Rối loạn nhân cách là gì? Dấu hiệu nhận biết và điều trị

Rối loạn nhân cách (Personality Disorder) là bệnh tâm thần khá phổ biến, gặp ở khoảng 6 – 11.1% dân số thế giới. Mặc dù có nhiều dạng lâm sàng khác nhau nhưng nhìn chung, người mắc chứng bệnh này luôn có sự bất thường, méo mó trong suy nghĩ, hành vi, cảm xúc dẫn đến thiếu tính linh hoạt, khó thích ứng và hòa hợp với xã hội.

Rối loạn nhân cách là gì
Rối loạn nhân cách (Personality Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần phổ biến, gặp ở khoảng 6 – 11.1% dân số thế giới

Rối loạn nhân cách là gì?

Rối loạn nhân cách (Personality Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần thường gặp, xảy ra ở khoảng 6 – 11.1% dân số thế giới. Thuật ngữ này đề cập đến các dạng nhân cách khác thường với suy nghĩ, hành vi, cách nhận định cứng nhắc, thiếu linh hoạt và khó thích ứng với xã hội. Tuy nhiên, sự bất thường ở những đối tượng này không đủ tiêu chí để đưa ra chẩn đoán mắc các bệnh tâm thần đặc trưng.

Bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhân cách gần như không thể thích nghi và hòa hợp với xã hội. Điều này gây ra không ít ảnh hưởng đối với những người xung quanh và bản thân người bệnh. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái đau khổ, tự cô lập, cuộc sống có nhiều xáo trộn và khó khăn trong việc duy trì hiệu suất lao động, học tập.

Rối loạn nhân cách khởi phát sớm từ thời thơ ấu và phát triển trong suốt thời kỳ thành niên. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, không có sự khác biệt rõ ràng về chủng tộc, tầng lớp kinh tế – xã hội và giới tính. Tuy nhiên, các dạng lâm sàng của rối loạn nhân cách có sự chênh lệch đáng kể ở nam và nữ giới.

Các dạng rối loạn nhân cách thường gặp

Rối loạn nhân cách bao gồm nhiều dạng khác nhau, trong đó được chia thành 3 nhóm (A, B và C). Các dạng rối loạn nhân cách cùng nhóm sẽ có các đặc điểm và biểu hiện tương tự.

1. Rối loạn nhân cách nhóm A

Rối loạn nhân cách nhóm A đặc trưng bởi những hành vi, nghi thức và suy nghĩ lập dị, kì quái. Nhóm này bao gồm 3 dạng lâm sàng là rối loạn nhân cách phân liệt, rối loạn nhân cách hoang tưởng và rối loạn nhân cách dạng phân liệt.

– Rối loạn nhân cách thể hoang tưởng (Paranoid personality disorder):

Rối loạn nhân cách thể hoang tưởng đặc trưng bởi sự thiếu tin cậy và nghi ngờ người khác một cách sâu sắc. Người bệnh luôn cho rằng những lời nói và hành vi của người khác đều bắt nguồn từ ý nghĩ xấu xa, hiểm ác.

nguyên nhân rối loạn nhân cách
Người mắc chứng rối loạn nhân cách thể hoang tưởng luôn cho rằng người có ý đồ xấu và muốn hãm hại bản thân
  • Bệnh nhân luôn ngờ vực, nghi ngờ về người khác và nỗi nghi ngờ ngày càng lan rộng
  • Có niềm tin vô cớ, không xác thực về việc những người xung quanh đang cố ý làm hại, lừa dối và thiếu sự chung thủy/ trung thành
  • Phản ứng bằng cách lăng mạ, xúc phạm hoặc thậm chí là tấn công người khác do nghi ngờ những người xung quanh có ý đồ xấu xa
  • Gần như không có thói quen chia sẻ vì lo lắng người khác sẽ sử dụng thông tin này để làm hại hoặc chống lại bản thân
  • Nghi ngờ bạn đời, người yêu không chung thủy mặc dù không hề có bằng chứng hay cơ sở xác thực
  • Luôn phản ứng giận dữ, thù địch với người khác – đặc biệt là những người đã có hành vi và lời nói xúc phạm đến bản thân người bệnh.

