của bản thân là thái quá và vô lý.
Rối loạn lo âu toàn thể là gì?
Rối loạn lo âu toàn thể là tên gọi khác của rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized anxiety disorder – GAD) – một trong những dạng rối loạn lo âu thường gặp. Đặc điểm của bệnh lý này là sự lo âu, căng thẳng quá mức, kéo dài và thường trực về tất cả những vấn đề trong cuộc sống như tài chính, hôn nhân, gia đình, việc học, bạn bè, sự nghiệp,… Trong một số trường hợp, bệnh nhân xuất hiện nỗi lo nhưng không xác định được nguyên nhân cụ thể.
Cảm giác lo âu, phiền muộn thường xuất hiện khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng và nhiều vấn đề nan giải. Tuy nhiên ở người bị rối loạn lo âu toàn thể, sự lo lắng này thường quá mức so với mức độ của tình huống/ sự việc. Vì luôn thường trực nỗi lo sợ nên người bệnh dành nhiều thời gian để suy nghĩ và tìm ra giải pháp cho những trường hợp xấu nhất.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn lo âu toàn thể
Người bị chứng rối loạn lo âu đều thường có sự lo lắng, phiền muộn và căng thẳng quá mức trước những tình huống, sự việc không quá nghiêm trọng. Trong đó, những người bị rối loạn lo âu toàn thể thường có nỗi lo dai dẳng, thường trực và kéo dài ít nhất 6 tháng về những khía cạnh bình thường trong cuộc sống như lo lắng quá mức về việc học, công việc, mối quan hệ gia đình, bạn bè,…
Các triệu chứng nhận biết rối loạn lo âu toàn thể:
- Thường trực sự lo lắng quá mức về những vấn đề trong cuộc sống nhưng mức độ của sự lo âu thường không tương xứng với tính nghiêm trọng của sự việc/ tình huống.
- Luôn nhìn nhận và đánh giá mọi việc theo chiều hướng tiêu cực, bi quan mặc dù trên thực tế, vấn đề không quá nghiêm trọng và nan giải.
- Dành nhiều thời gian để suy nghĩ về nỗi lo lắng của bản thân và tìm ra giải pháp cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
- Luôn chần chừ và thiếu quyết đoán khi đưa các quyết định (mặc dù các quyết định này không quá quan trọng)
- Vì lo âu quá mức và kéo dài nên người bệnh thường gặp phải vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung giảm và dễ gặp sai sót khi học tập, làm việc,… Tình trạng này sẽ khiến cho mức độ lo lắng và căng thẳng tăng dần lên theo thời gian.
- Cơ thể mệt mỏi, nặng nề, khó có cảm giác thư giãn.
- Về sau, bệnh nhân thậm chí có những nỗi sợ mơ hồ mà không có nguyên nhân cụ thể.
- Tâm tính nhạy cảm, dễ cáu gắt, bực bội và thay đổi thất thường.
- Luôn trong trạng thái bồn chồn, sự lo âu thể hiện rõ qua biểu hiện khuôn mặt và hoạt động.
- Đi kèm với các biểu hiện thực thể như đau nhức hốc mắt, đỏ bừng mặt, rối loạn giấc ngủ, đau thắt ngực, hồi hộp, đau đầu, căng cơ,…
Rối loạn lo âu toàn thể ít khi gây ra trạng thái hoảng loạn và sợ hãi quá mức như rối loạn hoảng sợ và rối loạn ám ảnh sợ hãi. Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện từ từ nhưng có xu hướng mãn tính và tiến triển nặng dần theo thời gian nếu không được thăm khám kịp thời.
Nguyên nhân gây rối loạn lo âu toàn thể
Tương tự các dạng rối loạn lo âu khác, nguyên nhân chính xác gây rối loạn lo âu toàn thể vẫn chưa được xác định. Qua các nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng bệnh lý này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Rất hiếm khi xảy ra do một nguyên nhân cụ thể.
