Rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD): Biểu hiện và hướng điều trị
Rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD) là một trong các dạng rối loạn nhân cách được đặc trưng bởi sự hoảng loạn, lo lắng khi phải ở một mình. Người bệnh sẽ có xu hướng muốn dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác để thỏa mãn và hoàn thành những nhu cầu về thể chất lẫn tinh thần.
Rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD) là gì?
Rối loạn nhân cách phụ thuộc hay còn được gọi tắt là DPD – Dependent Personality Disorder là một trong những bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần được xếp vào chứng rối loạn nhân cách nhóm C. Những người mắc phải chứng rối loạn này sẽ có những biểu hiện đặc trưng bởi sự lo lắng, sợ hãi khi phải ở một mình. Người bệnh sẽ có xu hướng muốn tìm đến sự giúp đỡ của người khác, họ thích dựa dẫm, phụ thuộc vào những người xung quanh để hoàn thành được những điều mà bản thân mong muốn, kể cả những việc làm đơn giản và nhẹ nhàng nhất.
Những người mắc bệnh DPD thường sẽ phát triển các triệu chứng của bệnh khi không được ở gần bất kì ai. Họ sẽ dựa vào sự hiện diện của những người xung quanh để được yên tâm, an ủi và hỗ trợ. Chứng rối loạn này thường sẽ xảy ra như nhau ở cả nam lẫn nữ và thường khởi phát ở tuổi trưởng thành sớm cho đến trung bình.
Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta cũng sẽ cần đến sự hỗ trợ, quan tâm từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, đối với những người bị rối loạn nhân cách phụ thuộc sẽ không có khả năng ở một mình, họ cảm thấy bất an và luôn muốn xung quanh có sự hiện diện, giúp đỡ của ai đó. Hầu hết tất cả các hoạt động sống, cảm xúc, suy nghĩ, hành vi của họ đều sẽ phụ thuộc vào những người xung quanh.
Tình trạng này nếu cứ kéo dài dai dẳng và không có biện pháp khắc phục sẽ khiến cho người bệnh bị suy giảm chức năng sống, không còn những kỹ năng để đáp ứng tốt với cuộc sống. Đồng thời họ sẽ trở nên kém linh hoạt, thụ động và gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bản thân và là gánh nặng của những người thân bên cạnh.
Biểu hiện của rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD)
Chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc cần được phát hiện thật sớm để nhanh chóng áp dụng các phương pháp điều trị, hạn chế tối đa tình trạng bệnh kéo dài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống. Như đã chia sẻ ở trên, DPD sẽ được đặc trưng bởi sự lo lắng, hoảng loạn khi người bệnh phải ở một mình. Kèm theo đó họ cũng sẽ có thêm một số triệu chứng như sau:
- Họ thường có xu hướng đồng ý tất cả yêu cầu của người khác dù bản thân không hài lòng, gặp khó khăn trong việc phải bày tỏ sự phản đối bởi tâm lý lo sợ đối phương rời bỏ và không giúp đỡ, hỗ trợ mình.
- Đa phần tất cả mọi việc từ nhỏ đến các việc quan trọng đều cần phải có sự chỉ đạo và hướng dẫn của người khác. Họ khó có thể tự đưa ra quyết định hay lựa chọn của bản thân.
- Khi phải thực hiện một công việc, hoạt động nào đó mà bản thân không yêu thích và hứng thú thì họ sẽ phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm những sự hỗ trợ từ bên ngoài.
- Nếu không nhận được những lời khuyên, góp ý từ người khác thì không thể đưa ra ý kiến hay lựa chọn, dù đó là những việc vô cùng đơn giản.
- Họ có xu hướng nhanh chóng muốn tìm kiếm và xây dựng một mối quan hệ mới ngay khi bị rạn nứt mối quan hệ cũ.
- Không có niềm tin vào khả năng của chính bản thân nên không đủ tự tin để thực hiện bất kì việc gì, cho dù việc đó hoàn toàn nằm trong khả năng của họ.
- Luôn trong trạng thái lo lắng, sợ hãi và ám ảnh đối với việc sẽ bị người khác bỏ rơi.
- Nhạy cảm, dễ bị tủi thân, tổn thương đối với những lời từ chối của người khác.