– Rối loạn nhân cách phân liệt (Schizoid personality disorder):

Rối loạn nhân cách thể phân liệt đặc trưng bởi tình trạng thiếu quan tâm với những người xung quanh, biểu hiện cảm xúc nghèo nàn và có xu hướng tách biệt với xã hội. Người bệnh luôn có biểu cảm lạnh lùng, thờ ơ và thiếu sự đồng cảm, chia sẻ.

  • Thích ở một mình, không quan tâm đến các mối quan hệ cá nhân và xã hội
  • Phạm vi biểu hiện cảm xúc hạn chế, bệnh nhân gần như không thể hiện sự sung sướng, vui vẻ hay cảm giác buồn rầu, đau khổ tột cùng.
  • Không có khả năng tiếp nhận với các tín hiệu xã hội, không không quan tâm và hứng thú với các hoạt động nhóm, cộng đồng
  • Thờ ơ, lạnh lùng với những người xung quanh
  • Hầu như không quan tâm đến đời sống tình dục
  • Sống khép kín, ít chia sẻ và gần như không có khả năng chia sẻ, đồng cảm với người khác

– Rối loạn nhân cách dạng phân liệt (Schizotypal personality disorder):

Rối loạn nhân cách thể giống phân liệt đặc trưng bởi sự méo mó trong ý nghĩ, hành vi, nhận thức và cách ứng xử lập dị, kì quái. Người có dạng nhân cách này thường khó chịu với những mối quan hệ thân thiết và gần gũi nên có xu hướng thích ở một mình, thiếu sự quan tâm, đồng cảm với những người xung quanh.

  • Có cách ăn mặc, hành xử, lời nói, niềm tin và suy nghĩ lập dị, khác thường
  • Thường xuyên nghe được giọng nói thì thầm và những trải nghiệm tri giác kì lạ khác
  • Phản ứng cảm xúc không phù hợp với hoàn cảnh
  • Luôn tỏ ra nghi ngờ, thờ ơ và lãnh đạm với những người xung quanh
  • Lo lắng trước những tình huống xã hội
  • Không thoải mái và thậm chí cảm thấy khó chịu với các mối quan hệ thân thiết.
  • Một số người bệnh tin rằng suy nghĩ của bản thân có thể ảnh hưởng đến mọi người.
  • Có niềm tin về những sự kiện, sự cố xảy ra trong cuộc sống truyền tải thông điệp dành riêng cho bản thân

2. Rối loạn nhân cách nhóm B

Rối loạn nhân cách nhóm B đặc trưng bởi suy nghĩ, hành vi bất ổn, kịch tính và thất thường. Nhóm B bao gồm 4 dạng rối loạn nhân cách là rối loạn nhân cách chống đối xã hội, rối loạn nhân cách ái kỷ, rối loạn nhân cách thể kịch tính và rối loạn nhân cách ranh giới.

– Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder):

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội đặc trưng bởi tình trạng thiếu trách nhiệm với xã hội, thao túng, lừa dối và không tôn trọng những người xung quanh. Người mắc dạng rối loạn nhân cách này thường không quan tâm đến người khác và thậm chí vi phạm quyền lợi của người khác vì mục đích cá nhân.

nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách
Người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường có các hành vi bạo lực, hung hăng để đạt được mục đích của bản thân
  • Không quan tâm đến cảm xúc, nhu cầu và suy nghĩ của người khác
  • Không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh
  • Vi phạm quyền lợi cá nhân của người khác vì lợi ích cá nhân. Do đó, người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội dễ dính líu đến pháp luật.
  • Thường xuyên sử dụng bí danh và các chiêu thức lừa đảo người khác, hay ăn cắp và nói dối
  • Có xu hướng bạo lực, có hành vi hung hăng và gây hấn với bất cứ ai ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân
  • Bốc đồng, vô trách nhiệm và gần như không hối hận về những hành vi của bản thân

– Rối loạn nhân cách thể kịch tính (Histrionic personality disorder):

Rối loạn nhân cách thể kịch tính đặc trưng bởi cảm xúc được thể hiện thái quá nhằm thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Người mắc hội chứng này thường có cảm xúc bất ổn, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác và luôn tìm kiếm sự chú ý trong bất cứ tình huống nào.