Các nguyên nhân, yếu tố có thể gây ra chứng rối loạn lo âu toàn thể:
- Di truyền (gen)
- Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh
- Đặc điểm tính cách (hay lo âu, căng thẳng, hay suy nghĩ, nhạy cảm, khép kín, ít chia sẻ,…)
- Môi trường (được nuôi dạy và sinh sống trong điều kiện nghèo đói, luôn phải lo nghĩ về tài chính và có nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong cuộc sống)
- Sử dụng rượu bia và chất kích thích
- Stress kéo dài
Chẩn đoán rối loạn lo âu toàn thể
Rối loạn lo âu toàn thể có triệu chứng tương đối điển hình. Trước khi điều trị, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và đưa ra chẩn đoán chính xác. Chẩn đoán còn giúp bác sĩ phát hiện các bệnh tâm thần đi kèm như rối loạn ăn uống, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn stress sau sang chấn,… Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu để phát hiện nguyên nhân thực thể.
Các kỹ thuật chẩn đoán rối loạn lo âu toàn thể:
- Khám sức khỏe tổng quát, khai thác tiền sử cá nhân, gia đình
- Khai thác triệu chứng
- Xét nghiệm chuyên sâu (xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm nồng độ hormone tuyến giáp,…)
- Trắc nghiệm tâm lý
Sau đó, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn DSM-5 để chẩn đoán xác định rối loạn lo âu toàn thể và các chứng bệnh tâm thần đi kèm.
Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu toàn thể
Rối loạn lo âu toàn thể có thể chuyển biến nặng dần theo thời gian. Nếu không được điều trị sớm, bệnh lý này có thể gia tăng nguy cơ bị trầm cảm và gặp phải các dạng rối loạn lo âu khác. Ngoài ra, một số người bệnh lựa chọn lối sống thiếu lành mạnh (hút thuốc, nghiện rượu bia, dùng chất kích thích,…) để giải tỏa bản thân khỏi sự lo lắng và phiền muộn đeo bám.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của chứng rối loạn lo âu toàn thể, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và điều trị. Đối với chứng bệnh này, điều trị bao gồm sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý. Bên cạnh đó, nên kết hợp với lối sống khoa học, lành mạnh để nâng đỡ thể trạng và ổn định cảm xúc.
Các phương pháp điều trị rối loạn lo âu toàn thể bao gồm:
1. Sử dụng thuốc
Dùng thuốc là một trong những phương pháp điều trị chính đối với bệnh rối loạn lo âu toàn thể. Thuốc được sử dụng nhằm cải thiện tâm trạng lo âu, căng thẳng, phiền muộn và làm giảm các triệu chứng thực thể như mất ngủ, căng cơ, bồn chồn,… Đối với bệnh rối loạn lo âu toàn thể, thuốc thường được sử dụng dài hạn để cải thiện triệu chứng và phòng ngừa tình trạng tái phát.
Các loại thuốc được dùng để điều trị rối loạn lo âu toàn thể:
- Các loại thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA), thuốc ức chế serotonin + norepinephrine (SNRIs), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs),…
- Thuốc giải lo âu như Benzodiazepine và non-Benzodiazepine
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc ức chế beta
- Các viên uống tổng hợp cung cấp vitamin và khoáng chất
- Thuốc kháng histamin H1
Mặc dù có nhiều loại thuốc được sử dụng nhưng thuốc chống trầm cảm được đánh giá là nhóm thuốc mang lại hiệu quả cao và cải thiện rõ rệt nhất với bệnh rối loạn lo âu toàn thể. Các loại thuốc khác chỉ được cân nhắc sử dụng khi triệu chứng có mức độ nặng hoặc đáp ứng kém với thuốc chống trầm cảm.
2. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý thường được áp dụng song song với điều trị bằng thuốc. Dùng thuốc có thể cải thiện các triệu chứng thể chất và tâm thần nhưng không tác động đến căn nguyên. Do đó, cần phải phối hợp cùng với trị liệu tâm lý để tác động toàn diện đến chứng rối loạn lo âu toàn thể.
Trị liệu tâm lý là liệu pháp thông qua giao tiếp (bằng ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ) để bệnh nhân bộc lộc chân thực cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức,… Sau đó, nhà trị liệu sẽ tạo ra các kích thích, tác động phù hợp để thay đổi những bất thường trong tâm trạng, cách nhìn và suy nghĩ của người bệnh. Qua đó giúp người bệnh ổn định cảm xúc, giảm bớt sự lo âu, căng thẳng và dần hình thành những thói quen tích cực.
Trong trị liệu tâm lý, các chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc, học tập và gia tăng tương tác xã hội. Đồng thời có kỹ năng để đối phó với stress và dễ dàng vượt qua những áp lực, vấn đề căng thẳng trong cuộc sống. Tùy theo tình trạng cụ thể, quá trình trị liệu tâm lý có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng.
3. Xây dựng lối sống lành mạnh
Bên cạnh trị liệu tâm lý và dùng thuốc, bệnh nhân rối loạn lo âu toàn thể cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh để cải thiện thể trạng, giảm bớt sự lo lắng và căng thẳng. Ngoài ra, thiết lập lối sống khoa học còn giúp người bệnh hình thành những suy nghĩ tích cực và có động lực để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Lối sống dành cho bệnh nhân bị rối loạn lo âu toàn thể:
- Cân đối thời gian học tập – làm việc và nghỉ ngơi. Tránh tình trạng học tập và làm việc quá mức dẫn đến stress, gia tăng sự lo âu và phiền muộn. Với những người có khối lượng công việc quá lớn, cần lên kế hoạch làm việc hiệu quả để hoàn tất công việc nhanh chóng, chính xác và hạn chế tối đa sai sót.
- Cảm giác lo âu, phiền muộn, bồn chồn, mệt mỏi, uể oải,… do rối loạn lo âu toàn thể gây ra có thể giảm đi đáng kể sau khi tập thể dục. Các nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất gia tăng hormone endorphin có tác dụng giãn cơ, tạo cảm giác thoải mái và thư giãn. Do đó, bệnh nhân nên dành 30 phút mỗi ngày để thực hiện các bài tập có cường độ vừa phải như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, bơi lội,…
- Đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh tình trạng thức khuya và lo âu quá mức dẫn đến mất ngủ, khó ngủ. Nếu gặp vấn đề về giấc ngủ, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh giấc ngủ và tập thể dục thường xuyên để cải thiện. Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng thuốc và một số thảo mộc có tác dụng an thần như hoa cúc, hoa nhài, lá vông nem,…
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý với nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và axit béo lành mạnh. Hạn chế dùng món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, đường và giảm lượng đạm trong chế độ ăn.
- Thực hiện các biện pháp giải tỏa căng thẳng, thư giãn như đọc sách, nghe nhạc, tắm bồn, đi du lịch, liệu pháp mùi hương, dành thời gian cho các hoạt động yêu thích (vẽ tranh, viết sách, chơi đùa với thú cưng,…). Các biện pháp này có thể giảm sự căng thẳng, lo âu và mang đến năng lượng tích cực sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Các biện pháp hỗ trợ trên có thể giảm bớt sự lo âu, căng thẳng và phiền muộn ở bệnh nhân rối loạn lo âu toàn thể. Ngoài ra, duy trì lối sống khoa học còn giúp nâng cao thể trạng và giảm các triệu chứng thể chất do chứng bệnh này gây ra.
Phòng ngừa rối loạn lo âu toàn thể tái phát
Hiện nay, chưa có biện pháp phòng ngừa rối loạn lo âu nói chung và rối loạn lo âu toàn thể nói riêng. Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ để giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa rối loạn lo âu toàn thể tái phát:
- Xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh.
- Trang bị những kỹ năng kiểm soát stress để tránh căng thẳng và lo âu kéo dài.
- Nếu stress kéo dài trong nhiều tuần, nên tìm gặp chuyên gia tâm lý để được trị liệu sớm. Trong trường hợp để kéo dài, rối loạn lo âu toàn thể có thể tái phát trở lại chỉ sau một thời gian ngắn.
- Không dùng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích và nên hạn chế sử dụng thực phẩm, đồ uống chứa caffeine.
- Dành thời gian trau dồi và nâng cao năng lực của bản thân. Qua đó gia tăng cơ hội nghề nghiệp và giảm sự lo lắng về tài chính, công việc.
Rối loạn lo âu toàn thể là chứng bệnh khá phổ biến bên cạnh rối loạn trầm cảm. Cá nhân người bệnh cần có sự chủ động trong thăm khám, điều trị và phòng ngừa tái phát để bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm thần. Ngoài ra, mỗi người cũng cần có ý thức nâng cao sự hiểu biết về các vấn đề tâm lý để kịp thời phát hiện những bất thường ở chính bản thân và những người xung quanh.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!