Chăm sóc và phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát
Rối loạn lo âu có nguy cơ tái phát cao, với 25% tái phát chỉ sau 1 tháng ngưng điều trị và 50 – 60% tái phát vào năm tiếp theo. Chính vì vậy, bệnh nhân rối loạn lo âu cần có biện pháp chăm sóc để quản lý và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
Hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc, phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát
Rối loạn lo âu là một dạng rối loạn tâm thần phổ biến. Bệnh được chia thành nhiều loại dựa trên đặc điểm lâm sàng, trong đó rối loạn lo âu ám ảnh sợ, rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một số loại thường gặp nhất. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nữ giới – đặc biệt là những người có tính cách hay lo lắng, căng thẳng, sống nội tâm, khép kín,…
Mặc dù là bệnh lý rất phổ biến nhưng nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn lo âu vẫn chưa thể xác định. Chính vì vậy, điều trị bệnh hiện nay còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê, khoảng 25% bệnh nhân tái phát trong vòng 1 tháng sau khi ngưng điều trị và đến 50 – 60% trường hợp tái phát vào năm tiếp theo.
Với tỷ lệ tái phát cao, rối loạn lo âu có nguy cơ phát triển mãn tính và tiến triển trong suốt cả cuộc đời. Tình trạng lo âu, căng thẳng, bi quan và phiền muộn quá mức, kéo dài khiến cho người bệnh không thể duy trì hiệu quả lao động, học tập và giảm sút chức năng xã hội. Về lâu dài, chứng bệnh này còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh thực thể và tâm thần khác.
Những trường hợp rối loạn lo âu tái phát nhiều lần có xu hướng kháng thuốc và đáp ứng kém với trị liệu tâm lý. Do đó, bệnh nhân cần có kế hoạch chăm sóc để kiểm soát rối loạn lo âu và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả. Được biết, chế độ chăm sóc hợp lý có thể hỗ trợ hiệu quả của các phương pháp chuyên sâu, đồng thời góp phần điều chỉnh các rối loạn về mặt thể chất và cảm xúc.
Dưới đây là các biện pháp chăm sóc bệnh nhân rối loạn lo âu nên thực hiện để quản lý và phòng ngừa bệnh tái phát:
1. Tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
Trên thực tế, các phương pháp điều trị rối loạn lo âu hiện nay còn khá nhiều hạn chế và chưa thực sự tối ưu đối với tất cả bệnh nhân. Tuy nhiên về cơ bản, điều trị có thể giảm các triệu chứng thể chất, ổn định cảm xúc và giúp bệnh nhân loại bỏ dần sự lo lắng, căng thẳng quá mức. Vì vậy, bệnh nhân cần thăm khám sớm và tích cực điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh thành công.
Theo nghiên cứu, khoảng 80% bệnh nhân rối loạn lo âu có đáp ứng với thuốc. Nếu kết hợp cùng với trị liệu tâm lý, triệu chứng sẽ được cải thiện đáng kể.
Ngoài kiểm soát các triệu chứng do rối loạn lo âu gây ra, các phương pháp điều trị hay cụ thể là trị liệu tâm lý còn giúp bệnh nhân hình thành suy nghĩ tích cực, thay đổi phản ứng trước những tình huống/ áp lực của cuộc sống. Bệnh nhân cũng sẽ được hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để đối phó với stress, tăng khả năng thích nghi và tương tác xã hội.
Chính vì vậy, tích cực điều trị là biện pháp hiệu quả nhất giúp chăm sóc sức khỏe tâm thần, thể chất của người bệnh. Đồng thời kiểm soát và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.
2. Tập thể dục mỗi ngày
Tập thể dục mỗi ngày được biết đến với tác dụng nâng cao sức khỏe, cải thiện độ dẻo dai của xương khớp và duy trì hình thể cân đối. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn là “liều thuốc” thư giãn dành cho bệnh nhân bị rối loạn lo âu, trầm cảm và căng thẳng thần kinh quá mức.
Nghiên cứu từ Đại học Princeton (Mỹ) cho thấy, tập thể dục thường xuyên giúp tái tổ chức lại não bộ, từ đó giảm tình trạng rối loạn của các cơ quan trong não bộ. Ngoài ra khi vận động, não bộ sẽ gia tăng axit gamma aminobutyric giúp làm dịu các tế bào thần kinh hoạt động quá mức. Nhờ vậy, tâm trạng căng thẳng, lo âu và kích động sẽ giảm đi đáng kể.
Không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng, tập thể dục thường xuyên còn tạo tinh thần phấn chấn, cảm giác thoải mái và sảng khoái. Khi luyện tập, lượng hormone endorphin tăng lên đáng kể. Loại hormone này có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, phấn chấn và giảm đau nhức.