  • Biểu đạt cảm xúc một cách quá mức và kịch tính nhằm thu hút sự chú ý và đặc biệt luôn muốn khiêu khích ham muốn tình dục ở đối phương.
  • Tìm kiếm sự chú ý trong bất cứ tình huống nào.
  • Đưa ra những ý kiến, phát biểu có tính chất vĩ mô, đột phá nhưng gần như không thể thực hiện được.
  • Cảm xúc bất ổn, nông cạn và dễ bị ảnh hưởng bởi người khác
  • Luôn nghĩ mối quan hệ giữa bản thân và mọi người thân thiết hơn so với thực tế
  • Chăm chút và quan tâm đến ngoại hình vì luôn muốn thu hút ánh nhìn của những người xung quanh

– Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic personality disorder):

Rối loạn nhân cách ái kỷ mang đậm nét hoang tưởng vĩ đại, người bệnh thiếu sự thông cảm với người khác, luôn tự cao và yêu thích việc những người xung quanh ngưỡng mộ bản thân. Người mắc dạng rối loạn nhân cách này luôn tin rằng bản thân có sức hấp dẫn và thành công hơn người khác.

  • Có niềm tin mãnh liệt về việc bản thân quan trọng hơn những người xung quanh, luôn cho rằng bản thân có sức hấp dẫn, thành công và quyền lực (điều này thường quá mức và chênh lệch so với thực tế)
  • Không chú ý và thấu hiểu được cảm xúc, nhu cầu của người khác
  • Luôn phóng đại tài năng và thành tích của bản thân
  • Kiêu căng, tự đại
  • Luôn muốn người khác ngưỡng mộ và khen ngợi bản thân
  • Luôn cho rằng người khác ghen tị với bản thân và thường ghen tị với những người xung quanh

– Rối loạn nhân cách ranh giới/ thể bất định (Borderline personality disorder)

Rối loạn nhân cách ranh giới đặc trưng bởi tình trạng rối loạn điều chỉnh cảm xúc, không chịu được sự cô đơn dẫn đến căng thẳng trong các mối quan hệ cá nhân (bạn bè, người yêu, vợ chồng,…). Vì không chịu được sự cô đơn nên bệnh nhân có xu hướng tạo ra những hành vi bất thường (tự sát, đe dọa) để được người khác chăm sóc và quan tâm.

  • Có những hành vi bốc đồng và đe dọa đến sự an toàn, sức khỏe của bản thân như ăn uống vô độ, chơi cờ bạc và quan hệ tình dục không an toàn
  • Bản thân người bệnh có tâm trạng không ổn định và thường phản ứng căng thẳng với các mối quan hệ cá nhân
  • Có các mối quan hệ không ổn định
  • Có những vi đe dọa tự gây thương tích và tự sát để tìm kiếm sự chăm sóc do nỗi sợ bị bỏ rơi.
  • Người bệnh luôn có nỗi sợ hãi khi bị bỏ rơi hoặc ở một mình
  • Thường xuyên tức giận không rõ nguyên do
  • Bản thân người bệnh quá nhạy cảm trong các mối quan hệ cá nhân, tâm trạng dễ bị ảnh hưởng và rất khó để kiểm soát sự giận dữ. Bệnh nhân biểu hiện sự giận dữ khá đa dạng như la hét, cay nghiệt, mỉa mai, thậm chí có những hành vi bạo lực và phá hoại.
  • Luôn cảm thấy trống rỗng

3. Rối loạn nhân cách nhóm C

Rối loạn nhân cách nhóm C đặc trưng bởi hành vi, suy nghĩ lo lắng và sợ hãi quá mức. Nhóm C bao gồm 3 dạng rối loạn nhân cách là rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nhân cách phụ thuộc và rối loạn nhân cách né tránh. Rối loạn nhân cách nhóm C rất dễ bị nhầm lẫn với rối loạn lo âu.