- Có nỗi bận tâm rất lớn đối với việc không có ai hỗ trợ, chăm sóc và giúp đỡ của mình.
Những đối tượng mắc phải chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc thường sẽ liên tục đưa ra yêu cầu về sự quan tâm, hỗ trợ và trấn an từ những người bên cạnh. Ngoài ra, đôi lúc họ cũng có thể thực hiện một số hành vi làm tổn thương chính mình hoặc những người xung quanh, đặc biệt là khi các mối quan hệ rạn nứt, chấm dứt.
Đặc biệt họ sẽ trở nên hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi, bất an, vô vọng một cách quá mức nếu phải ở một mình. Những triệu chứng này cũng có phần tương tự như một số bệnh tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm. Thế nhưng nếu các biểu hiện của bệnh khiến cho người bệnh trở nên thụ động, kém linh hoạt, các chức năng sống cũng bị giảm đi đáng kể và họ cảm thấy đau khổ thì nhiều khả năng họ đang rơi vào tình trạng bị rối loạn nhân cách phụ thuộc.
Rối loạn nhân cách phụ thuộc là do đâu?
Theo nhận định của các nhà khoa học thì chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhân cách của một con người là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm cảm xúc, suy nghĩ, hành vi khiến cho họ trở nên riêng biệt và độc đáo hơn. Nhân cách sẽ có ảnh hưởng đến cách mà chúng ta tiếp nhận và đánh giá bản thân cũng như niềm tin vào những người bệnh cạnh.
Một số lý do có thể gây ra chứng bệnh này như:
- Gen di truyền: Tuy DPD không phải là một căn bệnh di truyền nhưng nếu những người thân trong gia đình có tiền sử mắc phải chứng rối loạn lo âu thì nhiều nguy cơ các thế hệ sau cũng có khả năng bị bệnh cao hơn so với bình thường.
- Khi cách thức hoạt động của não bộ bị thay đổi có thể dẫn đến sự tiến triển của chứng rối loạn này.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc bệnh như:
- Những trải nghiệm không vui ở thời thơ ấu gây ám ảnh và kéo dài cho đến lúc trưởng thành. Ví dụ như tuổi thơ từng bị bỏ rơi, chán ghét, lạm dụng,…
- Sự quan tâm và nuông chiều quá mức của các thành viên trong gia đình cũng có thể khiến cho đối tượng cảm thấy cần phải dựa dẫm nhiều hơn. Từ nhỏ họ có thể phụ thuộc vào gia đình, khi lớn lên sẽ phụ thuộc vào bạn bè, đồng nghiệp, người yêu. Những đối tượng này sẽ cảm thấy khó khăn khi phải hòa nhập với cộng đồng nếu không có ai bên cạnh.
- Được sinh ra và lớn lên trong một môi trường giáo dục ngược đãi, hà khắc, phép tắc, khuôn khổ.
- Duy trì trong một mối quan hệ lạm dụng kéo dài liên tục.
Cách chẩn đoán rối loạn nhân cách phụ thuộc
Việc có thể sớm phát hiện và chẩn đoán đúng chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc mang ý nghĩa rất lớn đối với quá trình điều trị bệnh. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành một loạt kiểm tra về thể chất của bệnh nhân để có thể xem xét và đưa ra đánh giá cụ thể về những triệu chứng của bệnh. Điều này cũng sẽ giúp loại trừ khả năng các triệu chứng khởi nguồn từ những bệnh lý liên quan khác.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một vài xét nghiệm cần thiết, phổ biến nhất là xét nghiệm máu để xác định được hàm lượng hormone hiện có bên trong cơ thể. Nếu sau khi tiến hành xét nghiệm nhưng không nhận thấy dấu hiệu bất thường hay kết quả gì thì bác sĩ có thể tư vấn và giới thiệu cho người bệnh một chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Nếu nghi ngờ người đó mắc phải chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc thì các bác sĩ sức khỏe tâm thần sẽ bắt đầu tìm hiểu về các biểu hiện và triệu chứng mà họ đang mắc phải. Bên cạnh đó, họ sẽ khai thác cụ thể về các tiền sử bệnh lý của đối tượng và những người thân trong gia đình, đồng thời nhận định về tình trạng tâm lý của bệnh nhân.
Vì thế, để kết quả chẩn đoán bệnh được chuẩn xác nhất thì bạn cần phải chủ động chia sẻ, cung cấp đầy đủ thông tin một cách chân thực về những suy nghĩ, biểu hiện, cảm nhận của bản thân và các vấn đề mà mình đang gặp phải. Thông thường các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh DPD phải có tối thiểu 5 triệu chứng nhận biết.
Hướng điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc
Tương tự như những chứng rối loạn khác, rối loạn nhân cách phụ thuộc cũng sẽ được điều trị chủ yếu theo 2 phương pháp đó là sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý. Tùy vào độ tuổi, tình trạng bệnh, thời gian phát hiện bệnh, nguyên nhân gây ra bệnh và nhiều yếu tố khác mà các chuyên gia sẽ cân nhắc đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu hiện đang là phương pháp điều trị được ưu tiên hàng đầu đối với những đối tượng bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc. Đây là liệu pháp chủ yếu sử dụng ngôn ngữ để trò chuyện, giao tiếp giữa nhà trị liệu và người bệnh. Mục đích của phương pháp này chính là giúp cho người bệnh hiểu và nhìn nhận rõ về những suy nghĩ, hành vi tiêu cực của bản thân. Từ đó giúp họ tìm ra được biện pháp khắc phục và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Ưu điểm của phương pháp điều trị này đó chính là không sử dụng đến thuốc và không can thiệp đến cơ thể của người bệnh. Bệnh nhân sẽ được phục hồi sức khỏe một cách tự nhiên, không để lại biến chứng và hạn chế được tình trạng tái phát về sau. Đặc biệt, trong quá trình trị liệu, người bệnh DPD còn được hướng dẫn về cách kiểm soát cảm xúc, nâng cao các kỹ năng cần thiết để phục vụ cho cuộc sống, hạn chế tình trạng phụ thuộc vào người khác.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn đối với người bệnh rối loạn nhân cách phụ thuộc. Cũng bởi nếu kéo dài quá lâu sẽ khiến cho bệnh nhân phụ thuộc vào nhà trị liệu, từ đó khiến cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời, để quá trình điều trị mang lại kết quả tốt nhất, người bệnh cũng cần chủ động và thoải mái trong việc chia sẻ vấn đề với chuyên gia, tuân thủ đúng theo các chỉ định điều trị để mau chóng tái hòa nhập tốt với cộng đồng.
2. Điều trị bằng thuốc Tây
Đối với những trường hợp phát hiện muộn, các triệu chứng của DPD tiến triển ở mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh không thể tự thực hiện bất cứ công việc gì thì cần được cân nhắc áp dụng phương pháp sử dụng thuốc. Các loại thuốc điều trị sẽ hỗ trợ người bệnh kiểm soát và thuyên giảm các triệu chứng lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc độc lập sẽ không thể mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe tâm thần nên người bệnh sẽ được chỉ định kết hợp đồng thời với các biện pháp khác, phổ biến nhất là tâm lý trị liệu. Đối với các trường hợp bắt buộc phải điều trị bằng thuốc thì người bệnh cần phải nghiêm túc tuân thủ đúng theo các chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được thay đổi hoặc ngừng sử dụng đột ngột.
Cũng bởi hầu hết các loại thuốc hỗ trợ điều trị đều có khả năng gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Nếu người bệnh không thực hiện đúng hướng dẫn sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời làm cho tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng nếu nhận thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cách khắc phục phù hợp nhất.
Lưu ý: Ngoài việc áp dụng các biện pháp nêu trên thì người bệnh cũng cần duy trì chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao thật lành mạnh. Chú ý tăng cường bổ sung dinh dưỡng qua các thực phẩm ăn uống hàng ngày, xây dựng lối sống độc lập, cố gắng đặt mục tiêu để thực hiện các công việc hàng ngày.
Chứng rối loạn nhân cách phụ thuộc không phải là một căn bệnh phổ biến nhưng nó sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và làm suy giảm chức năng sống của người bệnh. Vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nhận biết của bệnh, bạn cần chủ động tiến hành thăm khám và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa để phục hồi sức khỏe tốt hơn.
Tham khảo thêm:
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD): Cách nhận biết và chữa trị
- Tìm hiểu về chứng rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (OCPD)
- Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD): Hiểu và điều trị hiệu quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!