Ngoài ra, hormone endorphin còn có tác dụng giãn mạch và điều hòa huyết áp. Vì vậy, tập thể dục mỗi ngày còn giúp cải thiện các triệu chứng thể chất do rối loạn lo âu gây ra như căng cơ, đau nhức xương khớp, đau đầu, mất ngủ, tim đập nhanh, mặt đỏ bừng,…
3. Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Chế độ ăn uống là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình điều trị rối loạn lo âu và các bệnh tâm thần khác. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Drew Ramsey – Đại học Columbia (Mỹ), chế độ dinh dưỡng tác động rõ rệt đến hiệu quả của các phương pháp điều trị. Cụ thể, tiến sĩ nhận thấy, những bệnh nhân rối loạn lo âu kết hợp chế độ ăn hợp lý cùng với các phương pháp chuyên sâu đạt được hiệu quả tốt hơn đáng kể.
Ngược lại, chế độ ăn nhiều chất béo hòa, đường, dư đạm và sử dụng đồ uống chứa cồn thường xuyên gia tăng nguy cơ mắc bệnh từ 25 – 29%. Với những người bị rối loạn lo âu, thực đơn ăn uống không hợp lý có thể khiến bệnh chuyển biến nặng và tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề thể chất như béo phì, mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa (mỡ máu, tiểu đường,…), đau nhức xương khớp, mất ngủ.
Để chăm sóc và phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát, bệnh nhân nên tăng cường bổ sung thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây, sữa chua, thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin và Omega 3. Bên cạnh đó, cần cân đối thành phần dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn và ăn đủ 3 bữa/ ngày.
4. Đảm bảo ngủ đủ giấc
Trung bình mỗi người trưởng thành phải ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày để đảm bảo các cơ quan trong cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn và tái tạo sau một thời gian dài làm việc. Có thể nói, giấc ngủ giúp tái sinh các tế bào hư tổn, thư giãn cơ và mang lại nguồn năng lượng dồi dào. Chính vì vậy, bệnh nhân bị rối loạn lo âu cần đảm bảo ngủ đủ giấc để cải thiện hoạt động của não bộ.
Khi ngủ, hệ thần kinh trung ương vẫn hoạt động với chức năng chính là truyền tín hiệu đến các cơ quan để thực hiện thải độc, tái tạo các tế bào già cỗi, hư tổn và phát triển các tế bào mới. Và chính bản thân não bộ cũng thực hiện quy trình này trong thời gian ngủ.
Ngủ đủ giấc giúp cải thiện trí nhớ, giảm tình trạng kém tập trung và mệt mỏi ở bệnh nhân rối loạn lo âu. Trong khi đó, những người bị thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ chập chờn và không sâu giấc thường gặp vấn đề về trí nhớ, dễ mất tập trung và rất khó tiếp thu, xử lý chính xác những yêu cầu trong công việc.
Ngủ đủ giấc giúp não bộ tiêu hủy amyloid beta – các protein dư thừa có thể dẫn đến các rối loạn thần kinh và bệnh Alzheimer. Nếu ngủ không đủ giấc và thường xuyên mất ngủ, amyloid beta sẽ tích tụ dần gây ra nhiều vấn đề ở não bộ và gia tăng mức độ nghiêm trọng của chứng rối loạn lo âu.
Ngoài giấc ngủ mỗi tối, bệnh nhân cũng nên dành 30 phút mỗi buổi trưa để chợp mắt. Giấc ngủ ngắn có thể giải tỏa căng thẳng và mang đến tinh thần phấn chấn hơn khi làm việc.
5. Lên kế hoạch làm việc hiệu quả
Theo số liệu thống kê, đa phần những người bị rối loạn lo âu đều có mối lo về những vấn đề trong công việc. Vì vậy, để cải thiện chứng bệnh này, bệnh nhân cần có kế hoạch làm việc hiệu quả. Thực trạng chung của những người bị chứng lo âu là làm việc trong thời gian dài nhưng hiệu quả không cao do khả năng tập trung kém, thường xuyên mắc lỗi và bị khiển trách.
Trước những lời phê bình từ cấp trên, người bị rối loạn lo âu có xu hướng đánh giá vấn đề theo chiều hướng bi quan và luôn cảm thấy tự ti, tội lỗi. Điều này làm gia tăng mức độ căng thẳng, lo âu và khiến hiệu quả công việc ngày một giảm dần. Do đó, bệnh nhân cần phải có kế hoạch làm việc khoa học để đạt được hiệu quả cao.
Trước tiên, cần sắp xếp công việc theo thứ tự quan trọng. Đối với những công việc dài hạn, nên chia công việc theo từng giai đoạn để có thể giải quyết một cách hiệu quả, khoa học, tránh tình trạng sai sót. Ngoài ra, để phục vụ cho công việc, bệnh nhân cần đảm bảo ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên nhằm nâng cao khả năng tập trung, cải thiện trí nhớ và tăng tính linh hoạt, sáng tạo.
Khi chất lượng công việc được cải thiện, những lo âu và phiền muộn sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, thực hiện tốt công việc còn giúp người bệnh hình thành suy nghĩ lạc quan và tự tin hơn về bản thân. Đây cũng là cách để người bệnh ổn định nguồn tài chính và giảm thiểu những mối lo trong cuộc sống.
6. Học cách chia sẻ với người khác
Trầm cảm, rối loạn lo âu và các bệnh rối loạn tâm thần gặp chủ yếu ở người có tính cách hướng nội, ít chia sẻ, sống độc lập, nhạy cảm,… Người có dạng tính cách này hay tự mình suy nghĩ những vấn đề của bản thân thay vì chia sẻ hay tham khảo ý kiến từ những người xung quanh.
Đối với người bị rối loạn lo âu, càng suy nghĩ, mối lo và phiền muộn càng tăng dần lên. Hơn nữa, bệnh nhân có xu hướng nhìn mọi việc dưới con mắt bi quan, tiêu cực nên mối lo âu ngày một nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc và chất lượng cuộc sống.
Do đó, bệnh nhân cần phải học cách chia sẻ với người khác những mối lo của bản thân. Ban đầu, nên tìm gặp nhà trị liệu để bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc và những vấn đề bản thân đang lo lắng. Sau đó, có thể học cách chia sẻ với những người cùng mắc hội chứng rối loạn lo âu và người thân, bạn bè thân thiết.
Chia sẻ là nhu cầu thiết yếu của con người. Khi được lắng nghe và đồng cảm, những cảm xúc tiêu cực như tức giận, căng thẳng, lo âu sẽ thuyên giảm dần. Ngoài ra, với cái nhìn khách quan hơn từ người thân/ bạn bè, bản thân người bệnh sẽ dần thay đổi những suy nghĩ bi quan và tiêu cực.
7. Thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực
Thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực là biện pháp hiệu quả giúp cải thiện tình trạng lo âu, căng thẳng và phiền muộn. Bởi những suy nghĩ bi quan chính là nguyên nhân gây ra các cảm xúc tiêu cực ở người bị rối loạn lo âu. Khi trị liệu tâm lý, các chuyên gia sẽ sử dụng nhiều kỹ thuật để thay đổi dần những suy nghĩ sai lệch của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, bản thân người bệnh cũng cần thực hiện một số một số biện pháp để thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn như:
- Viết nhật ký thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của bản thân về những sự việc/ tình huống trong cuộc sống. Thông qua nhật ký, bệnh nhân có thể đánh giá được sự tiêu cực, bi quan của bản thân. Từ đó có động lực để thay đổi và tích cực hơn trong việc điều trị.
- Hạn chế những yếu tố gây ra năng lượng tiêu cực như xem các thông tin trên ti vi, mạng xã hội về những vấn đề có tính chất bi quan, đau buồn,…
- Đọc những câu chuyện truyền cảm hứng để dần có suy nghĩ tích cực và sống lạc quan hơn.
- Tham gia các hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động này còn giúp người bệnh gỡ rối những suy nghĩ tiêu cực, sống vui vẻ và có mục tiêu.
Thay đổi suy nghĩ mang lại cải thiện rõ rệt đối với chứng rối loạn lo âu, stress và nhiều vấn đề tâm thần khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng để thay đổi suy nghĩ của bản thân. Nếu không tự thực hiện được, bệnh nhân có thể tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.
8. Nâng cao năng lực của bản thân
Người bị rối loạn lo âu thường gặp khó khăn trong công việc, tài chính không ổn định, cuộc sống bấp bênh,… Trên thực tế, người mắc chứng bệnh này dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về vấn đề trong cuộc sống. Sự lo lắng quá mức khiến người bệnh dần rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi và giảm mức độ tập trung. Điều này gia tăng sai sót khi học tập, làm việc và khiến hiệu quả công việc giảm sút so với trước đây.
Chính vì vậy, rối loạn lo âu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tăng nguy cơ thất nghiệp, áp lực tài chính và nhiều vấn đề tiêu cực khác. Bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân cũng cần nâng cao năng lực của bản thân để gia tăng cơ hội nghề nghiệp, tự tin và thoải mái hơn trong cuộc sống.
Nên dành thời gian học ngoại ngữ và những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc thay vì chìm đắm trong sự lo âu và phiền muộn quá mức. Điều này giúp người bệnh tăng hiệu quả làm việc, ổn định tài chính và dần có suy nghĩ tích cực hơn về bản thân.
9. Tái khám thường xuyên
Ngoài những biện pháp chăm sóc trên, bệnh nhân cũng cần tái khám tường xuyên để phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá tâm lý để xem xét sức khỏe thể chất và tâm thần. Nếu nhận thấy nguy cơ cao, bác sĩ sẽ hướng dẫn một số biện pháp và chỉ định thuốc để phòng ngừa rối loạn lo âu tái phát.
Trên đây là một số biện pháp chăm sóc giúp bệnh nhân rối loạn lo âu kiểm soát và phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể áp dụng thêm một số liệu pháp hỗ trợ bên cạnh các phương pháp chính như âm nhạc trị liệu, lao động trị liệu, thiền định,…
Tham khảo thêm:
- 7 Bài tập yoga chữa rối loạn lo âu đơn giản dễ thực hiện
- 10 Cách chữa rối loạn lo âu tại nhà không cần thuốc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!