– Rối loạn nhân cách né tránh (Avoidant personality disorder):

Rối loạn nhân cách né tránh là dạng nhân cách đặc trưng bởi tình trạng quá nhạy cảm với những lời phê bình, đánh giá tiêu cực, thiếu sự tự tin và bị ức chế trong giao thiệp xã hội. Vì tâm lý sợ hãi và lo âu nên bệnh nhân có xu hướng né tránh với những tình huống xã hội.

biểu hiện của rối loạn nhân cách
Người mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh luôn rụt rè trong các tình huống xã hội như giao tiếp, gặp gỡ,…
  • Nhạy cảm quá mức với những lời chỉ trích, phê bình và từ chối
  • Cảm thấy bản thân kém hấp dẫn và thiếu tự tin khi gặp gỡ người khác
  • Rụt rè, cô lập với những người xung quanh, có xu hướng né tránh gặp gỡ với người lạ và tham gia các hoạt động mới mẻ
  • Nhút nhát trong các mối quan hệ và luôn thường trực nỗi sợ về việc bị chế giễu, phản đối,…

– Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent personality disorder):

Rối loạn nhân cách phụ thuộc là dạng rối loạn nhân cách mà bản thân người bệnh có nhu cầu thái quá về việc được người khác quan tâm và chăm sóc. Người bệnh phụ thuộc quá mức vào những người xung quanh, nhõng nhẽo và gặp nhiều khó khăn khi không có người đồng hành.

  • Phụ thuộc quá mức vào người khác, luôn có nhu cầu được chăm sóc và yêu chiều
  • Sợ hãi về việc bản thân bị bỏ rơi hoặc phải tự chăm sóc bản thân một mình
  • Có xu hướng đeo bám người khác
  • Gần như không thể nói từ chối với người khác
  • Sợ bị phản đối, khó khăn khi làm các công việc một mình
  • Thiếu sự tự tin và luôn cần sự trấn an, động viên và lời khuyên của người khác để đưa ra quyết định dù không quá quan trọng.
  • Tìm kiếm ngay một mối quan hệ khác ngay khi mối quan hệ thân thiết vừa tan vỡ.

– Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-compulsive personality disorder):

Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế đặc trưng bởi sự cầu toàn, cứng nhắc, chú ý đến thứ tự, tính cách bướng bỉnh và gần như không thể thay đổi trước tác động của những người xung quanh. Người mắc dạng rối loạn nhân cách này luôn khống chế tinh thần của bản thân trong các mối quan hệ cá nhân, công việc, học tập dẫn đến giảm tính linh hoạt và cởi mở.

  • Quan tâm quá mức đến các quy tắc, thứ tụ, trật tự và chi tiết
  • Theo chủ nghĩa hoàn hảo, thậm chí rơi vào trạng thái lo âu và đau khổ vì không thể hoàn thành được chỉ tiêu khắt khe mà bản thân đã đưa ra.
  • Quan tâm quá mức đến công việc dẫn đến giảm quan tâm, hứng thú với những mối quan hệ cá nhân như bạn bè, gia đình, bạn đời,…
  • Muốn kiểm soát mọi tình huống và nhiệm vụ, công việc
  • Tính cách bướng bỉnh, cứng nhắc và không có thói quen bỏ các vật dụng đã cũ
  • Thiếu tính tinh hoạt trong tất cả các tình huống
  • Kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu

Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế không giống với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Người mắc chứng OCD phải thực hiện các nghi thức, hành vi do suy nghĩ xuất hiện một cách cưỡng chế và lặp đi lặp lại. Trong khi đó, người bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế có tính cách đặc trưng bởi sự cầu toàn, cứng nhắc, hoàn toàn không bị thôi thúc bởi các suy nghĩ ám ảnh.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách có biểu hiện đa dạng tùy theo dạng lâm sàng cụ thể. Tuy nhiên nhìn chung, người mắc chứng bệnh này luôn có những biểu hiện như sau:

  • Tính khí thất thường, không ổn định
  • Cứng nhắc, rụt rè và thiếu tự tin/ tự cao quá mức
  • Có cảm giác trống rỗng
  • Khó kiềm chế sự giận dữ và thường xuyên nổi giận không rõ nguyên nhân
  • Có những hành vi không phù hợp với hoàn cảnh, xã hội
  • Sự bất thường trong tính cách kéo dài, không phải xảy ra trong một giai đoạn do sang chấn tâm lý hay stress

Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách khởi phát sớm từ thời thơ ấu và trở nên rõ ràng, sâu sắc hơn ở tuổi trưởng thành. Tương tự như các chứng bệnh tâm thần khác, nguyên nhân gây ra chứng bệnh này là do sự tương tác giữa nhiều yếu tố khác nhau như di truyền, môi trường, các yếu tố sinh hóa, cá nhân và gia đình.

biểu hiện của rối loạn nhân cách
Gen di truyền là một trong những yếu tố góp phần vào hình thành chứng rối loạn nhân cách

Các nguyên nhân và yếu tố có thể gây rối loạn nhân cách:

  • Gen di truyền
  • Môi trường sống (tác động từ gia đình, xã hội)
  • Tiền sử gia đình mắc các bệnh tâm thần nói chung và rối loạn nhân cách nói riêng
  • Từng bị bạo hành, bỏ rơi từ nhỏ
  • Rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ
  • Có sự khác biệt về cấu trúc và hoạt động của các cơ quan bên trong bộ não

Mặc dù xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng gen di truyền và môi trường sống được xem là hai yếu tố quan trọng nhất trong cơ chế bệnh sinh. Nhân cách chi phối trực tiếp đến cách nhìn nhận, suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mỗi cá thể. Do đó, tính cách bất thường cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tâm lý khác như trầm cảm, tâm thần phân biệt, rối loạn hoang tưởng và rối loạn lo âu.

Rối loạn nhân cách có ảnh hưởng gì không?

Rối loạn nhân cách gây ra nhiều trở ngại, làm gián đoạn cuộc sống của người bệnh và những người xung quanh. Tính cách bất thường và có phần lập dị, cứng nhắc khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc kết bạn, duy trì các mối quan hệ thân thiết. Đặc biệt, những người bị rối loạn nhân cách nhóm A gần như không quan tâm và hoàn toàn không có nhu cầu kết bạn hay chia sẻ.

Chính sự tách rời với xã hội khiến bệnh nhân thiếu đi những cảm xúc tích cực và gần như không có lý tưởng sống hoặc hình thành lý tưởng sống méo mó, lập dị. Người mắc chứng bệnh này có xu hướng tự cô lập, lạm dụng rượu bia và chất gây nghiện.

Ngoài ra, rối loạn nhân cách cũng là nguyên nhân dẫn đến các hành vi bạo lực gây hại cho người khác và chính bản thân. Với những trường hợp mắc các bệnh tâm thần kết hợp, diễn tiến bệnh trở nên phức tạp và bệnh nhân có những ý nghĩ, hành vi đe dọa đến an nguy của những người xung quanh. Chính vì vậy, thăm khám và điều trị rối loạn nhân cách sớm là vấn đề hết sức quan trọng.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách

Rối loạn nhân cách được chẩn đoán thông qua các kỹ thuật sau:

  • Khám sức khỏe tổng quát: Bao gồm khai thác tiền sử cá nhân, gia đình, xét nghiệm sàng lọc rượu, ma túy và chụp CT, MRI não bộ.
  • Đánh giá sức khỏe tâm thần: Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ trao đổi trực tiếp để hiểu rõ hơn về hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần trả lời bảng câu hỏi để bác sĩ đánh giá chính xác hơn sức khỏe tâm thần.
  • Tiêu chí chẩn đoán: Sau khi thu thập triệu chứng, bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chí chẩn đoán DSM-5 được ban hành bởi Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ để đưa ra chẩn đoán xác định.

Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách

Điều trị rối loạn nhân cách phụ thuộc hoàn toàn vào dạng lâm sàng, mức độ bệnh lý, môi trường, độ tuổi, tín ngưỡng và một số yếu tố khác. Đa phần người mắc chứng bệnh này đều khởi phát bệnh sớm và chỉ thăm khám trong giai đoạn trưởng thành. Do đó, điều trị bệnh thường được thực hiện trong thời gian dài và cần có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè.

Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách có thể được áp dụng:

1. Tâm lý trị liệu

Về bản chất, rối loạn nhân cách là sự lệch lạc về suy nghĩ, cách phản ứng, hành vi, tư duy và nhận thức. Do đó, lựa chọn ưu tiên trong điều trị bệnh lý này là tâm lý trị liệu. Liệu pháp này sử dụng phương thức giao tiếp để người bệnh có thể bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bản thân. Từ đó giúp chuyên gia hiểu rõ hơn về bệnh tình và đưa ra những giải pháp giúp người bệnh đối phó với căng thẳng và những bất thường trong tính cách.

biểu hiện của rối loạn nhân cách
Tâm lý trị liệu là giải pháp tối ưu cho bệnh nhân bị rối loạn nhân cách

Song song với liệu pháp cá nhân, bệnh nhân rối loạn nhân cách sẽ được điều trị với liệu pháp nhóm. Liệu pháp này cho phép các bệnh nhân cùng với những người mắc chứng rối loạn nhân cách trò chuyện để tìm kiếm sự đồng cảm. Ngoài ra, các bệnh nhân có thể hỗ trợ và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm để kiểm soát chứng rối loạn nhân cách hiệu quả.

Với những bệnh nhân thiếu hụt kỹ năng xã hội và khó thích nghi, các chuyên gia sẽ hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để hòa nhập với mọi người, chủ động trong giao tiếp và tự tin hơn khi tạo lập mối quan hệ. Tùy theo từng dạng rối loạn nhân cách, bệnh nhân cũng có thể được huấn luyện cách tự chăm sóc bản thân và đối mặt với nỗi cô đơn khi ở một mình.

2. Sử dụng thuốc

Không có loại thuốc đặc hiệu đối với chứng rối loạn nhân cách. Tuy nhiên tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc để giảm căng thẳng, cải thiện tình trạng lo âu, cáu kỉnh, tức giận, hung hăng,…

điều trị rối loạn nhân cách
Thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn nhân cách với mục đích giảm các hành vi hung hăng, gây hấn và làm dịu các cảm xúc tiêu cực

Các loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn nhân cách bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm (thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRIs, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine – SNRIs, thuốc ức chế monoamin oxidase – MAOIs)
  • Thuốc ổn định tâm trạng (thuốc chống co giật, Lithium)
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc giải lo âu

Sử dụng thuốc có thể giảm nhanh chóng các cảm xúc tiêu cực ở bệnh nhân rối loạn nhân cách. Tuy nhiên, dùng thuốc luôn tiềm ẩn rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó, phương pháp này chỉ được xem là biện pháp hỗ trợ bên cạnh liệu pháp tâm lý.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài sử dụng thuốc và trị liệu tâm lý, bệnh nhân rối loạn nhân cách cũng cần thực hiện một số biện pháp hỗ trợ để cải thiện tâm trạng, giảm các hành vi bốc đồng và gây hấn. Bên cạnh đó, các biện pháp này phần nào có thể kiểm soát được tình trạng căng thẳng trước những tình huống xã hội và các mối quan hệ cá nhân.

điều trị rối loạn nhân cách
Bệnh nhân nên tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe và các cảm xúc tiêu cực như giận dữ, hung hăng, căng thẳng,…

Các biện pháp hỗ trợ cải thiện chứng rối loạn nhân cách:

  • Tăng cường các hoạt động thể chất để nâng cao sức khỏe và giải tỏa căng thẳng lo âu. Tập thể dục mỗi ngày đã được chứng minh có thể giảm stress, hạn chế cảm giác tiêu cực, giận dữ và giảm các hành vi hung hăng ở người bị rối loạn nhân cách.
  • Không sử dụng bia rượu, thuốc lá, chất gây nghiện và hạn chế dùng quá nhiều caffeine.
  • Lên kế hoạch làm việc và học tập khoa học để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, cần tránh đạt ra các tiêu chuẩn quá khắt khe với bản thân.
  • Có thể thực hiện một số kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, ngồi thiền, yoga, âm nhạc trị liệu, liệu pháp mùi hương,… để giảm căng thẳng, lo âu và kiểm soát các cảm xúc tiêu cực của bản thân.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc.

Rối loạn nhân cách có thể được kiểm soát nếu điều trị và chăm sóc đúng cách. Ở những trường hợp có các bệnh tâm thần đi kèm, mức độ đáp ứng thường hạn chế, điều trị bệnh khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, về cơ bản, những trường hợp tích cực chữa trị đều nhận thấy cải thiện tích cực và có thể duy trì được các mối quan hệ cá nhân, xã hội.

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *